Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 1 

Chương 8: Tương Ưng Trưởng Lão Vangisa

XUẤT LY (Nikkhantasutta)

“Một thời Tôn giả Vangīsa trú ở Alavi, tại ngôi đền ở Aggàlava, cùng với Tôn giả Nigrodha Kappa, là vị giáo thọ sư.

2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Vangīsa là tân Tỷ-kheo, xuất gia chưa bao lâu, được ở lại để coi ngôi tịnh xá.”

Ở đây ngài Minh Châu không dịch chữ mà ngài dịch nghĩa.

‘Vihārapāla’ là ‘người coi chùa’. Trong Chú giải có nói rõ lúc đó ngài là ‘avassika’: ‘chưa có hạ nào’.

“pattacīvaraggahaṇe akovido”: “sử dụng y bát chưa rành”

‘patta’: ‘bát’; ‘cīvara’: ‘y’; ‘gahaṇa’: ‘sử dụng’ (taking, using); ‘akovido’: ‘chưa rành’ (kovido: skillful).

Các vị trưởng lão mới nói thế này: “āvuso, imāni chattupāhanakattarayaṭṭhiādīni olokento nisīdā’’ti” thôi thì hiền giả hãy ngồi ở đây đi, đừng đi đâu hết, ra ở chùa để coi sóc giày dép, dù quạt của chư tăng giùm. Các vị hỏi tôi cái này ở đâu mà có, xin thưa, chư tỷ kheo nguyên thủy không hề có tài sản tư hữu, nhưng có một vài món chư tăng có quyền sử dụng như là sở hữu cá nhân, còn vài món được dùng như là của tập thể, y chang như miền Bắc của mình năm 45-54 vậy, cái đợt mà người dân không sở hữu chiếc xe đạp nào hết, ở đầu làng người ta chất vài ba chiếc xe đạp, ai có chuyện thì lấy đi, đi xong về để xe trở lại chỗ cũ, người sau cần thì lấy xe đó đi. Dần dần bắt đầu có cái tư hữu âm thầm len lỏi riết rồi bây giờ có tư bản đỏ giàu ngút trời. Chư tăng nguyên thủy buổi đầu cũng chỉ sở hữu những món rất hạn chế, ví dụ cái quạt cá nhân, không phải tất cả các chất liệu đều được xài, như lông thú, lông chim, thú hiếm đắt tiền không xài được, hoặc có độc tố, hoặc có hình thức không dễ coi đối với Sa-môn thì không được dùng. Tỷ kheo nguyên thủy không được mang dép, chỉ được mang dép khi bị bệnh thôi, khi bị cảm thì đi chân không sẽ lạnh xương sống. Dù, lộng to quá thì thuộc về tăng, (tập thể), chỉ dùng cho các vị trưởng lão trong trường hợp đặc biệt nào đó, còn tỷ kheo nguyên thủy thì “chuyên chính vô sản, chí công vô tư”, thật lòng không muốn tư hữu sở hữu cái gì riêng tư hết, thật lòng cầu đạo giải thoát thì không có một phần tỉ lý do nào để nghĩ đến chuyện sở hữu hết vì chuyện quán thể trược, quán hơi thở, từ bi quán bất tịnh quán đã hết thời gian rồi, thời gian đâu chăm sóc bảo trì những món sở hữu; giống như người biết mình ung thư kỳ cuối làm gì có chuyện ưa thích kiếm tìm bảo trì duy tu món gì nữa. Tôi đặc biệt chú ý bài báo viết về đời sống và ngày tháng cuối cùng của những tử tù, tôi rất muốn biết những người đó trước khi chết họ có những biểu hiện tâm lý đặc biệt như thế nào và cũng thử đặt mình vào hoàn cảnh đó xem sao. Tôi đọc thấy bữa cơm cuối cùng dành cho tử tù, chỉ có một ít và rất hiếm những tử tù có đề nghị hay yêu cầu đặc biệt cho bữa ăn cuối cùng của mình. Yêu cầu thì yêu cầu vậy thôi nhưng họ không chạm đũa nổi vào bữa ăn được. Sau bữa ăn này, súc miệng xong xuôi thì họ sẽ ngồi ghế điện, bị tiêm thuốc độc, bị đưa ra dựa cột ngoài trường bắn. Năm Cam chẳng hạn, ông ta thường bị dời trại vào lúc rạng sáng, những lần dời trại trước ông còn vui vẻ, còn đêm cuối cùng dời trại thì thái độ ông khác hẳn, sáng hôm đó ông tỏ ra ít nói. Những người bạn tù khác còn lăng xăng, còn ông thì với kinh nghiệm dày dạn cuộc đời, ông biết sáng nay đi trả án, thái độ ông trầm lặng lạ thường. Tôi kể nhiều về chuyện này là ý muốn nói, thật sự một người cầu đạo giải thoát thì y như vậy, khi một người tử tù thu dọn những vật dụng cá nhân, trong tâm trạng đó thì ai xin gì họ cũng cho, không hề tiếc và không cần phân biệt món nào tốt món nào xấu. Mình thì sao, mình chưa bao giờ chịu nghĩ rằng mình sẽ ra đi mặc dù chuyện đó có thể xảy ra trưa nay, chiều nay hoặc sáng sớm ngày mai. Chưa bao giờ mình thử sống bằng tâm trạng của người tử tù, hay sống qua tâm trạng của người bị mắc nan y tuyệt chứng không thầy không thuốc nên mình không tin trên đời này có những người thật sự không màng tư hữu. Ngài Vangīsa được giao trách nhiệm ở lại coi tịnh xá. Lúc đó chùa có nhiều nam nữ Phật tử vào ra, có những người nữ ăn mặc không đoan chánh, thấy ngài cũng còn trẻ nên liếc háy cười nói không gìn giữ ý tứ khiến ngài động tâm. Nhưng vốn là người thâm hậu nên ngài tự trách và tự tỉnh bằng cách ứng khẩu một bài kệ:

Với ta đã xuất gia,

Bỏ nhà, sống không nhà,

Tâm tư nay chạy loạn,

Khởi lên từ đen tối.

Con nhà bậc thượng lưu,

Thiện xảo trong cung pháp,

Ngàn người bắn tứ phía,

Vẫn không bỏ chạy loạn.

Nếu phụ nữ có đến,

Dầu nhiều hơn, đông hơn,

Sẽ không não loạn ta,

Ngài xác định mình là một cung thủ, một chiến sĩ, biết mình đang có vấn đề. Đặc biệt trong PG có một pháp môn độc đáo: “chánh niệm”, biết rõ vấn đề đang đến với mình là mình đã giải quyết một nửa rồi. Đó là chánh niệm yếu đó, khi mình biết rõ vấn đề gì đang xảy đến thì mình đã giải quyết một nửa rồi, một nửa còn lại tùy thuộc vào yếu tố khác ví dụ như Ba-la-mật, hoặc chánh niệm mạnh hay yếu. Việc đầu tiên phải nói rằng là tham hay sân, đối với lý tưởng PG là khi nhận diện được chuyện gì đang xảy ra thì đã giải quyết được một nửa. Đây là điểm độc đáo của PG nói chung và pháp môn Tứ Niệm Xứ nói riêng. Ví dụ như bây giờ mình sợ ma, mình không biết là đọc kinh hay niệm Phật là hết sợ hay không không biết, nhưng việc đầu tiên là hành giả biết rất rõ mình đang hoảng hốt, biết rõ tâm sân (lòng sợ hãi) đang có mặt, khi ý thức được như vậy là hành giả đã giải quyết được một nửa vấn đề rồi. Một nửa còn lại còn tùy thuộc vào bao nhiêu chuyện khác, Ba-la-mật, thể trạng, hoàn cảnh chung quanh của mình.

Bài kệ này không có gì để nói. Chỉ có một chữ tôi muốn quí vị học, bữa trước bài kinh Navakammikasutta có nói nhiều và rất hay về chữ Nibbana. Trong chương này có chữ rất là hay:

‘nibbāpana’ (danh từ): ‘sự dập tắt’, ‘sự làm nguội lạnh’

‘nibbāpeti’ (động từ): ‘làm cho mát lạnh’, ‘làm cho nguội lạnh’ một thứ đang nóng, ‘dập tắt’ một ngọn lửa. (distinguishing, coolness). Đây là chữ rất đáng nhớ, đáng học, ‘nibbana’ là một thuật ngữ quan trọng của PG mà Phật tử Nam Tông không được ấm a ấm ớ. Sẵn đây tôi nói luôn, có hai hiểu lầm rất lớn mà chín chục triệu người VN có lẽ chưa được một phần ngàn người biết chuyện này.

Thứ nhất, chữ Vu Lan Bồn trong tích Mục Liên Thanh Đề không có trong kinh điển Pāḷi vì cực kỳ vô lý:

1. Đã là La-Hán thì không bao giờ có chuyện khóc, thất vọng, bất mãn trước một sự kiện nào đó

2. Đã là La-Hán thì không có chuyện đem thức ăn ở cảnh giới này sang cảnh giới kia nài ép người ta ăn, đàng này ngài Mục Kiền Liên đem thức ăn cõi người xuống địa ngục mời mẹ ăn, mẹ ăn không được thì ngài khóc.

3. Một Phật tử sơ cơ cũng biết khi người thân bị sa đọa thì cách tốt nhất phải hồi hướng, vậy mà vị La-Hán lục thông như ngài lại không biết làm sao phải chạy về hỏi Phật.

Người đời sau viết thêm để cường điệu lòng đại hiếu của ngài. Bên Nam Tông thì cuối đời ngài Mục Kiền Liên phải viên tịch do bị thảm sát, xác ngài bị băm nát như tương. Ngài có cái chết không đẹp như vậy vì kiếp xưa ngài từng là người chồng nhu nhược thiếu trí, nghe lời vợ mà phạm lỗi giết cha mẹ. Từ đó nhiều đời ngài bị sa đọa địa ngục cứ sanh lên là bị chết thảm. Kiếp cuối cùng gặp được Thế Tôn, trở thành vị Đệ nhất thần thông rồi cũng vẫn phải trả nghiệp lần chót và bị người ta thảm sát. Bên Bắc Tông thì khác, người ta dựng chuyện bà Thanh Đề lấy thịt chó làm nhân bánh bao cúng dường cho mấy vị sư khất thực. Đây là một tình tiết rất là VN, rất là TQ, vì khái niệm giết chó làm thịt rất xa lạ với những dân tộc khác chẳng hạn như Ấn Độ. Câu chuyện này đọc kỹ thì tình tiết trong đó không có bóng dáng gì của Ấn Độ, câu chuyện dường như xảy ra tại VN thì phải.

Chuyện thứ hai là Kinh Duy Ma bên Bắc Tông chửi ngài Xá Lợi Phất không còn non nước nào hết, ngược lại bên Nam Tông, ngài là một vị huynh trưởng của tăng đoàn. Nếu chuyện chí hiếu thì tất cả La-Hán đều chí hiếu hết. Hiếu là lòng tri ân, người hiền trí trú mưa trú nắng dưới gốc cây khi ra đi không nỡ bứt một chiếc lá nói chi là ơn sinh thành dưỡng dục mang mình vào đời của cha mẹ, người hiền trí nào không biết tri ân. Thánh nhân luôn có điểm đồng, vị nào cũng có lòng tri ân, chỉ là khác nhau điều kiện thể hiện mà thôi. Trong kinh Nam Tông nói ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên đều chí hiếu như nhau hết, mà chẳng qua là kiếp cuối gia đình của ngài Mục Kiền Liên tà kiến khó độ, chỉ độ quyến thuộc xa xa thôi chớ bà con nội thuộc không độ được, vì vậy phần ngài Mục Kiền Liên tế độ quyến thuộc không được nói nhiều. Chỉ nói nhiều về ngài Xá Lợi Phất, ngài trở về độ trong nhà, ngài là một trong bảy người đều là vị A-la-hán hết, cuối đời ngài trở về tế độ cho mẹ của ngài, khi bà đắc quả Tu-đà-hoàn chỉ trong vài phút sau ngài viên tịch niết-bàn. Chí hiếu thứ hai là trong kinh kể một lần ngài ở trong am thất, một nữ ngạ quỷ đi đến xác nhận là mẹ cách đó kiếp năm trước của ngài, đang khổ lắm. Chính ngài đi vào thành khất thực đem về cúng dường chư tăng để hồi hướng công đức cho ngạ quỷ này hết khổ. Chính ngài biết rất rõ làm sao để cứu lấy người mẹ quá khứ của mình. Bà mẹ này bị đọa vì kiếp trước bủn xỉn keo kiệt, bạc đãi người nghèo, vì vậy sa đọa trong thân ngạ quỷ. Bắc Tông họ không hề nói gì về chuyện này mà lại thế vào chuyện ngài Mục Kiền Liên. Còn chuyện ngài Ca Diếp được Đức Phật trao truyền y bát chánh pháp nhãn tạng để làm đệ nhất tổ thiền tông thì đó là chuyện của đời sau, còn bên Nam Tông có chuyện tương tự nhưng không phải là chuyện trao truyền y bát gì hết mà Đức Thế Tôn biết vị này về sau sẽ trở thành người đệ nhất về hạnh đầu đà nên ngài đổi lá y đang mặc cho ngài Ca Diếp giống như một cách khích lệ, Như Lai là bậc Chánh Đẳng Giác mà còn đi nhặt vải bó xác để về làm y mặc. Chính gốc tích của lá y đó đã là một trong những nguồn tác động khiến cho ngài Ca Diếp lập 13 hạnh đầu đà, trong đó có hạnh phấn tảo y, nghĩa là không nhận y người ta may sẵn, không nhận vải từ tay thí chủ đàng hoàng mà chỉ sử dụng vải nhặt vải lượm ở tha ma mộ địa đống rác lề đường mà thôi. Vậy mà bên Bắc Tông diễn dịch là trao truyền y bát. Quí vị tưởng tượng vải gì mà truyền từ đời Phật qua đến đời Ca Diếp rồi ngài Ānanda rồi sau đó 28 vị tổ Ấn Độ cộng 6 ông tổ của Tàu nữa, một cái vui nữa, Đức Phật là người Ấn Độ, y của ngài mặc theo kiểu Nam Tông, Ấn Độ, truyền đến thời Lục tổ thì thành kiểu Tàu. Quí vị đưa tôi bộ veston mà tôi truyền đến đời cháu xơ gì đó thành bộ soireé thì có động trời không, chưa kể kích thước. Ai có đi TQ thì biết tất cả danh lam cổ tự TQ đều thờ Phật Di Đà, và Phật TQ thì mặc y hạ tới ngực, cột dây lòng thòng, ngực phơi chữ vạn, trên vai khoác tấm vải nhỏ cỡ khăn tắm của mình. Các vị tưởng tượng lấy cái xà rông mặc ở cái kiểu xấu nhất xấu hơn kiểu Miến Điện nữa, mặc lên tới ngực, giống mấy bà già VN đi tắm quấn cái khăn rằn vậy. Trên vai thì choàng miếng vải nhỏ. Hai tay hai chân trống chỗ nào thì vòng vàng kim cương mã não hổ phách gắn đầy trên đó. Vậy mà bao nhiêu thế hệ cứ xúm nhau chấp nhận cái chuyện đó.

Khi ngài Vangīsa phát hiện ra nội tâm của mình có vấn đề ngài lập tức phản tỉnh và khi đó ngài giải quyết được năm mươi phần trăm vấn đề và đây cũng chính là kinh nghiệm tu học của chúng ta. Tiếp theo là bài kinh Arati.

ARATI (Aratisutta)

Arati’: ‘bất mãn’. HT Minh Châu dịch theo bản Hán Tạng là ‘bất lạc’, chữ này theo tiếng Việt hiện đại dịch là ‘bất mãn’ thì đúng hơn, bằng chứng là bên dưới chính ngài Minh Châu cũng nhắc lại chữ này mà ngài dùng chữ ‘bất mãn’. Chữ ‘bất lạc’ nói ra trong tiếng Việt có người hiểu nhưng nghe hơi là lạ. Giống như bắt tôi mặc xà rông Miến Điện thì hơi chỏi. Miến Điện gọi xà rông là cái lungi, tôi nói vậy thôi chứ thật ra, hôm tôi đi Miến Điện tôi có viết bài Văn Minh Xà Rông, tôi thích ghê lắm. Trên đời này không có gì hay bằng cái xà rông hết, vì cái xà rông là miếng vải, mình có thể dùng nó làm nhiều việc, có thể dùng nó làm khăn tắm, làm khăn trải nằm. Nếu mình có hai cái xà rông thì một cái mình mặc, một cái mình vắt lên vai, trời lạnh mình cũng có thể che ấm được, lỡ đi ngang gặp chó dữ mình cũng có thể tự vệ chút ít được, lỡ cần mua gạo mua thức ăn mình túm lại cũng được. VN mình ngày xưa ở Nam bộ, các cụ thường có khăn rằn vắt vai hay vô cùng, đi tắm cũng nó, gặp chó dữ cũng nó, trời lạnh quấn cổ cũng nó, gặp cấp cứu bó tay bó chân gì cũng nó, đựng gạo đựng trái cây cũng nó, hay lắm. Dĩ nhiên lá y của Đức Phật cho mình mình không được lạm dụng nhưng phải nhìn nhận lá y là một trong những trang phục tôi cho là đẹp nhất và tiện dụng nhất trên hành tinh này. Lá y dùng được nhiều cách lắm, dĩ nhiên là dùng cho cá nhân mình thôi, đừng làm gì bị dơ và biến màu. Không được sử dụng vào việc gì bất xứng ví dụ như là trải dưới đất là không có được nhưng trải trên giường thì được, dùng cho mình thôi chứ không dùng cho người khác được. Đại khái là sử dụng y phục trong hình thức tấm vải thì rất là tiện.

Bài kinh thứ hai cũng có nội dung y bài kinh số một, ngài Vangīsa phát hiện đang bị dục tình chi phối. Dục tình khác với tình dục nhen, dục tình là những cảm tưởng về nam nữ thôi ở mức tình cảm chứ chưa lên tới mức tình dục. Tôi nhớ trong mấy nhà dòng, chủng viện của Cơ Đốc Giáo ngày xưa (bây giờ hết rồi) để một câu như thế này: “Đừng bao giờ một, không nên hai, tốt nhất nên từ ba trở lên” bằng tiếng La Tinh trên mấy cái cửa từ phòng này qua phòng kia liên thông với nhau, người ngoài không bao giờ hiểu. Các chủng sinh ở một mình dễ bị rơi vào những trường hợp như là trầm cảm vì trong bốn bức tường đó buồn lắm. Ai đọc sách xem phim về những dòng tu kín nữ, buồn hơn tu viện PG nữa, bên PG có giáo lý nên có đường thoát, bên đó thì chỉ có thánh kinh, và nội dung thánh kinh không đủ để giải quyết vấn đề tâm lý của con người. Tôi biết tôi nói đụng chạm rất nhiều người nhưng không thể không nói, nội dung thánh kinh không đủ để đối phó với những vấn đề trùng điệp của chúng sinh đâu. Chưa kể là giáo luật bên đó đâu phải là một bậc thánh như Đức Phật chế định, mà là do phàm phu, nên dù là học thức cỡ nào đi nữa cũng có những bất cập. Vì vậy chủng sinh sống một mình dễ có vấn đề ví dụ bị trầm cảm hoặc rơi vào con đường tự giải quyết bản thân chẳng hạn như là thủ dâm. Tốt nhất đừng bao giờ một là như vậy đó, thứ hai là không nên hai, nếu mấy cha mà ở từng cặp thì dễ dẫn đến đồng tính luyến ái. Chuyện này rất dễ xảy ra chẳng những ở các chủng viện Cơ Đốc Giáo mà trường chuyên Phật Học ở Thái Lan cũng có xảy ra, tận mắt tôi nhìn trong ký túc xá của trường Mahachulalongkorn Thái Lan mười mấy vị tăng sinh là gay. Cách đi đứng cách cười cách nói của họ diễn ra trước mặt mình, nghe tiếng nói phía sau tôi quay lại nhìn mà hết hồn: mang dép tím, giày tím, dù tím, khăn cột ngang người màu xanh lá cây, đi đứng õng ẹo, độn ngực, nhìn rất kỳ cục, cũng do sự chung đụng cọ xát không hợp lý, vì vậy cẩn thận nghen. Đời tu đừng tưởng dễ, khó lắm, ở một mình có vấn đề của một mình, ở hai có vấn đề của hai mà ở đông cũng có vấn đề của đông, khó nuốt lắm chớ không phải dễ, đời tu là âm dương thất điều (không có quân bình). Ở đây ngài phát hiện ra mình có vấn đề nên ngài bèn lập tức phản tỉnh.

KHINH MIỆT KẺ ÔN HÒA (Pesalasutta)

Cũng hơi khó khăn cho tôi mỗi lần tôi nói ra sự thật. Có những sự thật nói ra ok nhưng có sự thật nói ra sẽ làm người ta khó chịu, ví dụ tựa kinh này. Chữ Pessala này dịch “kẻ ôn hòa” thì kẹt cho tôi quá.

Thiện giới

pesala’=‘susila’: ‘thiện giới’. Vậy mà ngài Minh Châu dịch là ‘kẻ ôn hòa’. Thiện giới là người có giới luật trong sạch. Nó từ chữ ‘Parisuddhisila’: ‘thanh tịnh giới’, ‘Ariyakantasila’: giới được thánh nhân khen ngợi quí kính. Giới được thánh nhân khen không phải là giới bình thường, giới đó phải là trong sạch, không bị hoen ố tì vết đã đành rồi mà lý tưởng của người giữ giới phải là cầu giải thoát. Các trường hợp giới trong sạch:

1. Trong sạch nhưng thiếu lý tưởng giải thoát (parisuddhisila)

2. Trong sạnh và có mục đích giải thoát (ariyakantasila)

3. Giới được thánh nhân hay hiền trí thương quý (ariyapemasilapanditapiyasila)

(ariya)pemasīla = ‘pesala’ : thiện giới.

‘Pesala’ nghĩa là ‘thiện giới’ là chữ đặc biệt trong PG, nhìn vào không thấy chữ ‘thiện’, cũng không thấy chữ ‘giới’, nhưng lại có nghĩa là thiện giới.

patibhāna” trong Hán Tạng dịch bằng hai chữ ‘biện tài’, ‘ứng khẩu’. Tôi chọn chữ ‘ứng khẩu’ là vì ‘ứng khẩu’ bao luôn cả ‘biện tài’ nhưng biện tài không hẳn có ứng khẩu. Biện tài có thể là người lý luận cứng, chặt chẽ, nhưng chưa hẳn nhanh như ứng khẩu, vẫn còn phải cắn móng tay suy nghĩ. Ứng khẩu thì chạm vô là bật ra, muốn là có ngay giống như móc từ trong túi ra vậy. Giống như Nguyễn Xuân Phát khen Trịnh Công Sơn viết nhạc dễ như người ta lấy từ túi áo, một cách khen rất độc đáo. Ở đây, ngài Vangīsa là vị có biệt tài đặc dị đó là nhìn thấy sự kiện gì đó là lập tức ngài có ngay một bài kệ rất hoàn chỉnh, rất dài về sự kiện đó. Khổ nỗi ở đây chúng ta không phải là người Ma Kiệt Đà, tiếng Pāḷi không phải là tiếng mẹ đẻ của mình nên mình thấy kệ nào cũng là kệ, mình không biết cái nào hay hơn cái nào. Người ngoại quốc hiểu được một bài thơ lục bát đã mừng rồi chớ làm gì mà họ biết phân biệt được lục bát của A khác B cỡ nào. Ví dụ tôi tặng quí vị bài thơ sau đây của Bùi Giáng:

Con ruồi là giống hiểm nguy

Cái chân của nó rất vi trùng nhiều.

Mình thấy ai là người VN đọc câu thơ này là chịu không nổi nhưng người ngoại quốc học tiếng Việt hiểu được câu này họ mừng, họ nói họ đã hiểu được thơ VN, nhưng người VN đọc thì chịu không nổi. Hoặc là có ông đó thích làm thơ mà làm thơ không nổi, đêm đó trời trăng sáng, ổng ra ngoài sân đốt trầm ngồi nghĩ được có một câu: “Đêm nay trăng sáng mông lung”, cái câu là thấy không hay rồi, thằng con chạy ra hỏi “Ba ơi ba để cái mùng ở đâu”. Ổng nói, thằng này hay, bố nó làm câu lục, nó làm câu bát. Nếu nói trên thơ lục bát thì thấy thơ hai cha con cũng được rồi đó, nhưng người ngoại quốc thì họ hiểu nhưng không phân biệt hai câu này với câu Kiều khác nhau cái gì.

“Tưởng bây giờ là bao giờ

Rõ ràng trước mắt còn ngờ chiêm bao”

Hoặc là:

Ừ thôi mắt biếc bồ câu

Vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau

Em về mấy thế kỷ sau

Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không

Ta đi còn gửi đôi dòng

Lá rơi có dội ở trong sương mù?

BG

Một người ngoại quốc không thể nào tưởng tượng đem so câu thơ của ông ở trên với mấy câu thơ của Bùi Giáng, Cung Trầm Tưởng. Rất tiếc tiếng Pāḷi của mình không đủ để mình thấy cái xuất sắc của ngài Vangīsa, cách ngài xài chữ nó điệu cỡ nào, mình chỉ là vịt nghe sấm vậy thôi. Trong kinh Pháp Cú nói rằng tu là một quá trình phát hiện tự thân, là chuỗi hành trình phát hiện cái gì mình đã làm và chưa làm (katamakataṃ: done, undone), là quá trình phản tỉnh, phản ảnh bản thân mình. Ngày kia, ngài Vangīsa phát hiện thấy mình có lòng kiêu ngạo và ngài biết tự thẹn. Suốt cái chương này nói quá trình tự tỉnh của ngài Vangīsa. Đụng chuyện mà biết nhìn lấy mình là khá, còn người nào mà cứ chìm sâu đợi người ta nhắc cũng không thèm nghe là hết thuốc chữa rồi. Bậc hiền trí thật sự là người có khả năng biết nhìn lại mình. Những người tập luyện yoga, khí công, dưỡng sinh, võ thuật, múa bụng (belly dance) khỏe mạnh hơn người bình thường không phải chỉ đơn giản là vì cơ thể họ vận động thường xuyên mỗi ngày năng lượng được đốt cháy, mà vì một chuyện vô cùng quan trọng đó là chỉ có những người đó họ mới chịu khó để ý đến bản thân nhiều. Họ để ý kích thước vòng bụng, ăn cái gì uống gì, thời gian tập luyện bao nhiêu, cơ thể có gì lạ v.v…, chỉ có họ mới để ý, chớ còn dân công sở đi làm về muộn tối tắm rửa ăn cơm lăn lên giường ngủ, sáng mờ đất xách túi đi tiếp, kiểu người như thế này là bịnh đã đời luôn, bịnh gì trong người không hề biết. Dân công sở là dân tự sát chậm đó vì họ không có thì giờ để nhìn lại họ. Người tu là người có khả năng tự tỉnh, ở đây ngài Vangīsa thấy mình giỏi thiệt, mình có tài ứng khẩu hay thiệt.

Trong Chú giải nói, ngài nghĩ: “kiṃ ime mahallakā?” Ông này tu lâu hơn mình mà ổng được cái gì, “Na etesaṃ pāḷi”Tam Tạng cũng không biết, “na aṭṭhakathā”Chú giải Tam Tạng cũng không biết gì hết, “na padabyañjanamadhuratā” chữ nghĩa trớt quớt, “amhākaṃ pana” còn mình thì sao “pāḷipi aṭṭhakathāpi” chánh tạng, Chú giải “nayasatena nayasahassena upaṭṭhātī’’ti” mới tu mình có thể hiểu trăm ngàn cách, một chữ có thể chẻ ra làm tám lần, nói ngược nói xuôi gì cũng hiểu. Đó là suy nghĩ bất thiện.

Chúng ta biết ngài Buddhaghosa người viết Chú giải và phiên dịch Chú giải Tam tạng, ngài giỏi lắm, giỏi nhiều thứ tiếng, tinh thông Tam Vệ Đà, ngài là một học giả bậc nhất PG hậu thời, ngài chỉ thua mấy vị A-la-hán tuệ phân tích tuệ vô ngại thôi. Ngài đi bát sau lưng sư phụ, sư phụ dạy hết Tam Tạng cho ngài, vậy mà ngài nghĩ bụng, sư phụ có nhiêu đó thôi, không có hơn nữa đâu. Lúc đó đang đi bát, sư phụ dừng lại nói: Đừng nghĩ như vậy nghe, không có tốt. Ngài hết hồn, ngài mới biết cái thuộc lòng của ngài chưa đi tới đâu hết, ông sư phụ của ngài chẳng những thuộc lòng Tam Tạng mà còn biết ngài nghĩ cái gì nữa. Quá dễ sợ như vậy. Khi về ngài sám hối: Con trẻ người non dạ, sư phụ bỏ qua cho con lần sau không có nữa. Sư phụ nói: Chuyện giận thì không, nhưng tha lỗi thì không dễ, vì đó là lỗi lớn, giờ chỉ có một cách là ngươi đi làm chuyện gì đó cho đạo. Thế là ngài mới gởi học trò qua bên Tích Lan để dịch kinh. Lúc đó kinh điển được viết bằng chữ Tích Lan cổ. Cho nên hôm nay nếu có người nào đó hỏi tôi nên học cái gì, thì tôi sẽ nói mình tu theo PGNT thì ngoài tiếng Pāḷi ra mình thử học tiếng Tích Lan cổ xem sao để mình tiếp cận với nguồn kinh điển được xem là cận nguyên thủy nhất. Ngôn ngữ thứ hai là Miến Điện, kinh sách Miến Điện nhiều lắm. Tại Shwedagon, đại tháp dát vàng của Miến Điện, bảo tháp nằm trên ngọn đồi có bốn cửa đi lên (Đông, Tây, Nam, Bắc), cửa Đông là lối đi bằng cầu thang từ trên đại tháp xuống phố có nhiều tiệm sách. Sau đúng nửa thế kỷ chèn ép của quân đội chuyện in ấn của Miến Điện rất hạn chế, chư tăng cần sách chỉ đem đi photo thôi, nên nay những nhà sách nằm dọc theo ngõ hướng Đông của Shwedagon đầy sách Miến Điện. Thời tôi đi cách đây hai năm thì toàn sách photo, tội nghiệp lắm, tự điển Pāḷi cũng photo, những cuốn sách về Duyên khởi cũng photo, Vi diệu pháp sơ trung cao, những cuốn về Lộ tâm rất dày, cũng photo. Tôi muốn nói là sách ở Miến Điện là một rừng. Tiếng Miến Điện mà biết nói biết nghe được thì tốt, nhưng đọc hiểu được thì tiếp cận được một rừng kinh điển. Sẵn đây tôi nói luôn, ở đâu ra, kinh gì nhiều dữ vậy? Ở bên đó có quá nhiều vị thạc đức, thạc học tinh thông Tam tạng và Chú giải, họ đúc kết những cái biết về Tam tạng làm nền tảng và đưa ra những nhận xét riêng tư về những vấn đề bị bỏ ngỏ trong kinh điển truyền thống, cứ mỗi lần họ đưa ra vài nhận xét riêng tư như vậy ta có ngay một cuốn sách. Lịch sử PG Miến Điện có không dưới hai nghìn năm, các vị tưởng tượng xem sách vở của họ nhiều đến mức nào. Thí dụ ngài Ledi Sayadaw từng có một tiểu luận (Paramidipani) rất đầy đủ về Bồ Tát Đạo theo tinh thần Nam Tông. Đây là một vấn đề bị bỏ ngõ, nếu ai đọc kinh tạng Nam Truyền sẽ thấy ra một chuyện, chữ ‘Bodhisatta’ (Bồ tát) ‘parami’ (Ba-la-mật) đều rất hiếm khi xuất hiện và chỉ thấy nhắc đến trong bộ phận non trẻ nhất của Tiểu Bộ Kinh. Cuốn Uttamapurisa dīpanī: manual on the greatest of mankind thì dày hơn tiểu luận kia, xin vào trang namtong.org xem về ngài Ledi Sayadaw ở phần tiểu sử danh tăng Phật Giáo do TT Toại Khanh biên soạn. Tôi không quảng cáo về tôi nhưng đến bây giờ tôi chỉ thấy chỉ mỗi trang namtong.org có phần tiểu sử đầy đủ nhất về ngài Ledi Sayadaw, cũng như cho đến hôm nay tôi chưa từng thấy một tiểu sử nào trên internet kể cả tiếng Anh kể về đời của Tô Mạn Thù đầy đủ hơn bản tiểu sử Tô Mạn Thù của tôi. Nói vậy không có nghĩa là tôi giỏi mà vì tôi đúc kết nhiều bài và gom thành một bài khá dài. Có những sự thật dù gạt nước mắt mà nói cũng phải nói, đừng nghĩ người ta nói ra là người ta khoe, chuyện đó có gì đâu mà khoe. Kinh sách Miến Điện thì nhiều vô kể nhưng đặc biệt người ta không viết loạn quan loạn quân như mình, mình thích viết gì thì viết, không cần Tam Tạng hay Chú giải gì hết, thích thì cứ viết, ai đọc chết ráng chịu, không có hội đồng kiểm duyệt. VN lâu lâu xuất hiện những trường hợp như thầy Thông Lạc hay có những vị như thầy Chơn Quang, Phước Tiến chẳng hạn, phủ nhận một số kinh của Bắc Tông như Kinh Dược Sư, Kinh Địa Tạng, coi nhẹ vấn đề cầu an cầu siêu v.v…, PGVN thì cũng có giáo hội nhưng những hiện tượng bộc phát thì không kềm chế được. Trong khi đó theo tôi biết PG Thái Lan PG Miến Điện thì không, tăng ni đông trùng điệp nhưng những công trình viết lách biên soạn đều có cặp mắt săm soi rất kỹ của giới học thuật chuyên môn nên không có loạn quân loạn tướng như mình.

Cho dù chúng ta giỏi cách mấy đi nữa, hãy thử tưởng tượng thì trước sau gì chúng ta cũng chết, ngoài nghĩa trang có biết bao nhiêu người giỏi hơn chúng ta gấp triệu lần. Giỏi cho lắm cũng chết. Thứ đến là cái biết của nhân loại thời này sẽ trở thành cổ lổ sĩ so với cái biết của nhân loại thời đại khác. Trong vũ trụ bao la này, điều chúng ta biết so với điều không biết còn nhỏ hơn hạt cát so với sa mạc vì hạt cát hữu hạn, sa mạc rộng cách mấy cũng hữu hạn, người ta còn tính ra diện tích sa mạc, hữu hạn trên hữu hạn, tử và mẫu số đều là hữu hạn. Điều mình không biết thì vô hạn, vô lượng, chúng ta lấy gì để tự đắc tự kiêu tự đại về cái biết của mình. Cái biết của mình thời đại này hoàn toàn là trò cười cho cái thời đại khác. Hôm nay mình coi mấy chiếc máy bay, chiếc tàu của đầu thế kỷ 20, mình không tưởng tượng hồi đó nó tệ vậy, trong khi thời đó nó là đỉnh cao văn minh. Nói về đạo, cho dù chúng ta có tinh thông kinh điển cách mấy phải nhớ giùm hai việc:

-Nếu Thế Tôn còn sống, Tam tạng không dừng lại ở đây. Tất cả những gì chúng ta học là những cách Đức Phật diễn đạt về con đường giải thoát chứ không phải mỗi bài kinh là một chân lý tuyệt đối. Tùy nhân duyên mỗi người mà Đức Phật đem tinh thần Tứ đế diễn dịch theo cách khác nhau. Nếu Thế Tôn còn tại thế hôm nay thì Ngài có tám trăm năm chục triệu bài kinh rồi. Đừng dại khờ đến mức tự kiêu về kiến thức Phật pháp, vì Phật pháp là những viên thuốc trị bệnh, phàm phu là người bị bệnh, không có người nào đầu óc tỉnh táo mà đi khoe nhà mình nhiều thuốc lắm, mình uống nhiều thuốc lắm.

-Điểm độc đáo của PG là chỗ này: Ở ngoài đời một cậu bé học tiểu học kiêu ngạo cách mấy, miễn học giỏi thì vẫn đậu trung học, một thanh niên, đậu trung học, kiêu ngạo cách mấy, miễn học giỏi thì vẫn có thể lên đại học. Một người lên đại học dầu kiêu căng cách mấy vẫn có thể lấy bằng MA, BA, miễn là giỏi. Nhưng trong Phật pháp không như vậy, khi anh đã có lòng kiêu ngạo thì toàn bộ những cái anh học chỉ nằm lại ở mức độ trí văn mà thôi, vì một người trí tư ngon lành thì họ không tìm ra lý do nào để tự hào tự kiêu tự mãn hết. Vì vậy cho mình giỏi là một hành động biến mình mãi mãi nằm ở mức trí văn, chỉ có người có trí tư là người biết vượt thoát khỏi cái học của mình rồi đi vào cái suy tư sâu sắc, rồi từ đó mới có thể hy vọng lên đến trí tu, có nghĩa là cái biết thông qua thực chứng trải nghiệm. Ngoài đời mình có kiêu ngạo cách mấy miễn là giỏi thì học vị nào mình cũng có thể đạt tới, trong đạo thì không vậy, khi anh thấy anh hay anh giỏi là chết rồi. Anh thấy anh giữ giới quá trong sạch, anh thấy thiền Chỉ thiền Quán – đặc biệt là thiền Quán – của anh quá hay, quá ngon lành thì lúc đó là anh đang tụt không thắng.

ĀNANDA (Ānandasutta)

Theo Chú giải, “āyasmā ānando mahāpuñño sambhāvito” ngài Ānanda là bậc đại phước, “taṃ rājarājamahāmattādayo nimantetvā antonivesane nisīdāpenti”, ngài được rất nhiều lời mời từ những đại gia cư sĩ, đại gia quí tộc gồm vua chúa, đại thần mời mọc đến tư gia, tư dinh, hoàng cung để cúng dường, “Sabbālaṅkārapaṭimaṇḍitāpi itthiyo”, ở đó có tới cả tỉ giai nhân tú lệ túc trực. Đời xưa người ta có tiền thì thiếu gì người hầu. Bây giờ tôi có tám tỉ đô la, thì trong nhà cũng chỉ có bà xã tôi, nói bà xã tôi thì quí vị hình dung mặt mũi bả chỉ đỡ hơn tôi một chút thôi, ngày xưa mà có tiền thì muốn mua bao nhiêu giai nhân nô lệ, muốn mua bao nhiêu giai nhân tú lệ cũng được hết. Ngày nay có tiền thì mở tiệc tùng mời diễn viên ca sĩ về để họ làm cho bữa tiệc nhà mình thêm màu sắc rồi phong bì bao thơ cho họ mệt muốn chết luôn. Ngày xưa nhà giàu thì thiếu gì người. Như trong sách kể, ông Tô Đông Pha có lần bị biếm chức về vùng đất xa, người bạn tới tiễn, tặng ông một con ngựa quí, nói rằng: bạn bè thân thiết không có gì tặng ông, tôi nghĩ ông cần một con ngựa tốt. Tô Đông Pha nói: Ngài có lòng nghĩ đến tôi, tôi đi xa không có gì tặng ngài, ngài tặng tôi một món quà cho người đi, tôi xin tặng ngài món quà cho người ở lại vậy. Thế là Tô Đông Pha đem cô hầu đẹp lắm tặng lại cho ông quan kia. Cô này tủi thân: Thì ra trong mắt ngài, một đại gia, một thi hào một văn hào, tưởng đâu ngài có cái nhìn khác người ta, ai ngờ ngài coi con như một món hàng hóa đổi ngang với con ngựa. Nói xong vì đau lòng quá cô đập đầu chết. Chuyện này không biết có hay không, nhưng cho mình biết rằng ngày xưa phũ phàng như vậy đó trong giới nhà giàu. Trong kinh nói ngài Vangīsa lúc đó mới là vị tân thọ tỷ kheo, mà đi chung với vị trưởng lão vào nơi có nhiều giai nhân như vậy, ngay lúc đó ngài kịp thời nhận ra nên ngài mới phát lộ (transparency, minh bạch, bạch hóa). Chữ ‘phát lộ’ này rất hay. Một bệnh nhân muốn hết bệnh thì chuyện đầu tiên phải đi đến bác sĩ, giao hết cho bác sĩ muốn khám, nội soi, siêu âm…thử hết tất cả các xét nghiệm cận lâm sàng miễn sao họ lục lọi mọi ngóc ngách trong cơ thể mình để biết vấn đề gì đang xảy ra cho mình. Trong nhà mình càng nhiều những chỗ tối thì gián, chuột, kiến, mối tha hồ hoành hành. Trong một đất nước cũng vậy, có quá nhiều vùng cấm thì vấn đề của đất nước đó sẽ rất là nhiều. Một đất nước được xem là tiến bộ văn minh thì không có góc khuất nào mà cơ quan điều tra và cơ quan truyền thông không có thể chạm tới. Những quốc gia có vấn đề là những quốc gia mà cơ quan điều tra và cơ quan truyền thông là cánh tay nối dài của chính phủ trung ương nên có cả tỉ vùng cấm mà cơ quan điều tra và cơ quan truyền thông không chạm tới được. Trong khi đó, theo tinh thần PG thì tất cả mọi sự ở đời chỉ có thể được giải quyết theo con đường duy nhất đó là minh bạch hóa, phơi bày, phát lộ. Trong Luật nói tỷ kheo mỗi nửa tháng gặp nhau để có bao nhiêu lỗi đem nói ra cho hết, mình tự thấy thì trình với Tăng để sám hối, mình không thấy thì xin huynh đệ thầy tổ nhắc nhở giùm, moi ra cho mình biết. Đó được gọi là lễ phát lộ. Đúng ra chữ này là dịch ý chớ không phải dịch nghĩa, chữ ‘uposatha’ học hôm qua là ‘trưởng tịnh’ nhưng Tàu họ cũng có công khi nghĩ ra chữ ‘phát lộ’ (patidesana) không phải từ chữ ‘uposatha’như nhiều vị hiểu lầm. Chư tăng tỷ kheo sau ngày nhập hạ, có cái ngày gọi là ‘pavāranā’ (requirement, request, yêu cầu, đề nghị, tự tứ). “Xin bạch với chư tăng, trong ba tháng an cư vừa qua nếu các vị thấy tôi có lỗi lầm gì xin nói cho tôi biết, tôi sẽ lập tức sám hối ngay bây giờ và tại đây”; còn mỗi nửa tháng thì gọi là ‘uposatha’, nhưng việc phát lồ thì gọi là patidesana,nói ra hết những điều về mình. Bài kinh này sâu ở chỗ nói lên tinh thần quan trọng của Phật pháp là muốn được giải quyết rốt ráo thì tất cả các vấn đề cần phải bạch hóa, kể cả vấn đề của bản thân mình. Tiếc là cho đến nay chúng ta chưa có một đạo tràng như vậy cho tăng ni cư sĩ nói chung, mọi người ở đó hoàn toàn thử sống một tháng hay ba tháng trong tinh thần tự giác, nếu mình có suy nghĩ không hay gì về đối phương thì dám tới nói thẳng: Thưa cô, thưa chị, thưa anh hôm qua tôi thấy cô đóng cửa hơi mạnh tay, tôi nghĩ là một động tác nhắm đến tôi, nhưng về thì nghĩ không phải, tôi xin lỗi là tôi có suy nghĩ như vậy v.v… Nếu thử được như vậy hay lắm, chỉ có những con người toàn tâm toàn ý mới vào đạo tràng như vậy được. Theo tôi biết là trong số những người tôi quen có không dưới hai mươi người điều kiện tâm lý đủ trung thực và minh bạch để có mặt trong một đạo tràng như vậy.

Ngài Ānanda xác nhận thế này: Ngài Ānanda xác nhận thế này: “Chính vì điên đảo tưởng, Tâm Ông bị thiêu đốt, Hãy từ bỏ tịnh tướng, Hệ lụy đến tham dục, Nhìn các hành vô thường, Khổ đau, không phải ngã, Dập tắt đại tham dục, Chớ để bị cháy dài; Hãy tu tâm bất tịnh, Nhứt tâm, khéo định tĩnh…”. “Tu tâm bất tịnh” là tu bất tịnh quán.

Điên đảo tưởng

‘Viparita’ = ‘Vipallasa’: điên đảo tưởng. Hai chữ này vô cùng quan trọng bởi vì nay mai gì đi tu thiền, đọc sách thiền hay đọc sách A-tỳ-đàm chẳng hạn như bộ Patisambhidamagga (Vô Ngại Giải Đạo) Tam Tạng cuốn 31, trong đó chữ ‘Vipallasa’này được nhắc tới nhắc lui cả tỉ lần. này được nhắc tới nhắc lui cả tỉ lần. Điên đảo tưởng là trong những cái vô thường thì nghĩ là thường, trong cái đau khổ thì thấy nó là lạc, trong cái vô ngã thì thấy có cái tôi, trong cái bất mỹ bất tịnh thì thấy có thiện có mỹ, còn gọi là điên đảo kiến. Sẵn đây nói luôn, bản dịch của ông Nguyễn Văn Ngân có nhiều vấn đề vì người dịch có vẻ như chưa từng đọc qua Kinh Tạng, thiếu dụng ngữ trầm trọng. Vì quá sức kẹt, không có bản dịch nào nên tôi mới đề nghị quí vị tìm đọc bản của ông. Nếu tôi không lầm thì cho đến hôm nay ở VN có khoảng 4 cuốn dịch hoặc soạn của bản này:

– Bản dịch của TT Pháp Chất chùa Nguyên Thủy, Cát Lái

– Bản dịch thứ hai là của Nguyễn Văn Ngân,

– Bản thứ ba là hình như của TT Thiện Minh chùa Bửu Quang;

– Bản thứ tư là Bản Toản Yếu của Sư Trưởng, TT Thích Hoằng Pháp. Trong chỗ nhận xét của tôi thì bản Toản Yếu này là bản đáng đọc nhất, bà con có thể liên lạc trực tiếp với TT ở chùa Bửu Đức Biên Hòa hoặc Sư Pháp Nhiên chùa Siêu Lý Sài Gòn để có được bản này mà tôi cho rằng rất đầy đủ. Nếu ai trong nước làm được điều này thì công đức vô lượng: là bản thân mình đánh máy hoặc thuê ai đó đánh máy rồi thì phát hành trong dạng sách in hoặc ebook, hoặc đưa lên trang web nào đó, bản đó rất đáng đọc. Trong đó có nói về điên đảo tưởngthường lạc ngã tịnh, quán vô thường, quán khổ và quán vô ngã, đặc biệt là bất tịnh quán. Bộ Patisambhidamagga này có bản Pāḷi trong đó nữa chứ không phải do sư, thầy nào đó sáng tác, trong kinh nói là của ngài Xá Lợi Phất. Ngài Ānanda nói ngài Vangīsa: Chính vì điên đảo tưởng chấp vào thường lạc ngã tịnh nên tâm của hiền giả bị đốt nóng. Vì vậy hiền giả phải tu tập Tam tướng quán vô thường, vô ngã và đặc biệt là bất tịnh quán nhờ vậy hiền giả mới được an lạc.

Thêm chuyện quan trọng nữa ở đây đó là chữ ‘manabhisamaya’, ngài Minh Châu dịch là “quán sâu kiêu mạn” trong khi ‘abhisamaya’có nghĩa là ‘liễu tri’, ‘thấu suốt’, ‘chứng ngộ’. Không đọc kinh tạng, không học A-tỳ-đàm thì chữ ngã mạn (māna) thường được hiểu một cách hẹp và cạn.

Ngài Ānanda dạy ngài Vangīsa hãy nhớ lìa bỏ điên đảo tưởng, hãy quán vô thường và đặc biệt là hãy tu thân hành niệm (kāyagatasati) xem thêm trong kinh Thân Hành Niệm số 119 Trung Bộ Kinh để hiểu thêm. Nói chung, Thân Hành Niệm có nội dung của thân quán niệm xứ.

Chúng ta nhớ một chuyện rất là xúc động, sau khi Thế Tôn đã niết-bàn rồi, ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên cũng không còn nữa, ngài Ānanda nói rằng: Bậc đạo sư nay đã không còn nữa, các huynh đệ tôn túc khả kính đáng mến cũng không còn nữa, ngày nay bạn bè còn lại của ta chỉ có Thân hành niệm mà thôi. Các vị hỏi tôi ở đâu có câu này, xin thưa đó là Trưởng Lão Tăng Kệ, kiếm mục về cuộc đời của ngài Ānanda. Quí vị sẽ hỏi sao ngài Ānanda đã đắc A-la-hán rồi còn Thân hành niệm? Người cầu đạo giải thoát an trú ở trong Tứ Niệm Xứ nói chung hoặc trong thân hành niệm nói riêng, nhưng khi đắc rồi họ cũng an trú trong bao nhiêu đó thôi, vì bản chất thế giới là trong bốn niệm xứ. Thánh nhân luôn luôn sống trong sự thấu suốt thế giới, cũng có nghĩa rằng họ đang sống trong sự tỉnh thức về bản chất của thế giới, mà sự tỉnh thức về bản chất của thế giới chính là niệm xứ vậy. Một người chưa đắc A-la-hán thì cũng phải nhờ pháp môn Tứ Niệm Xứ, mà đắc rồi thì nội tâm suốt ngày cũng sống trong Tứ Niệm Xứ. Đi đứng nằm ngồi, thân thọ tâm pháp, vô thường, khổ, vô ngã biết rõ, suốt ngày có bao nhiêu đó thôi. Còn là phàm thì lấy bốn niệm xứ làm đường đi, chứng thánh rồi thì lấy đó làm pháp an trú, làm cảnh giới lai vãng.

KHÉO NÓI (Subhāsitasutta)

Bài kinh này mà nói tới nơi tới chốn thì tám tiếng đồng hồ. Nếu nói ngắn gọn thì ba giây thôi. Thôi bây giờ nói ba giây đi. ‘Subhāsita’ nghĩa là ‘thiện thuyết’, ‘thiện ngôn’.

Mới đọc qua thì thấy không có gì hết, nhưng bài kinh này sâu vô cùng, sâu hơn biển. Con người của anh như thế nào thì anh mới có thể phát biểu được như vậy. Nghe như vậy tôi biết nhiều người khó chịu. Nói như vậy không phải pháp sư là người tu hành ngon lành. Chưa chắc, bởi vì các lẽ: 1. Họ nói theo kinh hay nói theo những gì họ chứng ngộ. 2. Ngoài giờ nói ra thì tinh thần của họ có những gì. Tôi nói như vậy rào trước để thấy rằng tôi không hề có ý nói rằng tôi tu hành ngon lành, tôi đang nói qua ý khác: thế nào một người thiện ngôn theo lời Đức Phật dạy.

Thiện ngữ

1. Thiện thuyết (Subhāsita)

Chỉ có người lành mới có tâm lành để nói lời lành. Vì vậy nói đời tu là để trau dồi lời lành thì cũng không sai.

Hiểu chánh ngữ là một trong Bát Chánh Đạo thì nghèo quá. Chánh ngữ, nói đơn giản là cố ý tránh xa 4 ác ngữ. Định nghĩa sâu rộng hơn thì chánh ngữ là lời nói nào có nội dung dẫn đến 10 chánh: chánh kiến …. chánh định, chánh trí, chánh giải thoát.

Mình thường nghe định nghĩa “chánh ngữ nghĩa là không nói lời ác”. Sai. Một đứa bé còn bú bình thì đâu biết nói dối, đâu biết nói lời đâm thọc, nói lời thô ngữ. Mình thường nghe định nghĩa “chánh ngữ nghĩa là không nói lời ác”. Sai. Một đứa bé còn bú bình thì đâu biết nói dối, đâu biết nói lời đâm thọc, nói lời thô ngữ. Không phạm giới chưa hẳn là giữ giới mà giữ giới là cố ý không phạm giới trong hoàn cảnh lẽ ra là phạm giới. Ví dụ buổi chiều đói quá mà mình bát quan trai mình không ăn, đó mới gọi là giữ giới. Còn ăn no lúc 12 giờ rồi, đến 12h 45 mình không nhét nổi vào bụng nên không ăn thì không phải là giữ giới. Đàn ông con trai, người ta đưa phấn son mình nói bát quan mình không xài là sai, vì không bát quan mình cũng đâu có đụng tới mấy thứ đó. Không nói 4 lời ác chưa chắc là chánh ngữ mà chánh ngữ là sự cố ý không nói 4 lời ác.

Không nói bốn lời ác gồm: không nói dối, không nói độc ác, không nói đâm thọc, không nói phiếm luận. Không phiếm luận nghĩa là nội dung nói không tào lao, không nằm ngoài lý tưởng giải thoát. Cố ý nói lời có nội dung giải thoát mới gọi là Không phiếm luận nghĩa là nội dung nói không tào lao, không nằm ngoài lý tưởng giải thoát. Cố ý nói lời có nội dung giải thoát mới gọi là lìa phiếm luận chứ không phải trùm mền ngủ thì gọi là không phiếm luận. Có khả năng phát biểu bằng từ tâm thì mới gọi là chứ không phải trùm mền ngủ thì gọi là không phiếm luận. Có khả năng phát biểu bằng từ tâm thì mới gọi là lìa ác ngữ, thô ngữ. Thấy lỗi trong dối trá, thấy trân quý sự thật trong lời nói thì mới gọi là . Thấy lỗi trong dối trá, thấy trân quý sự thật trong lời nói thì mới gọi là lìa vọng ngữ. “Không nói” là chưa đủ. . “Không nói” là chưa đủ. Anh phải là người lành mới có đủ tâm lành để nói lời lành, còn nói rằng anh không nói gì hết mà gọi là chánh ngữ là sai. Tịnh khẩu theo lời Phật không có nghĩa là hạnh tu nghêu sò ốc hến mà là bốn nguyên tắc trên. Thu thúc nhãn căn không có nghĩa là dùng vải đen bịt mắt như kiểu tử tù. Nếu nói tịnh khẩu là im lặng không nói gì hết thì người câm, con nít chưa biết nói là tịnh khẩu và tử tù dùng vải đen bịt mắt là thu thúc nhãn căn hay sao. Thu thúc nhãn căn không có nghĩa là phá hủy nhãn cầu, thu thúc nhĩ căn không có nghĩa là phá hủy thần kinh thính giác, thu thúc tỷ căn không có nghĩa là phá hủy thần kinh khứu giác, thu thúc thiệt căn không có nghĩa là phá hủy thần kinh vị giác, thu thúc thân căn không có nghĩa là biến mình thành bán thân bất toại không cảm xúc, thu thúc ý căn không có nghĩa là uống thuốc ngủ để ngủ say cho khỏi suy nghĩ. còn nói rằng anh không nói gì hết mà gọi là chánh ngữ là sai. Tịnh khẩu theo lời Phật không có nghĩa là hạnh tu nghêu sò ốc hến mà là bốn nguyên tắc trên. Thu thúc nhãn căn không có nghĩa là dùng vải đen bịt mắt như kiểu tử tù. Nếu nói tịnh khẩu là im lặng không nói gì hết thì người câm, con nít chưa biết nói là tịnh khẩu và tử tù dùng vải đen bịt mắt là thu thúc nhãn căn hay sao. Thu thúc nhãn căn không có nghĩa là phá hủy nhãn cầu, thu thúc nhĩ căn không có nghĩa là phá hủy thần kinh thính giác, thu thúc tỷ căn không có nghĩa là phá hủy thần kinh khứu giác, thu thúc thiệt căn không có nghĩa là phá hủy thần kinh vị giác, thu thúc thân căn không có nghĩa là biến mình thành bán thân bất toại không cảm xúc, thu thúc ý căn không có nghĩa là uống thuốc ngủ để ngủ say cho khỏi suy nghĩ. Cố ý lìa xa điều xấu mới gọi là thu thúc, mới gọi là tu tập. Không phạm giới chưa chắc là giữ giới, nhiều vị nghĩ rằng không giữ tiền là hay, xin nói rõ: cẩn thận chỗ đó, bởi vì tôi biết bên Thái Lan có nhiều vị có đệ tử “hầu cận” (bên Miến Điện gọi là kappiya), đi đâu người ta cúng dường thì chỉ tay qua người kế bên, thế là Phật tử đem bao thơ đó nhét vào ông sư hay cư sĩ hầu cận bên cạnh, còn mình thì tự cho là mình là nguời không giữ tiền, rồi khi về hỏi hồi nãy người ta cúng bao nhiêu, cái đó không tốt; hoặc quan tâm sao cái thằng giữ tiền dạo này nó xài hay nhiều, ở đâu nó có vậy ta; vụ này không được. Tôi kể nhỏ nhỏ chuyện này, tôi vào trong thiền viện Cheithya Mahasi ở Yangon tôi gặp vị phiên dịch cho thiền sư, tôi nhớ tôi có cúng bao thơ cho ngài, ngài nói ngài không được phép touch (chạm) vào đồng tiền, ngài kêu tôi đặt lên trên bàn thờ, trên đó có cái dĩa có nhiều bao thơ trên đó; sau đó ngài đứng dậy mở tháp thờ xá lợi cho tôi coi, ngài khoe ở đây có thờ xá lợi, để tiền trong dĩa này thì không tốt. Tôi hơi thất vọng là vì sao ngài làm hai động tác, luật không cho tỷ kheo giữ tiền là vì Đức Phật thấy tài sản tư hữu tuyệt đối là không nên, tỷ kheo giữ tiền ít được thì sẽ giữ tiền nhiều, giữ tiền nhiều thì sẽ nghĩ đến chuyện sở hữu tài sản lớn. Việc giữ tài sản sẽ nảy sinh ra hai nhu cầu: kiếm tìm và bảo trì. Một tỷ kheo mà có nhu cầu kiếm tìm và bảo trì vật chất thì tàn đời rồi, bỏ nhà nhỏ đi tìm nhà lớn thôi. Đó chính là vì sao Đức Phật không cho giữ tiền, nếu cầu đạo giải thoát thì không có lý do gì đi kiếm tiền hết. Nói như vậy không có nghĩa là tôi chê tiền nghen. Khi giữ giới không cầm tiền bạc thì phải hiểu lý do tại sao, tôi nghĩ không lẽ vị này dốt nhưng giữ giới theo kiểu vui vui chủ trương là không có chạm, anh đưa tôi thì anh cứ để trên tủ thờ của tôi đi, chắc vị này có vấn đề, tôi không tin vị này hiểu sai giới không giữ tiền nhưng cách giữ giới này chưa rốt ráo lắm. VN mình có cách nói này vui, muốn nói xấu ai thì thường bắt đầu câu: “Tôi nói không phải nói xấu” nhưng khi mình biết thằng Tèo mà nó bắt đầu nói câu đó thì nó sẽ chửi thằng Tý không còn nước non gì, hoặc là, “Tôi nói nào ngay, cái gì có thì nói, cái nào phải thì thôi…”, họ mà “đề pa” bằng câu này thì sau đó là một loạt chửi người ta ở phía sau. Người Việt mình còn một chiêu nữa cũng độc không kém: “Tôi nói xin đừng có buồn nghen…” là mình biết nghe xong là phải buồn. Rào trước cho yên tâm để tha hồ nói. Những trường hợp đó không được gọi là thiện ngữ. Theo Chú giải:

‘Pisunadosarahita’: lìa bỏ tất cả những vấn đề đi ra từ lời đâm thọc.Tôi cố ý dịch rất dài là tại vì không thể gọn hơn được. Có nghĩa là nhiều khi không hẳn là lời đâm thọc nhưng kiểu nói gần như là đâm thọc, có nội dung của đâm thọc, phải lìa bỏ luôn. Ví dụ người ta hỏi chuyện đó có hay không, nếu nói cho người ta tan nhà nát cửa thì mình cũng ngại, nhưng mình cũng lòng vòng sao đó mục đích cho tanh bành té bẹ ra. Đó cũng gọi là đâm thọc, dầu không nói nhưng nói gián tiếp cũng gọi là đâm thọc.

Samphappalāpadosarahita: : lìa bỏ những vấn đề đi ra từ phiếm luận.

Pharusālikarahita: : lìa bỏ lời ác ngữ, nói bằng sân tâm hay hại tâm

2. Nói thuận pháp (dhammaṃyeva bhāsati): nói theo tinh thần chánh pháp.

3. Nói lời ái ngữ bằng từ tâm ( piyaṃyeva bhāsati)

4. Nói lời chân thật vì yêu sự thật, ghét sự dối trá (saccaṃyeva bhāsati)

Chỉ có người yêu sự thật, ghét sự dối trá mới có thể nói được lời chân thật. Chứng thánh nhân là thấy được sự thật nên muốn thành thánh phải yêu sự thật, mặc dù sự thật trong Tứ đế không phải là sự thật trong đời sống. Sự thật trong đời sống, có nói có, không nói không, sự thật này không phải là sự thật lúc mình chứng ngộ nhưng có điểm giống nhau: nó là bản chất rốt ráo của vấn đề.

Vì còn có thương thích ghét sợ nên mới có bất mãn, không ưa người này người kia. Ai hiểu đạo thì biết rằng đời chỉ có 2 hạng người đáng thương và dễ thương thì làm sao có kẻ nào để ta nói lời ác. Thánh Gandhi có nói: “Hate the sin, but love the sinner”. Hãy ghét điều ác nhưng hãy thương lấy người ác. Dĩ nhiên, mình không phải là thánh Gandhi, mình làm câu này không nổi, nhưng phải nhìn nhận đây là câu nói rất tuyệt vời mà con người có thể nghĩ ra. Hãy tưởng tượng nếu là người thân của mình mà họ đi cướp của giết người hãm hiếp phụ nữ, con cái mình nghiện ngập chích hút, mình thấy thương thấy tội nghiệp không, thương chứ. Chỉ vì kẻ thủ ác không phải là người thân của mình nên mình mới ghét chớ đúng ra chuyện trên đời theo cách nhìn của Đức Phật thì chỉ có hai hạng chúng sinh thôi: hạng đáng thương (người ác) và dễ thương (người thiện). Đề Bà Đạt Đa, Cinca là người đáng thương, ngài Ananda, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Diếp là người dễ thương. Có người Ngài nhìn bằng tâm bi, có người Ngài nhìn bằng tâm hỉ, có người Ngài nhìn bằng tâm từ. Người có từ tâm, họ nhìn người khổ đau hay ác độc bằng tâm bi mẫn, nhìn người hiền thiện hay hạnh phúc bằng tâm hỷ. Nhìn người ác biết họ đang gieo nhân khổ. Nhìn người khổ biết họ đang hái quả ác. Nhìn người thiện biết họ đang gieo nhân vui. Nhìn người hạnh phúc biết họ đang hái quả lành. Hiểu được bài Kinh Thiện Thuyết từ những khía cạnh này mới thấy bài kinh này sâu. Xin hẹn ngày thứ Ba.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app