Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 3 – Chương 1: Tương Ưng Uẩn – Phẩm Kiến

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 3 

Chương 1: Tương Ưng Uẩn

Phẩm Kiến

NỘI (Ajjhattasutta)

Bài kinh này có một chỗ bắt buộc mình phải bàn tới. Bản tiếng Việt đọc vô là ‘điếc con ráy’: “3) Do có cái gì, này các Tỷ-kheo, do chấp thủ cái gì, nội lạc, khổ khởi lên?”,trong khi đó bản Pāḷi sáng trưng: “uppajjati ajjhattam sukhadukkham”.

‘Ajjhattam’: trong thâm tâm mình, bản Hán dịch là ‘nội tại’.

Câu kinh trên dịch lại như sau: Do dựa vào cái gì trên đời này mà có hạnh phúc và đau khổ, tâm ta buồn vui là do cái gì?

Đức Phật dạy: Toàn bộ nỗi khổ và niềm vui trên đời này dựa vào năm uẩn mà có. Năm uẩn thì là đồ lắp ráp, luôn vô thường, và do duyên mà sinh diệt. Nói vậy có nghĩa là bản thân cái gọi là hạnh phúc và đau khổ cũng là đồ lắp ráp, luôn vô thường và do duyên mà sinh diệt. Do thấy vậy mới có thể nhàm chán rồi ly tham (tham là Tập đế, là nguồn khổ), ly tham thì bớt khổ và hết khổ. Còn là phàm thì bớt khổ, chứng thánh thì hết khổ. Ly tham của người hiểu đạo nhiều, hiểu đạo ít, hành trì tinh tấn hay lười biếng thì khác nhau; ly tham của vị Tu-đà-hoàn khác với ly tham của vị ở tầng thánh cao hơn.

CÁI NÀY LÀ CỦA TÔI

“Này các Tỷ-kheo, do dựa vào cái gì, do chấp cái gì, mà chúng sinh phàm phu trong đời này nói: Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?”

Cái mà phàm phu dựa vào để lầm tưởng rằng ‘đây là tôi, của tôi’ chỉ là năm uẩn thôi. Đây là nhan sắc của tôi, đây là tuổi trẻ của tôi, đây là tình yêu, mái ấm của tôi…, tất cả những cái ‘của tôi’ đó chỉ dựa vào năm uẩn. Năm uẩn là đồ lắp ráp, luôn vô thường, do duyên mà sinh diệt, nên cái ‘tôi và của tôi’ là cái rất mỉa mai và phũ phàng. Bản thân chữ ‘của’ rất là mỉa mai. Quí vị không hành trì, không học đạo, có thể hỏi tôi, nếu chống chữ ‘của’ như vậy thì trong nhà có sở hữu cái gì không, có dao, kéo, tô chén, muỗng, nĩa, không? Có! Nhưng bản thân cái ‘có’ đó cũng là vấn đề. Nó là đồ lắp ráp, do lắp ráp nên nó có hình vóc, có màu sắc. Tôi đã từng bị cảnh mua cái va-li về xài ít lâu bị sút bánh ra, cái tay cầm bị gãy. Có mấy cái bị như vậy, do nặng quá mà mình tin nó quá, mình nghĩ là nó ok. Sáng nay tôi gởi tặng quí vị câu danh ngôn này:“Con chim an tâm đứng trên cành với niềm tin vào đôi cánh, con người tin vào cành cây”. Hai niềm tin này, cái nào an toàn hơn? Người sống có chánh niệm, có trí tuệ, có nhận thức thì giống như con chim. Vị A-la-hán không trông đợi vào những gì mình có, không có tin rằng tấm thân này còn khỏe, còn trẻ, không có tin rằng cái này là tốt lắm, không có hư… Ngài không tin gì hết, chỉ tin vào bản thân ngài thôi. Con chim đứng trên cành với niềm tin vào đôi cánh, còn con người tin vào cành cây; tin vào đôi cánh coi bộ chắc ăn hơn! Hạnh phúc của mình, nói rốt ráo, phải là niềm tin vào bản lãnh của chính mình; chớ còn trông đợi vào người khác, vào ngoại vật thì đó là thái độ rất là thơ ngây và vô cùng nguy hiểm. Hãy tâm niệm: tôi là một con chim đứng trên cành cây cuộc đời, tôi chỉ tin vào đôi cánh chánh niệm và trí tuệ của tôi chớ không tin cậy vào cái tôi có. Cách đây bốn ngày, tôi suýt chết vì một cái chuyện, nếu mà có cái tin cáo phó, người không thương tôi họ cười chết. Đó là một nhánh cây khô nặng không dưới năm mươi ký, nó rơi từ trên cao khoảng mười mấy hai chục mét xuống, lúc tôi đang đứng trong rừng ở Thụy Sĩ. Tôi nghe tiếng rắc rắc, tôi không biết làm gì, chỉ ôm sát cái thân cây. Chung quanh tôi là rừng nên khi tôi ôm sát thân cây, tôi hy vọng rằng cái gì cũng sẽ rớt bên ngoài khoảng trống chớ không chạm vào tôi. Bây giờ nhắc lại cho bà con nghe tôi vẫn còn toát mồ hôi. Con chim làm sao biết nhánh nào tươi hay khô, nên chỉ tin vào đôi cánh, còn mình thì tin vào nhánh cây, vào ngoại vật.

Nội dung bài kinh Cái Này Là Của Tôi, Đức Phật nói rằng người ta dựa vào năm uẩn mà chấp rằng ‘đây là tôi’, ‘đây là của tôi’; Bài kinh trước Ngài hỏi: Hạnh phúc và đau khổ dựa vào đâu mà có? Cũng chỉ là từ sự ngộ nhận vào năm uẩn! Nhờ ngộ nhận vào năm uẩn mà có hạnh phúc và đau khổ. Ý niệm ‘tôi và của tôi’ cũng từ đó mà ra. Niềm tin vào năm uẩn là niềm tin của một người đứng trên cành cây khô.

NGÃ

Do chấp thủ cái gì mà phàm phu có những ý niệm tôi là, của tôi, cái này vĩnh cửu, cái kia thiên thu, cái nọ còn hoài…?

Cũng chỉ là năm uẩn! Năm uẩn là đồ lắp ráp, luôn biến đổi và do duyên mà sanh diệt. Vì vậy những ý niệm này chỉ làm cho mình khổ, đó là niềm tin vào đống cát, giọt sương, mảnh vỡ thủy tinh, vào đống tuyết. Ai ở xứ lạnh thì biết, năm nay tôi gần năm mươi tuổi nhưng vẫn còn niềm vui quái gở mà người quen ai cũng lắc đầu. Tôi sợ lạnh lắm nhưng lại thích buổi sáng mùa đông nhìn ra ngoài rừng thấy một màu tuyết trắng. Cảm giác đó lạ lắm. Trong những ngày tháng ở Châu Âu chuyện đó bình thường lắm, nhưng tới giờ tôi cũng không chán. Tuyết rơi một lớp dày rồi mà vẫn tiếp tục rơi. Mọi thứ chung quanh tuyền một màu trắng, nhưng nó rất là triết học, bởi bên dưới đống tuyết đó là rác, là gai góc, là hầm hố, giờ đây đã phủ lấp hết, chỉ còn thấy một màu trắng thôi. Cũng vậy, bất cứ cái gì mình sở hữu, cũng đều ngầm chứa bên dưới bao nhiêu bất trắc, nguy hiểm, nhưng trước mắt thì nó được phủ lên bởi một lớp ảo tưởng nên thấy cái gì cũng đẹp.

Tôi nhớ hoài câu chuyện này, một tối mùa đông trên phố có đứa bé cầm bó hồng đến mời một anh thanh niên đứng bên cạnh chiếc xe đắt tiền: Chú ơi, chú mua giùm cháu bó bông đi chú. Chú không thích bông! Anh thanh niên trả lời. Vậy chú mua cho vợ chú đi. Không, chú chưa có vợ. Vậy chú mua cho người yêu đi chú. Chú chưa có người yêu. Đứa bé nói: Vậy chú càng phải mua, mua để tự mừng cho mình rằng mình đang rất tự do, giờ này còn đứng đây không sợ ai cằn nhằn. Ớn nhất cái cảnh có người mong chờ ở nhà. Riêng tôi, chưa bao giờ có vợ nhưng tôi biết rõ cảm giác đó. Cũng có người muốn có người ở nhà đợi. Biết ai đó đang chờ ở nhà thì 99.9% người không vui, chỉ có 0.1% người vui. Nếu chờ rồi cằn nhằn thì quá ớn, dù cằn nhằn vì thương mình thì cũng không khoái.

Tóm lại, trông cậy vào năm uẩn là không được.

NẾU KHÔNG PHẢI CỦA TÔI

“Do có cái gì, này các Tỷ-kheo, do chấp thủ cái gì tà kiến như sau sanh khởi: Nếu trước không có ta, thời đã không có của ta. Nếu sẽ không có ta, thời sẽ không có của ta?”. Kinh này không giải thích là không được.

Kinh này học rồi mà bà con quên, chỉ riêng…một mình tôi nhớ. Đức Phật dạy thế này: Này các tỳ kheo, với một người không có thiền định thần thông gì hết, thì tất cả những cái họ nhìn thấy trước mắt ngay bây giờ cũng chỉ là năm uẩn, là danh sắc, là mười hai xứ, mười tám giới, chỉ là sáu căn, sáu cảnh và sáu thức. Và này các tỳ kheo, nếu một người có thần thông mà nhớ lại các thời quá khứ thọ, hành, tánh, tướng…, những gì họ nhớ được cũng chỉ là các uẩn – các uẩn đã diệt, các uẩn quá khứ. Những gì họ thấy ngay bây giờ, trước mắt, cũng chỉ là các uẩn – các uẩn hiện tại. Những gì mà một người có thần thông, có thiền định biết rõ sẽ xảy ra trong kiếp sau thì đó cũng chỉ là năm uẩn sẽ có, chưa có, sắp có – năm uẩn tương lai. Trong khi đó, phàm phu thì không biết điều này, nếu có học đạo thì cũng học cho có, chứ trong đầu cũng ‘lén’ nghĩ ‘tôi là’ và cái gì đó là ‘của tôi’.

Đây là thứ tà kiến: “Nếu trước không có ta, thời đã không có của ta. Nếu sẽ không có ta, thời sẽ không có của ta”. Câu này dịch quá sát nên mình thấy hơi tối nghĩa. Phải hiểu thế này, thỉnh thoảng (quí vị để ý mới thấy) mình nghĩ về mình. Mình luôn nghĩ về mình từ góc độ chủ thể. Lẽ ra mình phải nhìn bản thân như là một đối tượng; trong khi đó, thông thường ta nhìn về mình không từ góc độ khách quan. Tại châu Âu này, có một cô gái nói như gió năm ba thứ tiếng, ở trường bao giờ cũng đứng đầu lớp, anh em trong nhà ai cũng nể. Đùng một cái, nàng bỏ bến bỏ thuyền đi lấy chồng một sớm mùa đông. Sau những ngày tháng nồng cháy, nàng có một đứa con. Có con rồi nàng bỗng… ngu không tưởng tượng được, bao nhiêu cái thông minh quăng xuống sông biển hết. Con nàng làm gì, nàng cũng cho là đúng, nó ở dơ cỡ nào nàng cũng cho là thơm. Năm nay thằng bé 16 tuổi, cao một mét tám, ở dơ, lười biếng, cái gì cũng tệ. Vậy mà nàng nhắc về nó như một tín đồ thuần thành nhắc về bậc thánh. Vì sao vậy? Vì nàng nhìn con mình không từ góc độ khách quan mà nhìn từ góc độ ‘tôi là mẹ nó’, ‘nó là con tôi’. Không ít lần nàng đã nói với tôi, phê bình nhận xét một cách gay gắt về thói xấu của con em người khác, dù y hệt như con nàng mà nàng không nhận ra, bởi nàng nhìn từ góc độ ‘tôi là’, ‘của tôi’. Cứ nghĩ, tôi có cái này, tôi không có cái kia, bây giờ tôi có mặt ở đây, tôi không có mặt ở chỗ nọ, bây giờ tôi có, không biết đời sau có hay không, đó là thứ tà kiến. Lẽ ra cần phải quán chiếu bản thân như là một đối tượng, từ góc độ khách quan nhất. Loạt kinh sau cũng y như vậy.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app