Nội Dung Chính
Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn
Phẩm Những Gì Được Ăn
CÁC VỊ LA HÁN
Có một chuyện vừa làm cho tôi vừa tiếc nuối, vừa giật mình, mà cũng vừa băn khoăn đó là có rất nhiều chỗ tôi giảng chỉ liếc mắt qua thôi, không có dò, nên bỏ sót mà không giải thích, không biết trước đây mình đã bỏ qua bao nhiêu chỗ giống như vậy. Xin lưu ý quí vị thấy tôi bỏ qua thì nhớ nhắc giùm, quí vị phải hỏi sao chỗ này chưa được giải thích chớ không phải là chỉ nghe một cách thụ động. Bà con hoan hỉ lật ngược lại giùm Phẩm Tương Ưng Uẩn, bài Các Vị La Hán. Kinh La Hán có hai kinh, giờ quay lại kinh 1, đoạn 10.
“10) Này các Tỷ-kheo, cho đến hữu tình cư (Sattavasa), cho đến tột đảnh của hữu (Bhavaggam), những bậc ấy là tối thượng, những bậc ấy là tối thắng ở trong đời, tức là các bậc A-la-hán.”
‘Sattavasa’ có hai nghĩa: ‘loại chúng sinh’ và ‘cảnh giới tái sinh’. Ở đây dùng nghĩa ‘cảnh giới tái sinh’. Nghĩa là bất cứ chỗ nào có chúng sinh thì ở đó vị A-la-hán được xem là vị số một.
Tiếp theo là đoạn 11
“1) An lạc, bậc La-hán,
Họ không có khát ái,
Ngã mạn khéo chặt đứt;
Lưới si bị phá rách..”
“Không có khát ái” nghĩa là vị này không còn khả năng sa đọa, không còn thích nữa. Ta còn thích trong năm dục thì còn cơ hội quay lại cõi Dục, còn sống trong tham ái thì còn sinh tử, còn sống trong bất thiện thì còn sa đọa. Vị La-Hán không còn tham ái nữa nên không còn cơ hội tái sinh và sa đọa.
“Ngã mạn” (asminmana): là ý niệm ‘tôi là’ gồm 9 thứ (3×3)[1]. Mình luôn luôn sống trong ý niệm ngã mạn mà mình không để ý. Ngay cả một hành giả Tứ Niệm Xứ, khi quán chiếu, quán niệm, sơ ý một chút thì quan sát năm uẩn từ góc độ của bản thân (tôi là). Lẽ ra thì mình không có bị kẹt trong hay ngoài, trên hay dưới khi quan sát sự sanh diệt, thân tâm danh sắc của mình, phải quan sát bằng thái độ khách quan nhất chớ không phải là “tôi đang quan sát”. Bản thân cái gọi là ‘tôi’ cũng là sự lắp ráp vì vậy khi nhìn về cuộc đời mình phải nhìn với góc độ khách quan nhất. Thông thường 99.9% chúng ta khi tu thiền vẫn nhìn với góc độ ‘tôi là’, ‘tôi thiền định’, ‘tôi chánh niệm’, ‘tôi trí tuệ’, ‘tôi tỉnh giác’. Ở đây vị A-la-hán không còn ý niệm đó nữa, các vị nhìn mọi sự như dòng chảy dưới sông, nhìn trên đó gồm có cùi bắp, vỏ chuối, bao nylon, tờ giấy… mọi thứ đang trôi. Vị A-la-hán quan sát với góc độ khách quan nhất.
“Lưới si” bị phá rách nghĩa là vô minh đã bị phá nát bởi thánh trí A-la-hán.
“2) Họ đạt được bất động,
Tâm viễn ly ô trược,
Không nhiễm trước thế gian,
Bậc Phạm thiên vô lậu.”
“Đạt được bất động” ở đây là sự vững chãi có được từ việc chấm dứt tham ái, không bị ô nhiễm bởi ái và tà kiến. Hễ ngày nào mình còn tham ái thì còn lăng xăng. Lúc thì chạy theo trần cảnh này, lúc chạy theo trần cảnh kia. Lúc thì thích cái này, lúc thì ghét cái kia. Trong tương lai thì lúc ở cảnh giới này, lúc thì cảnh giới khác. Bất động là không chạy theo, không thích không ghét và cũng không đi về cảnh giới này hay cảnh giới kia.
“Không nhiễm” nghĩa là tâm không bị ô nhiễm bởi tham ái và tà kiến.
Bài kệ này ý nghĩa rất là sâu và chi tiết. Có dịp học lại bài kinh này mình mới thấy thì ra cách kể phiền não có rất nhiều. Có thể là tam độc cũng được, 10 kiết sử cũng được. Có trường hợp kể một như là: “chấm dứt vô minh!”; hoặc “chấm dứt tham ái!”; hoặc “chấm dứt ngã mạn!”. Chỉ có vị La-Hán mới chấm dứt thật sự 100% cái gọi là vô minh, chỉ có vị La-Hán mới thật sự chấm dứt ngã mạn, vì vậy trong trường hợp như vậy chỉ nói một thứ là đủ rồi. Còn tham ái mới còn sinh tử, còn vị A-na-hàm thì không còn sân nữa. Có trường hợp Đức Phật chỉ nói đến ‘sân’ thôi: Tu tập là chấm dứt sân! Khi nghe vậy mình hỏi vậy vô minh, tà kiến, tham ái để đâu. Cách kể đó (chỉ kể đến sân mà thôi) cũng không thiếu. Một khi tu tập hướng đến lìa bỏ sân hận thì tối thiểu phải là A-na-hàm. Có chỗ Ngài dạy, cứu cánh Phạm hạnh mục đích tu hành chỉ hướng đến chấm dứt thân kiến. Bởi vì, nói rộng, chấm dứt thân kiến là ám chỉ cho bốn tầng thánh nói chung. Còn nói chi tiết thì chỉ riêng quả vị Tu-đà-hoàn là đủ rồi, bởi một người chấm dứt thân kiến thì tối thiểu phải là quả vị Tu-đà-hoàn. Dù vị Tu-đà-hoàn là còn chuyện phải làm nhưng dù muốn dù không vị ấy cũng là dòng nước đi vô máng xối rồi, chỉ còn một con đường để đi, gọi là nhập lưu, vị ấy đã bước vào dòng chảy của thánh nhân, dòng chảy giải thoát, không quay lui nữa.
*Ba thứ Trí
“3) Họ biến tri năm uẩn.
Do hành bảy Chánh pháp
Bậc Chân nhân tán thán,
Con đích tôn chư Phật.”.
Biến tri (pariññeyā) nghĩa là hiểu biết. Ở đây chỉ cho 3 trí[2]:
1-ñātaparinna hiểu rõ danh sắc là gì, biết rõ cái gọi là chúng sinh chỉ do danh sắc ghép lại.
2-tirrañaparipaññā: trí thấy được khía cạnh Tam tướng của danh sắc.
Mới vô tu mình chỉ sống chánh niệm thôi, đi biết đi, đứng biết đứng; tùy theo căn duyên của mỗi người (có người một phút, có người một giờ, một tháng, một năm, nhiều năm…), cứ chánh niệm rồi sẽ có một ngày nào đó, khi chánh niệm mạnh rồi thì trí làm việc; mình sẽ thấy rõ, cái này là gì, ý muốn bước đi là danh, động tác bước đi là sắc… Cái thấy này không phải từ ông thầy hay sách vở mà thấy bằng chính cái thấm thía của mình. Không còn nhớ sách vở, tự nhiên mình nhận ra mọi sự là vô thường, mọi sự luôn luôn bị đẩy đi về phía trước. Ở mức độ nào đó, ta sẽ thấy khổ không những là cảm giác (Khổ khổ hay Hoại khổ) mà còn bao trùm cả Hành khổ; thấy mọi hiện hữu luôn bị thúc ép, sinh diệt, chỗ này mới là quan trọng. Một người khi không học đạo, lớn lên lấy vợ lấy chồng sanh con đẻ cái, họ chỉ thấy cái khổ là bịnh, tai nạn, sinh ly tử biệt, mất mát tình cảm. Khi biết đạo thì họ thấy không những ‘bị’ những cái khó chịu là khổ mà mất những cái “được’ cũng là khổ. Khi học đạo thì thấy không đợi đến bịnh hoạn, tai nạn thương tích, không đợi đến mất mát tang thương mà còn nhận ra được ngay chính sự hiện hữu của mình trong cuộc đời này là khổ. Vị nào đi chùa cầu phước cầu tài lộc nghe bài giảng Tương Ưng này nghe không nổi đâu, vì tôi không nói gì về cầu phước cầu lộc mà tôi chỉ nói ‘buông’ mà thôi.
3- 3- pahānapariññā: cái thấy đủ để chấm dứt phiền não, nhiều ít tùy cấp độ thánh trí.
Thấp nhất là Sơ quả: chấm dứt 3 phiền não; Nhị quả giảm nhẹ Dục ái và sân; Tam quả dứt hẳn Dục ái và sân; La-Hán thì dứt hẳn năm phiền não còn lại gồm: Sắc ái, Vô sắc ái, Ngã mạn, Phóng dật, Vô minh.
Tu là gì? Tu là không thấy bốn Đế; Thánh nhân là gì? Thánh nhân là thấy được bốn Đế. Thấy được bốn Đế nghĩa là thấy được Tam tướng, thấy được nhân quả – nhân quả theo nghĩa rộng không phải là nhân quả báo ứng theo nghĩa hẹp. Nhân quả theo nghĩa rộng bao trùm tác động và phản ứng. Ví dụ: lấy ngón tay gõ lên bàn, gõ là nhân, tiếng động là quả. Thích là nhân, khi không được thì khổ, đó là quả; nhân quả hiểu theo nghĩa rộng chớ không chỉ gói gọn trong nghiệp lý.
Trí thứ ba thấy để vừa đủ để chấm dứt phiền não. Có những cái thấy, chỉ để mà thấy chớ không giải quyết được gì hết. Ví dụ như một vị trưởng lão kể tôi nghe chuyện ngày xưa lúc vị này chưa đi tu, ở nông thôn. Trong xóm có cô gái cực kỳ đẹp, đẹp lộng lẫy, gái quê mà, màu da hồng hào rất đẹp. Các anh thanh niên trong xóm thường ghé nhà xin nước mưa. Nhà quê ngày xưa ngoài mái hiên có cái lu hứng nước mưa trước nhà. Các thanh niên ghé xin nước mưa để được gặp cổ, có lúc gặp, có lúc không. Không biết ai độc mồm độc miệng nói cô này bị cùi. Trong mấy anh thanh niên thì có anh ngại, nhưng có anh nghĩ là đối phương tung tin đồn để loại bỏ bớt địch thủ cạnh tranh. Một ngày kia họ thấy được màu da hồng của cô gái bắt đầu bóng lên. Từ từ họ thấy cô gái càng ít xuất hiện và lần gặp cuối cùng thì thấy cổ không còn như ngày xưa nữa. Cái bóng của da mặt đã đỉnh điểm. Từ đó về sau người ta nhớ mỗi lần ghé trước đây là một lần sung sướng, hạnh phúc; giờ người ta nhớ lại không biết mình đã ghé lại uống bao nhiêu lần nước trong nhà cô gái bị cùi.
Ở đây cũng vậy, mình nghe đồn thì không sợ, đến lúc tận mắt thấy thì ớn. Đi nghe pháp cũng vậy, nghe giải thích kinh điển chỉ là nghe đồn mà thôi, “nghe đồn” cô gái bị cùi. Nhưng chính hành giả là người thực chứng thấy rõ từng ngón tay cô gái bị cùi rụng ra. Những gì quí vị nghe trong đây chỉ toàn nghe đồn thôi. Cả năm nay tôi cũng chỉ ‘đồn’ danh sắc bị cùi thôi, quí vị chưa thấm đâu, nhưng một ngày nào đó quí vị chánh niệm tỉnh giác, quí vị sẽ thấy cái mình ghét, cái mình thích ở đời này thật sự là mù sương, rất là buồn cười. Mình nhìn rõ vào cái mình thích, cái mình ghét — hai cái làm nên diện mạo của cuộc đời này — thật sự là cái gì. Đi làm kiếm tiền về cất cái nhà to đùng để phục vụ cho vợ chồng con cái, rồi con lớn lên lập gia đình, từ từ nhà còn lại có hai người. Nếu đứa con về ở chung rồi thì nó cũng lo chuyện của nó, mình thì coi cháu nội cháu ngoại, rồi từ từ mắt mờ lưng còng, gối mỏi, hơi thở nặng nhọc khó khăn; răng cỏ không còn để ăn nữa, thấy mía hay đậu phông không dám nhai. Đó là diện mạo cuộc đời nhìn ở tốc độ chậm. Hành giả thì nhìn thấy với tốc độ nhanh hơn, thấy mọi thứ đến và đi trong nháy mắt, cái thấy này mới đủ chấm dứt phiền não. Đó gọi là biến tri năm uẩn, thấy năm uẩn qua ba trình độ.
*Bảy chánh pháp (Sadhamma): chánh pháp, diệu pháp.
Bảy chánh pháp tức là bảy trang bị không thể thiếu của người cầu giải thoát, gồm: Bảy chánh pháp tức là bảy trang bị không thể thiếu của người cầu giải thoát, gồm: tín (saddha), ), niệm (upatthitassati), ), tàm (hiri), ), úy (ottappa), ), tinh cần (aaraddhaviriya), ), đa văn (bāhusacca), trí tuệ(paññà).
Tín là niềm tin, tin vào cái thấy cái hiểu của mình trong Tam Bảo. Tin vào Phật, Pháp, Tăng.
Phật là người giống như mình nhưng thấy được bản chất vô thường của đời sống nên nhàm chán; vì đại trí nên không muốn tiếp tục sinh tử, vì đại bi nên không muốn đi một mình nên mới nguyện thành Phật bằng cách tu tập các hạnh lành và cuối cùng trở thành một vị Phật, chứng ngộ được bản chất của cuộc đời và đem chứng ngộ đó dạy cho người khác chớ Ngài không phải là thượng đế chí tôn ban phước hay giáng họa cho người khác. Ngài phân tích cuộc đời này qua các khía cạnh mà chúng ta thấy rất lạ lùng (ví dụ: Danh sắc, năm Uẩn, 12 Xứ, 18 Giới, Duyên khởi, bốn Đế v.v…). Ngài phân tích cuộc đời giống như khoa học phân tích về vũ trụ. Phân tích của khoa học là phân tích của người tiếp tục sinh tử, còn sự phân tích của Ngài là phân tích để mình chán và buông. Tin vào Pháp là tin vào tác dụng những lời dạy của Ngài. Ngài dạy về hạnh từ bi, quán bất tịnh, quán chiếu danh sắc, sống chánh niệm, tất cả đều có tác dụng hiện tại lạc trú, hạn chế và chấm dứt phiền não. Để thấy được tác dụng đó thì phải sống chánh niệm chớ không thể nào dùng cái đầu duy lý phân tích chia chẻ, suy diễn rồi tưởng tượng hình dung mà không sống chánh niệm.
Tin vào Tăng bảo[3]ở đây không phải là tin vào những người cạo tóc, đắp y mà là tin vào những người đã tin Phật, hành theo lời Phật và giải thoát khỏi phiền não sinh tử giống như Ngài. Xem thêm Thanh Tịnh Đạo, phần nói về ân đức Tăng bảo (Suppatipanno).
Phật là người chứng Pháp và dạy Pháp. Pháp là lời Phật dạy, cũng chính là những quy luật tự nhiên. Tăng là người làm theo lời Phật và có được Pháp giải thoát trong tâm. Đức Phật được gọi là Phật vì dựa trên nội dung chánh pháp ở Ngài. Tăng được gọi là Tăng vì dựa trên nội dung chánh pháp ở chư tăng. Chư tăng ở đây không riêng gì bậc xuất gia mà bao trùm luôn cả cư sĩ, không riêng nhân loại mà bao trùm luôn cả các vị Dục thiên, Phạm thiên.
Niềm tin vào lý nghiệp báo: biết rõ thiện dẫn đến quả lành, ác dẫn đến quả khổ.
Niềm tin vào lý Duyên khởi: chúng sinh là sự cộng hưởng từng duyên khởi, vô minh duyên hành, hành duyên thức…, đời sống là dòng chảy của 12 duyên khởi
Niệm là chánh niệm trong Tứ Niệm Xứ.
‘Upatthita’: ‘vững chắc’. Niệm liên tục. Người không tu thì cũng có niệm như lúc lái xe, rửa chén; niệm này rất mỏng, lúc có lúc không. Niệm của hành giả thì phải liên tục và liên tục. Chánh pháp này, lời dạy này của Thế Tôn chỉ có thể được chứng nghiệm, thưởng thức một cách trọn vẹn bằng đời sống chánh niệm. Người không chánh niệm thì có học thuộc lòng Tam tạng cũng không thưởng thức, nếm được hương vị giải thoát trong hiện tại và cũng đừng hòng thấy được ý nghĩa chiều sâu thật sự của Phật pháp. Bởi vì Phật pháp chỉ có thể cảm nhận được bằng đời sống chánh niệm. Chỉ có chánh niệm mới thấy Phật pháp hay và giúp mình thoát khổ như thế nào. Nếu chỉ học suông mà không sống chánh niệm thì ba ngàn tỷ kiếp đi nữa cũng không biết giải thoát nằm ở đâu, không chánh niệm thì đừng bàn bạc tu hành giải thoát, đừng bao giờ nhắc đến trí tuệ thánh nhân.
Tàm là biết thẹn khi làm bậy. Gồm hai: Dựa vào cá nhân: Người biết đạo như mình mà làm chuyện đó hay sao. Dựa vào tập thể: Mình là người trong hội chúng của Đức Phật mà mình như vậy hay sao.
Úy gồm có 4 là: 1.Sợ lương tâm cắn rứt. 2.Sợ bậc trí chê trách. 3.Sợ pháp luật trừng trị. 4.Sợ sa đọa hay khổ báo kiếp sau.
Đa văn: nghe nhiều, học rộng về chánh pháp. Dù chỉ biết một câu kệ nhưng hiểu sâu sắc, đủ để tu tập cũng kể là đa văn.
Ví dụ “không làm các điều ác” thì cái gì bậy không làm, không nói bậy, không nghĩ bậy, Không làm bậy là không làm gì bất lợi cho mình, cho người khác đời này kiếp sau. Làm thiện nghĩa là làm gì có lợi cho mình, cho người khác, đời này kiếp sau. Giữ tâm trong sạch nghĩa là giữ bằng giới, định, tuệ. Dốt đặc không biết gì hết nhưng cứ tu tập chánh niệm, đi biết là đi, đứng biết là đứng, nhai biết là nhai, biết đây là tâm sân, đây là tâm tham, hoài nghi, ganh tị v.v… Biết như vậy cũng gọi là đa văn.
‘Orasa’: ‘con đích tôn’. Con đích tôn nghĩa là con ruột – trưởng. Mình thường nghe bên Bắc Tông nói rằng “các vị xuất gia là trưởng tử của Như Lai”. Trưởng tử đó từ chữ ‘orasa’ trong kinh gốc. Ngài là pháp vương còn trưởng tử là con của Ngài. Nghĩa trong kinh không đơn giản như mình nghĩ, muốn là trưởng tử, hoàng tử con của vị pháp vương thì phải là thánh nhân, còn phàm phu như mình thì còn khuya mới là trưởng tử.
4) Ðầy đủ bảy món báu,
Ba học đều thành tựu,
Bậc đại hùng du hành,
Ðoạn tận mọi sợ hãi.
‘Bảy món báu’ ở đây là Thất giác chi[4](bojjhaṅga) (Niệm, Cần, Trạch, Hỷ, Tĩnh, Định, Xả).
*Ba loại Xả upekkaa
Phải phân biệt được nghĩa khác nhau của xả upekkha trong ba trường hợp sau:
1. Xả Ba-la-mật là dửng dưng trước vinh nhục ở đời.
Người ta có bốc mình lên mây hay đạp mình xuống sình mình cũng không cảm thấy hề hấn gì.
2. Xả Phạm Trú tức xả vô lượng tâm là đứng ngoài thương và ghét.
Chỉ suy nghĩ mỗi người có nghiệp riêng, là lòng thanh thản nhẹ nhàng. Thấy họ ác quá hay tốt quá thì nghĩ hôm nay họ đang gieo nghiệp mới, mai này họ đi theo nghiệp đó.
3. Xả Giác Chi là sự thanh thản lúc tu tập Tứ Niệm Xứ
Xả giác chi nghĩa là lòng không quá cao hứng cũng không thụ động tiêu cực bỏ cuộc nửa đường.
*Thất Giác Chi
Niệm giác chi là chánh niệm trong lúc tu tập Tứ Niệm Xứ.
Cần Giác Chi là tâm sở cần trong lúc tu tập Tứ Niệm Xứ.
Trạch Giác Chi là tâm sở trí tuệ lúc tu Tứ Niệm Xứ. Trạch giác chi là ba thứ Trí (pariññā) ở trên.
Hỷ Giác Chi là tâm sở hỷ trong lúc tu tập Tứ Niệm Xứ.
Tĩnh Giác Chi là cặp tâm sở tĩnh thân, tĩnh tâm lúc tu tập Tứ Niệm Xứ. (kayappassaddhi và cittappassaddhi). Nhờ cặp tâm sở này mà lòng lắng yên, không xôn xao vận động, không trạo hối, không phóng dật. (Xem thêm cuốn Triết Học A-tỳ-đàm)
Định Giác Chi là tâm sở định lúc tu tập Tứ Niệm Xứ. Gồm ba định: Sát na định. Kiên cố định. Cận định[5]
Xả Giác Chi là tâm sở hành xả lúc tu tập Tứ Niệm Xứ.
Có người, Thất giác chi của họ “sang” lắm. Định giác chi của họ là các tầng thiền. Những người chưa từng tu thiền thì Định giác chi chỉ là khả năng tập trung tư tưởng từng phút và được kết nối liên tục.
Khi tâm sôi nổi bồng bột thì hành giả phải an trú trong Tĩnh, Định, Xả giác chi. Khi tâm tiêu cực buồn chán thì an trú trong Trạch, Cần, Hỷ giác chi. Riêng Niệm giác chi thì mọi nơi, mọi lúc. (Theo Kinh Tăng Chi, Kinh Bojjhangasutta)
“Ba học”: giới, định, tuệ
“Du hành” (anuvicarati): đi lại giữa đời.
“Bậc đại hùng du hành, Ðoạn tận mọi sợ hãi.”
‘lokiyamahājanāpi anuvicaranti’: Đi lại giữa đời lúc nào lòng cũng an ổn, tự tại, không sợ hãi
“5) Ðầy đủ mười uy lực,
Bậc Long tượng Thiền định.
Họ tối thắng ở đời,
Khát ái được đoạn tận.”
Tôi không biết vì đâu ngài Minh Châu dịch là “mười uy lực”. Trong chánh tạng ghi là “Dasahaṅgehi sampannā”. ‘Mười uy lực’ ở đây ám chỉ cho Tôi không biết vì đâu ngài Minh Châu dịch là “mười uy lực”. Trong chánh tạng ghi là “Dasahaṅgehi sampannā”. ‘Mười uy lực’ ở đây ám chỉ cho 10 pháp vô học (asekhadhamma) gồm: Chánh kiến, chánh tư duy… chánh giải thoát (La-Hán quả) và chánh trí (19 trí phản khán). Bát Chánh Đạo trong 10 pháp này là nội dung tâm tư của vị La-Hán chớ không phải là Bát Chánh Đạo của người đang tu. Phản khán[6] là nhìn lại phiền não đã diệt, chưa diệt. Nhìn lại Niết bàn đã chứng, nhìn lại 4 đạo đã chứng, 4 quả đã chứng. Ba tầng thánh thấp thì có đủ 5 trí phản khán trên đây. Riêng La-Hán thì chỉ có 4 vì không cần nhìn lại phiền não chưa diệt.
*Bậc Long Tượng
‘Long tượng’: ‘mahānāgā’. Chữ ‘nāgā’ trong tiếng Pāḷi có hai nghĩa: con voi và con rồng. Hán tạng dịch một chữ thành cả hai luôn là ‘long tượng’. Giống như chữ “hôm” trong tiếng Việt có hai nghĩa, vừa ‘ngày’ (mấy hôm) vừa ‘đêm’ (sao hôm, đầu hôm, hồi hôm).
‘Nāgā’: na agum gacchati: không làm điều ác.
La-Hán được gọi là ‘mahānāgā’ (great dragon) vì 4 ý nghĩa:
– na agum gacchati kayena vacayamanasa: (1) không làm ác bằng thân, (2) không làm ác bằng khẩu và (3) không làm ác bằng ý.
– punabbhavam na gacchati: (4) không còn tái sinh nữa.
Định nghĩa này sẽ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần về sau.
“6) Thành tựu vô học trí,
Thân này thân tối hậu,
Cứu cánh của Phạm hạnh,
Ðạt được không nhờ ai.”
“Thành tựu vô học trí” nghĩa là chứng quả La-Hán
‘Antimajati’: thân tối hậu (last life).
‘antimo samussayo’ = ‘antimajati’
“Không nhờ ai” nghĩa là ‘sandiṭṭhiko’, tự mình chứng ngộ, chư Phật chỉ gợi ý còn chuyện tu chứng là của mình
‘Aparapaccayā’: không lệ thuộc ai khác
“7) Ðối các tưởng, không động,
Giải thoát khỏi tái sanh,
Ðạt được điều phục địa,
Họ chiến thắng ở đời.”
Câu “Đối các tưởng, không động” trong bản Pāḷi là “Vidhāsu vikampanti” nghĩa là không bị 9 thứ ngã mạn chi phối lung lạc nữa. Ngày xưa tôi coi thường con số 9 này, nhưng giờ tôi thấy toàn bộ nội dung Phật pháp trong con số 9 này. Khi chưa biết đạo thì mình thấy mình đẹp hơn người ta, mình xấu hơn người ta, mình giàu hơn người ta, mình nghèo hơn người ta, mình khôn hơn người ta, mình ngu hơn người ta v.v… Nhưng khi biết đạo thì biết những thứ đó là giả hợp. Khổ một chỗ, lúc quán chiếu đây là danh, đây là sắc, đây là vô thường thì mình lại quán chiếu: TÔI đang thấy mọi sự là vô thường, TÔI đang quán chiếu…, nghĩa là mình đang cột mình theo cách khác. Chưa hiểu đạo thì xiềng mình bằng xích sắt. Biết rồi thì dùng vàng làm xích. Cả hai đều là xiềng xích nhốt tù mình. Hôm qua tôi có coi một bức ảnh mà tôi thích quá. Có một anh da đen đang sơn nhũ lên trên cái cùm. Bà con search “Những bức ảnh làm thay đổi cuộc đời”, nghĩa là anh da đen này đang bôi vàng lên cái xiềng của anh ta.
“Đối các tưởng không động”, “Vidhāsu vikampanti” nghĩa là vị La-Hán không bị chính ngã mạn xiềng xích nữa, không bị lung lạc bởi 9 thứ ngã mạn
“Điều phục địa” (dantabhūmi): gần giống như Vô sanh pháp nhẫn của Bắc Truyền.
‘Danta’: điều phục (tamed). Từ ngữ căn ‘dam” (tame). Đặc biệt chỗ này chữ Pāḷi và Mỹ giông giống nhau. ‘Danta’ có hai nghĩa: là ‘răng’ (tooth) và là “sự điều phục”. Vì sao có nghĩa là ‘răng’? Bởi vì nó có thể nghiền nát.
Trong Pháp Cú có câu: “dantacittam sukhavaham” nghĩa là “tâm được điều phục”. Còn là phàm phu thì luôn bị phiền não tấn công, và phàm phu luôn bị thua cuộc, bị chinh phục (defeated) bởi cái ghét, cái thích. Từ lúc còn ẵm ngửa trên tay đến lúc vào quan tài thì thua suốt mùa. Vì ghét mà tránh cái này cái kia, vì thích mà rượt cái này rượt cái kia. Vị A-la-hán thì không, không có hành hành xử theo thích hoặc ghét mà chỉ hành động cái gì cần.
“8) Thượng, hạ cùng tả, hữu.
Họ không có hỷ lạc,
Họ rống sư tử rống,
Phật vô thượng ở đời!”
Chữ ‘rống’ nghe không hay, tôi thích chữ ‘gầm’ hơn.
‘Thượng’: ‘uddha’ (above); ‘hạ’: ‘apacina’(below)
‘Tả hữu’: tiriya ở đây chỉ chung cho trái, phải
“Uddhaṃ tiriyaṃ apācīnaṃ, nandī tesaṃ na vijjati; Nadanti te sīhanādaṃ, buddhā loke anuttarā’’ti.
‘Uddhaṃ’ ở đây có 2 nghĩa: 1.Đỉnh đầu. 2.Quá khứ
‘Apacina’ cũng có 2 nghĩa: 1.Lòng bàn chân. 2.Vị lai
‘Tiriya’ ở đây cũng có 2 nghĩa: 1.Phần thân giữa. 2.Hiện tại
“Họ không có hỷ lạc” ở đây nghĩa là không còn tham ái trong năm uẩn nữa, dù ở đâu, trên thân hay trong thời điểm nào cũng vậy. Vậy câu này có hai nghĩa:
1. Trên toàn thân, vị này không còn thích thú chỗ nào
2. Không còn thích thú năm uẩn trong ba thời, quá khứ, hiện tại, vị lai.
Xin hỏi bà con, những hồi ức những kỷ niệm có bao giờ làm cho các vị vui hay buồn không? Những toan tính, những dự tưởng, những kế hoạch tương lai có làm cho các vị vui buồn hay không? Mình bị khổ vì năm uẩn quá khứ, vì năm uẩn tương lai, hiện tại thì khỏi phải nói rồi. Những hồi ức quá khứ của mình như nhớ căn nhà ngày xưa của mình ở VN, có giàn hoa giấy, có cô hàng xóm mắt đen tóc dài thỏ thẻ lúng liếng, và những kế hoạch về tương lai: sắp tới tụi nhỏ ra trường, thằng Út về Chicago, thằng Tư về Los, nhà này chỉ còn hai vợ chồng đi ra đi vô như hai con khỉ già vào ra như hai cái bóng, rồi mai mốt đi vô nhà già, chờ con tới thăm thì tang thương khổ nào v.v…, đó là những nỗi khổ năm uẩn quá khứ, năm uẩn tương lai. Còn hiện tại thì đói ăn, khát uống, chạy lăng xăng, vất cả như trâu đi cày, đó là khổ năm uẩn hiện tại. Nói theo A-tỳ-đàm thì hiện tại là sát na nào đang xảy ra, còn nói theo Tạng Kinh thì hiện tại chỉ cho ngay hôm nay, tháng này, năm này. Dù nói theo Tạng nào đi nữa thì chúng ta luôn luôn sống phiền não với năm uẩn quá khứ, tương lai, và hiện tại. Vị La-Hán thì không còn như vậy nữa, không sợ cái gì nữa hết, nói ra được thì làm được:
Thượng, hạ cùng tả, hữu.
Họ không có hỷ lạc,
Họ rống sư tử rống,
Phật vô thượng ở đời!”
Vị La-Hán trước ngàn người ra sao thì một mình trong núi thẳm cũng vậy. Vị La-Hán nói sao thì làm vậy, làm sao thì nói vậy. Người như vậy gọi là gầm lên tiếng gầm của sư tử. Còn mình thì sao? Cho dù mình giàu, có tám tỷ trong nhà băng, đi đâu thì đi bằng máy bay, mười lăm bằng cấp, nói được vài chục thứ tiếng, ăn trưa ở Hongkong, ăn tối ở Bangkok, sang trọng bảnh bao… nhưng có rất nhiều điều mình phải giấu, có chỗ mình ngại, mình sợ. Hôm qua tôi đọc bài báo mà tôi sốc khoảng 15 phút. Một phóng viên người Pháp tuyên bố trên tờ báo Pháp và Đức rằng từng xem qua một đoạn clip ngắn về hành khách trên chiếc máy bay của hãng Germanwings vừa rớt mới đây, và ông thấy được giây phút hoảng loạn kinh hoàng của hành khách biết mình sắp chết. Tôi giựt mình tự hỏi lòng, bao nhiêu năm làm thầy chùa, rêu rao Phật pháp, nếu mình có mặt trong số đó, thấy máy bay đang lao vút vào vách đá với tốc độ kinh hoàng thì mình ra làm sao. Đừng dựa vào tuổi đời, bằng cấp, học vị mà nghĩ mình ngon, mình chưa đủ sức gầm lên tiếng gầm sư tử đâu. Đến lúc đó kẻ nào hèn nhất thì sẽ hiện rõ cái hèn của mình ra khi đối diện với cái chết. Tu ngon là sao, là có khả năng chết bất cứ lúc nào. Theo quan điểm Phật pháp, đời sống tốt nhất là đời sống của người có thể sẵn sàng chết.