Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 1 – Chương 2: Tương Ưng Thiên Tử – Phẩm Các Ngoại Đạo

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 

Chương 2: Tương Ưng Thiên Tử 

Phẩm Các Ngoại Đạo

SERI (Serīsutta)

Hầu hết những bài còn lại của phẩm Thiên Tử trùng với những bài mình đã học trong phẩm Chư Thiên. Bài Seri mình đã học rồi (Kinh Đồ Ăn). Một vị Thiên tử hỏi câu này:

“Cả hai loại Trời, Người,

Ðều ưa thích ăn uống,

Có Dạ-xoa tên nào,

Lại không thích ăn uống!”

Ai trên đời này cũng thích hưởng thụ, thích sự sở hữu, có ai trên đời này không như vậy hay không? Đức Phật trả lời: Có, với những người có nhiều niềm tin, thích bố thí thì họ không thích sở hữu, không thích hưởng thụ cho riêng mình. Chúng tôi còn nhớ đã có trích đoạn kinh: Này các Tỳ kheo, nếu mà các ngươi hiểu được quả báo bố thí như là ta hiểu thì cho đến một miếng ăn cuối cùng dành cho mình thì các ngươi cũng không đành lòng mà ăn…. Ở đây chỉ khác một chút, vị Thiên tử kể lại chuyện xưa, ông là một vị vua rất hào sảng rộng tay làm phước thoải mái, theo Chú giải nói rằng, trong kiếp đó do sống hiền thiện rộng rãi tự nhiên ông có được trí gọi là “kammassakatañāṇa”: trí tuệ về nghiệp lý, tin và hiểu được rằng mọi người có nghiệp riêng.

Đức Phật dạy rằng ta chưa từng thấy một ngoại đạo (những người đi theo đường lối sai lầm) nào khi chết được sanh thiên ngoại trừ những người Kammavādi (người tin lý nghiệp báo). Đây là chuyện rất quan trọng. Mình phải cảm kích những vị tiền bối ngày xưa trong lịch sử PG đã đem PG từ Ấn Độ, Tích Lan đi truyền bá các xứ Á Châu để cho hôm nay có những vùng đất mà người dân có thể là không biết chữ nhưng họ cũng biết sợ tội, cũng ham làm phước, chẳng hạn như người VN mình. Tôi khổ tâm ở chỗ nói ra người ta nói tôi phản động chống đối, người ta nghĩ rằng mình lợi dụng tôn giáo nói qua chính trị thì không tốt. Chỉ trừ sau 1975 vấn đề đạo đức tôn giáo không được đẩy mạnh chứ trước đó trong trường lớp có bộ sách như Quốc văn Giáo Khoa Thư, trong đó không nói rõ Phật tiên, thánh hiền gì hết nhưng vấn đề đức dục thì coi nặng về nhân quả. Sau 75 thì chỉ được học những gương anh hùng mang tính cách chính trị. Tuổi trẻ mà học như vậy thì lớn lên những hình ảnh đó, về mặt chính trị thì ok nhưng không đủ để xây dựng nhân cách đạo đức. Một kho tàng nền tảng văn hóa đạo đức bị hủy hoại, rất là tiếc. Niềm tin vào lý nhân quả sẽ làm cho xã hội đẹp hơn.

Ông vua này sống đẹp lâu ngày thì ổng thấm. Khi mình có lòng yêu cái thiện, tự nhiên có lúc mình nhận ra được cái hay của nó. Ví dụ có một thời gian khá dài trước ngày rời VN tôi đâu có biết uống trà, trước khi rời VN vài năm tôi chỉ uống trà mấy vị đi Đài Loan về cho rất ngon nhưng uống không có lợi gì hết, sau này tôi đi châu Âu nhiều người ta khuyên tôi nên uống trà xanh. Trà xanh không ướp hóa chất, và giảm mỡ. Tôi uống lâu ngày mới nhận ra rất nhiều cái lợi. Khi mình chìm sâu trong một điều gì đó mình sẽ thấy cái hay của nó. Ông vua này sống nhiều năm trong tinh thần hào sảng rộng rãi ông cảm nhận vị ngọt của nó giống như uống trà xanh lâu ngày thì thấy cái hay của nó. Bản thân ông là người rộng tay làm phước lại tạo điều kiện cho người khác làm phước, hôm nay ổng trở thành vị Thiên tử xuống hầu Phật và kể chuyện xưa. Đó là nội dung bài kinh Seri.

GHATĪKĀRA (Ghaṭīkārasutta)

Ghaṭīkāra là một vị cư sĩ thời Đức Phật Ca Diếp, đã chứng được Tam quả và cha mẹ đều bị mù. Vị này vì có lòng đại hiếu muốn nuôi dưỡng cha mẹ nên không xuất gia mà ở ngoài đời để tiện chăm sóc song thân. Vẫn là cư sĩ nhưng là một vị thánh Tam quả và trong vai trò một người cư sĩ, Ghaṭīkāra có mối quan hệ thân tình rất sâu đậm với một cậu công tử nhà giàu tên là Jotipāla, Jotipāla chính là Bồ tát người về sau trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tuy giàu nghèo khác nhau nhưng chí hướng tu hành giải thoát giống nhau, sau đó Ghaṭīkāra chết sanh về cõi Tịnh Cư, còn công tử Jotipāla xuất gia thành vị tỳ kheo thuộc lòng Tam tạng nhưng do nuôi hạnh nguyện Chánh Đẳng Chánh Giác nên không đắc gì hết. Bên Nam Tông nói rằng trước khi thành Phật không đắc gì hết, còn Bắc Tông thì khác, Bắc Tông thì nói rằng đắc A-la-hán xong vẫn có thể nguyện thành bồ tát nghĩa là vẫn có thể luân hồi, A-la-hán vẫn có thể còn phiền não chấp này chấp kia. Bắc Tông có cái đặc biệt là có khi tôn sùng vị nào đó họ đẩy lên mây, có khi dìm A-la-hán xuống tới sình. Chẳng hạn họ khen HT Tuyên Hóa, khen HT Thiền Tâm VN, khen mà mình thấy những vị ấy đạt đến cảnh giới như nhiên bất động, có lúc dìm mấy vị khác như ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, họ nói một hồi đến nỗi tôi thấy như các vị ấy còn… thua tôi nữa. Chẳng hạn như khi mẹ tôi chết tôi chưa khóc, trong khi đó ngài Mục Kiền Liên đem chén cơm đến cho mẹ ăn, mẹ không ăn thì ngài khóc. Bên Nam Tông nói sau khi chết rồi, Jotipāla luân hồi sa đọa rất nhiều lần, từ đời Đức Phật Ca Diếp đến khi ngài thành Phật Thích Ca Mâu Ni, ngài phải trải qua nhiều kiếp sống và trải nhiều kiếp sa đọa chứ không phải giống như Bồ Tát Di Lặc, đây là do sự thúc đẩy của nghiệp. Phải hiểu ngầm là do Bồ Tát Di Lặc đi một đoạn đường quá dài hạnh tinh tấn. Có thể hiểu thế này, một người trước khi bước lên xe đò, anh ta có lội ruộng, chân dính sình, khi lên xe đi một quãng đường dài thì sình sẽ khô đi và rớt hết; trong khi đó, người khác cũng chân dính sình mà ngồi trên xe một quãng đường ngắn thì sình chưa kịp khô nên khi họ bước xuống xe, sình dính chân vẫn còn ướt. Có thể hiểu trường hợp Bồ Tát Thích Ca và Di Lặc cũng giống vậy. Thời gian Bồ Tát Thích Ca tu Ba-la-mật chỉ bằng một phần tư thời gian tu của Bồ Tát Di Lặc nên trước khi ngài thành Phật, những nghiệp cũ ngài chưa rũ sạch. Bồ Tát Di Lặc tu thời gian gấp bốn lần, Ngài là hạnh tinh tấn, Ngài tu chậm lắm. Ngài là vị Bồ tát chỉ biết làm thiện, càng lúc càng gần với Phật quả thì thiện càng nhiều và ác càng ít dần ít dần, vì Ngài đi quá chậm nên bao nhiêu bùn sình rớt sạch. Bồ Tát Thích Ca thì quá nhanh nên còn sót nhiều nghiệp lẻ tẻ, ví dụ Ngài bị vu oan giá họa. Tôi nhớ hoài chuyện cách đây 10 năm về trước, tôi nói (trong room paltalk) rằng theo trong kinh Bồ Tát Thích Ca Mâu Ni khổ hạnh 6 năm là do nghiệp cũ của Ngài, có một ông (người VN mình) tự nhiên tưởng tượng là do tôi nghĩ ra, ổng nói không đồng ý cách nói đó. Ổng nói rằng theo ổng nghĩ 6 năm khổ hạnh là do lòng đại bi. Tôi không nói cách hiểu đó là sai 100%, nhưng nên nhớ rằng Ngài có thể lựa chọn thì Ngài đâu có ngu dại gì kéo dài thời gian khổ hạnh. Ông ấy nói Ngài khổ hạnh để làm gương cho chúng sanh. Theo cách nói đó thì thấy hay, nhưng tại sao Ngài không lựa chọn thành Phật sớm hơn 6 năm để có thể giúp được nhiều người hơn, việc gì lại khổ hạnh 6 năm chỉ để làm gương? Hãy tưởng tượng một anh chàng sinh viên y khoa, thay vì có thể làm bác sĩ, anh ta cố ý kéo dài thêm 6 năm nữa để làm gương học tập cho sinh viên khác thấy rằng, lẽ ra tôi có thể mở phòng mạch, làm bác sĩ nhưng tôi kéo dài thời gian để các bạn noi gương học tập của tôi. Nếu có đủ điều kiện làm bác sĩ thì cứ làm chứ, lấy những gì mình có để làm phước giúp đời chứ sao lại kéo dài thời gian khổ cực để làm gương cho người khác, nghe thì hay nhưng ngẫm thì thiếu thông minh. Tôi là người VN mà tôi thấy dân tộc mình có nhiều cái lạ đặc biệt. Người Âu Mỹ cũng nghiên cứu Phật pháp mà họ rất nhiều công trình, còn người mình thì Tỳ Bà Sa mãi tới hôm nay mới chịu dịch mà mở miệng ra thì đòi mình có 2000 năm lịch sử PG…

JANTU (Jantusutta)

Bài kinh Jantu này có nội dung là lời ngậm ngùi của một vị Thiên tử khi nhìn tình hình chư tăng vào thời gian cuối đời của Đức Phật. Trong đời hoằng pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, 45 năm, được chia thành ba giai đoạn: 15 năm đầu sau khi Thế Tôn thành đạo, gọi là sơ giác thời (ādibodhikāla); 15 năm giữa là trung giác thời (majjhijabodhikāla); 15 năm cuối là gọi là hậu giác thời (pariyosabodhikala). Nghĩa là, 15 năm đầu sau khi Ngài thành đạo, giáo hội phải nói là 10/10 điểm. Vào hạ thứ 12, từ năm Ngài 35 tuổi cộng thêm 12 năm nữa là năm Ngài 47 tuổi, vẫn chưa cấm chế giới luật, tức là một hệ thống giáo đoàn kéo dài suốt 10 năm mà không cần nội quy gì cả. Không hề có tổ chức nào suốt 10 năm trời như vậy không cần một dòng thanh quy nội quy nào hết, mà thành viên trong tổ chức đó đều toàn hảo. Theo Chú giải, Thế Tôn như thế nào thì các tỳ kheo như thế ấy, họ ăn theo Phật, đi theo Phật, đứng nằm ngồi theo Phật, sinh hoạt như Phật, mọi thứ giống hệt như Phật. Từ từ mới xuất hiện những người mến mộ Đức Phật quá, vì cầu đạo giải thoát nên họ xuất gia theo Phật nhưng buổi chiều đói bụng nên họ ôm bát đi xin, người ta vẫn cúng dường bình thường. Ngài không hề cấm giới luật gì hết vì lúc đó tuyệt đại đa số tăng chúng không có vấn đề. Mười lăm năm tiếp theo bắt đầu nảy sinh vấn đề. Trong tăng chúng càng lúc thành phần xuất gia càng phức tạp dần, nhu cầu lý tưởng xuất gia không còn tinh tuyền như buổi đầu. Họ mang theo vào đạo tất cả những rối rắm của đời và từ đó mới nảy sinh ra lý do để Thế Tôn cấm chế giới luật.

Chính vì vậy ông Jantu này mới đến đọc bài kệ cho Thế Tôn, ý ông nói những ai sống phóng dật thì giống như xác chết, còn những ai không phóng dật thì ông xin quỳ lạy.

Các Tỷ-kheo thuở xưa,

Sống thật chơn an lạc,

Họ thật là đệ tử,

Bậc Ðại Giác Cù-đàm.

Không ham tìm món ăn,

Không ham tìm chỗ trú,

Biết đời là vô thường,

Họ chấm dứt khổ đau.

Nay thì sao?

Nay tự làm ác hạnh,

Như thôn trưởng trong làng.

Họ ăn, ăn ngả gục,

Thèm khát vật nhà người.

Con vái chào chúng Tăng,

Ðảnh lễ một vài vị

Kẻ khác, sống vất vưởng,

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app