Nội Dung Chính
Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2
Chương 3: Tương Ưng Giới
BẢY PHÁP NÀY (Sattadhatusutta)
Kinh này mà bà con không được nghe là đọc không hiểu. Kinh này Đức Phật nói đến những đề mục thiền Chỉ dành cho người tu nhanh. Ôn lại kinh Bốn Cách Hành Trì trong Tăng Chi Bộ kinh. Ngày hôm qua tôi thức khuya, tính là coi chú giải hết tất cả các kinh sáng dạy bù cho bà con nhưng lại quên vặn chuông đồng hồ. Coi nhiều rồi ngủ quên luôn.
“2) — Này các Tỷ-kheo, có bảy giới này.
Thế nào là bảy? Quang giới, Tịnh giới, Không vô biên xứ giới, Thức vô biên xứ giới, Vô sở hữu xứ giới, Phi tưởng phi phi tưởng xứ giới, Diệt thọ tưởng giới.”
Chữ ‘Tịnh’ ở đây được dịch từ chữ ‘subha’, Sớ giải giải thích là Đẹp, không phải Sạch. Sớ giải ghi rõ ‘subha’ ở đây là ‘suvanna’ (đẹp) là cái gì đối lập với ‘dubbanna’ (xấu). Hồi đó đến giờ mình quen nói “đề mục bất tịnh” thật ra chữ ‘subha’ không có nghĩa là ‘tịnh’, mà là ‘sạch’ và ‘đẹp’, không hiểu sao trong Hán Tạng ngài Huyền Trang, Pháp Hiển, An Thế Cao, Cưu Ma La Thập không biết vị nào đầu tiên dịch chữ ‘subha’ là Tịnh. Người đầu tiên chọn nghĩa nào thì người đời sau cứ vậy mà dùng. Từ đó về sau có chữ ‘bất tịnh’. Chữ ‘asubha’ dịch là ‘bất tịnh’ thì hơi kẹt, phải dịch là ‘bất mỹ’. (Phải vào Tika của kinh này mới thấy điều tôi vừa nói).
Trong các đề mục tu thiền, có hai loại chính là đẹp và không đẹp (subha và asubha). Đối với người sơ cơ (trí chậm, biết ít) các đề mục được chia ra rất chi li, các đề mục bất mỹ như tử thi, tử thi mới chết, tử thi trương phình, tử thi bị đứt khúc từng phần. Thể trược gồm tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương… hoặc đề mục màu xanh, vàng, đỏ, trắng, hoặc đất, nước, lửa, gió, hư không, ánh sáng, đề mục tứ đại v.v… Nhưng khi phải nói gọn thì thiền Chỉ (Samatha) chỉ là sự tập trung tư tưởng vào một hình ảnh nào đó, đẹp hoặc xấu. Ví dụ, hơi thở không phải là xấu, màu xanh màu vàng, màu đỏ, không có xấu.
Đức Phật dạy trong trường hợp nói về xấu thì gồm có những đề mục nào nhìn vô thấy khó chịu. Trong Tăng Chi Bộ giải thích, hành dễ là tu bằng những đề mục đẹp mắt, sạch sẽ, không gây khó chịu; hành khó là tu bằng những đề mục khó nhìn, khó ngửi. Có bốn hạng hành giả: hành dễ đắc chậm, hành dễ đắc nhanh, hành khó đắc chậm, hành khó đắc nhanh.
Kinh Bảy Giới nói đến loại đề mục của người hành dễ. Tức là tu bằng đề mục ánh sáng, đề mục sạch đẹp. Có 6 căn tánh tâm lý gồm: tham, sân, si, tầm, tín, giác. Đề mục ánh sáng được dùng để trấn áp hôn trầm cho hành giả, đặc biệt thích hợp với người có căn tánh trí tuệ. Theo Thanh Tịnh Đạo, hành giả đặt một nguồn sáng (có thể là ngọn lửa, hay đèn ngủ) phía sau một tấm màn che (bằng gỗ, bằng giấy, bằng da hoặc bằng vải) có khoét lỗ tròn đường kính dài một gang cộng bốn ngón tay khép lại (ước chừng 24cm) để tạo một quầng sáng. Hành giả nhìn vào quầng sáng đó và niệm “aloka, aloka” (ánh sáng, ánh sáng). Niệm đến một lúc nào đó nếu đủ duyên thì đắc định, đắc thần thông bằng đề mục đó. Với người đắc định đắc thần thông bằng đề mục ánh sáng họ có thể làm được điều này:
1. Biến ban đêm thành ban ngày cho riêng họ, cho cả một vùng đất hoặc cho cả một hành tinh.
2. Làm cho đương sự không buồn ngủ.
Trong kinh dạy, khi nào buồn ngủ, nên ngồi trong phòng riêng ban đêm hoặc khuya, niệm đề mục ánh sáng sẽ có cảm giác đang ngồi giữa trời trống thanh thiên bạch nhật. Ngài Mục Kiền Liên khi đi tu lúc chưa đắc A-la-hán, Đức Phật có dạy kinh nghiệm này, Ngài nói khi buồn ngủ dùng hai tay tự xoa bóp vào hai lỗ tai và bóp hai cánh tay, co duỗi rồi đi rửa mặt bằng nước lạnh. Theo tôi biết, mùa đông rửa mặt bằng nước lạnh vẫn tốt hơn rửa mặt bằng nước nóng, nếu kẹt quá thì dùng nước ấm. Rửa mặt nước lạnh làm cho mình tỉnh. Trong cuốn sách của một bà ở Texas, Chánh án người Việt ở Canada, có bày kinh nghiệm tôi đã làm qua tôi thấy hay là khi nào mình bị stress, quá căng thẳng sắp chết tới nơi mà sợ đứt gân máu, cách nhanh nhất lúc đó là đến lavabo xả nước lạnh vào hai cổ tay (wrist) để giảm stress. Hoặc khi suy nhược mệt mỏi cũng làm như vậy, hoặc đi ngoài đường có chai nước suối cũng làm như vậy sẽ nghe khỏe liền, vì thân nhiệt tập trung nơi đó, nơi bắt mạch.
Có người tu bằng đề mục ánh sáng, có người tu bằng đề mục sạch sẽ (tức là không phải đề mục khó nhìn, khó ngửi).
Sau 2 đề mục ánh sáng và các đề mục đẹp là các đề mục Vô sắc và thiền diệt, thọ, tưởng.
Nói cho rốt ráo, toàn bộ Phật pháp chỉ có giới, định, tuệ. Giới nghĩa là sự thu thúc thân nghiệp và khẩu nghiệp. Nghĩa là mình không tiếp tục nói, làm những chuyện như là mình thích mà phải làm theo lời dạy của Đức Phật.
Định là sự tập trung tư tưởng. Cách thức duy nhất để tập trung tư tưởng là không để nó đi lang thang nữa mà phải gom, cột nó vào một chỗ (đề mục). Tâm không lang thang nữa thì sẽ có một sức mạnh không thể nào tưởng tượng được. Khi muốn tu hành giải thoát thì trước hết mình phải có thân nghiệp khẩu nghiệp sạch sẽ. Một người có đời sống bê bối thì tâm không yên làm sao có định. Định ở đây là sự cột tâm vào cảnh đẹp hay xấu. Người phước nhiều chỉ tu bằng đề mục đẹp, nhẹ. Họ không cần phải vào rừng sâu núi thẳm sống cơ cực quán tưởng thể trược mới đắc. Chư Phật khổ hạnh lâu nhất chỉ 10 tháng và chỉ trải qua một ít thời gian khổ hạnh cho biết chứ không phải tự đày đọa ghê gớm như Bồ tát Tất Đạt. Có vị ba tháng, có vị một tháng, như Bồ Tát Di Lạc thì chỉ một tuần lễ. Chỉ dùng đề mục hơi thở là xong, từ đó có tất cả. Bồ tát Tất Đạt thì trải qua sáu năm ròng khổ hạnh trong rừng, ăn dơ ở dơ, đói rách lạnh lẽo nóng bức, muỗi mòng côn trùng chích đốt. Nói gọn lại trường hợp Ngài là đặc biệt do nghiệp riêng ám chứ còn người trí nhiều phước nhiều thì tu không khó như vậy. Trong kinh nói ngài Cūḷapanthaka đời xưa là người cực kỳ thông tuệ học đâu hiểu đó, nhưng trong một lúc dễ duôi đã có câu nói bất kính đối với một vị tỳ kheo già trí nhớ chậm với ý giễu cợt. Do lòng tự cao tự đại, khinh bỉ người khác như vậy, nhiều kiếp sống sau đó trong vòng luân hồi, trí nhớ của ngài tệ không tưởng tượng được. Đến đời Đức Phật Thích Ca, trí nhớ của ngài quá tệ đến nỗi mười hai câu học hoài không thuộc. Đức Phật đưa cho ngài cái khăn, ngài nhìn và quán niệm vô thường, đắc A-la-hán, lập tức chứng lục thông tam minh, tứ tuệ phân tích và trí nhớ như biển.
Tuệ: sau khi có khả năng định tâm thì người đó có đủ điều kiện để quan sát, ghi nhận cái gì đang xảy ra và bản chất thật sự của nó (“what is” and “how is”). Ví dụ hành giả biết rõ mình đang bị đau nhức, biết rõ đây là khổ thọ (đó là trí), biết mình đang muốn dời đổi oai nghi (đó là niệm), biết rõ cái muốn này là tham ái. Khi dời đổi oai nghi biết rõ mình đang dời đổi oai nghi, khi dời đổi oai nghi thì cảm thấy dễ chịu lập tức biết rõ đây là lạc thọ. Thấy mình thích thì biết cái thích này chính là tâm tham.
Nếu mình có đủ trí đủ phước thì đâu có cần thiết phải tu bằng những đề mục khó khăn, khó nhìn, khó ngửi. Nếu đủ phước đủ trí chỉ tu đề mục hơi thở là đủ. Nhiều người cứ hiểu lầm tu là phải chịu khổ, chịu cực, hiểu vậy không đúng. Tu không có nghĩa là đi kiếm cái khổ cái cực, lý do người tu khổ cực là vì họ không đi kiếm cái sướng, chớ không phải khổ cực là tu. Giống như một thời gian rất dài, người cộng sản cứ nghĩ là cộng sản phải xấu, nghèo, còn gì đẹp ngon là tàn dư của đế quốc. Người lên tiếng nói về điều hiểu lầm đó là nhà báo Trần Bạch Đằng. Tu không hẳn là đi tìm cái khổ mà quan trọng là cái thái độ của mình trước cái khổ và cái vui chớ không phải là trốn vui tìm cái khổ.
So với các đề mục nặng nề thì ánh sáng có vẻ nhẹ nhàng hơn. So với các đề mục dơ xấu thì đề mục sạch đẹp vẫn dễ chịu hơn. So với các đề mục thuộc vật chất thì đề mục phi vật chất vẫn tốt hơn, nhẹ nhàng hơn. Ngay trong lúc mình còn là phàm chưa là thánh thì cách tu của mình quyết định sau này mình sẽ chứng thánh kiểu nào, có người gặp Đức Phật chỉ nghe một câu là thành thánh, không cần phải trải qua những năm tháng cạo đầu đắp y, mang bát đi chân không nắng gió mưa sương, bữa đói bữa no bữa đói, bữa lạnh, thiếu thuốc, bởi giác ngộ hay chứng thánh chỉ là sự thay đổi cách nhìn.
Kẹt mới phải tu với các đề mục dơ xấu chớ nếu lựa thì ai cũng chọn đề mục sạch đẹp. Khổ nỗi, không phải lựa là được bởi do căn tánh tu hành. Có người đời trước có bố thí trì giới học đạo cung kính nên đời này có sức khỏe, có tài sản, nhan sắc có tiếng tăm quyền lực, trí tuệ, họ đi tu mới sướng biết bao, còn học hành dang dở thiếu kiến thức đi tu hơi khó, sức khỏe yếu, tài chính eo hẹp cũng khó tu. Một người tu có tài sản vẫn dễ tu hơn. Tài sản ở đây tức là khả năng tài chính, ví dụ như đau răng, đau bụng có tiền đi bác sĩ; không có khả năng tài chánh thì nhức răng chỉ biết ngậm muối. Đó là lý do tại sao mình phải có Ba-la-mật, phải có bố thí, phải có trì giới. Bố thí là để mài mòn bỏn xẻn, là để đời sau kiếp khác sanh ra lúc nào cũng thoải mái. Nghèo quá mới đi ăn cướp, lừa đảo, trộm cắp, nghèo quá mới tham cái này thích cái kia, còn Bồ tát sanh ra nhìn gia tài như bãi nước bọt. Khi thiếu phước thì tu khó vô cùng. Một người không tu tạo công đức mà cứ buông trôi thả nổi sáu căn, thích tùm lum mà không đủ phước để hưởng thì giống y như kẻ đa tình thiếu điều kiện hào hoa. Tu tập Tứ Niệm Xứ có lợi là nếu mình nhiều phước thì mình bớt được tâm tham, còn ít phước thì bớt được tâm sân. Hơn nữa, tu Tứ Niệm Xứ sẽ không gieo nhân tham trước cảnh mình thích và không gieo nhân sân trước cảnh mình ghét.
Nội dung kinh này là ta chuẩn bị thế nào để có thể tu bằng đề mục sạch đẹp, và muốn trau dồi Định học bằng đề mục Vô Sắc thì trước tiên ta phải đắc thiền Sắc giới. Định học ở mỗi người có nhiều cấp độ (level) khác nhau: Sát-na định, Cận định, Sắc giới định, Vô sắc định. Giới học của mỗi người cũng khác nhau: 5 giới, 8 giới, 10 giới, sadi giới, tỳ kheo giới. Không phải muốn giữ bao nhiêu giới là muốn, có người cứ tưởng chỉ cần tinh tấn là được, không phải vậy, cần phải có phước duyên đời trước nữa. Có người nhịn ăn chiều là bị đau bao tử, chưa kể có người hoàn cảnh sống không cho phép họ giữ bát quan, họ là người nấu ăn phải nêm nếm, phải làm lụng cực khổ không nhịn bữa chiều được, hoặc đi làm bảy ngày trong tuần không thể bát quan. Hoặc những người không thể không giữ tiền, phải tự mình lo cho mình mà không giữ tiền thì không thể. Sự hỗ trợ từ người khác cũng rất quan trọng nếu người èo uột bịnh quanh năm phải xài tiền, phải uống thuốc. Vì vậy, phải chuẩn bị Ba-la-mật thế nào đó để mai sau chứng thánh theo cách mình muốn. Ví dụ như ngài Xá Lợi Phất, đang sung sướng làm công tử, đi xuất gia gặp ngài Assaji nói một câu là đắc Tu-đà-hoàn, quá sướng luôn, trong khi đó có những vị tu mấy chục năm rừng sâu núi thẳm rắn rít muỗi mòng chích đốt, rồi bị chúng đánh chửi, đi bát xong quay về thấy cốc bị đốt thành đống tro tàn. Thầy tu mà muốn cất cái cốc không dễ, một thân một mình làm sao gây dựng lại cái chòi lá. Ở Mỹ tôi có làm cái chòi kiểu Mỹ, tôi ra ngoài Home Depot mua ván về ghép thành ba miếng lớn hình chữ nhật, ba miếng này nối kết bằng những bản lề lớn, tạo thành một hình tam giác. Thế là có cái cốc rất gọn, rất đơn giản, ngày xưa tu sĩ làm gì có ván có bản lề để làm như vậy.
CÓ NHÂN (Sanidānasutta)
Kinh Có Nhân, nội dung y hệt như phần đầu của buổi giảng sáng nay: Do có giới sai biệt nên mới có Dục sai biệt, có tư duy sai biệt, có tầm sai biệt, não hại sai biệt v.v… Cứ như vậy mà hiểu.
Chữ ‘giới’ trong kinh này ám chỉ cho tà tư duy và chánh tư duy. Đức Phật xác nhận do có Dục tư duy mới có Sân tư duy và Hại tư duy. Do có Ly dục tư duy mới có Vô sân tư duy và Bất hại tư duy.
Ở trong mấy chục bài trước tôi đã nhắc đi nhắc lại nhấn mạnh không biết bao nhiêu lần đó là ở đâu có thích thì ở đâu có ghét. Ở đâu có đam mê thì ở đó có bất mãn. Hai cái này là một cặp. Khi ta còn đam mê năm dục thì ta còn phải đối diện với nỗi khổ từ năm dục. Khi ta vui với cái ta thích thì ta sẽ khổ với cái gì đối lập với nó. Dục tư duy là những suy nghĩ chìm đắm trong đam mê năm dục. Từ chỗ do có đam mê này mới có Sân tư duy. Sân tư duy là sự bất mãn, khó chịu với người hay vật nào đó. Hại tư duy là suy nghĩ muốn đạp đổ, tàn phá, xóa dấu người hay vật nào đó. Thánh Nhị quả giảm nhẹ Dục ái và Sân. Tam quả dứt hẳn Dục ái và Sân. Cõi Phạm Thiên không có Dục ái và Sân.
Trong thiền Chỉ, ở tầng thiền thứ tư, hành giả không còn cảm giác khổ và lạc. Khổ là nhân sanh của Sân, Lạc là nhân của Tham. Khổ và Lạc là một cặp. Dục ái và Sân là một cặp. Thích khen sợ chê là một cặp. Yêu và ghét là một cặp. Phải bỏ hết mới giải thoát, không thể giữ lại một trong hai. Đây là nội dung của bài kinh này.
Thích khen sợ chê:
Khi nghe người ta khen mà còn khoái là phải hiểu ngầm, mai này nghe ai mà chửi chê thì mình chỉ có nước nhảy lầu thôi. Tôi không phải là thiền sư, không phải hành giả, càng không phải là thánh nhân nhưng tôi sợ khổ tâm, tôi tự nhủ lòng: nhớ nghen, càng mê ngọt thì tới hồi đắng là chịu không nổi. Cũng có người khen tôi nhưng tôi luôn luôn nhủ lòng cái này là đồ giả và hại mình. Người ta khen xong người ta quên mất tiêu, người ta có chê mình xong người ta cũng trùm mền ngủ quên mất tiêu. Vấn đề là mình ôm cái lời khen chê đó vào giường, ôm đi ngoài đường, chớ khi người ta nói xong là người không còn nhớ gì nữa, chỉ có mình cõng về để buồn vui với cái khen chê đó. Kẻ nào càng mê hưởng thụ thì khi gặp khổ chỉ có chết thôi. Kẻ còn mê cái gì đó thì có lúc sẽ khổ vì bất mãn cái gì đó. Không mê lời khen thì sẽ không khổ vì lời chê. Không có quá vui khi gặp được cái mình thích thì sẽ không quá khổ khi gặp cái mình ghét. Đây là lý do tại sao Đức Phật dạy mình phải tu hành để giải thoát, để buông hết, không giữ lại gì hết, giữ một cái thì sẽ kéo theo một ngàn vấn đề. Người Tàu có câu “sinh sự thì sự sinh”, nghĩa là mình thêm một chuyện thì nó lại thêm một chuyện, bớt được một chuyện thì sẽ bớt được một chuyện. Ví dụ, khoái tiệc tùng thì phải mời mọc bạn bè về nấu nướng, lúc ăn uống thế nào cũng lời qua tiếng lại, nói những câu bị sốc, bị phiền. Ông Voltaire nói: Khi không còn gì để nói thì người ta sẽ nói bậy. Không có gì để làm thì sẽ làm bậy. Không có gì để nghĩ thì sẽ nghĩ bậy. Ráp lại với nhau là sẽ nói chuyện, khi cạn đề tài thì lại nói bậy, khen đãi bôi cũng làm người ta phiền.
Ở đây Đức Phật dùng một ví dụ miêu tả hình ảnh người tu giống như một người nhanh tay dập lửa khi lỡ tay quăng lửa vào đám cỏ khô.Nghĩa là ngay khi biết được đây là suy nghĩ bất thiện thì lập tức nó biến mất. Nếu chưa mất luôn, nó còn quay trở lại thì tiếp tục nhận diện nó lần nữa. Buổi đầu chưa được, lâu ngày sẽ được. Ví dụ quí vị nhận cái email của ai đó giận quá, quí vị muốn viết email chửi người ta, khi muốn viết, lập tức chánh niệm báo cho biết là cái này không nên, bày ra được coi chừng dẹp không được, thôi chuyện lớn hóa nhỏ, nhỏ hóa không. Nhưng lát sau muốn nữa, mình lại tiếp tục ghi nhận: cái này không nên. Vì vậy Đức Phật dùng hình ảnh người tu giống như kẻ nhanh tay dập lửa sau khi lỡ tay quăng lửa; vừa có một suy nghĩ hay sắp có một hành động, một câu nói hại mình hại người thì tìm cách kiềm chế.
CĂN NHÀ GẠCH (Giñjakāvasathasutta)
‘Ginjaka’: gạch (brick). Chỉ giảng một kinh này bà con sẽ hiểu hết chục bài tiếp theo. Có người nói với tôi tại sao kinh trùng mà các vị kết tập lại không bỏ. Việc để lại kinh trùng có các điều quan trọng:
– Cho chúng ta thấy tính trung thực. Chúng tôi thấy trùng nhưng ngài Ānanda thuật lại thế nào chúng tôi giữ nguyên như vậy, nhiều khi chỉ khác chỗ giảng, khi thì Thế Tôn ở nơi này, khi ở nơi khác, đối tượng là các vị tỳ kheo, và nội dung cũng y chang.
– Cho mình tâm cảnh. Vấn đề được nhắc đi nhắc lại sẽ làm cho mình nhớ, và biết vấn đề được Đức Phật quan tâm nhiều đến như vậy; tạo cho mình không khí suy nghĩ.
Bài kinh này cũng vậy, là bắt đầu cho mấy chục bài kinh sau với nội dung giống y hệt. Nội dung là ‘Bài kinh này cũng vậy, là bắt đầu cho mấy chục bài kinh sau với nội dung giống y hệt. Nội dung là ‘you are what you think of’, cuộc đời anh chính là những gì anh suy nghĩ. Những suy nghĩ, toan tính, ước mơ, trù hoạch của ta hôm nay sẽ tạo ra một con người như thế nào đó trong tương lai.
Chánh văn:
“3) Thế Tôn nói như sau: – Này các Tỷ-kheo, do duyên giới, tưởng sanh khởi, kiến sanh khởi, tầm sanh khởi.”
4) Khi nghe nói vậy, Tôn giả Saddha Kaccāyana bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, kiến này giữa những vị không Chánh Ðẳng Chánh Giác, có vị Chánh Ðẳng Chánh Giác. Bạch Thế Tôn, kiến này do duyên gì được hiển lộ?”
Đức Phật giải thích, Giới (dhatu) ở đây có nghĩa là bản chất. Câu dịch của ngài Minh Châu chỗ này hơi tối, nhìn chú giải rõ hơn. Theo chú giải, những vị chưa phải Chánh Đẳng Giác ở đây ám chỉ 6 vị giáo chủ ngoại đạo đương thời với Đức Phật. Khi nghe Đức Phật nói gọn như vậy, ngài Kaccāyana hỏi: Trong thời điểm này, giữa lúc có nhiều tôn giáo (nhiều giáo chủ) như vậy, câu này rất là hay nhưng có thể bị hiểu lầm theo cách nghĩ của những vị giáo chủ kia xin Ngài nói rõ hơn một chút.
Đức Phật xác nhận: Nếu như vậy thì ta phải nói rõ, chữ giới đang nói ở đây là do vô minh. Do vô minh giới (bản chất vô minh) khiến phàm phu tạo ra ba hành: Hành hạ đẳng, ám chỉ phi phúc hành; Hành trung đẳng, ám chỉ cho phúc hành và Bất động hành (tức tất cả Thiện hiệp thế), người tu phải hướng đến Thắng hành tức tu tập Tứ Niệm Xứ để chứng ngộ 9 pháp Siêu thế (gồm 4 Đạo, 4 Quả, Niết bàn).
Tức là do vô minh nên chúng sinh mới chia làm hai hạng. Một là sống trong bất thiện, nói bất thiện, làm bất thiện, suy nghĩ bất thiện; nói bằng tâm tham, làm bằng tâm tham, suy nghĩ bằng tâm tham; nói bằng tâm sân, làm bằng tâm sân, suy nghĩ bằng tâm sân, đó là hành hạ đẳng. Còn hành trung đẳng là có những chúng sinh cũng do vô minh trong Bốn Đế, không biết mọi hiện hữu là khổ, không biết mọi đam mê là nguồn khổ, không biết Niết bàn là cứu cánh dứt khổ; do vô minh trong Diệt đế, người ta cứ tưởng muốn hết khổ là phải sanh về cái cõi nào đó, thấy khổ thì sợ nhưng không cam tâm đành lòng nghĩ tới một cứu cánh mất sạch sẽ, họ muốn tiếp tục tồn tại trong hình thức nào đó, ở một không gian một nơi chốn nào đó, họ chỉ sợ những cái khổ sanh ly tử biệt, muốn mà không được thôi, mà không hề biết ra rằng còn có cái khổ khác nữa đó là mọi có mặt đều là khổ. Mọi có mặt đều là khổ vì mọi vật biến đổi không ngừng, ngay bản thân sự biến đổi đó trong cái nhìn rốt ráo nhất nó cũng là sự đáng chán. Người ta thấy cái này là vui cái kia là hạnh phúc bởi vì mang thân người, từ tấm thân đến đời sống tâm lý, cái gì đáp ứng nhu cầu thì mình gọi là hạnh phúc. Giả định như sống mà không cần ăn thì chuyện ăn ngon đâu còn quan trọng. Nếu tấm thân này là sương khói không cần áo quần thì đâu còn cái niềm hạnh phúc của người thích phục sức đẹp. Chính vì mình có những nhu cầu này nọ, khi những nhu cầu được đáp ứng như ý thì ta đặt tên cho khoảnh khắc đó là hạnh phúc. Nếu mình không có nhu cầu thì làm gì có thỏa mãn nhu cầu, nếu không có thỏa mãn nhu cầu thì chữ hạnh phúc gắn vào đâu? ‘Hết nhu cầu’ là hết theo kiểu thánh nhân chớ không phải là do bệnh lý mà không có nhu cầu ví như đang mắc bịnh gì đó đang sốt, đắng miệng, mệt mỏi trong người không thèm ăn, không muốn vui chơi nhậu nhẹt, bài bạc. Không nhu cầu nghĩa là không tìm ra một lý do nào để chìm đắm trong đó nữa thì mới gọi là giải thoát. Không thích chưa chắc là thánh, không thích của thánh khác với không thích của mình. Không thích của mình là do có phiền não khác chen vô, ví dụ tôi không thích A vì tôi đang có tâm sân, hoặc đang thích B nên không thích A. Thánh nhân không thích vì thấy rõ bản chất của nó không có gì để thích. Do vô minh nên phàm phu mới chọn những hướng đi sai lầm, đi đâu thì cũng là quẩn quanh trong tam giới, ngôi nhà đang cháy.
Kinh Liệt Ý Chí, Kinh Nghiệp, Kinh Các Bài Kệ, Kinh Bất Tín có cùng nội dung là chúng sinh ở đời luôn gom thành nhóm theo khuynh hướng tâm lý, tức là ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Câu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” ngoài đời ý nghĩa khác trong Phật pháp. Trong Phật pháp, tu thiền Tứ Niệm Xứ chính là ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, nghĩa là dùng tâm để trị tâm, dùng tâm quan sát tâm, ngựa và bò là hai con thú được dùng làm hình ảnh tượng trưng cho cái tâm mỗi người. Theo chú giải Trường Bộ, tâm của hành giả giống như con bò, đề mục là chỗ cột, chánh niệm là sợi dây. Trong Thập Mục Ngưu Đồ của thiền tông, ‘ngưu’ là dùng chung cho bò và trâu, những con thuộc bộ có móng guốc, ăn cỏ, một hàm răng, có hai sừng đều gọi là ngưu. Giống như chữ Trúc trong tiếng Hán ám chỉ cho tất cả những gì thuộc họ cây tre: lồ ồ, trúc, tre, nứa, tầm vông…
Chúng sinh trong đời luôn đi từng nhóm theo căn cơ sở tánh, thích hợp. Giống nhau nên mới có password của nhau để tìm vào cảnh giới của đối phương. Ví dụ, mở kinh điển ra, có người đọc hai dòng thì ngáp rồi, có người thì muốn nghe. Cùng bài kinh thì tùy người thích hiểu theo kiểu nào. Trong kinh Đức Phật dạy thân tâm chỉ là sự ghép nối, không có tôi, của tôi, không có ông A bà B, ngày nào còn chấp thủ tôi và của tôi thì ngày đó còn khổ. Vậy mà có loại Phật tử luôn tự đắc tôi là người hiểu đạo, trong khi hiểu đạo là khả năng buông bỏ. Người hiểu đạo là người không thích khoe, không thấy có gì để tự hào tự đắc. Vị A-la-hán thì đáng kính với người khác, còn bản thân ngài thì không coi sự chứng đắc đó là gì hay ho để tự kiêu tự mãn, ngài luôn tự hiểu mình là người bịnh vừa hết bịnh. Một người vừa được tòa tha bổng, trắng án thì có gì mà tự hào. Tôi biết có những người VN lớn tuổi, từng gặp ngài Hộ Tông, ngài Hộ giác, ngài Bửu Chơn, và gặp cả những cao tăng ở Miến Điện, gặp xong thay vì về tu, nhưng không, về khoe dữ dội. Phật pháp càng học thì phải thấy mình càng ngu, vấn đề của mình càng lớn, càng học mình càng phải khiêm tốn, có đâu mà càng học càng nổ. Khuynh hướng như vậy đó sẽ khiến xui mình sau này sẽ dính chùm với những người giống như mình. Có những người có cháu ngoại mà mà không hiểu điều này: hiếm bao giờ ta vui khi nghe người khác khoe, sao ta lại khoái khoe và bắt người khác nghe. Bản chất con người là ganh tị, vì sao lại cứ gặp người khác là khoe. Người ta kêu già đầu còn dại, có cháu ngoại còn ngu là ở chỗ đó, nhiều bà khoe vô duyên không tưởng tượng được, khi gặp mình khoe cháu khoe con mà đứa cháu rõ ràng khi gặp mình nó không biết chào, gặp người lớn vẫn ôm cái máy chơi game, rõ ràng nó không được dạy dỗ đúng mức, vậy mà bả vẫn khoe là nó đứng đầu lớp, nó khôn lắm v.v… Muốn gặp thánh nhân thì trước hết phải bắt được tần số của họ, phải giống họ phần nào mới mong gặp được họ.
Hai người thờ Phật luôn có quả báo khác nhau vì cách hiểu về Ngài ở mỗi người khác nhau. Theo A-tỳ-đàm thì tâm thiện hợp trí của người này không giống của người kia, thọ hỷ của người này cũng khác người kia; sự vô trợ hay hữu trợ cũng vậy. Trong A-tỳ-đàm nói tâm thiện của mình có tám trường hợp. Tâm thiện đó là thọ hỷ, hào hứng hay là sự lãnh đạm. Có lúc người ta kêu quét chùa mình cũng quét nhưng lòng mình nguội lạnh lắm gọi là thọ xả, làm hào hứng thì gọi là thọ hỷ. Hợp trí là khi làm mình biết rõ mình đang làm gì và việc này dẫn đến quả lành trong tương lai, cái biết này được gọi là hợp trí. Biết về Tam tướng, biết về nhân quả, biết đây là tâm thiện đó là trí, biết tâm thiện này rồi cũng vô thường, đó là trí. Biết đây là tâm thiện sẽ cho quả vui, đó là trí. Biết quả vui đó rồi cũng vô thường, đó là trí. Khổ một chỗ là không phải ai cũng có trí tuệ giống nhau, có người chỉ biết phân nửa, chẳng hạn họ biết làm lành sẽ được công đức, họ không biết thêm nữa. Hợp trí của thằng Tèo không giống thằng Tý. Thọ hỷ cũng vậy, sự hào hứng thích thú của thằng Tèo không giống hào hứng thích thú của thằng Tý, vì cái hào hứng đó có liên quan đến trí tuệ, khả năng, kiến thức của hai đứa. Vô trợ, hữu trợ cũng vậy, hành động tự phát hay do sự thúc đẩy bởi người khác, hay bằng sự do dự của bản thân. Nếu một việc thiện được thực hiện bằng sự do dự của bản thân hay cần sự tác động thúc đẩy của người khác thì việc thiện đó được gọi là hữu trợ. Còn việc bộc phát do chính mình, không do dự, muốn là làm liền và không cần ai tác động, gọi là tâm thiện vô trợ. Vô trợ của người này không giống người kia, thọ hỷ thọ xả của người này cũng không giống người kia và từ đó hợp trí của người này cũng không giống của người kia. Cho nên, cùng là thờ Phật nhưng công đức khác nhau, vì cách hiểu của mỗi người không giống nhau. Không giống nhau vì kiến thức giáo lý của mỗi người không giống nhau. Cho dù hai người đều thuộc lòng Tam tạng hết, cách nhận thức của hai người về Đức Phật cũng tuyệt đối không cách nào giống nhau. Ví dụ, có người hỏi HT Nhất Hạnh có tin là Đức Phật rất đẹp hay không, Đức Phật có 32 tướng tốt hay không. HT Nhất Hạnh trả lời thế này: Đẹp xấu ở mỗi nền văn hóa, ở mỗi thời đại, có những chuẩn mực khác nhau, vì vậy chưa chắc bây giờ người VN của thế kỷ 21 lại chấp nhận cái đẹp của người Ấn Độ mấy chục thế kỷ trước. Hòa thượng nói, trong hình dung của HT thì Đức Phật giống như Thánh Gandhi nhưng đẹp trai hơn chút. Tôi không dám bất kính, vì đó là tự do tư tưởng, nhưng tôi nghe tôi giựt mình, à thì ra có một người cũng là VN như mình nhưng nghĩ về Đức Phật khác mình dễ sợ như vậy. Tượng Phật của người Tàu khác người Việt mình. Họ giỏi tướng số nên họ lựa tướng nào có tiền, đại phú đại quí, con đông, có danh phận chức tước, họ đặt lên gương mặt của pho tượng. Người Thái, Tích Lan thì mê cơ bắp, tượng phải hình chữ V, ngực nở, eo thon. VN mình thì mê đẹp trai nên cân đối. Nói ra kỳ nhưng đó là sự thật, để bà con có đặt tượng thì bà con tránh. VN mình đặt tượng là phải đẹp trai cái đã còn cân đối thì có nhiều chuyện rất khó nói. Có những tượng nhìn mặt rất đẹp nhưng nếu tượng mà đứng lên được thì nửa thân trên dài gấp rưỡi nửa thân dưới, và khoảng cách giữa hai vai so với khoảng cách giữa hai đầu gối không hợp lý. Phải có tỉ lệ nhất định. Tôi rất ngạc nhiên là các vị tôn túc trong nước, do lớn lên trong xã hội cũ, không có khái niệm về giải phẫu học, nên khi nhà nước Hà Nội cho phép lựa mẫu tượng để tạc kim thân từ khối ngọc quý mấy chục tấn, họ hỏi ý chư tôn đức xin gợi ý cho một mẫu tượng. Chư tôn đức của nhà ta thuộc thế hệ quá xưa nên các vị không màng gì tới vấn đề thẩm mỹ và lịch sử văn hóa đương thời, cứ thích tượng nào y áo lùm xùm theo kiểu Tàu, trước ngực phải có chữ Vạn, dây lưng thì buộc ngang ngực, ngực để hở ra một phần dành chỗ cho chữ Vạn. Trên thì vai trần khoác tấm vải mỏng. Không biết quí vị có bao giờ suy nghĩ là có con người nào ăn mặc như vậy hay không, cái củng kéo lên tới ngực rồi cột giây, ở trên thì vai trần khoác tấm vải mỏng, trông rất phản thời trang, đi đứng khó khăn. Các tượng A Di Đà thì đeo vòng vàng, y lết phết trên đất, đội mũ mang hia đi đứng trên tòa sen, Tôi không biết những điều này đi ra từ đâu, cuối cùng tôi chợt nhớ bài kinh này, nhớ loạt kinh mình đang làm việc với nhau, khuynh hướng tâm lý chúng sinh hợp nhau thì kéo về với nhau. Một vị linh mục trong nước đã phán một câu hơi độc nhưng buồn thay là không sai: Vị đó nói rằng chống Tàu là trên khẩu hiệu nói cho vui chớ chống làm sao nổi trong khi kinh kệ của quí sư thầy trong PG toàn là tiếng Tàu, kiến trúc của các chùa là kiến trúc của Tàu, tổ chức sinh hoạt của chùa cũng là tổ chức theo Tàu. Hầu hết kinh kệ trong các buổi công phu của quí thầy VN đều dựa theo Ngọc Lâm Quốc Sư của nhà Thanh (không phải Ngọc Lâm trong Thoát Vòng Tục Lụy). Ngọc Lâm Quốc Sư là có thiệt, giống như Thất Tử Toàn Chân cũng có một phần là thật như Khưu Xử Cơ là có thật.
Các kinh sau y hệt như vậy. Nội dung của loạt kinh này là chúng sinh loại nào sẽ đi theo loại đó. Hôm nay ta phải chuẩn bị mình như thế nào đó để gặp thánh nhân sau này. Có giống các ngài mới gặp gỡ và hòa tan với các ngài. Hòa tan nghĩa là mình có thể cộng trú, cộng hưởng, cộng sinh, cộng tác với các ngài. Trong kinh nói ngài Xá Lợi Phất có 500 đệ tử, ngài Mục Kiền Liên có 500 đệ tử, ngài Ānanda cũng có 500 đệ tử… đều là những vị A-la-hán, khi những vị này ngồi lại với nhau đều tạo ra hiện tượng hòa tan, không có gì riêng hết, các vị luôn sống như thế nào đó để người bên cạnh được an lạc. Khi mình chú ý đến sự an lạc của người khác thì lúc đó mình cũng không có thì giờ để bất thiện. Khi mình sống mà chú ý đến người khác thì mình bớt khổ, mình khổ vì mình coi trọng mình quá. Một cọng rơm, một sợi tóc một tờ giấy rơi từ tầng thượng mấy chục mét không hề hấn gì, trọng lượng quá nhẹ không đủ để tạo nên sự gãy vỡ nào hết, còn một con người, một cái chén, một cái tô, là những yếu tố khiến cho xảy ra hiện tượng bể vỡ nếu rơi từ độ cao nào đó xuống đất. Tu hành là biến mình nhỏ đi, nhẹ đi để sẵn sàng hòa tan dễ dàng với thiên hạ, với trời đất. Tu như thế nào để sống trong trời đất này như nước về sông, như sông về biển. Sống như thế nào khi gặp thánh nhân mình dễ dàng hòa tan. Trang Tử nói: Phần diện tích lớn nhất trên mặt đất chính là đại dương. Vì nó là chỗ lớn nhất nhưng cũng là chỗ thấp nhất nên nước muôn sông cứ đổ về biển. Hãy sống khiêm tốn, hạ mình xuống một chút thì bao nhiêu cái hay của thiên hạ sẽ đổ hết về cho mình. “Bất sĩ hạ vấn”, người muốn trở thành uyên bác thì phải có gan không mắc cỡ, khom mình xuống hỏi người dưới mình. Không biết thẹn là vô tàm, không biết sợ là vô úy. Không biết thẹn là không biết tự xấu hổ khi làm bậy, không biết sợ là không biết e ngại khi làm bậy. Sợ là khi mình bắt đầu làm chuyện bất thiện thì nghĩ lương tâm mình có yên hay không, tiếng đời dị nghi, pháp luật có để yên cho mình hay không và đời sau kiếp khác có được yên thân hay không. Ví dụ khi mình pha trà, tráng ấm bằng nước sôi rồi tạt ra ngoài cửa sổ, đời sau kiếp khác mình sẽ có tai nạn bị chết trong nước sôi, trong lửa, cũng do vô tình. Không ai cố ý hại mình nhưng mình cứ bị nạn ngẫu nhiên chết trong dầu sôi lửa bỏng, do mình tạo nghiệp vô tình. Vì vậy khi mình sắp làm gì hãy nhớ, cái quả của nó mình chịu không nổi đâu. Hôm nay mình đập đầu con cá, giết con mối, con ruồi hay con trùn, nhưng mai này trong dòng sinh tử luân hồi, mình không biết sẽ bị người ta giết trong lúc nào. Bây giờ mình giết nó, nó là con ruồi, nhưng mai này tới phiên mình trổ quả, không biết chắc lúc đó mình là gì, có khi là hoàng đế vừa lên ngôi, một hoa hậu mới vừa đăng quang, một tổng thống mới vừa nhậm chức, thế là chết. Trong kinh nói có những người gặp Đức Phật mừng lắm, nhưng chưa kịp đi xuất gia thì bị chết vì tai nạn. Đức Phật biết nhưng cứu không được. Vì vậy dù không sợ trời không sợ đất nhưng cũng phải sợ nghiệp.