Nội Dung Chính
Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2
Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên
Phẩm Kalara ( Vị Sát Đế Lỵ)
DO DUYÊN VÔ MINH
Sáng nay mình học liên tiếp hai bài kinh Do Duyên Vô Minh. Hai bài này có cùng nội dung: Toàn bộ dòng sinh tử do duyên mà có, sự có mặt của cái gọi là chúng sinh thật ra chỉ là của các duyên mà thôi, không phải của ai.
Có vị tỳ kheo hỏi Đức Phật, Bạch Thế Tôn, Thế Tôn giải thích Vô minh duyên hành, hành duyên thức…, vậy dòng luân hồi đó của ai. Đức Phật trả lời đó một câu hỏi rất là không nên. Hai bài kinh có nội dung giống nhau, bài trước là do có người hỏi, bài sau Đức Phật biết trước trong nhóm có người thắc mắc nên Ngài nói trước. Cái này cũng phải nói thêm là do gốc mình vô minh tà kiến nặng quá, chớ khi Đức Phật đã giảng tới đó rồi mà vẫn còn thắc mắc như vậy thì mệt quá. Rất nhiều lần Ngài giải thích, do tâm bất thiện, thiện, tạo ra quả khổ vui, vậy mà trong đám đông tỳ kheo có người thắc mắc nếu nói vô ngã thì ai tạo ra nghiệp thiện nghiệp ác và nếu nói vô ngã thì ai là người hưởng nghiệp đó. Tức là họ cứ bị ám ảnh liên tục là phải có người làm, trong khi Đức Phật giải thích mọi thứ do duyên, giống như ví dụ chiếc xe. Chính vì mình nghĩ có chiếc xe mình mới có tham chấp, còn luôn nghĩ rằng mọi thứ là đồ ráp thì tình hình sẽ khác. Có nhiều người khi nghe chỗ này họ vẫn không chịu, họ nói là biết là đồ ráp nhưng thích vẫn thích. Đó là vì cái biết của họ chưa tới nơi. Nếu biết bản chất thật sự của mọi thứ đều là phù phiếm phù du hết thì cái tham giận của mình chắc chắn phải thay đổi. Mình phải có cái gan nhìn nhận điều này. Cũng cái đồng hồ Rolex đó, nhưng mình biết đây là đồ Tàu sẽ khác với trường hợp mình tưởng đây là đồ Thụy Sĩ, kể từ giây phút có người nào đó mà giàu có, có kinh nghiệm xài hàng hiệu mà mình tin cậy, nói cho mình biết đây là đồ Tàu, có thể mua cả rổ bên Hongkong, Thượng Hải, thì từ lúc đó suy nghĩ của mình đối với cái đồng hồ Rolex trong tay chắc chắn có thay đổi. Ở đây cũng vậy, khi mình biết mọi thứ do duyên mà có, biết một cách rốt ráo, thì cảm xúc thương thích ghét sợ chắc chắn có thay đổi. Ở đây Đức Phật xác nhận rằng mọi thứ do duyên, không có do ai tạo ra, và những cái khổ lạc có được từ dòng Duyên khởi này, từ sự tương tác của các duyên, tất cả những cái đó cũng được ghi nhận bằng Thọ, bằng Thức, chớ còn nó không phải do một con người nào hết. Khi biết rồi thì cảm xúc thương thích có thể thay đổi. Ví dụ thương một người nào đó, sau đó mình xác nhận đó là kẻ thù, hoặc thương nhớ một người nào đó mà sau đó biết là do giải phẫu chớ không phải giới tính bẩm sinh, khi biết rồi thì chắc chắn cảm giác có thay đổi.
Đức Phật dạy do nhiều đời sinh tử, sống trong phiền não nên chúng ta không đủ duyên để gặp chư Phật và được các ngài khai thị cho biết mọi thứ là đồ giả. Tôi thưa với bà con một chuyện, tôi, không phải là thánh nhân, nhưng sở dĩ tôi tin Đức Phật ở những điểm này là vì lý do rất đơn giản, cũng là chủ quan cá nhân của tôi. Bởi vì Ngài xác định những cái mà mình có thể ít nhiều hiểu ra được đời sống, khi Ngài nói không có ai làm, tất cả là do duyên tạo, trong cái biết cạn cợt của tôi, vẫn có thể có chỗ hiểu ra ít nhiều. Rõ ràng muốn hay không, miễn là các duyên có đủ thì chuyện đó nó xảy ra. Năm nay tôi đã đi hơn nửa đời, tôi thấy mọi thứ ở đời đúng là do duyên, tất cả những buồn vui vinh nhục của mình đúng là do duyên, lệ thuộc vào vô số nhân tố, và tôi, già thì hổng già, trẻ thì hổng trẻ, tôi đã tận mắt thấy những ông cụ chín mươi ngoài, có cuộc đời vàng son rực rỡ. Xe đạp người ta không có đi mà các cụ có xe hơi, nhà người ta không có ở mà các cụ có nhà dư trên Vũng Tàu, Đà Lạt, mướn người ta ở giữ nhà, khi cần thì ra đó ở như ông hoàng, còn không thì giao cho quản gia chăm sóc. Rồi thì sao, vật đổi sao dời, biển dâu tan tác, tuổi già nằm thèm cục đường tán mà không có, tới lúc tôi gặp họ thì họ nằm liệt rồi, con cháu nhớ thì đút cho ăn, còn tụi nó ngủ quên thì thôi chịu. Nhờ nhìn những cái đó tôi mới thấy. Còn như những bệnh nhỏ nhỏ như nhức răng, chóng mặt tiêu chảy, chỉ là nhân duyên nhỏ xíu nhưng đủ sức chận đứng mọi niềm vui của chúng ta. Tôi dựa vào những điều nàymà tin vào Phật dạy vạn pháp do duyên. Nếu theo lời của Ngài, do cái này có cái kia có thì rõ ràng không có cái Tôi trong đó. Khi nào duyên đủ thì có, khi không đủ thì không có, không có phần ‘của tôi’ trong đó. Trong hai bài kinh này Đức Phật xác nhận, ở đây không có ai hết, tất cả là do duyên. Mình không tu tập, yêu đời quá, dễ duôi quá, lúc khổ chạy về với Phật, lắng nghe Phật, học lời dạy của Phật, chuyện qua rồi thì quên sạch, giống như đứa bé, lúc bị đứt tay chạy về với mẹ với ngoại, tới lúc lành lặn thì đi chơi tiếp, không nhớ mẹ, không nhớ ngoại. Đói, bị thương tích mới về, đứa bé đó chỉ thật sự hiểu những gì gọi là tấm lòng của mẹ của ngoại khi nó trên mười tám tuổi. Mình ở đây cũng vậy, sở dĩ mình không hết khổ bởi một lẽ đơn giản là mình không thật sự nhận ra một điều là mình đang sống trong khổ. Mình là con cá không ngờ rằng mình đang lội trong nước, không biết bản thân mình là khổ và bối cảnh chung quanh là khổ.Tại sao mình sống trong khổ mà mình lại thích nó, chỉ vì có ba duyên thôi: một là do nghiệp đời trước đẩy mình vào trong nếp sống nào đó, mình phải thích cái này cái kia mới sống được chớ, giống như con dòi thích ăn phân. Một ví dụ nặng nề trong kinh “Này các tỳ kheo, có những vị tỳ kheo được danh xưng lợi đắc cúng dường lễ bái của cư sĩ, nhìn quanh thấy bạn tu của mình không được như vậy thì sanh lòng kiêu ngạo cho rằng ta được mà họ không được. Niềm tự hào đó chỉ là của một con dòi coi thường những con dòi khác đang sống trong điều kiện không có phân người”. Vào trong Google, gõ chữ: ‘danh xưng lợi đắc, con dòi’,là thấy. Mình cứ tưởng những thứ mình sở hữu rất là hay, trong khi đó lẽ ra mình phải hiểu những gì mình biết những gì mình sở hữu thật ra nó chỉ là những hiểu biết, những thứ tài sản của một tử tù, của người bịnh giai đoạn trầm kha nguy kịch. Nằm bệnh viện lâu ngày thì cũng có phòng riêng, có bình hoa, có cửa sổ ngó xuống vườn, sáng cũng có nắng rọi vào phòng, đêm trăng cũng có trăng rọi vào phòng, có người tới lui thăm viếng, có lúc được quà cáp của người thân bạn bè, cho dù có ngọt ngào cách mấy cũng là những gì thuộc về một bệnh nhân. Mình ở đây cũng vậy, toàn bộ nhà cửa, tài sản, vợ chồng con cái, chỉ là những thứ thuộc về một bịnh nhân, chớ không có ngon lành như mình tưởng. Chỉ cần buổi sáng thức dậy giở tay không lên thì điều tôi đang nói mới thành sự thật, lúc đó mới kêu trời, lúc đó mới nhớ tôi đã giảng, và khi hiểu đời sống thực sự khổ như vậy thì không mong có phần của mình trong đó, không có cái tôi trong đó. Đi tìm cái tôi trong cuộc đời đau khổ này giống như đi tìm quốc tịch trong xứ Sirya vậy đó. Tự nhiên bây giờ có vị báo cho tôi biết, có cô Phật tử làm ăn ở châu Phi, già rồi, về xứ, nghe nói cổ tìm tôi và giao lại cho tôi miếng đất ở châu Phi, chỗ đang có chiến tranh. Nghe như vậy thì lòng tôi sẽ hờ hững lắm, tôi không thể nào đến phi trường bay qua cái xứ đang có chiến tranh như vậy, đi lơ ngơ một mình bên đó quá sức nguy hiểm, tôi không ham xí phần mấy vụ tào lao đó. Nếu mặt tôi có chai lắm thì tôi alo cho cổ, nói cổ trước khi về xứ bán mắc bán rẻ rồi chuyển về cho tôi. Trong đời này, nếu thật sự mình thấy mọi thứ là khổ thì mình không có dại gì nghĩ đến chuyện đi tìm một cái Tôi ở đó. Mình khổ vì mình có ý niệm đây là tôi, đây là của tôi, như vậy thì mình mới tổn thương. Khi mình thấy mình chỉ là cọng rơm, sợi tóc thì khả năng tổn thương của mình rất nhỏ, còn thấy mình là bình cổ, là con người, là nhân vật nào đó trong xã hội thì chỉ cần rơi từ độ cao ba mét là mệt rồi.
Trong liên tục hai bài kinh, Đức Phật xác định mọi thứ do duyên mà có, không hề có bàn tay của ai tạo ra và không ai nhận lãnh cái khổ lạc, mà rõ ràng là do vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên cho xúc, xúc duyên cho thọ. Vấn đề là thọ, từ thọ duyên cho ái. Tại sao ở đây Ngài không nhắc đến tâm sân, là vì Ngài đang nói dòng luân hồi được tạo ra như thế nào, cũng giống như Ngài nói tại sao con bị tiểu đường, là vì con thích ăn đường, hoặc không thích nhưng vì lý do nào đó cơ thể của con không có khả năng đào thải được chất đường, nên sự có mặt của đường trở thành ra bịnh. Khi Ngài nói như vậy mình sẽ cãi, con đâu có ăn đường, con còn có ăn mắm muối, đồ chua, đồ mặn, đồ cay chứ không phải chỉ ăn đồ ngọt không đâu. Ở đây là Ngài đang nói riêng cái bịnh tiểu đường, vắn tắt là do ăn đường nhiều. Trong chú giải có đoạn Pāḷi: “kassa ca panāyaṃ jātī”,cái sanh này là của ai, “kassa ca panāyaṃ bhavo” cái hữu này của ai; lục nhập của ai, xúc của ai, thọ của ai v.v… và Đức Phật xác định “No kallo pañho”: câu hỏi không thích hợp. Như Lai đã giải thích quá rõ, mọi thứ do duyên, là dòng chảy, không do ai hết.
Cuối bài Do Duyên Vô Minh (2) có đoạn: “24) “Thế nào là hành và những hành này là của ai?” Hay “Các hành là khác và có ai có những hành này là khác”, hay “Sinh mạng và thân thể là một”, hay “Sinh mạng và thân thể là khác”
“Sinh mạng và thân thể là một”, ở đây có rất là nhiều người, trong đó có chúng tôi nữa, từng nghĩ cục thịt này là sinh mạng của mình, và sinh mạng đó chính là của mình. Nói chung là mình đánh đồng, coi toàn bộ nguyên khối này, tâm tình buồn vui, thiện ác này, xương thịt tâm thức này gom chung thành một khối, rồi khi mình thấy vui thì tự nhiên tất cả con người này đang vui. Vui chỉ là Tâm sở thôi, còn toàn bộ những cái khác không vui, nó biết gì mà vui, chỉ có Thọ uẩn – Tâm sở thọ, vui hay buồn nằm bên đó thôi. Ví dụ mình nói hành thiền, nghe pháp, giữ giới hoan hỉ quá, mình tiền của nhiều quá, sung sướng quá, nói chung chung như vậy thì thấy đời đáng sống thật, còn thật sự hiểu ra thì không phải như vậy, sinh mạng và thân thể không phải là một mà là từng phần, danh ra danh, sắc ra sắc. Trong cái danh, những cái gọi là lạc, ưu, hỉ, xả nó nằm ở Tâm sở thọ. Giống như cái máy chụp hình gọi là máy ảnh nhưng thật ra nó là từng phần, ống kính mà đậy lại thì làm sao chụp, màn trập không mở ra khép lại thì làm sao chụp được. Nếu chụp bằng phim thì bên trong phải có phim. Nói gọn là máy chụp hình nhưng do nhiều thứ ghép lại và không có cái gì là máy chụp hình hết. Mọi thứ là lắp ráp, do duyên tạo và không có cái gì là một.
KHÔNG PHẢI CỦA ÔNG (Natumhasutta)
Bài này cũng y hệt như vậy, ở đây Ngài dạy:
“3) Thân này, này các Tỷ-kheo, phải được xem là do hành động, do sắp đặt, do sự cố ý, do sự cảm thọ trong quá khứ.”
Tôi xin chia buồn với bà con, nếu cái này mà bà con đọc trong bản Pāḷi thì sướng vô cùng: “Purāṇamidaṃ, bhikkhave, kammaṃ abhisaṅkhataṃ abhisañcetayitaṃ vedaniyaṃ daṭṭhabbaṃ”.
“Purāṇamidaṃ, kammaṃ abhisaṅkhataṃ” thân này được tạo ra từ nghiệp quá khứ, “abhisañcetayitaṃ” do mình đầu tư mà có,
Đọc bản tiếng Việt và tiếng Pāḷi khác nhau xa lắc. ‘vedaniyaṃ’ở đây theo chú giải là ‘vedaniyavatthu’nghĩa là ‘cái gì đó bị nhận biết’ và cũng có nghĩa là nền tảng của mọi cảm xúc. Dịch gọn: Ngũ uẩn này được tạo nên bởi tiền nghiệp, bởi sự đầu tư của nghiệp là cái gì đó mà ta phải cảm nhận gánh chịu.
Sẵn đây tôi cũng nói luôn, trong nước mình từ đó đến giờ học Vi diệu pháp cứ hơi lơ mơ lan man chữ ‘tác ý’ và chữ ‘tư’. Khi họ làm gì đó thì nghe các sư nói do mình ‘tác ý’, thật ra đó là do mình dịch lộn, cái mà các sư thật sự muốn nói là ‘cetana’, còn tác ý là ‘manasikara’.
‘Manasikara’: sự cố ý. ‘Cetana’: sự dụng ý. Tôi ngồi buồn không biết làm gì, tôi thấy con dao nằm ở đó, tôi lấy con dao gọt gọt que tre, gọt chẳng biết làm gì. Tại sao tôi không gọt tay tôi mà tôi gọt cái que đó, vì có sự cố ý hướng con dao gọt vào cái que, đó là manasikara. Manasikara là tập trung mũi dao vào que thôi, còn dụng ý là mục đích gọt để làm gì. Từ lâu tôi có tâm nguyện, chữ dịch nào mà tìm được tiếng Việt tương đương thì dùng nó để cho bà con chưa học A-tỳ-đàm họ hiểu. ‘Cetana’ mà dịch là ‘tư’ thì Tàu xưa đọc hiểu, còn VN nghe thì chết giấc rồi, còn chữ ‘tác ý’ là chữ trong kinh. Đồng ý là có những chữ để bắt người ta học để có khái niệm còn những cái gì không cần thiết phải làm khó người ta thì mình làm khó nhau làm chi. Ví dụ nói dì tôi hoặc má tôi, chớ mắc gì nói con dâu của ông nội tôi, con gái của bà ngoại tôi.
TÂM TƯ SỞ (Cetanāsutta)
Mấy hôm trước tôi có nói, 12 Duyên khởi nói bao nhiêu cũng được (12, 11, 8, 6, 5, 3), mục đích chính là Đức Phật cho mình thấy từ đâu mà có dòng luân hồi này. Có người Ngài nói rất đủ vô minh duyên hành… sầu bi khổ ưu não, nhưng có những người Ngài chỉ nói một chút thôi. Bằng chứng là trong Tứ Đế, Đức Phật không có nói vô minh, nhưng mình phải hiểu ngầm là có. Ngài chỉ nói, sự thật thứ nhất là mọi hiện hữu là khổ, sự thật thứ hai là tất cả khổ đều đi ra từ ái. Rõ ràng trong Tứ Đế, nói trong chữ nghĩa là không có gì vô minh trong đó. Tất cả hiện hữu là khổ đó là sanh già, đau chết, sầu bi khổ, thương phải xa, ghét phải gần,… cuối cùng Đức Phật nói: “Sankhittena pancupadanakhandha dukkha”. ‘Sankhittena’: nói gọn lại, briefly, “sự có mặt của năm uẩn là khổ”. Mọi sự đam mê thích thú tham ái trong đời này đều là gốc của khổ. Sự vắng mặt của Tập đế gọi là hữu dư Niết bàn, sự vắng mặt của toàn bộ Khổ đế một cách triệt để gọi là Vô dư Niết bàn. Thứ tư, tinh thần Bát Chánh Đạo là con đường dẫn đến Niết bàn. Rõ ràng ở đây không nhắc gì đến vô minh hết.
Bài kinh này Đức Phật nói rất đơn giản: Cái gì được ta sống và hành động có dụng ý, cái đó làm duyên cho Thức, từ Thức mới có Nghiệp Hữu, từ Nghiệp Hữu mới có Sinh Hữu, và như vậy là toàn bộ dòng luân hồi.
Tâm sở tư ở đây chính là cetanā (volition), tiếng Việt dịch “sự dụng ý” là tốt nhất. Chính vì có dụng ý nên mới có ba hành. Ba hành gồm: Sự dụng ý bằng tâm bất thiện, gọi là phi phúc hành; hành thứ hai là phúc hành, gồm sự dụng ý bằng tâm thiện hướng sắc (dục giới, sắc giới); bất động hành là dụng ý hành động được thúc đẩy bởi tâm thiện Vô sắc giới.
Ở đây toàn bộ dòng luân hồi được mô tả ngắn gọn qua công thức như sau: Do có sự dụng ý (cetanā) thiện ác nên mới có nghiệp thức tốt xấu (tâm thiện là nghiệp thức thiện, tức nghiệp hữu thiện, tâm ác là nghiệp thức ác, tức nghiệp hữu ác).
Khi quí vị có tâm bất thiện xuất hiện trong đầu quí vị, tâm bất thiện đó được gọi là nghiệp hữu, chính nó khi xuất hiện như vậy là đã âm thầm và kín đáo tạo ra tâm tái tục – tâm đầu thai cho mình ở kiếp sau nào đó, nếu mạnh thì tạo ra tâm đầu thai ngay kiếp sau. Nhưng trong vô số kiếp mình đã có quá nhiều nghiệp thiện ác rồi, nên nếu mình tắt thở mình có thể đi về cảnh giới mình đã tạo từ bốn chục kiếp về trước. Mình học để biết chuyện cầu an cầu siêu rất mong manh mơ hồ. Kho nghiệp của mình nhiều dữ lắm, chuyện kiếp này mình tu hành thiền định giữ giới thì quý dữ lắm nhưng nghiệp của đời này chỉ là phần nhỏ so với núi tiền nghiệp của mình trong nhiều đời, có hiểu được chỗ này mới hiểu được ví dụ con rùa mù. Sanh làm người khó vô cùng, trong một ngày mang thân làm người mình sống toàn bằng tâm con thú, đói ăn khát uống, đực cái trống mái, phản ứng tự vệ. Sống dưới tâm loài nào chết về loài đó. Ác dễ làm hơn thiện, người ác cũng dễ kiếm hơn người thiện, bạn ác bạn xấu dễ kiếm hơn bạn lành, nên trong vô số kiếp quá khứ vốn liếng bất thiện của mình nhiều vô số kể. Đời sống hiện tại, trong một ngày tâm thiện chỉ là một mảnh vụn nhỏ xíu so với một núi bất thiện. Chuyện quay trở lại làm người thì thấp vô cùng. Hãy tin rằng, chánh pháp khó gặp, khó gặp là khó có dịp để nghe; chuyện gặp được Phật, nghe pháp rất hiếm. Vì vậy trong chú giải giải thích Tam Bảo là 3 ngôi báu quí hiếm vì không dễ gặp và không có thứ châu ngọc nào đem lại lợi ích cho người ta bằng Tam Bảo hết vì vậy người ta gọi Tam Bảo là của quí. Kẻ nào có duyên, có đức tin, có chánh kiến gặp được Tam Bảo thì kẻ đó công đức phải như thế nào đó. Trong kinh nói giữa một biển chúng sinh bao la mênh mông vô tận, thế mà có người biết tìm đến Phật pháp dầu một cách vô tình hay cố ý mà bằng cách nào đó, họ được đến Phật pháp, có chánh kiến, thì khả năng quay trở lại làm người, làm trời của hạng người này cao hơn những loài khác. Họ phải là người có phước báu nhiều lắm. Đây là niềm vui cho chúng ta. Không phải mang thân người là giống nhau, có người là tỷ phú nhưng không biết chánh pháp. Đức Phật xác nhận: Cho dù là ngôi vị Chuyển Luân Thánh Vương, Đế Thích cũng không bằng một phần nhỏ xíu của vị Tu-đà-hoàn. Vì dòng luân hồi của những vị đó bấp bênh, bất định, riêng vị Tu-đà-hoàn thì cố định. Tam Bảo khó gặp nhưng người nào gặp được ba bảo thì người đó phước rất lớn. Cứ tưởng tượng mù mịt không biết Phật pháp, không biết mình là ai, từ đâu tới, sẽ đi về đâu, chỉ biết đi làm để sống, sống để đi làm, đàn bà nuôi chồng nuôi con, đàn ông nuôi con nuôi vợ rồi đến một lúc nào đó nằm liệt, nước miếng chảy, miệng méo, mắt lờ đờ, ăn nói ngọng nghịu chờ người ta đem chôn, vậy mà cứ hết đời này qua đời khác, tìm kiếm tiền bạc, danh phận đủ thứ hết. Trong đời tôi có những nhân vật mà quí vị nghe là lạnh xương sống, ngài HT Hộ Giác, tiếng tăm một thời, thuyết pháp chùa Kỳ Viên là xe kẹt tới ngã bảy. Thuyết pháp chùa Tam Bảo Đà Nẵng thì xe kẹt nguyên quãng đường Phan Chu Trinh, cuối cùng thì ngồi đâu đau đó. HT Thích Minh Châu một thời lừng lẫy, cuối cùng già cũng stroke ngồi xe lăn. HT Thích Huyền Vi cuối đời cũng hôn mê nằm một chỗ. Đó là những nhân vật mình biết, còn bây giờ HT Nhất Hạnh, tiếng tăm lừng lẫy, được đề cử Nobel Hòa Bình, bạn của Martin Luther King, một nhân vật của làng Hồng làng Mai, bây giờ thì sức khỏe leo lét. Tôi mới kể sơ sơ, chớ còn HT Thích Thanh Từ, HT Trí Quang trong nước, ở ngoài thì HT Thích Tâm Châu, HT Giác Nhiên, tôi không tin là đến 10 năm. Trẻ nhất là HT Giác Nhiên đã tám mươi ngoài, các vị kia vị nào cũng bước lên hàng chín. Xuôi tay một cái thì đi theo nghiệp của mình. Trong kinh có chữ này rất ngậm ngùi, “yathakammupaga”: đi theo nghiệp của mình, khi Đức Phật kể câu chuyện xưa, ngài kết thúc: Sau khi Ta (Bồ Tát) nói như vậy với vua rồi trở về nhà của mình sống đời riêng tư và cuối cùng thì đi theo nghiệp của mình. Kết thúc như vậy, ngậm ngùi lắm, đi theo nghiệp của mình thì đi xuống là chủ yếu rồi đó. Vì vậy dòng luân hồi ở đây nói gọn là do dụng ý (intension), có ba dụng ý: bất thiện, thiện cấp thấp, và thiện cấp cao. Dụng ý nào cũng chỉ là sự quẩn quanh, như trong ngôi nhà đang cháy dù ở vị trí nào trong nhà.
Dụng ý (cetanā) dẫn đến nghiệp thức (kammavinnana). Nghiệp thức (kammavinnana) chính là nghiệp hữu (kammabhava) tức các tâm thiện ác. Nghiệp hữu (kammabhava) dẫn đến sinh hữu (jatibhava) tức các tâm đầu thai. Từ đó là sự có mặt ở các cõi. Sống hết tuổi thọ thì tiếp tục đi theo nghiệp cũ (yathakammupaga). Ở mỗi kiếp sống ta vừa nhận quả cũ vừa tạo nhân mới ăn hoài không hết. Câu này mới đau: “ăn hoài không hết.” Ăn cái gì không biết. Luôn luôn có nghiệp gối đầu.
Tu thiền Tứ Niệm Xứ là hạn chế tối đa số nghiệp gối đầu, nghĩa là hạn chế tối đa các nghiệp tham, sân. Thấy sao biết vậy. Khi chưa biết đạo ta có hai cách đầu tư luân hồi: bằng tâm bất thiện và tâm thiện. Khi tu Tứ Niệm Xứ thì hạn chế kiểu đầu tư bằng tâm bất thiện. Đầu tư bằng tâm thiện cũng có nhiều cách: có trí đi cùng và không có trí đi cùng. Không có trí đi cùng là làm thiện mà không hiểu gì hết chỉ thấy thích rồi làm, mong Tôi kiếp sau Được cái này cái kia. Làm thiện có trí là cách làm thiện của người chánh kiến, biết cái gì cũng do duyên mà có, đã có rồi phải có lúc vô thường, khi hiểu vậy thì thiện tâm chỉ là một phản ứng tự nhiên, làm phước mà không có sự trông đợi. Tự nhiên có lòng thương người, tự nhiên muốn buông bỏ, tự nhiên có khả năng kham nhẫn, tự nhiên có khả năng thương người, tha thứ, đó là cách làm thiện có trí đi cùng.
Người không tu, khi nói hoặc làm có nhiều cách đầu tư nghiệp bất thiện. Khi học đạo, có tu Tứ Niệm Xứ thì không đầu tư như vậy, họ đầu tư bằng tâm thiện, thiện hợp trí. Phật tử đi chùa mà không học đạo, không có chánh kiến thì làm phước bằng tâm thiện ly trí; thiện ly trí thì cho đời sau sinh ra đẹp trai học giỏi, con nhà giàu nhưng không có khả năng đắc đạo. Làm phước bằng tâm hợp trí thì đời sau đắc thiền, đắc đạo dễ dàng. Làm phước mà không có nền tảng của trí tuệ thì sanh ra chỉ là người may mắn hữu hạnh nhưng không có huệ căn. Huệ căn hay ngộ tánh ở một người là do đời trước làm phước bằng tâm hợp trí.
Ở ba bài này Đức Phật nhấn mạnh vai trò của Hành thay vì là vô minh, ái, thủ. Nhưng chỗ khác tùy theo căn cơ người đối diện, Ngài sẽ nhấn mạnh vai trò của vô minh, hoặc của ái, hoặc của Tứ thủ. Ví dụ có người Ngài nói, do Vô minh duyên Hành, hành duyên thức… sầu bi khổ ưu não. Từ sầu bi khổ ưu não này nảy ra Tứ lậu, Tứ lậu đó chính là vô minh.
Tứ lậu có từ những cơn đau gồm Dục lậu và sự đam mê hưởng thụ khoái lạc. Kiến lậu là hiểu sai mọi sự bằng hướng dẫn của người khác (paraghosa) hay do chính mình thiếu trí tuệ (ayonisomanasikara); (yonisomanasīkāra: khéo suy tư). Hữu lậu là mong mỏi có mặt ở cõi này cõi kia, trong tình trạng này, tình trạng nọ. Vô minh lậu là sự u mê thường trực trong lòng những người không biết Tứ đế là gì; chạy trốn khổ này bằng cách đầu tư cái khổ khác; trốn Khổ đế bằng cách đầu tư Tập đế; do không biết cứu cánh thoát khổ duy nhất chỉ có Niết bàn và từ đó cũng không hề biết đến tác dụng lìa khổ của Bát Chánh Đạo, gọi chung là Vô minh lậu. Từ Tứ lậu vòng tròn Duyên khởi được bắt đầu như cũ.
Bây giờ đã trễ lắm rồi 7h20, tôi đã giảng tất cả sáu bài kinh sáng nay, trong đó là ba bài xác định mọi sự không của ai, chỉ do duyên tạo,ba bài thu ngắn lý Duyên khởi, nhấn mạnh vai trò của Tâm sở tư (cetanā). Nói 12 Duyên khởi nhưng trong trường hợp này Ngài chỉ nói Cetanā, mình sống bằng dụng ý gì, mình có mặt trong room này với dụng ý gì, mình có mặt trong chùa có dụng ý gì, tại sao mình xài kiểu đồ này mà không xài kiểu đồ khác. Toàn bộ đời sống mình là hành trình của những dụng ý, thiện hay bất thiện, cao hay thấp. Có những dụng ý có ý nghĩa giúp cho mình tu hành tốt hơn và có những dụng ý làm cho mình tệ hơn, kém hơn. Thiện cũng có nhiều cấp, thiện hợp trí và thiện ly trí. Nếu nói tới nơi tới chốn chữ cetanā này tới Tết cũng chưa hết. Có những dụng ý do tham tác động, do sân tác động, si thì luôn có mặt. Có những hành động do thích cái gì đó, hoặc ghét cái gì đó, muốn chạy trốn, muốn phủ nhận, muốn xóa nhòa cái gì đó. Trong thiện cũng vậy, có những dụng ý có trí tuệ và có những dụng ý không có trí tuệ. Từ đó, dẫn đến dòng luân hồi cùng sinh ra nhưng sự thông minh không giống nhau.
Hôm nay Phật tử làm thiện để cầu mai sau mình không còn thiện ác nữa vì ác đưa mình đi xuống, thiện đưa mình đi lên, mà lên hay xuống trong một căn nhà đang cháy lớn thì cũng như nhau. Tây có câu: Tiền không hẳn đem lại hạnh phúc nhưng nó cho ta cái quyền lựa chọn kiểu đau khổ. Thiện nghiệp cũng vậy, thay vì khổ trong địa ngục, khổ trong cảnh nghèo khó, bệnh hoạn, cô đơn, thì thiện nghiệp cho ta chịu khổ trong một hình hài người có tiền, có quyền, rồi cuối cùng thì ai cũng chết như nhau.