Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 

Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên 

Phẩm Gia Chủ

Các Phật tử dù Nam Tông hay Bắc Tông đều biết ngũ giới, tam quy. Đó là hai chuyện gần như bắt buộc phải biết nếu là Phật tử. Có điều theo nhận xét của tôi, không mấy người hiểu tới nơi tới chốn ngũ giới. Có người nghĩ là giữ giới cho có phước, có người nghĩ giữ năm giới cho bớt tội lỗi, có người kết hợp cả hai, vừa bớt tội vừa thêm phước. Thật ra còn khía cạnh thứ ba rất là quan trọng theo nhận xét của tôi, có lẽ không nhiều những người Phật tử quan tâm đến khía cạnh thứ ba đó là nếu mình có được những thiện pháp như là tín, tấn, niệm, định, tuệ, nói rộng thêm là kham nhẫn, hành xả, từ bi, nói dài dòng là 25 Tịnh hảo, nếu có được những thiện pháp đó trong lòng của mình thì chuyện giữ năm giới là chuyện rất tự nhiên. Giống như có trồng hoa thì thấy đẹp thấy thơm. Năm giới chỉ là một phần nhỏ xíu được toát ra từ một con người có hàm dưỡng. Không thể tách rời năm giới và tâm tư người Phật tử được. Ví dụ như người có văn hóa, có giáo dục là người cư xử, ăn nói phải phép. Ăn nói phải phép cư xử phải phép chỉ là một phần toát ra từ một con người có giáo dục, ngoài hai chuyện đó thì còn bao nhiêu tính cách tốt đẹp khác nữa ở người có giáo dục. Năm giới cũng vậy, chỉ là một phần nhỏ xíu ở con người có hàm dưỡng, ví dụ, không sát sanh không phải chỉ là vì sợ tội mà vì thương chúng sinh khác. Ai cũng sợ chết, không lý nào mình đi lấy mạng chúng sinh khác. Hơn nữa một người có từ bi, hiểu đạo thì họ không thể tìm ra được lý do nào giết người khác dù giết để ăn hay để tiêu khiển, hay là trò thể thao. Chỉ riêng giới sát sanh thì đã thấy rõ ràng đó là một phần nhỏ được toát ra từ một tâm hồn hiểu chuyện có hàm dưỡng. Và một điều nữa, vạn vật trong vũ trụ này hiện hữu và vận hành trên mặt phẳng của những nguyên tắc, trật tự. Nhìn vào nếu không suy tư, không biết Phật pháp, mình nghĩ rằng có thể mọi thứ là sự ngẫu nhiên và thích làm gì thì làm. Mọi sự tuy thấy xô bồ nhưng thật ra chúng đang tồn tại trên trật tự, một khi mình làm điều gì mang tính tiêu cực (sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, đâm thọc, uống rượu…) thì mình đã can thiệp vào trật tự vốn có của vạn vật. Thí dụ, như con vật đó đang sống, nó đang đi theo trật tự do nghiệp của nó và nghiệp của những chúng sanh khác, sự có mặt của nó trong bối cảnh thiên nhiên đó là một phần đóng góp. Nếu như mình cho chim ở hoặc chim ăn, thì mình cũng can thiệp nhưng theo hướng tích cực. Khi mình sát sanh là mình can thiệp một cách tiêu cực vào dòng chảy của vạn hữu. Chúng ta sống ở đời có hai cách can thiệp: tiêu cực và tích cực. Một người Phật tử thấy điều này thì không thể nào hành động tầm bậy được. Một người giữ được năm giới thì họ đã có đóng góp rất lớn cho thế giới. Nếu như một buổi chiều vắng, một đêm khuya, mình có mặt trên con đường làng, nơi ven đồi, một bìa rừng mà yên tâm thanh thản bước đi an toàn không sợ hãi thì quá tốt, đàng này chính sự có mặt của những con người xấu khiến cho những nơi này không còn an toàn nữa. Rõ ràng chúng ta đã mất đi một phần của thế giới. Nói như vậy có nghĩa là khi anh là một người tốt, chẳng những bản thân anh tốt mà còn ảnh hưởng đến cả thế giới nữa. Khi mỗi cá nhân không có tật cướp giựt, cưỡng bức người có tiền, cưỡng bức phụ nữ, người già, thì xã hội thanh bình, an toàn hơn; những con đường làng ven đồi ven rừng sẽ đẹp biết chừng nào. Khi mình sống bất thiện thì bản thân mình là thùng rác mà thùng rác này còn có sự lan tỏa ra xung quanh. Ai đi du lịch thì biết, có những quốc gia người ta khuyến cáo có những đoạn đường không an toàn, vì ở đó có sự có mặt của những con người không có năm giới. Vì vậy, khi anh có năm giới thì anh không có thù hận, không có gieo rắc sự sợ hãi cho người khác.

Đức Phật dạy có ba sự bố thí: tài thí (chia sẻ tài sản), pháp thí (chia sẻ Phật pháp), vô úy thí. Vô úy thí là sống như thế nào đem lại yên tâm không sợ hãi cho người khác. Khi sát sanh là mình đang can thiệp một cách thô bạo vào dòng chảy trật tự của thế giới đang vốn có. Người ta đang có đực cái, trống mái, có cha có mẹ, có anh có em, đùng một cái bị giết chết. Nếu con chim mẹ bị giết thì những chim con sống với ai, trong đêm tối mùa đông ai sưởi ấm cho những con chim nhỏ này. Can thiệp một cách thô bạo vào chúng sanh khác là đang can thiệp vào dòng chảy của thế giới. Vì vậy người có năm giới là người sống hòa bình và sống có đóng góp.

“Thế Tôn nói với Gia chủ Anàthapindika đang ngồi xuống một bên: Khi nào, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử nhiếp phục được năm sợ hãi, hận thù, khi nào được đầy đủ bốn Dự lưu chi, khi nào Thánh lý (nàya) nhờ trí tuệ được khéo thấy, được khéo thâm nhập…”

Đức Phật nhấn mạnh “thánh đệ tử” vì đệ tử phàm thì có thể khi vầy khi khác, có khi vì tham, giận, thương, ghét mà giữ giới hoặc không giữ giới, nhưng vị thánh cư sĩ thì dứt khoát có đời sống tự lợi và lợi tha. Khi anh tốt là anh đóng góp cho người khác. Khái niệm tiểu thừa và đại thừa tuyệt đối không phải nằm ở vấn đề giáo lý hay hệ phái mà là vấn đề cá nhân. Khi anh sống bằng tâm hồn có chia sẻ thì anh đã là đại thừa rồi. Tự nhận đại thừa nhưng tâm hồn toan tính nhỏ nhặt thì trở thành tiểu. Nói thì theo trào lưu thôi, hai chữ này là sản phẩm đời sau nên anh em mới phân biệt, vốn trong kinh điển nguyên thủy không có. Hai chữ Đại thừa tiểu thừa đối với tôi tương đương chữ thiện và bất thiện. Thiện và bất thiện không phải là khái niệm gắn chặt vào quốc gia dân tộc, đảng phái mà là vấn đề cá nhân.

Vị thánh cư sĩ phải thành tựu tuyệt đối 5 giới, không sứt mẻ, không vì lý do sợ gì, thích gì, thương gì, ghét gì mà vi phạm năm giới, kể cả bỏ mạng sống. Vị Tu-đà-hoàn có điểm khác biệt, nếu vị đó là cư sĩ có thể giữ năm hay tám giới nhưng có thể chết chớ không phạm giới này. Vị Tu-đà-hoàn đi xuất gia thì giữ giới xuất gia, có thể chết chớ không phạm giới xuất gia, đã thọ giới gì thì thà chết chớ không phạm giới. Ở đây không phải vị ấy sợ phạm giới mà là bản chất của con người không thể phạm giới. Trong kinh ví dụ giống như một người trưởng thành đầu óc bình thường thì người đó không thể nào nhảy xuống hố phân hoặc lấy phân người bỏ vô miệng được. Nếu một đứa bé hoặc người lớn bị tâm thần hoặc lú lẫn thì cái gì cũng có thể bỏ vào miệng. Đây không phải là vấn đề vệ sinh hay ai răn đe, mà là bản chất tâm lý không thể làm vậy được. Chuyện phạm giới cũng vậy, bản chất tâm lý của họ không cho họ làm việc đó. Sống có năm giới thì vị đó có thể bỏ được năm chuyện xấu có thể gây hận thù hay sợ hãi cho người khác. Gọi là thánh nhân vì tối thiểu thành tựu 5 giới và 4 dự lưu phần, tức nét đặc trưng của một vị thánh thấp nhất, Tu-đà-hoàn. Bốn Dự lưu phần gồm niềm tin không thối chuyển nơi Tam Bảo và giới hạnh tuyệt đối thanh tịnh, dù phải mất mạng hay tái sinh kiếp khác. Người phàm thì không được như vậy, cho dù là vị thiền sư pháp sư Tam Tạng thuộc lòng toàn bộ kinh điển nhưng không lấy gì làm chắc mình không vi phạm giới luật cho đến suốt đời, vì mình có thể thương thích sợ ghét cái gì đó mà phạm giới. Và cho dù vị này có thể hy sinh mạng sống để giữ gìn giới luật nhưng khi tắt thở sang kiếp khác thì chuyện giữ giới này không còn được tiếp tục nữa. Riêng vị thánh Tu-đà-hoàn thì không, ngay trong kiếp này, dù có phải chết chứ đừng nói mất mát danh lợi cũng không phạm giới, và dù tái sanh kiếp khác cũng không phạm giới. Cho nên vị Tu-đà-hoàn vĩnh viễn không thể sa đọa bốn cảnh giới khổ thú: A-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh. Bàng sinh ở đây là chỉ chung cho tất cả những loài bò, bay, máy, cựa. Vị Tu-đà-hoàn chính vì thành tựu tuyệt đối vĩnh viễn niềm tin bất thối chuyển nơi Tam Bảo dầu đời này hay kiếp khác, cộng với sự thanh tịnh vĩnh viễn của các giới đã thọ trì nên vị này được gọi là thành tựu Dự Lưu phần, tầng thánh thấp nhất.

Phàm phu có thể tin điều mình chưa hiểu hết, có thể không hành trì điều mình đã hiểu, có thể hành trì chưa đúng mức cái đang hành trì. Phàm phu có bịnh rất nặng đó là làm thiện bao nhiêu cũng thấy nhiều, ác bao nhiêu cũng thấy ít, trong khi bậc thánh không vậy, mọi sự như thế nào thì thấy y hệt vậy, không thêm không bớt, không vẽ vời, không tô màu, không áp đặt nhãn hiệu lên đó. Áp đặt nhãn hiệu là cho rằng cái này là của tôi, cái này đẹp, cái này sang, cái này nhà quê… Dĩ nhiên Tu-đà-hoàn vẫn còn phiền não, nhưng so với mình thì chỉ là một phần tỷ. Mình bình thường chưa gặp thử thách chưa gặp cám dỗ thì mình không ngờ mình hèn, mình tham sống sợ chết sợ khổ đến mức nào; khi đụng chuyện rồi mới thấy được bản chất của chính mình, mình rất tham sống sợ chết, thích tư túi, thích bon chen… Chẳng qua giờ mình đang có tiền, sống thoải mái nên mình không ngờ, chớ giờ liệng mình vô ký túc xá sinh viên, vô trong trại tỵ nạn, mỗi ngày giành nhau xô nước, hoặc đi cùng nhau Thái Lan, Miến Điện một chuyến thì thấy, ở chung phòng khách sạn mà tay nào vô phòng tắm lâu quá, mình sẽ giành vô trước ngay, lúc đó mới thấy mình sống bon chen dữ lắm, cái gì cũng sợ mất phần hết.

Vị Tu-đà-hoàn là bỏ năm cái, có được bốn cái, cuối cùng là thành tựu chánh tri kiến, tức nhận thức đúng đắn về Duyên khởi, bản chất và cách thức hình thành nên cái gọi là chúng sinh, và cũng là thế giới vũ trụ nói chung. Vị Tu-đà-hoàn tùy lúc mà theo cách nào đó quán chiếu bản thân và thế giới. Chẳng hạn khi đang nhìn hay nghe, biết rõ đây là lục nhập, 6 xúc, 6 thọ, 6 ái, 4 thủ, nghiệp hữu. Vừa nhìn là vị ấy biết rõ đây là nhãn xứ, nhãn xứ ở đâu thì nhãn xúc nhãn thọ có mặt ngay tại đó, chỉ cần thất niệm lúc này thì sắc ái có mặt, sắc ái có mặt thì dục thủ lập tức có mặt. Phàm phu mà thích cái gì lập tức có đủ bốn thủ: dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã chấp thủ. Giới cấm thủ có thể không có nhưng ngã chấp thủ bắt buộc phải có. Có tứ thủ thì có nghiệp hữu (nghiệp thiện, nghiệp ác), hễ có nghiệp thiện nghiệp ác thì nó âm thầm tạo ra một nghiệp tái sinh cho đời sau kiếp khác. Tùy lúc theo cách nào đó mà quán chiếu của bản thân, có thể quán chiếu thế này: Sự có mặt của mình tại đây và bây giờ là do tâm tái sinh đầu đời mà có. Tâm tái sinh đó do nghiệp thiện ác mà có. Nghiệp thiện ác đó do tứ thủ mà có. Dục thủ là đam mê trong hưởng thụ năm dục. Kiến thủ là luôn thấy quan điểm này là đúng, quan điểm kia là đúng, đúng là vì của mình, mình đánh giá, mình suy tư; suy cho cùng đó là thường kiến và đoạn kiến. Tất cả những suy nghĩ của phàm phu ít nhiều đều dính vào hai tà kiến này, mà mình lại thấy mình hay. Ai mà nói mình ngu là mình giận liền dù bình thường mình tỏ ra là khiêm tốn. Mình tưởng mình khiêm tốn nhưng thật ra ngã mạn ngầm trốn trong đáy lòng của mình mà mình không ngờ.

Nội dung bài kinh Năm Hận Thù: Bỏ 5, có 4, thành tựu 1 (nhận thức về Duyên khởi). Phải hiểu Tứ thủ là gì mới thấy dòng luân hồi dễ sợ, cứ cái gì hưởng được là ôm cái gì hiểu được là ôm, hai cái ôm này đi ra từ cái tôi, thấy mình là cái gì đó. Khi sáu xứ tiếp xúc 6 trần mà không có Niệm không có Tuệ thì nó là điều kiện môi trường nhân duyên tốt cho Ái. Thích trong cảnh Dục thì về cảnh Dục, thích trong thiền thì về cõi Phạm thiên, sống hết tuổi thọ rồi quay xuống nữa. Cõi Dục là điểm sau cùng của dòng luân hồi. Có nỗ lực thì mình leo lên tới cõi Sắc giới và Vô sắc giới, còn nếu một ngày nào đó làm biếng leo thì mình trở về gốc cây. Cõi Dục là gốc cây, cõi đọa là gốc của gốc. Nghĩa là nếu mình không cần tu hành gì hết, cứ sống như ý mình thích thì cái chỗ đón mình là cõi Dục. Trong cõi Dục mà mình không có nỗ lực gì hết, vẫn tiếp tục sống bệ rạc buông xuôi, thì mình sẽ xuống nữa. Nếu không làm thiện thì rớt nữa, lọt xuống cảnh giới thấp, đó là địa ngục, A-tu-la, ngạ quỷ, bàng sinh. Cõi đọa thì không có giới hạn thời gian, nếu không tu là triền miên ở đó. Nếu làm những loài vi sinh là không biết kiếp nào mới lên.

Vị Tu-đà-hoàn do thành tựu những điều vừa nói nên tự biết mình vĩnh viễn không còn sa đọa và quả vị luân hồi chỉ còn là vấn đề thời gian.

Ở đây, bản Việt ghi “Chánh Đẳng Giác là mục tiêu tối hậu”. Trong bản Pāḷi là “sambodhi” nghĩa là ‘giác ngộ’, ‘Sambodhi’ ở đây ám chỉ cho quả vị La-Hán. Không biết vì sao HT Minh Châu dịch ‘Sambodhi’ là ‘Chánh Đẳng Giác”; cái này tôi nghi ngờ là ngài tiếc vì bên Bắc Tông nói thế này: Tu hành cho đã rồi cuối cùng mình đắc A-la-hán; với nền tảng tâm lý và đạo hạnh của vị A-la-hán thì mình tha hồ rong ruổi tự tại an nhiên giữa cuộc đời sanh tử này để thực hành hạnh Bồ Tát. Sau này mình mới thành Phật theo lý tưởng Đại thừa. Còn người đam mê đắm đuối, chết dí chết đẹp trong quả vị La-Hán thì là hạng tiểu thừa. Tôi e rằng gốc ngài Minh Châu là Bắc tông, ngài dịch thế này để cho rằng quả vị Thanh văn chỉ là bước thấp để từ đó bước lên quả vị Chánh Đẳng Giác thành Phật, chớ còn ‘sambodhi’ ở đây dịch là Chánh Đẳng Giác thì không chính xác. Chánh Đẳng Giác trong Pāḷi là ‘sammasambuddha’ hay là ‘sammasambodhi’ chỉ cho Phật Toàn Giác, tự ngộ không cần thầy và cũng có thể làm thầy cho người khác. Độc Giác (Paccekabuddha) không cần thầy nhưng không thể làm thầy cho ai. Cả hai vị tự ngộ này được gọi là ‘sambuddha’. Riêng Phật Toàn Giác có thêm chữ ‘samma’ phía trước; chữ này ở đây có nghĩa là perfect, whole, entire (hoàn chỉnh, trọn vẹn). ‘Sambudhha’: tự ngộ.

Như vậy là tôi giảng xong hai bài kinh Sợ hãi Hận Thù. Tiếp theo là gom chung ba bài giảng luôn một lúc: Dukkhasutta, Lokasutta, Natikasutta.

DUKKHASUTTA, LOKASUTTA. (Khổ, Thế Giới)

Dukkhasutta, Lokasutta, Natikasutta, ba bài này nội dung giống nhau. Nhiều lần Đức Phật xác định, toàn bộ những gì Ngài thuyết giảng chỉ gói gọn trong một nội dung duy nhất, đó là trình bày về bản chất đau khổ của thế giới và đưa ra con đường hành trì để chấm dứt đau khổ đó.

Nghe qua có vẻ như thiếu thiếu, nhưng thật ra toàn bộ thế giới này đều gói gọn trong một chữ khổ. Toàn bộ đời sống của chúng sinh là khổ, toàn bộ kiểu sống của phàm phu là đầu tư khổ. Khi ta nhìn, nghe, ngửi, ăn, nếm, sờ chạm, suy tư hầu hết (99,9%) đều bằng phiền não.

Phiền não là nguồn tái sinh. Thiện tâm đưa ta về các cõi lành một thời gian nào đó, ác tâm đưa ta về cõi khổ nào đó, trong thời gian nào đó, cái gì và ở đâu cũng vô thường. Vì cái ác dễ có hơn cái thiện nên dù mọi sự vô thường, cái ác và cái khổ được lặp lại nhiều lần hơn là cái thiện và cái vui.

Thiện pháp giống như loài hoa quý, không chăm sóc thì chết sạch. Ác pháp như cỏ dại, dù có mong manh nhưng có thể tự phát triển ngon lành. Thiện pháp phải cần đến 4 nhân tố mới có được: bối cảnh, thầy bạn, lắng nghe, hành trì.

1. Bối cảnh(patirupadesavasa): trú xứ thích hợp.

Có những bối cảnh khó có cơ hội thiện tâm như Trung Quốc, con nít mới vừa thôi bú là thuộc lòng câu “thành thật thiệt thà thường thua thiệt, lọc lừa lươn lẹo lại lên lương”

2. Thầy bạn (sappurisasamvasa): sống gần người lành.

Thầy bạn là kẻ nào gần mình, hơn mình là thầy, ngang mình là bạn. Thầy bạn rất là quan trọng

3. Thính pháp (dhammassavana) lắng nghe.

4. Hành trì (dhammanudhammapatipatti)

Đó là bốn điều kiện để có được thiện pháp. Cái ác dễ hơn nhiều vì nhìn đâu cũng thấy người ác, điều kiện làm ác, sống ác, nói ác, nghĩ ác.

Đời sống của mình là khổ, kiểu sống của phàm phu là tạo khổ, đầu tư nỗi khổ niềm đau. Đầu tư bằng cách thả rông sáu căn cho tiếp xúc thoải mái với sáu trần. Từ đó có 6 ái, tứ thủ, nghiệp hữu và tái sinh. Đó là vòng tròn Duyên khởi.

Phàm phu mà thả cho thoải mái, dứt khoát là phiền não.

‘Khanikasamudaya’ ở đây là phiền não tham ái trong từng khoảnh khắc căn trần gặp nhau. Toàn bộ thế giới này chỉ là sự khổ và con đường dứt khổ, nhưng trong kinh này Đức Phật không nói về Khổ và Tập lại nói về Tập và Đạo đế.

Thông thường khi Ngài giảng về con đường hành trì, Ngài nói về khổ cho mình nhận diện toàn bộ đời sống của mình là khổ và đưa ra giải pháp để chấm dứt khổ, còn trong bài kinh này Ngài nhấn mạnh khía cạnh khác đặc biệt hơn, đó là Ngài nói con đường nào đã tạo ra đau khổ và con đường nào dẫn đến sự chấm dứt đau khổ. Con đường dẫn đến đau khổ đó là sự buông trôi thả nổi sáu căn, không chánh niệm và trí tuệ trong lúc 6 căn làm việc gọi là khổ tập khởi, hay còn gọi là đầu tư đau khổ.

Khi 6 căn tiếp xúc 6 trần bằng phiền não thì đó là con đường trầm luân. Khi 6 căn tiếp xúc 6 trần lại được kiểm soát bằng chánh niệm và trí tuệ thì đó là con đường giải thoát. Té ở đâu thì phải đứng lên từ chỗ đó. Từ 6 căn mới có 6 xúc, 6 thọ, 6 ái, tứ thủ, 2 hữu, và rồi là tái sinh, cứ như vậy.

Bài kinh này Ngài giảng về con đường dẫn đến trầm luân và con đường thoát khổ, và điều thú vị là hai con đường này nằm chung một điểm, nhìn ngắm thế giới bằng tâm bất thiện. Vậy là xong hai bài kinh Khổ và Thế Giới.

NATIKA

Lần đó, Đức Phật sống một mình độc cư, lúc đó chỉ có một mình, Ngài suy tư về lý Duyên Khởi và Ngài nói ra lời. Giống như một nhạc sĩ ở một mình cũng ngân nga một giai điệu vừa nảy ra trong đầu. Ngài nói 6 căn 6 cảnh gặp nhau nên 6 thức mới có mặt, do 3 căn, cảnh, thức gặp nhau nên mới có xúc, và do xúc mới có thọ. Khi Ngài nói vậy, có một tỳ kheo đi đến để quét cốc cho Ngài

‘gandhakuṭipariveṇasammajjanatthaṃ’: mục đích là quét dọn hương thất của Đức Phật.

‘attano kammaṃ pahāya’:ông mãi nghe mà quên công chuyện.

Khi đó Đức Thế Tôn suy nghĩ, nãy giờ ta nói vậy mà có ai nghe hay không. Rồi Ngài hỏi vị tỳ kheo đó: Nãy giờ ngươi có nghe phải không, hãy ghi nhớ như vậy mà thọ trì, vì đó chính là căn bản đời tu của ngươi.

Thật ra toàn bộ Phật pháp chỉ nằm trong bài kinh này, nói vậy cũng không sai, bởi cốt lõi của đời sống chỉ là sự hoạt động của 6 căn. Người không biết đạo, không hành đạo thì để mặc sáu căn làm việc với tâm bất thiện. Người biết đạo, hiểu đạo, hành đạo và chứng đạo thì không để phiền não xuất hiện qua 6 căn.

Dù là giáo hoàng, kỹ nữ, là tổng thống, là ăn mày, thầy chùa hay linh mục, hễ sống ở đời này thì đời sống của họ chỉ là sự hoạt động của 6 căn; người không biết đạo thì để 6 căn chạy theo cái mình thích và chối bỏ cái mình ghét, sợ, cứ như vậy mà trầm luân sinh tử, còn người biết đạo thì khi 6 căn làm việc thì làm việc với chánh niệm với trí tuệ. Chánh niệm là biết rõ cái gì đang xảy ra, trí tuệ là hiểu rõ bản chất của những thứ đang xảy ra. Ví dụ tôi đang đi, tôi biết rõ tôi đang đi (đó là niệm), tôi biết rõ danh sắc đang tương tác lẫn nhau (đó là trí).

Các vị có thể không tin tôi, nhưng phải lấy bỏ túi những thứ mình nghe để có cái tham khảo khi cần thiết. Kiến thức là bổ sung và so sánh. Đừng có nhầm khi đọc Ngữ lục của Thiền nói rằng cái đầu phải trống để hành thiền. Để đầu óc rảnh rang để học đạo là ý nói buông bỏ những cố chấp, không phải là phủ nhận những kiến thức. Ví dụ người ta nói, muốn học đạo thì đầu phải trống, không phải trống là dốt như con bò mà là tạm thời mình quên nó đi để đón nhận cái mới hoàn toàn, chớ không phải trống là không học hành gì hết. Bữa trước tôi có đọc một câu chuyện mà thấy ghét, Ông thầy nói học trò: con nói lý tưởng con đến học đạo là gì. Học trò đáp: Dạ, con thấy đời con khổ, nghe người ta nói phải buông bỏ hết mới nhẹ nhàng giải thoát, con theo thầy là con học hạnh buông bỏ. Ông thầy nói: Có cái gì của con đâu mà buông. Câu chuyện này đối với người có học đạo là hay lắm, giống như tổ Huệ Khả nói chuyện với ngài Đạt Ma vậy: Tâm con không an, nhờ thầy giúp con an. Thầy nói đưa tâm đây ta an cho. Những chuyện này rất hay nhưng hay đối với người có học đạo kìa. Mình hoàn toàn mù tịt không biết gì hết, nghe mấy câu cao siêu này tưởng cái dốt của mình là hay. Tôi sợ nhất là đi vô học mấy câu thoại đầu công án nói chuyện trên mây nhưng lúc đèn khuya đối bóng một mình thì không biết tu cái gì. Phải tu tập hành trì một thời gian mới hiểu vì sao người ta nói như vậy.

Sáng hôm qua tôi giống như giác ngộ vậy. Tôi đặt tên là “instant noodle satori”. Satori tiếng Nhật là giác ngộ. Cái từ này chỉ cho hoát nhiên đại ngộ. Tôi đi nấu nước pha gói mì, tôi ăn mà nhận ra một chân lý rất là cao siêu, có nhiều người theo đạo mà làm biếng học cho nên họ chỉ ăn mì gói của tăng ni ban cho họ. Mì gói nghĩa là người ta nêm nếm sẵn, dù thích hay không thích, vẫn phải dùng mì đó, mùi đó, gia vị đó vì bột nêm người ta làm sẵn. Muốn ăn cái mùi vị theo ý mình thì phải tự nấu, phải mua thức ăn từ chợ, pha chế nêm nếm là của mình, còn nếu làm biếng quá sức thì chỉ có một cách là nấu mì gói, có liền và không nhọc công, nhưng cái bậy của nó là độc, và chấp nhận cái mùi vị của người ta làm sẵn cho anh.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app