Nội Dung Chính
Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2
Chương 3: Tương Ưng Giới
GIỚI SAI BIỆT (Nanadhatusutta)
Kỳ trước trục trặc, không biết bà con nghe tới đâu, có người đề nghị tôi nói lại, nhưng nói thiệt, ớn quá đi, qua được mình mừng muốn chết rồi, bây giờ quay trở lại ngán lắm. Có một chuyện lạ tôi không nghĩ là ngẫu nhiên, có những chỗ tôi thấy là quan trọng thì chỗ đó hư, như mình bị ai phá vậy. Nếu họ có lòng họ phá thì mình không thể nào đỡ nổi đâu, thôi tùy duyên vậy. Sáng nay mình học bài kinh Giới Sai Biệt.
‘Nana’: various, cái này cái nọ, đủ thứ, sai biệt.
Bài kinh này ngắn, liếc qua thấy không có gì hết, Ngài kể ra 18 giới. Nhưng thật ra một người có học A-tỳ-đàm, có tu tập thiền Quán, có một chút trí văn, và một chút trí tư sẽ thấy bài kinh này rất là sâu, rộng và quan trọng. Ở kinh này Đức Phật vẽ ra toàn bộ diện mạo của thế giới, gồm chúng sinh và các cảnh giới. Bao gồm tất cả đất đá, sông núi, cây cỏ, muông thú (những loại bò, bay, máy, cựa).
Tất cả những gì trên thế giới này, bỏ đi tất cả những thứ mình có thể nhìn thấy bằng mắt, bỏ đi tất cả những thứ mình có thể biết được bằng lỗ tai, bỏ đi tất cả những thứ mình có thể biết được bằng khứu giác, vị giác, xúc giác, bỏ hết những thứ mình có thể suy tư bằng tâm ý thì thế giới này còn lại gì? Ví dụ biển, từ Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Hắc Hải, hồng Hải… bỏ hết vì có thể thấy, sờ chạm, biết bằng mũi, bằng ý thức; tất cả những ngọn núi, từ Himalaya, Alpes, Thái Sơn, Hoàng Liên Sơn, Kilimanjaro, bỏ hết vì chúng nằm trong sáu trần; tất cả các lục địa dù lục địa mới hay lục địa cũ, bỏ hết; chim muông, con người… thì còn lại gì? Tất cả những gì mình thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, suy tư trên đời này đều gom gọn trong 18 giới. Do vô minh, tham ái, tà kiến, hoài nghi, mình cứ ngồi vẽ vời dệt mộng, đây là nền văn hóa văn minh châu Phi, châu Mỹ; đây là Tàu, Mỹ, Nhật, Đức, Đại Hàn, gom chung lại trong cái nhìn thấu suốt của một bậc đại giác thì toàn bộ những dị biệt đó chỉ nằm gọn trong 18 giới, trong tất cả những gì ta thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, suy tư.
Do có thần kinh thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, ý vật tức chỗ dựa của tâm (tùy loài mà nói) mà có thế giới này. Có những loài bị cắt làm mấy khúc vẫn không chết, chỗ dựa của tâm nó nằm ở một chỗ nào đó mình không biết, trong kinh nói là “yam rupam nissaya”tức tâm thức của chúng sinh dựa vào chỗ nào thì chỗ đó là sắc ý vật. Còn có một số truyền thuyết là sắc ở tim, giả thuyết này đã bị nghi ngờ (hoặc đã bị đánh bật). Có một số học giả xưa dựa vào y học cổ truyền cho tâm (tim) là gốc của ý thức, nhưng khoa học hôm nay cho thấy tim có thể tháo và để ra ngoài cho chạy bằng máy. Vì vậy phải nói rằng tùy loài, tùy trường hợp mà tâm nương tựa vào chỗ khác nhau, không nên khư khư thấy kinh ghi vậy thì mình tin, bởi vì chính Đức Phật không có nói chuyện đó. Có một điều đặc biệt bà con làm ơn nhớ giùm, Đức Thế Tôn không bao giờ nói cái gì gây hoang mang cho mình. Trong chú giải nói rất sâu và kỹ về mặt trăng mặt trời, những thông tin đó, nếu bà con có đọc sách của Ấn, sẽ thấy những gì được nói trong Thanh Tịnh Đạo về Vũ trụ quan rõ ràng dựa vào nền tảng khoa học đương thời của ngài Buddhaghosa. Ngài Buddhaghosa không dựa vào lời Phật mà ngài căn cứ vào nền tảng khoa học Ấn Độ lúc đó để ghi. Nếu ngài Buddhaghosa sinh ra hôm nay thì ở chỗ đó ngài sẽ viết khác đi. Riêng Đức Thế Tôn không bao giờ đi sâu vào những chi tiết đó, Ngài chỉ nói những gì mang tính phổ cập.
Thế giới này chỉ là sân chơi của 18 thứ. Thế giới này chỉ là sân chơi của 18 thứ. Thần kinh thị giác cộng với cộng với cảnh sắc, cộng với , cộng với tâm nhãn thức để chúng ta có thể biết được cái này cái kia hình dáng màu sắc ra làm sao. Bộ ba này có mặt là do sắc ái đời trước, tức sự đam mê trong cảnh sắc. Cũng vậy, nay ta có thần kinh vị giác, và tâm thiệt thức để biết cái gì là mặn ngọt chua cay là do dục ái đời trước đã từng thích thú chuyện ăn uống. Nói gọn lại, do năm dục ái đời trước mà nay ta có các giác quan vật chất, còn chuyện chúng được hay bị cái gì đó đời này là do phước nghiệp khác nữa. Tức là do mình còn thích cái này cái kia nên đời sau mình mới có mắt tai mũi lưỡi, còn chuyện mình được ăn ngon hay ăn những thứ mình không thích là do nghiệp khác. Ví dụ, tôi và thằng Tèo đều đam mê trong cảnh Dục, nhưng tôi thích bố thí cơm nước, y phục nhà cửa, thuốc men, xe cộ, hỗ trợ điều kiện làm việc cho người khác, thì đời sau sinh ra tôi được mặc quần là áo lụa, ăn sơn hào hải vị, đi đâu có kẻ đón người đưa. Thằng Tèo cũng đam mê năm dục nhưng không làm phước nên đời sau sanh ra con mắt của nó từ bé đến già thấy toàn những thứ không muốn thấy, lỗ tai nghe toàn những thứ không muốn nghe, lỗ mũi cũng vậy. Có những người sanh ra cho đến lúc đi vào quan tài chỉ quẩn quanh có mấy sào đất và họ không thể ngờ rằng trên thế giới này có những món ngon như vậy, có những phong cảnh, hình ảnh, âm thanh, màu sắc, mùi vị như vậy. Họ không biết rằng đám trung lưu, thượng lưu, tỉ phú họ sống thực sự ra làm sao, họ chỉ nghĩ tay làm hàm nhai, giật gấu vá vai, cả đời chỉ biết có vậy, đó là do năm dục thì y như người ta nhưng công đức thì không đủ.
Sai biệt (nana) ở đây có nhiều nghĩa, có lúc ta nhận biết thế giới qua con mắt, có lúc nhận biết qua lỗ tai, có lúc qua suy nghĩ. Do ba thứ: tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý, môi trường sống hiện tại khiến trước một cảnh mỗi người có một phản ứng tâm lý khác nhau, vui hay buồn, thích hay ghét, thiện hay ác. Chẳng hạn sáng hôm nay tôi đọc báo biết được bên Mỹ mới bắt được một nghi phạm người VN, trong một thời gian dài cổ cứ phá mấy tượng Phật trong chùa mà người ta không biết là ai, mấy tượng cứ hư hoài. Người ta bắt được cổ nhờ nhân viên bảo vệ nhận diện qua camera. Có biết bao nhiêu người nhìn hình Phật thì thích, không biết cổ giận hờn ai mà nhìn hình Phật thì ghét rồi cổ phá. Mấy ông Hồi Giáo cũng vậy, tượng Phật ở Bamiyan đẹp biết bao nhiêu, 1500 năm lịch sử hoành tráng. Bức tượng ngày xưa ngài Huyền Trang đã nhìn thấy và ghi lại trong quyển Đại Đường Tây Vức Ký, pho tượng được xem là chứng nhân của lịch sử PG, của Con đường Tơ Lụa, của một thời hoàng kim văn minh của Afghanistan, ấy vậy mà các cậu Hồi Giáo Taliban đành đoạn lấy súng lấy đạn mà phá nát. Tôi có coi clip lúc họ bắn trái pháo vô bức tượng. Đơn giản lắm, bức tượng cao 55 mét (154ft) chỉ cần bắn một phát một là gương mặt biến mất trong không gian, họ làm thêm mấy phát nữa thì để lại một khoảng không vời vợi. Họ nhìn họ nghĩ cái gì mình không biết, hình ảnh Đức Phật làm cho họ khó chịu nên họ phải phá nát như vậy mới hài lòng. Thế giới này sai biệt là vậy, tùm lum tà la, có lúc ta sống chìm sâu trong những gì mình thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng. Có lúc mình dẹp hết bảy tỉ rưỡi người trên hành tinh, cha mẹ, bạn bè, mình không thèm nhớ, chỉ vùi đầu vào game thôi. Có lúc ta quên đi hành tinh này gồm trăng sao hoa lá, con người, chúng ta vùi đầu vào những bản nhạc, có lúc chúng ta bỏ hết mọi thứ vùi đầu vào trong chích choác say sưa nghiện ngập, có những lúc ta vùi đầu trong giấc ngủ, có lúc ta dẹp hết tất cả để vùi sâu tâm khảm của mình vào trong một cuộc tình thành công hay thất bại, một cuộc tình mới hay một cuộc tình vừa đội nón ra đi. Có lúc chúng ta vùi sâu tâm ý của mình trong chuyện chơi lan kiểng, tiền xưa, bạc cắc, cổ vật. Có lúc chúng ta chìm sâu trong những giây phút sống chánh niệm, có lúc chúng ta chìm sâu trong những trang kinh, hay sách võ hiệp của Kim Dung, hay trong thế giới computer, chat chit, bạn bè v.v… Mỗi một lúc chúng ta có một cách chìm sâu, có con đường chìm sâu, có ngõ riêng để chìm sâu trong thế giới này. Cũng trong hình ảnh âm thanh đó mà chúng ta sống bằng những tâm trạng vui buồn, thiện ác, thương ghét khác nhau, tất cả những thứ này làm nên diện mạo của thế giới. Hôm nay chúng ta biết được Phật pháp, sống chánh niệm, làm gì biết nấy, có nghĩa là chúng ta không còn để cho 18 thứ này xoay vần mình mà giờ mình ngồi yên lại nhìn chúng. Tu Tứ Niệm Xứ là tu chỗ đó. Hành giả tu Tứ Niệm Xứ đề mục hơi thở, biết hơi thở ra vô đó là sắc pháp, chỗ chạm của hơi thở ra vô là sắc pháp. Cái biết hơi thở ra vô dài ngắn đang chạm ở đâu đó là danh pháp. Bây giờ mình bỏ hết toàn bộ thế giới, vũ trụ hoa lá trăng sao chỉ còn tập trung vào một điểm biết rõ danh sắc đang làm việc với nhau. Lúc bấy giờ mình không chạy theo 6 trần nữa mà ngồi yên quan sát 6 căn. Vì sao mình phải làm chuyện đó? Bởi vì nếu mình tiếp tục thích trong các căn trần thì đời sau sanh ra sẽ tiếp tục, hễ có 6 ái đời trước thì có 6 căn đời sau. Sáu căn đời sau lại là điều kiện để 6 ái xuất hiện. Tu Ba-la-mật là mài mòn phiền não, vun bồi niệm và tuệ, để đời sau nếu mình là bậc tự ngộ Độc Giác hay Chánh Đẳng Giác thì khỏi nói rồi, còn nếu mình chỉ là Thanh văn thì mình mài mòn phiền não như vậy để niệm và tuệ mạnh, khi gặp Phật nghe pháp là mình nhìn thấy danh sắc, nhìn thấy 18 giới này rõ ràng và dễ dàng, nhờ vậy mới lìa bỏ được phiền não và chứng đắc thánh trí. Thế giới này chỉ có 18 thứ này, chính vì thích trong 6 trần nên mới có 18 giới này. Mười tám này là toàn bộ thế giới. Do có lục nhập mới có xúc, từ xúc mới ra thọ, từ thọ mới ra ái, do ái, thủ đời này mới có sự tái sinh đời sau kiếp khác.
Ý giới là gồm có Tâm khai Ngũ môn và hai tâm Tiếp thâu. Theo A-tỳ-đàm, quá trình tâm lý của chúng ta lúc nhận biết cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc diễn ra rất phức tạp. Quí vị nào có dùng máy ảnh cơ mới biết. Khi bấm nút chụp, màn trập mở ra đem hình ảnh vào trong và lưu trữ trên phim, ở đây cũng vậy, khi đối diện cảnh trần với âm thanh, hình ảnh, mùi vị, màu sắc… thì tâm khai Ngũ môn làm tiền trạm để đón nhận cảnh đó. Tâm Ngũ song thức đi sau. Khi đón nhận cảnh đó mình mới đánh giá cảnh như thế nào, những sát-na tâm tiếp nối nhau, tiếp thâu, quan sát, đoán định. Tiếp theo là bảy sát-na Tâm Đổng lực, thích hay ghét, thiện hay ác là lúc này, còn trước đó nó làm việc rất máy móc, chỉ có nhận. Có liên tục nhiều lộ tâm tiếp nối, sau khi chụp xong thì chuyển qua các tâm lộ khác mới biết rõ cái này mình từng biết qua chưa, gom lại tất cả chi tiết vừa nghe. (Tổng hợp các chi tiết của đối tượng: Samūhaggahanacittavithi). Phải gom hết tất cả chi tiết mới biết cái này là nhạc Tây hay nhạc Ta, cải lương hay hát bội… Tôi biết một cô Phật tử biết ba bốn thứ tiếng, cổ kể cho tôi nghe một chuyện, nhiều khi đi ra đường nghe người ta nói cái gì lúc khẩn cấp nhưng không biết người ta nói thứ tiếng nào. Điều đó cho thấy tâm lý mình rất phức tạp, để nhận biết điều gì đó phải trải qua nhiều tiến trình tâm lý khác nhau. (Namaggahanavithi: định danh, gọi tên cái đó là cái gì). Cái này thì bà con coi tiếp trong cuốn Triết Học A-tỳ-đàm. Trung bình một trường hợp mình biết cái đó là cái gì, hình ảnh gì, vật gì, màu sắc gì, âm thanh gì, vị gì, mùi gì, tưởng đơn giản nhưng thật ra tâm thức đòi hỏi nhiều ‘process’ khác nhau, tiếng Pāḷi gọi là ‘vithi’. Xé nhỏ ra thì thấy thế giới này rối như vậy nhưng nó có trật tự hệ thống của nó. Mình thấy cái này hay ho, cái này là du thuyền, đây là chuyên cơ, đây là vòng vàng v.v… nhưng toàn bộ chỉ nằm trong 18 giới. Do tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý, môi trường sống hiện tại khiến cho mình có những phản ứng ra sao trước các cảnh. Nếu mình có thiện pháp thì khi mình thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, toàn bằng tâm thiện, toàn chánh niệm, trí tuệ, tín, tấn, niệm, định, tuệ, còn không có tu thì khi gặp cái gì thích thì tham, gặp cái gì ghét sợ thì sân. Như vậy toàn bộ đời sống của mình chỉ là những giây phút thích và ghét, toàn là chủng tử bất thiện. Mình phải tu Tứ Niệm Xứ là hạn chế cái thích và ghét, không tiếp tục gieo trồng chủng tử phiền não luân hồi nữa. Đó là lý do tại sao phải tu Tứ Niệm Xứ, còn nếu không thì sẽ bị 18 thứ xoay vần, ghét thích, thích ghét. Ghét hay thích đều là phiền não. Sống chánh niệm là để nó không xoay mình như ngày xưa nữa, nếu đủ duyên Ba-la-mật thì chứng thánh, còn không thì chuyện tu hành hôm nay sẽ trợ duyên cho đời sau kiếp khác.
Bài Kinh Xúc cũng y hệt như vậy. Do duyên giới sai biệt thì sinh ra xúc sai biệt. Tôi giảng bài kinh Giới sai biệt cũng có nghĩa là tôi giảng luôn bài kinh Xúc sai biệt. Khi mắt thấy cái gì đó, ngay giây phút mắt thấy, sự gặp nhau của căn, cảnh, thức được gọi là xúc. Mình nói mình tu theo Bát Chánh Đạo cũng đúng, tu Tam học cũng đúng, tu Xúc cũng đúng mà tu Thọ cũng không sai. Nghĩa là ngày xưa mình đi tìm cái này cái kia mình thích để hưởng thụ, bây giờ không đi tìm nữa là tu Xúc, không để cho mắt đi tìm cảnh sắc, tai không đi tìm âm thanh, mũi không tìm mùi, lưỡi không tìm vị, không màng nữa. Tu Thọ là ngày xưa phải như vậy mình mới vui, mới thích, giờ đây thì không, đắng cay mặn ngọt cái gì xảy ra, mình chỉ ngồi yên nhìn nó bằng chánh niệm, vậy là mình đang tu Thọ. Khi 6 căn biết 6 trần, mình có chánh niệm thì không bị xoay như ngày xưa. Xúc duyên Thọ, thay vì Thọ duyên Ái thì bây giờ Thọ không duyên Ái nữa mà duyên cho tín, tấn, niệm, định, tuệ; nhiều lần như vậy nếu đủ duyên thì chứng thánh, còn không thì gieo duyên giác ngộ cho đời sau kiếp khác.
Cứ nhớ là, do tiền nghiệp, cộng khuynh hướng tâm lý, cộng môi trường sống hiện tại mà ta có bị chìm sâu cắm chặt ở trong sáu trần hay không. Có nhiều vị cứ tưởng mình là thánh, vì thấy mình không thích gì hết, tôi xin nói rõ, chẳng qua là anh chưa gặp cái anh thích mà thôi. Chứ còn nếu biết rằng trong thế giới này có vô số cảnh sắc, vô số cảnh thinh, vô số cảnh khí, cảnh vị, cảnh xúc, cảnh pháp lúc đó mình mới biết rằng thì ra vì mình chưa gặp thứ mình thích đó thôi, chứ gặp đúng thì mình vẫn y hệt như người ta. Toàn bộ thế giới này chỉ nằm trong mấy bài kinh này, chuyện tu Tứ Niệm Xứ là để mình biết chuyện gì đang xảy ra và bản chất thật sự của nó là gì. Một điều nhắn gởi sau cùng là hãy luôn luôn cảnh giác với bản tâm của mình.
Trong chú giải có nói rõ chỗ này, do sự xúc chạm của mắt, ‘cakkhusamphassādayo’, do sự xúc chạm của các thần kinh từ đó mới phát sinh ra các tâm và các pháp tương ưng đó là tâm và tâm sở. Do có ý xúc trong ý môn, từ đó mới nảy ra các pháp tương ưng với tâm ‘paṭhamajavana’– tâm đổng lực đầu tiên trong mỗi lộ tâm. Do có mắt, cảnh sắc, nhãn thức mới làm nên cái biết của mình. Trong tâm thức cũng vậy, mỗi lần mình suy tư là cộng hưởng của ý giới, ý thức giới và pháp giới. Pháp giới là cảnh pháp gồm tâm, tâm sở, sắc tế và Niết bàn chế định. Những cái gì mình thấy ghê gớm như đây là bậc chân tu, đây là người có thiền định, đây là người đắc thần thông, đây là bậc thánh… toàn bộ chỉ là 18 giới.
Do mình ở cõi Dục nên mình mới đủ 18 giới, tức là đủ 6 căn. Chính vì đủ 6 căn nên mới ra 6 xúc, từ 6 xúc mới có 6 thọ. Theo cách liệt kê như vậy thì tưởng mối quan hệ này theo hệ thống hàng dọc nhưng thật ra nó xảy ra cùng lúc, giống như có ông đó thích đánh bài, vì thích đánh bài nên ổng đi mượn nợ, vì đi mượn nợ nên dính tụi cho vay nặng lãi, không trả nợ được nên xã hội đen tới siết nhà, bắt cóc con ổng, vợ ổng tự tử, ổng đi trả thù rồi vô tù, nghe như có hệ thống chiều dọc nhưng những chuyện đó xảy ra cùng một lúc chính vì ổng nghiện bài bạc.
Do chìm sâu trong năm dục nên mới có đủ 6 giới, do đủ nhãn giới, nhĩ giới nên có nhãn xúc, nhĩ xúc. Phạm thiên cõi Sắc Giới chỉ có ba: nhãn, nhĩ và ý thức. Phạm thiên cõi Vô sắc chỉ có một ý thức. Bài kinh này có mấy hàng nhưng rất sâu. Phiền não càng nhiều thì sự hiện hữu của mình càng rối rắm. Rối rắm là vì mình có đủ 6 căn, trong khi Phạm thiên ít hơn. Nếu thiếu phước thì 6 căn này sẽ là nguồn khổ. Sáu căn đối với phàm phu chính là 6 cửa để rước phiền não, là 6 cửa để rước quả khổ, vì vậy việc có 6 căn chỉ là cái họa. Nhưng khổ nỗi không có không được, bởi muốn tu hành là phải nhờ có nó. Phạm thiên không cần đủ 6, họ chỉ có 3 vẫn tu được.
Chính vì mình có năm dục, còn thích trong năm dục sắc thinh khí vị xúc nên mình có đủ mắt tai mũi lưỡi. Chính vì có đủ nên mình mới có nhiều nguồn khổ, nếu biết Phật pháp thì mình mới có cơ hội nhìn thấy nó là nguồn khổ. Nhìn thấy như vậy thì mới gọi là tu. Nếu không biết Phật pháp, không tu tập thiền Quán, Niệm Xứ thì sự có mặt của 6 căn chỉ là họa, vì đó là 6 nguồn để phiền não phát khởi và là cửa để đón khổ vào đời, bởi vì có mắt nên mình nhìn thấy cái mình muốn mà mình không chiếm hữu được, tai cũng vậy, khi nghe những thứ mình không muốn, hoặc nghe thứ mình muốn mà không chiếm hữu được, kiểu nào cũng khổ.
Ở đây Đức Phật nói, giới sai biệt nên sanh ra xúc sai biệt, nghe qua thấy không có gì nhưng lại quan trọng. Tại vì đâu mà có giới sai biệt? Vì có ái sai biệt. Ái sai biệt là do thích tùm lum nên mới có 6 căn, do có 6 căn nên mới có 6 xúc, 6 thọ, 6 ái, và cứ thế tiếp tục vòng quay.
Do phiền não mới có 6 căn, nhưng 6 căn đó biết được cảnh tốt hay xấu, vừa ý hay không là do phước nghiệp. Còn chuyện người tàn tật là chuyện khác, sanh ra bị mù, bị điếc không phải do họ không tham ái mà do họ thiếu phước. Nếu không có mà do ly dục thì họ phải sinh ở cõi Phạm thiên, còn sanh ở cõi này mà thiếu là do nghiệp xấu. Phạm thiên không có vì họ không cần, hơn nữa mặt mũi họ đẹp tuyệt vời, vẻ đẹp chuẩn của Tam giới. Chư Phật được mô tả đẹp như Phạm thiên, âm thanh của Đức Phật được mô tả là Phạm âm (bhramasara).
Không đủ ngũ căn mà do ly dục là chuyện tốt. Không đủ ngũ căn mà do nghiệp ác là chuyện xấu. Bài kinh tiếp theo là Không Phải Như Vậy, cũng cứ vậy mà hiểu.
KHÔNG PHẢI NHƯ VẬY
Ngài xác định, do giới sai biệt mới sanh ra xúc sai biệt. Do mắt mình thấy mới sanh ra nhãn xúc, do tai mình nghe mới sanh ra nhĩ xúc. Không phải do xúc mới có các căn mà phải nói là do các căn mà mới có xúc thì đúng hơn. Ngài xác nhận, do có mắt mới có nhãn xúc, do có tai mới có nhĩ xúc, do có mũi mới có tỷ xúc…Bài kinh này bà con có thể hiểu y như những gì đã giảng ở hai bài kinh trước. Ngài xác định do có sáu căn nên mới sanh ra 6 xúc, do có 6 xúc nên mới sanh ra 6 thọ.
Loạt kinh này là ôn về Duyên khởi. Có lúc chúng ta nhận biết thế giới này qua mắt, có lúc qua tai. Cũng cảnh sắc đó mà có lúc chúng ta nhận biết nó bằng tâm thiện, có lúc nhìn thấy cảnh sắc xong thì chúng ta lại có cái bất thiện. Với một người có tu, đàng sau cái thấy này không giống như của một người không có tu. Cái thấy máy móc thì ai cũng giống nhau hết; dù Đức Phật hay chúng ta đều giống nhau hết ở giai đoạn nhìn thấy. Đức Phật nhìn chiếc lá rơi y như mình thấy. Nhưng mình nhìn chiếc lá rơi thì nhớ mùa thu năm ấy, nhớ chuyện xưa tích cũ, Đức Phật thì không. Có lúc chúng ta nghe một mùi hương mà đủ ngậm ngùi. Có lúc chúng ta thưởng thức một món ăn mà nhớ lại chuyện xưa cũ. Một đêm đông nào đó nằm trùm mền ấm áp, cái ấm áp lúc đó cũng có thể gợi nhớ cho mình một chuyện cũ ngày xưa, hoặc tình cờ mình ngồi nhớ ra chuyện cũ rồi buồn vui với riêng mình. Mình sống trong sự chi phối của mắt, của tai, của mũi, của lưỡi khác nhau. Cũng hình ảnh âm thanh đó, nhưng tâm trạng thì lúc vầy lúc khác. Những sai biệt này dẫn đến buồn vui, thiện ác, thích ghét khác nhau. Tu Tứ Niệm Xứ nghĩa là quan sát rõ cái gì đang xảy ra để không chạy theo cái thích và không chạy theo cái ghét. Một loạt kinh y chang như nhau, không muốn giảng nữa, nghe nhiêu đó đủ bà con nhức đầu rồi. Bà con nghe tới nghe lui, nhớ lại mấy điều sau nay: 1. Do có 6 ái nên mới có đủ 6 căn. Sáu căn không đủ do ly dục không giống 6 căn không đủ do ác nghiệp. 2. Có lúc chúng ta sống bằng con mắt, có lúc chúng ta nhận biết thế giới này qua lỗ tai. Chẳng hạn như người đang nghe nhạc thì bao nhiêu nhân loại, đất đai sông núi đều mất sạch, lúc đó chỉ còn những gì đang nghe. Đối với người đang đói bụng thì chỉ có thức ăn trước mặt, còn cái gì cũng không quan trọng. Nguyễn Hiến Lê nói rằng cái răng của mình đang nhức còn quan trọng hơn mấy triệu người đang bị thiên tai hay chết đói nữa. Chẳng hạn như mình đọc báo thấy có sóng thần làm chết hai trăm bốn chục ngàn, thấy số đó cũng nhiều, nhưng sau khi đọc con số đó xong thì mình hoàn toàn có thể đi vô giường ngủ tỉnh bơ vì buồn ngủ quá rồi, dù mới vừa đọc cái tin hai trăm bốn chục ngàn người chết chưa kể hàng triệu người đêm nay phải sống cảnh màn trời chiếu đất và ngày mai thì mù mịt không biết sẽ về đâu. Ấy vậy mà chúng ta sẵn sàng đi ngủ thẳng cẳng. Trong khi đó chỉ cần chiều nay mình tính lộn tiền, không biết chạy đi đâu một trăm đồng là khó ngủ, phải ráng thức để tìm cho bằng được. Chỉ cần chiều nay có tí chuyện nhỏ trong nhà mình là mình không ngủ được, chỉ cần chiều nay có một email, một cú phone, một message là không ngủ được, chỉ cần cái răng mình nhức là mình không ngủ được. Rõ ràng rằng thì là thế giới này có bao la cách mấy, con người có trùng điệp cách mấy thì mỗi lúc chúng ta chỉ sống chìm sâu trong một thứ nào đó mà thôi, chứ đừng nói tôi có mấy cái bằng đại học, tôi có mấy triệu trong nhà băng… Thật ra mình chẳng là gì hết, mỗi phút như vậy mình chỉ sống có một cách – một cảnh, một kiểu nào đó trong 6 giác quan. Cũng cảnh đó thôi mà tùy lúc chúng ta buồn vui, thiện ác, hướng thượng hay thối đọa.
Tu Tứ Niệm Xứ có nghĩa là mình có dịp quan sát toàn bộ con người thật của mình qua sự hoạt động vận hành của 18 giới, không tiếp tục để chạy theo thích và ghét nữa. Nếu đời này đủ duyên chứng thánh thì quá tốt, còn không thì mình được hai điều lợi ích đó là ít nhất cũng được an lạc trong hiện tại và gieo được chủng tử lành cho đời sau. Hạnh phúc hay sự an lạc không cách chi có được ở con người thất niệm. Thất niệm là đừng hòng có an lạc. Quí vị có thể nói ông A bà B đâu có tu hành, thiền định gì đâu vẫn thấy họ nhăn răng cười mà sao nói không an lạc. Cái nhăn răng đó kéo dài được bao lâu, đó chỉ là niềm vui hỷ ái, không phải là sự an lạc của bậc thánh. Sự an lạc đến từ chánh niệm là sự an toàn ở mọi nơi mọi lúc, sự vững tâm mọi nơi mọi lúc. Toàn bộ đời sống chỉ là sự hiện hữu, sự hoạt động, sự vận hành của 18 giới. Tu Tứ Niệm Xứ là quan sát sự vận hành, sự hoạt động đó. Chỉ có sự quan sát này mới đem lại cho mình sự vững tâm để mà sống ở đời. Hãy nhớ rằng, tất cả những mất mát đổ vỡ hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và để đối phó với tình huống đó thì trên đời chỉ có một người duy nhất đó là người chánh niệm. Người không chánh niệm là hoàn toàn đánh mất khả năng đối phó, khả năng an lạc của họ hoàn toàn bị bỏ ngỏ. Đó là lý do tại sao sáng nay khi bắt đầu bài kinh này tôi nói với bà con là bài kinh này rất buồn ngủ, rất nhức đầu, rất tẻ nhạt nhưng nội dung lại bao gồm tất cả mọi sự ở đời, khi Ngài vạch trần ra cho chúng ta thấy thế giới này là 18 giới chứ chẳng là gì hết. Đó là cách nói của người lớn. Khi nói cho con nít mình nói con ăn kẹo nên răng con bị hư, con không tắm nên con bị ngứa, ngủ không được. Còn với người lớn, chỉ cần nói nhẹ nhàng thôi: “ủa sao thau đồ còn nằm ở cầu thang” là người nghe kia đã nghĩ ra một tỉ chuyện, thau đồ còn ở cầu thang nghĩa là chưa giặt, lỡ chiều nay cần đồ sạch mặc thì không có, phải mặc lại đồ cũ thì không dám đi đâu, tối nay có sinh nhật, đám cưới, cái áo vừa ý nhất đang nằm trong thau đồ dơ v.v… Trong trường hợp này Đức Phật chỉ nói gọn 18 giới, với một người có đạo tâm đạo căn là hiểu ý của Ngài muốn nói thế giới này vô duyên, tào lao như vậy đó, chỉ có 18 cái này chứ không có gì khác, và tu là quan sát nó, mình luân hồi vì sống chìm đắm trong nó, mình tu Tứ Niệm Xứ là tỉnh táo trong nó và để cuối cùng mình lìa bỏ nó. Đừng ham nghe nhiều, nghe bao nhiêu đó mà nhớ kỹ là nhiều lắm rồi.
Có một loạt kinh chỉ cần nghe giảng một bài là hiểu được những bài kinh còn lại. Ở đây có bài Đức Phật giảng 18 giới, có bài chỉ 6 giới. Kinh tiếp theo sáng nay mình học là Kinh Không Phải Như Vậy, Ngài xác định giới sai biệt dẫn đến tưởng sai biệt, tư duy sai biệt, dục sai biệt, nhiệt tình sai biệt, tầm cầu sai biệt. Giới ở đây là 6 hoặc 18. Khi nãy bắt đầu vô buổi giảng có nghe bà con mở lại băng giảng hôm qua nói đến chỗ này, tức là tôi đã nhắc qua chỗ này rồi. Nói 18 ở đây có nghĩa là 6 căn, 6 cảnh, cộng với 6 thức, còn nói 6 thì chỉ nói 6 căn. Nói rộng là nói 18, nói gọn là nói 6, ý nghĩa tương đương nhau. Toàn bộ đời sống của chúng sinh chỉ quẩn quanh trong 6 căn. Có người nặng về cái nhìn, có người nặng về cái nghe, có người nặng về ngửi, nếm, đụng, suy nghĩ… có người nặng hai thứ, ba thứ, có người nặng cả sáu thứ. Cái thích cảnh sắc của tôi cũng không giống như cái thích cảnh sắc của quí vị. Quí vị thích mặc đẹp, tôi thì thích nhà đẹp, có người thích xe đẹp, có người thích nhan sắc đẹp, có bao nhiêu tiền thì bỏ ra đi thẩm mỹ, họ muốn môi đẹp, cằm đẹp, trán đẹp, da đẹp… Có người thì nặng cái bên ngoài một chút, họ muốn quần áo giày dép nữ trang đẹp. Có người coi nặng cái nhà đẹp, có người coi nặng thân thể đẹp. Chỉ riêng con mắt thôi đã khác nhau. Tai cũng vậy, có người thích nghe nhạc xưa, có người thích nghe nhạc nay. Trong nhạc xưa, nhạc nay thì cũng vô cùng đa dạng, mỗi người thích một kiểu. Mùi vị cũng vậy và xúc cũng vậy, mỗi người thì thích kiểu êm ấm khác nhau, người thích êm ấm trong phòng ngủ, người thích êm ấm trong phòng làm việc, người thì thích êm ấm trong áo quần, trang phục. Hễ mình còn phàm đặc biệt là sống trong cõi dục thì mình luôn luôn sống vùi đầu, ghim sâu cắm chặt trong sáu trần, mỗi người một sở thích khác nhau. Từ sở thích khác nhau dẫn đến có chỗ ghét, kỵ khác nhau. Kỵ này đi ra từ đâu? Tôi cho quí vị một địa chỉ tuyệt vời, đó là Kinh Sanidassanasutta, Có Nhân Duyên, phẩm Giới Sai Biệt, Tương Ưng Bộ kinh. Chú giải của kinh này nói rõ chuyện tôi đang nói, lý do của việc ta ghét thứ này, kỵ thứ kia là do ta thích cái này cái nọ. Ba nhân duyên khiến ta thích ghét này nọ là tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý, môi trường sống hiện tại. Đây là nói rộng, còn nói vô cốt lõi rốt ráo, là do tiền nghiệp, ví dụ tiền nghiệp đẩy mình vô cảnh giới nào đó làm con dòi, con dế, con trùn, con cá. Trong kinh nói những người bố thí xong rồi tiếc, đời sau sanh ra có không dám hưởng. Mỗi lần phải xài cái gì đó hơi đắt tiền, sang trọng quí hiếm một chút họ rất lấy làm khó chịu. Tôi đã gặp qua những trường hợp như thế này, họ giàu có vô cùng nhưng vì hoàn cảnh nào đó phải tiêu xài họ khó chịu lắm, cái làm cho họ an tâm hạnh phúc sung sướng nhất là họ xài cái gì đó ít tốn kém, đồ hư đồ dỏm mà lòng họ yên, còn xài cái gì tốt hơn thì họ không yên. Phần nữa là do khuynh hướng tâm lý. Quí vị đã học rồi, một lần vua Pasenadi đi hầu Phật và thưa hôm đó vừa đi tịch biên gia tài một ông triệu phú, vô cùng giàu có nhưng lại sống như ăn mày. Đức Phật dạy, ông ta giàu vì do đời trước có bố thí cho một vị Phật Độc Giác, nhưng cơ cực vì cho xong rồi tiếc. Thứ hai là do khuynh hướng tâm lý ông ta bỏn xẻn. Ông này không bị môi trường, nhưng người khác thì do môi trường. Nhiều khi tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý mình không đến nỗi tệ nhưng môi trường sống và người thân cận khiến cho mình thích cái này ghét cái kia. Đức Phật nói chiều sâu rốt ráo lý do mình có cái ghét là bởi có cái thích. Mình ghét cái này cái kia là do mình thích cái này cái kia, và thích là do ba lý do đã nêu trên. Do có thích mới sanh ra ghét. Khi ta thích cái êm ấm thì tự nhiên phải ghét cái gì không êm ấm. Thích ăn ngon thì tự nhiên không thích cái gì không ngon. Bậc thánh không thích cái gì nên không ghét cái gì. Quí vị thích cái người vui tính thì tự nhiên gặp cái người cộc cằn mình không chịu nổi. Có cái thích thì tự nhiên sanh ra cái ghét, còn không quan tâm cái gì thích thì cái ghét tự động giảm đi hoặc không có nữa. Nếu quí vị bực mình nhiều quá tức là đang có nhu cầu gì đó. Ví dụ nói tu hành là tránh chỗ ồn; tránh khác với ghét. Xét về mặt kỹ thuật, thiền định mà ở chỗ ồn không thích hợp thì mình kiếm chỗ vắng chớ không phải mình ghét. Trong kỹ thuật thiền Quán, ta không nên có thái độ kình chống cái khổ, cái khó chịu mà chỉ lặng lẽ quan sát chúng. Thông thường, người không có tu học, lắng nghe trong thân trong tâm của mình có cái gì bực thì nhiều khi làm cho lớn chuyện. Chỉ là tê, mỏi, nhức một chút, mình lặng lẽ quan sát, hoặc nhắm chịu không nổi thì mình thay đổi oai nghi cho nhẹ nhàng; nhưng không, mình sợ nó, mình ghét nó, mình chạy trốn nó, đây là một thái độ tâm lý không nên có ở một hành giả. Đối với một cái khổ mà mình có tâm lý kình chống hay trốn chạy nó thì cái khổ được nhân đôi, nhân ba, nhân năm nhân mười, bành trướng theo cấp số nhân. Trong khi đó, chỉ cần nhìn thấy nó là nó thôi. Tôi đang nói về mặt lý thuyết thôi, chứ còn để làm được điều này cần phải có thân chứng và thể nghiệm. Mình càng chống nó nghĩa là mình càng tô đậm nó. Tôi lại nhớ câu thơ của Phạm Công Thiện, “Pari chiều nay nhân loại ngủ, em đi đi và nhớ quên anh”. Câu này nghe kỳ nhưng rất sâu, kêu người ta nhớ mua giùm chai nước, bao gạo thì có lý, chớ còn dặn người ta nhớ quên mình thì sẽ lại càng nhớ thêm. Có câu chuyện này tôi đã kể nhiều lần, một hành giả hỏi thiền sư thế nào là vọng tâm, thiền sư đưa cho hành giả tờ giấy trắng và bảo cứ tối nay cứ nhìn vô tờ giấy trắng này, được quyền suy nghĩ mọi chuyện nhưng nhớ một điều là không được quyền nghĩ tới con khỉ, đó là điều đại kỵ. Sáng sớm hôm sau hành giả kiếm vị thiền sư và nói rằng nếu hình ảnh con khỉ không nên nhớ thì ngài đừng nhắc tới, suốt đêm hôm qua cứ nhìn tờ giấy là con thấy con khỉ nhảy lăn tăn trên đó. Khi cố quên là lòng càng nhớ thêm là vậy đó. Nếu thấy không hay không đẹp thì thầy đừng nhắc, kể từ khi thầy dặn con thì con không cách chi quên được con khỉ. Vọng tâm là chỗ đó. Hễ muốn quên thì phải bôi xóa chớ mắc gì tô đậm thêm cái khổ. Khổ thọ xảy đến cho hành giả cũng vậy, không coi nặng thì tự động nó đi mất, đam mê chạy theo nó là một cách tô đậm đã đành rồi, nhưng ghét nó cũng là một cách để mà tô đậm nó. Có người, cha mẹ chết rồi họ không dám giữ kỷ vật, cho được thì cho, bỏ được thì bỏ, bán được thì bán, bán tống bán tháo không dám giữ, có người do quá thương nhớ nên giữ lại không dám bỏ cái gì hết. Cả hai người đều có lý hết nhưng quí vị biết là cái nào tốt rồi.
Loạt kinh này nói tất cả những gì mình ghét là do mình thích cái gì đó, càng ham vui thì càng chịu khổ, càng thích vui chừng nào thì khả năng chịu khổ càng ít chừng đó. Khi ai hỏi làm sao để sống an lòng giữa thị phi, chúng ta chỉ nên trả lời một câu: Bớt thích khen thì vững lòng trước cái chê. Không thể nào trên đời có chuyện một người khoái khen lại có thể vững lòng khi bị chê. Không có chuyện một người mê ngọt mà vững lòng khi gặp đắng cay. Con nít gặp đắng cay thì khóc bởi vì nó dành cho cái ngọt bằng tất cả tình cảm tuyệt đối mù quáng và cuồng tín, còn người lớn thì đã chuẩn bị tâm lý rồi. Con nít mà bị sốc thì chịu không nổi, thích khen, thích được rờ đầu, khen giỏi, nếu mình nạt nó là nó mếu liền. Tôi biết một cậu bé năm nay 15 tuổi, má nó cứ khen nó hoài là thông minh. Tôi biết nó có cái nhược là nếu cuộc đời mà chê nó là nó chết điếng chịu không nổi. Ba má nó phải chịu trách nhiệm trong sự tình này của nó.
Do cái dục sai biệt, lúc thích cái này, thích cái kia trong sắc trong thinh, trong khí, vị, xúc mới dẫn đến lúc thì ghét cái này cái kia. Khi thì sống nhiều qua mắt qua tai, khi thì thích nhìn cái này, lúc thích nhìn cái kia, từ đó mới có chuyện ghét nhìn cái này, ghét nghe cái kia. Từ chỗ giới sai biệt (various sense) mới dẫn đến tưởng sai biệt (various perception). Tưởng ở đây tức là ý niệm (conception, perception). Do các căn sai biệt dẫn đến ý niệm sai biệt. Trong số những người thích nghe nhạc xưa, có người thích nghe hát chầu văn, quan họ, hát xẩm của miền Bắc, mái nhì, mái đẩy của miền Trung, cải lương của miền Nam. Ngay trong nhạc là đã muôn màu rồi, có người nghe nhạc thì liên tưởng đến ánh sáng chớp giựt, có người nghe nhạc thì mơ đến lũy tre ao làng, có người nghe nhạc nhớ thời sinh viên hẹn hò công viên ghế đá, có người nghe nhạc nhớ thời chinh chiến miền biên ải xa xôi có ta có thù, có hỏa châu đêm đêm rọi sáng một vùng biên giới, có người nghe nhạc nhớ một thời ở trại tị nạn xa xứ không biết bao giờ trở lại, có người nghe nhạc để thèm có lại một buổi chiều mưa cùng với ai đó nơi hiên nhà hay gác trọ đâu đó. Chỉ riêng nhạc thôi, đã có tân nhạc cổ nhạc. Và thế giới người ta muốn trôi về đó cũng không giống nhau, chỉ riêng âm thanh mình thích, chưa kể âm thanh mình ghét. Có người sợ tiếng muỗng cạo đáy nồi, hoặc tiếng móng tay cào trên bảng. Mỗi loài động vật có tần số âm thanh khác nhau, con người mình cao nhất là 120 dB, nếu cao hơn nữa thì chịu không nổi nên về mặt kỹ thuật, mình đã bị những giới hạn, còn về khuynh hướng tâm lý thì giới hạn càng nhiều nữa. Có những cái mình nghe qua chỉ thấy buồn khổ, lo sợ, tạo ra nhưng liên tưởng hình dung mình không thích hoặc làm mình đắm đuối đê mê.
Tóm lại, do giới sai biệt dẫn đến tưởng sai biệt, từ tưởng sai biệt dẫn đến tư duy sai biệt. Tưởng ở đây là những khái niệm chính trị, văn hóa, xã hội, tôn giáo; kể cả khoa học, văn chương cũng đều là tưởng, khái niệm. Trong interior decor cũng vậy, quí vị vào trong Google gõ chữ “zen style” sẽ thấy trang trí nội thất có những cái mình không tưởng tượng được, có người thì thích cái phòng như tiệm bán đồ trang trí nội thất, có người muốn màu sắc diêm dúa, có người muốn gam màu chìm, rất thiền, rất dịu. Khái niệm về thẩm mỹ cũng là tưởng.
Do duyên sai biệt dẫn đến tư duy sai biệt, dục sai biệt, nhiệt tình sai biệt, tầm cầu sai biệt sanh khởi. Do ta sống nặng sống nhiều trong cái gì ở 6 căn 6 trần thì từ đó mới dẫn đến cách nghĩ thích hay ghét, dẫn đến những đường hướng suy tư khác nhau. Đôi khi thể trạng quyết định não trạng và tâm trạng. Ví dụ mình là người Phật tử, xưa mình thích mùi nước hoa này nước hoa kia, nhưng khi biết đạo rồi mình mới có nhu cầu đốt nhang, rồi lại nảy ra nhu cầu đốt trầm. Như hồi xưa tôi ở VN, tôi còn thích thêm mùi hoa lài, người ta xỏ xâu thành từng tràng. Bất cứ đi đâu nghe mùi hoa lài là tôi nhớ chùa miểu, nghe mùi trầm miếng cũng liên tưởng những buổi lễ ở chùa.
Cứ như vậy mà hiểu các kinh còn lại.