Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 

Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên

Phẩm Thập Lực

Vừa rồi là bài kinh Thập Lực, chỉ riêng giải thích Thập lực là gì, 4 Vô sở úy là gì mà mất hết ngày thứ Năm, sáng hôm nay mình quay lại với bài kinh đó. Đây là bài kinh Đức Phật tổng hợp lại tinh hoa giáo lý, Ngài xác định lại tinh thần của một bài kinh mà trước đây Ngài thường nói: suốt cuộc đời độ sinh hoằng pháp của Ngài, Ngài chỉ nói hai vấn đề, xác định mọi hiện hữu là khổ, và đưa ra con đường hành trì để đi đến thoát khổ. “Đưa ra” ở đây không phải là Ngài sáng tạo sáng chế, là người đầu tiên phát minh, mà đưa ra là Ngài nhắc cho chúng ta biết. Giống như tôi thấy bà con đói bụng tôi đưa ra mấy gói mì, mấy gói mì đó của ai đó sẵn tôi thấy đói bụng thì đưa ra thôi. Bà con cần đi từ A đến B mà không biết đi ra sao thì tôi đưa ra đề nghị nên đi như thế nào, chớ tôi không phải là người làm ra những con tàu, xe bus. Suốt cuộc đời, Đức Phật chỉ nói hai việc: hiện hữu là khổ, tinh thần Bát Chánh Đạo là con đường giải thoát. Tinh thần đó có thể được trình bày bằng Chỉ và Quán, Tam vô lậu học, Thất Giác Chi, Tứ Niệm Xứ v.v… nhưng chung qui lại, tinh thần của con đường hành trì PG vẫn là hành trình nhận thức; nhận thức đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt, đây là thọ, tưởng, hành, thức, tập khởi, đoạn diệt, đây là con đường dẫn đến sự đoạn diệt đó. ‘Đoạn diệt’ nghe nặng nề, thật ra nó là sự vắng mặt. Mình khổ vì năm uẩn có mặt, mình hành trì Bát Chánh Đạo là đạt đến cảnh giới không còn sự hiện hữu của năm uẩn nữa. Cảnh giới là một giai đoạn, một trạng thái, không phải là một cõi, một không gian. Giống như ngọn đèn còn tim còn dầu thì còn cháy, tim lụn dầu cạn thì đèn không còn cháy nữa. Ngọn lửa ngọn đèn luân hồi thì cũng vậy, ngày nào còn phiền não thì còn tồn tại, hết phiền não thì thôi. Đức Phật ví dụ vị A-la-hán giống như chiếc tàu đã mục nát, bao giờ vị ấy chưa viên tịch Niết bàn chưa xuôi tay nhắm mắt thì hình hài vị đó chỉ là tạm dùng. Tạm dùng giống như cái gì để mình nhìn thấy tạm thời, xác tàu chưa tan thành đất thì mình còn nhìn thấy vậy thôi, mai này xác tàu trở về đất thì không còn gì hết. Vị A-la-hán hết phiền não rồi thì những năm tháng cuối đời còn lại chỉ là những xác tàu. Ví dụ đó trong Tăng Chi Bộ kinh. Ngài xác định rằng toàn bộ hành trình tu tập là hành trình nhận thức năm uẩn, năm uẩn cũng chính là 12 xứ, tức là 6 căn 6 cảnh, cũng chính là 18 giới, cũng chính là danh sắc nói chung. Mình phải thấy rõ rằng mọi hiện hữu là khổ, và hành trì Bát Chánh Đạo là con đường thoát khổ. Tuy nhiên, để nhận thức được nó cần phải có hai việc phải lưu ý: 1. Muốn danh sắc năm uẩn không tiếp tục hiện hữu nữa thì phải biết rõ nó. Giống như muốn chữa bịnh thì phải biết là mình bị bịnh và bịnh đó từ đâu ra. Một người không biết mình bị bịnh làm sao chữa bịnh. 2. Mù tịt về bịnh thì làm sao hết bịnh được. Tu hành là một hành trình nhận thức, nhận thức thông qua sự hiểu biết về giáo lý Duyên khởi. Giáo lý Duyên khởi dạy cho chúng ta nhiều điều: 1. Vạn pháp do duyên mà có. Trong dòng luân hồi của mình, do vô minh trong Bốn Đế mới dẫn đến ba hành, từ ba hành mới dẫn đến thức tái tục, từ thức tái tục mới dẫn đến danh sắc đầu đời, từ danh sắc đầu đời mới dẫn đến lục nhập, từ lục nhập mới có 6 xúc, từ 6 xúc mới có 6 thọ, từ 6 thọ mới có 6 ái, 6 ái ở mức độ mãnh liệt mới trở thành tứ thủ, từ tứ thủ mới dẫn đến hai hữu là sanh hữu và nghiệp hữu. Nghiệp hữu là các nghiệp thiện ác, sanh hữu là các tâm tái tục. Quay trở lại vòng tròn lúc đầu.

Sáng hôm nay chúng tôi rất là vui khi đọc thấy bài dịch mới nhất của HT Nhất Hạnh cho bài Tâm Kinh. HT vừa dịch lại bài đó theo bản Hán y cứ bản Phạn, dịch xong vào tháng 8 năm nay (2014), vừa dịch xong tháng 8 thì đến ngày 11 tháng 11 HT bị đột quỵ. Đây là một bản dịch có thể nói là sau cùng mà thật lòng chúng tôi không có mong như vậy. Trong bản dịch đó HT đả động đến một số vấn đề mà tôi rất tâm đắc chẳng hạn như HT nhắc lại bài kinh Kaccanagottasutta, bữa hổm mình học rồi, tôi còn nói là tôi muốn bà con mình đọc tụng bài kinh đó mỗi ngày. Bà con còn nhớ không? Khổ nỗi là vào room nghe rồi quên mất, rồi bữa vô bữa không, người ta nói cái gì là mình không cần nhớ. Muốn ăn phở mà người ta mới dọn dĩa rau là mình đi mất tiêu, bữa sau người ta dọn tương mình đi mất tiêu, bữa sau tới ăn phở người ta đem ra tô phở không rau không tương mình bực, nói sao phở thiếu tùm lum. Bài kinh Kaccanagottasutta rất là đặc biệt. Điều thứ hai HT có nhắc lại bài kinh Parāyanā trong Kinh Tập Suttanipata. ‘Parāyanā” cũng có nghĩa là ‘đáo bỉ ngạn’ giống như ‘paramita’.

‘Param’: bờ sông, bờ biển.

Tôi có đề nghị bà con trong facebook đọc, tôi ngạc nhiên và xúc động khi thấy những đóng góp vô danh của mình. Nếu tôi không lầm, tôi là ông sư Nam Tông đầu tiên xác định chữ gốc của chữ Vu Lan Bồn. Chữ Vu Lan này bị hiểu lầm là từ chữ ‘ullumbana’ nghĩa là ‘treo ngược’, tiếng Hán là ‘đảo huyền’, một trong những hình phạt ở địa ngục. Thật ra không phải như vậy, thứ nhất, chữ Vu Lan này không có trong PGNT, tinh thần hiếu đạo phải được thể hiện quanh năm và suốt cuộc đời của mình chớ không phải ngày nào đặc biệt, chuyện bày ra Vu Lan này là của người đời sau bày ra chuyện để vớt vát những người không có tu hành gì hết, dựa vào ngày này để gia đình còn có niềm tin, có hy vọng còn cứu chữa được. Tuy nhiên, dầu chuyện đó trong kinh điển nguyên thủy không có nhưng vẫn phải hiểu chữ Vu Lan Bồn phải được hiểu là từ chữ ‘ullumpana’. (Hai chữ khác nhau chữ b và p). Động từ ‘ullumapati’ trong tiếng Pāḷi và Sanskrit nghĩa là ‘cứu độ’, ‘giúp đỡ’. Chữ này không thể nào dịch thành ‘đảo huyền’, ‘treo ngược’ được. Tôi rất là mừng khi thấy sau bài viết của tôi năm 2005 trên internet, người ta nhắc tới điều này. Điều thứ hai là tôi không nghĩ rằng có người so sánh chữ ‘Parāyanā’và ‘Paramita’, vậy mà hôm nay tháng 8/2014 có người nhắc, là HT Nhất Hạnh. Xin bà con xem lại truyện ngắn Một Cõi Tà Dương của chúng tôi, nhiều người tưởng là truyện ngắn tôi bịa, thật ra tất cả truyện ngắn của chúng tôi đều có lý do vì sao được viết như vậy, ví dụ truyện Lãng Minh, Phiêu Phong tất cả những chuyện đó đều có chỗ dựa hết. Khi tôi thấy bài dịch Tâm Kinh mới được dịch vào tháng 8 năm nay, trong khi Một Cõi Tà Dương tôi viết lâu rồi, cái vui là được HT nhắc lại nguyên vẹn cái tôi đã nói. HT dành cho bài kinh Kaccanagottasutta một sự quan tâm rất là đặc biệt, phải nói rằng đó là một điều rất thú vị. Một người tiếng tăm như vậy nói bà con mới tin, còn vô danh như chúng tôi thấp cổ bé miệng mà nói không ai tin, nhưng mà sao cũng được, miễn là bà con chịu thay đổi cách nhìn cách nghĩ của mình về Phật pháp là được rồi.

Nội dung của kinh Mười Lực này, Đức Phật xác nhận Ngài có đủ 10 Lực của vị Phật Chánh Đẳng Giác, Ngài thành tựu đầy đủ 4 Vô sở úy, trên tư cách nền tảng này Ngài thuyết giảng về con đường thoát khổ thông qua cái gọi là hành trình nhận thức về bản chất của vạn hữu, trong đó vạn hữu ở đời phải do duyên mà có, và cái gì đã có đều phải vô thường, hiểu được hai chuyện này bằng thánh trí, không phải bằng kiến thức từ chương. Khi hiểu được hai chuyện này bằng thánh trí thì lập tức không còn cái gì đam mê hay bất mãn. Ngày hôm qua chúng tôi đã nói rồi, 4 Vô sở úy là gì:

1- Ngài xác định sự giác ngộ, sự hiểu biết của Ngài là thật. Bất cứ một Sa-môn, Bà-la-môn, Ma Vương, Phạm thiên nào cũng có thể đến hỏi Ngài về con đường giác ngộ.

2 – Việc chấm dứt phiền não của Ngài là có thật

3 – Cái gì Ngài kêu bỏ thì dứt khoát cần thiết phải bỏ

Trong chú giải nói, gốc của tam giới là Dục giới, sanh về cõi Phạm thiên nào rồi cũng quay về cõi Dục. Trong cõi Dục, tình cảm nam nữ là gốc, bỏ được ý niệm nam nữ mới sinh về Phạm thiên được, tức lìa bỏ 5 triền cái. (Xem Tăng Chi Bộ, phẩm đầu tiên). Trong tam giới thì Dục giới là gốc, Dục giới là đam mê trong sắc, thanh, khí, vị, xúc. Trong Tăng Chi Bộ phẩm đầu tiên, Đức Phật xác định không có sắc, thanh, khí, vị, xúc nào trong đời này đối với người nam mà hấp dẫn hơn sắc của người nữ, âm thanh của người nữ, mùi, vị xúc chạm của người nữ. Và ngược lại, đối với người nữ thì không thấy những gì hấp dẫn họ hơn là những gì thuộc về người nam. (“Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà như sắc người đàn ông. Này các Tỷ-kheo, sắc người đàn ông xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà.”)

Bỏ được dục ái thì coi như không còn khả năng tái sinh bao nhiêu nữa, tối đa chỉ là 5 lần tái sinh ở cõi Tịnh Cư mà thôi.

Lìa dục ái cách tương đối thì về Phạm thiên, lìa dục ái cách tuyệt đối, bằng trí Tam đạo, thì dứt sinh tử.

Toàn bộ lời dạy của chư Phật chỉ gói gọn trong 2 điều: nên làm và không nên làm

Từ ba vô sở úy trước, dẫn đến vô sở úy thứ tư.

4- Vô sở úy thứ 4: giáo pháp của Ngài là chắc chắn

THẬP LỰC (2)

Bài kinh Thập Lực số 2 nội dung giống bài số 1 nhưng có phần đuôi. Một người tự nhận mình là đệ tử Phật, dù là xuất gia hay cư sĩ dứt khoát phải học để biết 12 Duyên khởi, đặc biệt là hàng xuất gia. Bởi vì Đức Phật đã nói: “Khổ thay, này các Tỷ-kheo, là người sống biếng nhác, dính đầy các pháp ác, bất thiện và mục đích lớn bị suy giảm! An lạc thay, này các Tỷ-kheo, là người sống tinh cần, tinh tấn, viễn ly các ác, bất thiện pháp, và mục đích lớn được viên mãn!”.

Người biếng nhác thì sống thiếu trách nhiệm với họ và với người khác. Cho đến bao giờ mà gánh nặng sinh tử vẫn còn đó, cho đến bao giờ trên vai của họ còn đầy ắp phiền não, cho đến khi đó, nếu họ dễ ngươi biếng nhác thì được xem là thiếu trách nhiệm với bản thân.

Khi anh sống thanh tịnh, khi anh sống đúng pháp, người ta nhìn anh với lòng ái kính, người ta cũng được vô lượng công đức, một trái chuối một củ khoai người ta dành cho mình cũng gọi là vô lượng công đức. Đó gọi là trách nhiệm với đời, lợi tha (parattha)

‘Para’: người khác; ‘attha’: lợi lạc.

‘Parattha’: lợi lạc cho người khác.

Lợi tha, lợi lạc cho người khác nghĩa là ‘Paratthanti paccayadayakanam mahapphalanisamsam’: quả báo to lớn cho người thí chủ.

‘Paccaya’: Tứ vật dụng, ám chỉ những nhu yếu phẩm tối thiểu của người tu gồm 4 thứ: thức ăn, y áo, trú xứ, thuốc men. VN mình gọi là ‘tứ vật dụng’ chữ này nghe cũng hơi kỳ kỳ. Đi chùa riết mình nghe thấy quen, người đời không biết đạo nghe chữ ‘vật dụng’ sẽ hiểu khác. Tôi có suy nghĩ, có lẽ có lúc dần dần mình tìm chữ thay thế những chữ này. Chẳng hạn trong Vi diệu pháp hay trong kinh nói chung có chữ ‘appamaññā’ dịch là Vô lượng tâm; trong A-tỳ-đàm, hai tâm sở bi và tùy hỷ gọi là tâm sở vô lượng. Nhưng trong tiếng Việt chữ ‘vô lượng’ phải giải thích, tôi muốn dịch thành chữ ‘đại lượng’. Chữ ‘đại lượng’ trong tiếng Việt có nghĩa là bao dung. Tôi chỉ dẫn chứng một chữ thôi, những chữ khác tôi để dành cho cuốn Chuyện Phiếm Thầy Tu tập hai. Bốn món trên gọi là ‘tứ vật dụng’ thấy khó nghe, theo tôi sửa lại là ‘bốn món nhu yếu’ người không biết đạo nghe cũng hiểu liền. Phật tử Nam Tông VN mình có chữ “dâng quê”, khi trai tăng, người dẫn kinh đọc bài tác bạch chư tăng ai cũng nói “dâng quê”. Cả một đám vừa sống vừa chết từ xưa lúc lập đạo đến giờ chắc cũng mấy ngàn người VN tới lúc chết cũng không biết “dâng quê” là gì, chữ này từ chữ ‘veng’ (tiếng Miên) có nghĩa là ‘dài’. Có hai bài tác bạch dâng cơm, bài thứ nhất là “Kính bạch chư đại đức tăng, xin chư đại đức tăng từ bi nhận lãnh những thực phẩm này cho chúng con và quyến thuộc nhận được sự lợi ích an lạc lâu dài”. Đó là bài ngắn. Còn bài dài là bài ‘veng’, “…Kính bạch chư đại đức Tăng được rõ, những thực phẩm này của chúng con làm hợp theo lẽ đạo, được cũng hợp theo lẽ đạo …”[1]nghe rất luộm thuộm, bà con nhiều người hỏi tôi sao tiếng VN cho người VN mà sao nghe kỳ quá. Tôi gỡ gạc nói: “Kinh mà, lạ lạ cho linh!” “Những thực phẩm này chúng con làm hợp theo lễ đạo” là tam tịnh nhục; “được cũng hợp theo lẽ đạo” là những thứ này có được do lao động chân chính không phải do lừa đảo. Vậy mà cứ bao nhiêu thế hệ cứ ‘dâng quê’ mà không biết ‘dâng quê’ là gì.

Một vị xuất gia phải có lý tưởng giải thoát, lý tưởng này phải được thiết lập trên nền tảng nhận thức được mình là khổ, nhận thức được lý do mình bị khổ và hiểu được con đường hành trì để hết khổ, để nhắm đến hai việc: lợi ích cho mình và lợi ích cho đời. Lợi ích cho đời là paccayadayakanam mahapphalanisamsam, đem lại lợi ích cho người thí chủ cúng dường các thứ nhu yếu. Vô cùng bất hạnh thay cho kẻ nào cứ nghĩ Tiểu Thừa là tu cho mình. Không phải như vậy, khi bản thân anh trong sạch, bản thân anh có đức độ, dù cho anh có khoét lỗ chun xuống đất đi nữa thì sự có mặt của anh cũng là hình thức lợi tha, vì dù người ta có cho anh trái chuối, củ khoai, một cây kim, một cọng chỉ, công đức ấy vẫn vô lượng. Dù anh có khua chiêng đánh trống bát nhã um sùm nhưng tu hành không thanh tịnh, thì sự bố thí cho anh công đức sẽ ít đi. Vì sao kinh đang giảng về Duyên Khởi mà lại có nội dung này? Muốn đem lại lợi ích cho mình, cho người khác, cho người cúng dường hộ trì cho mình, thì mình phải là người xuất gia có lý tưởng cầu giải thoát, lý tưởng đó phải được thiết lập trên hai điều: nhàm chán sanh tử và hành trì – hành trì đồng nghĩa sự hiểu biết, hiểu biết vì sao mình đau khổ. Bà con nghe giảng, đọc kinh thường thấy chữ ‘đoạn trừ phiền não’, ‘sát trừ phiền não’, thật ra không hề có chuyện sát trừ, đoạn trừ nào hết chỉ là cách nói thôi. Đúng ra chỉ là thay đổi cách nhìn, không phải đoạn trừ chi hết. Tức là cách nhìn cũ được thay thế bằng cách nhìn mới. Ví dụ, ngày xưa tôi nghĩ đây là tôi, đây là của tôi; ngày xưa tôi thấy cái đó đẹp, quí, hiếm, độc đáo hay ho, nhưng bây giờ tôi không thấy cái gì là tôi, của tôi nữa, bởi vì mọi thứ chỉ là sự sanh diệt chớp nhoáng, sự sanh diệt đó lại y cứ vào duyên. Với nhận thức này thì được gọi là đang từng bước hành trì. Hành trì, tu tập, thực ra chỉ là hành trình nhận thức. Giác ngộ cũng chỉ là sự thay đổi nhận thức. Hành trì không phải là làm cái này làm cái kia. Hành trì chỉ là cách nhìn. Giữ giới là hành trình nhận thức, hành thiền là một hành trình nhận thức và giác ngộ là sự thay đổi nhận thức, tất cả diễn ra trong tâm của mình. Tôi biết cách nói này nhiều người nghe chịu không nổi. Tại sao những người tu bát quan sau 12 giờ không ăn? Đó là nhận thức, không ăn không phải là giữ giới, trùm mền ngủ không ăn đâu phải giữ giới. Không ăn là vì nghĩ cái gì đó, nhận thức cái gì đó. Tu Tứ Niệm Xứ là biết rõ là ở ngoài kia có rất nhiều trò vui, mà mình thì ở trong này theo dõi, đi, đứng, nằm ngồi, thở ra, thở vô… anh nghĩ gì mà anh lại làm những điều này? Đó là hành trình nhận thức. Ngoài đời thiếu gì trò vui, tại sao anh lại bỏ tiền qua Miến Điện chui vào cái thiền viện với điều kiện sinh hoạt qua sức tệ, thay vì đi Bali, Phuket, Pattaya hưởng thụ? Đó là nhận thức. Sẵn đây nói luôn, trong một ngày mùa hè nóng cháy lẽ ra tôi quẹo qua Shwe Oo Min, không biết long thần hộ pháp khiến làm sao, ngay cổng Shwe Oo Min có một cổng nhỏ tên là Chanmyay vậy mà người VN mình thích chui vào Shwe Oo Min, vì ngài thiền sư trong đó thương người mình, và trong đó thì toàn đồng hương của mình.Theo tôi biết rất hiếm người quẹo qua Chanmyay mà tôi mê Chanmyay vô cùng, pháp môn bên đó là phồng xẹp. Người đại thí chủ hỗ trợ để thực hiện cái thiền viện đó là một bà người Thụy Sĩ ở Zurich. Điều kiện sinh hoạt bên đó phải nói như khách sạn, không phải mình tu mình kiếm cái sướng, nhưng tiện nghi một chút cũng dễ thở, bên đó rất là sang trọng, theo tôi được biết là rất rẻ tiền. Chỗ đó rất là hay, rất là nổi tiếng nghen, nay mai bà con tới đó tìm hiểu, thay vì tới Sumin thì mình quẹo tay trái.

Lý tưởng của cuộc tu là phải thấy được luân hồi là khổ. Muốn thấy luân hồi là khổ thì phải học giáo lý Duyên Khởi. Nhận thức đúng đắn là hành trình đúng đắn, là cùng lúc đem lại lợi lạc cho mình và cho đời thông qua sự hiểu biết đúng đắn về Duyên Khởi. Mọi hành trì PG cũng đều phải y cứ trên nhận thức về giáo lý Duyên Khởi.

Khi nhìn cái gì mà thích thì biết đây là bắt đầu một vòng quay mới của cuộc luân hồi. Nhìn cái gì mà thích thì biết đây là Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu… Sầu bi khổ ưu não. Thích cái gì quá thì hãy suy nghĩ đây là Vô minh, Vô minh sẽ tạo ra Hành. Thấy nghe ngửi nếm đụng thì nghĩ đây là Lục nhập, Lục nhập sẽ dẫn đến luân hồi nếu mình không khéo. Thích cái gì quá thì nghĩ đây là Ái, đây là Thọ, đây là Thọ hỷ, Thọ xả… lại là một điểm bắt đầu mới của dòng luân hồi. Giáo lý Duyên khởi là một vòng tròn, bắt đầu từ chỗ nào cũng được. Có thể bắt đầu từ chữ Khổ cũng được, từ Sầu bi khổ ưu não, khổ quá người ta tìm lối thoát, nếu có trí người ta tìm con đường chánh đạo, khổ quá mà không biết chánh đạo thì người ta tìm con đường tà đạo để đi, cứ như thế là đọa lạc trầm luân. Ví dụ, đói quá, nghèo quá, tự ái bị chà đạp, từ đó ráng đi kiếm tiền bằng mọi giá để ngoi lên với đời, từ đó giá nào cũng trả. Tiếng Việt có câu “tay lỡ nhúng chàm”, bất thiện làm lâu ngày dễ bị quen, tay lỡ dơ, rồi thấy dơ thêm chút không sao, cuối cùng cả người đen thui luôn. Vì vậy ác pháp tránh được bao nhiêu thì tránh, dù có dễ duôi cách mấy thì cũng luôn tâm niệm rằng tay mình vừa dính chàm, cứ nhớ chừng như vậy vẫn tốt hơn là mình thấy mình hay. Đang bậy mà biết mình bậy hoặc không biết hoặc tưởng là hay.

DUYÊN (Paccayasutta)

Bài kinh DUYÊN cũng y hệt vậy. Đức Phật xác nhận giáo lý này Ngài chỉ giảng cho người hiểu biết chớ không phải cho người không hiểu biết. Có người Phật tử đi chùa mấy chục năm mà không có dịp để ngồi nghe giảng 12 Duyên khởi này. Cứ thấy đời khổ, vô chùa lạy Phật, cúng dường cho sư, cầu giải thoát là xong, về mua nhà mua đất, lo cho con cái, lâu lâu tạt vô chùa, nghe pháp thì ngáp. Cứ vậy đi chùa mấy chục năm không biết gì ngoài chuyện bố thí cúng dường, về già không còn đi chùa được thì nằm ngáp ngáp, con cháu rước các sư về tụng tiếng Pāḷi nghe không hiểu gì hết. Sợ hãi cứ sợ hãi, đau đớn cứ đau đớn, tiếc nuối cứ tiếc nuối, khủng hoảng tâm lý, biết sắp đi rồi thì sợ. Không hề được học giáo lý một ngày nào hết, cứ lo bố thí, thật là chuyện đáng buồn. Nếu là người chí thân chí ái của tôi, tôi phải hướng dẫn cho họ biết đạo, biết đạo rồi thì phải cho học giáo lý, không thể để cho cắm đầu cắm cổ làm phước mà không chịu học giáo lý. Tôi không có học trò, đệ tử nhưng tất cả những người tôi tạm gọi là thân cận hộ trì tôi, tôi luôn luôn nhắc họ phải học giáo lý. Không thể nào mình thờ Phật mà không biết Phật nói cái gì. Thân người khó được, chánh pháp khó gặp, không có cái gì bậy cho bằng không học giáo lý không học Phật pháp khi mình đang có thân người lại trong thời kỳ chánh pháp còn. Có nhiều thầy cũng ác, không muốn đệ tử biết nhiều hay là chính thầy cũng không biết, đệ tử mấy chục năm mà không dạy giáo lý cho người ta, tới hồi người ta già, nằm một chỗ chỉ có hoang mang nghi hoặc, sợ hãi tiếc nuối, lẽ ra phải tu tập làm thế nào để có một ngày nằm liệt một chỗ vẫn có thể tu tập được, an lạc được. Quan trọng nhất trong đời sống là cuối cùng ai cũng có lúc trở về với riêng mình, dù bị liệt hay không bị liệt, lúc đó, kẻ nào có khả năng tu tập được mới là khá, lăng xăng cả đời đến lúc già nằm một chỗ mà không an lạc được thì quá sức tệ.

Tiếp theo là bài kinh giảng về Duyên, Đức Phật dạy rằng, sự đoạn trừ lậu hoặc là sự hành trì để giải thoát, vẫn y cứ trên kiến thức về Duyên khởi. Duyên khởi ở đây được nói rộng, không chỉ 12 Duyên khởi như ta vừa học. Nói đến dòng sinh tử, nói gọn thì chỉ con số 12, “do vô minh trong bốn đế dẫn đến ba hành…”; cách nói khác là do ở trú xứ không thích hợp nên mới không gặp được minh sư thiện hữu, do không gặp minh sư thiện hữu nên không được nghe pháp, do không được nghe pháp nên không có hành trì, chính vì không có hành trì nên khi sáu căn gặp sáu trần thì hoặc là tham hoặc là sân, hoặc là thương thích hoặc là ghét sợ, hoặc là đam mê hoặc là bất mãn, từ chỗ này hành trình Duyên khởi lại bị bắt đầu. Còn tu tập thì do ở trú xứ thích hợp, thường tiếp xúc minh sư thiện hữu nên được nghe pháp, nhờ nghe pháp mới dẫn đến hành trì. Do có nghe pháp mới có niềm tin, từ niềm tin mới có niềm vui, từ niềm vui mới dẫn đến sự tịnh tâm, từ sự tịnh tâm mới dẫn đến sự sáng suốt của trí, từ sự sáng suốt của trí mới dẫn đến sự nhận thức đúng đắn, từ nhận thức đúng đắn mới dẫn đến sự nhàm chán danh sắc, từ sự nhàm chán danh sắc mới dẫn đến ly tham, từ ly tham mới dẫn đến giải thoát. Đó là hành trình Duyên khởi nói dài, kết hợp vừa Tạng kinh vừa A-tỳ-đàm.

Đức Phật dạy rằng muốn hiểu biết năm uẩn, muốn thấy năm uẩn là khổ, muốn thấy con đường nào dẫn đến sự hết khổ thì cần phải có trí. Trí có từ sự giải thoát phiền não, giải thoát phiền não có từ ly tham, ly tham có từ sự yểm ly, nhàm chán, nhàm chán có từ tri kiến như thật, tri kiến như thật có từ định, định có từ lạc, lạc có từ khinh an, khinh an có từ hỷ, hỷ có từ hân hoan, hân hoan có từ niềm tin, niềm tin có từ khổ, vì do khổ người ta mới đi tìm đạo, khổ có từ hữu, cứ như vậy mà phăng riết lên tới vô minh.

Ngài ví dụ, giống như mưa từ đỉnh núi tràn xuống triền núi, triền núi tràn xuống chân núi, từ chân núi tràn ra ao hồ sông rạch, trong dòng Duyên khởi thì cái nào cũng là đỉnh. Muốn thoát khổ thì phải có trí đoạn diệt, trí đoạn diệt đi ra từ giải thoát. Trí đoạn diệt là gì, giải thoát là gì, ly tham là gì, phải đọc chú giải để hiểu! Xin bà con nhớ giùm một chuyện, nghe giảng kinh tạng là phải chú ý đến Chú giải và phải nói không có A-tỳ-đàm thì không thể nào hiểu được kinh tạng và không có Chú giải thì đọc chánh tạng chỉ có chết thôi. Xin nói thiệt là bà con phải chịu cực một chút, mở chánh kinh ra giùm tôi, quí vị không thể nhắm mắt nghe tôi giảng mà không nhìn chánh kinh. Nếu bây giờ không thể mở ra thì lúc nghe lại phải nhìn vào chánh kinh thì mới hiểu tôi nói cái gì.

Muốn hết sinh tử thì phải hiểu được sinh tử là gì, hiểu được nguyên nhân sinh tử và Bát Chánh Đạo là con đường chấm dứt sinh tử. Trí hiểu đó được gọi là trí đoạn diệt.

‘Khayenana’: trí đoạn diệt, ám chỉ trí Tứ quả ‘arahattaphala’

‘Viraga’: ly tham, ám chỉ tứ đạo

‘Nibbida’: yếm ly, trí nhàm chán, ám chỉ cho bốn giai đoạn thiền tuệ

‘Balavavipasana’ tuệ quán già dặn:

1. Bhayatūpaṭṭhanañāṇa: trí kinh cảm, thấy sợ trong sự sinh diệt chớp nhoáng của danh sắc.

2. Adinavañana: trí thấy được bề trái của danh sắc.

3. Muncitukamyatañāna: trí hướng đến sự giải thoát sinh tử

4. Sankharupekkhañāna: sự hờ hững lãnh đạm đối với danh sắc, hành xả trí.

Hành giả buổi đầu lúc chưa có thuần thục thì cứ thấy đi đứng là sự vô thường, thở ra thở vô là sự vô thường; còn trước đó nữa thì thấy từ trẻ qua trung niên là vô thường, trung niên qua già là sự vô thường, sống rồi chết là vô thường, đẹp rồi xấu là sự vô thường. Từ từ thấy vô thường khít khao hơn: đi đứng là sự vô thường, hồi nãy ngồi giờ nằm là sự vô thường, hồi nãy dễ chịu giờ khó chịu là vô thường, hồi nãy vui giờ buồn là vô thường. Đi vô sâu hơn nữa hành giả thấy rằng tâm mình sanh diệt liên tục, hành giả thấy rằng không cần phải tắt thở mới là chết, mà thật ra mình đang chết trong từng phút bởi vì toàn bộ danh sắc của mình chấm dứt trong từng phút và được thay thế bằng cái mới. Điều này biết bằng cách nghe người ta nói thì không thấy sợ, nhưng trải nghiệm trên chính bản thân mình mới thấy sợ. Mình thấy cái chết diễn ra trong từng giây, mình biết rõ ràng trong từng giây đó toàn bộ danh sắc của mình biến mất, biến mất thật sự chớ không phải ảo giác. Thật sự toàn bộ danh sắc biến mất và được thay thế bằng một cái khác, mình chết hẳn, con người hoàn toàn mất tiêu, thay thế bằng con người mới. Thấy như vậy hành giả mới sợ, đó gọi là trí sợ hãi.Sự kinh sợ ở đây là chuyện tốt, nhưng vẫn còn là thứ tâm trạng bồng bột. Khá hơn một chút, không còn sợ nữa, mà càng lúc thấy rõ bản chất bề trái của danh sắc rõ hơn (Adinavañana). Mới đầu thì sợ, nhưng càng sợ thì càng nhìn kỹ, càng thấy rõ hơn.

Lúc thấy rõ thì chỉ muốn lìa bỏ, muncitukamyatañāna. ‘Muncitu’: thoát, ‘kamyata’: muốn. Muốn lìa bỏ càng sớm càng tốt, cảm giác muốn lìa bỏ này vẫn bồng bột. Đến giai đoạn thứ tư thì hành giả đạt đến hành xả trí, không còn sợ chán nữa mà là sự hờ hững, vẫn tiếp tục quan sát đi đứng, sanh diệt, nhưng lòng lúc này đã lắng, hành giả đã trưởng thành. Hành xả tuệ là trí sau cùng của phàm phu, nếu mình hữu duyên chứng đạo thì sau hành xả trí này sẽ xuất hiện một loạt 4 sát-na: chuẩn bị, cận hành, thuận thứ, chuyển tộc, rồi thì đạo, rồi thì quả; thời gian một búng tay tâm sanh diệt triệu triệu lần. Sự hờ hững này có thể kéo dài trong nhiều năm hoặc nhiều tháng, nếu đủ duyên thì chứng đạo trong tích tắc, còn không thì có thể kéo dài cả đời. Tu hành phải trung thực, can đảm và không tham, nghĩa là mình nghe giảng, coi kinh, nghe nói tuệ này tuệ kia trạng thái như vậy cứ tưởng là mình đắc, kể cả khi mình biếng không muốn tu nữa rồi tưởng đây là tuệ chán nản, là sai. Chán nản của người nhàm chán danh sắc là vẫn tiếp tục chánh niệm và vẫn không muốn hưởng thụ cái gì trên đời này hết, tất cả mọi hiện hữu khổ, lạc, ưu, hỷ, xả đều đáng chán hết. Đàng này mình không muốn ở thiền viện nữa, muốn đi shopping, muốn trở về nhà để đi ăn uống, đi chơi, ngán không muốn hành thiền nữa, là không phải tuệ chán nản.

Trí đoạn diệt ám chỉ cho thánh quả, ly tham chỉ cho thánh đạo. Yếm ly ở đây ám chỉ cho bốn trí vừa nói. Bốn trí nói trên được gọi là chung là ‘balavavipasana’:tuệ quán già dặn

‘Yathabhutananadassana’: Tri kiến như chân ám chỉ cho bốn trí tuệ quán tiếp theo. Bốn trí sắp nói tiếp theo đây được gọi là ‘tarunavipassana’ tuệ quán sơ cơ, non yếu.

Tri kiến như thật ở đây ám chỉ cho ở đây ám chỉ cho 4 trí tuệ quán non kém Tarunavipassana:

1. Nāmarūpaparicchedañāṇa trí phân biệt danh sắc hay còn gọi Saṅkhāraparicchedañāṇa, còn gọi là phân tích hữu vi,

2. Paccayapariggahañāṇa: Trí thấy được lý Duyên khởi ở mức trí văn và trí tu. Trí này còn được gọi là kankhavitaraneñāṇa đoạn nghi trí, tức trí trong Đoạn Nghi Tịnh, trong Thất Tịnh. Xem kinh Trạm Xe, Trung Bộ Kinh.

3Sammasanañāṇa quan sát trí, tức trí tuệ quán nhìn ngắm danh sắc qua khía cạnh Tam tướng.

4, Maggāmaggañāṇa đạo phi đạo trí, trí biết rõ cái gì thực và giả, trong giai đoạn hành giả trải nghiệm 10 phiền não quán.

Nāmarūpaparicchedañāṇa trí phân biệt danh sắc nghĩa là hồi đó đến giờ mình chỉ biết là danh pháp, tức là tâm, cái muốn đi là danh, chân giở lên là sắc; mình biết rõ cái muỗng mình cầm là sắc pháp, thực phẩm để vào miệng là sắc pháp, còn tâm tham muốn ăn là danh pháp. Biết rõ cái này là danh, cái này là sắc. Hồi đó đến giờ mình cứ quen ‘tôi ăn’, ‘tôi đứng’, ‘tôi đi’, ‘bà A cười’ ‘bà B nói’ bây giờ mình biết rõ bàn tay này là sắc, chuyện muốn giơ bàn tay lên là danh. Nếu quí vị trải nghiệm bằng chánh niệm trong thiền viện, muốn thấy được cái này phải buông hết vợ chồng con cái nhà cửa, sống chết gì cũng không rời khỏi thiền viện suốt tuần, trong đầu chỉ nhớ một chuyện là cái này danh, cái này sắc thì may ra thấm thía được bài giảng sáng nay.

Paccayapariggahañāṇa trí thấy rõ Duyên khởi là biết rõ cái này là do cái kia tạo ra, không có gì tồn tại độc lập, biết rõ dòng sinh tử này là sự tiếp nối của 12 duyên khởi. Khi nhìn cái gì mình thích thì biết rõ đây là sự có mặt của Ái, đây là sự có mặt của 6 Thọ, 6 Thọ 6 Ái này sẽ dẫn đến Tứ Thủ. Ái ở đâu, Thủ ở đâu thì nhân tái sanh nằm ngay đó. Trí quan sát được 12 Duyên khởi ở trong danh sắc được gọi là Paccayapariggahañāṇa

Sammasanañāṇa nghĩa là xưa giờ mình cứ nói ‘tôi đi’, ‘tôi ngồi’, thật ra những cái đi, cái ngồi đó chỉ là sự tiếp nối của danh sắc. Mình không thấy được Tam tướng là do 3 cản trở sau đây:

Santati: ý niệm về sự liên tục của danh sắc che đậy khía cạnh vô thường.

Lẽ ra mình thấy rằng cái trước cái sau rời nhau, thừa tiếp nhau, tiếp nối nhau, không có gì là một nhưng mình cứ bị ám ảnh bởi cái liên tục; thấy mình tối qua đi ngủ, sáng thức dậy cũng là mình, cũng tấm thân này, đó là ý niệm về sự liên tục che đậy khía cạnh vô thường.

– Iriyapatha: sự thay đổi tư thế che khuất khía cạnh đau khổ của danh sắc.

Ngồi lâu mình thấy mỏi, mình thay đổi tư thế hết thấy mỏi, đói quá thì ăn, khát quá thì uống, mỏi thì đi nằm, nhờ người xoa bóp, cạo gió… sự thay đổi này làm cho mình bớt khổ, và như vậy mình cứ tưởng mình hạnh phúc, đến lúc nằm yên một chỗ, gãi không được, trở mình không được lúc đó mới thấy xưa giờ mình rất khổ mà mình không ngờ. Không hành thiền không biết được thân này đau nhức cỡ nào. Chỉ cần ngồi lặng tâm một chút thì thấy thân này đủ thứ vấn đề, nó là cái nhà máy làm việc ầm ầm suốt ngày, đứa thì bơm máu, đứa thì tiêu hóa, đứa thì thanh lọc chất độc, nó phải làm việc để cơ thể mình tiếp tục sống và đẩy mình tới tuổi già chứ nếu đứng yên làm sao mình già. Nhờ thay đổi oai nghi nên mình không biết mình khổ kinh hoàng lắm. Có người họ khoe với tôi là thấy an lạc, sung sướng, mát lạnh. Thật ra mà nói, cái mát lạnh đó là do tâm mình lắng xuống, phiền não mất, nên mình thấy như vậy, nếu mình tập chú vào danh sắc thì thấy thân mình liên tục có vấn đề. Cho dù đó là thân của vị A-la-hán thì cũng luôn luôn có vấn đề. Bởi nếu thân của ngài không vấn đề thì ngài lấy gì để tắt thở, để Niết bàn? Phải có cuộc đảo chánh được thực hiện qua nhiều năm bằng âm mưu mờ ám của các thế lực phản động trong đó, bao gồm: tension, tiểu đường, cholesterol v.v…. Những lần mình đi bệnh viện là những lần nhờ sự can thiệp của Liên hiệp quốc, còn khi chết thì xem như bị đảo chánh hẳn. Có người lạnh từ trên đầu lạnh xuống, có người lạnh từ dưới chân lên, có người lạnh hai bàn tay, có người trước khi tắt thở thì mất tri giác không còn nhận thức chung quanh, có người thì đau đớn cho đến phút cuối. Họ biết rõ mọi sự diễn ra cho đến phút cuối. Trong nỗ lực sau cùng thì trợn trắng mắt lên lấy hơi vào không được thì đi luôn. Tôi từng tụng kinh cho người hấp hối tôi biết, họ lấy hơi không được, chỉ có hơi ra thôi. Bình oxy chỉ phụ họa thôi chớ phổi không làm việc nữa. Thấy mát lạnh là do tâm chứ thân luôn luôn khổ, vì tâm an lạc nên tưởng thân an lạc theo.

– Ghanasaññā: ý niệm về sự nguyên khối, toàn vẹn che khuất khía cạnh vô ngã.

Khi ta nói đây là bàn tay, nụ cười, thì ta đang bị ghanasaññāám ảnh. Lẽ ra phải thấy rằng chỉ có các nhóm sắc pháp đang làm việc ở đó và sinh diệt liên tục. Các tế bào đang thay đổi lẫn nhau trong đó, cái cũ bị loại bỏ và thay thế bởi cái mới. Ghanasaññā đây là ý niệm nguyên khối (massive, solid, pure) vốn không có, mà toàn là đồ ráp mà thôi. 

[1] “Kính bạch chư đại đức Tăng được rõ, những thực phẩm này của chúng con làm hợp theo lẽ đạo, được cũng hợp theo lẽ đạo, chúng con xin hồi hướng cho các vị ân nhân của chúng con, nhất là cha mẹ của chúng con, chúng con xin dâng những thực phẩm này gọi là lễ trai tăng…..có cả các món ăn và phụ tùng kèm theo dâng cúng đến chư Tăng, xin Phật chứng minh. Xin cho các vị ân nhân của chúng con nhất là…..hay biết rằng: Phúc báu của lễ trai tăng….này về phần các vị đó, và xin cho các vị đó được phép thọ hưởng tùy ý. Khi thọ hưởng rồi thì được thoát khỏi những điều lao khổ và được kết quả làm người, quả trời cùng quả niết bàn và cho được như ý muốn của các vị ân nhân của chúng con nhất là….do theo phúc báu chảy vào không dứt”

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app