Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 – Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên – Phẩm Đại Phẩm

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 

Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên

Phẩm Đại Phẩm

SUSĪMA

Hôm trước học kinh Thủy Triều, ôn lại một chút. Quí vị cứ nhớ vạn pháp ở đời do duyên mà có và bất cứ cái gì ở đời cũng có thể là duyên cho một chuỗi sự kiện sự cố nào đó. Không có gì nhỏ cũng không có chuyện gì là lớn, mà tùy hoàn cảnh, tùy nơi tùy lúc tùy việc. Nội dung kinh Thủy Triều nói đời sống là quá trình làm việc của 6 căn, cảnh của 6 căn là 6 trần, 6 trần chính là những gì chúng ta thấy nghe ngửi nếm đụng suy tư từng phút từng giờ. Một hạt cát, sợi tóc, chiếc lá đều có thể là duyên khởi. Ngay lúc ngặt nghèo nào đó, mắt mình bị bụi. Một sợi tóc dài nằm trên gối trong khi bà vợ tóc ngắn cũng lớn chuyện. Không có gì ở đời này là vô nghĩa hết. Cái quan trọng nhất là cách chúng ta xử lý trần cảnh ra sao. Nếu sống thiếu suy tư ‘ayonisomanasikara’ thì kiểu sống của mình, kiểu làm việc của 6 căn rất có thể là tiền đề mở ra một tỉ vấn đề. Sống theo chiều hướng bất thiện thì bất thiện này sẽ nuôi bất thiện kia. Nếu sống thiện thì thiện này sẽ nuôi thiện kia. Trong kinh Thủy Triều nói khi nào vô minh nhiều thì kéo theo biết bao nhiêu vấn đề, khi nào trí tuệ, đức tin, thiền định nhiều thì cũng kéo theo nhiều vấn đề. Đừng nghĩ rằng mình có thể dễ duôi một giờ một ngày, hoặc nói thôi kệ tháng này buông xuôi, tháng sau tu tiếp. Không lúc nào mình có quyền dễ duôi hết. Giống như thủy triều, khi nước sông dâng thì trong ao hồ dâng, khi bất thiện đầu này thì đầu kia cũng bất thiện. Tôi có kinh nghiệm nho nhỏ, khi nào mình sống bất thiện, sống nhiều bằng tâm tham, tâm sân, tâm si thì chuyện đầu tiên là mình không an lạc. Từ chỗ không an lạc sẽ dẫn đến những hành động, những chi tiết, rất bất thiện khác trong đời sống mà trước đó mình không ngờ. Ví dụ mình sống trong tâm trạng tiêu cực bịnh hoạn, bi quan thì tất cả mọi quyết định trong thời điểm đó đều phải xét lại hết, còn lúc nào mình sống năng động, tích cực, tinh tấn, hướng thượng lợi tha thì những quyết định của mình trong thời điểm đó cũng tốt hơn. Bài kinh Thủy Triều này Đức Phật dạy hãy sống cẩn trọng, hễ có bất thiện chen vô thì sẽ là tiền đề cho những bi kịch tiếp nối theo sau. Tôi nhớ câu chuyện bà kia có một ông chồng đi lính ngoài biên cương, một ngày kia người bạn chồng về báo tin chồng chết. Bà cơm đùm cháo nắm đi đem hài cốt xác chồng về. Bà có chút nhan sắc, mặn mà, trên đường đi gặp bao nhiêu cám dỗ nhưng đều vượt qua. Lúc nào cũng canh cánh nghĩ nắm xương tàn của chồng nơi đất khách giờ đem về quê nhà an táng để cho người đã khuất ngậm cười nơi chín suối. Suốt hành trình vạn lý đó, trở ngại nào bà cũng vượt qua, ra tới ngoài biên ải, hỏi xác chồng nằm ở đâu, bà túm xương về, trở lui hành trình vạn lý, vượt qua bao nhiêu thử thách, nhưng khi về đến con suối gần nhà, bà nhìn thấy một đóa lan rừng mọc cheo leo bên gờ đá đẹp quá. Phụ nữ mà, ai không thích hoa đẹp, nhất là lan rừng nữa. Một tay ôm bọc xương của chồng, một tay bơi qua suối, chồm hái đóa lan. Trượt chân, sút tay, gói xương của chồng trôi theo dòng suối đang chảy xiết. Câu chuyện đó đối với tôi là một bài học kinh nghiệm rất quan trọng. Trải qua được bao nhiêu cám dỗ thử thách nhưng nhiều khi chết vì một chuyện không đáng. Đốn củi ba năm đốt một giờ. Vì vậy, hễ có một chút vấn đề trong đời sống thì vấn đề này kéo theo vấn đề khác, nhà dột một chỗ thì sẽ kéo theo nhiều chỗ dột khác. Cái hang cua ở bờ đê không đáng nhưng nếu không bít thì nước xoi lở bờ. Khi phiền não có mặt thì sẽ kéo theo đó một tỉ vấn đề. Qua bài kinh Susīma

Susīma là một vị du sĩ (paribbajaka, wanderer). Bây giờ mà quí vị qua Ấn Độ thì thấy vô số tôn chỉ tu hành, tu không mặc gì hết, hoặc quấn một miếng vải đại khái trên người cũng có. Tu có chùa có miểu hoặc lang thang đầu đường xó chợ cũng có. Tu lang thang đó là paribbajaka. Những người này theo đuổi lý tưởng cũng đáng nể lắm, họ buông bỏ, không ôm ấp nắm giữ, tay trắng nên phải rày đây mai đó. Chỉ cần một ngày có gì đó bỏ vô miệng cho khỏi đói, sống trầm tư, học hỏi chỗ này chỗ kia.

Trong chú giải nói Susīma là: “vedangesu kusalo”: tinh thông Tam Phệ Đà, giáo lý Bà-la-môn.

Ba tập Vệ Đà nguyên thủy có nội dung rất đáng nể: hướng dẫn tu tập thiền định, và 18 chuyên khoa gồm ngôn ngữ, thiên văn, toán học, văn chương, bùa chú, bói toán, binh pháp, võ thuật, kiếm pháp v.v… Thời xưa chỉ có các giai cấp trung lưu trở lên mới có quyền học Vệ Đà. Một nô lệ nếu bằng cách nào đó tinh thông Vệ Đà cũng có khả năng đổi đời ngoạn mục.

Ngày xưa bên Tàu không cho đàn bà học chữ nhiều, có người sáng chế ra một loại chữ gọi là “Nữ thư” là loại văn tự dùng trong đám phụ nữ với nhau. Bằng cách nào đó, biết được như đàn ông thì tốt, nhưng số đó hiếm. Lý Thanh Chiếu là một nữ sĩ Trung Quốc nổi tiếng như bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương của ta.

Vệ Đà này như thể sản phẩm độc quyền của giới cao cấp. Susīma rất giỏi Vệ Đà. Vệ Đà là ngoài phần hướng dẫn tu tập thiền định còn có 18 chuyên khoa nữa gồm linguistic, thiên văn, toán học, bùa chú… Tôi giới thiệu rất dài vậy để quí vị thấy âm mưu rất lớn của ngoại đạo. Trong chú giải có nói:

‘‘samaṇo gotamo na jātigottādīni āgamma lābhaggappatto jāto”:họ bàn với nhau là Sa-môn Cồ Đàm (Đức Phật) được mọi người tôn vinh, cung kính, cúng dường không phải vì vấn đề xuất thân cũng không phải vì tăng tướng của ngài mà chính là vì ngài có hệ thống giáo lý. Chính vì ngài có hệ thống giáo lý xuất sắc như vậy nên đệ tử của ngài có khả năng nắm được đại chúng. Vì vậy họ lựa người có khả năng để cài cắm nằm vùng, giống như Trung Quốc bây giờ rải sinh viên đi khắp thế giới, qua Đức, Do Thái, Nhật, Anh, Pháp, Mỹ để ăn cắp công nghệ. Đám du sĩ này lựa ra một người đó là du sĩ Susīma, người có khả năng nhất (patibalo: có khả năng nhất) đi xuất gia theo Đức Phật để học giáo lý, học cách trình bày về đời sống tâm linh vốn dĩ rất trừu tượng siêu hình. Giáo lý này hơi khó trình bày, bày người ta cúng tế thì dễ, còn trình bày một hệ thống giáo lý hơi trừu tượng siêu hình thì bắt buộc phải bài bản, chớ còn ăn nói lơ mơ mà đi lập giáo thì khó. Bên Ấn Độ có Krishnamurti, Osho; VN có Huỳnh giáo chủ, Minh Đăng Quang, Ngô Văn Chiêu sau này người thừa kế là Phạm Công Tắc, Thanh Hải Vô thượng sư; thành công nhất là Huỳnh Phú Sổ, 19 tuổi mà có trong tay hai triệu tín đồ bởi vì được thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Lúc đó mình bị Pháp đô hộ mà hoạt động của PGVN rất mơ hồ nên không nắm được người dân. Ngay thời điểm đó, Hòa Hảo ra đời như cộng sản ở miền Bắc, mọi người như đang chết đuối gặp phao. Giáo lý Hòa Hảo đơn giản: thờ Phật ăn chay, không cần xuất gia, đặc biệt không cần phải hầu hạ quì lạy tăng ni. Phật là Phật chung, ai thích thì theo, không có chuyện tôi phải nuôi anh, quì lạy anh, giống như Tin Lành không phải nghe lời Vatican vậy đó. Mục sư chỉ là người đại diện Chúa rao giảng tin mừng cho tín hữu, có quyền có vợ. Nhờ vậy Hòa Hảo thành công, giáo lý là thơ lục bát dễ thuộc, Minh Đăng Quang cũng có thành công nhất định. Sau này có bà Thanh Hải nhưng không thành công. Tôi nói lạc đề để cho ai trong room có ý lập giáo thì thấy không dễ gặm đâu.

Lúc bấy giờ Susīma suy nghĩ mình nên tới gặp ai? Tới người nào học giáo lý tốt nhất: “kassa nu kho santikaṃ gantvā ahaṃ imaṃ dhammaṃ khippaṃ laddhuṃ sakkhissāmī’’ti?”

Susīma nghĩ tới ngài Ānanda. Lúc đó Đức Thế Tôn nhìn thấy Susīma, Ngài suy nghĩ biết ông này đến đây với mục đích ăn cắp giáo lý nhưng sau này sẽ là người tỉnh ngộ và chứng đắc quả vị A-la-hán, nên Ngài nói với ngài Ānanda cho Susīma xuất gia. Ngài Ānanda trao truyền y bát và truyền giới cho Susīma. Do tinh thông Tam Vệ Đà nên Susīma học giáo lý rất nhanh. Ở đây quí vị nên nhớ, bằng cấp không là tất cả nhưng kiến thức sâu rộng luôn là nền tảng quan trọng cho chuyện học hỏi. Một người có bằng đại học, trừ khi họ quá tệ, họ học tủ vừa đủ lấy điểm, thì khả năng nghiên cứu biên khảo giỏi hơn người khác. Vì vậy các ngài Moggalliputtatissa, Buddhaghosa, Nagasena… đều tinh thông Vệ Đà trước khi học Phật pháp. Đây là những nhân vật lừng lẫy của Nam Tông.

Susīma xuất gia xong thì học rất là nhanh. Trong kinh Tương Ưng kể một chuyện mà đọc chú giải mới thấy, có những vị tỳ kheo trước mùa nhập hạ đến gặp Đức Thế Tôn, xin phép Thế Tôn cho đến những nơi nào đó để nhập hạ ba tháng. Trước khi đi xin Thế Tôn dạy cho đề mục để tu tập trong thời gian ba tháng không có Thế Tôn bên cạnh. Khi có yêu cầu như vậy thì Đức Phật quán xét xem những vị này hợp với ai thì Ngài gợi ý. Chẳng hạn Ngài sẽ hỏi: Các ngươi đã gặp Xá Lợi Phất chưa, gặp Ānanda, Ca Diếp chưa. Rồi Ngài bảo họ đến gặp các vị ấy để học hỏi.

A-la-hán có nhiều loại:

– Sukkhavipassaka: tu Tứ Niệm Xứ để làm khô cạn (sukkha) phiền não rồi chứng La-Hán, không có thiền định hay thần thông

– Samathayanika: trước khi chứng La-Hán đã có thiền định, thần thông

Phân biệt hai chữ này: Sukha: happiness. Sukkha: dry

Những vị tỳ kheo sau khi xin được đề mục từ Đức Thế Tôn thì vô rừng sâu núi thẳm thiền định, rồi đắc quả A-la-hán, về trình pháp với Đức Phật. A-la-hán thì không khoe với ai hết nhưng trong trường hợp đặc biệt có thể trình pháp cho thầy tổ. Cách trình pháp thì bà con có thể vào Trưởng Lão Tăng Kệ để xem câu kệ mấy vị thánh: “Ba minh ta đạt được, lời Phật dạy làm xong”. “Lời Phật dạy làm xong” nghĩa là không còn gì để làm nữa, chứng thánh rồi.

Susīma đã xuất gia làm tỳ kheo, bữa đó tình cờ có mặt trong buổi các vị tỳ kheo về trình pháp, ông hiểu ngầm các vị này tự xác nhận trước mặt Thế Tôn là mình đã chứng La-Hán, bèn tò mò muốn tìm hiểu thêm nên gặp riêng những vị này để hỏi: Nếu tôi không lầm thì các vị xác nhận với Thế Tôn là các vị đã chứng thánh, vậy các vị có khả năng thần thông hay không? Những vị này trả lời không. Susīma nói, Thật lạ lùng, chứng thánh mà lại không có khả năng đó. Các vị tỳ kheo chỉ trả lời một câu: Hiền giả có tin hay không thì tùy, nhưng mọi chuyện đúng là như vậy.

Susīma nghe lấy làm lạ nên vô hỏi Đức Phật. Đức Phật dạy cho Susīma nghe về giáo lý Duyên khởi. Đầu tiên, Đức Phật hỏi Susīma về Tam tướng của năm uẩn, tiếp theo là giáo lý Duyên khởi. Ngài hỏi rằng một người hiểu thấu được những vấn đề đó có thể là một bậc thánh hay không. Susīma đồng ý. Ngài hỏi thêm, nếu chứng thánh với những nhận thức đó có thể nào có thêm các thần thông thiền định, nếu đương sự không trau dồi riêng những thứ đó? Lúc này Susīma mới hiểu ra.

Những câu hỏi của Đức Phật là nội dung của kinh: Các uẩn là thường hay vô thường? Cái gì vô thường thì cái đó là khổ hay vui? Cái gì vừa vô thường, vừa khổ, có đáng gọi là của mình hay không? Khi một người thấy cái gì cũng vô thường, cũng khổ thì không còn nghĩ đến chuyện cái này là tôi, cái này là của tôi nữa. Tiếp theo Đức Thế Tôn hỏi: Ngươi có thấy toàn bộ thế giới này là biển khổ, mà biển khổ này đi ra từ hệ thống Duyên khởi? Nếu một người có nhận thức như nãy giờ ngươi nghe, với những nhận thức đó họ đã có được bằng toàn bộ khả năng thấm thía từ bản thân, không vay mượn từ ai khác, liệu người đó có phải là thánh nhân hay không. Susīma thưa có. Nếu họ thành thánh nhân chỉ với những nhận thức đó, liệu họ có khả năng thăng thiên độn thổ đi mây về gió hay không? Susīma thưa không. Đến đây Susīma đã hiểu và thấy tiếc công phu đi làm ăn trộm. Những điều này Susīma đã biết từ lâu nhưng hôm nay nghe Thế Tôn nói thì mới thấm. Susīma tỉnh ngộ quỳ sụp trước mặt Thế Tôn, thừa nhận đã đi xuất gia với mục đích bất thiện và xin sám hối. Đức Phật dạy, trong truyền thống của chư Phật ba đời mười phương, hễ biết mình có lỗi thì người đó đã hết lỗi. Trong kinh chỉ vắn tắt như vậy, còn trong chú giải thì nói về sau vị này đã chứng A-la-hán. Hôm nay bất kể vì lý do nào mình đến với đạo, có thể vì có người thân mất mà đi chùa, có thể vì đi theo bạn bè hoặc sống ở ngoài không nổi rồi đi xuất gia, nhưng biết đâu, một ngày nào đó bằng vào câu nói, lời kinh nào đó thấm thía mà mình thình lình ngộ ra, đó cũng là cái phúc. Trong dòng sinh tử luân hồi, khi nào may mắn mình được bốn pháp như bánh xe đưa ta về cõi thiện (cakkadhamma) gồm: 1.Hiền cận. 2.Trú xứ thích hợp 3.Biết lắng nghe. 4.Biết thực hành.Có bốn điều này mới có cơ hội đi lên, nếu không, gặp toàn những bạn bè nói cho mình những chuyện làm cho mình tham, sân, si. Cứ sau hai phút nói chuyện phiếm luận là tâm mình phiền rồi, có khi là một phút hoặc ba mươi giây. Những nơi chốn mình có mặt ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống tâm linh. Ví dụ ở Mỹ, để làm những chuyện nghiên cứu thì rất dễ dàng, vì thư viện, sách báo, người dạy rất là nhiều. Còn ở những quốc gia bị chặn internet thì vô cùng hạn chế. Có những tác phẩm, công trình rất lớn nhưng tác giả có vấn đề chính trị hoặc tác phẩm động tới nhà cầm quyền thì công trình, tác phẩm đó bị cấm tiếp xúc, cấm lưu hành. Không gian bối cảnh như vậy thì làm sao cái đầu mình phát triển được. Khi không biết lắng nghe thì cũng không thể tiếp nhận được kiến thức. Ao tù là chỗ nước không ra vô được. Một con kinh, con sông, con suối muốn sạch muốn trong thì nước phải đối lưu, con người phải biết học hỏi từ người khác, biết gạn đục khơi trong. Và cần phải thực tập hành trì những điều mình học hỏi được nếu không mình trở thành một con người hết xài và chỗ về của mình sẽ quá buồn.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app