Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 – Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên – Phẩm Đồ Ăn (āhāravagga)

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 

Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên

Phẩm Đồ Ăn (Āhāravagga)

Những điều cần phải làm trong buổi học hôm nay: 1. Ôn lại nội dung của hệ thống 12 Duyên khởi. 2. Phải nhớ tất cả chư Phật đều do quán chiếu Duyên khởi mà thành đạo. 3. Phật Giáo dùng lý Duyên khởi để giải thích cái gọi là dòng luân hồi, nghiệp báo, bản chất tùy duyên và phù du của vạn hữu.

Đời sống của mình là một chuỗi dài ghép nối tương tục của nhân và quả, tùy theo căn cơ trình độ, tùy theo môi trường hoàn cảnh sống mà chúng ta làm thiện hay làm ác. Căn cơ trình độ khuynh hướng tâm lý, cộng với nghiệp cũ, môi trường sống hiện tại, đông người hay ít người, đời sống đóng khung khép kín hay cởi mở thoải mái, tất thảy có vai trò tác động rất lớn trong hành động của mình. Có khi mình hiểu, mình tin nhưng mình sống không đúng với cái mình hiểu mình tin. Có những lúc, tôi không niệm Phật, tôi không có suy tư cao siêu, tôi chỉ nhớ một câu thần chú: “Hình như mình không tin lắm cái điều mình hiểu”. Khi dễ duôi cứ nhớ câu đó thôi. Mình biết chuyện sống chết, sa đọa có thể xảy ra đầu hôm sớm mai nhưng mình không ngán. Cứ hỏi thiệt từng Phật tử đi, nếu bây giờ có giấy của bác sĩ nói quí vị bị ung thư, chắc chắn quí vị sẽ tinh tấn hơn. Tự mình biết sống chết rất mong manh, nhất là ở VN, bước ra đường là có thể bị tai nạn xe bất cứ lúc nào. Chờ người ta đem được vô tới bệnh viện là một chuyện may rủi nữa, chớ ở xứ ngoài là 3 giây, nếu cần người ta huy động cả trực thăng đến. Cách đây mấy năm có cuộc đụng xe ở Cà Mau, toàn là đại gia, dân thuê trực thăng chở từ Cà Mau lên SG một chuyến 20 ngàn đô la. Chở vô được bệnh viện thì nằm ở phòng cấp cứu chờ nếu không có bì thơ bôi trơn. Vô được bên trong rồi thì một giường hai ba người. Không có bao thơ thì thuốc men, y tá không được bình thường. Gia đình phải chạy tiền mua thuốc với giá mắc nhất thế giới. Tôi kể cho quí vị nghe chuyện buồn như vậy để thấy rằng mình rất dễ duôi, biết nguy cơ bất trắc có thể xảy đến mà mình không hề có phản ứng thích hợp với cái biết đó. Vì vậy, hãy nhớ câu thần chú: “Hình như mình không tin cái điều mình hiểu.” Câu thần chú thứ hai: “Hình như mình không sống đúng với những điều mình tin”. Tôi nghĩ trong room này và những người không học lớp này ít nhiều cũng biết những điều tôi trình bày trong loạt bài Duyên khởi. Nỗi khổ niềm đau của mình được khởi đi từ 6 căn. Giáo lý Duyên khởi chỉ là cách trình bày sáng sủa cái hành trình đi đứng của 6 căn mà thôi. Sáu căn là quả, do chính vì mình không tu tập, do tác động của túc duyên đời trước, có người dùng 6 căn để tu tập, có người dùng 6 căn để làm ác. Trong số những người dùng 6 căn để tu tập lại chia ra làm hai nhóm: có nhóm dùng 6 căn để làm thiện cầu sanh thiên giới, một số ít dùng 6 căn tu tập để cầu quả vô lậu giải thoát.

Ôn lại giáo lý Duyên khởi:Do vô minh trong 4 Đế sanh ra 3 hành. Từ ba hành này mới có thức tái tục. Tái tục có nhiều trường hợp, tái tục về chỗ có đủ 6 căn, về chỗ chỉ có một ít trong 6 căn, và về chỗ chỉ có một căn thôi đó là cõi Vô sắc. Từ 6 căn này, không tu hành thì tạo tiếp cơ hội cho ÁiTà kiến xuất hiện. Ái, Tà kiếnxuất hiện thì tiếp tục tạo ra tâm tái tục cho đời sau. Hễ có tái tục thì phải có mệnh chung; hễ có tái tục thì phải có sự hiện hữu. Đức Phật dạy, hễ có sự hiện hữu thì giống như con thú lột da, làm sao mà tránh được sự nóng bức của nắng, nếu là xứ lạnh thì làm sao tránh được sự lạnh lẽo của tuyết giá, làm sao tránh được sự tấn công của côn trùng. Mình là bia bắn của một tỷ điều bất trắc sẵn sàng đổ xuống. Cái bất trắc này có hai nguồn đến: Hễ hiện hữu là mình thích cái này, ghét cái nọ, sợ cái khác, những thương thích ghét sợ đó hành mình đủ chết rồi. Chưa kể những tấn công của cuộc đời, cuộc đời đâu để mình yên. Người ta tấn công mình vì tham, nghĩa là người ta thích cái gì đó ở mình, hoặc người ta tấn công mình vì sân, vì người ta ghét cái gì đó ở mình. Không ai trên đời này không có bất trắc. Ngay cả chuyện khen chê, mình có trùm mền chui xuống đất họ cũng lôi mình ra để khen chê:

“natthi loke anindito”:không ai ở đời này tránh được thị phi.

Câu này cũng là câu thần chú của tôi. ‘Natthi’: không có ai, ‘loke’: trong đời này; ‘anindito’: không bị chê, không bị abused, bị sách nhiễu.

Những bài kinh trong phẩm Duyên Khởi này xác nhận tất cả Bồ tát phải trải qua hành trình giống hệt nhau, mất nguyên một canh đầu dùng Túc mạng minh quán xét vô lượng kiếp đời trước, quán quả luân hồi. Sanh ra ở đó, mặt mũi như vậy đó, tuổi thọ hình dáng như vậy đó, buồn vui vinh nhục như vậy đó v.v… Canh thứ hai là quán nhân luân hồi, biết vì đâu kiếp đó mình làm ăn mày, vua chúa, quận công v.v… Canh thứ ba mới bắt đầu quán chiếu 12 Duyên khởi. Đầu hôm thấy quả, giữa hôm thấy nhân luân hồi, rồi quán chiếu 12 Duyên khởi, thấy sự có mặt của mình ở đây đúng như hai canh đầu đã thấy, sự có mặt của mình do Thức tái tục đầu đời mà có; thức tái tục do nghiệp thiện ác mà có; nghiệp thiện ác đó do tứ thủ mà có; tứ thủ do lục ái mà có; lục ái do lục thọ mà có; lục thọ do lục xúc mà có; lục xúc do lục nhập mà có; lục nhập do danh sắc đầu đời mà có; danh sắc đầu đời mà có do ba hành, do vô minh mà có. Vô minh diệt thì hành diệt; hành diệt thì thức diệt; thức diệt thì danh sắc diệt; danh sắc diệt thì lục thọ, lục ái diệt; lục thọ lục ái diệt thì tứ thủ diệt; tứ thủ diệt thì hai hữu diệt; hai hữu diệt thì không còn sanh lão bệnh tử sầu bi khổ ưu não nữa. Hoát nhiên đại ngộ, đại công cáo thành, viên chứng Phật quả, trở thành Nhất thiết trí ngay lúc rạng sáng. Hành trình chư Phật là như vậy đó. Tất cả chư Phật đều đi qua hành trình giống hệt nhau. Nhờ buổi giảng này chúng ta mới biết tại sao mà chư Bồ tát Chánh Đẳng Giác lúc thành Phật dài dòng hơn người bình thường, mất nguyên một đêm. Bồ tát là một bậc đại nhân, đại trí, đại hiền, đại hạnh, đại duyên, đại phước. Khi Ngài giác ngộ thì hành trình lâu như vậy. Không phải là Ngài chậm mà vì thuyền to nên bến đậu phải rộng.

Giáo lý Duyên khởi dùng để lý giải nghiệp báo là như thế nào? Trong loạt bài kinh đã học và sắp học đây nhắc tới nhắc lui vấn đề nghiệp báo. Có những người nghĩ rằng nghiệp thiện ác ở đời là do mình tạo, có người thì nghĩ do ai đó tạo. Do mình tạo là ‘tôi’ buồn vui, vinh nhục, từ đó ‘tôi’ mới làm việc thiện ác rồi đời sau sanh ra ‘tôi’ bị cái này cái kia. Đức Phật dạy rằng đó là tà kiến, không có cái tôi mà chỉ có các duyên thôi. Có người học ba mớ thì nghĩ rằng không phải ‘tôi tạo’ mà do người khác. Ví dụ như đời này tôi làm phước, đời sau tôi sanh ra tôi làm người khác, những gì tôi hưởng đời này là do người khác tạo ra trong đời trước. Đức Phật dạy hiểu như vậy cũng là tà kiến. Không có mình tạo và cũng không có người khác tạo. Vạn pháp do duyên. Ngoài đời người ta nói, mưu sự tại nhân thành sự tại thiên còn trong đạo mình nói mưu sự tại nhân, thành sự tại Duyên. Tôi cũng có một chút công với PG, với văn hóa VN khi tôi sửa được và thành công câu chúc “vạn sự như ý” thành “ý như vạn sự”. “Vạn sự như ý” chỉ là ảo mộng, “ý như vạn sự’ mới là tu hành, mới là tu tập. Ý như vạn sự là chuyện đời như thế nào thì lòng mình cũng thanh thản. Nước không hình dáng nên bỏ nó vào chậu tròn thì nó tròn, chậu hình gì nó hình đó. Khi nó lìa khỏi chỗ đựng thì nó trở về với thân tướng của nó, tùy duyên nhưng bất biến. Hòa quang nhưng không hỗn tục, người ta sáng thì mình sáng theo nhưng người ta tối mình đừng tối theo. Hòa nhưng chưa hẳn đồng.

Ngay bây giờ chúng ta học giáo lý Duyên khởi này thấy xa vời, mai này khi mình nằm liệt một chỗ, đi xe lăn, đau nhức mệt mỏi bất lực, nhớ lại ngày xưa thời ngon lành mà sống an trú trong Phật pháp thì giờ tự tại biết bao nhiêu. Phật pháp tu đúng sẽ thèm được cô độc. Đức Phật dạy bà Gotami: “Pháp môn nào càng hành trì càng khiến ta thích độc cư thì đó là chánh pháp”. Lúc đó bà đã đắc A-la-hán rồi, nhưng vì lòng đại bi cho người đời sau nên bà hỏi, Bạch Thế Tôn mai này Thế Tôn không còn nữa thì chúng con sẽ dựa vào đâu để biết là lời Phật. Bà hỏi là cho người khác. Bà tịch trước Đức Phật.

Muốn có một tuổi già không quạnh hiu thì phải sống tỉnh thức ngay từ bây giờ. Khi sống tỉnh thức đến mức độ nào đó thì thấy một mình là diễm phúc. Khi yêu được sự cô đơn thì mai này có nằm một chỗ cũng thấy cô đơn đó là thế giới xưa giờ của mình. Nếu buồn vui của mình lệ thuộc vào con cái, chồng vợ, láng giềng chòm xóm thì nỗi khổ niềm đau là cái giá tất nhiên phải trả. Nếu có khả năng an lạc với riêng mình thì ở đâu cũng được.

Ở Mỹ có chữ “independent”, nghĩa là độc lập. Trong tiếng Đức là chữ “selbststand” hay lắm. Self là tự mình, stand là đứng. Độc lập là đứng một mình, không dựa vào ai hết. Độc lập nhưng không có nghĩa là cô lập (isolated), nghĩa là có khả năng sống một mình nhưng vẫn có khả năng tương thông với thiên hạ. Một mình nhưng có khả năng thương, hiểu, bao dung mọi người chớ không phải là một mình rồi chán sợ đám đông, sợ thiên hạ. Còn chán, ghét, sợ, tránh né là sai. Thích ở một mình là vì mình có thời gian hơn, sống tỉnh thức tốt hơn, nhưng vẫn phải có trách nhiệm với đời, lòng vẫn sẵn sàng. Trong kinh Đức Phật dạy mình nhìn về cuộc đời bằng tấm lòng của người mẹ. Trong Kinh Từ Bi có ví dụ hình ảnh người mẹ. Tại sao Đức Phật không dùng chữ người thương (beloved one) mà xài chữ người mẹ? Chỉ có người mẹ mới lột tả hết tình thương cho đứa con. Ở đây đặc biệt không nên để ý khía cạnh giới tính trong hình ảnh bà mẹ ở Kinh Từ Bi. Một đứa con có tàn tật, bất hiếu, hỗn hào vô lễ cỡ nào, người mẹ vẫn yêu thương đứa con vô điều kiện. Dù có độc cư viễn ly, lòng nghĩ về chúng sinh vẫn phải còn đó. Một vị Bồ tát dù sống một mình vẫn luôn luôn nghĩ về chúng sinh như tấm lòng một người mẹ. Có lúc Ngài bỏ hết chuyện của Ngài để lo cho chúng sinh. Đây là chuyện rất là kỳ lạ của PG. Anh buông hết anh sẽ được tất cả. Khi anh nắm bằng cả hai tay thì trời đất này chỉ trong hai bàn tay của anh thôi, bởi bàn tay anh quá nhỏ, khi anh cầm quá nhiều thì cái anh được chỉ là hai nắm tay. Khi mở rộng bàn tay thì vòng ôm mới rộng. Khi anh thương người là anh đang giúp anh. Có người Phật tử nói với tôi là số họ xui xẻo cứ bị người khác lợi dụng, anh em trong nhà lợi dụng, nhờ vả, đi học bạn bè lợi dụng cục gôm, bình mực; đi làm công sở cũng bị bạn bè nhờ mua cà phê, nhờ vả; đi chùa thì bị nạnh việc nặng nhọc. Tôi đã trả lời cho họ: Đừng quên rằng, phúc thay cho kẻ nào bị thiên hạ lợi dụng vì anh còn có giá trị cho kẻ khác lợi dụng; vô phúc thay cho kẻ nào ở đời này mà cuộc đời không tìm ra chỗ lợi dụng. Hễ người ta còn lợi dụng mình là mình còn xài được, cái sợ nhất trên đời này là mình không còn chỗ nào để đời lợi dụng. Những khi bị lợi dụng cứ nhớ như vậy. Nùi giẻ còn dùng vào việc lau dơ, nếu không xài được thì còn tệ hơn nùi giẻ nữa.

Toàn bộ những gì tôi nói nãy giờ là giáo lý Duyên khởi. Do cái này có nên cái kia có, do cái này không, cái kia không. Do cái này sanh nên cái kia sanh, do cái này diệt nên cái kia diệt. Tất cả những vấn đề buồn vui trong đời sống của mình, tất cả những rối rắm thăng trầm trong xã hội, đất nước, châu lục, hành tinh, vô lượng vũ trụ cũng theo công thức đó. Không có con ong cái kiến, chiếc lá, cọng cỏ nào mà không là sự tác động đối với thế giới chung quanh. Một hành động nhỏ xíu được thực hiện bằng thiện tâm là mình đang gieo giống lành. Một hành động nhỏ nào cũng để lại dấu ấn trong dòng luân hồi, tối thiểu là để lại thói quen tâm lý, thói quen tâm lý này mà có điều kiện phát tác thì biến thành hành động. Tây có câu: đừng coi thường những suy nghĩ chớp nhoáng, nếu lặp lại nhiều lần sẽ biến thành hành động; hành động nhiều lần sẽ biến thành thói quen, thói quen đó là nhân cách, là tương lai, là định phận của chúng ta.

Những gì tôi nói nãy giờ chính là nội dung của một loạt của những bài kinh sau. Đức Phật dùng giáo lý Duyên khởi để giải thích về nghiệp lý. Ngài xác định rằng không ai tạo nghiệp thiện ác, chỉ có các duyên làm việc với nhau mà thôi. Các kinh còn lại xác định thêm một điều nữa, không ai có thể thành thánh nếu không hiểu được lý Duyên khởi.

Biết rõ sự có mặt của mình chỉ là sự có mặt của 6 căn, 6 căn này là quả của thiện ác đời trước; nay ta dùng chúng để làm ác hay tu thiện là đang gieo nhân cho 6 căn mới. Làm ác thì sẽ có 6 căn chịu khổ, làm thiện sẽ có 6 căn hưởng vui. Dù vui hay khổ cũng đều là sinh tử nên người hiểu đạo làm thiện tránh ác chỉ cầu quả vô sanh. Nhân vô lậu là nhằm cắt đứt dòng chảy Duyên khởi, phá gãy vòng tròn Duyên khởi, mong hiểu được những điều vừa ghi bằng thánh trí, không phải bằng kiến thức vay mượn từ người khác, kiểu hiểu biết vay mượn này chưa đủ để cắt đứt phiền não. Tại sao cái biết của mình không đủ để cắt đứt phiền não? Ví dụ thằng Tèo nghe nói thằng Tý trong một bữa nói chuyện nào đó đã nói xấu Tèo tan nát, Tèo rất giận và hận thằng Tý. Những người thân của Tèo và Tý tìm đủ cách để giải thích cho Tèo. Tèo nghe vậy vẫn chưa hết giận vì nó vẫn còn hoang mang, ngay cả thằng Tý mà đến giải thích thì thằng Tèo vẫn không chịu tin. Vậy có cách nào cho Tèo hết giận? Chỉ có một cách, ngày kia có người đưa cho Tèo một video quay nguồn cơn cớ sự bữa nói chuyện mà người ta đồn đãi. Phải bằng cái thấy này thì thằng Tèo mới hết giận thằng Tý, chớ còn những cái biết khác là vay mượn. Ở đây cũng vậy, phải bằng cái thấy của bản thân mình thì mới cắt đứt phiền não.

Cách đây mấy hôm chúng ta có học bài kinh Kaccanagottasutta, Đức Phật dạy thánh trí không phải do vay mượn từ ai khác. Thấy rằng vạn hữu do duyên mà có thì sẽ dứt được đoạn kiến. Thấy rằng cái gì đã có đều phải vô thường thì dứt được thường kiến. Khổ thay cái thấy của mình là cái thấy bằng phàm trí, vì vậy học để cho lòng thanh thản, học để ngộ ra những góc cạnh trước đây mình không thấy. Giờ mà ai đó gọi phone chửi mình là mình không có cách chi chịu nổi, dù mình biết mình tin là mọi sự chớp nhoáng. Mình hiểu đạo thì hiểu nhưng bên tai văng vẳng câu nói “nhịn lúc này là nhục” hoặc “nó nghĩ mình là đứa chết nhát”, hoặc “hôm nay mình không lên tiếng mai mốt nó sẽ tái diễn chuyện này nữa” v.v… Vì vậy Đức Phật nói vạn pháp là do duyên, là đồ giả. Từ chỗ hiểu là đồ giả, lúc đầu mình mới bớt giận, sau đó không cần giận nữa. Mình không lặp đi lặp lại những cái biết này trong đầu thì mình còn thấy mình là cái gì đó to tát ghê gớm. Phải biến mình thành tờ giấy, cọng lông gà, sợi tóc, làn khói để có thể rơi từ độ cao nào cũng vô hại và không bị tổn thương. Trong thời gian gần đây tôi tự tại, muốn buông tôi buông rất dễ, nhờ những câu thần chú.

Tùy lúc mà dùng căn nào trong 6 căn để sống ở đời, đó chính là thần chú để sống đời và hành đạo. Trong bài viết nào đó, tôi có nói, anh nào cô nào thương nhau thì thương trong ý căn thôi, càng dùng nhiều căn sẽ khổ ở nhiều căn. Nếu mình thấy là hố than thì đưa hai ngón tay thôi, phỏng hai ngón tay thôi, đừng nhảy vào đó mà thành heo quay. Tiếp xúc càng nhiều thì càng khổ. Nhật có câu chuyện hai huynh đệ cõng cô gái qua sông, có nhiều khi chuyện qua rồi người ta không để bụng, còn mình thì để bụng. Có câu chuyện thiền viện bên Nhật, ba người đang ngồi thiền, dặn nhau là không nói chuyện. Đang ngồi thì cánh cửa sổ đập cái rầm, ông thứ nhất nói: Tệ quá, ai mà quên đóng cửa sổ. Ông thứ hai nói: Sao lại nói chuyện. Ông thứ ba nói: Ai cũng nói chuyện, chỉ có mình tôi là không nói chuyện. Câu chuyện này là diện mạo thật sự của chúng ta trong cuộc đời nói chung và trong đạo nói riêng, khi mình chỉ trích một người bất thiện thì bản thân việc chỉ trích cũng là bất thiện. Vì vậy tùy lúc dùng căn nào để sống với đời, càng dùng ít căn thì ít khổ, nhiều lúc không cần phải xài lỗ tai, mà kẹt không tránh được thì đừng chuyển vào trong ý căn. Cần lắm thì mới xài, chuyện đâu thì để yên đó, đừng dây dưa ra 6 căn.

Ở bên Âu Mỹ, nếu nhà mình có tiếng động quá lớn mà không nhằm lúc là người ta kêu cảnh sát. Nhà mình đổ rác hôi quá, làng xóm có quyền kêu cảnh sát. Chỗ tôi ở, ngày cuối tuần không được làm gì om sòm ngoài sân, nhiều khi họ qua nói thẳng hoặc im lặng kêu cảnh sát. Tôi muốn nói một điều là nhiều khi có những âm thanh tiếng động, thay vì dừng tại lỗ tai, lại đưa thẳng vào trong tâm mình là quá xa quá nhiều rồi. Bài kinh Duyên Khởi ý nói rằng chúng ta có mặt ở đời là do sự có mặt của 6 căn. Xử lý 6 căn ra sao, để từ đó chúng ta sống thiện hay sống ác, gieo nhân lành hay dữ, quả khổ hay quả vui; dùng 6 căn càng nhiều thì vấn đề càng nhiều. Đóng cửa 6 căn là luôn luôn biết rõ tôi đang thấy gì, tôi đang nghe gì, ngửi gì, biết mùi gì, ăn uống ra sao… Khi mình quan sát nó thì nó không lăng xăng nữa. Sẽ có một ngày quí vị đạt tới cảnh giới này, chưa chắc đắc đạo nhưng đã là ngon lành. Tùy thể trạng của mỗi người mà lâu hay mau mới đạt được khả năng này. Cái thiện được nhìn thấy sẽ được củng cố. Cái ác được nhìn thấy sẽ biến mất, với điều kiện ở mức độ chánh niệm nào đó, không phải bây giờ. Tại sao tôi phải ghi “không phải bây giờ”? Vì sẽ có bà con hỏi: “Sao tôi cũng thấy mà nó vẫn còn?” và nhiều người nghe vậy tưởng mình đã đắc rồi.

Phần kết của bài kinh Duyên: Không ai có thể giải thoát sinh tử lại không hiểu biết lý Duyên khởi. Không ai đủ tư cách nói mình giải thoát trừ phi mình liễu giải được lý Duyên khởi.

Đức Phật xác định không thể nào trên đời này có một Sa-môn, Bà-la-môn nào nói mình giải thoát phiền não, giải thoát sinh tử mà mù tịt về 12 Duyên khởi. Có hai trường hợp: có vị thánh thấy được mà nói không được, có vị thấy được và trình bày được. Có vô số vị thấy được và nói được, có vị thấy được nhưng nói được ở một mức độ hạn chế, chỉ có vị Chánh Đẳng Chánh Giác là có thể trình bày ở mọi góc độ, mọi góc cạnh.

Trong vô lượng vũ trụ, có vô lượng thế giới, có vô lượng chúng sinh có những căn tánh rất kỳ cục, hoàn cảnh sống kỳ cục. Chính bởi những kỳ cục đó nên khi trình bày thì Ngài phải làm sao cho hợp với bối cảnh, tâm tư, tình cảm những chúng sinh ở đó, điều này Thanh văn không làm được. Ngài Xá Lợi Phất nhìn người nào đó trước mặt ngài, ngài có thể biết rõ đời trước, đời sau, bao nhiêu kiếp của người này, khuynh hướng tâm lý ra sao, nhưng lựa cái nào để nói cho người này thì khả năng của ngài không bằng Đức Phật. Đức Phật vừa nhìn người ta là biết họ muốn gì, họ nghe gì là đắc liền. Có người vừa gặp Ngài xin Ngài nói gì để hết khổ, Ngài nói ngay một câu lý Duyên khởi nhưng không bắt đầu từ vô minh mà bắt đầu từ XúcVạn khổ đi ra từ xúc, xúc ra thọ, thọ ra ái… Người này nghe xong là đắc liền. Ba giây sau với người khác thì Ngài nói: Tất cả khổ đi ra từ tứ thủ. Hôm sau thì Ngài nói: Tất cả khổ đi ra từ sanh, có mặt trên đời là khổ. Tùy người mà Ngài nói, và tùy thời điểm nào mà Ngài nói; trước đó một phút Ngài không nói, mà phải đúng thời điểm Ngài mới nói. Như ngài Bāhiya Daruciriya gặp Thế Tôn ngoài đường xin Ngài thuyết cho nghe một câu pháp, Đức Phật nhìn tâm người này thấy vị này quá hoan hỉ, sẽ bồng bột, chưa lắng yên không thể tiếp nhận được, nên Ngài cố ý kéo dài thời gian. Ngài nói là đang đi khất thực không thuyết pháp. Vị Bāhiya Daruciriya năn nỉ mấy lần, Đức Phật mới nói cho mấy câu vắn tắt: Thấy chỉ là thấy mà thôi, không có ai thấy, nghe chỉ là nghe mà thôi, không có ai nghe, ngửi nếm đụng cũng vậy, suy tư chỉ là suy tư, không có ai suy tư ở đây cả. Vị này bước vào gốc cây bên đường và đắc quả A-la-hán.

Ngày xưa tôi đi khám bệnh nơi một thầy thuốc đông y ở VN, ông thầy này chỉ có mấy người khách, tôi vô mà ổng không thèm kêu. Lát sau ổng mới kêu, tôi thấy khó chịu. Sau này mới biết là họ muốn mình ngồi một lúc để cơ thể mình lắng xuống, trở lại trạng thái bình thường thì mới bắt mạch chính xác được. Giống như mình mời người ta ăn bánh uống trà cũng vậy, phải để họ rửa tay sạch sẽ, an tọa đàng hoàng, chớ người ta đang làm hì hục mình cầm bánh và ly trà dúi vô tay họ thì dù trà gì người ta cũng uống không ngon được vì họ chưa sẵn sàng. Đó là Duyên khởi đó, vạn pháp do duyên, vấn đề không phải là miếng bánh hay ly trà mà phải đòi hỏi một tỷ duyên mới có chén trà ngon. Học Duyên khởi mình học được một điều lý thú, đó là bất cứ cái gì trên đời này cũng là điểm bắt đầu cho vô số chuyện khác. Không có gì trên đời này là nhỏ hết, bởi vì nó có thể bắt đầu cho vạn sự quan trọng, vì vậy mình phải sống trách nhiệm hơn, trách nhiệm với những gì mình nói, mình làm, mình suy tư. Tất cả những cái nhỏ nhặt có thể là khởi điểm quan trọng cho những sự cố sự kiện long trời lở đất quỷ khốc thần sầu mà mình không biết. Chẳng hạn, ngày xưa nếu có một bà mẹ bị trợt vỏ chuối thì làm gì có Hitler, Mao Trạch Đông, Pol Pot, những kẻ độc tài… Hoặc như ngày đó bả không gặp chồng bả thì làm gì thế giới này phải chịu khổ vậy. Một lá me nhỏ nhoi nhưng đủ nhắc cho mình một quãng trời mấy chục năm về trước, thời sinh viên đi học qua những con đường lá me. Một sợi tóc dài vướng trên giường của người vợ tóc ngắn cũng đủ làm nên bão tố phong ba. Trên đời chuyện gì cũng có thể là điểm bắt đầu cho sự kiện lớn, vì vậy người Phật tử phải sống có trách nhiệm hơn. Té ở đâu đứng lên ở đó, sinh tử từ 6 căn thì giải thoát cũng từ 6 căn. 

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app