Nội Dung Chính
Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn
Phẩm Tự Làm Hòn Đảo Cho Mình
*Tự làm hòn đảo cho mình
“3) Hãy sống tự mình làm hòn đảo cho chính mình, này các Tỷ-kheo, hãy nương tựa nơi chính mình, không nương tựa một ai khác. Hãy lấy pháp làm hòn đảo, hãy lấy pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một ai khác”
Hãy đi bằng đôi chân của mình, hãy đi bằng cách dựa vào tấm bản đồ, không tin vào cái gì khác.
Hãy nương tựa chính mình nghĩa là hãy đi bằng đôi chân của mình, hãy nương vào pháp nghĩa là hãy đi bằng tấm bản đồ. Không thể nào có thể có chuyện đốt kinh vò viên làm thuốc tể uống cái ực rồi kinh hộ trì cho mình được mà mình phải hành trì.
Tam Bảo và chư thiên chỉ hộ trì cho kẻ có hành trì. Muốn được hộ trì thì ta phải hành trì, nhờ hành trì nên mới được hộ trì. Hỏi tôi có tin cầu an cầu siêu hay không, tôi nói 50: 50. Với kẻ nào có hành trì thì chuyện tụng kinh có tác dụng, Tam bảo và chư thiên có hộ trì. Đức Phật đã Niết bàn rồi, hộ trì ở đây là như thế nào? Hộ trì là khi mình nghĩ đến Đức Phật lòng mình tùy hỷ công đức của Ngài. Sự tùy hỷ có hai tác dụng hộ trì rất lớn:
1. Tâm tùy hỷ là một yếu tố tâm lý lành mạnh, hỗ trợ cho sức khỏe của ta.
2. Tác dụng thứ hai của tâm tùy hỷ là công đức, công đức nhiều thì ta được chính nó hộ trì.
Tức là khi mình bị cái gì mà niệm tưởng đến Đức Phật là mình tùy hỷ Ba-la-mật mà Ngài đã tu trong vô số kiếp sống. Khi tùy hỷ với Ngài: Ngài đã làm những chuyện khó làm, cho những cái khó cho, Ngài đã học đã hiểu những cái khó hiểu khó học; chuyện mình hoan hỉ như vậy là yếu tố tâm lý rất quan trọng, giống như anh ăn trộm ở trên, cũng là bụi tre gai mà anh ta phải cần yếu tố tâm lý nào đó để không thấy đau. Tâm lý của mình được ổn định được an lạc thì mình có thể vững bước trên cuộc đời đầy đau thương này. Bản thân sự tùy hỷ là công đức, và chính công đức đó hỗ trì ngược lại cho mình. Chớ không thể là réo tên vị nào đó, miệng thì niệm mà lòng trôi dạt vào phương nào. Tây có câu: “Cầu nguyện không phải để thoát nạn mà là để bình tĩnh lúc lâm nạn”. Các chuyên gia cứu nạn của thế giới đều nhìn nhận trong các tai nạn, kẻ bình tĩnh có cơ hội sống sót cao hơn người sợ hãi. Ví dụ chuyện nhẹ nhàng thôi: Máu. Có người thấy máu là xỉu. Lúc đó cuống cuồng chạy dẫm đạp lên nhau. Mỗi người chỉ có hơn ba lít máu, nên chuyện đầu tiên phải làm sao cầm máu cái đã. Nhiều người chết oan vì mất máu nhiều quá chứ còn bản thân vết thương đó không đến nỗi phải chết, nhưng do hoảng quá cứ chạy bừa khóc la kêu gào.
Tự mình làm hòn đảo cho chính mình nghĩa là đi bằng đôi chân của mình, và y cứ trên lời dạy của Đức Phật qua kinh điển. Ta sẽ thấy định nghĩa về câu kinh trên đây ở nhiều chỗ không giống nhau nhưng nội dung chỉ là một. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Trường Bộ Kinh thì Đức Phật dạy rằng: “tự làm chỗ nương, chỉ nương vào pháp là tu tập Tứ Niệm Xứ.” Nhưng ở đây Ngài dạy rằng quán chiếu tính sinh diệt của danh sắc là sống tự y chỉ (nương dựa) và y chỉ pháp, không nhắc một chữ đến Tứ Niệm Xứ, nhưng rõ ràng nội dung chỉ là một: Chỉ đi bằng đôi chân của mình với sự hướng dẫn của tấm bản đồ. Trường hợp đó gọi là sống y chỉ vào chính mình và chánh pháp, không nương tựa vào cái gì khác.
CON ĐƯỜNG (Patipadasutta)
Sáng nay chúng ta học tiếp các kinh Tùy Pháp. Bài kinh Con Đường có hai chữ quan trọng:
‘Dukkhasamudayagamini’: con đường dẫn đến đau khổ
‘Dukkhanirodhagamini’: con đường dẫn đến sự diệt khổ
Có rất nhiều kinh Đức Phật xác định rằng toàn bộ lời dạy của Ngài trong cuộc đời hoằng pháp độ sinh chỉ đề cập hai vấn đềCó rất nhiều kinh Đức Phật xác định rằng toàn bộ lời dạy của Ngài trong cuộc đời hoằng pháp độ sinh chỉ đề cập hai vấn đề: sự khổ và con đường diệt khổ. Dù cho Ngài có nói về tạng Kinh tạng Luật hay A-tỳ-đàm thì nội dung chỉ là hai vấn đề đó.
Ngài chỉ phân tích cho thấy Khổ là gì và làm sao để diệt Khổ. Khổ khổ là sự có mặt của những gì làm thân tâm ta khó chịu. Hoại khổ là sự vắng mặt những gì làm cho ta thấy dễ chịu. Hành khổ chính là khía cạnh lệ thuộc các duyên để thân tâm ta có mặt.
Người không biết đạo hoặc biết sơ sơ, nghe nói đời là khổ thì chỉ biết Khổ khổ: sanh ly tử biệt, bịnh, xa người thân, gần người ghét. Khi cảm giác hỷ hoặc lạc đột nhiên biến mất, giống như đang mở quạt máy lúc nóng nực mà quạt máy bị hư, đó là Hoại khổ. Và sự có mặt của mình ở nơi nóng nực đó là Hành khổ. Chính vì mình ở xứ nóng nực mới có hai cái khổ đầu, chớ nếu quí vị ở xứ lạnh như tôi bây giờ thì chuyện nực là không có, còn quạt máy bị hư thì càng không có nữa, vì đâu có dịp nào xài. Khi Đức Thế Tôn giảng cho ông A bà B, dù là nói cách nào đi nữa Ngài cũng xác định toàn bộ sự có mặt chúng ta là sự có mặt của năm uẩn, và bản chất của năm uẩn là khổ. Khổ có nhiều cách nói nhưng cách nói phổ biến nhất là vì mọi thứ là vô thường, lúc có lúc không, lúc vầy lúc khác, chính sự vô thường này còn được gọi cái tên nữa là Khổ. Khổ luôn dính liền với vô thường.
Ngài Xá Lợi Phất nói (trong Vô Ngại Giải Đạo): Ý nghĩa rốt ráo của khổ không còn là vấn đề rốt ráo nữa mà là tình trạng, ‘Ngài Xá Lợi Phất nói (trong Vô Ngại Giải Đạo): Ý nghĩa rốt ráo của khổ không còn là vấn đề rốt ráo nữa mà là tình trạng, ‘pilana’, nghĩa là sức ép, áp lực (pressure). Dầu muốn dầu không ta vẫn luôn luôn bị đẩy về phía trước.
‘Ekaccharakhane’: ‘thời gian một tróc tay’, ‘một búng tay’. Đây cũng là chữ quan trọng, nên ghi nhớ. Người VN mình thì học pháp thì tà tà, còn Thái Lan, Miến Điện là họ bắt phải học thuộc những chữ này. Không thấy chữ này trong chú giải thì tôi cứ ngỡ là do ngài Tịnh Sự hay là sư phụ tôi nói.
Trong thời gian một búng tay (ekaccharakhane)thì tâm sinh diệt một ngàn tỷ (koṭisatasahassa)lần.
‘Koṭisatasahassa’: một ngàn tỷ (12 con số 0) (trillion).
‘Koṭi’: 10 triệu (7 con số 0).
‘Satasahassa’: 100 ngàn (5 con số 0).
Trong thời gian một búng tay thì tâm sanh diệt chừng đó sát na (1 ngàn tỷ). Đó là Trong thời gian một búng tay thì tâm sanh diệt chừng đó sát na (1 ngàn tỷ). Đó là tốc độ sinh diệt của tâm, nhanh gấp 17 lần sắc pháp.
Cái gì mà vô thường liên tục thì cái đó nó cũng là khổ, vì chúng ta không muốn nó vẫn xảy ra, và chính vì không muốn mà vẫn xảy ra nên nó là vô ngã. Vạn pháp do duyên thúc đẩy, mình không thể can thiệp được, mình chỉ có thể làm thiện để được quả vui, còn làm ác thì chịu quả khổ. Giống như mình có thể ăn uống để đừng bịnh, tập thể dục để giữ sức khỏe, để cơ thể không nặng nề. Còn chuyện điều động tốc độ nhịp tim thì phải giao phó cho cơ thể của mình mà thôi, chúng ta rất khó điều động nhịp tim của mình, nếu không muốn nói là không thể được. Đừng nói là bên cạnh mình có bác sĩ nên mình không lo. Bác sĩ cũng phải bịnh phải chết, sức lực, tài năng của họ cũng có hạn. Mình làm thiện thì được về trời, được giàu sang, nhan sắc, trí tuệ, sức khỏe gì đó, nhưng không thể kềm được sự sanh diệt của danh sắc.
Tu Tứ Niệm Xứ là hướng đến hai mục đích: Chấm dứt phiền não và hiện tại lạc trú. Nếu không chấm dứt được phiền não thì cũng là gieo duyên lành giác ngộ đời sau.
Toàn bộ đoạn kinh đang học Đức Phật xác định, con đường sinh tử là sống đam mê trong năm uẩn và con đường giải thoát chính là lìa bỏ con đường đam mê trong năm uẩn. Đây là cách nói khác nhưng cũng là kêu gọi mình tu tập Tứ Niệm Xứ.
Các cách chấm dứt phiền não: Tadangapahana: chấm dứt tạm thời; Paricchedapahana: chấm dứt vĩnh viễn bằng thánh đạo
Chấm dứt tạm thời nghĩa là chấm dứt kiểu đối phó. ‘Tadanga’: chấm dứt kiểu đối phó. Khi mình nhận diện tâm tham, thì tham biến mất, nhận diện được tâm sân thì sân biến mất. Mới đầu không thể đạt được như vậy mà phải tập trong nhiều tháng nhiều năm, tùy người và tùy kiểu tu. Nếu là hành giả bậc thượng thì có thể trong thời gian 3 tháng, 6 tháng hoặc một năm. Mình không có thần thông làm sao mình biết Ba-la-mật của mình dày hay mỏng? Phải coi đức tin của mình tới đâu, khả năng hiểu biết tới đâu, khả năng tu tập tới đâu. Mình xem thử mình có phải là hành giả bậc thượng chưa, và được 6 tháng chưa, đã một năm chưa, và với thời gian đó mình đã đối phó với phiền não ra sao… Có khi mình nhìn thấy nhưng nó vẫn còn nguyên đó.
Phiền não khi được ghi nhận sẽ biến mất. Thiện pháp khi được ghi nhận sẽ tăng trưởng. Ví dụ khi tôi quỳ lạy ngôi bảo tháp tám sợi tóc của Đức Phật ở Yangon, tôi thấy tâm tôi hoan hỉ quá. Thí dụ như mình là một hành giả chuyên nghiệp, lạy bằng chánh niệm mà, lúc vừa quỳ lạy xuống thì tâm hoan hỉ xuất hiện, dào dạt, lạnh xương sống, nổi da gà. Lúc đó mình biết, ố ồ, đại thiện thọ hỷ nha! Khi ghi nhận như vậy nó không hề mất mà lại tăng vì có thêm phần chánh niệm nữa. Trong khi đó, tâm bất thiện thì lại khác, Tâm bất thiện (nếu mình vững) khi mình nhận diện, ghi nhận nó thì nó phải mất.
Cho nên, khi tu Tứ Niệm Xứ thì chấm dứt phiền não có hai cách: Paricchedapahana – chấm dứt tuyệt đối bằng thánh trí, và Tadangapahana – chấm dứt kiểu đối phó, từng chập từng chập, từng cơn, từng lúc.
Toàn bộ hành trình tu tập của mình chỉ có hai việc: 1/ Nhận diện mọi có mặt là khổ, 2/ Biết rõ cái sự nhận diện này chính là con đường thoát khổ. Toàn bộ Tam Tạng chỉ nói hai điều này.
Con đường đau khổ là con đường để cho năm uẩn tiếp tục có mặt. Chính sự hiện hữu của năm uẩn là khổ. Con đường thoát khổ chính là sự nhận diện sự đau khổ. Muốn nhận diện thì phải tu Tứ Niệm Xứ. Hành trì Tứ Niệm Xứ tức là tu tập Bát Chánh Đạo. Đó là nội dung bài kinh này.
Trong Pháp Cú 277 – 279
“Sabbe sankhara anicca” ti
yada pannaya1 passati
atha nibbindati dukkhe
esa maggo visuddhiya.
“Sabbe sankhara dukkha” ti
yada pannaya passati
atha nibbindati dukkhe
esa maggo visuddhiya.
“Sabbe sankhara anatta” ti
yada pannaya passati
atha nibbindati dukkhe
esa maggo visuddhiya.
Khi nào ta nhận diện rằng các pháp hữu vi là vô thường rồi sanh tâm nhàm chán, đây chính là con đường giải thoát
Khi nào ta nhận diện rằng các pháp hữu vi là khổ rồi sanh tâm nhàm chán, đây chính là con đường giải thoát
Khi nào ta nhận diện rằng các pháp hữu vi là vô ngã rồi sanh tâm nhàm chán, đây chính là con đường giải thoát
Ba câu này được trích dẫn nhiều nhất. Trong tất cả các truyền thống Vipassanā, các thiền sư đều xem ba câu này như ba câu bảo vật trấn sơn.
Con đường thoát khổ là con đường chấm dứt thân kiến.
Thân kiến (sakkāyaditthi) là thấy rằng thân tâm này là tôi, của tôi. Ngày xưa, khi chưa học đạo, khi chưa hành Tứ Niệm Xứ, mình thấy đây là xứ sở của tôi, đây là nhà đất của tôi, đây là cha mẹ của tôi, con cái của tôi. Khi biết đạo rồi, tu Tứ Niệm Xứ rồi thì thấy cái này là vô thường, do duyên mà có cái kia cũng vô thường, do duyên mà có. Tuy nhiên, hành giả thường bị mắc vào tình trạng này: (sakkāyaditthi) là thấy rằng thân tâm này là tôi, của tôi. Ngày xưa, khi chưa học đạo, khi chưa hành Tứ Niệm Xứ, mình thấy đây là xứ sở của tôi, đây là nhà đất của tôi, đây là cha mẹ của tôi, con cái của tôi. Khi biết đạo rồi, tu Tứ Niệm Xứ rồi thì thấy cái này là vô thường, do duyên mà có cái kia cũng vô thường, do duyên mà có. Tuy nhiên, hành giả thường bị mắc vào tình trạng này: Tôi đang nhìn, tôi đang quan sát; quan sát danh sắc từ vị trí của người nhìn, bằng tâm trạng của người nhìn.
Có câu chuyện sau đây, quí vị nghe cho kỹ đừng bỏ sót chữ nào hết mới trả lời được: Ông chủ nhà trong cơn nổi giận, cầm cái búa đi vào trong phòng đập nát tất cả mọi món đồ trong phòng trong suốt nhiều giờ đồng hồ, đập cho đến lúc không còn thấy cái gì để đập nữa. Sau đó ông đi ra ngoài, quên rằng có một món không thể nào đập được, đó là món nào?
Đó là cái búa! Cũng vậy, mình bỏ hết danh lợi, tình cảm gia đình… mình đi vô thiền viện quán chiếu vô thường, vô ngã, tùm lum hết nhưng cuối cùng mình quên một chuyện, đó là ‘cái búa’. Thân kiến là vậy đó. Từ bỏ thân kiến chính là đập nát cái búa trên tay. Làm sao để đập? Nhận diện mọi thứ là Khổ và biết rõ sự nhận diện này chính là con đường thoát khổ (tu tập Tứ Niệm Xứ). Đừng nhìn nó từ vị trí ‘của tôi’, đây là sự nhàn chám ‘của tôi’, đây là sự tiến bộ ‘của tôi’, đây là chánh kiến của tôi, đây là sự tu tập ‘của tôi’… Hãy nhìn nó như là nhìn cái gì đó đang trôi chảy. Hành giả tu Tứ Niệm Xứ muốn lìa bỏ thân kiến phải luôn luôn tâm niệm rằng: Sự tu tập, chánh niệm, trí tuệ, chính là cái búa. Coi chừng đập tùm lum hết, cuối cùng rồi cái búa còn nguyên. Kể từ sáng hôm nay hãy thỉnh thoảng tự hỏi “cây búa đâu rồi”. Nhưng mà tự hỏi trong lòng chớ đừng tự nhiên ngồi hỏi cái búa đâu rồi người ta tưởng mình đi tu rồi về ‘tẩu hỏa nhập ma’…
VÔ THƯỜNG
Bài kinh Vô Thường cũng y hệt như vậy.
Trong thời gian một búng tay tâm sinh diệt một ngàn tỷ sát na. Tâm sinh diệt nhanh hơn sắc pháp 17 lần. Năm uẩn chia ra hai phần: sắc uẩn và 4 danh uẩn (thọ, tưởng, hành, thức). Bốn danh uẩn sanh diệt nhanh hơn sắc uẩn 17 lần.
Vị hành giả phải là người thường xuyên liên tục quán chiếu rằng năm uẩn này, danh sắc này, thân tâm này là vô thường. Nếu đủ duyên lành thì chứng thánh đời này, còn không cũng là hiện tại lạc trú và gieo duyên đời sau. Toàn bộ những gì chúng ta được nghe hay đọc thấy trên kinh điển phải được hành trì thì mới thấy được nó đúng hay sai một cách rốt ráo. Không hành trì mà chỉ ngồi tưởng tượng suông thì có cái thấy, có cái không thấy. Ví dụ, nói chánh niệm diệt trừ phiền não, nếu không hành trì thì khó tin lắm. Lúc đầu mình gượng tin, nhưng về lâu về dài thì thấy chán và tự hỏi sao pháp môn gì đơn giản vậy. Tại sao mình sinh tử? Vì có tham, có sân,có si. Có tham, có sân, có si là bởi vì mình thất niệm. Toàn bộ những rắc rối trên thế giới này đều xuất phát từ chuyện người ta không chịu nhìn lại điều mình sắp làm, muốn làm, đang làm; sắp nói, đang nói; đang suy nghĩ, vừa suy nghĩ. Ví dụ, trong gia đình mà vợ chồng con cái gây nhau là do thất niệm. Ác pháp khi được nhận diện sẽ biến mất, thiện pháp khi được nhận diện sẽ tăng trưởng. Nhận diện chính là dùng chánh niệm và trí tuệ để ghi nhận, đó chính là hành trì. Muốn hết khổ thì phải nhận diện bản chất của năm uẩn. Muốn làm được chuyện đó thì chỉ một con đường duy nhất: tu Tứ Niệm Xứ. Có người chỉ có thể ghi nhận sắc pháp, có người thích hợp với đề mục danh pháp, có người thì cả hai. Bản thân tôi – người đang hầu chuyện cùng quí vị – tôi hợp với cả hai. Tạm thời tôi thấy không có gì đặc biệt thì tôi cứ đi, đi từng bước, đi thong thả hoặc ngồi yên, không theo tư thế bán già kiết già chi hết. Bàn tay úp đầu gối, thỉnh thoảng thì ngửa lên cho mát. Chỉ đi tới đi lui nhẹ nhàng thong thả, đang đi biết rõ mình đang đi, không có gì thêm bớt. Có thiền sư chia ra: giở, bước, đạp… Tôi không chia ra, đang đi thì biết đang đi mà thôi. Đó là đang ghi nhận về sắc pháp. Trong lúc đang ghi nhận như vậy đó, bỗng có cái bực mình, tôi sực nhớ chuyện gì đó, tôi ghi nhận: phóng tâm nghen; nếu nó nhanh quá và bực mình xuất hiện, thế là tôi ghi nhận: đang giận nghen. Khi nó lắng xuống thì tiếp tục đi nữa. Còn ghi nhận về danh pháp là biết về tâm (đang tham, đang sân…) và biết về thọ (lạc nè, khổ nè.. biết rõ).
“Nhờ hành trì như vậy đó cho nên vị đó mới chấm dứt được phiền não… tâm ly tham, được giải thoát, không có chấp thủ các lậu hoặc… Vị ấy biết rõ: Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành…”. Có nhiều vấn đề tôi sẽ gom hết để viết thành những bài viết ngắn và rất ngắn trong Chuyện Phiếm Thầy Tu tập 2, trong đó tôi bàn về những chuyện bà con nghe sẽ rất sốc nhưng không thể không nói, những kinh nghiệm, những lỗi thường gặp khi nghiên cứu kinh điển, cái gì nên làm, cái gì nên tránh. Ví dụ trong đó tôi có nói rõ một chuyện là không đi đâu qua khỏi bài kinh Tứ Niệm Xứ của chánh tạng hết. Tất cả kinh nghiệm của thiền sư chỉ là chỗ để mình tham khảo. Khi nói cái gì đó chung cho đại chúng thì tránh nói chi tiết. Vì càng chi tiết thì càng đóng khung chân lý. Thiền sư ngày nay có khuynh hướng đi vào chi tiết. Ngài Xá Lợi Phất là nhân vật số hai sau Đức Phật, vậy mà ngài cũng không đưa ra đường hướng nào gọi là có đóng mác Sariputta trong đó, còn bây giờ thì có, Shwe Oo Min, Mogok, Pa-Auk, Mahasi…v.v mỗi truyền thống đều có cái mác trên đó. Ngài Xá Lợi Phất thì không, ngài thấy rằng chân lý ở mỗi người có một cái cửa đi vào khác nhau, vì vậy ngài chỉ đưa ra những điều chung chung. Tôi muốn viết tập hai vì tôi sẽ đá động đến một số vấn đề của người tu và học mà không có dịp để nói và có người không có điều kiện để nghe.
VÔ THƯỜNG (2)
Hôm qua tôi có nói, cố ý đi tìm một cái tôi trong cuộc đời vô ngã vô thường này chẳng khác nào xác định quốc tịch ở một xứ sở không đáng sống. Xác định chủ quyền, chủ sở hữu trên vật gì ngon ngon một chút chớ cái thùng phân thì xác định làm gì. Trước khi ăn bánh mì thì tờ giấy gói bánh mì là cần thiết, còn khi ăn xong thì tờ giấy đó chỉ đem liệng thùng rác. Không ai tha thiết xác định chủ sở hữu trên những vật đó hết. Mọi thứ ta có chỉ là tấm vé chưa đi, tờ vé số chưa dò. Sử dụng xong rồi thì không còn gì nữa. Cái khổ của ta là cứ muốn giữ lại mọi thứ.
Cái gì là vô thường đáng bị gọi là khổ. Cái gì là khổ thì không đáng gọi là ta, của ta.
QUÁN KIẾN (Samanupassanāsutta)
Kinh này có nội dung thu gọn kinh Phạm Võng, Trường Bộ kinh.
3) Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào quán tự ngã dưới nhiều hình thức sai khác, quán cả năm thủ uẩn hay quán một trong năm thủ uẩn.
“Quán tự ngã” nghĩa là ‘coi như là của tôi’, nhìn bản thân mình hoặc cái gì bên ngoài mình như là ‘tôi’ và ‘của tôi’.
Đầu tiên là chấp ngã trong năm uẩn; hai là trong năm căn; ba là trong Duyên khởi mặc dù bản thân người đó không biết duyên khởi là gì.
Chúng sinh trong đời gồm có loại nhất uẩn, tứ uẩn và ngũ uẩn. Có tâm, không tâm, nói có hay không đều không được.
Ngũ uẩn: chúng sinh ở cảnh giới có đủ thân và tâm, đủ sắc uẩn – thân xác vật chất (thô và tế); có đủ bốn danh uẩn (thọ, tưởng, hành, thức). Nhưng cũng có những chúng sinh nhàm chán tâm. Kẻ chán tâm tu tập thiền Sắc giới đến tầng Ngũ thiền rồi nguyện đời sau không có tâm thức, nhờ vậy khi chết sinh về cõi Vô Tưởng Thiên (Asannibhava) sống ở đó 500 đại kiếp, như một ngẫu tượng vô tri. (ngẫu tượng: mannequin)
Có người chứng thiền Sắc giới lại nhàm chán sắc pháp, tiếp tục tu tập thiền định bằng các đề mục phi vật chất, sau đó chứng thiền Vô Sắc và sinh về cõi Vô Sắc.
Theo trong kinh, Đức Phật nói nếu Ngài không ra đời thì có một số sự kiện, một số cảnh giới mà chúng sinh không thể nào biết được. Chẳng hạn như trong Trung Bộ Kinh, Đức Phật xác nhận rằng cảnh giới Vô Sắc không phải ai cũng biết một cách dễ dàng. Chúng sinh ở đó không có sắc pháp, gọi là cõi nhưng không có gì để là cõi. Cái gọi là thế giới này có những chúng sinh hữu hình và chúng sinh vô tướng; có những chúng sinh có tâm mà không có sắc, có những chúng sinh có sắc mà không có tâm.
Có những người hoàn toàn không biết gì hết chỉ biết hưởng dục thì họ chìm đắm đam mê, ghim sâu cắm chặt trong năm trần, sắc thanh khí vị xúc, mắt tai mũi lưỡi thân. Có người khá hơn một chút thì tu tập thiền định để nguyện đời sau không có tâm rồi sinh về cõi Vô Tưởng. Hạng khá hơn chút thì nhàm chán sắc pháp, tu thiền Vô sắc để sanh về cõi Vô sắc, ở đó không có sắc pháp, không có vật chất. Tuy nhiên, dù đam mê trong Dục giới, Sắc giới hay Vô sắc giới thì cũng giống hệt như một người đam mê một nơi chốn nào đó trong căn nhà đang cháy. Nghĩa là mọi thứ đang luôn luôn vô thường, đang luôn luôn trở thành một thứ khác. Chữ bhava (becoming) nghĩa là đang trở thành một cái gì đó, luôn luôn đổi khác. Đổi khác ở đây nghĩa là cái trước được thay thế bằng cái sau. Trong cơ thể mình, cái cũ được thay thế bằng cái mới liên tục. Về tâm thức thì sát na trước biến mất 100% không để lại dấu vết gì hết để cái thứ hai xuất hiện. Nhưng vì quá nhanh nên mình thấy giống như có dòng chảy liên tục như quạt máy ba cánh quay quá nhanh làm cho mình chỉ thấy một quầng tròn.
Có sắc mà không tâm là chúng sinh Vô Tưởng. Có tâm mà không sắc là chúng sinh 3 cõi Vô Sắc thấp. Có đủ thân và tâm là chúng sinh cõi Ngũ Uẩn. Nói có tâm và không tâm là đều không được, đó là chúng sinh cõi Vô Sắc cao nhất, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng. (Xem thêm trong cuốn A-tỳ-đàm do sư Giác Nguyên biên soạn).
Bài kinh này Đức Phật dạy cho dù mình là người cõi Ngũ Uẩn, Nhất Uẩn hay Tứ Uẩn, có tâm, không tâm hay vừa có vừa không thì hễ còn nghĩ rằng ‘tôi là’ cái gì đó, cái này là ‘của tôi’, ‘tôi’ đang tu tập, ‘tôi’ đang bất thiện… nghĩa là mình không thể giải thoát, đập hết mọi thứ mà vẫn sót lại một thứ nghĩa là chưa đập hết. Trong Tứ Niệm Xứ không có cái nào không được quan sát, cái gì cũng là đối tượng quan sát; cái quan sát và bị quan sát đều phải được quan sát. Nhờ vậy ta mới đập nát luôn cái búa. Khổ một chỗ, người không đủ Ba-la-mật thì sẽ đi lấy cái búa thứ hai. Trên tay vẫn cứ còn cái búa
-Cách nào để đập luôn cái búa?
-Liệng! Buông!
-Vị La-Hán còn tâm hay không? Còn thân hay không?
-Còn.
Có người hỏi Đức Phật: Khi chưa chứng La-Hán thì an trú pháp gì? Ngài trả lời: Tứ Niệm Xứ!
– Khi chứng rồi thì sao?
– Tứ Niệm Xứ!
Tu hành không phải để được cái gì mà để bỏ được bao nhiêu, bỏ được cái gì. Đi lượm đồ thì có thể nhặt đồ tầm bậy, đi liệng đồ thì chỉ việc liệng bỏ cái gì trên tay. Vấn đề của người đi lượm là cả vũ trụ, còn vấn đề của người đi liệng thì chỉ là cái gì trên tay, buông ra là xong.