Nội Dung Chính
Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn
Phẩm Tham Luyến
THỦ CHUYỂN (tt)
Hôm nay chúng ta ôn lại bài kinh Thủ Chuyển. Ôn phần Bát Chánh Đạo trước.
*Bát Chánh Đạo
1. Chánh kiến: Nói gọn là trí tuệ về nhân quả và Tam tướng, kể rộng thêm thì còn là trí tuệ về danh sắc, biết danh sắc là gì và thấy rõ chúng luôn sanh diệt. Có chỗ kể 5, là chia nhỏ 3 loại trí vừa kể (mỗi người có nghiệp riêng và nhân nào quả nấy, biết rõ danh sắc là gì và chúng luôn nằm trong Tam tướng).
Theo A-tỳ-đàm thì bao nhiêu thứ chánh kiến cũng kể chung vào tâm sở trí tuệ, một trong 52 tâm sở.
2. Chánh tư duy: Gồm ly dục tư duy, tức tâm sở Vô tham; vô sân tư duy tức tâm sở Vô sân; bất hại tư duy tức tâm sở Bi.
3. Chánh ngữ: Gồm hai định nghĩa
3.1. Là tinh thần ngôn ngữ dựa trên 10 thánh ngữ (đề tài nào dẫn đến chánh kiến, chánh tư duy… chánh trí, chánh giải thoát).
*10 thánh ngữ: Chánh trí, chánh giải thoát, cộng với 8 thánh đạo thành 10. Đề tài nào có nội dung hướng đến 10 cái này gọi là chánh ngữ
3.1.1. Chánh trí là 4 thánh đạo.
Có chỗ nói Chánh trí là đạo quả nói chung, chánh giải thoát là các trí phản khán (nhìn lại phiền não đã diệt, chưa diệt, nhìn lại Niết bàn đã chứng, nhìn lại đạo và quả đã chứng)
3.1.2. Chánh giải thoát là 4 thánh quả.
Những đề tài phiếm luận được gọi là ‘tiracchanakatha’, tức là đề tài ‘có nội dung ngăn ngại’(obstacle) trí tuệ giải thoát.
‘Tira’: ngang; ‘chāna’: chặn. ‘Tiracchana’ (animal): bàng sanh, (‘bàng’ nghĩa là ‘ngang’) là loài có lưng và đầu ngang nhau, từ đó so với loài người chúng không có khả năng biết đủ các chiều không gian.
Chánh ngữ là không nói năng bằng các đề tài phiếm luận (tiracchanakatha) không dẫn đến Bát Chánh Đạo và giải thoát.
Trong kinh Phạm Võng, Trường Bộ, Đức Phật nói rất rõ tất cả các đề tài liên hệ văn hóa, chính trị, tôn giáo, xã hội đều là phiếm luận nếu không được nói theo chiều hướng giải thoát. Cũng đề tài đó nhưng nói thế nào và nhắm đến cái gì từ đó chúng có là phiếm luận hay không. Ví dụ nghe hai người nói chuyện về thức ăn: “Sắp hành thiền mà uống ly sữa nóng thì dễ ngủ lắm.” Nếu nghe lơ đãng thì thấy đây là đề tài không dẫn đến giải thoát, nhưng nghe kỹ thì đây là hai hành giả truyền kinh nghiệm cho nhau hỗ trợ chuyện tu học.
3.2. Ý nghĩa thứ hai của chánh ngữ là tất cả thiện pháp, những thứ đối lập với tà ngữ.
Như vậy trong lúc ta đang chánh niệm theo dõi hơi thở ta cũng có chánh ngữ. Vì nội dung tu tập giải thoát trước hết là qua tam nghiệp thân – khẩu – ý.
Sở dĩ Đức Phật kể ra Tám thánh đạo là nhằm nói đến việc tu tập Tam học thông qua Tam nghiệp, gián tiếp hay trực tiếp. Bởi vì, có lúc Ngài không nói Bát Chánh Đạo, Ngài nói Thất Giác Chi, Tứ Niệm Xứ…
4. Chánh nghiệp. Sự ngăn tránh các thân nghiệp bất thiện, nói rộng và đủ thì tất cả thiện pháp đều là chánh nghiệp vì có nội dung đi ngược lại các tà nghiệp. Như vậy lúc ta chánh niệm trong hơi thở hay trong sinh hoạt cũng là lúc chánh nghiệp có mặt vì khi ấy ta đang có một đời sống tâm lý đối lập với các thân nghiệp bất thiện.
Thân nghiệp bất thiện là sát sanh, trộm cắp tà dâm… kể rộng ra thì đánh lộn, xả rác cũng là thân nghiệp bất thiện. Một đời sống chánh niệm không cho phép mình làm những chuyện đó, vì vậy ngay trong bản thân giây phút chánh niệm thì mình đã là chánh nghiệp.
Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là Giới học. Chánh niệm, chánh tinh tấn, chánh định là Định học. Chánh kiến, chánh tư duy là Tuệ học. (Xem thêm trong kinh Đế Phân Biệt trong Trung Bộ Kinh).
5. Chánh mạng. Nghĩa đen là sinh kế lương thiện; nghĩa bóng là tinh thần thiện pháp đối lập với kiểu sống bất thiện (chi tiết hơn cả bất lương theo nghĩa thế gian). Theo kinh điển thì bất lương dứt khoát phải tránh, còn bất thiện thì kể thêm những gì liên hệ đến phiền não. Lương thiện chỉ là không bất lương theo nghĩa đời. Trong sạch thì mới theo nghĩa đạo. Ví dụ tôi đi mua cá sống về bán lại kiếm lời, công việc đó không bất lương, nhưng theo Phật pháp thì bất thiện.
Ngài Ca Diếp thưa với Đức Phật: “Bạch Thế Tôn, con thấy hình như đời sống phạm hạnh, theo tinh thần chánh pháp không dễ sống.” Đức Phật trả lời: Rất đúng, đời sống theo tinh thần chánh pháp không dễ sống. Trên cõi trời thì quá sướng, thân thể họ là một khối, họ muốn đi đến đâu thì họ hô biến một phát có mặt nơi đó, đâu có cơ hội để chánh niệm theo dõi những oai nghi, họ chỉ có thể chánh niệm trên thọ, tâm, pháp. Còn nếu nói giữ giới thì họ đâu có gì để giữ, cơ hội đâu mà sát sanh. Còn sa đọa bốn đường khổ thì biết gì mà tu. Chỉ còn cõi Người, nếu sống đúng theo tinh thần chánh pháp thì về mặt tinh thần an lạc vô cùng, nhưng trong đời sống thực tế, sống đúng một người Phật tử chơn chánh thì khó lắm.
Như vậy thì trong lúc ta chánh niệm theo dõi hơi thở hay tư thế sinh hoạt cũng là lúc ta có chánh mạng, vì tâm tư lúc đó đối lập với các kiểu sống bất thiện.
Sống bằng tâm thiện là ta đang có kiểu sống đối lập với kiểu sống bất thiện, nói năng bất thiện, hành động bất thiện.
6. Chánh niệm là mindfulness trong lúc làm, nói, hay suy nghĩ. Ở đây là chánh niệm trong lúc tu tập Tứ Niệm Xứ. Mindfulness là biết rõ mình đang làm gì, nói gì, suy nghĩ gì. Ví dụ quí vị ngồi yên một chỗ theo dõi hơi thở, bỗng có suy nghĩ, hôm nay ngày thứ bảy mình có đi shopping hay không thì ngay lúc đó biết rõ đây là tâm tham, sau khi biết rõ thì quay trở vô theo dõi hơi thở tiếp. Đó gọi là chánh niệm.
Rồi làm sao đắc? Yên tâm, đừng bao giờ ham đắc. Khi nào duyên lành đủ thì tự nhiên sẽ thấy ra chuyện khác. Sẽ thấy cái này là vô thường nè, thấy đời sống gồm toàn là vô thường, đúng là khổ. Cái vô thường và khổ này mình đâu có muốn; đời sống lúc có lúc không, mình không muốn mà nó vẫn có, đó là vô ngã, cái thấm thía này là quí vị tự nhận thức của riêng mình, không vay mượn từ bạn bè, sách vở, đó mới là chứng đắc. Đó chỉ là ví dụ thôi nghen, bữa nào bật ra tưởng đắc là tôi không chịu trách nhiệm. Trí tuệ giác ngộ không phải là những gì mình nghe bằng lời, đọc bằng chữ, mà nó là sự kết hợp của những thứ đó bật ra một cái biết, không giống những gì mình đọc nghe từ xưa giờ nhưng không cũng không mâu thuẫn. Quí vị cầm cái bản đồ, theo con đường trên bản đồ mà đi, đến cái ngã ba đó, quí vị thấy ngã ba đó có giống ngã ba trên bản đồ hay không? Nó giống nhau cái chạc ba quẹo phải, quẹo trái đi về đâu, nhưng ngã ba trên bản đồ làm gì có cây xanh, có giếng nước… Kinh điển cũng y như vậy, những gì chúng tôi nói và những gì quí vị đọc trong sách cũng y như trong bản đồ vậy. Nhưng con đường trong bản đồ không có cây cỏ hoa lá trăng sao như con đường thực tế. Làm ơn đừng mong mỏi đắc chứng gì hết, cứ thanh thản theo dõi những gì đang xảy ra.
Việc phải làm của anh đổ rác nhẹ nhàng hơn của anh lượm ve chai. Tu hành là để buông, như người đi đổ rác. Chứ không phải để đắc hay được cái gì, đó là tu bằng tâm niệm của người nhặt ve chai. Khi ngồi thiền, quí vị hãy nghĩ đến một chuyện là buông, khi buông được thì sẽ được tùm lum, còn mong chờ tuệ này tuệ kia đó là tu kiểu ve chai. Người tu niệm đổ rác thì sướng vô cùng, cái gì cũng buông và buông, nhẹ vô cùng.
Theo A-tỳ-đàm thì một người Hồi Giáo không biết gì về Tứ Niệm Xứ cũng có niệm (minfulness) trong lúc làm việc hay đọc kinh Qur’an nhưng đó không phải chánh niệm trong Bát Chánh Đạo. Chánh niệm trong Bát Chánh Đạo là niệm trong danh sắc, Tam tướng. Bát Chánh Đạo giống như dụng cụ trong lúc làm việc. Cũng con dao đó, nhưng ta dùng trong việc gì, để làm gì.
Nếu dò theo A-tỳ-đàm thì Bát Chánh Đạo là con đường giải thoát 5 uẩn nhưng đều nằm trọn vẹn trong 5 uẩn như Nếu dò theo A-tỳ-đàm thì Bát Chánh Đạo là con đường giải thoát 5 uẩn nhưng đều nằm trọn vẹn trong 5 uẩn như con đường ra khỏi rừng cũng chính là con đường vào rừng và con đường đó phải nằm trong rừng. Bát Chánh Đạo nằm trọn vẹn trong hành uẩn. Cũng những thiện pháp đó, nhưng nếu ta hành trì bằng lý tưởng Bát Chánh Đạo để buông bỏ phiền não thì đó là Bát Chánh Đạo. Cũng những thiện pháp đó nhưng thiếu lý tưởng giải thoát thì chúng chỉ là phúc hành trong duyên khởi.
Sự có mặt của 5 uẩn là Khổ, nhận thức được điều này chính là con đường giải thoát 5 uẩn.
Sự có mặt của năm uẩn là gì? Đó là: Sắc uẩn — gồm tứ đại và 24 y đại sinh; Thọ uẩn — có từ 6 căn (nhãn thọ, nhĩ thọ…); Tưởng uẩn — có trong lúc 6 căn làm việc (sắc tưởng, thinh tưởng…); Hành uẩn — 6 tư trong lúc 6 căn làm việc; Tư (cetanā) chính là Hành trong duyên khởi.
7. Chánh tinh tấn chính là Tâm sở Cần trong Hành uẩn. (Xem lại cuốn A-tỳ-đàm phần Tâm sở để hiểu Hành uẩn là gì; để thấy Bát Chánh Đạo nằm ở đâu trong đó).
Chánh tinh tấn gồm bốn trường hợp (thận, trừ, tu, bảo), gọi là chánh cần hay chánh tinh tấn: Tinh tấn ngừa ác chưa sanh; trừ ác đang sanh; tu điều thiện chưa có cho có; tinh tấn giữ cái đã có cho đừng mất.
Như vậy, lúc hành giả chánh niệm theo dõi hơi thở chẳng hạn thì cũng có chánh tinh tấn. Bởi vì, lúc đang theo dõi hơi thở là đang ngăn ngừa ác pháp chưa sanh, trau dồi chánh niệm, duy trì giữ lại chánh niệm. Vì vậy, ngay lúc đang theo dõi hơi thở chính là lúc tu đầy đủ Bát Chánh Đạo. Lúc theo dõi hơi thở, theo dõi tứ oai nghi, đi biết là đi, ngồi biết là ngồi, biết mông chạm, đầu gối chạm; ngứa biết ngứa, tâm sân, biết rõ; muốn gãi, tâm tham; gãi, biết gãi, tâm tham; để tay xuống, biết rõ đang để tay xuống; tay chạm đầu gối biết rõ. Bắt đầu quay trở lại hơi thở, vô biết là vô, ra biết là ra. Nghĩ đến chuyện bực mình, mình có cây gãi lưng quá tốt mà bà hàng xóm mượn chưa trả, ghi nhận tâm sân, phóng tâm, tâm sở lận (bỏn xẻn). Lúc đầu nhận ra nó, nó vẫn nằm lì ở đó; lâu ngày thì nhận ra nó, nó sẽ mất, ta quay lại với đề mục hiện tại. Vì vậy, ngay trong lúc mình tu Tứ Niệm Xứ là lúc mình đã tu Bát Chánh Đạo, ngay lúc đó đã có Tứ chánh cần. Có nhiều vị theo dõi chi tiết, tôi chỉ chú ý movement, theo dõi chứ không có can thiệp (observe only, not control or intervene). Không bao giờ can thiệp. Mình không nắm hơi thở mà kéo, không điều khiển hơi thở. Khi thở vô đầy rồi thì tự động sẽ đi ra. Ra đến mức độ nào rồi thì tự động sẽ đi vô. Có chuyện quý vị có lẽ không ngờ được, đó là phần lớn mình thở bằng tâm tham. Thở vậy rất đã. Khi cần thở vô thì thở vô rất sướng, thở ra rất đã, lúc đó phần lớn bằng tâm tham. Vì tâm quá nhanh nên mình không ngờ. Chánh niệm là biết rõ, theo dõi hơi thở tự nhiên đi ra, ra hết rồi đi vô. Đó là dịp để thấy ta sống bằng tâm gì và rõ ràng thân tâm này là vô ngã
8. Chánh định chính là tâm sở Định trong ba trường hợp: Sát na định, Kiên cố định và Cận định. Tôi có lý do để kể Cận định sau cuối.
8.1. Sát na định (Khaṇikasamādhi): là sự tập trung tư tưởng trong từng khoảnh khắc.
8.2. Kiên cố định (Appaṇāsamādhi): là khả năng tập trung tư tưởng của các tầng thiền từ Sơ thiền Sắc giới đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng của Vô sắc giới.
8.3. Cận định (Upacārasamādhi): là giai đoạn sát na đã vững mạnh, có thể kéo dài liên tục trong thời gian dài và sắp sửa chứng thiền.
Tâm sở Định có ở mọi người những khi làm việc cần sự tập trung tư tưởng, nhưng tâm sở Định chỉ được gọi là Chánh định khi được dùng để tu tập Tứ Niệm Xứ. Cũng con dao đó nhưng có lúc được gọi là đồ nghề. Lúc theo dõi hơi thở không thể thiếu Định.
Lại nữa, có hai hạng hành giả:
Samathayanika có tu thiền Chỉ trước khi tu Quán (Tứ Niệm Xứ), hạng này có đủ ba loại Định vừa nói ở trên. Hạng hành giả thứ hai là có tu thiền Chỉ trước khi tu Quán (Tứ Niệm Xứ), hạng này có đủ ba loại Định vừa nói ở trên. Hạng hành giả thứ hai là Vipassanayanikakhông tu thiền Chỉ trước khi tu Quán, nên chỉ có được sát na Định hay nhiều lắm là Cận định mà thôi. Như vậy, dù hạng nào thì cũng cần có Định, Định trong lúc tu tập Tứ Niệm Xứ gọi là Chánh định.
Trong Kinh Thủ Chuyển, Đức Phật dạy ta phải hiểu năm uẩn, tập khởi của chúng, sự chấm dứt chúng và con đường dẫn đến sự chấm dứt đó tức Bát Chánh Đạo.
Sắc uẩn là 4 đại và 24 sắc y đại sinh.
Tập khởi (duyên sinh) của Sắc uẩn là Đoàn thực, các thức ăn thức uống; nói rõ hơn, chính là Tâm sở tham trong chuyện ăn uống.
Ngày nào viên tịch Niết bàn thì không còn sắc uẩn nữa, tức không còn chuyện thích thú trong việc ăn uống. Muốn chấm dứt tuyệt đối sắc uẩn thì phải tu tập Bát Chánh Đạo.
Thọ uẩn gồm các cảm thọ trong lúc 6 căn làm việc. Sáu thọ có mặt do có 6 xúc (6 xúc có mặt do có 6 căn, 6 căn có mặt do có thức tái tục cõi tương ứng). Tôi còn thích trong năm dục nên tôi sanh ra trong cõi Dục có đủ 6 căn. Phạm thiên chỉ có nhãn nhĩ (Sắc giới) hoặc chỉ có tâm thức mà thôi (Vô sắc). Do mức độ tham ái mà ta sinh vào cảnh giới nào, có đủ 6 căn hay không. Do có 6 căn mới có 6 xúc, tức sự va chạm giữa căn, cảnh và thức. Do có 6 xúc mới có 6 thọ, chính 6 thọ này là thọ uẩn trong năm uẩn.
Tưởng uẩn là tâm sở Tưởng trong lúc ta biết 6 cảnh trần: đây là tiếng nam hay nữ, hay hay dở, màu gì, hình dáng ra sao, mùi vị thế nào… Tưởng là cái biết dựa trên cái biết cũ.
Hồi ức là một trí nhớ về một chuỗi ấn tượng qua sự cộng hưởng của cả năm uẩn. Trong vô số kiếp luân hồi ta hầu như chỉ biết mọi sự qua tưởng uẩn, hiếm khi bằng trí tuệ.
Hành uẩn là Tâm sở Tư thiện hay ác trong lúc 6 căn làm việc trong đó gồm có tất cả phiền não, trí tuệ, từ bi, hành xả v.v….
Thức uẩn chính là cái biết của 6 thức: nhãn thức chỉ là ghi nhận hình ảnh hay màu sắc, không có ý kiến hay nhận thức gì hết; nhĩ thức, tỷ thức… cũng đều như vậy.
Nói gọn lại, mỗi khoảnh khắc sống của ta là sự cộng hưởng chặt chẽ của năm uẩn.