Nội Dung Chính
Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn
Phẩm Tham Luyến
Kinh Tham Luyến nội dung giống hệt vậy.
CHỦNG TỬ (Bijasutta)
Cái gọi là mầm sống của thực vật (chủng tử) gồm nhiều loại. Vị nào từng đi ra biển Cần Giờ, vị nào ở Mỹ từng đi Louisiana, vị nào ở VN từng đi ra Cà Mau sẽ thấy có loại cây rất là lạ, những cây mới được mọc lên từ rễ của cây cũ. Có cây mọc từ hột nhưng có những cây mọc lên từ trái (như dừa, cau), hoặc từ thân. Đức Phật dạy rằng, mầm sống của cây cối có nhiều hình thức, mầm sống của cái gọi là chúng sinh cũng phức tạp như vậy. Những mầm sống này không bị mất thì chúng sẽ tiếp tục sanh sôi nảy nở. Chỉ cần một chút dấu vết của phiền não, của năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) thì các uẩn sẽ sinh sôi. Bốn uẩn đầu (sắc, thọ, tưởng, hành) giống như đất, tham (rút ra từ hành uẩn) giống như nước, nghiệp thức tức ba hành hay nghiệp hữu là hạt giống.
Ôn lại phần duyên khởi cho bà con nhớ. Khi một Tâm Thiện Dục giới xuất hiện sẽ tạo ra quả tái sinh cõi vui Dục Giới. Khi Tâm thiện Sắc Giới xuất hiện sẽ tạo ra quả tái sinh cõi Sắc giới. Khi tâm thiện Vô Sắc giới xuất hiện sẽ tạo ra quả tái sanh cõi Vô Sắc giới. Khi tâm bất thiện xuất hiện sẽ tạo ra quả tái sanh 4 cõi khổ. Các tâm thiện và bất thiện đó được gọi chung là nghiệp thức (kammaviññāṇa). Về chi pháp, nghiệp thức chính là nghiệp hữu trong Duyên khởi, cũng chính là ba Hành trong Duyên khởi.
Trong tiếng Pāḷi, tham ái có nhiều từ: ‘taṇhā’: khát ái; ‘rāga’: ái nhiễm; ‘sneha’: tham ái; nghĩa bình dân của ‘sneha’ là phù sa trong nước để nông dân trồng trọt. ‘Sneha’ (tham ái) trong vai trò là nước, tưới tẩm làm cho mình phát triển hơn nữa những phiền não, bất thiện. Cũng có trường hợp tham ái không phải là nước mà là chất phù sa, theo trong Tăng Chi Bộ.
Bài kinh Lời Cảm Hứng (Udanasutta) rất là hay, sẽ dành trọn một buổi để nói về kinh này, hay như nhạc, thú như phim, dù đọc qua sẽ thấy rất nản.