Nội Dung Chính
Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2
Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên
Phẩm Kalara ( Vị Sát Đế Lỵ)
CĂN BẢN CỦA TRÍ (tt)
Kỳ rồi có bài kinh Căn Bản Của Trí. Ñāṇavatthu nghĩa gốc là “nền tảng của trí tuệ”. Gồm hai bài, bài trước thì gồm 44 trí, tức trí tuệ thấy rõ khía cạnh Tứ Đế trong 12 Duyên khởi. Thấy được từng chi, từng điều trong 12 Duyên khởi như là thấy sanh, già, chết; thấy rõ sanh, già, chết là như thế nào và thấy rõ nó từ đâu có. Có hai câu trả lời: (1) do chi trước. (2) do Ái. Nói gián tiếp thì mỗi điều trong 12 Duyên Khởi là do Ái mà có. Nói trực tiếp thì do chi Duyên khởi trước đó, như nói lão tử do sanh mà có, sanh do hữu mà có, hữu do thủ mà có…
Tại sao ở đây Đức Thế Tôn chỉ nói 11 mà không nói 12. Có nhiều cách nói về Duyên khởi, 11 cũng được mà 12 cũng được. Trong trường hợp Đức Phật dạy 11 Duyên khởi thì ta phải hiểu ngầm rằng vô minh ở đây nằm sẵn trong Ái, Thủ một cách trực tiếp và nằm trong hành, nghiệp hữu một cách gián tiếp. Khi mình thích cái gì đó, có tà kiến trong cái gì đó, dứt khoát phải có vô minh trong đó, nhưng trong trường hợp mình làm thiện thì nó cũng có sự tác động của vô minh, vì theo A-tỳ-đàm thì chỉ có La-Hán mới không còn vô minh, và vì vậy chỉ có La-Hán mới không còn tâm thiện hay ác. Chỉ có người còn vô minh thì mới có tâm thiện và bất thiện. Giống như chỉ có con nít mới thấy món đồ chơi này quan trọng hơn món đồ chơi kia, còn với một người trưởng thành thì đưa họ hai con trâu bằng đất sét bảo phân tích con có nào giá trị hơn, con này sừng dài, con kia sừng ngắn, con này bụng bự hơn con kia, con này có đuôi, con kia gãy đuôi, con này được nắn bằng đất đỏ, con kia nắn bằng đất sét vàng… tất cả những chi tiết này chỉ quan trọng đối với một thằng bé nhà quê nhà nghèo không có gì chơi. Tôi chẳng biết trong room này có bao nhiêu người biết chuyện nặn tượng bằng đất sét, có người đi ra nước ngoài từ bé nên không biết trong nước mình trẻ con lấy đất sét nặn đồ chơi. Tại Houston tôi biết có một cô sanh 1959, cổ đi năm 1975, ông bố của cô là Võ Đức Thượng tiền bối của thống tướng Lê Văn Tỵ, từ bé cổ đã sướng như tiên, tháng tư năm 75 gia đình của cổ được sắp xếp một chuyến bay trực tiếp từ VN qua châu Âu và cổ sống ở Bỉ một thời gian rồi qua Mỹ, cổ hoàn toàn không biết cái gì về tầng lớp bình dân của xã hội VN. Nghe kể chuyện về cái khổ của người bình dân, cổ ngạc nhiên, chưa tận mắt thấy con trâu bao giờ. Vì vậy mình đừng ngạc nhiên khi thái tử Tất Đạt 29 tuổi mà ngạc nhiên khi thấy xác người vì cuộc sống của ngài quá đặc thù. Ở đây, khi còn vô minh thì giống như một đứa bé nhà nghèo nên mới coi trọng chuyện mấy con trâu màu đen, màu trắng, đất sét vàng, đất sét đỏ, nhưng đối với một người lớn có ăn học sống ở nước ngoài thì chuyện đem mấy con trâu vào lòng để suy nghĩ thì không còn nữa. Các vị A-la-hán cũng vậy, các ngài không còn tâm ác, tâm bất thiện đã đành rồi mà tâm thiện cũng không còn. Đối với người phàm phu như mình thì cần tâm thiện vì mình còn luân hồi, chính cái thiện là điều kiện để mình sống sung sướng trong cõi trầm luân; chính cái thiện là điều kiện tốt để mình vun bồi công đức, là phương tiện rất tốt để mình tu hành giác ngộ, diệt trừ phiền não, còn đối với một vị A-la-hán thì bất thiện thì giống như thứ thuốc độc, tâm thiện là một thứ đồ ăn ngon miệng độc hại. Ngài biết công đức này của ông A, bà B sẽ dẫn đến quả báo như vầy, họ sẽ được sung sướng như vầy, nhờ trí tuệ này họ sẽ làm được điều này v.v…, ngài cũng biết tâm thiện là cái nhân để tái sanh cõi lành, và ngài cũng biết là không cõi lành nào nằm ngoài Tam tướng (vô thường, khổ, vô ngã), và cũng không cõi lành nào ở thiên thu không già không chết, chỉ là kiểu già kiểu chết khác nhau một chút thôi. Vị A-la-hán thấy rõ thiện và bất thiện đều là cái họa, chỉ khác nhau màu sắc, bất thiện là màu đen, thiện là màu hồng vậy thôi. Đối với ngài thì bất thiện như con rắn màu đen còn thiện như con rắn màu xanh. Có những con rắn trên mình có sọc xanh, sọc tím, sọc vàng cực đẹp và cực độc. Chính vì còn vô minh nên người ta còn tha thiết trong thiện pháp và ác pháp, còn vị A-la-hán thì thấy rõ đây là họa. Thấy thì thấy vậy nhưng ngài không còn khả năng làm thiện nữa. Với cái nhìn rốt ráo về Tứ Đế, mọi hiện hữu là khổ, thiện là một trong hai nhân sanh trầm luân, cái kia là bất thiện.
Đó là lý do vì sao ở đây Ngài kể chỉ 11, thậm chí có chỗ Ngài kể chỉ có 3,4: từ Xúc mới sanh ra Thọ, từ Thọ có Ái, từ Ái có sinh tử thiện ác. Có trường hợp Ngài kể 12, 9, 10, 8, 7, 6, 5 bao nhiêu cũng được, không sai. Ví dụ như tôi nói lý do quí vị bị bịnh, có 12, là do ham ăn, lười biếng không vận động, ham chơi nên trúng nắng trúng sương, chơi với bạn xấu rủ rê, xa người lành, không gần người cẩn trọng, do ở nhà quê không có trò giải trí nên phải đi ngoài đồng v.v… Hoàn toàn có thể kể 12 nhân trong trường hợp quí vị là đứa bé nhà quê. Nhưng có trường hợp chỉ kể hai nhân: người này bịnh vì thích ăn nước cốt dừa, ăn ẩu quá nên bịnh mà không chịu uống thuốc nữa. Duyên khởi cũng vậy, Đức Phật đưa ra công thức, nguồn của công thức đó là: do Vô minh trong Bốn Đế nên mới có các Hành, từ đó có trầm luân và những gì liên quan. Có trầm luân mới có ân tình thù oán, mới có vui khổ, nước mắt, có sa đọa có thiên giới, giàu nghèo sanh ly tử biệt…
44 trí ở đây là trí Tứ Đế: 4 x11 chi Duyên khởi = 44.
Ví dụ, Thọ có 3 (khổ, lạc, xả) hoặc 5 (khổ, lạc, ưu, hỷ, xả), thọ do duyên Xúc mà có, có rồi phải vô thường, thấy như vậy gọi là thấy khía cạnh khổ đế của Thọ.
Tập khởi (cause) của Thọ có 2: Ái (gián tiếp), Xúc (trực tiếp). Ví dụ như nói tập khởi (trực tiếp) của đứa con là người mẹ, (gián tiếp) là bà ngoại. Ái ở đây giống như bà ngoại, còn Xúc như người mẹ. Chính vì có Ái nên mới có tái sanh, chính vì có tái sanh nên mới có 6 căn, chính vì có 6 căn nên mới có 6 xúc, chính vì có 6 xúc nên mới có 6 thọ, vì vậy tập khởi có thể ở đây có thể nói là Ái cũng được mà là Xúc cũng được.
Ngày nào Ái không còn thì Thọ cũng không còn. Niết bàn chính là cứu cánh để chấm dứt Thọ. Con đường dẫn đến sự chấm dứt đó là tinh thần Bát Chánh Đạo.
Trí thấy tứ đế trong Duyên khởi gồm có 4 cấp độ (stage, level):
(1) Savanamayāñāna: trí do nghe mà có.
(2) Sammasanañāna trí do tu tập thiền Quán mà có.
(3) Pativedhañāna: trí do chứng ngộ mà có, ám chỉ thánh trí.
(4) Paccavekkhanañāna: trí phản khán (nhìn lại, re-observe) của bậc thánh.
Trí thứ nhất do nghe, do học, do đọc sách xem kinh mà hiểu, trình độ thứ hai là do quán xét, nhìn ngắm, tu tập Tứ Niệm Xứ, trí thứ ba do chứng ngộ mà có, khi đắc được Sơ quả, Nhị quả, Tam quả thì thấy ra Bốn Đế. Hai cái thấy (1) và (2) thuộc phàm trí. Trí thứ tư là khi thành thánh rồi thì nhìn lại năm điều:
– phản khán phiền não đã diệt
– phản khán phiền não còn lại
– phản khán niết bàn: nhìn lại Niết bàn mình đã từng thấy qua lúc chứng đạo
– phản khán thánh đạo: là nhìn lại tâm thánh đạo đã chứng
– phản khán thánh quả là nhìn lại tâm thánh quả mình đã chứng
Năm trường hợp phản khán x 4 tầng thánh trí = 20.
Đối với La-Hán thì không có việc nhìn lại phiền não còn dư sót như ở 3 tầng thánh kia. Nên La-Hán chỉ có 4 trường hợp phản kháng. Như vậy tổng cộng chỉ có 19 trí phản khán.
Trong room này có bà con nào lớn tuổi nhớ lời tôi nghen. Khi sắp nói chuyện đừng uống gì ngọt. Bà con nào trên 60 nhớ cái này, sắp đi ngủ thì sống chết gì cũng không được đụng đến đồ ngọt, phải né. Nhiều người chết oan vụ này, đồ ngọt làm cho mình bị lên đàm. Cứ nể nang ai mời cái gì ngọt ngọt rồi nghĩ có chút xíu không sao, cái ngày mình còn trẻ thì sao cũng được, người nào yếu thì dưới 60 cũng phải kiêng. Cái vụ ngắm trà uống trăng ăn bánh trung thu là chết không kịp ngáp. Sống hay chết phải né đồ ngọt ban đêm, nể gì thì nể chỉ ngồi chơi thôi không được ăn.
CĂN BẢN TRÍ (2)
Căn bản trí thứ hai gồm 77 trí. Ở đây 77 trí này là quan sát từng điều trong 11 Duyên khởi qua 7 khía cạnh. Nắm vững những cái này thì có tất cả, nếu đủ duyên lành Ba-la-mật thì đủ để đắc quả A-la-hán.
(1) Trí biết già chết do sanh mà có.
(2) Trí biết kiếp này nếu không có sanh thì không có già chết.
(3) Trí biết rằng trong quá khứ cũng vậy, già chết do duyên sanh mà có.
(4) Trí biết rằng trong quá khứ nếu không có sanh thì cũng không có già chết.
(5) Trí biết kiếp sau già chết cũng do sanh mà có.
(6) Trí biết kiếp sau nếu không có sanh thì sẽ không có già chết.
(7) Trí biết sanh, già, chết đều là những hiện tượng vô thường có rồi mất.
Ở đây Đức Phật dùng bốn từ đồng nghĩa để diễn tả Tam tướng của từng điều trong 11 Duyên khởi: Khayadhamma, Vayadhamma, Viragadhamma, Nirodhadhamma.
Chữ ‘virāga’ ở đây được định nghĩa là ‘virajjana’: ‘sự nhạt phai’, ‘phù du’, không có nghĩa là ‘ly tham’ như chỗ khác. ‘Khaya’là sự chấm dứt. ‘Vaya’ là sự tiêu tùng. ‘Viraga’ là băng hoại. ‘Nirodha’ là kết thúc.
Nói nhạt phai tôi mới nhớ, có một ông chủ tiệm gọi họa sĩ tới và nói: Tôi cần vẽ một bảng hiệu hình con sư tử, ông tính bao nhiêu? Họa sĩ nói: Sư tử cột khác giá sư tử thả, sư tử cột đắt gấp đôi sư tử thả. Chủ tiệm nói: Tôi khùng hay sao lại chọn giá đắt, hơn nữa chúa sơn lâm phải thả chứ sao cột! Ông họa sĩ vẽ cái bảng hiệu có hình sư tử ngầu lắm, ngon lành lắm. Hai ba ngày sau, chủ tiệm gọi cho họa sĩ nói là đêm mưa trôi mất con sư tử. Họa sĩ nói: Vì ông chọn sư tử thả nên tôi không xài sơn outdoor, waterproof (sơn ngoài trời). Các pháp hữu vi đều được gọi là ‘virajjana’, nghĩa là sự nhạt phai, đều là những con sư tử thả hết, thấy nó vậy đó chớ nó sẽ bỏ mình nó đi, hoặc mình chán nó. Một món đồ bị hư cũng là cách nó bỏ mình, hoặc mình không thích nó nữa cũng là cách mình lìa xa nó. Vợ chồng có người chết hay chán cũng là một cách xa nhau. Vì vậy Đức Phật dạy một điều rất là lý thú: “Vạn hữu ở đời do duyên mà có, đã có rồi thì phải mất và thích hay ghét là những hiện tượng nhất thời trước sau gì nó cũng bỏ ta mà đi.” Sự thật này không phải để cho mình chán đời mà là để cho mình thanh thản khi đối diện với đời sống, không còn tiếp tục thích và ghét nữa. Nhiều người trong room chắc cũng che miệng cười thầm nói rằng tôi nói vậy mà không biết tôi có làm được hay không. Xin nói cho quí vị nghe một chuyện, người ta có cùi đui sứt mẻ gì là chuyện của người ta, nếu mình đang đói mà người ta đưa mình món ăn ngon, ăn được, thì ăn chớ đừng đi tìm hiểu thân thế người ta làm gì. Bà con cứ đưa tôi chiếc nhẫn 8 carat, tay bà con có sạch hay dơ gì tôi cũng lấy. Điều người ta trao cho mình, thấy nhận được thì nhận chớ đừng đi tìm hiểu đời tư người ta làm gì. Năm nay tôi 46 tuổi, đêm qua tôi cạo tóc, tóc bạc nhiều lắm rồi mà trong mấy chục năm tôi nhớ có một điều tôi chưa bao giờ làm, đó là tôi chưa bao giờ tìm hiểu đời tư ông taxi chở tôi, chưa bao giờ tìm hiểu đời tư ông bác sĩ chữa bệnh cho tôi, của ông nha sĩ nhổ răng cho tôi. Tôi nhớ bên Tàu có một dịch giả không phải người Tàu, đó là ngài Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) một trong bốn vị đại dịch giả Hán tạng (An Thế Cao, Nghĩa Tịnh, Huyền Trang, Cưu Ma La Thập). Vua quí ngài lắm, thỉnh vào cung thuyết pháp. Mỗi lần mời ông thuyết pháp thì lâu lâu tặng ông một cô hầu thiếp để về quét chùa, nấu cháo, nấu thuốc, tổng cộng ông có 13 cô luôn. Nghe mà bắt ham, dịch kinh thuyết pháp không mà có tới 13 cô. Rồi người ta xầm xì, sao chùa toàn gái đẹp không hà. Ông vẫn giảng kinh bình thường, trước mặt ông có bình hoa sen, ông rút ra một nhánh sen rồi hỏi sen này từ đâu ra. Mọi người nói từ sinh ra, ông Cưu Ma La Thập hỏi từ sình ra sao bỏ vô đây. Mọi người cười ồ nói sình là sình sen là sen. Ông nói, bà con có quyền coi tôi là sình cũng được nhưng thấy điều tôi nói là sen thì hãy trân trọng bỏ vào bình. Không thể lẫn lộn sen với sình được. Nếu đi nghe đạo mà cứ chăm chắm vào đời tư của ông giảng sư thì chết. Người dốt mà khéo che đậy thì cũng không có gì nói cho mình nghe, hoặc người giả dối cũng không có gì nói cho mình nghe, cái quan trọng là cái người ta có gì cho mình nghe hay không, chuyện gì của người ta là kệ người ta. Tại sao tôi phải đi xa như vậy, bởi tôi cũng nhột chứ, tôi đang giảng Duyên khởi, tôi trong vai trò vừa giống như giảng sư và vừa như người dạy thiền cho quí vị. Trí tuệ thấy bốn khía cạnh của Tứ Đế trong Duyên khởi gồm 4 trình độ, một là do mình nghe, hai là do công phu tu tập quán chiếu mỗi ngày, ba là do chứng ngộ, bốn là trí phản khán nhìn lại những gì mình chứng ngộ, đoạn trừ, dư sót. Nghĩ cũng tội nghiệp một số người nghe đạo mà lòng vẫn còn nặng nề, không gì khổ cho bằng mình cứ ôm hình thức, chê ông thầy này không có hạnh, ông thầy kia không có giới rồi cuối cùng theo thờ ông thầy dốt đặc, ổng dốt mình cũng dốt luôn, trên đường hấp hối rồi tiếc ngày xưa không học đạo, ông thầy kia tu bê bối nhưng có cái dạy cho mình. Tôi có viết ở đâu đó cái câu: đối với tăng ni có hạnh mà không có kiến thức thì mình nên nhìn mà không cần nghe họ; đối với tăng ni có kiến thức mà không có hạnh thì mình nghe họ mà không nhìn họ; còn đối với tăng ni mà không có cái gì để mình nghe mình nhìn thì mình đi luôn. Cho họ một bao gạo là xong.
Như vậy, 7 khía cạnh x 11 Duyên khởi = 77. Ôn lại cho nhớ: “Trí biết già chết do sanh mà có, Trí biết kiếp này nếu không có sanh thì không có già chết, Trí biết rằng trong quá khứ cũng vậy, già chết do duyên sanh mà có…” Đây là trí quán Duyên khởi trên hai chiều thuận nghịch. Thấy theo chiều thuận là thấy rằng già chết do sanh mà có, thấy chiều nghịch là thấy nếu không có sanh thì không có già chết. Chính cái thấy thứ hai mới kích động mình dữ dội. Cái thấy thứ nhất để mình biết, cái thấy thứ hai để mình tu.
Già chết do sanh mà có, nếu không có sanh thì không có già chết. Sanh do hữu mà có, nếu không có nghiệp hữu thì không có sanh hữu. Nếu không có sanh hữu thì làm gì có sanh, nếu không có sanh thì làm gì có lão tử. Sanh này do nghiệp thiện ác mà có. Hành giả thấy hai hữu này do tứ thủ mà có, nếu không có tứ thủ thì không có hai hữu. Quan sát theo cách này, hành giả nhìn nhân thấy quả, nhìn quả thấy nhân. Ví dụ, nhìn cái hoa thấy thích quá, phải thấy rằng chính cái thích này, là ái, còn ái thì sanh ra thủ, nếu không ái thì không có thủ, đó gọi là đang quán sát 12 Duyên khởi. Biết rõ ái từ thọ mà có, nếu không có thọ thì không có ái. Trước đây cái gì mình thích thì mình nhào vô, bây giờ thì đã có tu rồi, không phải cái nào thích mình cũng thò đầu vô, đó gọi là tu thọ. Trước đây tôi phải nhìn bộ bài, nhìn chai rượu, nhìn phụ nữ đẹp tôi mới vui, từ cái vui đó mới nảy ra vô số chuyện khác, bây giờ tôi thấy những cái vui trước chai rượu, phụ nữ, bộ bài… này không nên có. Bây giờ mình chỉ quan sát không nuôi dưỡng kiếm tìm như ngày xưa. Tu xúc cũng y như vậy, quan sát cái đang xảy ra chớ không đi tìm như ngày xưa nữa. Hành giả nói riêng và người tu nói chung là không đi kiếm; cứ sinh hoạt lành mạnh và quan sát cái gì đang xảy đến chớ không tìm kiếm, đầu tư và nuôi dưỡng các thọ như ý mình thích nữa. Hành thấy rõ hai điều: cái này do cái kia mà có; không có cái kia thì không có cái này. Tại sao phải chia hai? Vì phải chia hai như vậy mình mới có được hai cái trí:
-Thấy để biết bản chất thật sự của nó là gì, ở đâu nó đến.
-Cái thấy thứ hai là để biết mình phải làm gì.
Trí thứ nhất, A do B mà có, phải biết cái này để thấy rõ bản chất thật sự của A là gì, ở đâu đến. Với người đủ duyên thì chỉ riêng cái trí này đã đắc quả rồi. Nếu muốn đi dài thì thêm trí thứ hai: nếu không có B thì không có A, cái biết thứ hai này cho mình biết mình phải làm gì đối với B. Đó là hiện tại. Quá khứ, tương lai cũng y hệt như vậy. Có sáu trí để biết rằng nay sao thì xưa vậy, xưa sao thì sau này cũng vậy.
Trí trong Duyên khởi quá khứ có hai, trong hiện tại cũng có hai, vị lai cũng hai. Cộng lại là 6. Trí thứ bảy là biết rõ rằng cái gì cũng vô thường. Cứ vậy lấy 7 khía cạnh này x 12 Duyên khởi bằng 77. Gọi là nền tảng của trí tuệ giác ngộ. Học Duyên khởi phải học như vậy thì nó mới sâu, cứ làm cái gì cũng nhớ, nhìn thích cái gì thì nhớ liền, do ái sẽ ra thủ, thủ sẽ ra hữu, hữu sẽ ra sanh lão bệnh tử sầu bi khổ ưu não, buổi đầu như con két, lâu ngày rồi quen. Giống như hồi nhỏ mình học trung học, biết chất này chất kia, oxy, hydro, nitơ, học cho biết thôi. Lớn lên mình biết rõ hơn, trời lạnh, sợ ma, sợ ồn mình hay trùm đầu, giờ mình biết ngủ mà trùm đầu không tốt vì khi mình thở ra cái gì mình lại hít ngược vô cái đó, lúc bấy giờ cái biết của mình về oxy và carbonic mới xài được. Quí vị vào internet gõ “những loại cây nên trồng và không trồng trong nhà”, sẽ thấy hầu hết các loại cây ban đêm thải ra carbonic, nhưng có những loại cây như đồng tiền hay lưỡi cọp, phát tài, mấy cây này lại nhả ra oxy vào ban đêm, lọc không khí rất tốt, và có những cây hấp thụ độc tố rất tốt như cây hướng dương (sunflower). Cây này hấp thụ chất phóng xạ rất mạnh nên những vùng đất người ta nghi ngờ hoặc biết rõ nhiễm phóng xạ, người ta trồng nhiều cây hướng dương. Những cái biết này, hồi nhỏ mình học không xài, lớn lên đụng chuyện mình sử dụng. Kiến thức thật sự là những gì ta học rồi quên mất, khi có chuyện dùng thì tự nhiên nhớ ra. Học rồi mà đụng chuyện không biết lấy ra xài thì đó là đồ ve chai. Kiến thức Phật pháp cũng vậy, mình cứ học rồi cứ nhớ như con nít, lâu này sẽ quen.
Trí lúc đầu được gọi là Savanamayāñāna trí do học mà có. Khi hành thiền, tu tập tuệ quán thì có trí thứ hai Sammasanañāna, do tu tập tuệ quán, do tu Tứ Niệm Xứ, do quan sát chiêm nghiệm, chánh niệm tỉnh giác mà có. Hai trí sau do chứng ngộ, phản khán thì tôi không dám hứa, hai trí này phải kiếp sau rồi. Tôi có đặt tên mấy cái tâm trong bảng nêu. Tâm thiện tôi đặt là “đầu hôm sớm mai”, 12 Tâm bất thiện tôi đặt tên là “người tình trăm năm”, riêng Tâm đáo đại thì tôi đặt là “tình thiên thu”, Tâm siêu thế là “ngàn thu vĩnh biệt” bởi cái tâm này đừng hòng mà có. Đặt biệt 12 tâm bất thiện là “người tình trăm năm” vì nó theo mình suốt mùa thu. Còn mấy tâm đáo đại, tâm siêu thế thì học cho vui thôi đừng hòng đụng tới, mình tu như con dòi làm sao đắc nổi Sơ thiền. Vậy mà có mấy bà con tào lao có bằng cấp luôn, đi Miến Điện rồi về tin rằng mình đắc thiền. Cho phép tôi giấu tên một vị tôn túc. Vị đó khoe ở thiền viện bên Cát Lái đó, nói là “Tứ thiền là chuyện trở bàn tay thôi”, tôi nghe tôi muốn khóc luôn. Sơ thiền là phải lìa bỏ năm dục. Lìa 5 dục chỉ mới là một trong năm triền thôi. Trong khi muốn đắc Sơ thiền phải bỏ năm (triền) có năm (chi thiền), bỏ nổi chưa. Đang đi mà nghe Gangnam Style, nhạc trẻ là đã nhảy dựng lên rồi, nghe chuối chiên chuối nướng, mực nướng bánh xèo là đã chết rồi. Thử hỏi Sơ thiền đã đắc chưa mà nói Tứ thiền là chuyện nhỏ. Theo tôi biết, thực sự đã đắc Tứ thiền thì họ không muốn nói muốn khoe gì nữa, bởi thế giới của họ quá đã đời rồi, họ không muốn tiêu phí một giây nào, họ chỉ muốn chìm sâu vào trong đó, trừ phi những chuyện gì đó cần kíp sanh tử phải làm thì họ làm. Cái an lạc của người đắc Tứ thiền dễ sợ lắm, an lạc đến mức người ta có thể nhấc bổng thân người lên được. Nói đắc Sơ thiền vậy chớ năm dục của anh đã thật sự chán hẳn chưa. Nhiều khi mình tự gạt mình là tôi có trách nhiệm với chồng với vợ với con, chứ thật ra đó là ái. Người đắc Sơ thiền không phải là thánh nhân nhưng phải nói trong tình cảm gia đình máu mủ họ khác mình nhiều lắm, bởi vì nếu họ còn quấn quít như mình thì làm sao ly dục được, ly dục mới đắc Sơ thiền chứ. Ở ngoài đời một cậu bé tiểu học có kiêu ngạo, học giỏi đủ điểm vẫn lên trung học, trung học có kiêu ngạo mà đủ điểm vẫn lấy được tú tài, và lấy những bằng BA, MA, PhD là bình thường, nhưng trong đạo Phật thì không, khi anh thành tựu cái gì đó mà kiêu ngạo, coi đó là vô thượng là không đi xa được nữa. Trong đạo Phật khi mình kiêu ngạo thì cái nhiều nhất có thể làm được chỉ là thuộc lòng kinh điển, khó lòng thành tựu được cái gì thuộc tâm linh. Mình là những con bịnh, những tử tù, cái biết của mình chỉ là cái biết của người tử tù về căn hầm mà mình đang bị nhốt, không có gì để hãnh diện. Có học tám muôn bốn ngàn pháp môn, giỏi Pāḷi, giỏi A-tỳ-đàm, nhưng rồi thì sao, chỉ là một tủ thuốc. Tủ thuốc này chỉ có giá trị cho người nào có bịnh, biết mình bị bịnh và muốn chữa bịnh, chớ còn nghĩ rằng anh sở hữu tủ thuốc đắt tiền quí hiếm nhưng bản thân anh không chịu uống thì chuyện tự hào đó là thêm một bịnh nữa là bịnh tâm thần. Xưa không biết đạo chỉ mê gái mê tiền, giờ biết đạo thêm bịnh mê kiến thức nữa, thấy mình giỏi, nhiều trí tuệ, nhiều duyên lành, nhiều Ba-la-mật. Càng tu càng chất thêm chớ không bỏ bớt. Tu là để bỏ cái gì chớ không phải để được cái gì. Tôi nói sẽ bị học giả A-tỳ-đàm chống ráo riết nhưng tôi phải khẳng định đắc quả A-la-hán là bỏ được cái gì đó chớ không phải là có cái gì đó. Không phải đắc La-Hán để có được tâm La-Hán mà là để bỏ hết phiền não. Khi bỏ hết phiền não thì tự nhiên có tâm La-Hán. Tu mà với lòng dứt trừ phiền não thì an toàn hơn với mục đích đắc chứng cái gì đó. Lý do là khi mong đắc chứng ta rất dễ kiêu ngạo với từng thành tựu trên đường và rất dễ ngộ nhận tưởng miểng chai là kim cương. Khi tu với lòng bỏ thì rất an toàn, thấy phỉ lạc biết là đồ giả, thấy lâng lâng biết là đồ giả, đau quá, sốc quá biết là đồ giả. Tôi nhớ trong một bài viết tôi có nói, chỉ có hai động từ làm thay đổi lịch sử truyền thừa và hoằng dương PG, đó là “được” và “bỏ”. Tu là để bỏ cái gì chớ không phải là được cái gì và không hề có chuyện diệt trừ phiền não theo nghĩa là cầm cục đá đập bể cái ly, mà cái gọi là diệt trừ phiền não chính là sự thay thế. Chiều nay tôi còn là người phàm, tôi nhìn cái này tôi thích, tôi nhìn cái kia tôi ghét, nhưng đêm nay tôi đắc quả A-la-hán, tôi nhìn lại tôi thấy không thích nữa, biết nó là lắp ráp, vô thường, và nhìn cái tôi ghét cũng nghĩ vậy, do duyên mà có, và cũng sẽ vô thường, và mình, cũng do duyên mà có và mình cũng vô thường. Căn vô thường, cảnh vô thường, lúc đó phiền não bị thay thế, replace chớ không phải là eliminate.
Nói gọn lại, 12 Duyên khởi chỉ là Khổ đế mà thôi, con đường nào dẫn đến 12 Duyên khởi được gọi là Tập đế. Niết bàn là chấm dứt 12 Duyên khởi, đó là Diệt đế. Tinh thần Bát Chánh Đạo dẫn đến Niết bàn chính là đạo đế. Như vậy là hai giáo lý Tứ Đế và Duyên khởi tuyệt đối không thể lìa nhau. Điều quan trọng nhất là hành giả luôn thấy rằng toàn bộ mọi hiện hữu chỉ là sự kết nối giữa nhân và quả, giữa khổ này với khổ kia, dù nhân hay quả đều là khổ hết. Mọi hiện hữu là khổ, giáo lý Duyên khởi dạy cho mình ý niệm khổ đó được hiểu như thế nào. Khổ là vì mọi thứ do duyên mà có. Nói do duyên mà có là nói cho sang, cho gọn, cho bảnh; nói khó nghe mà chính xác là lệ thuộc mà có.