Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 3 – Chương 1: Tương Ưng Uẩn – Phẩm Than Đỏ

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 3

Chương 1: Tương Ưng Uẩn

Phẩm Than Đỏ

Trong tiếng Pāḷi, chữ ‘kukkuḷa’ nghĩa là ‘tro nóng’ (hot ash).

“Này các tỳ kheo, sắc, thọ, tưởng, hành, thức là tro nóng”. Đức Phật sử dụng hình ảnh này rất là đẹp. Tro nóng thổi một cái là bay, đụng vào thì phỏng tay. Tro nóng là thứ không cốt lõi, mong manh, chớp nhoáng, thấy đó mất đó. Tro nóng là thứ chỉ đem lại sự đau khổ cho người chạm vào.

Có quán chiếu năm uẩn, có sống chánh niệm, theo dõi thân và tâm của mình (năm uẩn) thì mới có cơ hội để thấy sự có mặt của tấm thân này là khổ. Thân và tâm là gốc của khổ. Có thân và tâm mới có ước vọng, có ham thích. Có thân và tâm mới có sự khó chịu về thân xác. Vì có cục nợ này, nên giống như cái bia để cho bao nhiêu thứ cay đắng nghiệt ngã nhắm vào đó mà bắn. Chính vì có tâm thức nên chúng ta mới có những suy nghĩ mà phần lớn là đau khổ. Không có trí tuệ nhận thức, chánh niệm theo dõi thì không tài nào thấy được thân và tâm đem lại cho mình cái khổ. Có nhận thức thấy rõ tro có đó mất đó, vị hành giả thấy rõ bản chất mong manh và là nguồn khổ của năm uẩn nên mới sanh tâm nhàm chán, do có nhàm chán mới có sự chấm dứt, có chấm dứt mới có sự thoát khổ.

VÔ THƯỜNG, KHỔ, VÔ NGÃ

Đức Phật dạy cái gì vô thường thì không nên thích. Thích trong vô thường chỉ khổ mà thôi. Không gì thê thảm cho bằng yêu giọt sương trên đầu ngọn cỏ với niềm tin yêu trông đợi nó sẽ còn hoài ở đó. Nói theo tinh thần phàm phu thì yêu một giọt sương trên đầu cỏ đâu có lỗi lầm gì, nhưng nếu kèm theo một niềm ước mơ giọt sương này còn hoài ở đó, khi chạm tay vào đừng có tan vỡ, thì đó là yêu trong niềm đau, yêu trong nỗi khổ. Có câu chuyện cổ tích, trên đời không có gì đẹp cho bằng giọt sương có ánh nắng chiếu vào và đó chính là nguồn gốc để nhân loại tìm đến với kim cương, vì kim cương mang hình dáng bóng sắc của giọt sương, có điều nó bền hơn giọt sương trên đầu cỏ. Chuyện kể rằng một nàng công chúa đức hạnh hiếu thảo với cha mẹ, có lòng thương yêu chúng sinh, đã yêu giọt sương, nàng khóc rất nhiều khi nó không còn nữa trên tay mình khi nàng chạm tay vào, khi nắng lên. Ông trời thương đã ban cho nàng những viên kim cương để thay thế cho những giọt sương nàng vừa làm mất. Đó chính là nguồn gốc thơ mộng của viên kim cương. Đây chỉ là câu chuyện thơ mộng về niềm đam mê kim cương. Phàm phu cố nắm níu những giọt sương và mong nó bền chắc như kim cương thì chỉ là chuốc khổ. Tôi biết, ở đây có người đang cười thầm, có người đang ngạc nhiên: Ai mà khờ như vậy? Nếu quí vị nói quí vị không khờ như nàng công chúa đó, vậy sao cả đời phải phấn son, phải quần là áo lụa, phải đi thẩm mỹ, phải trang hoàng nhà cửa. Tại sao muốn rời nhà phải đứng trước gương. Đó có phải là niềm nỗi của nàng công chúa đam mê giọt sương hay không? Cố tình gầy dựng một cuộc đời, một sự nghiệp, một mái ấm, đó có phải là niềm yêu của nàng công chúa đối với giọt sương hay không? Thân tâm này vô thường từng phút thì nói gì những thứ trên. Cách đây vài tuần, tôi chứng kiến một sự đổ vỡ tan nát của bao nhiêu thứ mà người ta gọi là hoành tráng, chắc chắn bền bỉ của cái gọi là sự nghiệp thành đạt, cái gọi là tình người, ở một góc đời. Mấy chục năm gầy dựng vậy mà nó sụp đổ một cách ngoạn mục, hơn cả hai toàn nhà WTC ở NY năm 2001. Vụ đó thì còn có chiếc máy bay, cần xăng để nổ, còn vụ này thì không cần xăng, không cần một sự bạo hành bạo lực hay nỗ lực ghê gớm nào mà chỉ là mấy chữ, mấy câu nói đã làm tan nát hết mọi thứ. Có phải năm uẩn là tro nóng hay không. Bởi vậy Đức Phật dạy, cái gì vô thường đừng yêu thích nó nữa, cái thích đó chỉ là đam mê dại khờ của nàng công chúa yêu những giọt sương và thầm mong nó là những viên kim cương. Đừng tiếp tục thích nó nữa, cái gì là khổ, là vô ngã, ôm ấp nó chỉ đem lại nỗi khổ niềm đau. Hạnh phúc trong đời này nếu nói theo kinh Phật chỉ như một miếng thủy tinh vỡ, nhìn đẹp lắm nhưng chỉ để nhìn thôi, nắm chặt trong tay thì chỉ chảy máu và đau đớn mà thôi. Có lẽ ở đây cũng có người đang nghi ngờ rằng tôi nói vậy mà không biết có nghĩ vậy hay không. Hơn ai hết trong những ngày tháng này, tôi thấm thía rất rõ cái nỗi khổ niềm đau đi ra từ sự nắm níu, chấp giữ đối với năm uẩn. Hạnh phúc trong nhà Phật không phải là có được cái gì mà là đã buông được cái gì. Tôi từng kể chuyện đứa bé bốn tuổi tập thể dục bên cạnh mẹ, cũng quơ tay quơ chân như mẹ rồi một lát sau nó ngồi phịch xuống nói: khỏe rồi. Mẹ nó hỏi mới tập chút xíu sao khỏe, nó nói “hết tập là khỏe rồi.” Phải nói rằng bản chất của đời sống nói theo tinh thần nhà Phật một cách rốt ráo là vậy, mình cứ nghĩ chạy theo cái này cái kia, đạt được cái này cái kia mới là hạnh phúc. Hạnh phúc có nhiều nguồn: có được cái gì đó hoặc không có cái gì đó, có thì phải bị mất, không có gì thì không bị mất gì. Có được sức khỏe, có được nhan sắc, có được quan hệ tốt trong xã hội v.v… là hạnh phúc. Hạnh phúc có được từ sở hữu, đạt được điều gì đó lại không bền. Không có cái răng sâu, không có cái áo rách, không có chứng bịnh gì trong người, không có nợ nần gì, không thù oán với ai, đó là hạnh phúc. Hạnh phúc có được từ sự ‘không có’ có hai trường hợp: tương đối và tuyệt đối. Ví dụ bây giờ tôi hạnh phúc vì không có bịnh, nhưng ngày mai, tuần sau, tháng tới, nhiều năm nữa thì không biết. Bây giờ không bị đau răng, không nóng quá lạnh quá, nhưng không biết kéo dài bao lâu. Hạnh phúc có được từ sự ‘không có tuyệt đối’ nghĩa là phải chấm dứt phiền não, chấm dứt sinh tử, vĩnh viễn không có cơ hội tái sanh nữa; đó mới gọi là sự tuyệt đối. Chớ còn những cái không như: không bị nợ nần, không bị thất tình, không mất tiền, không bị thù oán v.v… cũng là hạnh phúc, nhưng kéo dài được bao lâu?

Ở đây học một loạt kinh, Đức Phật xác nhận, cái gì là vô thường, khổ, vô ngã thì không nên thích nữa. Nếu còn thích thì cũng như sự dại khờ của đứa bé tưởng tiếc giọt sương đầu cỏ và nỗi khổ niềm đau vì mảnh thủy tinh trong tay.

Vô ngã là gì? Nếu nói theo kiểu con vẹt con nhồng con két thì vô ngã là ‘không có tôi’, ‘không có cái gì của tôi’, nhưng như vậy mơ hồ quá. Có vô số định nghĩa về vô ngã trong PGNT, ở đây tôi chỉ gợi ý, ngày xưa đến giờ, mình cứ nghĩ ai làm điều gì đó cho mình vui thì ‘mình vui’, ‘tôi vui’; ai đụng đến mình thì ‘tôi bị tổn thương’, ‘tôi bị xúc phạm’; mình có được cái gì thì ‘tôi có học vị’, ‘tôi có bằng cấp’, ‘tôi có kiến thức’, ‘tôi có mặt mũi’, cái gì cũng ‘tôi’ hết, ai chạm đến cái tôi thì mình nhảy dựng nên. Vô ngã là bản chất tùy duyên mà có. Nghĩa là A có được nhờ B, C, F, cộng lại, hiểu được như vậy là hiểu được lý vô ngã. Hiểu được rằng thân này tâm này là do duyên mà có, giống như một đống (heap) cát. Trong một đống cát thì không có cái gì ngoài cát, gom vô số hạt cát lại thì gọi là ‘một đống’ cát. Thật ra gọi ‘một đống’ như vậy nhưng không có cái gì là ‘một’ trong đống cát đó hết. Gọi là ‘một’ nhưng nó được cộng ghép bởi vô số hạt cát. Không có cái gì là thuần túy, nguyên chất hay khối (pure, solid hay massive) mà tất cả chỉ là lắp ráp (composition only) do duyên mà có (conditioned) và lệ thuộc vào cái này cái kia (depending on something). Ví dụ, tôi hạnh phúc khi tôi được ăn khi đói, được chăn mền khi đang lạnh, gặp gỡ ai đó khi tôi thương yêu nhung nhớ. Hạnh phúc phải lệ thuộc vào cái gì đó, và đau khổ cũng vậy. Hạnh phúc và đau khổ là hai mặt của đời sống, do duyên mà có và lệ thuộc nhiều duyên. Hiểu được thân tâm này, thân tâm của người khác, xa hơn nữa, phường xã, quận huyện này, đất nước này, thiên hà này, mọi thứ đều do lắp ráp, do duyên mà có và có rồi phải mất, tất cả chỉ là đống cát, không có gì đơn thuần, là một.

THIỆN NAM TỬ KHỔ

Ba kinh Thiện Nam Tử tiếp theo cũng giống vậy.

“3)Ðối với vị thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, này các Tỷ-kheo, đây là thuận pháp (anudhammam): Hãy sống nhàm chán nhiều đối với sắc… đối với thọ… đối với tưởng… đối với các hành, hãy sống nhàm chán nhiều đối với thức.”

Sự nhàm chán trong năm uẩn không hề giống như sự chán đời, bất mãn của người không biết Phật pháp.

Kẻ thất tình, người thua chứng khoán, người nợ nần, người bị tai tiếng, người bịnh nan y nhiều năm, không muốn sống nữa, cái chán đó không phải là cái chán mà Đức Phật nói ở đây. Người lớn không thích chơi đồ xén như con nít nữa, bởi vì họ quá chán, biết rõ đó là cái gì. Có chơi thì đi mua iphone, ipad chơi mấy cái game chứ làm sao chơi cái xe hơi bằng nhựa cột dây kéo được. Cái thái độ, cảm giác của mình đối với món đồ chơi trẻ con đó giống như cái chán của người hiểu đạo đối với năm uẩn. Không hề có sự thất vọng, đau đớn, muốn tự tử ở đây. Cái chán này không làm cho mình đau khổ mất ăn mất ngủ, mà chán vì quá biết rõ, là sự nhàm chán trong tỉnh táo. Kẻ chán đời, làm ăn thua lỗ chán sống, nếu lúc đó có ai rót cho số tiền lớn bù lại khoản mất thì sẽ vui lại, sẽ hết chán, còn cái chán của người biết đạo nhàm chán trong năm uẩn thì không có cái gì bù đắp được. Nếu đời này đủ duyên Ba-la-mật thì cái chán này giúp mình chứng đắc đạo quả, còn nếu không đủ thì ít ra cái chán này giúp cho mình bớt được nhiều cái khổ. Khi mình sống không hy cầu quá nhiều vào cái gì đó, không trông đợi mong cầu thì sẽ giảm rất nhiều cái khổ.

Ở đây, Đức Phật dạy hãy sống trong sự nhàm chán liên tục để không hy cầu, từ đó không phải thất vọng; đó chính là nền tảng của sự an lạc trong đời này hoặc chấm dứt sinh tử trong đời sau. Đó là nội dung của loạt kinh Thiện Nam Tử Khổ.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app