Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 3 – Chương 1: Tương Ưng Uẩn – Phẩm Nakulapità

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 3 

Chương 1: Tương Ưng Uẩn

Phẩm Nakulapità

CHẤP THỦ VÀ ƯU NÃO (Upādāparitassanāsutta)

‘Có’ và ‘của’

‘Upādā’, viết tắt của chữ ‘Upādāna’: chấp thủ.

‘Paritassana’: ưu não

Tôi nhớ tôi có nhiều lần tôi nói và tôi viết về hai chữ mà tôi cho rằng rất phổ biến trong đời sống của mình, nó rất là mơ hồ nhưng rất là cụ thể, rất là cụ thể nhưng rất là mơ hồ, đó là chữ ‘có’ và ‘của’. Từ nhỏ xíu mình đã ‘có’ cái này cái kia rồi, tôi có bình sữa, tôi có đồ chơi, tôi có cha, có mẹ, có ông bà có người thân. Những cái tôi có đó, nó là của tôi. Từ nhỏ khi mình sanh ra ở nơi nào đó mình đã có quốc tịch rồi, rồi mình có giấy khai sanh. VN thì có thêm sổ hộ khẩu nữa. Để chi vậy? Để thiên hạ biết rõ mình là một đơn vị trong xã hội, mình là một thành phần trong khối dân tộc đó, mình là một cá nhân trong đất nước đó, và những gì được thiên hạ mặc định là của mình thì người khác không xâm phạm cưỡng chiếm được. Cái gọi là văn hóa mặc định (conventional) này từ lâu đã trở thành máu huyết của mình. Và cái gì thuộc về tôi, người khác không được cưỡng chiếm sang đoạt. Lâu dần nhiều đời nhiều kiếp nhiều thế hệ mọi người đều nhìn nhận chuyện đó, và ai cũng nghĩ cái đó là của mình. Thật ra cái gọi là ‘có’hay ‘của’ là một khái niệm rất mơ hồ. Vì sao? Giả định như một người con trai lạ hoắc không mắc mớ gì đến mình, gặp nhau, mình thấy mến, rồi hẹn hò, mình gọi là “bạn trai của mình”, rồi một ngày nào đó mình thấy người đó rất hợp với mình, ngay sau khi mình xác định là rất là hợp, có thể đi đến hôn nhân, ít nhất trong lòng mình cũng nghĩ người đó là ‘của’ mình. Nhưng ngay từ lúc mình xác định người đó là của mình thì “tôi  người yêu”. Khoảng một tiếng đồng hồ sau nhân vật đó lăn đùng ra chết, hoặc mình lăn đùng ra chết, hoặc người đó có người khác thì chữ ‘có’ và ‘của’ đó chỉ là trò hề, là cả một sự mỉa mai. Trong tiệm vàng, một miếng vàng nào đó người ta gọi là một chỉ, một lượng; nhưng sau khi đánh thành vòng tròn, bán trong tiệm, gọi là nhẫn. Một cặp nam nữ mua cặp nhẫn đó về, xỏ vào tay nhau, thì gọi là nhẫn cưới. Kể từ lúc đeo vào tay nhau, ràng buộc nhau, thì gọi người kia là của mình, ta có nhau trong đời nhau chỉ vì chiếc nhẫn, nếu nghi ngờ thì thêm tờ giá thú nữa. Hai thứ này: nhẫn và tờ giá thú, muốn chắc thì nó chắc, muốn mong manh thì mong manh. Chỉ cần chồng thấy vợ đi với người khác, vợ thấy chồng đi với người khác thì tác dụng của chiếc nhẫn hay tờ giá thú buồn cười, mong manh, mỉa mai cỡ nào. Khái niệm ‘có’ và ‘của’ là như vậy đó.

Tôi cũng từng đi dự đám tang của nhiều người, tôi thấy chuyện này: Lúc ông bà, ba má, người thân của mình còn sống, bị trọng bịnh, thì mình suốt đêm suốt ngày chầu chực thuốc thang, lấy khăn lấy giấy lau miệng, đổ từng muỗng nước, như đứng ngồi trên lửa. Rồi thì trong tích tắc nào đó người đó xuôi tay không thở nữa, bắt đầu từ lúc đó con cháu, người thân bắt đầu ngại. Trên cái thân xác cách đây nhiều tháng trời người ta sờ chạm chăm sóc, thậm chí hôn hít vuốt ve, giờ thì số người chạm vào ít dần. Chuyện đám tang ở Mỹ tuy hay nhưng phũ phàng, chẳng hạn như buổi sáng mình ra khỏi nhà nhưng không quay trở về nữa, có chuyện gì thì người ta đưa thẳng vô bệnh viện, nếu không xong thì người ta đem thẳng tới nhà quàn, nhà quàn tắm rửa bỏ mình vào phòng lạnh. Gia đình sẽ có hai chọn lựa, chôn hoặc thiêu thì thực hiện ngay. Nếu người thân có nhu cầu thì họ để ba ngày hoặc năm ngày trong quan tài đậy nửa nắp. Mỗi ngày làm lễ, thăm viếng, phúng điếu, khi hết giờ qui định, thân nhân ra về hết, họ lại đẩy xác vào phòng lạnh. Hôm sau họ lại đẩy xác ra cho người khác thăm, ngó. Số người chạm vào xác ít dần. Tôi còn được nghe một vị thượng tọa bên Mỹ kể chuyện này giống như chuyện cười nhưng rất phũ phàng. Vị này đi làm lễ đám tang, xong xuôi bước ra chỗ đậu xe để đi về chùa, sau khi rời chỗ nguyện đường thì gia đình năm bảy người kéo theo, chia tay thầy: “Thượng tọa về ạ…, thượng tọa lái xe cẩn thận…” Vị này cũng tin tưởng người ta tốt bụng nên gọi mọi người đừng tiễn nữa. Vị này bước ra đến chỗ đậu xe cũng không thấy họ trở vô mà thấy họ nhìn nhau như có chuyện gì, hỏi ra thì họ nói: “Hồi nãy để quên túi xách, nhưng giờ không dám vào trong đó, mong thượng tọa hoan hỉ trở vào cho gia đình theo vào lấy đồ.” Quí vị thấy có mỉa mai phũ phàng lắm không. Thuở nào cha cha mẹ mẹ, anh anh em em, chồng vợ đầu gối tay ắp, bây giờ nằm đó lạnh ngắt thì sợ muốn chết luôn. Khái niệm ‘có’ và ‘của’ phải xét lại. Hai chữ này rất gần gũi với chúng ta nhưng thật ra nó rất mơ hồ. Gần gũi là bởi vì rõ ràng mở mắt ra đầu ngày mình có cái này, có cái kia, cái này là của mình cái kia là của mình. Tuy nhiên, không biết dựa vào đâu mà gọi là ‘có’ là ‘của’. Vợ chồng, mẹ con, mấy chục năm mà đùng một cái khi xuôi tay cái ‘có’ cái ‘của’ ấy mất tiêu không để lại dấu vết. Ấy vậy mà, hễ ngày nào còn nghĩ được rằng mình giữ được nó, nó còn là của ta, ta có nó thì mình làm mọi cho nó để khẳng định cái ‘có’, cái ‘của’ đó trước mặt bàn dân thiên hạ. Có nhiều cái mất là chịu không nổi, kể cả những thứ mình nói là của mình, mình không chạm không nhìn tới nhưng ai đụng tới thì mình nổi sùng lên, vì mình đã dán cho nó một cái nhãn ‘của tôi’.

Bài kinh Chấp Thủ và Ưu Não, Đức Phật dạy: Kẻ vô văn phàm phu cứ chấp thủ “đây là tôi, đây là của tôi, đây là sắc, là thọ, là tưởng, là hành, là thức…” Có người sẽ nói là “tôi đâu biết ngũ uẩn là gì mà tôi chấp?”. Đức Phật dùng ngôn ngữ nhà thiền nên gọi là ‘năm uẩn’, còn ta thì gọi là tài sản, thân thể, nhan sắc, sức khỏe, tình cảm, cảm xúc, quyền lực…

Tôi nhớ có viết câu chuyện mà bản thân tôi nhớ lại chuyện đó tôi cũng bận tâm ghê gớm, mặc dù chuyện đó tôi viết đã lâu rồi, tôi cũng đọc từ internet. Một anh kia bị tai nạn xe nặng lắm, nát chân. Bác sĩ quyết định cưa bỏ, may mắn là có người hiến xác, cái chân của người đó còn xài được, và người ta ghép chân của người kia cho anh ta. Anh ta đi đứng bình thường nhưng mỗi ngày khi bước vào nhà tắm, anh ta kỳ cọ cái chân bỗng thấy ớn, vì anh ta nghĩ rằng đây là cái chân của một người không còn trên đời này. Đến lúc vô giường đắp mền thì càng nhớ rõ ràng hơn, chân này của mình, chân kia của người đã chết. Giống như kẻ tục huyền mà người kia có con riêng thì “buy one get one free” (mua một tặng một), cưới mẹ thương luôn đứa con riêng, mai mốt có bầy con thì con anh, con em, đánh nhau với con của chúng ta. Trong lòng rõ ràng vẫn phân biệt. Anh này cũng vậy, đắp mền giữa đêm vắng mà phân biệt rõ ràng đây là chân mình, đây là chân người ta. Chịu không nổi, anh ta chạy vô chùa kể với sư phụ là một thiền sư. Thiền sư hỏi: Tại sao con sợ? Anh ta nói: Cái chân này của người chết, con sợ lắm. Con muốn thầy cho con cái bùa nào đó để con trấn áp. Thiền sư nói: Con sợ vì nghĩ nó là của người khác, không phải của con, nhưng con hãy nghĩ lại trong người con có cái gì thật sự là của hay không? Nếu cái chân bị nát kia thật sự là của con thì nó đâu bỏ con mà đi.

Đức Phật dạy rằng một người không có hiểu đạo thì sống theo văn hóa xã hội ở ngoài thường xuyên luôn bị ám bởi chữ ‘của’ và chữ ‘có’. Con đường duy nhất để lìa bỏ khái niệm đó, chính là con đường tu tập Tứ Niệm Xứ – con đường quán chiếu tự thân từng phút từng phút. Quan sát để thấy mình là cái gì. Bài trước mình học chánh niệm là biết how is, và trí tuệ là biết rõ what is, bữa nay mình học cái khác. Bữa đầu chưa biết đạo thì cứ coi mình là nhân vật nào đó trong hoàn vũ này. Nhưng tu riết thì thấy mình không còn là somebody nữa mà là something. Thấy mình chẳng phải là ông A bà B mà là cái gì đó là lắp ráp. Cuối cùng mình thấy rằng mình chỉ còn là nothing. Có thể mình “ăn gian” người Mỹ một chỗ, tu Tứ Niệm Xứ là tu tại đây và bây giờ (now and here). Người Mỹ họ có chữ No + Where thành ra chữ Nowhere, còn mình thì là Now + Here thành Nowhere, nghĩa là vô sở trụ, ngay bây giờ và tại đây. Tu Tứ Niệm Xứ là luôn biết rõ tôi chỉ là cái gì đang xảy ra, diễn ra tại đây và bây giờ, rồi sẽ mất đi trong tích tắc để bị thay thế bằng một cái khác: thiện ác, buồn vui. Lão Tử có một câu rất là hay: Buồn hết rồi sẽ vui, vui hết rồi sẽ buồn, trong phúc nào cũng chứa mầm họa, trong họa nào cũng chứa mầm phúc. Nói theo ngôn ngữ của mình là trong cái Được luôn có cái Mất và ngược lại.

Ví dụ như bây giờ mình muốn đẹp, muốn giàu, muốn nổi tiếng, nhưng nếu mình là người đẹp thì mình sẽ mất rất nhiều thứ. Thật sự là như vậy. Khi mình là một giai nhân thì thời gian dành cho mình sẽ bị đe dọa một cách nghiêm trọng. Đàn ông con trai tìm mọi cách để xáp vô cưa đổ mình, đứa dùng quyền lực, đứa dùng tiền bạc, đứa dùng miệng lưỡi… Chỉ cần vào internet là thấy, có những nhân vật đẹp đến nỗi mình muốn chết vì họ. Mất thời gian là mất toàn bộ đời sống. Người xấu không ai để ý thì có thời gian để sống cho mình nhiều hơn. Cứ đi thử một vòng sẽ thấy, thế giới này có biết bao nhiêu cái để mình nhìn, để mình nghe, có biết bao nhiêu cái để mình ngửi, nếm, đụng và suy tư học hỏi. Có biết bao nhiêu cái để mình trải nghiệm, ấy vậy mà chỉ vì mình là giai nhân kiều nữ, biết bao nhiêu người đeo đuổi. Nếu một anh nhà giàu cưa đổ mình, thì mình sẽ mất toàn bộ thời gian, tình cảm cho cái túi tiền của anh ta. Chẳng may vớ trúng thằng nhà nghèo chỉ có miệng lưỡi không thì đời còn tàn trong ngõ hẻm nữa. Trong cái được nhiều khi chứa một tỷ cái mất trong đó, ngược lại, trong cái mất thấy vậy mà nhiều lại có cái được như bên Tàu có chuyện Tái ông thất mã. Đó là lý do vì sao Đức Phật dạy: Này các tỳ kheo, thật là vừa đủ để nhàm chán, vừa đủ để xả ly. Các ngươi không còn gì để trông đợi ở dòng sinh tử nữa Quãng đường các ngươi đã đi quá xa, quá dài, quá lâu và quá nhiêu khê đoạn trường cay đắng rồi.

Khi tu Tứ Niệm Xứ mình mới thấy rõ tôi là ai, tôi là cái gì. Sáng nay khi bắt đầu buổi giảng tôi cũng ngại lắm, nhiều người trong room này thế nào cũng nói tôi không phải là hành giả mà khoái nói về thiền. Khổ nỗi, nói Phật pháp mà không nói về thiền thì nói về cái gì bây giờ. Phải nói con đường sau cùng, duy nhất và rốt ráo của một người học đạo, đó là chỉ là Tứ Niệm Xứ thôi. Tứ Niệm Xứ sẽ cho quí vị cái hiện tại lạc trú. Đây không phải là một lời hứa hẹn mà là một chuyện rất khoa học, khi anh biết rõ anh là ai thì tự nhiên những ảo vọng về cái tôi sẽ được đặt xuống. Khi mình nghĩ người ta nói xấu mình, mình khó chịu lắm, nghĩ người ta coi thường mình, nhưng bằng cách nào đó mình xác định được chuyện đó không có thì lòng mình nhẹ tênh, hiểu lầm không còn nữa. Khi mình thấy cái đó là ‘của mình’, mình bị ám là ‘của mình’, ‘mình có’. Đây là sự hiểu lầm, sự hiểu lầm này làm mình khổ ghê gớm lắm. Một ngày nào đó khi mình buông dần, chỉ nghĩ mọi thứ có theo nhu cầu, vì nhu cầu mà mình có, thì khi đó cái khổ của mình được đặt xuống rõ ràng.

Mình đi trên đường thấy người ta bị tai nạn, bị hư hao mất mát, mình không thấy khổ vì nó không phải là của mình. Khi về đến nhà chỉ cần một cái ly, cái tách, gắn liền với kỷ niệm hoặc có giá trị vật chất; cái chén một người mình thương tặng mình, hoặc cái chén mình mua ở Nhật trong dịp đi hiếm hoi, mà bây giờ bị bể, thế là mình thấy tiếc, thấy quan trọng, thấy khổ. Đó là lý do vì sao Đức Phật dạy rằng có chấp thủ là có khổ.

BA THỜI LÀ VÔ THƯỜNG (Kalattayasutta)

Thời gian vốn không có thực, chỉ là khái niệm tục đế. Do có danh sắc, năm uẩn, mới có phương hướng, thời gian, trọng lượng, hình thể và các khái niệm so sánh khác. Các khái niệm so sánh là cao thấp, mập ốm, đẹp xấu, đen trắng …

Ở đây Đức Thế Tôn đang giảng cho các vị tỳ kheo nghe về năm uẩn qua khía cạnh tục đế. Ở đời có hai sự thật: chân đế và tục đế. Chân đế là bản chất rốt ráo của các pháp (đất, nước, lửa, gió, tâm, tâm sở). Tục đế: đất đá, đại dương, ông A, bà B… Ngài dạy: Quá khứ là cái gì đã từng xuất hiện và nay đã không còn nữa. Tương lai là cái gì sẽ xảy ra nhưng trước mắt thì chưa có. Hiện tại là cái gì đang diễn ra, xảy ra, phơi bày trước mắt. Cái gì thuộc về quá khứ thì không còn nữa, nhắc đến nó làm gì. Nếu nó còn tiếp tục thì đâu gọi là quá khứ, còn tương lai thì chưa có, chưa có nghĩa là không có. Chỉ còn một cái hiện tại đang diễn ra.

Ở đây Thế Tôn đang dùng ý niệm tục đế để giải thích cho những vị có nhu cầu được nghe qua cái pháp tục đế. Hãy nhớ lại xem mỗi ngày có bao nhiêu lần vui và buồn, những vui buồn đó có bao nhiêu lần liên hệ đến chuyện cũ, chuyện sẽ xảy ra và chuyện đang xảy ra. Các pháp đều vô thường, cái gì vô thường thì đáng gọi là khổ, cái gì là khổ thì không đáng gọi là ta, của ta. Ba thời là khổ. Quá khứ là cái vô thường, vị lai cũng vậy, nói gì là hiện tại, vì là vô thường nên chúng là khổ. Hồi tưởng về chúng để buồn vui là điều không nên. Chỉ nên nghĩ về quá khứ hay vị lai vì lợi ích nào đó cho tinh thần. Ở đây Thế Tôn đang dùng ý niệm tục đế để giải thích cho những vị có nhu cầu được nghe qua cái pháp tục đế. Hãy nhớ lại xem mỗi ngày có bao nhiêu lần vui và buồn, những vui buồn đó có bao nhiêu lần liên hệ đến chuyện cũ, chuyện sẽ xảy ra và chuyện đang xảy ra. Các pháp đều vô thường, cái gì vô thường thì đáng gọi là khổ, cái gì là khổ thì không đáng gọi là ta, của ta. Ba thời là khổ. Quá khứ là cái vô thường, vị lai cũng vậy, nói gì là hiện tại, vì là vô thường nên chúng là khổ. Hồi tưởng về chúng để buồn vui là điều không nên. Chỉ nên nghĩ về quá khứ hay vị lai vì lợi ích nào đó cho tinh thần. Xem quá khứ như một bài học, nghĩ về tương lai để chuẩn bị cái gì đó, quan sát hiện tại để không lầm lỗi, đó là cách sống tốt nhất, thái độ cần có trước cái gọi là thời gian.

Nội dung kinh là đề nghị sống chuyên tâm trong hiện tại để hạn chế cái khổ và nhận diện được Tam tướng của danh sắc, tức ngũ uẩn.

Vì có đến ba nguồn khổ, nay ta bỏ bớt hai nguồn: quá khứ, vị lai. Còn đối diện với hiện tại thì chánh niệm quan sát nó, ta cũng sẽ bớt đi một phần không nhỏ những khổ tâm. Các kinh sau cũng cứ vậy mà hiểu.

BA THỜI LÀ VÔ NGÃ

Nói tới ngã là nói đến: chủ thể và sở hữu. Chủ thể là tôi, anh, chị, bà đó, ông đó, con chó, con mèo… Sở hữu là ý niệm ‘của’, của tôi, của ảnh, của nó…

Tỷ kheo ni Vajirā thời Đức Phật có nói rằng: Cái gọi là chiếc xe bò hay xe ngựa chỉ là khối tổng hợp của các món phụ tùng. Cái gọi là chúng sinh chỉ là khối tổng hợp ghép nối của năm uẩn. Không thể hiểu chuyện này rốt ráo bằng lý thuyết phải hiểu bằng sự thực hành. Khi chánh niệm quan sát từng thay đổi của thân tâm, trí tuệ của ta sẽ nhận ra không cái gì ở đời này là một, cái gì cũng do lắp ráp mà thành. Hiểu được vậy gọi là hiểu lý vô ngã.

Có người hiểu lầm và cho rằng làm sao niệm nổi, mình đang làm việc, tâm mình trong công việc đó, giờ mình phải niệm rằng mình đang làm việc, vậy là phải xài cùng lúc hai cái tâm hay sao? Ví dụ tôi đang gọt táo, tôi xài cái tâm A, giờ bắt tôi phải niệm rằng tôi đang gọt táo vậy là tôi xài hai cái tâm? Tôi đã trả lời thế này: Cô nói với tôi là cô dùng cái tâm cô gọt táo, cô không thể dùng tâm thứ hai cô quan sát nó, vậy nếu cô đang gọt táo cô có nghĩ chuyện trên trời dưới biển được hay không? Thay vì bây giờ mình vừa gọt táo vừa nghĩ chuyện tầm bậy, thì vừa gọt táo vừa biết, chỉ có vậy thôi. Chánh niệm không phải là cùng một lúc xài hai cái tâm, mà là sự cẩn trọng. Đức Phật dùng hình ảnh như thế này để nói về sự chánh niệm: Chánh niệm là sự cẩn trọng như một tử tù bưng chén dầu đầy đi trước một đám giai nhân tuyệt sắc. Vua nói nếu một giọt dầu đổ ra thì tử tù sẽ bị chặt đầu. Lúc đó người tử tù sẽ bưng chén dầu bằng sự cẩn thận như thế nào thì hành giả giữ chánh niệm trước sáu trần như vậy. Trong lúc đang bưng, anh ta phải để chuyện bị chặt đầu qua một bên mà chỉ tập trung vào chuyện bưng chén dầu, hoặc một người con gái có ý tứ, đi đứng cẩn thận, luôn nhớ mình là con gái con lứa, đi đứng đoan trang, ăn nói chừng mực, đó gọi là chánh niệm. Phải chánh niệm mới không bỏ sót những gì đang diễn ra, và chính vì quan sát những gì đang diễn ra một cách chuyên tâm rốt ráo ta mới có dịp thấy danh sắc này thực ra là đồ ráp.

Đức Phật có dạy trong kinh Tăng Chi: Này các tỳ kheo nếu như một người nào đó nói tấm thân này còn hoài, là còn trường cửu thì ta nói đó là suy nghĩ rất vô minh, tuy nhiên còn chút thông minh so với người nói cái tâm này là trường cửu. Cái thân tuy vô thường nhưng ít ra khi dùng mắt nhìn thì thấy từ hôm qua đến hôm nay vẫn là cánh tay này, đôi mắt này, bờ môi này. Còn cái tâm thì khác, không có gì nhanh bằng, nó thay đổi đề tài liên tục, từ thiện qua ác, từ buồn qua vui… cái trước cái sau không để lại dấu vết gì hết. Vô ngã là như vậy, không phải somebody mà cũng không phải something mà chỉ là sự tổng hợp; một ngày nào đó mình thấy mọi thứ chỉ là đồ ráp, thấy bằng toàn bộ sự thấm thía thì lúc đó mình mới thấy vô ngã là gì.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app