Nội Dung Chính
Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2
Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên
Phẩm Kalara ( Vị Sát Đế Lỵ)
SANH (Bhūtasutta)
Sáng nay chúng ta học bài kinh có tựa là Bhūtasutta. HT Minh Châu chỉ dịch một chữ “Sanh”, ngài dịch theo Hán tạng. Chữ Bhūta này nghĩa rất là sâu, như ở đây ai học tiếng Pháp thì biết động từ ‘etre’ ‘avoir’, tiếng Anh thì có ‘to be’, tiếng Đức thì có ‘sein’, tiếng Hy Lạp thì có ‘ton’. Toàn bộ những gì có mặt trên hành tinh này, trên vũ trụ này, trong và ngoài trái đất này, nếu nói một cách rốt ráo thì nó chỉ là cái gì đó kết tinh lại từ vô số nhân duyên. Dầu cho mình gọi đó là cái ly, cái hoa, con chim, con bướm, con người, một vị thủ tướng, một ăn mày… tất cả chỉ là thành tựu, kết tinh từ vô số nhân duyên. Mọi thứ chỉ là vậy, không hơn. Do tập khí sinh tử, cộng với bối cảnh môi trường sống mà chúng ta có nhận thức khác nhau về sự có mặt của vạn vật. Ví dụ mình lớn lên trong môi trường Cơ Đốc Giáo hay Hồi Giáo thì mình thấy mình là sản phẩm được tạo ra từ đấng chí tôn nào đó, còn nếu lớn lên trong môi trường Mác Lê thì thấy mọi thứ chỉ là kết quả của những vận động vật chất. Nếu là Phật tử thì Phật tử có học và Phật tử không học cái nhìn cũng khác nhau. Phật tử không có học giáo lý tử tế thì nhận thức về vạn hữu sẽ giống như Ấn Giáo, tức hậu thân của Bà-la-môn giáo ngày xưa, cũng thấy mọi thứ vô thường, cũng tin lý nghiệp báo, cũng tin trong đời có thánh nhân, nhưng tôi là người tạo nghiệp, tôi là người tu hành, tôi là người giải thoát, tôi hơn ông kia, tôi kém bà nọ.Và chư Phật có quyền năng vô hạn, muốn làm gì cũng được, hoặc chư Phật là những đấng cao siêu toàn trí toàn năng. Lẽ ra phải thấy chư Phật cũng là những kết tinh từ các yếu tố Tam tướng. Buddhas are made of non-buddha conditions. Đây là câu rất quan trọng, chư Phật có mặt ở đời bằng những yếu tố non-buddha. Mình gọi đó là chiếc xe, thật ra nó được ráp bởi những thứ không mắc mớ gì chiếc xe hết. Một kiếng chiếu hậu, đèn, từng khúc dây điện, từng phần trong đó không có cái nào là chiếc xe hết. Đến cả chư Phật cũng được tạo nên bằng những thành tố phi Phật. Vấn đề nằm ở chỗ đó. Và chỉ có cái khổ, không có ai chịu khổ; chỉ có sự hành trì, không có ai hành trì, chỉ có sự viên tịch vắng mặt các hành, không có ai viên tịch; chỉ có con đường không có người đi trên đó. “dukkhameva hi na koci dukkhito; atthi nibbuti na nibbuto; maggamatti gamako na vijjati”. Bởi vì ngay cả chuyện mình là hành giả tu tập Tứ Niệm Xứ, bản thân sự tu tập đó cũng chỉ là con đường chớ không có người nào tu tập. Ví dụ nói hành giả Lê Văn Tèo tu tập thì hành giả đó lúc tu tập là tu tâm. Tâm của họ là tâm đại thiện hợp trí, trong đó gồm tín, tấn, niệm, định, tuệ. Cảnh sở tri là cảnh danh sắc được ghi nhận bởi tín, tấn, niệm, định, tuệ và tín, tấn, niệm, định, tuệ biết được cảnh danh sắc. Sự kết hợp này lâu ngày cộng với túc duyên Ba-la-mật quá khứ, tâm thiện đó, biết cảnh đó, cộng với Ba-la-mật quá khứ dẫn đến thánh trí. Đây là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa căn, cảnh, cộng với túc duyên quá khứ dẫn đến thánh trí.
Duyên sự bài kinh, một lần đó trước mặt đại chúng, Đức Thế Tôn nhắc lại bài pháp cũ, bài pháp đó chính là bài kinh: Parayanasutta trong Kinh Tập (Suttanipata). Ở đây có một chuyện mình bắt buộc phải lưu ý, đó là ngay từ thời Đức Phật, giữa Thế Tôn và các đệ tử không xài giấy mực với nhau như mình bây giờ. Nhưng điều đặc biệt giữa thầy và trò đó là Đức Thế Tôn hoàn toàn có thể thoải mái tự tại nhắc lại một thời pháp nào đó như trong tay các đệ tử có sẵn cuốn sách.
Vua Pasenadi đến hỏi đạo một bà hoàng hậu và bà hoàng hậu này trả lời cho vua câu hỏi về Niết bàn. Vua đem câu trả lời đó thưa lại với Thế Tôn, lúc đó vua nói: Bạch Thế Tôn, thật là vi diệu thay, thật là hi hữu thay giữa bậc đạo sư có thể hoàn toàn tương ưng với nhau về văn về nghĩa. Nghĩa là về ý tưởng và cách nói chuyện y chang không sai một ly nào hết, đây là điều chúng ta không thể thấy ở tôn giáo khác, hội chúng khác. Khổ thay Phật tử mình có truyền thống rất ưu việt xuất sắc đó là trong Pháp bảo đàn kinh Lục tổ nói “bất lập văn tự”, tu mà không chạm tới chữ nghĩa, không đụng tới kinh sách, mấy sư nói gì thì nghe cái đó chớ không thèm đụng tới chữ nghĩa. Nếu mình thường xuyên tụng đọc kinh điển sẽ thấy chỗ đó rất độc đáo. Đức Thế Tôn có thể thanh thản, tự tại, thoải mái nhắc lại bất cứ một bài giảng nào như là các đệ tử phải nhớ và đều đã nhớ. Ở đây Đức Thế Tôn nhắc lại: Này Xá Lợi Phất, trong bài kinh Parāyana có câu kệ như thế này:
“Ye ca saṅkhātadhammāse, ye ca sekkhā puthū idha;
Tesaṃ me nipako iriyaṃ, puṭṭho pabrūhi mārisā’’ti.
Trong câu kệ này có chữ Trong câu kệ này có chữ sankhatadhamma nghĩa là ‘pháp hành’, ‘hữu vi’.
Thế Tôn hỏi ngài Xá Lợi Phất ý nghĩa của chữ này. Theo chú giải, lúc đó ngài Xá Lợi Phất không phải là không biết mà vì ngài biết quá nhiều nên phân vân không biết Thế Tôn muốn mình giải thích chữ ‘sankhatadhamma’theo cách nào. Ngài có thể giải thích theo Duyên Khởi, theo Uẩn, theo Xứ, theo Giới, theo Đế, giải thích theo kiểu Tục đế, theo Chân đế… kiểu nào cũng nói được.
Evaṃ kirassa ahosi – ‘‘satthā maṃ sekkhāsekkhānaṃ āgamanīyapaṭipadaṃ kathāpetukāmo; tương truyền lúc đó ngài Xá Lợi Phất suy nghĩ như sau – Thế Tôn muốn mình nói về con đường thánh nhân của các bậc vô học và Hữu học.
sā ca khandhavasena dhātuvasena āyatanavasena paccayākāravasenāti bahūhi kāraṇehi sakkā kathetuṃ. Ta hoàn toàn có thể trả lời Thế Tôn câu hỏi đó trên các khía cạnh 5 uẩn, 18 giới, 12 xứ, hệ thống Duyên khởi
Kathaṃ kathento nu kho satthu ajjhāsayaṃ gahetvā kathetuṃ sakkhissāmī’’ti? Nhưng mà bây giờ ta chọn cái gì đây?
Bà con không đọc chú giải thì sẽ hiểu lầm chỗ này ngài bị kẹt. Giống như Đức Phật gọi đem ra đây bộ bình trà, ngài không biết đem bộ gốm sứ Giang Tây, Cảnh Đức hay bộ của Pháp của Anh, của gốm sứ Nhật v.v… Khi ngài đang phân vân như vậy, Đức Thế Tôn mới gợi ý.
Atha satthā cintesi – ‘‘ṭhapetvā maṃ añño pattaṃ ādāya caranto sāvako nāma paññāya sāriputtasamo natthi. Lúc bấy giờ bậc đạo sư suy nghĩ – ngoại trừ ta ra thì không có ai trong ta bà vũ trụ này có trí tuệ giống như Xá Lợi Phất.
Ayampi mayā pañhaṃ puṭṭho yāva tatiyaṃ tuṇhī eva. Vậy mà ta hỏi đến ba lần mà Xá Lợi Phất vẫn im lặng
Pañhe nu kho kaṅkhati, udāhu ajjhāsaye’’ti. Ngài suy nghĩ thêm, Xá Lợi Phất im lặng vì bản thân không hiểu hay quá nhiều cách hiểu.
Atha ‘‘ajjhāsaye’’ti ñatvā pañhakathanatthāya nayaṃ dadamāno bhūtamidanti, sāriputta, passasīti āha. Biết đây rõ ràng là do Xá Lợi Phất quá giỏi, quá nhiều cách hiểu nên Ngài mới gợi ý cho ngài Xá Lợi Phất, Ngài gợi ý bằng cách dùng chữ ‘bhūta’.
Khi Ngài hỏi ‘sankhatadhamma’ ở đây là gì, ngài Xá Lợi Phất khi nghe được chữ bhūta thì lập tức trả lời bằng lý Duyên Khởi trong năm uẩn.
Chỗ này đọc bản tiếng Việt kỳ lắm: “6) — Cái này được sinh thành. Bạch Thế Tôn, vị ấy với chánh trí tuệ thấy như chơn cái này được sinh thành. Sau khi thấy như chơn với chánh trí tuệ, lại thực hành sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với cái được sinh thành, vị ấy thấy với chánh trí tuệ, sự tục sanh do một loại đồ ăn. Sau khi thấy như chơn với chánh trí tuệ sự tục sanh do một loại đồ ăn, vị ấy lại thực hành sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt sự tục sanh do một loại đồ ăn.”, nhưng nếu mình diễn dịch lại theo chú giải thì sáng trưng như thế này:
Vị thánh đệ tử nhìn thấy mọi sự có mặt đều do nhân duyên, chánh kinh gọi là ‘đồ ăn’, do thấy mọi sự đều lệ thuộc nhân duyên mà có nên vị ấy nhàm chán, coi nhẹ. ‘Đồ ăn’ ở đây phải được hiểu là nhân tố dẫn đến sự có mặt. Không gì ở đời này lại ngẫu nhiên mà có hoặc nhờ vào một điều kiện nào đó mà có, tất cả đều do vô số nhân duyên mà có mặt. Năm uẩn đời này là Duyên khởi cho năm uẩn đời sau. Bữa ăn bây giờ, nếu bằng phiền não sẽ là điều kiện cho những bữa ăn sau này trên dòng sinh tử. Sự sống chết hôm nay sẽ là nhân duyên cho sự sinh tử sau này trên dòng luân hồi. Buồn vui hôm nay sẽ là nhân tố cho buồn vui sau này. Sự có mặt hôm nay sẽ là nhân tố cho sự có mặt sau này.
Bây giờ mình đi cày như con trâu để có tiền mua đồ ăn, nhưng bị bệnh không thuốc, đói không đồ ăn, lạnh lẽo không chăn mền thì chỉ có chết, chính vì sự sợ chết hôm nay mà mình mới đi làm các nghiệp, mua sắm, đầu tư, chắc chắn có dối trá, tham đắm, phiền não, sân hận, để có đồng tiền để sống, sống để đi làm việc, làm việc để có điều kiện mà sống, cứ như vậy.
Sự có mặt của mình, tiếng Pāḷi là “bhūta” (to be). Trong văn học Anh có câu nổi tiếng “to be, or not to be, that is question” (Có hay không, đó chính là vấn đề; sống hay chết, đó là vấn đề, phải hay không phải, đó là vấn đề).
Câu nói của ông Stalin: người chết hết chuyện. Câu này hiểu sao cũng được, hiểu theo nghĩa tầm bậy: người chết thì mọi sự mới yên; hiểu theo Phật pháp thì “còn có mặt thì còn có chuyện, còn sinh sự thì sự sẽ sinh”.
Những lần nào tôi xem phim mà kết cục có hậu, sau khi trắc trở chia cách thì vợ chồng, người thân, người yêu về lại với nhau, khi phim xuất hiện chữ The End (Kịch chung) lập tức theo thói quen nghề nghiệp trong đầu tôi hiện lên câu “chưa đâu”. Chàng với nàng, đôi bạn thân, người thân với người thân sau bao ly tán gặp nhau tay trong tay hết phim, nhưng chưa đâu, cứ ở chung đi rồi biết, sẽ nảy ra vấn đề. Một cặp tình nhân, chỉ cần xuất hiện vấn đề thì sẽ có kẻ thứ ba, hoặc những vấn đề bất đồng, sẽ càng lúc càng lớn. Người thân lâu lắm gặp nhau thì mừng chớ thưa thật với bà con tôi không tài nào hình dung được ở tuổi bốn mấy này tôi trở về sống bên cạnh người thân máu mủ của tôi. Thà ở xa để nhớ ở còn hơn ở gần có vấn đề. Mỹ có câu: xa tốn xăng, gần tốn hơi.Tôi nhìn những gia đình, buổi họp mặt tay bắt mặt mừng tôi ngại lắm, không biết kéo dài bao lâu, vì tôi biết chắc chắn sẽ nảy sinh vấn đề. Ở đây tôi có người quen, họ hộ trì cho mình, nhưng mỗi lần họ báo họ sắp qua, tôi sợ lắm. Họ xách cho mình một bao gạo, họ dọn chỗ nhà bếp của mình cứ than phiền tại sao cái này thế này, sao cái kia như thế kia, chỉ một bao gạo mà họ làm má của mình suốt mấy tiếng đồng hồ. Trong kinh có nói một hình ảnh rất là hay, một lần Bồ tát nhìn thấy người đeo hai chiếc vòng trên tay kêu leng keng, ngài thấy ở một mình không ồn, ở chung là phải khua. Nghĩ vậy mà ngài bỏ đi tu. Các nhân duyên hội đủ thì lập tức sẽ tạo ra cái gì đó, tốt xấu chưa biết, dĩ nhiên xấu nhiều hơn tốt và không cái tốt nào là vĩnh cửu. Hiểu được điều này, vị thánh đệ tử nhàm chán mọi sự có mặt, tiếng Pāḷi gọi là Bhūta. Nội dung kinh chỉ có vậy. HT Nhất Hạnh có nghĩ ra từ ‘being’ và đề nghị chữ ‘inter-being’ từ chữ Bhūta. Nghĩa là mọi sự là ‘being’ và phải ‘inter-being’, kết nối và lệ thuộc lẫn nhau. Mọi sự do duyên mà có và luôn trong tình trạng trở thành cái khác. Một cái hoa đẹp mua về cắm trong bình ngắm thì rất đẹp nhưng bằng cái nhìn rốt ráo và sâu sắc của hành giả thì chúng ta sẽ phải thấy rằng cái hoa này đang trong tình trạng trở thành cái khác, nghĩa là đang héo dần. Hiện giờ trước mặt tôi đang có bình hoa khô, tôi muốn dẹp mấy ngày nay rồi nhưng làm biếng, rồi cuối cùng tôi thấy sự lười biếng có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Cái hoa hồng khi tươi đẹp theo kiểu khác, khi khô đẹp theo kiểu khác, nhìn giống như di ảnh của người xưa, như tà áo của người quá cố, như cái kính lão của bà ngoại để lại cho mình, cũng có cái duyên cái đẹp của nó. Dĩ nhiên hoa nào cũng đẹp nhưng đừng bao giờ là hoa huệ, trên mà khô rồi thì nước bên dưới chỉ có nước kêu trời. Bài kinh Bhūta vừa rồi nếu mình không học với tập thể và cũng không được nghe giải thích thì bài kinh đọc sẽ không hiểu. Cái lợi của lớp học như thế này là bằng vào sự gia trì của đại chúng, cộng với lời giải thích thì kinh nào cũng có thể hiểu được, mình không còn sợ kinh nữa, sợ nhất là sợ kinh cắn, rồi ai in cứ rước về để đó rồi lãng quên, mai này mình già chết, con cháu đem gởi lên chùa. Trường hợp này rất nhiều, cách đây một hai năm, có ông nào đó bên Houston chết, không biết người nhà sợ hay sao mà gọi phone cho một người quen của tôi bảo thích thì cứ lấy tất cả sách vở. Người quen của tôi đọc các tên sách và tôi chọn lấy vài cuốn mà tôi không có. Cổ gởi cho tôi số sách tôi chọn, trong đó có cuốn còn có cả phong bao lì xì có ba bốn trăm đô la bị mốc vì lâu quá. Tôi gọi phone cho cổ nói về cái bao thơ xưa thật là xưa đó, và cổ gọi cho người nhà người quá cố thì họ nói ngay là tôi có thể giữ cái bao thơ đó, ngậm ngùi như vậy. Ngài Nhất Tâm ở Hawaii cũng vậy, ngài tịch xong người ta đem hết sách về cúng ở Tampa, vì ở đó không ai xài hết. Vì vậy không có gì buồn cho bằng hồi còn sống mình không đọc sách xem kinh, cứ thỉnh mà không đọc. Chỉ có người bán sách là mừng. Kinh điển cũng vậy, bà con làm ơn bỏ giùm suy nghĩ này: cư sĩ có quyền không học Phật pháp. Đây là suy nghĩ rất kỳ cục, vì trong kinh không ép cư sĩ hành trì như người xuất gia nhưng kinh xác nhận mọi phàm phu đều có luân hồi, sinh tử giống nhau, cho nên, nếu người xuất gia còn phàm thì họ có trách nhiệm với bản thân họ trong dòng sinh tử như thế nào thì cư sĩ cũng là khách trầm luân trên dòng sinh tử đó cũng phải có trách nhiệm học giáo lý cho mình và cho đời. Khi quí vị am tường giáo lý, ai có thắc mắc mình cũng giúp được cho người ta. Mình đi chùa mà người ta hỏi Phật pháp mình ấm a ấm ớ thì kỳ lắm, mình buộc người ta nghĩ mình cuồng tín, đi theo một tôn giáo mà chẳng hề biết tôn giáo đó nói cái gì. Hỏi một giáo dân VN về kinh thánh, họ trả lời lưu loát ngay. Tiếp theo là bài kinh Kaḷāra.
KALĀRA
Bài kinh này có nội dung tóm tắt như sau: ngài Kaḷāra đến gặp ngài Xá Lợi Phất báo tin một sư bạn của mình vừa hoàn tục. Ở đây HT Minh Châu dịch sát là “từ bỏ học tập” trong khi đó chữ “sikkham paccakkhati” nghĩa là ‘xả giới’. Có lẽ vì ngài là Bắc Tông nên chữ này đối với ngài là xa lạ. Một ông sư không muốn tu nữa thì đến vị sư khác đọc câu “aham sikkham paccakkhani”, tôi xin hoàn tục, tôi xin xả giới mà tôi đã thọ. Tôi nhớ bữa trước trong facebook có người hỏi tôi, ông cảnh sát bắn người ta chết thì có phạm giới sát sanh không. Tôi trả lời ông ấy gây nghiệp sát sanh chớ không phạm giới sát sanh. Anh ta vẫn không hiểu mới hỏi ngược lại tôi, nếu không phạm giới sát sanh thì ai không thọ giới thì có quyền sát sanh hay sao. Có đám cưới mới có ly dị chứ, có thọ giới mới có phạm chứ. Một nhà sư mà đi buôn lậu thì phạm cùng lúc hai tội trong luật đời và luật đạo. Với luật đạo thì buôn lậu phạm giới trộm cắp vì trốn thuế, theo luật đời thì phạm tội trốn thuế. Người không tin Phật thì khi buôn lậu chỉ phạm luật đời. Có trường hợp phạm giới mà không mắc nghiệp; có trường hợp mắc nghiệp mà không phạm giới; có trường hợp vừa phạm giới vừa mắc nghiệp. Ví dụ, một vị tỳ kheo có đối với chỗ thường trú của mình phải có những bổn phận sự, trách nhiệm vụ của mình; ví dụ phải dọn dẹp chỗ ở, đối với khách tăng thì vị tăng thường trú phải chăm sóc v.v… nếu không làm thì là phạm luật, khách tăng đến mà không tuân thủ theo qui định dành cho khách thì cũng là phạm luật, những vi phạm này chỉ là không có phước chớ không mắc nghiệp. Trường hợp háy nguýt, nói cạnh khóe cho người ta đau lòng trong luật không cấm thì đây là mắc nghiệp mà không phạm giới. Vừa phạm giới vừa mắc nghiệp là trường hợp như sát sanh.
Khi ngài Kaḷāra báo tin như vậy, ngài Xá Lợi Phất nói vì vị sư bạn kia không tìm thấy niềm vui trong Phật pháp. Câu trả lời này rất hay, cũng ngầm nhắc nhở Kaḷāra. Lúc đó ngài Kaḷāra hỏi ngược lại, vậy bản thân ngài Xá Lợi Phất có vui trong Phật pháp không. Ngài Xá Lợi Phất nói ngài có niềm vui, chắc chắn và không nghi ngờ gì hết. Ngài Kaḷāra nghe câu trả lời thì khó chịu, đến méc Đức Phật là đã hỏi ngài Xá Lợi Phất và ngài ấy trả lời như là mình là A-la-hán vậy. Đức Phật biết đã đến lúc phải thuyết pháp cho chư tăng nên gọi một tỳ kheo và nói: hãy nhân danh ta cho mời Xá Lợi Phất đến đây. Khi ngài Xá Lợi Phất đến, Đức Phật hỏi: Có đúng là ngươi đã xác nhận mình là A-la-hán hay không? Ngài Xá Lợi Phất trả lời: Nguyên văn “ta là vị A-la-hán, ta là người không còn luân hồi nữa” thì con chưa hề nói một chữ nào như vậy hết. Con chỉ trả lời con chắc chắn tìm được niềm vui trong đạo. Đức Phật trả lời, nếu mai này có người hỏi thẳng ngươi: Xá Lợi Phất có phải là A-la-hán không thì Xá Lợi Phất trả lời như thế nào. Thưa với bà con chỗ này mà đọc bản tiếng Việt chỉ có khóc ròng: “Vì rằng này Hiền giả, trong (danh từ) tận diệt, ta hiểu được là sự tận diệt của nhân, chính do nhân ấy sanh sanh khởi. Sau khi hiểu được nghĩa tận diệt trong (danh từ) tận diệt, ta mới biết: ‘Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.” Trong khi bản tiếng Pāḷi của người ta sáng trưng. Bởi vậy nếu tôi có người nào tôi thương nhất đời và còn có khả năng học, chịu nghe lời tôi, thì tôi đề nghị họ học tiếng Pāḷi. Không có gì thê thảm cho bằng mình coi kinh điển mà đi đọc bản dịch của người ta, rầu dữ lắm.
‘yaṃnidānā, āvuso, jāti, tassa nidānassa khayā khīṇasmiṃ khīṇāmhīti viditaṃ. Khīṇāmhīti viditvā – khīṇājāti vusitaṃ brahmacariyaṃ kataṃ karaṇīyaṃ nāparaṃ itthattāyāti pajānāmī’
Dịch sát: Sự sanh có mặt từ nhân duyên nào, nay nhân duyên ấy đã bị chấm dứt. Khi biết vậy thì ta cũng đồng thời biết rằng mình không còn tái sanh nữa. Lý tưởng tu hành đã hoàn mãn, chuyện nên làm đã làm xong, sau kiếp này không còn đời sống nào khác nữa.
Ở đây là ngài Xá Lợi Phất trình bày lý Duyên khởi, cho thấy ngài thấy rõ mọi sự đều do duyên, đặc biệt những cảm giác buồn vui đều do những nhân tố tạo nên. Nhân tố phù du thì những buồn vui đó cũng phù du. Với người như vậy thì làm sao có chuyện thấy mình là quan trọng rồi khoe khoang tôi thế này, tôi thế kia.
Câu trả lời của ngài Xá Lợi Phất rất khéo, ngụ ý hai điều, thứ nhất, trước mặt Thế Tôn ngài nói thật, ngài là một người đã đắc chứng, và cũng nói rằng chuyện đắc chứng đó không có gì để khoe, chỉ là sự hết bịnh của một người bịnh. Giải thoát hay thánh trí chỉ là sự kết thúc một cuộc chơi không ra gì thì lấy chi mà tự hào, tự đắc.
Dĩ nhiên mình phải tôn kính thánh nhân. Nhưng bản thân vị thánh thì tự thấy việc giác ngộ của họ chẳng là gì hết, chỉ là sự ra tù, sự xuất viện. Có ai ra tù đứng vỗ ngực tự hào khoe khoang bữa nay tôi ra tù hay không? Tôi coi phim Hongkong hễ ra khỏi tù thì đi thẳng, không được quay lại chào, theo dân tù thâm niên nói, quay lại chào là có ngày trở vô. Ai từng nhập viện thì biết, lúc bác sĩ ký giấy xuất viện xong là vội chạy mất dép không dám nhìn lại cổng bệnh viện nữa, làm gì mà dám khoe.
Tóm lại bài kinh trên, một vị tỳ kheo đến thưa với ngài Xá Lợi Phất một sư bạn của mình vừa xả giới hoàn tục, ngài Xá Lợi Phất trả lời lý do vị đó hoàn tục là vì không tìm thấy niềm vui trong đạo. Vị kia nghe vậy liền hỏi ngài Xá Lợi Phất có tìm thấy tìm vui không, ngài Xá Lợi Phất trả lời chắc chắn có, không nghi ngờ gì hết. Từ câu trả lời này, vị tỳ kheo kia đến thưa với Đức Phật là tôn giả Xá Lợi Phất khoe mình là vị A-la-hán. Thời đó thánh nhiều lắm nên một câu nói chỉ sơ ý thì người ta sẽ nghĩ là mình khoe mình đắc thánh. Đọc chỗ này tôi thấy hoan hỉ lắm, thời Đức Phật thánh nhân rất là nhiều, nhiều đến mức người ta có thể nghĩ về nhau như vậy. Chứ không phải như thời nay, thời nay có nói gì người ta nói mình nổ.
Đức Phật gọi ngài Xá Lợi Phất đến và hỏi ngài Xá Lợi Phất có khoe vậy không, ngài Xá Lợi Phất trả lời, nguyên văn khoe như vậy thì không, nhưng nhân đây con xin thưa rõ hành trình giác ngộ theo con được biết là như thế này, là sự thấy rõ 12 Duyên khởi, thấy rõ tất cả niềm vui nỗi buồn đều là phù phiếm và với một người như vậy đó thì sự đắc chứng có gì để khoe nếu có thật. Đắc chứng bằng sự thấy mọi sự là phù phiếm thì làm sao có gì để khoe nữa.
Sau khi ngài Xá Lợi Phất trả lời xong rồi, Thế Tôn đã đứng dậy đi vào tịnh xá, ngài Xá Lợi Phất xác nhận với chư tăng: Hồi nãy nếu Thế Tôn có hỏi ta một câu hỏi tương tự như vậy mà trong một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày thì ta hoàn toàn có thể trả lời cho Thế Tôn. Đây là điểm đặc biệt nữa. Chính ngài xác nhận rằng ngài không khoe, nhưng tại sao ngay chỗ này ngài nói như vậy? Chỗ này rất đáng lưu ý. Đó là khi ngài đã nói thiệt ra mọi sự thì mọi người đều biết rằng ngài không có lý do gì để khoe hết, và ngài biết lúc này là lúc tốt nhất để ngài nói ra một sự thật: nếu các hiền giả có tu tập, suy tư hiểu giáo lý một cách tử tế, thì từ một vấn đề nhỏ các hiền giả có thể thấy ra vô số vấn đề khác. Đây là lợi ích của một người có tu học tử tế. Đây là lời của ngài Xá Lợi Phất sách tấn anh em. Đây cũng chính là lời mà trong kinh tán thán ngài Xá Lợi Phất.
Trong kinh nói ngài Ānanda có trí nhớ siêu phàm. Trong một dấu chân con bò thì không thể nào có một khối nước khổng lồ như đại dương, trong trí óc một con người bình thường không thể nào có khả năng nhớ giỏi như ngài Ānanda. Còn về ngài Mục Kiền Liên thì trong kinh nói trong nháy mắt ngài có thể biến hiện ra ngàn cách. Riêng ngài Xá Lợi Phất thì được gọi là đệ nhất trí tuệ vì một vấn đề ngài có thể hiểu ra vô số cách. Tôi từng thưa với bà con, câu “Phật pháp bất ly thế gian pháp” nếu hiểu đúng thì hay không tưởng tượng được. Câu này có nhiều khía cạnh, nhưng có một khía cạnh là không có cái gì mình nhìn thấy chung quanh mình mà không liên hệ với Phật pháp. Chỉ tiếc mình không có thời gian. Ví dụ mình nhìn trên bàn thấy có trái cam, thấy trái chanh, cái ly, trái ổi, con dao, đồng hồ, cái phone, từng món tôi vừa kể hoàn toàn đều có thể là đề tài để mình liên tưởng về Phật pháp rất là hay. Tôi nhớ tôi đã từng có một loại bài giảng mang chủ đề Buddhist Anatomy. Một tuần lễ nào đó mà ngán nghe Tương Ưng thì dành ra ít thời gian để tôi chia sẻ một loạt bài giảng về chủ đề này. Có nghĩa là từ bàn chân tôi giảng từ từ lên tóc luôn. Thí dụ nhìn lòng bàn chân của mình thì mình nghĩ cái gì trong Phật pháp. Nhìn mắt cá, đầu gối, thắt lưng, eo, rún, cổ, cằm… của mình, mình sẽ có liên tưởng nào trong Phật pháp. Đây là tôi vô tôi giảng cho vui thôi, chớ như một lớp học có giấy có có mực đàng hoàng tôi sẽ thử đề nghị các vị, mỗi người nhìn lòng bàn chân, mắt cá, hay cái rún… nghĩ đến chuyện gì trong Phật pháp. Tôi muốn có một dịp làm cái test với bà con, nhưng khổ nỗi, ngàn dặm thiên nhai. Tôi mong mỗi năm mình có một buổi họp mặt đâu đó rất dễ đi như Thái Lan, người trong nước cũng dễ ra mà bà con ở ngoại quốc cũng dễ đến, ẩm thực cũng dễ. Miến Điện thì ăn uống lạnh xương sống, tôi thương Miến Điện lắm, đồ Miến Điện không nguội, không lạnh, không dơ, không ruồi muỗi, không phải là Miến Điện. Nếu có dịp mình gặp nhau bên đó khoảng chừng tuần lễ hay nửa tháng thì rất vui. Chẳng hạn như có một chỗ tôi giới thiệu được nè, đó là nhà nghỉ của Đại học Mahachulalangkorn, Bangkok. Giá rất rẻ, mình hoàn toàn có thể ở bốn người trong một phòng. Khoảng ba mươi người trở lại trong mười ngày thì tôi xin cúng dường chỗ ăn chỗ ở. Còn chuyện mua sắm hay đi lại thì tự giác. Mua sắm thì tôi không biết quí vị mua gì, còn đi lại thì tôi không biết quí vị đi bao nhiêu lần, đi bao xa. Ở đó một đêm là 20usd, một phòng ở được bốn người. Mười phòng mười đêm thì cũng không bao nhiêu, có hai ngàn đồng. Cái này tôi cúng được, tôi không giàu, chỉ xài tiền bán sách, năm nay sẽ in thêm tập thơ. Hồi nãy tôi cố ý dịch sai một chữ, người VN cũng trời ơi lắm, thương mình thì không nói gì, nếu ghét thì nói xấu. Đúng cái này là hotel mà tôi gọi là nhà nghỉ, cái tầm nó phải là ba sao, nằm trong khuôn viên của trường Đại Học PG, nên các vị nhìn quanh sẽ thấy chư tăng đỏ trời. Các chùa trong nội thành, sáng là xe bus chở chư tăng đến, rồi chiều xe tập trung đến chở đi về lại các chùa, nên buổi trưa bà con thấy chư tăng đỏ trời. Bà con mà là hành giả thì ăn cơm miễn phí trong học viện, nếu bà con thấy đồ ăn không vừa ý thì xuống cantin đặt riêng. Sát bên thì có những siêu thị cực lớn, bà con hoàn toàn có thể ăn cho mập thây của mình rồi về học tiếp. Và một điều dễ thương nữa là mỗi sáng sớm lúc bốn rưỡi có khóa thiền cho đại chúng bà con muôn phương về đó qua đêm hoặc nơi khác tới cũng có, hành thiền sáng sớm ngồi với nhau và ăn uống miễn phí. Cái gì miễn phí thì cái đó đạm bạc, nhưng thực phẩm Thái Lan rất phong phú, còn mùa trái cây thì ăn cho chết. Nhiều thì tôi không dám, nhưng ba mươi người trở lại trong mười đêm thì tôi đủ sức cúng, và tiền này là do mồ hôi nước mắt của tôi. Đó là sự họp mặt rất là tuyệt vời. Cũng phải bỏ đi cái suy nghĩ, gặp ông sư là mình phải cúng bao thơ, đây là suy nghĩ rất là bậy, trong đời này cái gì cũng có thể xảy ra, có trường hợp ông sư gặp mình ông sư phải tốn tiền nữa chứ. Nếu mình nghĩ gặp ông sư mình nên làm phước là chủng tử tốt, nhưng nếu nghĩ gặp ông sư là mình phải tốn tiền thì đó cũng là một chủng tử bất thiện.
NHỮNG CĂN BẢN CỦA TRÍ (Ñāṇavatthusutta)
Những căn bản của trí, gồm 44 trí. Vấn đề ở đây là phải thuộc lòng chi pháp của 12 Duyên khởi. Nếu mà bà con nắm Phật pháp cứng thì chuyện hồi nãy tôi nói hy vọng làm được. Nếu mình gặp nhau chỉ để chơi không thì chỉ để gặp nhau một lần trong đời thôi, còn Phật pháp cứng thì gặp nhau vui đặc biệt lắm.
Vô minh là vô minh trong bốn đế.
Ba Hành là phi phúc hành, phúc hành và bất động hành
Phi phúc hành là 12 bất thiện. Phúc hành là thiện Dục giới và thiện Sắc giới. Bất động hành là thiện Vô sắc. Nói gọn, thiện ác đưa mình đi tái sinh Tam giới thì gọi là ba Hành.
Thức là 32 tâm quả có từ thiện ác đã nói ở trên.
Danh sắc là danh sắc đầu đời ở mỗi kiếp sống. Danh sắc đầu đời quyết định ta có đủ 6 căn hay không. Ở cõi Dục, phước đầy đủ thì có đủ 6 căn và hưởng được 6 trần như ý, thiếu phước một chút thì có đủ 6 căn nhưng 6 trần tốt xấu bất chừng. Vô phước chút nữa thì khiếm khuyết các căn. Ở cõi Sắc giới thì do ly dục nên chỉ có 3 căn là nhãn, nhĩ, ý căn. Ở cõi Vô sắc thì do ly tham trong sắc pháp nên chỉ còn ý căn, (chỉ có mind không có body).
Tái sinh bằng tâm quả Dục giới thì sanh vào cõi Dục giới. Tái sanh bằng tâm quả Sắc giới thì sinh về cõi Sắc giới. Tái sinh bằng tâm quả Vô Sắc giới thì về cõi Vô sắc giới. Danh sắc đầu đời quan trọng lắm, nó quyết định mình có đủ 6 căn hay không. Kể tổng quát là Lục nhập, thực tế có chỗ danh sắc duyên cho một nhập (ý nhập) hoặc ba nhập (nhãn, nhĩ, ý), có chỗ ngũ nhập, tứ nhập, tam nhập, nhị nhập, vì cõi Dục có những loài động vật không có mắt, không có mũi, ở cõi Dục giới mà không đủ thì do nó thiếu phước. Trường hợp có đủ 6 căn nhưng 6 trần tốt xấu bất định, nghĩa là có lúc khổ như điên, nhiều lúc lưỡi phải ăn những thứ mình không muốn, mũi phải nghe mùi mình không muốn, thân của mình bị nóng lạnh, trầy xước mà mình không muốn. Ý của mình phải lo toan những chuyện đau buồn. Người có phước thì suốt mùa thu họ chỉ thấy những cái họ muốn, nghe những cái họ muốn. Tôi không phải thượng lưu quý tộc, tôi chỉ đứng bên ngoài nhà người ta liếc trộm, có những nhà Âu Mỹ, tiền của họ chết đi sống lại ba đời xài không hết; về bất động sản thì họ chỉ liếc miếng đất là biết mua có lời, mua một triệu bán lại năm bảy triệu là chuyện thường, họ nhìn trái đất này quá nhỏ, họ tiếc sao không lớn lên để họ đi cho thỏa, trong khi mình không biết cả đời đi hết một châu lục không. Tôi ghét chính phủ Tàu, cơ chế chính trị của Tàu, ghét văn hóa xã hội hiện nay của Tàu nhưng tôi thương phong cảnh Tàu, thương văn hóa truyền thống của Tàu, tôi mơ một ngày nào đó đứng trên Phong Vũ Kiều của Trùng Khánh, tôi mơ một ngày trở lại Tô Châu, Hàng Châu, một ngày nào đó được thăm Đôn Hoàng, Bắc Kinh, Thượng Hải. Nhưng tôi biết có những người hoàn toàn có thể lui tới những nơi đó có bác sĩ riêng theo cùng, có người book sẵn máy bay, du thuyền, gia nhân phục dịch. Sáu căn của họ biết toàn cảnh tốt, còn mình đủ 6 căn nhưng cái biết khi vầy khi khác, bất định vô chừng. Ở cõi Sắc giới có ba căn không phải do vô phước vô phần mà do ly dục nên chỉ giữ những căn nào thật sự cần thiết (nhãn căn, nhĩ căn), đây là phương tiện, lợi khí để làm việc. Đó là dấu vết sau cùng của một người hữu sắc. Nếu không có nhãn nhĩ thì họ thành người vô sắc. Phạm Thiên còn lại hai căn vì đề mục của họ có liên hệ nhãn nhĩ, họ không còn thích cảnh dục nhưng vẫn còn thích sắc pháp. Và họ còn dùng mắt dùng tai để làm việc thiện như là nhìn ngắm lắng nghe chư Phật, nhìn ngắm lắng nghe chúng sinh, giúp đỡ chúng sinh. Phải nói chữ ‘quán thế âm’ rất đáng để xài cho Phạm thiên. Ở trong văn hóa PG Nam Tông có biểu tượng một vị bốn mặt, cái này xuất phát từ Bà-la-môn giáo. Bốn mặt tương trưng cho khía cạnh thần học như thanh tiếng dị diệt, ba mặt tượng trưng cho ba vị thần Brahma, Vishnu, Shiva. Riêng trong PG, hình ảnh Phạm Thiên bốn mặt tượng trưng cho từ, bi, hỷ, xả. Ngay cả Đế Thích tốt bụng như vậy nhưng không phải lúc nào đối với chúng sinh cũng có từ tâm. Riêng các vị Phạm thiên thì lúc nào cũng an trú từ tâm khi nhìn về chúng sinh, vì vậy từ, bi, hỷ, xả được gọi là bốn Tâm Phạm Trú Brahmavihara. Phạm Thiên không còn tâm sân, không còn dục ái. Ở đây có điểm tương đồng mình phải thấy: trong các tầng thánh, vị A-na-hàm không còn dục ái nên không còn trở lui cõi Dục, vị A-na-hàm không còn tâm sân nên không còn trở lui cõi Dục. Phạm thiên phàm phu dầu là tạm thời họ vẫn là phàm nhưng trong thời gian ở trên đó họ không có Dục ái và tâm sân vì cõi Sắc giới không có chỗ chứa cho hai phiền não này. Hễ còn Dục ái là còn sân, ở đâu có sân thì ở đó có Dục ái, chỉ có cảnh dục mới là điều kiện để mình khởi tâm sân. Cảnh thiền muôn trước và muôn sau trước sau chỉ có một mà thôi, giả định như mình đắc thiền sống một tỷ năm thì năm đầu tiên mình nhập thiền, cảm giác an lạc do thiền định mang lại như thế nào thì một tỷ năm sau cảnh đó y vậy không khác. Nhưng cảnh Dục thì không, mình thích ăn bánh xèo mà họ bắt mình ăn tám cái thì mình không thèm ăn bánh xèo nữa. Thích ăn sầu riêng mà ăn ba ngày ba đêm thì hết thèm. Cũng con người đó ngày xưa thương không kịp, mất ăn mất ngủ vì họ mà bây giờ mất ăn mất ngủ vì họ không chịu ký tên li dị. Ngày xưa chỉ cái chỗ ngồi khi người ta đi về rồi mà lưng ghế còn phảng phất mùi hương là đủ chết rồi, giữa đám đông mà nghe mùi nước hoa là giật mình, tưởng người ta sau lưng mình. Còn bây giờ đi về đến đầu ngõ, thấy đôi dép nhựa, biết bả có mặt ở nhà là mình muốn đi luôn. Cảnh dục tệ một chỗ là có lúc nó dễ thương lắm nhưng có lúc làm cho mình chán. Riêng cảnh thiền thì không. Đó là lý do ở đâu có Dục ái, ở đó có tâm sân. Ở đâu có tâm sân, ở đó có Dục ái, và vị A-na-hàm tuyệt đối không còn Dục ái và sân. Phạm thiên tương đối không còn sân và Dục ái.
Lục nhập duyên cho Xúc. Ở đâu có lục nhập, ở đó có 6 xúc. Xúc là sự gặp nhau giữa 6 căn, 6 cảnh, 6 thức. Xúc (trayasamnipata) là sự giao thoa giữa căn, cảnh, thức.
Hễ có 6 Xúc là có 6 Thọ. Không bao giờ có chuyện mắt nhìn mà không có cảm giác. Mắt nhìn là phải có cảm giác, tai nghe là phải có cảm giác, vui, buồn hay hững hờ. Đối với bậc thánh thì nóng hay mát chỉ biết nóng hay mát, còn đối với mình thì tham hoặc sân xuất hiện. Nhiều vị khi giảng 6 thọ sanh 6 ái bị hiểu sai, khi được hỏi vì sao 6 thọ sanh 6 ái không xuất hiện tâm sân mà sao xuất hiện tâm tham ở chỗ này. Các vị giải thích rằng khi gặp cảnh ngọt ngào thì thích đã đành, còn khi nào gặp cảnh cay đắng thì người đó vẫn liên tưởng đến cảnh ngọt; giải thích như vậy là không chính xác. Phải giải thích thế này, Đức Phật đang nói đến lý do tại sao mình sinh tử, khi đã nói đến lý do sinh tử thì Ngài không nhắc đến tâm sân trong chỗ này, Ngài đang nói đến trường hợp vì sao 6 căn đời này tạo ra 6 căn của đời sau, ngay chỗ này Ngài phải nói đến tâm tham. Sáu thọ sinh ra 6 ái, từ 6 ái mới sinh ra 4 thủ. Ngài nói đến sự hình thành của dòng sinh tử thì bắt buộc phải nói đến tâm tham ở chỗ này thôi. Không nhất thiết phải gồng để tìm cách giải thích tâm sân ở chỗ này. Chỗ này Ngài nói đến trường hợp vì đâu mà ra dòng sinh tử. Trong đời sống của mình, có lúc nào mình nghe mình nhìn mà không có thích. Thích là thường trực, thường xuyên. Không phải lúc nào 6 thọ cũng sanh 6 ái nhưng vì Đức Phật muốn nói đến hành trình nào dẫn đến dòng sinh tử thì bắt buộc Ngài phải nói đến 6 ái. Ví dụ khi người ta muốn diễn tả vì sao bị tiểu đường, người ta nói, vì có những cơ thể không có khả năng đào thải đường một cách bình thường, đường vô bị kẹt ở trong đó. Ông bà mình ngày xưa ăn uống có kiêng khem gì đâu mà vẫn sống đến chín chục tuổi. Con cháu bây giờ thuốc men đầy đủ, y học hiện đại mà nhiều khi bốn mấy, năm mươi đã dính tiểu đường rồi vì nhiều lý do: đồ ăn bây giờ phong phú hơn ngày xưa, và một phần là có những cơ thể mà khả năng đào thải đường yếu. Người ta chỉ nói vắn tắt vì sao tiểu đường, vì ăn đường nhiều quá, mà cơ thể không đào thải được. Ăn đồ ngọt vào, chất ngọt đọng lại trong đó lâu ngày dẫn đến tiểu đường. Tiểu đường thì dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng như phá nát lục phủ ngũ tạng, nghĩa là nó làm cho mọi thứ trở nên dysfunction (rối loạn chức năng) hết, không làm việc được nữa, và sau cùng đến mức tệ hại nhất là không còn khả năng tự lành vết thương. Nếu mà trầy hay lở thì chỉ ngồi nhìn mà khóc thôi, không lành được. Khi nói đến tiến trình tiểu đường, người ta chỉ nói toàn là do ăn đồ ngọt. Mình cãi: Tôi đâu phải ăn đồ ngọt không, tôi cũng có ăn cơm, ăn bánh, ăn chè ăn cháo. Người ta biết mà, người ta chỉ đang nói lý do bị tiểu đường là do ăn đường nhiều quá mà cơ thể không thải trừ được, vì nói đến tiểu đường, nên người ta chỉ nói đến toàn đồ ngọt chứ người ta đâu có nói mình ăn toàn là đường đâu. Ở đây cũng vậy khi nói đến dòng sinh tử thì Đức Phật chỉ nói đến Ái thôi. Tại sao có ái, bởi vì có những lúc các con thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng rồi các con thấy thọ hỷ, thọ xả hoặc thọ ưu, khổ một nỗi đằng sau cái thọ đó có lúc lại xuất hiện ái, thay vì phải thấy phần trí, hoặc ít nhất cũng thấy phần tâm sân. Từ sáu ái dẫn đến tứ thủ.
Tứ thủ gồm:
– Dục thủ: sự gắn chặt trong năm, cảnh dục
– Kiến thủ: sự gắn chặt ôm chặt trong cái thấy cái biết của mình)
– Giới cấm thủ: tin vào những tín điều tào lao thiên tướng, lối hành trì ngoài Bát Chánh Đạo cứu cánh không phải Niết bàn.
– Ngã chấp thủ: luôn luôn sống trong ý niệm đây là tôi, đây là của tôi. Hễ có tôi và của tôi thì có hắn và của hắn, bả và của bả, họ và của họ, anh và của anh, chị và của chị v.v… Từ chỗ có tôi và của tôi mới nảy ra vô số phân biệt rồi từ đó mình làm khổ nhau: đây là biên giới của tôi, đây là đất nước của tôi, đây là ranh đất của tôi, đây là gia đình tôi, vợ chồng tôi, tài sản tôi… Cái gì thuộc về tôi thì tôi luôn luôn muốn nó tốt đẹp, vĩnh cửu, không rời tôi. Đây là một ước muốn impossible (không thể có). Làm sao đời đời kiếp kiếp nó bên cạnh mình hoài? Làm sao đời đời kiếp kiếp mọi sự đứng yên không thay đổi? Làm sao đời đời kiếp kiếp bản thân mình có thể sống hoài không chết? Cái khổ đi ra từ cái ngã chấp. Đối với bậc thánh, các ngài nhìn bản thân mình như nhìn một người khác. Người tu hành chỉ học cách nhìn thôi. Người tu hành phải biết học cách nhìn mọi sự từ trên nhìn xuống, để thêm lòng bao dung, yêu thương tha thứ, biết ở dưới nhìn lên để có lòng ngưỡng mộ học hỏi, biết ở trong nhìn ra để quan sát, tiếp nhận, biết ở ngoài nhìn vô để cảm thông chia sẻ. Còn người nặng về ngã chấp thì không có khả năng nhìn đời từ bốn góc độ này. Quí vị để ý, lúc nào mình cũng đánh giá cuộc đời này từ góc nhìn của mình ở trong nhìn ra hết! Ví dụ mình thấy thằng Tèo con mình nó phá sao mà dễ thương, nó gặp người lớn nó không chào mình thấy nó hay, có khí phách; thằng này từ ngày biết đi biết chạy chưa thấy nó cúi đầu trước mặt ai hết, “nam nhi tất hạ hữu hoàng kim”, đầu gối có vàng, không có cúi đầu trước ai hết. Còn con người ta không biết chào thì mình nói nó thiếu giáo dục, không lễ phép. Bà xã của mình thì mình khen vui vẻ lanh tay lẹ miệng, còn người khác thì mình chê là lẳng lơ, lăn tăn, lóc chóc… Hễ cái nào của mình là nhất. “Đêm nằm ngủ ngáy o o, chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà. Đi chợ thì hay ăn quà. Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm. Trên đầu những rác cùng rơm. Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu”. Khi đánh giá vấn đề từ góc độ cảm tính, từ góc độ yêu thương, góc độ ghét bỏ của bản thân, mang tính chủ quan thiếu khách quan thì sẽ trật lất. Phải biết đánh giá vấn đề theo đủ bốn góc độ trên. Ngã chấp thủ thì không có khả năng đó, chỉ có một góc nhìn thôi. Nhìn từ một góc độ, nhìn một chiều thì dứt khoát phải là cực đoan, là phiến diện, thiển cận, ngu xuẩn.
Sáu ái dẫn đến tứ thủ. Tứ thủ dẫn đến hai hữu gồm Nghiệp hữu y hệt như Hành và Sinh hữu y hệt như Thức. Nghĩa là mọi sự đang quay ngược trở lại với tên gọi khác.
Căn bản của trí gồm 44 trí, thấy rõ Lão tử, thấy rõ tập khởi (cause) của Lão tử, sự chấm dứt Lão tử và thấy rõ con đường dẫn đến sự chấm dứt Lão tử. Cứ vậy, đối với sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, nhập (xứ āyatana), danh sắc, thức, hành, đều phải được hiểu qua 4 khía cạnh của Tứ Đế. (11 x 4 = 44 trí).
Sanh ít nhất có hai trường hợp: sanh tục đế và sanh chân đế. Sanh tục đế: sự chào đời của một chúng sinh. Sanh chân đế: sự xuất hiện của những cảm giác buồn vui thiện ác trong từng phút. Đó gọi là sanh theo khía cạnh chân đế.