Nội Dung Chính
Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn
Phẩm Không Phải Của Các Ông
Trong bài kinh này Đức Phật dạy một chuyện rất rõ ràng, và đề tài Ngài nói rất là phổ biến. Ở đây Ngài dạy, cái gì không phải của mình thì phải bỏ bớt đi cho đỡ khổ. Nếu nó là của mình thì mình có quyền điều động sai khiến, sắp xếp an bài như ý của mình thì không nói làm gì, còn đằng này đi làm chủ một vật mà nó không thuộc về mình. Không biết quí vị còn nhớ câu chuyện anh khờ mua vịt không. Người vợ thấy người ta nuôi vịt, nhà mình có ao hồ sông ruộng mênh mông nên đưa cho chồng một mớ tiền để đi mua vịt về nuôi. Anh chồng vừa đi vừa la cà bắt chuyện theo đường. Gặp trúng một tên bất lương biết chuyện, gạt bán rẻ cho anh ta một đám vịt đang nằm trên đồng. Anh chồng mừng quá, giao dịch mua bán vừa xong là tên bất lương đi mất. Hóa ra anh ta mua nhầm bầy le le, vừa chạm chân xuống nước để lùa thì chúng bay sạch. Việc ta nắm chặt năm uẩn cũng giống như anh khờ bỏ tiền mua vịt trời, le le. Nghĩa là nó không thuộc về mình mà mình lại đầu tư cho nó quá nhiều, đùng một cái là không giữ được. Mới hôm qua tôi có nói chuyện với một Phật tử, cô này nói là mệt mỏi chuyện gia đình, muốn đi tu thiền. Chuyện gia đình của người ta mà mình xúi thì người ta chém mình chết. Tôi chỉ có trả lời một câu: Thời điểm tốt nhất để tu thiền là ngay lúc này, không biết cô bao nhiêu tuổi. Vì lúc khác không biết còn sống, còn sức khỏe, còn minh mẫn, còn đức tin, còn tinh tấn hay không. Vì vậy thời điểm tốt nhất là lúc này. Bây giờ cô còn đang quá sức ngon lành về sức khỏe và trí nhớ, chớ một ngày cái lưng sẽ không cho mình ngồi nữa. Cũng thân thể này mà có lúc nó không cho mình ngồi, ngồi là bị đau. Tôi nói xong thì cổ im ru, tôi biết cổ đang chăn bầy le le. Con của cổ năm nay 15 rồi, ba năm nữa nó bay mất. Chồng cũng chưa chắc giữ được, mà cái mạng mình cũng là con le le. Tên con le le là “wild duck”. Tiếng Mỹ có chữ này: “land duck”, chỉ cho hạng người không dám làm gì hết, chỉ có tính thôi. “Land duck” là con vịt không dám bơi, cứ lấp ló trong bờ. Nhưng không bơi thì nó còn đi, còn một chữ nữa: “Lame duck”. Loại này còn thảm nữa, không bơi được mà cũng không đi.
Nội dung bài kinh này: cái gì không thuộc về mình mà cứ ôm giữ nó thì sẽ có một ngày nó bay sạch như bầy le le của anh khờ. Một ngày trên thế giới có bao nhiêu người chết, bao nhiêu tai nạn, đổ vỡ mất mát, tan rã. Chuyện nào không mắc mớ gì tới mình thì mình tỉnh bơ. Cụ Nguyễn Hiến Lê nói, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh không quan trọng bằng cái răng sâu của mình. Đọc báo mà thấy những cảnh khổ đó mình chỉ liếc qua rồi chép miệng: tội nghiệp quá. Rồi thôi. Trong khi đó, nếu như răng của mình bị đau, hoặc con mình bị đau răng khóc la thì mình cũng đau theo, vì mình nghĩ đó là của mình. Vì vậy Đức Phật dạy, cái gì buông được thì buông cho nhẹ. Ngài hỏi chư tăng: Người ta đốn phá cây cối trong chùa Kỳ Viên các vị có buồn không? Chư tăng thưa không. Vì sao, bởi nó không thuộc các vị. Ở đây có chuyện nhắc thêm, tôi sợ có khi đọc đến đây bà con nghĩ sao mấy sư không có trách nhiệm, người ta phá chùa sao không giận. Ngày xưa trong tinh thần PGNT quan hệ giữa nhà sư và chùa không giống như bây giờ. Thời nay, chùa gần như là vật sở hữu của trụ trì, trụ trì muốn cho ai ở thì cho. Những sư nào mà dính líu với ngôi chùa bằng hộ khẩu thì coi như cái chùa đó cũng là mái nhà nương thân suốt cuộc đời vì vậy ai đụng tới chùa thì coi như đụng tới mình, đụng tới cuộc đời, đụng tới quyền lợi của mình. Ngày xưa thì khi ông A, bà B cúng một cơ sở cho chư tăng thì trụ trì là người được chư tăng đề cử chớ không phải do tự mình vận động. Thời Đức Phật, trụ trì là “bị” chư tăng đề cử. Chư tăng thời đó chỉ đến ở qua đêm rồi đi, hoặc nhập hạ rồi đi. Họ chỉ ngủ đêm ở đó, ban ngày đi bát. Nếu nhập hạ thì đêm về ngủ suốt ba tháng. Chùa không có sổ sách, tiền nong, ban bệ như ngày nay. Trụ trì ngày xưa chỉ có trách nhiệm chớ không có quyền lợi, chư tăng thấy vị nào có khả năng thì giao cho vị ấy trông coi những thứ người ta cúng (mùng mền, chăn đệm, giường…), sau này vị này muốn đi lên rừng núi hành đạo thì phải kiếm người khác thế vào rồi mới đi. Việc đề cử này không phải đề cử suông mà bằng một bài tụng tuyên ngôn. Vị này ngày ngày cũng đi bát như mọi người, rồi về mỗi ngày coi đồ đạc cái nào cần giặt thì giặt, cần cất vào tủ thì cất. Khi có khách tăng về thì sắp xếp chỗ ngủ, chăm sóc khách bệnh… Rồi tới khi thấy có ai gánh được thì năn nỉ bàn giao. Trụ trì nguyên thủy tệ hơn ông từ, khi nào kiếm được người khác thì giao rồi dzọt, bỏ của chạy lấy người. Sở dĩ tôi dài dòng để quí vị thấy vì sao chùa Kỳ Viên bị chặt cây mà chư tăng tỉnh bơ là lý do như vậy đó. Dù có là trụ trì cũng không được gì trong việc trụ trì nên những người không trụ trì thì càng không có lý do gì để bận tâm, chớ không phải họ không có trách nhiệm.
Việc giữ chặt năm uẩn cũng giống mua bầy le le, như anh ăn mày tương tư hoa hậu. Bài kinh Không Phải Của Các Ngươi tiếp theo cũng giống y như vậy.
TỶ KHEO
Thời Đức Phật có rất nhiều việc như thế này xảy ra: Thỉnh thoảng có những vị tỳ kheo hoặc những nhóm tỳ kheo bên cạnh Đức Thế Tôn xin phép Ngài để đi về một nơi nào đó. Họ muốn đổi cảnh thôi chớ bên cạnh Ngài là số một rồi. Ngài ở chùa Kỳ Viên, chùa Đông Phương, chùa Yasa (là Nigrodharama của dòng Thích Ca). Đức Thế Tôn phần lớn ở phố, nhiều vị đến xin phép Ngài rời đi. Theo chú giải, họ biết Ngài là bậc Toàn giác, vì vậy muốn làm gì thì đến trình Ngài, Ngài biết nên hay không nên là họ yên bụng. Vị tỳ kheo này trước khi đi đến xin Đức Thế Tôn một cái gì đó để cầm tay lên đường. Điều Đức Thế Tôn dạy cho vị tỳ kheo này rất lạ. Ngài nói:
““4)Này Tỷ-kheo, cái gì người ta thiên chấp tùy miên, người ta sẽ được xưng danh tùy theo thiên chấp tùy miênấy. Cái gì người ta không thiên chấp tùy miên, người ta sẽ không được xưng danh tùy theo thiên chấp tùy miên ấy.” (bản dịch của HT Minh Châu).
“Thiên chấp tùy miên”, trong bản Pāḷi là ‘anuseti’ nghĩa là ‘sống trong đó’ (dwell on), tôi dịch là ‘tơ tưởng’.
“Xưng danh tùy miên”: “saṅkhaṃ gacchati” nghĩa là ‘suy diễn’. Thích cái gì, tơ tưởng cái gì thì thích suy diễn tưởng tượng về cái đó.
‘Rāga’: ‘nhuộm’, ‘nhiễm’ trong tiếng Hán là nghĩa nhuộm.
‘Tanha’: ‘khát ái’, nghĩa đen của ‘tanha’ là khát nước. Trong tiếng Hán, khát cũng có nghĩa là khát nước (thirsty). Cũng giống như chữ “đạp” tiếng Hán cũng là chữ “đạp” trong tiếng Việt, như câu “đạp tuyết tầm mai” (dẫm lên tuyết tìm mai); hoặc chữ ‘bạn’ trong tiếng Hán cũng có nghĩa ‘bạn’ như tiếng Việt.
Rāga = ratta (tham); từ ngữ căn ‘raj’
Dosa = duṭṭha (sân); từ ngữ căn ‘dus’
Moha = mūḷha (si); từ ngữ căn ‘muh’: tối tăm mù mịt
Do tơ tưởng (anuseti) nên mới có suy diễn (saṅkhaṃ gacchati), từ đó mới có tham (ratta), sân (duṭṭha), si (mūḷha).
Đức Thế Tôn dạy cho vị tỳ kheo một câu: Mình tơ tưởng cái gì thì thích suy diễn về cái đó. Nó đúng ra là đất nước lửa gió, nó là tâm tham tâm sân tâm thiện. Mình thì tưởng ra mắt bồ câu, tóc dài như suối, da trắng như bông bưởi, mắt biết nói…; hoặc người ta nói ngẫu nhiên mà mình tưởng người ta móc mỉa mình. Vị tỳ kheo này cứ đi bát bình thường, hễ mỗi lần chớm thích, chớm bực mình là biết liền mình đã có tơ tưởng; mình sắp suy diễn, suy diễn ở đâu thì tham, sân, si ở đó. Đức Phật biết giảng cho vị này nhiêu đó là đủ rồi, giảng xong thì vị ấy nói: “Aññātaṃ, bhagavā; aññātaṃ, sugatā”, Bạch Thế Tôn con hiểu rồi. Đức Phật hỏi vị này hiểu như thế nào, và vị này đã giải thích (đoạn chánh kinh 6,7)
Bài kinh Tỷ Kheo thứ hai cũng y hệt vậy nhưng có thêm một đoạn:
“4) Này Tỷ-kheo, cái gì người ta thiên chấp (anuseti), cái ấy người ta được đo lường (anopuyti). Cái gì người ta được đo lường, cái ấy người ta được xưng danh (sankham gacchati). Cái gì người ta không thiên chấp, cái ấy người ta không được đo lường. Cái gì người ta không được đo lường, cái ấy người ta không được xưng danh.
‘Anumarati’: so sánh (compare)
Khi mình tơ tưởng cái gì thì mình thích so sánh. Ví dụ, mình thích người đó vì người đó có cái điểm giống mình, có suy nghĩ hợp với mình. Mình thương người đó vì người đó giống người mình thương, mình ghét ai đó vì người ta giống ai đó mình ghét, giống cái mình ghét về quan điểm, tôn giáo, văn hóa, triết học; mình thích ghét vì mình có so sánh. Câu chuyện tôi từng kể: có thiền sinh hỏi thiền sư: Thưa ngài, ngài có thể thu gọn Phật pháp trong một câu được không. Thiền sư vẽ đường vạch trên đất và hỏi: Một đường vạch thế này là dài hay ngắn.
Thích hay ghét là vì còn so sánh. Khi không còn so sánh nữa thì làm gì có thích hay ghét. Khi tu theo lời Phật thì hạn chế, đừng so sánh nữa. Tu Quán là thấy sao biết vậy, nghe sao biết vậy, nghe chỉ là nghe, mùi chỉ là mùi. Chỉ có người thực tập thiền quán mới có thể nghe mà không suy diễn. Người thực sự sợ hãi sinh tử, thiết tha cầu giải thoát thì mới làm được chuyện này. Các ngài ví dụ: cũng giống như khi ta đi giữa hai hàng gươm giáo bén nhọn hay trong một khe hẹp dính đầy phân. Chánh niệm là như vậy, không quan tâm khía cạnh thích hay ghét, nghe chỉ là nghe, thấy chỉ là thấy mà thôi. Trong kinh còn cho một ví dụ, hành giả tu Tứ Niệm Xứ là giống người tử tù đội bát dầu đầy đi giữa hai hàng mỹ nhân mà không dám liếc, phải giữ cho không một giọt dầu đổ ra để khỏi bị chém đầu.
Quí vị từng chun bụi gai lần nào chưa, ở đây tôi đi đường tắt, đi học về theo đường tắt cho đỡ mệt. Đi phải rất nghệ thuật, lách làm sao cho gai khỏi đâm mình, cũng may là có lối mòn, có người cũng làm biếng đã đi trước. Tuy nhiên mùa mưa thì gai cũng phát triển dù là lối mòn. Nói tới đây tôi mới nhớ hai thầy trò đi ăn trộm. Ban đêm đột nhập vào nhà người bị gia chủ phát hiện, cả làng đốt đuốc rượt đuổi. Ông thầy thì có kinh nghiệm trốn mất tiêu, còn trò thì chui tọt vào bụi gai. Không ai nghĩ có thể có người lọt vào bụi gai nên họ bỏ đi. Ông thầy quay lại không thấy học trò, đi tìm và phát hiện học trò trong bụi gai nhưng không thể chui ra. Ông bảo thằng học trò: Vô bằng tâm nào thì ra bằng tâm đó. Sau đó ông hô hoán lên, học trò nghe thấy liền chui ào ra khỏi bụi tre. Nó vô bằng tâm nào thì ra bằng tâm đó, tâm đó không nghĩ đến gai mà chỉ nghĩ đến một chuyện: sinh tử.
Chỉ nghĩ đến một chuyện: luân hồi; vì vậy tâm không thiên lệch. Hành giả tu Tứ Niệm Xứ chỉ nghĩ có một chuyện: sinh tử luân hồi, không nghĩ đến gì khác, giống như anh chàng học trò ăn trộm sợ bị bắt.
Bài kinh này giống bài kinh trước, chỉ thêm chữ so sánh (anumarati).
ĀNANDA
Bài kinh này chỉ đọc bản tiếng Việt không thì mệt mỏi, nhưng bản Pāḷi thì sáng trưng.
Câu hỏi của Đức Thế Tôn có thể dịch lại như sau: “Này Ānanda, dựa vào đâu mà có hiện tượng sanh diệt đổi thay. Nói già thì phải có ai đó; cũ, hư, mất mát cũng vậy…” Ngài Ānanda trả lời: Do dựa vào năm uẩn mới có các hiện tượng sanh diệt và đổi thay.
Quí vị thường hay nghe câu “Vạn hữu do duyên mà có, đã có rồi thì sẽ bị mất” thì trong chú giải của kinh này có ghi: ‘Paccayanibbatto’: “do duyên mà có.” Trong chú giải giải thích như thế này:
“Saṅkhāro ca na lakkhaṇaṃ, lakkhaṇaṃ na saṅkhāro, na ca saṅkhārena vinā lakkhaṇaṃ paññāpetuṃ sakkā, nāpi lakkhaṇaṃ vinā saṅkhāro, lakkhaṇena pana saṅkhāro pākaṭo hoti”
Các hành không phải là Tam tướng, Tam tướng không phải là các hành, nhưng không có các hành (vạn hữu) thì không có chỗ để thấy ra Tam tướng. Lìa các hành thì không có Tam tướng, lìa Tam tướng thì không có các hành.
Hành ở đây là gì? Hành ở đây là gì? “Sankhatam nāma paccayanibbatto yo koci sankhāro”. Pháp hữu vi những gì do duyên mà có. Quí vị phải học thuộc lòng câu này nếu mình là Phật tử Nam Tông và có lòng cầu đạo giải thoát. Câu này là câu thần chú phải nhớ. Cứ ra vô câu đó đọc hoài như vậy tự nhiên thuộc à.
Pháp hữu vi những gì đó do duyên mà có. Sanh già đau chết ở đâu mà có? Là phải dựa vào danh sắc, phải dựa vào năm uẩn. Hễ có năm uẩn, hễ có danh sắc là dứt khoát phải có sanh già đau chết. Ở đây các ngài nói rõ thế này: Do có sự xuất hiện của năm uẩn mới gọi là sanh. Do sự biến mất của chúng mới gọi là diệt, là tử. Sanh và diệt (là hai tình trạng bắt buộc của năm uẩn, của danh sắc) còn được gọi chung bằng một từ: ‘aññathatta’(biến đổi, đổi khác), không còn giữ nguyên tình trạng cũ.
Bài kinh Ānanda thứ hai cũng vậy, nhưng nói rộng ra ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Bài thứ nhất nói chung chung, bài thứ hai kể ra ba thời điểm. Nghĩa là dựa vào năm uẩn đã diệt trong quá khứ, đã sanh trong quá khứ; do dựa vào năm uẩn đang diệt trong hiện tại, đang sanh trong hiện tại; dựa vào năm uẩn sẽ sanh trong vị lai, sẽ diệt trong vị lai mà nói đến sự vô thường.
Quí vị phải vui một điều là nhờ có lớp này mình mới chịu khó đọc kỹ từng bài kinh. Nghĩa là nếu không có gì trục trặc thì trong vài năm nữa quí vị có thể yên tâm dầu với riêng mình, thì ra trong cuộc đời tôi, tôi cũng đã đọc hết một bộ kinh Phật. Không gì đáng buồn đi vào chùa nhìn tủ kinh mênh mông bát ngát mà không biết trong đó nói cái gì. Nếu theo đuổi lớp này thì năm năm, ba năm nữa mình có thể vui vẻ ra đi vì trong thời gian làm Phật tử của mình, mình tận mắt tận tay nghiên cứu một bộ kinh. Với nền tảng này quí vị mò qua Tăng Chi, Trường Bộ, Tiểu Bộ một cách vô tư. Những chữ Pāḷi là phải ghi ghép, không ghi chữ Pāḷi chỗ quan trọng làm sao biết đường search online. Ngày xưa tôi giảng Trung Bộ Kinh 152 bài, tôi giảng ba lần, những người học tôi quên sạch hết rồi. Mười sáu năm về trước, tôi cũng đã từng giảng cho một người quen, từ năm 1994, quyển Thanh Tịnh Đạo phần Định, nhân vật đó sau này lấy chồng đi qua Đức và lấy người không có tôn giáo, ngày xưa em học tôi cái gì em bèn trả lại hết cho tôi cái đó. Mất sạch 16 năm. Bây giờ có gọi phone nói chuyện thì y như kẻ vô thần, thôi kệ.
TÙY PHÁP (Anudhammasutta)
Có một thuật ngữ nhà Phật rất quan trọng, bà con nghe rất là thường, nhưng nhiều người thường hiểu lầm, đó là chữ: ‘Có một thuật ngữ nhà Phật rất quan trọng, bà con nghe rất là thường, nhưng nhiều người thường hiểu lầm, đó là chữ: ‘hành pháp’ và ‘ và ‘tùy pháp’. ‘Tùy’ ở đây không phải là động từ (verb). Tùy là “anu” (prefix) mang nghĩa tính từ.
‘Dhammanudhamma’ có nghĩa là hệ thống tuần tự, hành trình thứ lớp để dẫn đến giải thoát. Tam học là một hành trình. Từ dễ qua khó là một hành trình. Từ thô qua tế là một hành trình. Từ đơn giản qua phức tạp là một hành trình. Từ thấp lên cao là một hành trình.
Chữ ‘Dhammanudhamma’ ở đây ngài Viên Minh thì dịch theo chữ Hán, không có đối chiếu Sớ giải, ngài dịch là “tùy duyên thuận pháp”. Nhưng trong chú giải thì nói mình tu tập từ dễ qua khó, từ thấp lên cao, từ thô qua tế, từ đơn giản đến phức tạp thì trong trường hợp đó được gọi là ‘dhammānudhammappaṭipanna’
‘paṭipanna’, ‘patipatti’: sự hành trì, thực hành.
Tu tập theo pháp là như thế nào? Các bài kinh này lần lượt nói đến việc quán chiếu Tam tướng trong năm uẩn. Người Tín mạnh thì hợp với Vô thường quán. Định mạnh thì hợp với Khổ quán. Tuệ mạnh thì hợp với Vô ngã quán.
Trong năm uẩn cũng vậy, người có trí tuệ chậm chạp thì hợp với đề mục Sắc uẩn. Người trí nhanh nhiều tà kiến thì hợp với Thọ quán. Trí nhanh thích lý luận thì hợp với Tâm quán. Người nhanh trí lại giỏi giáo lý thì hợp với Pháp quán.
Tới bữa nay mà có người hỏi thế nào là sắc uẩn. Tất cả những gì gọi là material (vật chất) là sắc uẩn. Thọ uẩn là tất cả những gì gọi là feeling. Tưởng uẩn là tất cả những gì gọi là perception, experience, idea, imagination….etc. Hành uẩn là khía cạnh thiện ác của tâm. Thức uẩn là cái biết đơn giản của sáu căn.
Đức tin mạnh thì hợp với Vô thường quán. Định mạnh thì thích ngó khía cạnh Khổ. Trí mạnh thì thích nhìn vô khía cạnh vô ngã. Ba cái này không rời nhau, thấy cái này rồi cũng sẽ thấy hai cái kia. Có người nhắc đến chuyện đời thì lập tức để ý đến khía cạnh phù du mong manh, có người thì lại chú ý khía cạnh đau khổ, có người thì lại chú ý đến khía cạnh giả hợp (composition). Ví dụ, đặt chân đến nơi nào đó, khi được hỏi đẹp không thì có người nói thấy cũng thường, có người nói đẹp quá, vậy là hai cá tính khác nhau rồi. Trong số người nói đẹp thì có người chú ý con sông đẹp, có người chú ý cánh đồng đẹp, có người thì nói cái triền đồi thoai thoải đẹp quá, người thì nói đứng trên núi này nhìn bao quát mới đẹp. Nghĩa là trong số những người khen đẹp thì mỗi người một kiểu. Trong số những người không thích thì mỗi người cũng chú ý đến một điểm nào đó đặc biệt để mà không thích. Cho nên, tùy nhân duyên của người nghe pháp mà Đức Thế Tôn tùy chỗ mà nói. Ta đã học xong bốn bài TÙY PHÁP. Viết chữ lớn để “đại công cáo thành”, quá sức hoan hỉ.
Ôn lại: Về tâm hành giả, mạnh về cái nào thì sẽ chú ý đến khía cạnh tương ứng trong Tam tướng. Trong số những người đức tin mạnh, thì ai cũng thích hợp với khía cạnh vô thường, nhưng trong số những người thích quán vô thường thì có kẻ thích quán Sắc, người thích quán Thọ, người thích quán Tâm. Trong số những người Tín mạnh thì cũng chia ra, người Tín mạnh Trí chậm cũng thích quán vô thường nhưng quán vô thường của Sắc; người Tín mạnh Trí nhanh thì quán vô thường của Tâm.