Nội Dung Chính
Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn
Phẩm Tự Làm Hòn Đảo Cho Mình
CÁC UẨN
Vừa rồi chúng ta học xong bài kinh Quán Kiến. Khi chưa học đạo thì chúng ta không biết gì hết, hoặc biết chút đỉnh, biết sự hiện hữu của mình ở đời là sự hiện hữu của 5 uẩn, của 5 căn, của 12 xứ, của 18 giới hoặc của danh và sắc, của thân và tâm, của tinh thần và vật chất hoặc của hồn và xác. Khi có học đạo thì mình biết chúng sinh ở đời có nhiều trình độ khác nhau, từ đó có nhiều duyên nghiệp khuynh hướng tâm lý khác nhau, và từ đó chúng sinh có nhiều hình thức hiện hữu khác nhau. Có người có mặt trong đời với sự hiện hữu của năm uẩn; có người thì có thân mà không có tâm, họ chán tâm họ tu thiền nguyện sanh về cõi Vô Tưởng chỉ có thân mà không tâm; chán thân thì tu thiền Vô Sắc, bỏ cái thân giữ lại cái tâm thôi. Hạng thứ ba thì sanh ra đời có đầy đủ thân và tâm. Như vậy, chúng sinh có cõi Ngũ uẩn, Tứ uẩn và Nhứt uẩn; có chúng sinh Hữu tưởng, Vô tưởng và chúng sinh Phi Tưởng Phi Phi Tưởng. Tuy nhiên, do không biết Phật pháp, không học đạo và sự ra đời của chư Phật lại hiếm hoi nên người biết đến tất cả những hình thức hiện hữu này không dễ. Dù sanh ra trong hình thức nào, cảnh giới nào, miễn là còn phàm phu thì chúng ta còn đam mê chấp trước trong sự hiện hữu của mình. Sanh ra làm con chuột thì hài lòng với tất cả những gì thuộc về con chuột; sinh ra làm hoàng hậu, hoàng đế hay làm Càn-thát-bà sống trong rễ cây, lá cây, thì cũng hài lòng với thân phận đó; sinh ra làm Đế thích, Phạm thiên Hữu tưởng hay Vô tưởng, hay Phi Tưởng Phi Phi Tưởng cũng hài lòng với hình thức hiện hữu của mình. Khi có vị Chánh Đẳng Giác ra đời thì Ngài nói cho mình biết tất cả các hình thức hiện hữu và dù là hình thức hiện hữu nào đi nữa cũng cần phải quán chiếu qua ba khía cạnh: vô thường, khổ, vô ngã để nhàm chán; từ nhàm chán dẫn đến ly tham; và từ ly tham dẫn đến giải thoát. Dù là hình thức nào đi nữa cũng chỉ là tạm thời. Hôm nay mình như vậy ngày mai mình lại khác, kiếp này mình như vậy kiếp sau mình lại khác. Duyên nghiệp nhiều đời đưa đẩy chúng ta từ bến bờ này sang bến bờ khác. Nếu tôi thích hành thiền, tôi đắc thiền, sanh về cõi Phạm thiên, nhưng hết tuổi thọ trên Phạm thiên thì lại trở xuống. Trở xuống thì tôi đi về đâu? Trong vô số kiếp sanh tử tôi làm đủ thứ nghiệp: bố thí, trì giới, sát sanh, trộm cắp, nói dối, uống rượu, tà kiến v.v… nhưng do nghiệp tu thiền tôi sanh về Phạm thiên, sống hết tuổi thọ, trở về đây thì tới phiên những nghiệp đó làm việc. Nhằm ngay lúc nghiệp sát sanh của tôi trổ quả thì tôi sanh trở xuống bốn đường sa đọa, còn như quả lành nào đó trổ quả thì tôi làm hoàng hậu, làm vua, làm triệu phú v.v… Cảnh giới nào cũng là mong manh phù du, vì do tác động của luật Tam tướng, có đó rồi mất đó, không phải là của mình. Kế đến là tác động của luật nhân quả. Có làm con chuột, con dế hay Phạm thiên, Đế thích cũng chỉ là tạm thời. Vì vậy, Đức Phật dạy, trong hình thức hiện hữu nào cũng phải quán chiếu mọi thứ đều là vô thường, cái gì vô thường thì đáng gọi là khổ, và cái gì là khổ thì không đáng gọi là ‘ta’, ‘của ta’. Đó là nội dung bài kinh Quán Chiếu. Tiếp theo là bài kinh Năm Uẩn. Bài kinh này Đức Phật chỉ nói trước sau về năm uẩn.
*Năm Uẩn
Năm uẩn, thủ uẩn là đồng nghĩa. Tại sao Ngài nhấn mạnh hai cái đồng nghĩa này ở đây? Là vì cho chúng ta thấy cái ngu của phàm phu. Sắc là những thành tố vật chất; Thọ là những cảm giác của thân tâm; Tưởng là hồi ức, ý niệm, kinh nghiệm tích lũy, chấp trước, quan điểm; Hành: khía cạnh thiện ác của tâm; Thức: cái biết đơn giản của sáu căn. Ngài cho chúng ta biết bản chất của cái gọi là chúng sinh chỉ gồm năm thứ đó. Nhưng vì sao lại là ‘thủ uẩn’? Bởi vì, cũng năm cái phù du này, buồn thay nó lại là điểm tựa, chỗ bấu víu, là toàn bộ niềm đam mê chấp trước, nấn ná và nắm níu của phàm phu. Đây là tờ giấy dơ, đây là cùi bắp, đây là vỏ lon coca, đây là chai nước suối uống rồi, một miếng thực phẩm thừa… gom hết lại gọi là đống rác. Phân tích ra thì không phải là rác nhưng lùa lại một chỗ thì là đống rác. Năm uẩn cũng vậy, khi gom nó lại, cộng với niềm đam mê của mình thì gọi là thủ uẩn, gọi là tài sản của ông A, của bà B. Vì sao gọi là tài sản? Bởi vì người ta đã đổ mồ hôi nước mắt để kiếm nó, hiện giờ người ta trân quí, gìn giữ và quyền sở hữu của họ được pháp luật công nhận. Tài sản có nhiều trường hợp: một tòa lâu đài đắt tiền cũng là tài sản, một túp lều tranh hai chục mét vuông chỉ có năm cái nồi niêu, cái cuốc, vá cũng là tài sản. Tài sản nghĩa là được pháp luật, xã hội công nhận và người chủ của chúng tạm thời chưa muốn bỏ nó, và muốn giữ lại để sử dụng. Ở đây cũng vậy, năm cuốc vá, nồi niêu này cộng lại bằng niềm đam mê của chúng sinh được gọi là năm thủ uẩn.
‘Arammanabhavena’: do dựa vào khía cạnh đối tượng “bị biết kiểu nào” nên gọi là năm uẩn hay thủ uẩn. Năm uẩn trước sau như một nhưng là thủ uẩn trong trường hợp mình nhìn nó bằng sự chấp trước, sự đam mê. Muốn biết rõ hơn bà con xem thêm kinh Chuyển Pháp Luân, trong đó Đức Phật dạy sanh, già, đau, chết là Khổ, nói gọn lại năm thủ uẩn là Khổ.
Quí vị nên tập, khi nghe tăng ni nói cái gì hơi kỳ kỳ thì phải hỏi lại, dựa vào đâu, hoặc có thể đọc thêm ở đâu và tự mình phải nghiên cứu thêm. Hôm qua có người Phật tử gởi cho tôi cái clip quay hình ảnh đại minh sư thời mạt pháp, còn trẻ, giọng lơ lớ; nguyên một đám đồ chúng xì xụp bên dưới để nghe, giáo lý thì chỉ nói tới nói lui một chuyện “mình khổ là do nghiệp và mọi người hãy thương nhau, hãy xóa bỏ mọi ý niệm chính trị, cộng hòa hay cộng sản đều tốt hết.” Cứ chừng đó mà cứ nói tới nói lui, cả rừng người xì xụp bên dưới, tôi coi mà giựt mình, mà chạnh lòng. Chạnh lòng ở chỗ là giáo lý có gốc có gác người ta không nghe mà thích nghe mơ hồ linh tinh như vậy, nên giựt mình nhắc bà con một chuyện là không tin ai hết, chỉ tin vào những gì mình đã kiểm chứng.
SONA (Sonasutta)
*9 kiểu so sánh (mạn)
Bài kinh này rất quan trọng. Do không quán Tam tướng trên năm uẩn, phàm phu sống trong so sánh, từ so sánh sinh phiền não và đau khổ.
“4) Này Sona, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào quán sắc vô thường, khổ, biến hoại là: “Ta tốt đẹp hơn”, hay quán: “Ta bằng nhau”, hay quán: “Ta hạ liệt hơn”; những vị ấy đâu phải là những ai khác, nếu không phải là những người không thấy như thật!”
Đoạn kinh trên rất dễ hiểu lầm, có thể dịch lại cho rõ hơn:
‘Những ai nhìn thấy sắc uẩn này bằng cái tâm niệm so sánh hơn, bằng, thua, thì đó là những người có cái nhìn không đúng như sự thật”
Kinh Thập Thượng, Trường Bộ kinh có kể 9 kiểu so sánh (mana) thường được dịch là ‘Kinh Thập Thượng, Trường Bộ kinh có kể 9 kiểu so sánh (mana) thường được dịch là ‘mạn’. Khi Đức Phật ra đời ‘mạn’ có nghĩa là tâm trạng so sánh kiêu ngạo nhưng nghĩa gốc của nó là sự cân, đong, đo, đếm.
1. Hơn nghĩ là thua
2. Hơn nghĩ là bằng
3. Hơn nghĩ là hơn
4. Bằng nghĩ là thua
5. Bằng nghĩ là bằng
6. Bằng nghĩ là hơn
7. Thua nghĩ là bằng
8. Thua nghĩ là hơn
9. Thua nghĩ là thua
Bậc thánh cũng biết đối phương hơn mình cái này, kém mình cái kia nhưng không phải bằng tâm trạng so sánh để chấp thủ như phàm phu. Ví dụ, nhìn chiếc lá màu xanh, nhìn sang chiếc lá màu vàng, trong cái nhìn này có so sánh nhưng sự so sánh này không có phiền não. Khi nhìn con mình so với con người khác, đôi giày mình so với đôi giày người khác, kiểu so sánh này khác với kiểu so sánh trước, phân biệt để bực mình, phân biệt để thích.
Chín kiểu so sánh trên được chia thành hai trường hợp: Yathavamana: như thật mạn; Ayathavamana: hư huyễn mạn
Trong chín kiểu so sánh đó chỉ có 3 là Như thật mạn, 6 cái còn lại là hư dối. Chỉ có La-Hán mới hết hẳn ngã mạn. Ba tầng thánh thấp vẫn còn chút ít ngã mạn, nhưng chỉ là Như thật mạn Phàm phu có đủ 9. Còn có so sánh là còn có vấn đề. Thánh hữu học so sánh chỉ nhẹ nhàng, (hơn biết là hơn, thua biết là thua, bằng biết là bằng), so sánh của phàm phu có thể dẫn đến họa vong quốc, tan nhà nát cửa, chết chóc. Chỉ vì lòng kiêu ngạo, so sánh, không muốn người ta hơn mình, không muốn thua người khác mà chuyện gì cũng có thể làm được. Nhiều người tự cho mình là chưa bao giờ có ý đi cướp giật của ai, hay giết người, hay muốn cho người ta tan nhà nát cửa, tôi tin trong room này không có ai như có ý như vậy, tuy nhiên, cái này tôi cũng tin nè, quí vị không có lòng cướp giật, không có lòng giết người, không có lòng làm người ta tan nhà nát cửa nhưng trong lòng quí vị có một chút le lói niềm vui khi nghe ai đó bị nạn. Tôi chưa bao giờ có ý giết người, làm cho ai tan nhà nát cửa hay cướp giật, nhưng từng có suy nghĩ giá mà cái kẻ kia lăn đùng ra chết thì thế giới này đỡ khổ biết bao nhiêu. Nhiều khi không nghĩ cụ thể, nhưng khi nghe tin họ chết, tôi có cảm giác dễ chịu, đó cũng là cái ác. Từ đâu mà ra? Từ sự so sánh! Tôi nói chuyện này là vì muốn nói cái ác của mình rất vi tế, mà tu hành là phát hiện mọi hình thức phiền não. Ngày xưa tính mình nóng, mình sẵn sàng chửi bới nặng nề hoặc động tay động chân, giờ mình biết đạo thì không như vậy vì đó là ác nghiệp, nhưng sâu trong tâm khảm của mình vẫn còn le lói đâu đó cái ác ngầm mà mình không biết. Đến đây bỗng dưng tôi nhớ một câu chuyện, có bà đi bác sĩ nói rằng hình như trong bụng bả có vấn đề dư hơi hay sao đó mà đánh rắm liên tục, nhưng bả nói là không có tiếng mà cũng không có mùi. Bác sĩ nói: bà không những bị bịnh về ruột mà còn có vấn đề về lỗ tai và mũi nữa. Chuyện này cứ tưởng là chuyện đùa nhưng tôi đọc thì giựt mình, hành giả Tứ Niệm Xứ cũng y như vậy, hồi đó đến giờ mình cứ tưởng là mình lo danh lo lợi, lo chồng lo con, giờ mình vô đây bát quan trai ăn một ngày một bữa thì mình đã tốt rồi, không phải lo gì cả. Giống như bà bệnh nhân kia cứ nghĩ vấn đề cần giải quyết thì chỉ là chuyện đánh rắm. Chúng ta có nhiều vấn đề ghê gớm lắm nhưng khi mình không có khả năng nhìn hết vấn đề của mình thì làm sao mình giải quyết vấn đề. Tu hành cũng y như vậy, phải có cái gan nhìn thấy: Cái này tào lao nè! Cái này phải bỏ nè! Có nhiều chuyện mình làm không thấy kỳ mà người khác làm mình thấy kỳ, đây là cơ hội tốt để mình quan sát bản thân mình. Tôi biết tôi nói cái này là tôi bị ném đá, mà thôi kệ, coi như hy sinh nghen. Tại sao mình có can đảm chụp cái hình của mình rồi đem lên facebook? Mình nghĩ làm sao mà dám đem hình mình bỏ lên facebook? Khi mình nhìn cái hình người khác, mình nghĩ cái gì, tại sao mình không nghĩ ngược lại người ta nghĩ về mình cũng giống như vậy. Có người đem hình con lên facebook, rồi tán thán con mình là 3-4 tuổi mà biết lạy Phật. Ông già nó bốn chục tuổi mà lạy Phật chưa xong nói gì là nó, lạy Phật mà không hiểu gì về Phật. Ai hỏi Thế Tôn là gì, Vô thượng sĩ, Điều Ngự trượng phu là gì…thì không trả lời được. Vậy mà đi khoe đứa con cho được. Hãy nhìn mình như nhìn kẻ khác, sẽ thấy ra nhiều điều xưa nay chưa thấy.
SONA (2)
Kinh Sona 2, cũng y như vậy.
Ai chưa thấy được lý Duyên khởi của năm uẩn thì không thể giải thoát. Do không thấy năm uẩn là khổ (không thấy Khổ đế) nên mới tạo các nghiệp sinh tử bằng tham ái (không hiểu Tập đế). Khi đau khổ, không hiểu rằng chỉ có Niết bàn là cứu cánh giải thoát thật sự, lại hướng đến những cứu cánh thoát khổ khác (không hiểu Diệt đế) và làm mọi cách để diệt khổ mà không hề biết gì về Bát Chánh Đạo (không hiểu Đạo đế).
Do không hiểu năm uẩn là khổ nên mới sát sanh, trộm cắp, tà dâm; rồi bố thí, trì giới v.v… làm đủ việc thiện để mong sanh về cõi này cõi kia, để mong đời sau sanh ra được sung sướng dễ chịu an nhàn; đó là không hiểu Tập Đế. Còn không hiểu Diệt đế là khi khổ quá cứ nghĩ đến cứu cánh gì đó chứ không hề biết rằng chỉ có Niết bàn mới là giải thoát thật sự. Trong khi đó thì cứ hướng sanh về cõi này cõi kia, mong được trở về với Phạm thiên, đấng chí tôn. Thậm chí bên Tàu ngày xưa và có thể bây giờ vẫn vậy, họ tin các ông tiên trên núi là trường sanh bất lão. Họ tin sống theo tinh thần của Lão giáo thì một ngày nào đó cũng sẽ gặp tiên, cũng được trường sanh bất lão. Hỏi ở đâu thì nói không được, chỉ nói mơ hồ là mấy ông ở trong núi cưỡi hạc, ngồi đánh một ván cờ mấy vạn năm. Họ hiểu mơ hồ và chỉ mong được như vậy thôi. Bên Ấn Độ giáo, tiền thân của Bà-la-môn thì họ tin toàn bộ vũ trụ này do đấng Phạm thiên chí tôn tạo ra. Ngài tạo ra bằng cách ngài lấy chính ngài chia thành nhiều phần (người, thú, chim chóc, cây cỏ v.v…), nếu mỗi cá nhân biết tu hành theo lời dạy của các ông Bà-la-môn thì thời gian trở về với ngài nhanh hơn. Còn không thì cứ luân hồi vô số kiếp không biết ngày nào chấm dứt. Cứ đau khổ triền miên như vậy. Có những vị đạo sĩ đắc thiền sanh về Phạm thiên, họ nghĩ đó là số một, vì trên đó sống lâu, sống lâu đến mức họ không nhớ họ sanh lên lúc nào và bao giờ mới chết. Mặc dù tối đa chỉ có 84 ngàn đại kiếp thôi nhưng họ không có khả năng nhìn thấy như vậy. Một vị Bồ tát được thọ ký thì khả năng thấy được kiếp trước, kiếp sau chỉ mấy chục đại kiếp thôi. Trong dòng sinh tử này, nếu không có Đức Phật ra đời, một người dù có thần thông thì khả năng nhìn trước nhìn sau cũng rất hạn chế. Chính từ chỗ này mà sanh ra tà kiến. Mình thấy sanh về cõi này cõi kia là một cứu cánh thoát khổ. Vì vậy Đức Phật dạy, điều quan trọng nhất là phải thấy năm uẩn là khổ dù trong bất cứ hình thức tồn tại nào đi nữa, trong một điều kiện hiện hữu như thế nào đi nữa. Năm uẩn còn tồn tại là còn khổ. Và con đường nào dẫn tới năm uẩn đây? Chính là tham ái trong năm uẩn. Tham ái trong năm uẩn đời này sẽ tạo ra năm uẩn đời khác, còn việc sướng hay khổ là tùy thuộc ta nhiều phước hay tội.
Quí vị nói: tôi không biết đạo, không biết năm uẩn là gì, sao nói tôi tham ái trong năm uẩn? Một người không đi học, không biết chữ, họ không biết gì về protein, calcium, về tiêu hóa, về hô hấp…, nhưng rõ ràng họ ăn uống tầm bậy thì họ bịnh. Không biết nicotin là gì nhưng chắc chắn hút thuốc là có hại. Mình không biết năm uẩn là gì nhưng thích ăn ngon mặc đẹp là tham ái trong sắc uẩn; cứ nhớ mỗi lần đi chơi là thấy vui, năm nào cũng tìm cách đi du lịch; cứ nhớ rằng năm nào đi chơi cũng vui nên năm nay cũng sẽ đi chơi, cứ nhớ như vậy là đã có đam mê trong thức uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn… Kiếp này mình ở Âu Mỹ, mình có nhan sắc, mình có tiền, có học thức, mình nghĩ ráng làm phước để đời sau sanh ra cũng được vầy, nhưng khổ nỗi, trong vô số kiếp luân hồi quá khứ, nghiệp ác nhiều hơn nghiệp thiện gấp bao nhiêu lần. Kiếp này sướng là do nhằm lúc quả thiện trổ chớ còn nợ xấu của mình nhiều vô số kể. Bà con mà đắc A-la-hán thì trốn được biết bao nhiêu nợ xấu. Nghiệp thiện mình bỏ lại không đáng bao nhiêu so với nghiệp bất thiện. Một người tu hành trong sạch suốt 100 năm mà hỏi chết sanh về đâu thì tôi cũng không chắc vì tôi nhớ văng vẳng bên tai lời dạy của Đức Phật trong Tăng Chi Bộ Kinh: Này các tỳ kheo ai nói rằng một người làm thiện chắc chắn sẽ sanh thiên, ta nói rằng đó là tà kiến; ai nói rằng một người làm ác chắc chắn sẽ bị sa đọa, ta nói rằng đó là tà kiến. Vì sao? Vì người ấy không hề biết rằng trong quá khứ mình đã ra sao, chỉ biết có một kiếp này, thì đó là tà kiến. Đời này mình sinh ra được sung sướng là mình hú vía, chớ còn tắt hơi rồi đi về đâu thì không rõ. Phải nhớ rằng, tranh thủ được bao nhiêu thì tranh thủ, còn tin tưởng một trăm phần trăm mình là Phật tử chết sẽ sanh thiên thì không chắc. Nhiều người cứ tưởng cạo đầu đắp y là tu, cứ tưởng cư sĩ thọ một tháng tám ngày bát quan là tu, nghĩ vậy là sai. Bởi vì, chỉ khi nào nhớ đến giới thì lúc đó mới gọi là giữ giới. Một người đang ngủ không phạm giới nhưng không thể gọi là đang giữ giới. Một đứa bé nằm nôi không biết phạm giới không thể nào nói nó đang giữ giới. Cạo đầu đắp y mà nói là tu thì quá ẩu, bởi trong đầu mình nghĩ cái gì, một ngày mình dùng bao nhiêu thời gian cho chuyện tu tập, bao nhiêu thời gian để nghĩ để làm chuyện tào lao; phần thời gian làm chuyện tào lao đâu có kể là tu được.
“Viraticetanaham bhikhave sīlaṃ vadāmi”: Ta nói rằng sự cố ý ngăn tránh gọi là giới. Đói quá mà có thức ăn sẵn rất ngon, rất vừa miệng, nhưng nhớ bữa nay bát quan, không ăn, đó mới gọi là giữ giới. Chứ còn mấy hôm nay đầy bụng ăn không tiêu, sẵn bát quan, thọ luôn, không ăn, như vậy không phải là giữ giới. Một người bịnh gan bác sĩ bắt phải kiêng rượu đâu phải là giữ giới không uống rượu. Giới chỉ được kể là giới khi nào có sự cố ý không phạm hoặc có lòng ghi nhớ mình đang giữ giới.
HỶ ĐƯỢC ĐOẠN TẬN (Nandikhayasutta)
Bài kinh này y hệt như hai bài kinh trước. Nội dung kinh là còn thích thú trong năm uẩn thì không thể giải thoát. Khổ ở đây ám chỉ năm uẩn, con đường diệt khổ ở đây chính là sự nhàm chán năm uẩn và muốn làm được điều này phải tu tập Bát Chánh Đạo.
Những bài kinh trùng như thế này cho tôi niềm vui rất lớn, mỗi lần tôi liếc mắt bài kinh trùng tôi thấy điều Đức Phật nhấn mạnh là cái gì. Nhờ những bài kinh trùng này mới nhận ra đây là những bức tranh vẽ về chân dung, về giáo lý của Đức Phật. Toàn bộ giáo lý của Ngài, Ngài xác định mấy điều và dùng vô số phương tiện cách thức để triển khai giải rộng những điểm căn bản đó.
Năm uẩn là khổ, con đường dẫn đến năm uẩn đó chính là sự đam mê trong năm uẩn, con đường chấm dứt năm uẩn cũng chính là sự nhàm chán ly tham trong năm uẩn. Đó là lời dạy của Đức Phật. Cả đời Ngài chỉ dạy có hai điều: Khổ và con đường diệt khổ. Khổ ở đây ám chỉ năm uẩn, con đường diệt khổ ở đây chính là sự nhàm chán năm uẩn, và muốn làm được điều này phải tu tập Bát Chánh Đạo, nghĩa là phải có chánh kiến, chánh tư duy, chánh định, chánh tinh tấn… Phải có 8 cái này thì sự nhàm chán mới tới nơi tới chốn. Trong chú giải dùng chữ ‘Nibbidānupassanā’ (tùy quán yếm ly). Nibbidā: nhàm chán. Ānupassanā: quán chiếu thường xuyên. Con đường dẫn đến sự giải thoát phải là nhàm chán (nibbidā). Xem lại bài Pháp Cú 277-279. Khi nào một người quán chiếu thấy được các pháp là vô thường, khổ, vô ngã rồi sanh tâm nhàm chán thì đó chính là con đường thanh tịnh vậy. Còn chưa thấy chán sợ thì còn khổ dài dài.
Hôm nay, thời mạt pháp, người nghe mấy chỗ này ngủ chết luôn mặc dù cái khổ trước mắt cứ trùng trùng. Khi chưa gặp cái khổ kinh hoàng thì khi nghe đạo họ thích nghe cái gì lạ lạ gây sốc. Có người hỏi tôi sao chánh tạng nguyên thủy nghe chán. Tôi trả lời, quá xá đúng, bởi Đức Phật nhấn mạnh thế giới này đáng chán mà. Ngài đang nói về cái chán làm sao mà sung được.
Có một nhóm tù, buổi tối buồn quá, rủ nhau kể chuyện cho vui, ai biết được chuyện gì thì kể. Kể riết năm này tháng kia không còn chuyện gì để kể nữa. Trong đám tù có một anh chàng ít nói, không hề biết kể. Một ngày kia mấy anh tù đề nghị anh ta kể chuyện, anh ta suy nghĩ rồi nói: tôi có chuyện này dài lắm, nhưng sợ mọi người nghe thì ngán. Rồi anh ta kể: hồi xưa ông già tôi làm nghề bán gạo, mùa nước lụt, kiến về, có cái bao gạo mà mấy con kiến cứ tha đi, mỗi con một hột, năm mười phút tôi nhìn lại cũng cứ mỗi con một hột… Anh ta cứ thế mà kể, mọi người sốt ruột ngáp lên ngáp xuống hỏi anh ta muốn kể chuyện gì, anh ta nói là sợ ngày mai ngày mốt mấy con kiến tha hết đống gạo của ông già. Tôi thích câu chuyện này, vì nó y như Phật pháp. Nếu một mai này, có ai hỏi các vị Phật pháp dạy cái gì, các vị cứ trả lời: dạy kiến tha gạo. Nội dung là: cứ một con tha một hột. Kinh trùng cũng như vậy. Đức Phật kể cho mình nghe như kiểu anh chàng kia kể một con tha một hột. Bây giờ chưa gặp khổ chưa ngán đâu, khi chồng vợ con cái cha mẹ có chuyện, bản thân bị nan y tuyệt chứng thì lúc đó thấy lời dạy của Đức Phật về năm uẩn quan trọng cỡ nào: “Này các tỳ kheo, thật là vừa đủ để nhàm chán, vừa đủ để xả ly, các hành lần lượt đi vào quá khứ, đây là những gốc cây, những ngôi nhà vắng, hãy tinh tấn thiền định chớ có để mình sau này phải hối tiếc”.