Nội Dung Chính
Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2
Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên
Phẩm Thập Lực
NGOẠI ĐẠO
Hôm nay học bài kinh Ngoại Đạo. Nội dung kinh này và các kinh cuối cùng của phẩm có thể thu gọn như sau: Không thể nói khổ lạc ở đời do ai tạo, phải thấy rằng mọi sự là do các duyên, nói ngắn gọn có thể chỉ nói Xúc, từ đó là toàn bộ Duyên khởi. Xúc là sự cộng hưởng giữa 6 căn, 6 cảnh, 6 thức. Đây cũng chính là 18 giới, cũng là 12 xứ. Và dĩ nhiên cũng là danh sắc, ngũ uẩn, toàn bộ pháp hữu vi.
Một vị La Hán cũng có đủ 18 giới (dhatu), nhưng không còn phiền não, nên chỉ có khổ thân (do nghiệp quá khứ) mà không còn khổ tâm, chỉ có đời này không có kiếp sau.
Trong kinh Đức Phật dạy: Nếu có thân bệnh, thì cũng đừng bao giờ để có tâm bệnh.Thân bệnh là những vấn đề trên thân xác. Tâm bệnh là những vấn đề phiền não trên tâm lý như đam mê, bất mãn, thất vọng, ghen tức, sợ hãi, thù ghét.
Nhiều lần Ngài thăm bệnh ai đó, Ngài có lời khuyên: Nếu phải có thân bệnh thì cũng đừng để bao giờ có tâm bệnh. Ví dụ ung thư, mổ xẻ ruột thừa thì hãy để cho nỗi đau đó dừng lại trên tấm thân của mình, đừng để nó đi sâu, đi xa hơn nữa vào nội tâm. Tâm phải giữ thanh thản. Điểm này có thể nhiều người không tin, thật sự là có. Tôi có thể chứng minh. Một người có hàm dưỡng, có giáo dục, có khả năng kiềm chế, khi họ đau đớn hoặc nổi giận, họ có phản ứng khác với người thiếu hàm dưỡng, thiếu kiềm chế, thiếu văn hóa. Người trí thức lúc nổi giận, họ không thể nào có những phản ứng như anh chợ búa được, đó là nói theo ngoài đời, nói gì trong đạo. Một người có tu tập, có hàm dưỡng, có tiết chế, điều phục bản thân, khi gặp chuyện thì nhiều lắm vấn đề dừng lại ở thân của họ thôi. Có nhiều người đau quá họ chửi thề, nói tục, có người kêu Chúa kêu Trời, có người xuýt xoa thôi.
Toàn bộ những bài kinh còn lại đều nói về những khổ lạc ở đời đều không phải do ai tạo, không phải thượng đế chí tôn quyền năng nào đó, mỗi người là thượng đế của chính mình. Đức Thế Tôn xác nhận: Này các tỳ kheo, nếu có vị thượng đế nào tạo ra muôn loài thì ta nói vị đó rất là tàn nhẫn, đã tạo ra thế giới vui ít buồn nhiều. Dù là Chúa có dụng ý này, dụng ý kia, nhưng nếu có đấng thượng đế thì phải khác con người chứ. Cha mẹ có thể cho con roi vọt vì sợ con hư. Cha mẹ không phải là toàn năng nên phải nhờ cậy đến những biện pháp mà bản thân mình không muốn. Đánh con đau, mắng con làm cho nó buồn, tủi thân. Nhưng giả định có một đấng toàn năng thì cần chi phải dùng đến hạ sách này. Toàn năng thì phải có khả năng làm cho thế giới tốt ngay từ đầu, cần gì phải tạo ra những sản phẩm lỗi. Và tạo ra để làm gì, không có vẫn tốt hơn. Stalin có câu: “Người chết hết chuyện”, dùng trong những trường hợp cần thanh trừng đối thủ chính trị. Bao nhiêu rắc rối ở đời là do sự có mặt của con người. Vì có mặt nên mới có đói, có dốt, có bịnh hoạn, có chiến tranh; để giải quyết những vấn đề này người ta phải làm đủ thứ chuyện. Người chết hết chuyện! Ông Stalin này đáng được Lục tổ truyền y bát. Trong đám xã hội đen có câu tương tự: “Người chết không biết tiết lộ”. Mọi sự rắc rối ở đời chỉ vì có con người. Không có vợ, không có chồng thì hạn chế biết bao nhiêu rắc rối. Lỡ dại lấy rồi mà không có con thì hạn chế biết bao nhiêu rắc rối. Lỡ có con rồi, có ít chứ không có nhiều thì cũng hạn chế bao nhiêu rắc rối. Gắn lên con mình bao nhiêu tâm tư kỳ vọng thì càng thêm nhiều rắc rối. Bớt con, bớt tham vọng sẽ bớt rắc rối. Bớt hôn nhân thì bớt rắc rối. Muốn bớt hôn nhân thì bớt yêu đương hò hẹn. Muốn bớt yêu đương hò hẹn thì phải bớt va chạm tiếp xúc. Và đây chính là nội dung bài kinh. Từ va chạm tiếp xúc nảy sinh ra vô số vấn đề. Hễ còn có sự va chạm tiếp xúc giữa 6 căn, 6 cảnh, 6 thức, thì sẽ sinh chuyện. Giáo lý Duyên khởi là một vòng tròn khép kín nên có thể bắt đầu ở mắt xích nào cũng được. Công thức nổi tiếng, phổ biến nhất là Vô Minh duyên Hành. Cách nói này đánh động cho người ta thấy cái ngu là gốc của mọi thứ ở đời. Nhưng có những trường hợp Đức Phật không bắt đầu từ vô minh, Ngài bắt đầu bằng những cái khác, chẳng hạn như những bài kinh quí vị đang thấy trước mắt và chúng tôi đang giảng ở đây, Ngài không bắt đầu bằng vô minh mà bắt đầu từ Xúc. Bao nhiêu rắc rối đi ra từ Xúc. Đừng bao giờ hiểu lý Duyên Khởi theo hệ thống chiều dọc cái trước sinh cái sau, mà phải cùng một lúc. Tuy nói vô minh duyên hành, hành duyên thức, nhưng trong thực tế, ngay khi mắt mình nhìn thấy cái gì đó, thì ngay lúc đó đã có lục nhập, mắt là nhãn xứ, lúc đó đã có nhãn nhập ở đó rồi. Nếu nhìn mà thích thì đã có ái, có ái ở đâu thì có thủ ở đó. Chớm thích, yếu, thì gọi là ái, mạnh hơn nặng nề sâu đậm thì gọi là thủ. Thủ là tên gọi khác của ái. Đối với phàm phu, tuyệt đại đa số, ái ở đâu thì tà kiến, ngã mạn ở đó. Học A-tỳ-đàm sẽ biết thủ vẫn tiếp tục là ái ở mức sâu đậm hơn. Trong thủ, chi pháp chia ra: dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã chấp thủ; gom chung lại gồm tham và tà kiến.
Dục thủ là đam mê hưởng thụ năm dục.
Kiến thủ là đam mê chấp chặt trong cái nhìn, cái thấy, cái biết, cái nhận thức của mình về thế giới, cho rằng mình đúng và thích thú trong nhận thức của mình. Học đạo thì bà con phải có cái gan nhận thức ra chỗ này, phải thấy rằng mình thường xuyên tâm đắc thỏa mãn với cái thấy cái biết của mình. Học đạo rồi, biết mọi thứ là vô ngã, biết mọi thứ là lắp ráp mà lại thấy hãnh diện tâm đắc vì mình biết cái này. Ngày xưa không biết gì thì chấp là đã đành rồi, bây giờ biết rồi, ôm kiến thức đó để thấy mình hay, thấy mình là sáu bảnh: “bao nhiêu người đi chùa có học được gì đâu, mình học được A-tỳ-đàm, mình thiền Vipassanā, mình là người hiểu được lý Duyên Khởi” v.v… Mình đam mê trên chính cái mà mình đã chối bỏ về mặt lý thuyết.
Giới cấm thủ: Hiểu sai cứu cánh và con đường hành trì, không biết gì về Niết bàn và Bát Chánh Đạo, nên chấp trì những giáo điều, tín điều nằm ngoài Bát Chánh Đạo, đó được gọi là giới cấm thủ. Không biết gì về Niết bàn nghĩa là thế nào? Mình là phàm không thể hiểu Niết bàn như là bậc thánh nhưng ít ra phải hiểu như thế này: Sự vắng mặt tuyệt đối của Khổ đế và Tập đế mới là cứu cánh tối thượng, hiểu được vậy là có khái niệm đúng đắn về Niết bàn. Bát Chánh Đạo là con đường duy nhất dẫn đến sự chứng ngộ Niết bàn. Niết bàn không phải là một cảnh giới, một không gian trú ngụ, mà chỉ là một trạng thái.
Tôi không biết trong room này có những ai nên tôi giải thích rất là sơ cơ. Số người chấp nhận tinh thần Bát Chánh Đạo vốn không nhiều. Trong Pháp Cú có câu: Đông đúc thay là những người rong ruổi bên bờ sinh tử và ít oi thay những người qua được bên kia bờ giải thoát. “Đông đúc thay” nghĩa là tuyệt đại đa số chúng sinh thích hiện hữu do sức hút và sức đẩy của phiền não. Một ngày nào đó khổ quá, được nghe đạo giải thoát họ vẫn nghĩ đến kiểu giải thoát nào đó mà họ tiếp tục hiện hữu, tiếp tục tồn tại. Vấn đề nằm chỗ đó, khổ quá rồi thì tìm chỗ tu hành nhưng chạm được chỗ tu hành thì cũng muốn thoát khổ, cũng mong giải thoát nhưng phải giải thoát kiểu nào mình còn có mặt. Không phải người tu hướng đến chữ ‘không’, hướng đến khái niệm hư vô một cách tiêu cực, nhưng có một sự thật mà mình phải nhìn nhận đó là dầu hiện hữu ở hình thức nào cũng phải chịu sự vô thường, vì vạn hữu ở đời không thể nào đứng yên mà tồn tại, nó phải xê dịch, phải thay đổi, phải đi về phía trước, dầu là đi về cõi chết để tồn tại. Chính vì không hiểu chỗ này nên người ta mắc vào giới cấm thủ, chấp trì hành trì những đường hướng tu tập sai lầm.
Ngã chấp thủ: làm gì, ở đâu, lúc nào, với ai, luôn nghĩ cái TÔI là trên hết, là trước hết, đó là ngã chấp thủ.
Đức Phật dạy: Giống như một con chó cột trong góc nhà dù có cắn, sủa, cào cấu, vui mừng ngoắt đuôi thì vẫn quẩn quanh chỗ bị cột. Cũng vậy, với kẻ phàm phu còn ngã chấp, còn coi nặng tôi và của tôi thì dù có lăng xăng, vùng vẫy, vẫn quẩn quanh ngã chấp thủ. Mức độ an lạc của mỗi người hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng buông bỏ ngã chấp của bản thân. Cái tôi càng lớn thì nguy cơ hứng đạn càng lớn.
Tôi nhìn mấy người homeless ngồi ở ngã tư đường ở Jacksonville, Florida, họ để miếng bìa có ghi: no job, no home, hungry… Họ không xin cách khều móc kiểu VN. Khách qua đường cho tiền họ. Cách xin ở Mỹ không thích bằng ở châu Âu, ở Đức họ cầm cây guitar hay violin, họ để cái nón, kế bên có con chó, một ba lô hành lý, họ lựa chỗ ngồi rất hợp lý, không phiền ai, không cản trở người đi đường. Họ chơi đàn, có người chơi hay lắm, mình không hiểu gì mà cũng mê, họ mở thùng đàn đó mình liệng tiền vô. Tôi muốn nói là họ phải gồng làm sao để hết quê, phải coi giá trị của họ tương đương với đồng xu của người ta liệng xuống, VN gọi là muối mặt.
Giá trị của một người tương đương với cái gì anh ta thích và cái gì khiến anh ta thiếu bình tĩnh. Câu này rất là hay. Anh chàng ăn mày phải hạ mình, coi nhẹ mình đến mức sẵn sàng vì những đồng tiền lẻ của người ta mà cúi mặt xuống sống giữa đời. Không phải dễ đâu! Thà mình đi chùi cầu, lau kiếng, bưng bê trong nhà hàng, chớ tay chân lành lặn đi đứng ngon lành mà chìa cái nón ra thì kỳ lắm. Phải đạt tới cảnh giới vô quái ngại, vô sở chấp, vô sở trụ mới có thể chìa cái nón ra lấy toàn bạc cắc như vậy. Họ phải thu hẹp đến mức mà bao nhiêu cái nhìn, bao nhiêu câu nói châm chọc phải trượt khỏi con người của họ thì mới được. Một cô Phật tử nói khi sử dụng màu son màu áo không vừa ý thì ra đường không yên tâm, đi hai tiếng thì khó chịu hai tiếng, người bồn chồn ray rứt, lấy nhầm mắt kiếng không vừa ý, kiểu giày không vừa ý thì ra đường không thanh thản, khó chịu như xài đồ ăn cắp vậy, bởi họ coi họ quá quan trọng.
Nội dung của bài kinh này là khổ không do ai tạo, “không phải tại anh, không phải tại em, cũng không phải do trời xui khiến” mà do phiền não của mình gây ra. Phiền não của mình ở đây có chỗ nào để làm việc? Chỉ một chỗ duy nhất là Xúc! Vị A-la-hán cũng nghe cũng nhìn nhưng Ngài không phiền não. Không còn thích, không còn ghét nên bao nhiêu ngọt đắng đều trượt, không đọng lại vướng lại nơi Ngài. Còn chúng ta thì mỗi lần ra quân thì bên địch chết ba bên ta chết ráo, mỗi lần xài tới nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý mỗi lần thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng và suy tư là dính phiền não vì cấu trúc tâm lý của mình rất dễ bị dính đạn, không tạo ra đủ độ trượt trước sự tấn công của phiền não. Tôi nói ra xấu hổ, trong lớp học của tôi có một cô bé dễ thương lắm, tôi chưa bao giờ nói chuyện riêng với cổ, nhưng cổ xài một loại nước hoa bao nhiêu lâu mà mình thuộc lòng, đi ra phố đang đứng nghe mùi nước hoa đó lại sực nhớ đến cổ. Đối với một vị A-la-hán thì mùi chỉ là mùi, chánh niệm tỉnh giác thì làm gì nghe mùi, nếu có nghe thì mùi chỉ là mùi, còn mình thì đi quá sức xa rồi. Đứng mà không biết đang đứng, nghe mùi cũng không biết mình đang ngửi mùi mà lại gởi hồn về một phương trời xa xôi nào đó nhớ tới một người mặt mũi tiếng nói ra làm sao.
Chữ Xúc ở đây rất hay, bản thân Xúc là một sự cộng hưởng, cộng ghép, lắp ráp. Xúc là gặp nhau giữa căn cảnh thức, có 6 căn, 6 trần cộng lại mới ra 6 thức. Thiếu một trong ba là không được. “Suốt mùa thu” cuộc đời mình sống bằng 6 căn, nói gọn là 6 căn nhưng thật ra là căn, cảnh, thức. Nói tu hành là hành trì Bát Chánh Đạo. Hành trình giải thoát là Bát Chánh Đạo, là Tứ Niệm Xứ, là Tam học (giới, định, tuệ), là thiền Chỉ thiền Quán, nhưng nếu nói hành trình giải thoát là giải quyết vấn đề Xúc, giải quyết vấn đề Thọ cũng không sai. Trước đây mình luôn đi tìm cái này cái kia theo ý mình thích và trốn chạy những cái mình ghét mình sợ, nhưng bây giờ mình tu Thọ nghĩa là mình không đi tìm cũng không trốn chạy. Tu Thọ là không để chạy theo sở thích. Không trốn chạy không phải là gặp nạn rồi đứng yên đó không chịu lánh, mà là không khó chịu, bất mãn. Vị La-Hán không theo đuổi hay trốn chạy cái gì, ngài chỉ làm việc cần làm, làm điều ngài thấy cần, không phải do muốn. Phàm phu thì khác, chỉ làm điều mình thích, còn có nhiều chuyện cần phải làm nhưng nhiều khi làm lơ nữa. Ví dụ, lẽ ra tới giờ đó mình phải thức dậy một chút, ngồi một chút, theo dõi hít thở một chút, nhưng không, vẫn tiếp tục trùm mền nướng. Có nhiều khi lẽ ra lúc đó nên im lặng, hoặc nói nhẹ nhàng, mình lại nói cho thật phũ phàng. Toàn là sống theo ý mình muốn chớ không phải theo những gì cần. Tu Thọ là không để mình chạy theo sở thích mà chỉ chạy theo nhu cầu công việc. Vì vậy Đức Phật dạy có 3 hạng người:
1. Lấy mình làm trọng: nghĩa là để ý xem cái gì mình thích, cái gì mình thích rồi căn cứ vào thích ghét buồn vui đó mà hành động.
2. Lấy đời làm trọng: cứ sống theo dư luận, mình thích hay không thích không quan trọng, phải ráng làm, vì sợ không làm thì đời chê bai. Có nhiều chuyện cắn răng ứa nước mắt phải làm. Chẳng hạn như các kiểu chỉ phúc giao hôn, các cuộc hôn nhân sai nồi lộn nắp, bị bạo hành cũng không dám ly hôn, sợ dư luận, sợ mang tiếng.
3. Lấy pháp làm trọng: cái gì đúng với chánh pháp thì làm. Đúng chánh pháp nghĩa là không hại mình, không hại người, không làm khổ mình, không làm khổ người; chỉ có lợi lạc cho mình, cho người.
Cùng một lúc tôi gom chung các bài kinh lại giảng. Ở đây có một câu mà không giảng bà con đọc sẽ không hiểu, trong bản Pāḷi thì sáng trưng: “Này Ānanda, trong sáu pháp này, đều bị vô minh chi phối. Này Ānanda, với ly tham, đoạn diệt hoàn toàn vô minh, thân ấy không có; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ. Khẩu ấy không có; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ. Ý ấy không có; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ…”: Với một người còn có phiền não thì nội thân (thân tâm) của mình có khổ.
Tiếng Việt như vậy quí vị chỉ có kêu trời mà thôi, hôm qua tôi tình cờ đọc thấy một đoạn, bà con vào Tăng Chi Bộ phần bốn chi: “Bốn chỗ đi đến cần tránh: sinh thú do tham, sinh thú do sân, do si, do sợ”, đoạn này mà Phật tử không nghe hướng dẫn thì chỉ kêu trời mà thôi.
‘Gati’: chỗ đến (destination). ‘Agati’: thiên vị, (có chỗ tiếng Anh dịch là corruption induced by….. bị tác động bởi…) ‘Chandāgati’: thiên vị do thương thích, do ghét giận, do u mê, do sợ hãi.
Đức Phật dạy, có 4 Pháp thiên vị phải tránh. Đó là không thể hành động do mình sợ, thích, ghét. Lẽ ra mình không làm nhưng vì sợ quá nên phải làm, vậy là không tốt, phải lấy pháp làm trọng. Khổ nỗi trong bản tiếng Việt dịch là “Bốn chỗ đi đến cần tránh: sinh thú do tham, sinh thú do sân, do si, do sợ”, đây là do hiểu lầm của dịch giả.
Dịch giả hiểu nhầm ‘chandāgati’ là chandā + gati (chỗ đến).
Thật ra ‘chandāgati’ là ‘chandā’ + ‘agati’ (thiên vị)
Không hiểu lý do vì sao lại dịch ẩu vậy, tôi nghĩ là những chỗ này do đệ tử của ngài Minh Châu đánh máy và dịch luôn ở những đoạn trùng. Bà con muốn kiểm chứng có thể vào internet gõ chữ “Chandagati, corruption induced by” để xem thêm.
Dầu cho một vị A-la-hán cũng thấy, nghe, ngửi, nếm, đụngnhư mình nhưng không bị những vấn đề như mình vì ngay trong cái Xúc của vị A-la-hán có hai điều khác mình: (1) Nhãn xúc, nhĩ xúc của vị A-la-hán không phải do ngài đi tìm. (2) Đằng sau Xúc này vị A-la-hán không phiền não.
Đi tìm là như thế nào? Bối cảnh ánh sáng âm thanh ở nhà mình không giống như bar, vũ trường, thế là mình đi vào vũ trường để nghe, để uống, đó là mình đi tìm Xúc, đi tìm Thọ, đi tìm Ái, đi tìm Thủ, tìm tái sinh, tìm sanh già bệnh chết. Ngày chủ nhật buồn quá mình đi câu cá, nếu nói là mình đang đi tìm cái vô minh cũng không sai. Bên Mỹ có những khu rừng cho phép mình đi săn bắn, nếu một người không biết Phật pháp gì hết, nếu không có chuyện báo ứng luân hồi, thì sống ở Mỹ rất sướng. Có những vùng cho phép câu cá, có vùng không cho phép câu cá, và chỉ được bắt cá có trọng lượng theo quy định. Săn bắn cũng vậy, có những vùng được phép săn bắn một năm mấy tháng. Đi tìm chỗ để câu cá, săn bắn, khiêu vũ, nghe nhạc, uống rượu, đánh bài v.v… gọi là đi tìm Xúc (nhãn xúc, nhĩ xúc), đi tìm Thọ (feeling), hoặc đi tìm Thủ (grasping), tìm chỗ để đầu tư tái sinh, tìm chỗ để đầu tư vô minh, tìm chỗ đầu tư ba Hành, đầu tư danh sắc. Đây chính là điểm cốt lõi của 6 bài kinh. Vị A-la-hán là con tàu đã mục, được kéo lên bờ chờ ngày trở về đất, còn mình là những hàng không mẫu hạm, những chiếc cruise khổng lồ mới vừa được maintenance, xuất xưởng. Mình luôn luôn duy tu bảo trì, đóng mới con tàu của mình bằng 6 xúc, 6 thọ, 6 ái, 4 thủ, và 2 hữu. Đây là tinh yếu của các bài kinh này: Ngoại Đạo, Bhumija, Upavana, Duyên, Tỳ Kheo, Sa-môn, Bà-la-môn, tất cả đều có nội dung cần hiểu như những gì vừa được trình bày.
Vạn hữu không do nhân tạo, thiên tạo mà là duyên tạo. Mưu sự tại nhân, thành sự tại duyên, không phải tại thiên. Tùy thuộc vào Ba-la-mật mà mọi người tin Phật ở mức độ nào, kiểu nào và từ đó có hành trì hay không, hành trì kiểu nào, mức độ nào, luôn tự nhìn mình ra sao để tự đoán Ba-la-mật bản thân. Ba-la-mật là duyên giải thoát của mình. Mỗi lần kiềm chế không được thì tự hỏi mình “Ba-la-mật của mình yếu vậy hay sao?”. Tất cả những gì mình thích đều do ba nhân (tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý, môi trường sống hiện tại), không có gì độc đáo hay ho như ta vẫn nghĩ. Sự có mặt ở đời này nói cho rốt ráo đó là sự vô nghĩa. Đêm hôm qua tôi ngồi ở ban công nhìn lên trời đêm lạnh lắm, tôi nghiệm ra một điều, tôi vừa đọc xong một bài báo người ta nói VN là một trong những xứ hạnh phúc nhất thế giới. Tôi nghĩ, nếu ai hỏi mô hình xã hội hạnh phúc nhất của nhân loại thì trong cái biết của tôi tạm thời cõi Trời hay Bắc Cưu Lưu Châu thì tôi không biết nhưng tôi cho rằng ba miền: Bắc Mỹ, Tây Âu, Bắc Âu là vùng đất có điều kiện phát triển sở trường và nhận được những phần thưởng xứng đáng. Nhưng rồi thì sao, giả định như từng người trên hành tinh này đều xuất thân từ đại học danh giá, có máy bay đi, có du thuyền, có resort riêng, hoặc có khả năng đi đến bất cứ nơi nào họ muốn hưởng thụ, y tế giáo dục đều tuyệt hảo, rồi thì sao? Sống hết tuổi thọ rồi đến ngày nào đó phải vô nhà già thôi. Quí vị vô nhà già thử một lần đi, giàu nghèo, giỏi dốt, sang hèn vào đó giống như nhau. Có những bà cụ già rồi vẫn đeo vàng đeo kim cương trên tay, tiền không thiếu nhưng giờ thì chỉ ngồi gà gật, mắt kèm nhèm, nước miếng chảy. Quí vị cứ thử nghĩ mình tốt nghiệp đại học Sorbonne, Offord, Yale rồi sống 95 tuổi trong đó. Khoa học giờ đây vẫn còn hoàn toàn mù mờ về tinh thần, cho dù họ can thiệp cho mình sống 300 tuổi nhưng chỉ là phần xác, còn phần hồn, phần tâm linh là không thể, lẫn rồi là cứ lẫn. Ronald Reagan một thời là movie star, rồi lên đến thượng nghị sĩ, rồi là tổng thống, một cuộc đời xem như là đỉnh cao của sự thành công, cuối cùng thì bị Alzheimer, tất cả bỏ hết, chưa nói đến cái chết. Mọi hiện hữu là khổ vì nó cứ lặp đi lặp lại. Mô hình xã hội tuyệt hảo như Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ cho mình một thời tuổi trẻ rất tuyệt vời nhưng không có gì thể thảm bằng chuyện về già. Sáng nay tôi được tin bà công tước người Tây ban Nha qua đời để lại năm tỷ đô la. Bà có nhiều tước hiệu quý tộc nhất trên hành tinh này, từng chơi chung với nữ hoàng Anh Elizabeth II. Quan trọng nhất của phụ nữ là nhan sắc, tình yêu gia đình vậy mà cuối đời tám mấy tuổi còn tái hôn, lấy một ông sáu mấy tuổi. Tôi thấy có nhiều người tám mươi vẫn còn xuân sắc, còn bà này cằn cỗi xấu không còn chỗ sửa nữa. Tôi muốn nói, tuổi già tàn nhẫn lắm, bôi xóa tất cả những thứ gì trong đời mà người ta trân quý nhất, ao ước nhất. Lão, bệnh, tử chỉ là mặt nổi của cái khổ. Cái cốt lõi chính là sự vô nghĩa, vô vị của đời sống. PG nói đến ba khổ: 1.Khổ khổ là sự có mặt của những gì khiến ta khó chịu. 2.Hoại khổ là sự vắng mặt của những gì khiến ta hạnh phúc. 3.Hành khổ là sự có mặt bằng cách lệ thuộc các duyên. Người bình thường chỉ sợ Khổ khổ. Bồ tát Tất Đạt không bị gì hết, 29 tuổi, được thừa hưởng nền giáo dục cực tốt, sức khỏe cực tốt, bối cảnh gia đình cực tốt, điều kiện sống cực tốt, nhưng chỉ nhìn thấy một xác người, một cụ già, Ngài nghĩ rằng sau này mình sẽ như vậy, và Ngài còn nghĩ đến một chuyện khác, đó là, sống cho đã rồi cuối cùng cũng như vậy hay sao, hoàng đế hay ăn mày cuối cùng cũng là cái xác lạnh hay sao. Ngài nghĩ đến sự vô vị của đời sống, chính vì ý thức này, khi ngài đắc tầng thiền Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, Ngài nhớ lại cảm giác đó, Ngài nghĩ, về trên kia ở rồi cuối cùng cũng xuống. Khổ khổ là cái những chúng sinh thấp nhất thấy được; hoại khổ thì những chúng sinh cao hơn một chút thấy được, hồi nào có, mà giờ mất. Dầu khổ hay vui thì mọi sự có mặt ở đời phải do các yếu tố, điều kiện mà có, muốn ngồi một uống ly nước cam, cũng không phải là đơn giản, cần có vô số điều kiện mới có thể uống được một ly nước cam.