Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 

Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên

Phẩm Phật Đà

THUYẾT PHÁP, PHÂN BIỆT (3)

“Sabbabodhisattā hi ānāpānacatutthajjhānato vuṭṭhāya paccayākāre ñāṇaṃ otāretvā taṃ anulomapaṭilomaṃ sammasitvā buddhā hontīti”(Tất cả Bồ tát sau khi ra khỏi Tứ thiền hơi thở, quán chiếu lý Duyên Khởi theo hai chiều xuôi ngược rồi mới thành Phật). Câu này trong chú giải kinh Sikhīsutta cũng trong phẩm Nhân Duyên (Nidānavagga) này. Trong phẩm này có kinh Sikhī, Sikhī là tên một vị Phật quá khứ, một trong bảy vị gần nhất. Trước bảy vị này cũng có vô số Phật khác, và sau này cũng có vô số Phật khác. Ở đây Đức Phật chỉ nói bảy vị gần nhất thôi, đều giống nhau như vậy hết. Quí vị siêng học thấy mình còn khỏe còn trẻ còn nhớ được thì mấy câu này phải học thuộc lòng. Đặc biệt là kinh Kaccānagottasutta cũng trong phẩm này rất đáng thuộc lòng và tụng đọc mỗi đêm thay vì chỉ tụng các kinh tán thán Tam Bảo, cầu nguyện chư thiên hộ trì như xưa nay vẫn làm. Nội dung kinh này, Đức Phật gom tất cả ta bà thế giới vũ trụ, gom tất cả pháp môn tu hành, tất cả nhận thức cần tránh và cần có vào trong bài kinh chưa tới một gang tay của mình nữa. Ngài xác định toàn bộ vũ trụ thế giới này, tất cả chúng sinh trong đời này không phân biệt biên giới, không phân biệt cảnh giới đều lọt vào một trong hai quan điểm: chấp có và chấp không. Nếu thấy được Duyên khởi của các pháp hữu vi, mình không thể nào cho rằng mọi thứ không có, nếu mình thấy được mọi thứ có rồi phải mất mình cũng không thể nào nói rằng mọi thứ là trường cửu. Nghĩa là quan điểm Có, phải hiểu Có là có trong sự vô thường, mà Không là không theo khía cạnh mọi thứ tùy duyên mà có. Ví dụ chiếc xe, muốn nói có cũng được mà nói không cũng được nhưng nếu nói tuyệt đối có cũng không được mà nói tuyệt đối không cũng không được. Nếu nói tuyệt đối có thì cũng không đúng bởi không có cái gì trên đời này gọi là chiếc xe hết. Được gọi là xe bởi do nhiều món ráp lại chớ không có một cái gì đó mà bản thân nó là chiếc xe. Nếu nói rằng không thì cũng không được, vì tuy nó là ráp, nhưng ráp xong nó vẫn là cái gì đó, rõ ràng mình không dám băng qua đường mà nhắm mắt, nhưng cứ khư khư cho rằng trong vũ trụ này có món gì đó một mình nó thôi mà gọi là xe thì cũng là sai.

Ngài xác nhận trí tuệ giải thoát ở đây là tự mình thể nghiệm, thân chứng, không vay mượn người khác. Bài kinh KaccānagottaNgài xác nhận trí tuệ giải thoát ở đây là tự mình thể nghiệm, thân chứng, không vay mượn người khác. Bài kinh Kaccānagotta phải nói là tinh hoa của toàn bộ Phật pháp và xứng đáng để học thuộc lòng và tụng đọc mỗi đêm thay vì chỉ tán thán Tam Bảo và cầu nguyện chư thiên hộ trì. Bây giờ mình lật cuốn kinh tụng của VN hoặc cuốn Nhật Hành cư sĩ thì toàn là nội dung đó. Ở đây không phải là tôi chê, nhưng tôi nghĩ ngày xưa các vị tôn đức khai sơn nhắm vào quần chúng đám đông, chớ nếu các vị Phật tử VN trong room này có cầm trong tay một bộ hai cuốn Kinh Tụng của Thái Lan, một cuốn dành cho tỳ kheo, một cuốn dành cho Sadi thì hết hồn. Kinh tụng của người ta là Tam tạng tóm tắt, chớ không phải như kinh tụng của mình toàn là cầu an cầu siêu, cầu cho các vị Phật tử nào là sống lâu, sắc đẹp, tấn tài tấn lộc, thạnh lợi phong lưu, sang cả v.v… Một người sơ cơ mới vào cửa đạo gặp quyển kinh là họ bỏ chạy mất dép khi thấy kinh vậy có gì đâu mà tụng đọc mỗi ngày. Tại sao mình không hoằng pháp hiệu quả? Cái lỗi của mình phải nói là quá sơ ý trong chuyện đó. Tôi biết tôi nói đụng chạm nhiều người nhưng không thể không nói. Sẵn đây tôi cũng nói một chuyện lạc đề trước khi đi vào nội dung lý Duyên khởi. Mãi đến chiều hôm qua tôi mới nhận được bộ sách vừa in xong là quyển Chuyện Phiếm Thầy Tu và quyển Triết học A-tỳ-đàm, có điều đáng buồn và điều đáng vui. Vui là quyển Triết học A-tỳ-đàm được Nguyễn Quốc Bình chăm sóc bản thảo rất kỹ, những ghi chú trong đó bằng tiếng Hán, tôi chỉ để Hán Việt phiên âm thôi, thì Nguyễn Quốc Bình đã tìm cách scan toàn bộ phần chữ Hán nguyên văn vào trong đó, cả chữ Tây Tạng, Sanskrit, tiếng Đức và tiếng Pháp nữa, rất là tốt. Trong nguyên tác thì có mà chúng tôi không biết cách nào bỏ vào bản thảo dịch. Cái đáng buồn là quyển Chuyện Phiếm Thầy Tu bị trong nước cắt. Các vị tưởng tượng mình sinh ra con có hai tay hai chân, bàn tay nó có năm ngón, bàn chân có mắt cá có đầu gối, có ống quyển, có bánh chè, tự nhiên người ta xẻo một miếng, đọc thấy kỳ kỳ, sẵn đây nói để bà con biết ghi nhận giùm. Bản gốc thì in nguyên vẹn còn bản in chính thức thì bị xén. Hết phần lạc đề giờ trở lại kinh.

Chúng tôi có nói rằng sau khi giảng kỹ bài kinh đầu tiên thì toàn bộ các bài sau không giảng nữa, mấy bài sau cứ theo bài một mà hiểu. Đêm trước chúng tôi nói dở dang một vấn đề, đó là trong toàn bộ đời sống chúng sinh chỉ có 2 phần: Nhân và Quả. Quả ở đây chỉ cho 6 căn của mình, do đời trước mình có 6 ái cho nên đời này mình có 6 căn. Sáu ái là gì? Sáu ái là thích trong cái mình thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng và suy tư. Giác quan thứ 6 biết cảnh pháp, cảnh pháp là những đề tài suy tư thuộc tâm lý, tinh thần. Cảnh pháp trong 6 trần đối với người chỉ biết hưởng dục thì chính là 5 cảnh dục trong lúc hồi tưởng hay mong đợi. Ví dụ, cảnh sắc là cái gì mình thấy, cảnh thinh là cái gì mình nghe, cảnh khí là cái gì mình ngửi bằng mũi, cảnh vị là cái gì mình biết bằng lưỡi, cảnh xúc là cái gì mình biết bằng xúc giác. Còn về cảnh pháp, đối với người có tu thiền, có hành thiền Chỉ thiền Quán thì cảnh pháp vượt khỏi năm dục. Đối với người chỉ biết hưởng dục thì cảnh thứ 6 đó vẫn tiếp tục là năm dục nhưng trong hình thức là hồi tưởng hay mong đợi. Với người có tu thiền Chỉ thiền Quán thì cảnh thứ 6 của họ chính là cảnh tốt, ví dụ như tôi rải tâm từ, tôi niệm Phật, tôi tu hơi thở hay quán Tam tướng, Vô thường, Khổ trong danh sắc, trong năm uẩn, trong thân tâm. Còn đối với người không biết Phật pháp thì cảnh thứ 6 của họ vẫn là năm cảnh dục trong lúc hồi tưởng, mong đợi. Nói là tôi sống bằng 6 căn nhưng thật ra có lúc mắt tôi thấy cảnh sắc, có lúc tai tôi nghe, có lúc mũi tôi ngửi mùi, lưỡi tôi nếm vị, có lúc thân tôi xúc chạm v.v…; nhưng có lúc năm giác quan vật chất không làm việc thì tâm thức của tôi chỉ biết cảnh thứ sáu, cũng năm cảnh dục đó nhưng mà từ xa. Thí dụ tôi nhớ hôm qua tôi ăn gì, tôi nhớ chuyện buồn trong quá khứ hoặc sắp xếp trù hoạch toan tính trong tương lai, nhưng vẫn liên hệ quẩn quanh trong năm cảnh dục. Chỉ riêng người có tu học thì cảnh thứ 6 này mới thoát khỏi năm dục. Tức là có lúc năm dục được biết qua 5 sắc thần kinh sinh học, có lúc năm cảnh dục được biết qua giác quan thứ 6. Như vậy 5 căn chính là tâm quả, có được từ đời quá khứ.

Ngay trong đời sống này, khi con mắt tôi nhìn thấy gì, cái thấy đó là tâm quả, sau cái thấy đó tôi thích hay ghét, bực mình hay bất mãn, đó là nhân. Bản thân cái biết của các giác quan là quả, còn tâm trạng thích thương, ghét sợ là nhân. Khi biết cảnh bằng tâm thiện thì ta đang gieo nhân lành cho quả vui tương lai. Biết bằng tâm xấu thì gieo nhân khổ. Nhân nào cũng là nhân sinh tử, nhưng nhân thiện nên gieo vì nhờ vậy đường sinh tử dễ chịu hơn và cuối cùng cũng nhờ nhân thiện mà thành thánh và giải thoát. Nếu chỉ biết làm thiện mà không cầu giải thoát thì tiếp tục sinh tử như vô số kiếp xưa giờ.

Hôm nay, chỗ tôi đang ngồi, bên ngoài lạnh không thể chịu nổi, nhưng nhờ ngồi trong nhà có sưởi, chỗ ngồi cũng dễ chịu, giảng xong thì có bữa điểm tâm nhẹ nhàng thôi nhưng dễ nuốt. Nếu như trong bối cảnh lạnh lẽo này mà không có sưởi, không có chỗ ngồi đàng hoàng, không có wifi làm việc với bà con, không có điều kiện gieo nhân lành thuyết pháp, rồi không biết lát nữa đói ăn cái gì thì quí vị tưởng tượng, cuộc sanh tử khổ lắm. Ở đây vào những ngày mùa đông tuyết rơi, nhìn mấy con mèo hoang ngồi trước nhà chờ có gì cho nó mà tôi thấy sợ. Lỡ như mình chết rồi mình chun vô làm con của nó thì sao trời. Vì vậy cứ phải gieo nhân lành để đời sau cũng sanh tử, nhưng đời sống dễ chịu hơn. Làm thiện mà có lòng cầu giải thoát thì cuối cùng nó đưa mình có thánh trí giải thoát. Không biết làm thiện thì khổ thiên thu, còn làm thiện mà không cầu giải thoát khi hưởng hết quả báo đó thì chun xuống làm trùn, làm dế, làm sâu. Khổ mà không biết mình khổ mới mệt. Thấy người ta khổ mà tôi ngán giùm. Thấy người ta làm dâu, tôi sợ lắm, rồi những kiếp làm gái phong trần bị người ta giày xéo, hoặc làm đàn ông mà không biết Phật pháp, rồi cứ một đời cúi đầu cung phụng cho vợ con, thê thiếp, mất đi cái chí nam nhi trượng phu cũng là một bi kịch nhân sinh. Hễ luân hồi là phải khổ thôi. Cứ nhớ giùm một chuyện là bạn lành khó kiếm lắm. Bởi vì theo lực đẩy, sức hút tự nhiên của dòng sinh tử, làm ác dễ hơn, sống bất thiện dễ hơn, nên người lành khó kiếm hơn người ác. Bản thân mình khó có cơ hội nghĩ đến chuyện làm thiện mà mình cũng khó tìm được người lành bên cạnh mình nên cơ hội làm ác rất lớn. Cơ hội làm ác lớn nên cơ hội sa đọa cũng nhiều. Đời sống này là biển khổ, bởi vì việc ác dễ hơn việc thiện. “Tùng thiện như đăng, tùng ác như băng” (làm thiện khó như leo cao, làm ác dễ như xuống thấp). Nếu nói theo ngôn ngữ bây giờ là làm thiện khó như leo núi, làm ác dễ như trượt tuyết. Dù trong thời tiết lạnh hay nóng, chỉ nghe leo núi là mình đã thấy mệt rồi, mỏi chưn đau lưng rồi, còn trượt tuyết thì khỏe re vì trượt xuống.

Trong đời sống sinh hoạt thường nhật của mình chỉ có nhân và quả, quả là năm căn; nhân là cái thiện hoặc cái ác; đàng sau năm căn đó, thấy là quả, nghe là quả, ngửi nếm đụng là quả. Nhân là sau cái thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng đó mình có tâm thiện hay tâm ác. Nhân nào đi nữa, thiện thì đưa mình lên cõi vui rồi cuối cùng cũng trở lại bản tánh ác của mình; còn nhân ác thì khỏi phải nói, hễ làm ác thì bị khổ. Suốt đời sống sanh tử của mình vô số kiếp cứ: nhân quả, nhân quả, thiện ác, buồn vui, thiện ác, buồn vui… trộn lại làm nên cái gọi là Duyên khởi. Trong một phút mình sống là một sự kết nối liên tục chằng chịt của nhân và quả.

Từ đâu có chuyện thích làm thiện, thích làm ác? Là bởi vì không biết Bốn Đế. Do Vô minh trong Bốn Đế nên mới dẫn đến chuyện làm thiện làm ác, từ chuyện làm thiện làm ác này mới dẫn đến đi cõi này cõi kia. Hôm qua tôi có nói 6 căn, 6 xúc, 6 thọ; con số 6 này rất quan trọng. Từ đâu có chuyện thích làm thiện, thích làm ác? Là bởi vì không biết Bốn Đế. Do Vô minh trong Bốn Đế nên mới dẫn đến chuyện làm thiện làm ác, từ chuyện làm thiện làm ác này mới dẫn đến đi cõi này cõi kia. Hôm qua tôi có nói 6 căn, 6 xúc, 6 thọ; con số 6 này rất quan trọng. Trình độ càng thấp thì việc tiếp nhận thế giới chung quanh phải cần đến nhiều giác quan. Đây là câu thần chú cần phải nhớ. Đời sống càng thô, càng thấp mới nhờ cậy, chìm sâu trong sinh hoạt của 6 căn. Ví dụ, ở cõi Dục, chúng sinh thích nhìn, thích nghe. Đời sống ở cõi Dục là quá trình làm việc của 6 căn. Ở cõi Phạm thiên thấp nhất chỉ có 3 căn. Ở các cõi cao như Vô Tưởng không có căn nào. Ở cõi Vô Sắc chỉ có ý căn. (Ý căn là tâm, là thức, biết được cảnh pháp là ý căn, trong trường hợp này). Người tu thiền Chỉ (Samatha) tạm đóng các căn để tập trung trong đề mục, trau dồi định tâm. Người tu thiền Quán (Vipassana) thì hạn chế tối đa việc sử dụng các căn, luôn biết rõ chúng đang ra sao, không có ý dùng chúng để truy tìm ngoại trần.

Trên đời chỉ có 6 cảnh tức 6 đối tượng để biết. Tất cả những hình dáng, hình ảnh, màu sắc, phải biết bằng mắt. Tất cả những âm thanh tiếng động phải biết bằng tai (thính giác). Tất cả những mùi dễ ngửi hay khó ngửi, gọi là cảnh khí. Tất cả những gì có thể nếm bằng lưỡi, gọi là cảnh vị. Tất cả những gì có thể biết bằng sờ chạm, gọi là cảnh xúc. Ngoài năm thứ này ra, ta chỉ có thể nhận biết bằng mindconsciousness, cái đó gọi là tâm. Toàn bộ thế giới này chỉ có 6 cái này. Ngôi sao mình xài không được nhưng có thể biết nó bằng hai cách: biết bằng mắt, biết bằng tâm. Sông hồ biển cả đại dương mình có thể biết được bằng bao nhiêu cách? Đang đứng bên bờ biển thì mình có thể thấy nó, có thể nghe nó, có thể ngửi mùi của nó, có thể nếm vị của nó, có thể sờ chạm vào nó, có thể suy tưởng về nó, như vậy có thể biết được biển qua 6 cách. Nhưng nếu tôi đang ở Mông Cổ, Tây Tạng, Thụy Sĩ, xứ này không có biển, bốn phía biên giới đều là đất liền, lúc này tôi chỉ biết đến biển bằng hai cách: 1/Suy tưởng về nó, nhớ lại một chuyến đi nào đó của tôi 2/ Thấy gián tiếp qua clip, video, hình ảnh chụp trên sách báo. Toàn bộ thế giới này từ những ngôi sao biền biệt ngút ngàn trên không trung, cho đến một chiếc lá, một sợi tóc, một mảnh rong rêu, con trùn, con dế, con ong cái kiến, con người, tổng thống, giáo hoàng, ăn mày, gái điếm… tất cả mình chỉ biết nó bằng 6 cách này, không có cách thứ bảy. Về sau các nhà A-tỳ-đàm bên Bắc Truyền thêm hai cái nữa. Theo PGNT thì hai cái đó được sinh ra từ cái thứ sáu. Tất cả những gì không thể biết bằng 5 giác quan vật chất thì gọi là cảnh pháp, chỉ có thể biết được bằng ý căn, tâm, thức thứ 6.

 

Trình độ càng thấp người ta bắt buộc phải sống bằng nhiều giác quan, càng lên cao thì người ta không cần nữa. Vì sao? Bởi vì sự hiện hữu nào cũng là vô ích, biết cái vô ích cũng chỉ là sự vô ích. Ví dụ như bây giờ tôi bỏ quí vị vào trong nhà kho toàn là những nùi giẻ rách. Quí vị biết miếng giẻ này lấy từ cái áo vest, miếng giẻ này từ cái quần, miếng này từ áo trong, miếng giẻ này bằng lụa, miếng này bằng cotton, miếng giẻ kia bằng lụa, miếng giẻ này từ vải của TQ v.v…, biết cho đã thì cũng chỉ là nùi giẻ, tất cả cái biết này cũng chỉ là vô ích. Đó là lý do tại sao trình độ càng cao người ta thấy không cần thiết nữa, thấy cũng là sự vô ích, nghe cũng là sự vô ích, đó là lý do Đức Phật kêu gọi mình viên tịch không sanh tử nữa, bởi mọi hiện hữu chỉ là sự vô ích. Trình độ càng thấp thì sống lại càng cần đến năm giác quan. Vậy tại sao các vị Phật không ra đời trên cõi Phạm thiên? Chư Phật phải ra đời trong cõi Dục, vì đây là điều bắt buộc, chỉ có trong cõi Dục thì các ngài mới đủ 6 giác quan để hoằng pháp độ sinh, chớ còn nếu các ngài ở cõi cao đâu có độ được mấy người ở cõi thấp. Các ngài phải đi bát để cho người ta cúng dường, phải ở cõi Dục mới độ được mấy người mê ăn, mê gái, mê trai, mê hưởng thụ, bài bạc… Ngài cũng phải có bịnh, có đói, có già. Trong thân nhân loại Ngài có thể làm việc với Phạm thiên và độ được các loài trong cõi Dục giới, chớ còn ở cõi Phạm thiên thì quá xa lạ với chúng sinh.

Trình độ càng thấp thì càng vật lộn với năm trần nhiều hơn. Trong pháp môn Tứ Niệm Xứ, Đức Phật kêu gọi chúng ta hạn chế không đi kiếm cái gì đó để nhìn, chỉ quan sát cái gì đang xảy ra. Khi không thể tránh được cái nhìn thì biết mình đang nhìn cái gì. Khi không thể tránh được cái nghe thì biết rõ mình đang nghe cái gì. Khi không thể tránh được cái mùi ngửi, cái vị, cái xúc chạm thì biết rõ mình đang ngửi cái gì, đang nếm, đang đụng cái gì. Người tu Tứ Niệm Xứ thứ thiệt là không đi tìm cái để biết mà chỉ theo dõi cái mình đang biết. Chuyện mình vật lộn chìm sâu trong năm trần rõ ràng là một dấu chỉ cho biết mình đang sống trong trình độ thấp. Sống trong trình độ cao thì mình thấy chuyện vật lộn với năm trần không cần thiết, vì vật lộn với năm trần chỉ có một là gieo nhân sinh tử, hai là mệt nhoài. Khi biết bản chất thế giới này thì không có cái gì để mình thích, không có cái gì để mình ghét, và khi đó thì chuyện biết chỉ là mệt mỏi thôi. Chính vì mình còn thấy thế giới này theo cách thấy kích thích phiền não (áo quần, xe cộ, hàng hiệu), còn nhìn nó với khía cạnh đây là hôi thúi khó ngửi khó nếm…, mới thấy trên đời có cái mình ghét, có cái mình thích. Người thật sự hiểu đạo biết rằng mọi hiện hữu là khổ thì sự hiện hữu dưới hình thức nào đi nữa cũng là sự hiện hữu trong nhà tù, trong bệnh viện. Chẳng hạn sáng nay tôi nghĩ một chuyện mà giựt mình, năm nay tôi 46 tuổi, không còn trẻ nữa, nhưng tạm thời tôi không bịnh gì hết, tôi nhớ sáng nay tôi có buổi giảng, tôi nghĩ bụng phải ráng giảng cho xong để đừng quay lại vụ này nữa mệt quá. Chỉ nghĩ bao nhiêu đó thôi, tôi không có gì để tôi mệt. Trong khi đó tôi nghĩ, có người biết sáng nay họ phải đi lọc thận, có người biết sáng nay là ca mổ sống chết của mình sẽ bắt đầu lúc 10 giờ mà bác sĩ báo trước là kết quả 50/50, có người biết sáng nay mình phải chịu tử hình, có người biết sáng nay mình phải ký giấy bán nhà, có người biết sáng nay mình phải ra tòa li dị, hay có mặt ở một nơi nào đó để đôi chối. May mắn thay là một sáng thức dậy mình thấy hôm nay không có việc gì để lo, không có cuộc hẹn nào làm cho mình khó chịu, bữa nay không có chuyện gì nặng nề để mình phải giải quyết. Phúc thay cho ngày nào mình thấy đó là ngày tẻ nhạt. Ngày xưa tôi sợ những ngày tẻ nhạt nhưng bây giờ tôi lại yêu những ngày đó, bởi những ngày vô vị tẻ nhạt đó chính là những ngày tôi được vô sự. Vô vị chính là vô sự. Vì sao vậy? Vì càng có nhiều việc thì càng có phiền phức. Mọi hiện hữu là khổ, ác dễ làm hơn thiện, nên buồn khổ luôn nhiều hơn hạnh phúc an lạc. Đó chính là cái đáng chán của đời sống, chưa kể đến khía cạnh phù du của nó. Ác dễ làm nên lúc nào cái khổ cũng nhiều hơn, cái thiện đã khó làm nên cái vui thì ít, đã ít rồi mà lại vô thường mới đau chứ. Cái vui ngắn chẳng tày gang. Yêu nhau cưới nhau vui ba tháng, buồn ba năm, khổ suốt đời. Đồ đạc cũng vậy, những tín đồ shopping nói với tôi: vui nhất khi mua món đồ là 15, 20 phút thôi, về đến nhà thì người nghèo đem ra xài, còn người giàu thì liệng vô tủ, để hoài trong tủ dăm tháng vài năm lôi ra còn mới nguyên, rồi thì tiếp tục mua cái khác. Nếu là hành giả, mình thấy cái hạnh phúc ngán lắm. Thương ai đó, cứ ngồi gần họ một cách tỉnh thức, coi vì sao mình thương họ, rồi bắt đầu coi họ giở trò, những cái xấu của họ bắt đầu lòi ra. Ngày xưa làm duyên làm dáng, bây giờ, anh lấy giùm em cái kia, anh hút bụi giùm, anh lau nhà giùm, anh rửa giùm em đống chén hồi tối chưa rửa, giặt giùm em đống đồ chưa giặt, chưa kể có con, con làm xấu, nhà cửa bề bộn. Mình chăm sóc một căn phòng là đủ chết rồi, chưa kể một căn hộ chung cư, một villa, đủ chuyện trong đó: điện, nước, cỏ, rác. Muốn có được một tiếng đồng hồ ngồi trên sofa, có lò sưởi, có màn hình phẳng, có người ngồi kế bên để mình thương, phải trả giá kinh khủng lắm. Chỉ có ở khách sạn là khỏe, nhưng tiền đâu mà trả, chỉ ở được một hai đêm thôi. Nếu tôi không biết đạo mà tôi là một triệu phú, tôi nói thật, tôi vẫn thích ở khách sạn thôi. Ở chán tôi kéo vali tôi đi. Bữa nào ngủ trễ tôi treo tấm bảng ‘do not disturb’. Bữa nào tôi muốn dọn phòng thì tháo tấm bảng ra cho người ta vô dọn. Bữa nào tôi chán tôi đi nơi khác. Tôi thích làm người viễn khách sống ở khách sạn hơn là làm chủ một căn nhà trong cuộc đời này. Đó là lý do vì sao Đức Phật dạy mình phải sống trong tâm trạng vô ngã quán, thấy mình là khách trọ. Trong 40 khía cạnh tùy quán Tam tướng, trong đó có khía cạnh ‘parato’: danh sắc chỉ là khách lạ.

Tôi kể hoài câu chuyện, có ông khách lỡ đường vô chùa xin ngủ nhờ qua đêm, trụ trì dắt khách vào nhà kho có đống cỏ khô bảo ngủ ở đó. Khách cứ trăn trở, ngứa, xót, ngủ không được, mới kêu cửa trụ trì hỏi xin chỗ ngủ khác. Trụ trì nói chỉ có nhiêu đó thôi, khách nói: “Sao thầy không nghĩ đến chuyện kiếm cái giường hay salon ngủ cho đàng hoàng sao ngủ chi khổ vậy?”Trụ trì nói, “Giường của ông đâu mà ông không nằm mà đi hỏi tôi.” Khách đáp: “Tôi là khách làm gì có giường ở đây.” Trụ trì cười nói, “Ông là khách ông không có giường, còn tôi mấy chục năm nay lúc nào cũng nhớ tôi là khách nên tôi không sắm thứ gì hết, không chỉ riêng ông là khách ở đây mà tôi cũng là khách.” Câu chuyện có thể không có thật nhưng tôi rất thích câu chuyện này. Tôi sợ chuyện làm chủ một cái gì đó lắm. Năm nay tôi làm thầy chùa 36 năm rồi, tôi có cái may mắn là tôi có lòng hiếu học, hôm nay tôi muốn đi đâu tôi đi thoải mái, không có lo. Thật lòng mà nói, tôi sợ tôi có cái vật chất nào đó mà tôi sợ mất. Một ngày nào đó tôi đang ở Miến Điện, một nhà ga châu Âu, một đêm tối nào đó ở xứ người mà tôi nghe người mệt mỏi, tôi sẽ sợ cái nhà mình ai lo, miếng đất mình ai lo, chùa mình ai lo, mình đi lâu quá rồi quan hệ Phật tử ở đó có xa mặt cách lòng hay không, lâu quá người ta không email, facebook, viber… cho mình, khổ chứ! Hạnh phúc trên đời này là phải sống hữu ích như mình muốn chớ không phải lang thang không mục đích, dính mắc quá nhiều cũng là một cái khổ.

‘anvatthacārika’: ‘lang thang không mục đích’

‘gehasita’: ‘dính mắc quá nhiều’

Nếu phải đi thì nên đi như gió, nếu phải ở thì nên ở như đốm nắng bên thềm. “Phong lai sơ trúc bất lưu thanh, nhạn quá hàn đàm vô lưu ảnh”.Đi như gió không phải đi nhanh, mà đi không vướng kẹt. Ở thì ở như đốm nắng bên thềm, khi mặt trời đã đi qua mái hiên thì nắng không còn. Đây chính là giáo lý Duyên khởi.

Chính do vô minh trong Bốn Đế nên có 3 Hành, từ đó là 6 căn, 6 xúc, danh sắc tái tục; còn đam mê trong 5 trần thì làm thiện ác gì cũng chỉ gieo mầm cho 6 căn. Sáu căn chính là sự hiện hữu của chúng sinh trong đời. Với người không tu tập thì khi 6 căn làm việc cũng là lúc họ đang gieo mầm sinh tử bằng 6 ái, tứ thủ, nghiệp hữu (thiện ác nói chung)(thiện ác nói chung). Nghiệp hữu chính là Hành, bản thân Ái cũng là Hành, gián hay trực tiếp. Nói chung, trong 12 Duyên khởi, chỉ có 2 phần Nhân và Quả. Vô minh, hành, ái, thủ, nghiệp hữu là nhân; những thứ còn lại là quả. Vẽ vòng tròn 12 Duyên khởi để thấy rõ điều này (vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc…). Làm thiện bằng tâm thiện Dục giới (tu thiền) thì gieo nhân sinh cõi lành có đủ 6 căn. Làm thiện bằng tâm thiện Sắc giới thì gieo nhân sinh cõi Phạm thiên sắc giới có 3 căn. Làm thiện bằng tâm thiện Vô sắc (tức là tu chứng thiền Vô sắc) thì gieo nhân sinh cõi Vô sắc chỉ có Ý căn. Làm ác thì gieo nhân sinh cõi Khổ có đủ 6 căn (trừ trường hợp đặc biệt).

Ở cõi Dục giới nếu không đủ 6 căn thì là do thiếu phước. Ở các cõi Phạm thiên, không đủ 6 căn là do không cần. Xem thế giới động vật, mình sẽ thấy có những loài không có mắt tai mũi họng gì hết, nó chỉ có một khả năng là tiếp nhận dưỡng tố để sống ngoài ra không có khả năng gì hết. Con trùn chỉ có bảy tế bào thần kinh nên nó y hệt như một rễ cây, nó chỉ biết tránh nhiệt độ quá cao hoặc thấp quá. Những loài cá ở biển sâu quá thì không có mắt, con chuột chù thì không thấy đường lúc ban ngày. Ở bên Úc có loại ngọc Opal, chỉ có trong lòng đất ở xứ nóng. Điều độc đáo là chỗ nào có đá Opal thì có loại rắn độc dài khoảng hai ba tấc, không thấy đường, chúng đi săn mồi bằng khứu giác và xúc giác. Nó cảm nhận nhiệt độ của con mồi. Con rắn cắn mình là do cảm nhận nhiệt độ, nó không mổ vào đất đá mà chỉ vào động vật vì nó cảm nhận được nhiệt độ của đối phương. Con dơi cũng vậy, nó cắm đầu vào vách đá nhưng không va vào, khả năng đó gọi là hồi thanh phản vị. Có những loài nhận biết thế giới không phải bằng tai bằng mắt mà bằng mũi, bằng râu. Ở cõi Dục, không đủ 6 giác quan là do thiếu phước chớ nơi bản thân con vật đó khả năng tham dục vẫn rất nặng, nó sẵn sàng để hưởng thụ cả 6 nhưng vì thiếu phước nên nó chỉ được tới đó thôi. Chung qui lại, toàn bộ đời sống của chúng ta chỉ là sự có mặt của 6 căn, có lúc thiếu có lúc đủ do phước hoặc do phiền não của mình. Do vô minh trong Bốn Đế nên mới dẫn đến ba Hành, do có Hành mới duyên Thức, Thức duyên Danh Sắc – những yếu tố tâm lý và sinh lý trong thời điểm đầu đời lúc đầu thai, tái tục. Nếu mình gieo nhân Dục giới thì ngay thời điểm đó mình chuẩn bị có 6 căn, còn nếu mình gieo nhân Sắc giới thì mình chuẩn bị có 3 căn hoặc 1 căn, nếu là cõi Vô sắc. Trong công thức: “…thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập”, ‘lục nhập’ ở đây phải ghi rõ là tùy cõi, có cõi đủ 6, có cõi không đủ 6. (Xem thêm trong cuốn Triết học A-tỳ-đàm) Toàn bộ những bài sau cứ vậy mà hiểu. Bài kinh thứ hai đã giảng xong, qua tới bài số 3, Con Đường.

CON ĐƯỜNG (Paṭipadāsutta)

“2)Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết giảng cho các Ông về tà đạo và chánh đạo. Hãy lắng nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ giảng.”

‘sammāpaṭipadā’: ‘chánh đạo’ ‘micchāpaṭipadā’: tà đạo

‘vaṭṭasīsattā’: nguồn sinh tử. ‘vaṭṭa’: ‘luân hồi’, ‘sīsa’: cái đầu.

12 Duyên khởi theo chiều thuận là tà đạo, chiều nghịch là chánh đạo. Dù sống bằng tâm thiện hay bất thiện, chỉ cần hướng đến sinh tử thì gọi là tà đạo, lìa bỏ 12 Duyên khởi là chánh đạo, vì thiện hay ác đều là ‘vaṭṭasīsatta’(nguồn sinh tử). Thiện hay ác, chỉ cần hướng đến sinh tử, đều là vaṭṭasīsa nên được gọi là tà đạo.

Khi mắt tai mũi lưỡi thân ý biết 6 trần, Lục Nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, với người không tu hành thì Thọ duyên Ái, Thủ, Hữu… với người tu hành thì Thọ duyên cho Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ. Với người không tu hành, khi thấy dễ chịu là bắt đầu tham nổi lên, thấy khó chịu thì sân nổi lên; với người tu hành thì dễ chịu hay khó chịu đều là cảnh để tu hành. Cảnh xấu hay cảnh tốt, dễ chịu hay khó chịu đều là cảnh để mình chánh niệm.

Chánh niệm là gì? Bà con đừng có nghiên cứu những lý thuyết ghê gớm. Thiền sư nào đi nữa cũng phải dựa vào Tứ Niệm Xứ trong chánh tạng, còn kinh nghiệm của thiền sư nào thì cũng chỉ là góc độ cá nhân, đã là cá nhân thì luôn kéo theo đó những vấn đề cá nhân. Người đi đứng khó khăn khi hướng dẫn thiền thì không nói nhiều đến kinh hành, mà chỉ thích nói về ngồi; người thích đi đứng thì lại khuyến khích đi kinh hành, toàn bộ là vấn đề cá nhân. Chánh niệm là biết rõ mọi sự đang xảy ra như thế nào. Học giáo lý để biết mình là những gì cộng lại. Tu quán Vipassana để biết mình đang ra sao: what & how. Học để biết cái what, hành để biết cái how.

WHAT: thiện ác, buồn vui. Thiện lúc này là nhân vui cho tương lai. Ác lúc này là nhân khổ cho tương lai. Khổ lúc này là quả của ác quá khứ. Vui lúc này là quả của thiện quá khứ. Đó là WHAT, là bản chất của mình.

HOW là đang đi, đang đứng, đang thiện, đang ác, đang vui, đang buồn… Thay vì thấy là vui hay sợ thì nên ghi nhận rằng niềm vui đang biến mất, nỗi sợ đang biến mất, cơn giận đang biến mất…. Rất là hay! Thay vì biết đang giận, mình thêm ba chữ “đang biến mất”, thế là nó đang biến mất thiệt. Ban đêm ở một mình trong phòng, nghe tiếng động nào đó, cơn sợ nổi lên, mình niệm: “Nỗi sợ hãi đang biến mất.” Niệm này rất có lợi. Thứ nhất, mình nhận ra lý vô thường, thứ hai là có tác dụng với phiền não, hiệu quả tức thì, đang giận là mình thấy cơn giận đang biến mất, nỗi sợ hãi đang biến mất. Đang đi biết là đang đi, bước biết đang bước, biết đang xối nước, đang kỳ cọ, biết rõ. Những cái này không thể nào biết bằng lý thuyết được mà phải thực tập mới hiểu. Tại sao có pháp môn tu hành kỳ cục như vậy. Hãy thử một ngày như vậy đi, hạnh phúc lạ lùng lắm. Sống chậm lại, nó ra làm sao thì thấy như vậy, bảo đảm quí vị sẽ thấy an lạc, cái an lạc này giống như niềm an lạc của người tập thể dục. Mình thấy mấy người này ngày nào cũng chạy, được cái gì mà ngày nào cũng mặt đỏ kè, mồ hôi mẹ mồi hôi con mà sao ngày nào cũng đi. Hỏi họ, họ không giải thích được. Không có người nào trên thế giới này giải thích được cảm giác của người khỏe mạnh. Họ chỉ nói bụng tôi không dư mỡ, leo núi tôi không thở mà ông thì thở dữ. Tại sao mình thấy mệt, tại sao mình stress, tại sao mình u sầu…? Vì mình chất nặng quá nhiều thứ trong lòng.

Lúc chưa tu tập chỉ thấy sợ, giận, ghen, tức, tiếc là gánh nặng. Lúc thuần thục rồi sẽ thấy cả sự hưởng thụ cũng là gánh nặng. Trước đây thấy bữa ăn ngon là hạnh phúc, bây giờ thấy việc ăn uống là mất thời giờ. Khi thấy cả đau khổ và hạnh phúc là gánh nặng, lúc này cả đau khổ và hạnh phúc đều là những người khách, không phải là mình nữa. Khi ta quan sát chúng thì chúng không còn là ta nữa. Gánh nặng lúc này đã được đặt xuống. Đây là cách làm việc với 12 Duyên khởi.

Bước vào nhà tắm lúc đang nóng nực, mở một dòng nước vừa ý, sung sướng lắm, giờ mình thấy không còn sung sướng mà chỉ mất thì giờ. Thì giờ để làm gì? Để quan sát nó. Hành giả luôn sống bằng tâm trạng của người mẹ có nhiều con, phải lưu tâm chúng, không còn thời gian phấn son.

Những bài kinh khác y hệt vậy. Bảy kinh còn lại chỉ xác định một điều tôi vừa ghi đầu buổi giảng: Tất cả Bồ tát đêm cuối cùng trước khi thành Phật bỏ trọn canh đầu để dùng Túc mạng minh quán xét quả luân hồi, canh giữa dùng Sanh tử minh để quán nhân luân hồi. Canh cuối ra khỏi Tứ thiền hơi thở, quán chiếu 12 Duyên khởi theo hai chiều thuận nghịch để thành Phật. (Chú giải kinh Sikhīsutta).

Cuối cùng Đức Phật xác nhận, chính Ngài cũng chứng quả Toàn Giác theo cách vừa nói.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app