Nội Dung Chính
Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 1
Chương 2: Tương Ưng Kosala
Phẩm Thứ Nhất
TUỔI TRẺ (Daharasutta)
Bài kinh này được thuyết giảng vào năm Đức Thế Tôn 42 tuổi, sau khi thành đạo bảy năm. Chúng ta biết rằng, tính ra theo huyết thống thì vua Pasenadi Kosala là bà con bên ngoại của thái tử Tất Đạt. Chúng ta cũng biết mảnh đất hôm nay chúng ta gọi là Ấn Độ, thời Phật gọi là Jambudīpa (Diêm Phù Đề) gồm 16 vương quốc. Trong đó, xứ Kosala (Kiều-Tát-La) là xứ giàu có lớn mạnh nhất, như Mỹ so với các quốc gia khác bây giờ vậy. Dòng Thích Ca không có chịu cưới hỏi với ai ngoài dòng Thích Ca, tuy nhiên họ có thể cưới hỏi đối với con cháu của vua Kosala vì trong dòng họ với nhau. Ngày xưa có một ông đạo sĩ tên Kapila, ông này là Bồ tát tiền thân của Đức Phật. Ông đạo sĩ tu trong rừng, nhìn thấy một miếng đất khi con thú lớn rượt thú nhỏ tới đó thì không hứng thú rượt nữa, và con thú nhỏ cũng không sợ nữa, cứ nhởn nhơ vui chơi. Ông biết đây là vùng đất lành nên cất am ở đó.
Một ông vua tên là Okkāka, vua này có nhiều cung phi mỹ nữ, một lần trong lúc vui, ông có hứa với một cung phi rằng sau này sẽ cho con cô này lên làm vua. Quân bất hý ngôn. Sau này vua hối hận thì đã muộn. Vua có 9 đứa con, 5 gái 4 trai, vua gọi hết lại và nói thiệt: Phụ vương lỡ hứa, ngai vàng giờ thuộc về con của bà vương phi đó, thôi các con tự xoay sở lấy, vương quốc này đã có chủ rồi. Chín người con (trong đó có một người chị cả) dắt nhau đi. Chuyện này ngày nay mình không tin, nhưng ngày xưa ở Ấn Độ là chuyện bình thường. Giống như bên Tàu, lịch sử Tàu có năm ngàn năm văn hiến và đến đời vua Thuấn, vua Nghiêu thì không truyền ngôi cho con mà truyền cho người dưng, truyền bằng sự tự nguyện, người hiền truyền cho người hiền chớ không phải vì đảo chính ép buộc. Về sau thì rất tệ, Thái Tổ lập lên hoàng triều tài ba đức hạnh mà truyền lại cho con cháu toàn thứ bất tài vô tướng vô đức vô năng. Thuấn, Nghiêu thì không làm như vậy, hai vị này chủ trương người hiền truyền cho người hiền dù là người dưng nước lã nhưng có khả năng điều hành đất nước.
Chín chị em dắt nhau đi, ngang vùng đất của đạo sĩ Kapila, đạo sĩ hỏi đi đâu, họ trả lời đi lập ấp khai nghiệp. Đạo sĩ nói đất này tốt và nói họ ở lại. Để lưu niệm, họ đặt vùng đất này là Kapilavattu (Ca-Tỳ-La-Vệ). Sau đó bốn đôi anh em lấy nhau sanh con đẻ cái. Riêng người chị cả vẫn đơn độc, sau này lấy vua xứ Kosala. Do vậy, dòng Thích Ca (Sakya) ở Ca Tỳ La Vệ kết hôn trong dòng họ và có thể kết hôn với dòng Koliya ở Kosala được.
Đức Phật bao nhiêu tuổi thì vua Ba-Tư-Nặc bấy nhiêu tuổi khi ổng về già 80 tuổi thì Đức Thế Tôn cũng 80 tuổi. Vua rất thương Đức Phật, trong kinh nói ông là một vị vua hùng cường nhất Ấn Độ thời bấy giờ. Ông cho thám tử (cārika) theo dõi Đức Phật suốt bảy năm trời. Lúc Ngài ở chung với đệ tử giữa đám đông thì Ngài làm sao, lúc ở một mình Ngài làm sao, đi bát một mình làm sao v.v… nói chung là không sót bất cứ chi tiết nào. Bảy năm trời như vậy. Về sau khi đã trở thành đệ tử của Đức Phật ông mới xác nhận chuyện đó. Suốt bảy năm thám tử về nói với vua, Thế Tôn là con người nói sao làm vậy làm sao nói vậy, Thế Tôn giữa đám đông một ngàn người như thế nào thì ở một mình Thế Tôn cũng như vậy, không nhiều hơn không ít hơn, không khác. Thế Tôn vẫn đi đứng nằm ngồi trang nghiêm từ tốn điềm đạm bình thản. Bảy năm sau vua đến gặp Đức Phật, đó là bài kinh này. Ông đến nhưng không đảnh lễ Phật, nhưng sau này gặp Phật thì ổng dùng môi hôn (cumbati = kiss)chân Phật. Khi đến, ổng vẫn còn lòng nghi hoặc, ổng hỏi: Ngài còn trẻ vậy mà sao lại là Vô Thượng Đạo Sư, Vô Thượng Chánh Đẳng Giác được. Ổng hỏi Ngài có phải vậy hay không. Đức Phật xác nhận điều đó. Nếu nói theo phàm phu chúng ta thấy câu trả lời của Đức Phật có vẻ hơi kiêu ngạo. Đối với vị Chánh Đẳng Giác trong trường hợp đó phải xác nhận sự thật. Khi ấy vua Ba-Tư-Nặc hỏi tiếp: Người ta niên cao lạp trưởng sống đời biết bao nhiêu năm, bao nhiêu kinh nghiệm mới là đạo sư giáo chủ, còn ngài trẻ quá làm sao lại là vị Vô Thượng Chánh Giác Đạo Sư Giáo Chủ được. . Đức Thế Tôn Chánh Đẳng Giác nói riêng và tất cả chư Phật nói chung không hề có chuyện rút kinh nghiệm sau ngày thành đạo. Đây là câu vô cùng quan trọng. Bởi vì các ngài là Sabbaññu – Nhất Thiết Trí, Anavarana nana –Vô ngại Trí, Samma sambuddho-Chánh Đẳng Chánh Giác. Ngay khi thành đạo, kể từ đó cho đến lúc Niết-bàn thì không hề có chuyện rút kinh nghiệm. Khi đã thành vị Chánh Đẳng Giác thì cái gì cũng biết, năm Ngài 35 tuổi đến 80 tuổi vẫn y nguyên như vậy. Lúc bấy giờ, vua hỏi sao ngài còn trẻ, bằng tuổi ông sao có thể là bậc Chánh Đẳng Giác, ông lấy ông để suy ra Ngài, cũng dòng dõi vua chúa, cũng được ăn học như ông, nếu có giỏi thì hơn ông chút xíu, chứ sao có thể là bậc Chánh Đẳng Chánh Giác được. Chúng ta cũng thường có bịnh nặng đó lắm, đánh giá người ta từ góc độ của mình. Ví dụ như mình làm chuyện đó không được mình tưởng người ta làm cũng không được, chuyện này thường lắm. Thật ra ngay cả mình là thiên tài ở lĩnh vực nào đó thì cũng có nhiều người khác giỏi hơn mình chứ, người cỡ như mình không phải là hiếm mà chỉ là mình thích trùm mền tự mãn chứ thiên hạ đủ hạng đủ lớp đủ kích cỡ, chiều cao hết. Nghe Vua Ba Tư Nặc hỏi vậy, Đức Phật nói có bốn thứ trên đời này không nên coi thường.
Bốn thứ trên đời không nên coi thường
1- Ông hoàng tử nhỏ dầu nhỏ cũng là hoàng tử, mai này lớn lên thì đâu còn là hoàng tử nhỏ nữa. Vua Phổ Nghi, ông vua cuối cùng của Trung Quốc, lúc tám tuổi nghe thái giám nói: Ngài đừng chơi nhiều, đừng nói đùa vì mỗi câu nói của ngài là cả đất nước TQ này lắng nghe và ảnh hưởng đến người khác. Vua hỏi: Ảnh hưởng là sao? Thái giám nói: Ngài giống như sắp lên làm vua nên nói gì ai cũng nghe. Vua nói: Vậy ta bảo ngươi ăn đất ngươi có ăn không?Thái giám mọp xuống và ăn đất trước mặt vua Phổ Nghi. Vì vậy, con vua là ông vua con, không nên coi thường, mai này trở thành vị hoàng đế không chừng.
2- Con rắn nhỏ. Nếu đó là loại rắn độc thì nó độc ngay từ lúc còn nhỏ, nó cắn mình cũng chết. Nếu nọc độc nó phát triển chưa tới nơi tới chốn thì mai này chắc chắn nó sẽ phát triển đầy đủ. Có những con rắn suốt đời nó vẫn nhỏ xíu nhưng nó cắn là độc tính đủ chết người
3- Đốm lửa nhỏ. Một cây thông có thể làm nên một triệu que diêm nhưng một que diêm có thể đốt cháy mấy triệu cây thông. Những vụ cháy rừng trên thế giới, phần lớn là do đốm lửa nhỏ mà ra, tàn thuốc lá ném bừa bãi, người đi trại đốt lửa nấu ăn rồi dập không kỹ. Bên Mỹ có chùa Thái Lan, bị cháy rụi, cảnh sát, bảo hiểm điều tra ra là do cây nến bị lật, cháy lên thảm, thảm lan lên vách rồi bốc lên mái mà không có ai ở đó nên cháy rụi.
4- Không coi thường vị tu sĩ trẻ tuổi. Cư sĩ với nhau thì dễ ước lượng đời sống của nhau. Riêng tu sĩ thì họ chọn con đường đi không giống mình rồi. Họ là tu sĩ nên có thời gian để cái đầu họ làm việc nhiều hơn mình về một số lĩnh vực. Đời sống tu sĩ sẽ cho họ có điều kiện suy tư mà người cư sĩ không có. Cư sĩ không có thời gian ngồi suy tư thấm thía như tu sĩ. Tôi được tiếp xúc vài người bên châu Âu, họ nói với tôi, khi học ở trường để lấy bằng thì học 10 nhưng khi đi làm sử dụng chỉ có 2, còn 8 thì mòn dần theo năm tháng. Từ từ, chính mình bị chết trong bằng cấp, tự cho mình là trí thức, trong khi những kiến thức này càng lúc càng mòn dần khi mình chỉ biết có cơm áo gạo tiền. Riêng Sa-môn thì ngay việc họ chọn con đường đi đã khác người và có điều kiện để thấm thía thực hiện những điều mà người cư sĩ không có thời gian. Người cư sĩ thì đốt phần lớn thời gian cho mái ấm gia đình (dù đôi khi mái ấm này rất lạnh)
Vua nghe Đức Phật giải thích bốn điều trên liền phát tâm hoan hỉ và xin được trở thành Phật tử, quy y trước Phật. Theo trong kinh, năm Thế Tôn 80 tuổi thì vua Ba Tư Nặc cũng 80 tuổi. Vào một buổi chiều “mùa thu lá bay” rất là buồn, vua đã già, ông đến thăm Phật ở ngoài cổng thành. Ông không hề biết rằng khi ông ra khỏi hoàng cung thì trong hoàng cung có một cuộc đảo chánh, người ta đưa người khác lên ngôi. Khi ông quay trở ra để về hoàng cung, thì cổng thành đóng cửa. Người ta không mở của cho ông và nói ông không còn là vua nữa, đã có hoàng thượng mới. Những người theo hầu ông nghe vậy cũng bỏ đi hết, chỉ còn một cung nữ không đành rời đi ráng ở chăm sóc ông chờ tới sáng. Vua đã già nên đêm đó ở ngoài trời bị bệnh và chết, nhờ công đức tu hành nên chết sanh thiên về Đâu Suất. May là có công đức tu hành, một thời lừng lẫy mà chết như vậy đó. Ông Gaddafi của Libya, Saddam Hussein của Iraq, cuối đời chết mình mẩy máu me nhìn thấy ớn. Lúc mình đang đương thời thì thấy cả thế giới nằm trong tay mình, lúc bị xuống rồi thì nhìn không ra. Dù sao cuộc đời của vua Ba Tư Nặc lúc cuối cùng cũng còn ấm cúng vì còn cô cung nữ bên cạnh. Với có lớp học này bà con có thể biết thêm một số chuyện mà bà con không tự biết được. Vua Ba Tư Nặc được sanh thiên rồi sau đó luân hồi trở xuống suốt một a-tăng-kỳ, còn một a-tăng-kỳ nữa sẽ thành Phật. Ông đã đi 99% con đường rồi. Không biết ổng hạnh gì, nếu hạnh trí tuệ là hạnh nhanh nhất thì ông đã đi được 19 a-tăng-kỳ rồi còn sót lại một thôi, nếu ông tu hạnh tinh tấn thì ông đã đi được 79 a-tăng-kỳ rồi, chỉ còn sót lại một, còn nếu ông tu hạnh đức tin thì đã đi hết 39 a-tăng-kỳ rồi, còn lại 1 a-tăng-kỳ. Dĩ nhiên hiện giờ thì tôi cũng đang trên một xứ sở rất thoải mái, nhưng nhiều khi tôi nghĩ nếu tiếp tục như vầy hoài thì sao, nói chi là những người đang ở chỗ buồn chán, cứ lặp đi lặp lại: sinh hoạt, ăn, rồi ngủ, cứ kéo dài hoài. Có chuyện quan trọng tôi nói hoài là hãy thường xuyên quán tưởng để một ngày mình ra đi trong sự nhàm chán tốt hơn là ra đi trong sự sợ hãi và tiếc nuối. A Xà Thế và Đề Bà Đạt Đa sẽ thành Phật Độc giác, còn riêng vua Ba Tư Nặc sẽ thành Phật Chánh Đẳng Giác.
Đúc kết bài kinh này là trên đời không có chuyện gì là nhỏ, và đừng có coi thường bất cứ cái gì. Tất cả mọi sự ở đời này có thể là điểm bắt đầu cho sự cố sự kiện ghê gớm khủng khiếp nào đó. Đọc cuộc đời của Hitler mới thấy hết hồn, có ai ngờ một chàng họa sĩ vô danh, có ai ngờ một anh chàng tù nhân vô danh, có ai ngờ một anh thợ sơn vô danh về sau này trở thành một ông trùm của Đức Quốc xã Hitler. Lúc đầu, có người gọi ông là một painter. Tôi gọi ông là họa sĩ vô danh bởi vì ông có những bức tranh rất là đẹp. Tranh của ông màu rất buồn, ảm đạm, theo tâm lý học thì điều đó phản ánh con người, phản ánh đời sống tâm tư của ông.
Trên đời này không có gì là nhỏ, không có gì không thể là điểm bắt đầu cho một chuyện lớn. Tôi lấy làm ngậm ngùi là tại sao đời này có những người có mắt như mù, khi ngồi kế thái sơn mà không biết. Luân hồi là một sự hoang phí.
Ở Huế có tảng đá nằm ở đàn Nam Giao, rất là đặc biệt, là nơi vua tế trời, đứng ở đây mà nói thì âm thanh dội lại như có loa. Sau 1975, ông bí thư tỉnh ủy của Bình Trị Thiên cho người đập tan nát cục đá rồi xây nghĩa trang liệt sĩ. Có một người Pháp sau này trở lại thăm Huế, nói rằng, người VN rất hoang phí, nếu bán tảng đá đó cho nước ngoài thì người ta có thể trả cho một số tiền đủ để tái thiết thành phố Huế. Nhưng mà mình thì bỏ đi, vì mình không biết cái giá trị của nó giống như mình không biết giá trị một ông hoàng nhỏ, một ngọn lửa, một con rắn, một tu sĩ trẻ. Tiếp theo là bài kinh Người.
NGƯỜI (Purisasutta)
Bài kinh này bà con có thể hiểu được, trong Chú giải cũng không nói gì đặc biệt. Vua Pasenadi lúc này đã là một Phật tử thuần thành rồi, ông hỏi Đức Phật: Trong đầu một con người mỗi ngày có biết bao nhiêu là suy nghĩ, biết bao nhiêu là tư tưởng, và đủ kiểu đủ cách suy nghĩ, tư tưởng hết. Con muốn biết trong đầu mình suy nghĩ cái gì thì đem lại sự lợi ích an lạc hạnh phúc và suy nghĩ cái gì làm cho mình đau khổ, bất lợi tai họa. Trong đầu mình lúc nào cũng đầy ắp. Trong đống lăng xăng đó, cái gì thật sự có lợi cái gì thật sự có hại cho mình. Tôi nghĩ đây là một câu hỏi rất thông minh, rất quan trọng, hiếm khi nào Phật tử đi chùa có người hỏi câu đi ra từ tim của họ như thế. Vì mình không có thời gian trầm tư. Trong kinh có một chữ rất quan trọng đó là chữ gambhirapakatita: thói quen trầm tư. Phật tử Nam Tông bắt buộc phải biết chữ này. Như trường hợp Thái Tử Tất Đạt, với chúng ta thì chuyện nhìn thấy người già, có gì đâu lạ, năm bảy tuổi mình đã thấy người già, người bịnh, thấy đám ma rồi, nhưng ngài thì bị vua cha bưng bít thông tin, chỉ được cung cấp thông tin một chiều. Suốt 29 năm ngài bị bưng bít thông tin, không biết trên đời này có người già người bịnh người chết. Giống như dân Bắc Triều Tiên bây giờ vậy đó, họ không hề biết cái gì ngoài cha con Kim Yong-il, họ không biết cái gì ngoài Đảng CS Triều Tiên. Lần đầu tiên 29 tuổi, ngài nhìn thấy một người già, một người bịnh, một xác chết, một tu sĩ, lập tức ngài có những suy tư đủ làm thay đổi cả cuộc đời của ngài.
Trong một ngày, chúng ta rất cần có những giây phút để trầm tư, từ đó thấy được cái gì có lợi có hại cho mình. Tại sao trên mâm ăn mình biết ăn cái này bị cao máu, cái này bị dư cholesterol, dư đường, chúng ta ăn uống có lựa chọn, tại sao những thứ mình nhét vô đầu thì không biết lựa chọn và vô cùng dễ dãi? Đối với những vấn đề chính trị, văn hóa tôn giáo, chúng ta rất dễ dãi, trong khi đó lại coi nặng đời sống vật chất. Có chuyện chúng ta không thể nào không biết trừ phi chúng ta là một đứa bé một người khùng người say rượu hay một người lú lẫn đó là: Trong một ngày, chúng ta rất cần có những giây phút để trầm tư, từ đó thấy được cái gì có lợi có hại cho mình. Tại sao trên mâm ăn mình biết ăn cái này bị cao máu, cái này bị dư cholesterol, dư đường, chúng ta ăn uống có lựa chọn, tại sao những thứ mình nhét vô đầu thì không biết lựa chọn và vô cùng dễ dãi? Đối với những vấn đề chính trị, văn hóa tôn giáo, chúng ta rất dễ dãi, trong khi đó lại coi nặng đời sống vật chất. Có chuyện chúng ta không thể nào không biết trừ phi chúng ta là một đứa bé một người khùng người say rượu hay một người lú lẫn đó là: Đời sống tinh thần giữ phần quyết định trong cuộc đời của một con người, khổ thay chuyện này ai cũng biết vậy mà trong đời sống không được người ta coi trọng. Chúng ta cứ nghĩ đồng tiền quyết định tất cả, quí vị có quyền nghĩ vậy, nhưng xin hỏi quí vị một câu: khi một người chồng một người vợ bị phản bội, trong cơn đau đó họ có còn đầu óc nghĩ được chuyện khác hay không?
Có nhiều loại mất mát: mất mát về đức hạnh (giới), mất mát về tình thân (tình cảm quyến thuộc), mất mát về tài sản, mất mát về sức khỏe. Sức khỏe có vấn đề là một sự mất mát; tài sản hao hụt cũng là sự mất mát; tình thân gia đạo có vấn đề cũng là một sự mất mát; quan điểm tinh thần, suy nghĩ về chính trị văn hóa tôn giáo nói chung có vấn đề cũng là sự mất mát, về mặt đức hạnh có trục trặc gì đó cũng là một sự mất mát, ví dụ như có lúc nào đó mình nghĩ về quãng đời trác táng trụy lạc của mình, lòng mình không có yên. Trong năm mất mát trong đời sống có cả tinh thần lẫn vật chất, những cái này chỉ có bốn hạng người vừa kể (trẻ con, người khùng, người say, lú lẫn) là không biết. Mình đâu phải là một trong bốn hạng này, vậy mà cái mình coi nặng vẫn là tiền bạc. Bình tĩnh mà ngồi nghĩ lại coi mình có vấn đề hay không, mình không nằm trong bốn hạng người đó mà kiểu sống của mình đã thuộc về nhóm người đó rồi. Chính vì vậy mà vua Ba Tư Nặc hỏi đời sống nội tâm như thế nào là an lạc là hạnh phúc và đời sống nội tâm như thế nào làm cho người ta khổ. Ông nói con người ta thường chỉ biết về vật chất có ai ngờ đời sống tinh thần quan trọng như vậy. Đức Phật dạy: Này đại vương, một nội tâm mà tham nhiều quá, sân nhiều quá, si nhiều quá thì nội tâm đó chỉ đau khổ thôi. Tôi cố ý đi một vòng cho rộng cho lớn để xác định điều cuối cùng cốt lõi của bài kinh là như vậy. Một đời sống nội tâm mà quá nhiều phiền não thì chỉ làm đương sự bị khổ, khi mình giận ai thì người ta đâu biết đâu, chính mình đốt lửa vô tay mình, chính mình cầm đá đập chân mình. Khi mình tham, chìm đắm thích thú trong cái gì đó, mình thích 100 mình chỉ được 1, 2 thôi. Tôi không cần biết quí vị đang thích đang mơ cái gì nhưng tôi biết chắc chắn một điều những gì quí vị được toại nguyện so với những gì các vị thấy thích thấy ham thấy mê rất là ít. Tôi ghét mấy người không có thói quen suy tư, họ nói “tôi không thích gì hết”. Họ nói họ không thích xe, đi xe gì cũng được, sau này phát hiện ra là họ kẹo. Có nhiều người bẩm sinh thích đếm tiền và sợ xài tiền, có người nhát không dám chạy xa lộ nên họ không mặn mà chuyện mua xe. Có người thì cứ đưa tiền cho vợ mà lâu ngày không nhớ ra mình sợ vợ. Có người không phân biệt được cái bỏn xẻn không phải là tri túc, cái hoang phí không phải là rộng rãi. Tri túc giản dị không giống keo kiệt bỏn xẻn.
Rộng rãi có bốn loại:
– Rộng với người mà hẹp với mình
– Rộng với mình mà hẹp với người
– Hẹp với mình và hẹp với người
– Rộng với mình và rộng với người
Mình phải coi kỹ thật sự con người mình ra làm sao để kịp thời sửa, nhiều khi mình cứ tưởng là mình thần thánh, khi đó làm sao mình sửa được. Quan trọng nhất trong bài kinh này là vua Pasenadi hỏi Đức Phật một ngày trong đầu có đủ thứ hết, mình suy nghĩ cái gì để hạnh phúc và suy nghĩ cái gì sẽ làm cho mình đau khổ. Đây là câu hỏi mà tôi cho là rất quan trọng. Giàu có hay nghèo hèn cách mấy phải nhớ bài kinh này, sống mà phiền não nhiều quá thì không có an lạc được.
VUA (Jarāmaraṇasutta)
Bài kinh này rất đơn giản, không có gì không hiểu. Vua Pasenadi hỏi Đức Phật, cái gì có sanh mà không già không chết không cũ kỹ, không hư mất. Đức Phật trả lời, không có, cho dù mình là hạng gì đi nữa. Nhìn bài kinh này tôi nhớ câu chuyện ông vua Tề Hoàn Công một ngày nọ đi chơi núi, vua đứng nhìn cảnh đẹp cẩm tú của giang sơn đất nước mà ứa nước mắt. Quần thần hỏi lý do, vua nói, đất nước này đẹp thế mà một ngày nào đó phải ra đi. Quần thần cũng ủ rủ khóc theo, bệ hạ đi thì chúng thần cũng đâu còn. Quản Trọng đứng kế bên cười, vua giận hỏi lý do. Quản Trọng đáp: Nếu không ai chịu chết hết thì ông vua đời trước cũng còn ở đây, thì vị trí của bệ hạ ở đâu. Đời sống phải là sự đắp đổi, thằng Tèo đi thằng Tý mới tới chứ.
Cái chết là cần thiết
Khi nghe vua Pasenadi hỏi câu trên, Đức Phật nói hễ có mặt trên đời này thì mọi sự phải chấp nhận số phận giống nhau: cũ kỹ và hư mất. Nếu là con người thì đã sanh ra phải có lúc già lão chết đi cho dù mình là ai đi nữa. Tùy góc độ mình có thể nói đây là một sự thật phũ phàng hoặc là nói đây là một sự thay đổi rất cần thiết. Rất cần thiết là vì thế hệ trước không đi thì thế hệ sau không cách nào có mặt được. Anh ở hết thời anh phải đi cho tôi ra chớ. Quí vị nghĩ nếu mình cứ tiếp tục sống một tỷ năm nữa trong điều kiện hình hài này thì có nên không? Không, có cũ có mới có vui! Tôi cũng sợ chết chứ, nhưng nhìn cái thân tôi, tôi nghĩ sao nó xấu dữ thần, nếu mình chết quay trở lại cao ráo da dẻ ngon lành hơn vẫn tốt hơn chớ, ngay bây giờ nhìn thấy không khoái rồi, nếu tôi lết thêm vài chục năm nữa thì tan hoang sự nghiệp cỡ nào nữa. Tôi nghĩ cái chết là sự thay đổi cần thiết. Có nghĩ như vậy thì thái độ của mình đối với cái chết mới thay đổi. Tôi nói nhiều lần, tôi muốn chết trong sự nhàm chán chớ không muốn chết trong sự sợ hãi và tiếc nuối. Tôi không muốn chết mà cứ sợ, chết mà lòng cứ còn nắm níu cái mà mình đang có, tôi muốn chết trong sự nôn nóng chờ đợi. Ngay bây giờ, tất cả mọi người trong room phải chuẩn bị một cái chết, chuẩn bị một thái độ ngon lành cho cái chết. Nói chờ đợi là hơi quá nhưng hình như là vậy mới đúng, phải sẵn sàng đến mức mà mình thấy đi tốt hơn tiếp tục ở. Nói như vậy không phải là tôi đề nghị bà con nghĩ đến chuyện tự sát nghen. Nhưng có điều, phải suy tư, hành đạo, thực tập hành trì như thế nào đó để một ngày nào mình nghĩ về cái chết bằng sự bình thản trong sự chờ đợi, đó là ngon. Phật tử ngon lành là lúc đang sống thường trực nghĩ về cái chết để không sợ chết và dám ‘cưới hỏi’ sự chết – suy tư về nó ngày đêm. Phật tử tốt là người lúc trẻ nhớ đến lúc già, lúc khỏe nhớ đến lúc bệnh và lúc sống nghĩ đến lúc chết, còn người cúng chùa cho nhiều, đi chùa thường xuyên mà yêu đời nồng nàn thì đó là Phật tử dỏm. Anh cúng chùa cho nhiều chẳng qua anh có tiền thôi, anh phải làm sao sẵn sàng ra đi bất cứ lúc nào. Người ngon lành nhứt trên đời này không phải là người có quyền lực hay có tiền bạc mà là người có thể ra đi bất cứ lúc nào với sự thanh thản.
Có người hỏi ngài Xá Lợi Phất: Xin hỏi tôn giả có sợ chết không? Ngài nói không. Ngài có chán sống không? Ngài nói không. Ông Bà-la-môn đó hỏi: Người không chán sống mà cũng không sợ chết nghĩa là sao? Ngài Xá Lợi Phất trả lời: Ta không thích sống mà cũng không chán sống, không thích chết mà cũng không sợ chết, ta chỉ đang chờ đợi nhân duyên tới, ta không muốn trái còn xanh mà phải rụng. Thật là minh triết câu nói của một bậc hiền thánh! Cũng như câu không phải riêng Đức Phật mà vài vị khác cũng trả lời khi có người hỏi Ngài đang buồn hay vui: Ta mất gì mà ta buồn? Ta được gì mà ta vui?
Cái này nói ra hơi buồn, phải biết Phật pháp thì chuyện sống qua ngày chờ qua đời mới hay, nếu không biết Phật pháp không học đạo thì cái đời sống sống qua ngày chờ qua đời rất là kinh hoàng. Tỉ lệ người tự tử ở Bắc Âu như Thụy Điển, Phần Lan rất đông, vì người dân đi làm một phần lớn tiền lương rót vô cho nhà nước (tiền thuế), để nhà nước lo ngược lại cho dân không mất một xu. Chính vì chỗ này người dân Bắc Âu sống sang trọng sung sướng lắm, cái bàn cái ghế, cái muỗng ăn cơm luôn là tiêu chuẩn cao nhất, tốt cực kỳ. Khi ra phố, họ hưởng rất nhiều quyền lợi do tiền thuế của họ đem lại. Vì vậy, họ không có gì phải lo, họ sống trong sự êm đềm đó lâu ngày thì đâm ra chán. Sẽ có một ngày họ không biết làm gì, thế là nảy sinh ra chuyện tự sát. Có một thời tỉ lệ tự sát của Bắc Âu rất cao. Thế nhưng kỷ lục tự sát đó hôm nay đã được trao lại cho một quốc gia khác, đó là Nam Hàn. Nam Hàn hiện nay là xứ công nghệ rất cao, kinh tế phát triển. Nhưng chính vì công nghệ, kinh tế phát triển quá mức cho nên người ta đã không kềm chế được nó, và nảy sinh ra mặt trái đó là người Nam Hàn căng thẳng quá. Sinh viên đang học đại học có thể tự tử, bố mẹ có con đi học căng thẳng quá cũng tự tử, ngành nghề nào cũng có những cạnh tranh khốc liệt để khiến cho người trong cuộc phải tự tử, đặc biệt là làng giải trí, diễn viên người mẫu ca sĩ chọn giải pháp tự tử rất nhiều. Đêm qua tôi đọc một chuyện còn buồn hơn là hôm nay đời sống bên Nam Hàn cao quá cho nên con cái ở thành phố nuôi cha mẹ không nổi, giờ đây lại nảy sinh ra dạng gái đứng đường không phải là gái trẻ mà là gái mẹ đứng đường. Mới đầu là 50 tuổi, 60 tuổi mà giờ lên tới 70 tuổi. Các vị cứ vào internet mà xem chứ đừng tin những gì tôi nói. Vật giá cao quá, con cái nuôi không nổi, các cụ nghĩ nếu trẻ nó làm gái được, sao mình già không làm được, mặt hàng nào cũng có khách hàng nấy. Cho nên, hãy nhớ suy tư những điều đó. Trên đời này không ai tránh được cái chết, chính cái chết dạy khôn cho người ta, nhiều khi người ta chìm sâu vào đồng tiền, vào gia đình, vào những gì người ta có, chính cái chết làm cho người ta giựt mình nghĩ lại để mà buông bớt. Tóm lại, cái chết rất cần thiết bởi vì:
– Làm thay đổi diện mạo thế giới, cho tươi trẻ hơn
– Có sự nhường đường của thế hệ trước cho thế hệ sau
– Bản thân mỗi người có đồ mới mà xài
– Cái chết buộc người ta phải suy nghĩ lại
THÂN ÁI (Piyasutta)
Vua nhắc lại một câu kệ Pháp cú mà Đức Phật đã dạy:
“Kẻ thù hại kẻ thù,
Oan gia hại oan gia,
Không bằng tâm hướng tà,
Gây ác cho tự thân”.
Nghĩa là trên đời này, thằng Tèo ghét thằng Tí, luôn luôn tìm cách hại thằng Tí, thằng Tí tìm cách hại thằng Tèo…, ai cũng nghĩ chỉ người ghét nhau mới hại nhau, nhưng thật ra không phải chỉ có kẻ thù mới hại nhau mà ghê gớm nhất chính là phiền não bất thiện ở mỗi người, đó chính là kẻ tử thù của họ. Không có kẻ thù nào dai dẳng lì lợm ngoan cố như là cái bất thiện của mỗi người.
Trong kinh dạy rằng một người làm phước báu công đức, mỗi kiếp sanh ra được phước báo công đức cũ chào đón giống như người thân, kiểu “nhớ nhau như tình nhân, tình nhân nhớ lúc người xa chưa về”. Những ác nghiệp bất thiện mà mình đã tạo ra, đời đời kiếp kiếp mình sanh ra nó cũng chờ đợi mình giống như kẻ thù chờ nhau ở cuối đường vậy.
Vua nhắc lại ý của Đức Phật: Bạch Thế Tôn dầu có ai thương bản thân đến mấy đi nữa nhưng nếu họ làm điều bất thiện thì họ trở thành kẻ thù của chính mình.
“Ðối với những ai, tự ngã là thân ái? Ðối với những ai, tự ngã là kẻ thù?” Tôi rất là phiền cái chữ “tự ngã” này, bà con sửa lại thành chữ ‘chính mình’. Câu này sửa lại: “Đối với ai tự mình là người thân của mình, tự mình là kẻ thù của mình”.
Lúc đó Đức Phật mới xác nhận suy nghĩ của vua: Dầu cho mình nói mình thương mình nhưng mình toàn làm ác thì mình là kẻ thù của mình.
Nhớ giùm: Nhớ giùm: Nghiệp ác quá khứ chờ ta như kẻ thù chờ nhau, nghiệp thiện quá khứ chờ ta như thân quyến chờ nhau. Không có kẻ thù nào đáng sợ cho bằng chính ác pháp của mình.
Càng có lòng hại người khác thì chính mình đang đào hố chôn mình. Có câu, đừng lấy đá đập chân mình là như vậy đó. Lấy đá đập chân mình là sống trong bất thiện, còn một giây một phút sống trong tâm tư bất thiện thì chỉ có hại chứ không có lợi gì hết. Nhắm mình không thể tha thứ cho người ta thì hãy quên đi. Dĩ nhiên nói thì dễ, làm thì khó. Tôi rất coi nặng pháp môn tự kỷ ám thị, cứ nghĩ hoài lâu ngày nó sẽ thành.
Người VN mình đi chùa mấy chục năm, tốn biết bao nhiêu thời gian công sức tiền bạc mà có pháp môn nào bỏ túi chưa, hãy tự hỏi mình xem. Phải có chứ, những cái có đó ở đâu mà ra? Phải tu tập. Tu như thế nào? Tôi thì chỉ có một pháp môn tự kỷ ám thị. Có những suy tư, có những vấn đề giáo lý mà tôi ép tôi cho bằng được. “Chết, chết, chết, chết…”, chữ ‘chết’ hay lắm, niệm chết hoài sẽ thay đổi mình ghê lắm; hoặc niệm ‘Buông’, cứ nhớ hoài sẽ có ngày mình buông được. Niệm hoài thì sẽ thay đổi mình rất là nhiều.
Khi mình nói với mình hoài thì nó sẽ ăn vô đầu mình hồi nào không hay. Cứ nhớ đừng bao giờ tự mình làm kẻ thù của chính mình. Kẻ thù đáng sợ nhất của mình chính là mình, người bạn tốt nhất của mình cũng là thiện pháp của mình, kẻ thù đáng sợ nhất của mình là ác pháp của mình. Tôi lấy làm lạ sao bên Bắc Tông họ mê thần chú, họ niệm Quán Âm gì đó, niệm A Di Đà, kể cả niệm Bổn Sư, nhưng khi gặp chuyện thì cái lòng có yên hay không? Xui một cái là dân tộc mình dễ dụ quá đi, càng nói càng thêm buồn. Hôm nay chắc đủ rồi, xin hẹn bà con ngày thứ Bảy.