Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 – Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên – Phẩm Đại Phẩm

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 

Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên

Phẩm Đại Phẩm

Phàm Phu

Sáng nay mình học kinh Phàm Phu, (Assutavasutta), HT Minh Châu dịch là “Hạng người ít nghe”. Đây là một thuật ngữ trong kinh Phật ám chỉ cho phàm phu. Chữ này rất gần với mình, suốt cuộc đời, suốt dòng sanh tử, thời gian mình lắng nghe chánh pháp rất ít. Hiền thánh ở đời vốn không nhiều, cơ hội gặp gỡ hiền thánh càng hiếm, ví dụ trong thời gian một triệu năm có một chục vị hiền thánh (người có chứng ngộ chánh pháp và giảng dạy chánh pháp), thời gian mười vị này có mặt ở đời thì cơ hội mình có thể gặp được là một hoặc hai. Cơ hội làm người, có ngũ căn đầy đủ hoàn chỉnh, có điều kiện gặp gỡ gần gũi các vị này rất hiếm hoi.

‘Assuta’: hạng người không được nghe chánh pháp, (hạng người ít nghe). Nếu mình có nghe và thấm thía chút đỉnh thì ít ra hôm nay mình đã là vị Thanh văn và Niết bàn trong kiếp sống quá khứ nào đó rồi. Cách đây 4 a-tăng-kỳ khi Bồ tát Thích Ca Mâu Ni sơ phát tâm trở thành một vị Phật thì lúc đó mình chưa là gì hết. Vị Phật thọ ký cho Bồ tát đã tu bao nhiêu kiếp để thành Phật, thành Phật rồi mới thọ ký cho Bồ tát Thích Ca vậy thì trước đó đã có bao nhiêu vị Phật ra đời cho vị này gặp gỡ, vậy mà giờ mình còn ngồi ở đây, chứng tỏ mình không tu, không nghe gì hết. Hôm nay mình biết được chánh pháp, có chút đỉnh niềm tin, hành trì, là có thể mình mới bắt đầu trong kiếp này hoặc vài kiếp trước đây thôi. Hiện giờ phải nhìn nhận vốn liếng Phật pháp của mình rất nghèo, bằng chứng là mình có mặt trong thế giới vật chất văn minh thì có nhưng điều kiện tâm linh quá nghèo. Theo trong kinh kể thời Đức Phật có những chúng sanh như ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ānanda, Ca Diếp…, những nhân vật đó thời này làm gì có. Xưa có những vị tỳ kheo vì giới hạnh vì chánh pháp mà dám chết chớ không để mất, và có những cư sĩ dám bỏ mạng cho Tam Bảo khi cần thiết. Tăng ni cư sĩ hôm nay so với ngày xưa đã khác nhau nhiều lắm, vì vậy mình vô phước vô phần lắm mới có mặt thời này, dù là so với người không biết đạo mình cũng có phước lắm, được mang thân người, được nghe lai rai chút đỉnh.

Nội dung bài kinh này như sau: Đức Phật dạy rằng, chúng sinh ở đời, hễ còn là phàm phu thì giống như một con chó bị cột vào chỗ nào đó, dù có cắn sủa, cào cấu cỡ nào cũng không thoát khỏi chỗ bị cột. Ở đây cũng vậy, hễ còn là phàm phu thì không chấp cái này cũng chấp cái kia, phàm phu ở đời lúc nào cũng đông hơn thánh nhân, hễ còn là phàm phu thì lúc nào cũng có chỗ để mà chấp. Ít ra trong đám phàm phu cũng có người trí nhiều và người trí ít. Người có trí nhìn thấy được sự vô thường cụ thể điển hình rõ ràng của cái gọi là vật chất, ví dụ tóc bạc, da nhăn, đi đứng khó khăn, nằm liệt tiêu tiểu tại chỗ v.v…, hoặc nhà sập, cầu sập, thiên tai nhân họa, chiến chinh. Vì vậy có nhiều người đã nhàm chán thế giới vật chất và hướng đến thế giới tâm linh, bởi thế giới tâm linh là cái gì đó đối với họ mơ hồ, nên họ tha hồ tưởng tượng. Họ nghĩ về những điều gì đó không sờ chạm được chẳng hạn như một cái tôi, một linh hồn hay một đấng cao siêu nào đó ở một cảnh giới xa vời nào đó. Trong khi đó, một số người khác sống chìm đắm trong thế giới vật chất, biết gia đình là phù phiếm, nhà đất ruộng vườn, “nhất khoảnh điền thiên niên vạn chủ”, một miếng đất ngàn năm qua thì đổi biết bao nhiêu tay chủ. Bây giờ nói chuyện với nhau trên room chứ nếu ở bên ngoài, tôi sẽ lấy tay chỉ ra xung quanh chùa mà nói, miếng đất này cách đây năm mươi năm đâu phải là của mình, bây giờ là của mình, ai biết được năm mươi năm nữa nó có còn là cái chùa nữa hay không. Chuyện miếng đất chùa đổi chủ không có gì khó hiểu, nếu chính phủ cần trưng dụng miếng đất thì mình phải ra đi. Chuyện tốt hơn một chút là sau này Phật tử địa phương tìm thấy một nơi chốn nào đó lý tưởng hơn, thuận tiện hơn, sinh hoạt dễ dàng hơn, rất có thể những trụ trì, Phật tử đời sau sang nhượng miếng đất này để lấy miếng đất khác. Có vô số lý do để miếng đất chùa sang tên đổi chủ, nói chi là ngôi nhà của người đời hoặc những món đồ cá nhân như quần áo, giày dép, đồng hồ, mắt kính… hôm nay mình vì nó mà cày như trâu để sắm. Ai từng mua sắm đồ thời trang thì biết, giá trị tối đa của những thứ này chỉ ba năm trở xuống, đó là với người nghèo, còn người giàu thì thay đổi như chong chóng.

Đức Phật đưa ra hai hình ảnh, những kẻ phàm phu có thể là do trí tuệ nhàm chán cuộc đời sanh ra lòng viễn ly, ly tham, ly dục đối với vật chất; nhưng lìa vật chất thì họ lại ôm ấp nắm giữ cái mơ hồ của tâm linh. Ngài xác nhận một điều mà nghĩ lại mình sẽ giật mình: số người chấp thủ vào vật chất ít hơn số người chấp thủ vào tâm linh, bởi vì số người chấp thủ vào vật chất không nhiều bằng số người tin tưởng vào cái xa vời. Tuy nhiên Ngài dạy, chấp vào vật chất ít ra vẫn thông minh hơn chấp thủ vào tâm thức, vì chấp vào vật chất thì vẫn có chỗ dựa cụ thể. Ví dụ con người đó bây giờ tuy già hơn năm năm trước nhưng vẫn thấy là con người cũ đó, còn tâm thức thì thay đổi mà không để lại chút dấu vết nào hết. Cách đây năm phút mình sống bằng tâm bất thiện, bây giờ mình chuyển qua tâm thiện; tâm bất thiện hồi nãy bây giờ đã biến mất 100%; hồi nãy là tâm sân, bây giờ là tâm tham… Cái thân thì còn để lại dấu vết, cái tâm thì thay đổi nhanh không thể tưởng tượng. Trong Tăng Chi Bộ kinh Đức Phật dạy: Ta không thấy gì ở đời có tốc độ vô thường biến đổi nhanh hơn là cái tâm, bởi vì thân tứ đại này xét trên mặt chế định, tục đế thì có thể thấy nó tồn tại trên năm năm, mười năm, hai mươi năm, còn cái tâm thì thay đổi liên tục và liên tục. Chính vì thấy như vậy nên vị thánh đệ tử sanh lòng nhàm chán, thấy vật chất vô thường cụ thể đã đành mà danh pháp còn vô thường nhanh hơn vậy nữa. Hai trí cần có ở một người tu hành: 1. Thấy vạn pháp do duyên mà có. 2. Đã có rồi thì phải tiêu mất. Từ vật chất ở đời là đất nước lửa gió cho đến tâm thiện, tâm bất thiện, tâm Dục giới, tâm Sắc giới, tâm Thiền hay không thiền, cái nào cũng chóng vánh phù du, có rồi mất theo nhân duyên. Duyên sanh có đủ thì có mặt, duyên diệt hội đủ thì biến mất. Ở đây Đức Phật nhắc lại dòng Duyên khởi: Do không thấy được Bốn Đế nên người ta mới sống trong ba Hành. Từ ba Hành này dẫn đến 32 quả thức. Từ 32 quả thức dẫn đến 19 tâm tái tục, sắc nghiệp thời tái tục. Từ danh sắc đầu đời dẫn đến lục nhập tức sáu xứ (tùy thuộc tâm tái tục nào, dẫn về cõi nào, có cõi đủ 6 xứ, có cõi 3 xứ, có cõi chỉ có 1 xứ), từ 6 xứ sanh 6 xúc, 6 xúc duyên cho 6 thọ, 6 thọ là nền tảng cho 6 ái, 6 ái ở giai đoạn yếu gọi là ái, ở giai đoạn sâu đậm là Thủ. Tứ thủ tạo ra hai Hữu, hai hữu tạo ra Sanh, từ đó mới có sầu bi khổ ưu não. Dù là một vị Chuyển Luân Vương hay Ác Ma thiên tử, tổng thống hay diễn viên, ruồi hay muỗi đều xoay vần trong hệ thống Duyên khởi này. Hôm nay mình gặp một người giàu có tiếng tăm, thấy họ là cái gì đó rất ghê gớm nhưng trong dòng chảy luân hồi thì diễn viên hay ca sĩ mà nhiều người đến xin chữ ký, xin chụp hình, nói theo đạo Phật thì đó chỉ là sự chớp nhoáng liên tục. Chính vì thấy vậy mà vị thánh đệ tử nhàm chán, vì thấy rõ mọi sự hình thành theo chuỗi nhân duyên phù phiếm. Chấp thủ vào danh hay sắc đều là sai lầm. Phần lớn thiên hạ chấp vào danh nhiều hơn là sắc. Một người chấp vào sắc vẫn có thể chấp cả danh pháp, nhưng một người chấp vào danh pháp có thể đã nhàm chán sắc pháp. Nhưng cái chấp nào cũng là sai lầm. Và Ngài xác nhận danh pháp phù phiếm hơn cả sắc pháp dù cái nào cũng là phù phiếm như nhau. Người tu hành thấy rõ sự phù phiếm đó của danh sắc qua nguyên lý Duyên khởi. Do cái này có, cái kia có; cái này diệt thì cái kia diệt. Bốn đại vật chất cũng vô thường trong từng phút, tâm thức của mình cũng vô thường trong từng phút, nhưng ít ra vật chất còn có điểm tựa để mình chấp còn tâm thì diệt thì không để lại dấu vết gì hết vậy mà người ta vẫn coi nặng nó. Nhưng chấp danhhay sắc cũng đều là chấp, hễ còn chấp là chưa thấy được lý Duyên Khởi, nếu thấy được lý Duyên Khởi thì không chấp nữa vì biết vạn pháp do duyên mà có và có rồi thì bị mất. Cái thấy này hôm nay mình biết được qua kinh sách, qua lời của người khác nhưng một ngày nào đó duyên lành Ba-la-mật hội đủ thì mình sẽ thấy bằng chính thánh trí của mình hoặc tối thiểu cũng bằng trí tu phàm phu của mình. Phải có quan sát mới thấy, ví dụ mình ngồi lâu thấy mỏi, thấy chán, chính cái mỏi cái chán này mới thúc đẩy mình thay đổi oai nghi mà đứng dậy tìm tư thế khác, tìm công việc khác đỡ tẻ nhạt, vô vi. Chính cái duyên này thúc đẩy cho sự kiện sự tình kia xuất hiện. Toàn bộ đời sống của mình luôn bị thúc đẩy bởi vô số lý do, điều kiện, nhân duyên. Cái chén đang sạch, vì đâu mình phải lôi nó ra mình xài cho dơ, từ chỗ nó dơ mình đem ra rửa. Vì đâu mình phải đi quét nhà. Vì đâu mình phải bước chân vào toilet, tắm rửa, giặt giũ. Vì đâu phải ăn, phải uống, phải gặp người này người kia. Từ lúc giật mình thức giấc buổi sáng là cuộc sống của mình bị cuốn vào dòng chảy của nhân duyên, bị cuốn vào dòng chảy của sự lệ thuộc vào những nhân tố sống. Thậm chí ngay cả trong giấc ngủ, cũng vô số nhân duyên, do đâu mình mới đi ngủ, do đâu mình mới ngủ chập chờn hay ngủ sâu… Không có một thứ nào diễn ra trong hăm bốn giờ đồng hồ mà không bị thay thế bởi thứ khác. Những cảm xúc buồn vui, tâm trạng thiện ác luôn liên tục thay đổi và cơ thể chúng ta cũng có những hoạt động liên tục để đào thải những tế bào chết, tim gan phèo phổi cũng liên tục vận động để cho mình sống và để mỗi ngày già đi một chút cho đến lúc mình lăn đùng ra chết. Sẽ có một ngày hành giả thấy rằng cái gọi là đời sống chỉ là sự thay đổi. Khi chưa biết đạo, mình gọi nó là đời sống, là cuộc đời, nhưng khi biết đạo thì cái gọi là cuộc sống, cuộc đời đó chỉ là sự thay đổi, sự xê dịch từ tình trạng A sang tình trạng B; nó cũng giống như là lý do hiện hữu của một con tàu, được làm ra để vận hành chớ không phải để đứng yên. Chính vì mình sống chìm sâu trong phiền não, trong vô minh, tham ái nên mình không thấy được điều này, mình cứ tùy vào văn hóa xã hội, văn hóa học đường, gia đình, tập khí phiền não nhiều đời mà vẽ ra cái gọi là đời sống, là tổ ấm, là gia đình, là quyền lực, là giao tế… Nói một cách rốt ráo, mọi thứ không có cái gì tồn tại quá một phút.

Bài kinh thứ hai cũng y như bài thứ nhất; có thêm thí dụ, Đức Phật dạy rằng: giống như người ta tạo lửa bằng cách cọ hai que gỗ vào nhau mà sinh ra lửa; trước khi hai que này cọ xát vào nhau thì không có lửa. Lửa không nằm ở que gỗ A hay que gỗ B mà chỉ có khi hai que gỗ chạm vào nhau. Tiếng kèn trước khi được thổi thì không nằm sẵn trong cây kèn, chỉ khi nào hơi người thổi chạm vào lưỡi gà trong chiếc kèn, bằng sự tác động hợp lý này thì mới tạo ra âm thanh. Cũng vậy, tâm thiện, tâm bất thiện, buồn vui, hỷ nộ ái ố vốn không có sẵn ở đâu đó mà chỉ có khi các duyên hội đủ. Ví dụ: Cảnh đó, với phàm tâm, cộng với phiền não nhiều đời và thói quen sống hiện tại thì dẫn đến tâm bất thiện; cũng cảnh đó, nhưng với một hành giả lại là cảnh tốt để họ có chánh niệm. Tiếng ồn đối với người không biết Phật pháp thì chỉ có khó chịu, nhưng đối với hành giả thì lại là cơ hội để chánh niệm. Trước đó tâm tham, tâm sân hay chánh niệm không có sẵn, chỉ có khi duyên hội đủ.

THỊT ĐỨA CON

Hôm nay trong tăng ni chỉ cần có một vị có khả năng ngồi yên một chỗ không ăn uống tiêu tiểu nhúc nhích suốt bảy ngày thì Phật tử bu lại kín mít, hoặc bảy ngày đó mà ngồi cách mặt đất khoảng chừng một tấc thì PG huy hoàng tráng lệ luôn, huống hồ chi thời Đức Phật, trên thì có Thế Tôn, dưới thì có vô số thánh chúng đông đúc biết chừng nào nên lợi lộc phát sinh đối với Đức Phật và chư tăng nhiều vô số kể. Nghĩa là thời đó sự cúng dường nhiều lắm. Từ đó, Đức Thế Tôn mới suy nghĩ, nếu người ta cúng dường phong phú như thế này không biết chư tăng tỳ kheo thọ dụng có quán tưởng hay không, nếu sử dụng y áo, thực phẩm, trú xứ mà có quán tưởng thì tốt. Quán tưởng là luôn ý thức rằng mọi thứ vật chất chỉ là phương tiện tối cần cho đời sống, cái gì cũng chỉ để đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, không phải để hưởng thụ.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app