Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 1

Chương 11: Tương Ưng Sakka

VIII. Purisadammasārathi

‘Purisadammasārathi’: ‘Điều Ngự Trượng Phu’.

‘Sārathi’: ‘người đánh xe’, họ chỉ điều khiển con bò, con ngựa con chó. Đức Phật điều khiển huấn luyện con người, chư thiên và nhân loại chớ không phải như người đánh xe bình thường chỉ điều khiển những con thú. Có những người, nhìn họ Ngài biết họ phải được nghe điều ngọt ngào này thì họ mới khá được chớ nói mạnh nói cứng quá thì họ chịu không được. Có người thì Ngài biết nếu không nói cứng không giúp được họ. Có người thì Ngài biết phải cho họ đi xuất gia, hôm nay họ không được gì nhưng ngày mai ngày mốt họ sẽ được. Có người Ngài biết phải nói nhiều về pháp tu đặc biệt nào đó, có người Ngài nói về bố thí, có người Ngài nói về giới, về thiền định, về trí tuệ. Có người Ngài chỉ nhắc nhở đời sống cư sĩ, có người Ngài đề cao đời sống Phạm hạnh, xuất gia. Khả năng đó được gọi là Điều Ngự Trượng Phu. Có trường hợp chữ Vô Thượng Sĩ kể chung với hồng danh Điều Ngự Trượng Phu, có lúc tách riêng ra. Có chỗ chữ “Vô Thượng” là danh từ, có lúc là tính từ.

IX. Satthādevamanussānam (Thiên Nhân Sư).

Một khi Ngài là người có khả năng hướng dẫn dạy dỗ muôn loài theo đúng khuynh hướng căn cơ của họ như vậy thì đương nhiên Ngài là bậc thầy của ba cõi, là Đấng Cha lành của tất cả chúng sanh. Trong trường hợp đó Ngài được gọi là Thiên Nhân Sư, là thầy của Trời và Người. Cái này mới nghe qua thấy dễ nhưng thật ra khó không phải dễ đâu. Bởi vì, trong kinh nói chư thiên sống lâu lắm. Chư thiên cõi Đao Lợi trở lên sống rất là lâu, thân tướng của họ cũng cao lớn gấp nhiều lần nhân loại. Đời sống của họ nếu nói về phúc lạc, về sự hưởng thụ thì gấp triệu lần đời sống nhân loại. Chỉ cần nghĩ chuyện đơn giản thôi là họ có thể đi mây về gió và cơ thể của họ hoàn toàn không bị lệ thuộc vào điều kiện vật lý, chẳng hạn như sức hút của trái đất. Họ không bị ràng buộc bởi bất cứ giới hạn nào như loài người. Còn loài người thì chiều cao, trọng lượng, điều kiện sức khỏe cũng ảnh hưởng sinh hoạt của mình; trình độ văn hóa giáo dục, khả năng suy tư của mình. v.v…, tất cả đều ảnh hưởng rất lớn đến chuyện sinh hoạt của mình. Chư thiên thì không bị như vậy, họ chỉ là những làn khói nên họ sống lâu hơn, thân tướng đẹp hơn và sống hạnh phúc hơn. Với những cái hơn này họ không có được cái tâm tình của nhân loại, cách nghĩ của họ về cuộc đời không giống như nhân loại. Các vị nghĩ một tháng thu nhập mấy trăm ngàn đô la, người không bịnh hoạn gì, tuổi tác dưới ba mươi, có cái bằng đại học, thì chuyện quí vị đi chùa gặp tăng ni cúi đầu tôi thấy hơi khó, bởi vì mình chỉ cúi đầu trước người nào mình thấy nể thôi, còn bây giờ mình đang hưởng thụ đã quá chuyện tu hành không cần thiết. Nếu chuyện tu hành không cần thiết thì mấy người không có tóc không có gì để mình bận tâm. Tôi muốn nói là mình chỉ mang thân nhân loại, có một điều kiện sống hoàn hảo thì mình đã không còn bận tâm gì về đời sống tâm linh tinh thần, nói chi là chư thiên. Ấy vậy mà Đức Phật vẫn có cách kéo họ về với thực tế để nói như thế nào đó cho họ thấy rằng toàn bộ cái mà họ đang thỏa mãn hài lòng đó không xài được, đừng tưởng cái đó là lâu bền. Với một khả năng như vậy thì chỉ có vị Chánh Đẳng Chánh Giác thôi. Làm thầy của chư thiên và nhân loại không phải dễ, đừng tưởng mình có thần thông, có thiền định, có giới hạnh là làm thầy người ta được, không phải đơn giản như vậy. Có biết bao nhiêu vị A-la-hán cũng có lục thông như vậy nhưng không được gọi là Thiên nhân sư. Họ có thể nhìn thấy rất nhiều chuyện nhưng những chuyện đó đem ứng dụng trong thực tế thì chưa chắc. Tôi từng ví dụ, ngay cả người mẹ hiểu con mình dữ lắm, biết con của mình từng đi những xứ nào, nói được bao nhiêu thứ tiếng, ăn bao nhiêu thức ăn thích món này món kia nhưng chiều nay muốn đãi con mình ăn món gì nếu không hỏi nó thì không thể nào biết món ăn nó thích. Có những thời điểm nó không thích món này mà nó thích món kia. Chỉ trong chuyện ăn uống đã thấy khó rồi nói chi là đời sống tinh thần. Trong khi các vị A-la-hán biết rõ mình, nhìn mặt mình là biết mình tu hành bao nhiêu kiếp trong nhiều kiếp mình từng tu thiền, các ngài biết mình từng học A-tỳ-đàm, biết mình nhiều đức tin nhiều trí tuệ, nhưng vấn đề trước mắt là không biết chiều nay nói cái gì cho mình nghe, trong buổi họp mặt này, trong lần gặp gỡ này, nói cái gì cho mình đây. Trong khi vị Chánh Đẳng Giác thì khác, Ngài nhìn lỗ mũi mình thì biết mình muốn cái gì, Ngài biết trong hàng triệu kiếp tu hành của mình, nay mình thích cái này, mai mình thích cái kia, tuy nhiên cái gì thật sự là tử huyệt của mình, Ngài biết rõ, chọc vào đó là bao nhiêu phiền não sụp xuống hết. Người có khả năng như vậy đó là Thiên Nhân Sư, là Điều Ngự Trượng Phu, nghĩa là có khả năng dạy người khác và có khả năng điều chỉnh, làm thầy người khác, giúp đỡ người khác một cách đúng mức nhất. (Xem thêm chương 7, Thanh Tịnh Đạo)

X. Buddho (Phật). Tôi biết có nhiều Phật tử mình mê hồng danh Arahaṃ, Buddho, nhưng khổ một chỗ là mình niệm giống như ngoại đạo, thiền Chỉ không ra thiền Chỉ, thiền Quán không ra thiền Quán. Chúng ta biết rằng thiền Quán thì không niệm Phật, như vậy kiểu niệm Arahaṃ, Buddho không phải là thiền Quán rồi, còn thiền Chỉ mà lấy chữ đó ra đọc hoài, nào là phải đọc “nhất tâm bất loạn”, mà không hiểu gì hết, nếu không hiểu gì hết thì đâu khác gì niệm cóc, xoài, ổi, mận, chôm chôm. Cái quan trọng là niệm phải hiểu ý nghĩa. Thanh Tịnh Đạo có mà không đọc, kinh bày trước mắt mà không chịu đọc, sợ kinh cắn, đó là khuynh hướng của phần lớn Phật tử, thà là đội gạo lên chùa nuôi tăng ni, tăng ni phán cái gì thì nghe cái đó; hên thì phán đúng, xui mà phán tào lao phán theo tư ý thì ráng chịu, đặc biệt không dám coi kinh sợ kinh cắn, trăm sự đổ hết cho tăng ni, nhờ tăng ni đọc sách xong rồi phán lại cho mình nghe. Tăng ni cho uống nước một thì uống nước một, cho uống nước dão thì uống nước dão. Uống nước một cũng sadhu, uống nước dão cũng sadhu, đổ xác cà phê vô miệng cũng sadhu không hề có phản ứng gì hết. Đây là sự hoang phí, tin Phật mà không tin lời Phật. Phật nói thân người khó được, mình không tin. Phật nói chánh pháp khó gặp mình cũng không tin, bởi vì nếu tin thì mình không tu học theo kiểu đó được. Chính vì không tin mình mới có thái độ tu học nương đổ vào người khác, còn nếu quả thật mình tin vào Ngài thì mình hết hồn chứ. Nếu Ngài nói mình bị ung thư thì mình đã tái mặt chạy đôn chạy đáo chạy thầy chạy thuốc, vì mình không tin nên mình tà tà theo kiểu nói vậy nhưng chưa sao, thiên hạ ai cũng bị mà.

Niệm Phật là phải hiểu chứ không phải là nhắm mắt nhắm mũi cứ chữ đó mà đọc hoài. Chẳng hạn như trong Thanh Tịnh Đạo có câu thế này: Phật là người tự mình giác ngộ Bốn Đế và có khả năng đánh thức chúng sanh nên được gọi là Buddho. Và có thể đọc thêm định nghĩa chữ này trong Patisambhidamagga. Bộ này, nếu mình là người có lòng cầu học thì mình phải đi kiếm, dốt quá thì đi hỏi cái này là cái gì vậy. Đây là bộ kinh rất là quan trọng, người nào tôi thương mến, cha, mẹ, con cái, bạn bè thân hữu, ai mà còn có thể lắng nghe tôi nói, còn để ý góp ý của tôi thì tôi sẽ đề nghị họ làm ơn đọc kỹ bộ này. Tôi nói vậy bởi đối với tôi bộ này rất quan trọng. Không có gì thê thảm cho bằng mang tiếng là Phật tử, đặc biệt là Phật tử Nam Tông mà không biết Thanh Tịnh Đạo, không biết bộ Vô Ngại Giải Đạo, không biết hai bộ Xiển Minh: Mahaniddesa, Cullaniddesa (đều thuộc Tiểu Bộ Kinh). Còn những người học A-tỳ-đàm thì phải đặc biệt đọc kỹ Chú giải hai bộ Pháp Tụ và Phân Tích. Chứ còn mà đi làm như một con bò lấy tiền lo cất chùa cất tháp, xong rồi rảnh rảnh thì coi phim Đại Hàn cộng với một cuộn giấy thấm để lau nước mắt, sinh hoạt theo kiểu thích gì làm cái đó không biết cái gì cần, thì quá hoang phí kiếp người. Tôi chưa bao giờ dám nhận tôi là người chân tu hay trong sạch, nhưng cái này tôi dám nhận: tôi không phí thời gian. Có chuyện tôi không thể không nói, tôi chưa bao giờ dám nhận tôi có trí nhớ tốt nhưng phải nói chuyện đáng lo đáng buồn là tôi nhận thấy tôi đã mất khoảng 70% khả năng nhớ của thời mười lăm mười bảy tuổi. Nói vậy không có nghĩa là ngày xưa tôi nhớ giỏi, mà là bây giờ tôi nhớ quá dở. Mình sao thì người khác cũng vậy, theo tuổi đời mọi thứ khả năng của mình mòn hao dần. Ngày xưa thì kể cả những chuyện tôi không muốn nhớ cũng cứ nhớ, còn bây giờ tôi quỳ tôi lạy nó nó cũng không thèm ở lại, nó cứ thanh thản đội nón mà đi. Hoàn cảnh tôi bây giờ giống như bà cụ có tật hay quên. Ông chồng mua cho bà cuốn sổ tay nhét trong túi áo, dặn làm gì cứ ghi vào sổ tay, cho khỏi quên. Được mấy ngày thì bả hỏi ông chồng: Ông có thấy cuốn sổ tôi để ở đâu không, tôi ghi hết vào đó những chuyện cần làm nhưng không nhớ cuốn sổ để ở đâu. Đây không phải là chuyện cười mà bây giờ bản thân tôi đã đạt đến cảnh giới đó rồi. Không nhớ nên ghi vào sổ, tới lúc cần thì không nhớ cuốn sổ đâu hết. Ngày Chủ Nhật vừa rồi tôi ở bên Thụy Sĩ, có anh Phật tử biết tôi cần khúc dây điện, từ chỗ tôi anh ta đi về nhà, không tắm rửa ăn uống, chạy thẳng xuống hầm đem ra khúc dây điện sẵn đó để hôm sau đem ra cho tôi. Cuối cùng thì hôm sau ảnh báo tôi là biết không biết sợi dây đó nằm ở đâu. Đó là sợi dây của ấm nấu nước, giờ khó mà tìm thấy. Cái thân xác của mình càng lúc càng mòn hao yếu đuối, không thuộc về mình, tinh thần càng yếu dần, thì mình phải biết trân trọng ngày tháng sau cùng của đời mình. Có một pháp tu tôi càng lúc càng thấm, đó là niệm một câu: “Thời gian đang qua nhanh”. Đó cũng là một pháp tu. Pháp tu đó không phải của tôi chế đâu, là của Đức Phật đó, đó là niệm chết. Dầu có giận ai, có đam mê thích thú gì nữa cứ nhớ hoài câu đó “Thời gian đang qua nhanh”, đã một đi thì không trở lại. Cứ niệm như vậy. Cuối tuần qua rất nhanh, như chớp mắt. Vì vậy, niệm Phật ở đây phải nhớ rằng Đức Phật là người luôn luôn tỉnh thức còn mình thì ngủ suốt mùa thu. Chữ Buddho có ít nhất hai nghĩa:

1. Người tỉnh giấc hay thức dậy từ giấc ngủ hay cơn mơ

2. Người hiểu chuyện, người biết chuyện (4 đế). Biết rõ bản chất của cuộc sinh tử thực ra là những gì, chúng được tạo ra từ đâu và làm sao để giải thoát sinh tử cho mình; người đó gọi là Buddho

Thinh Văn cũng biết những điều này nhưng phải nhờ thầy là Đức Phật và cái biết đó chỉ vừa đủ xài cho mình, khả năng độ sinh luôn rất hạn chế. Đức Phật không cần thầy nhưng Ngài có thể làm thầy người khác còn Thinh Văn thì phải nhờ thầy mới đắc và cũng có khả năng làm thầy một chút, bởi cái biết của Thinh Văn căn bản vừa đủ xài cho mình còn khả năng độ sinh luôn rất hạn chế.

Chữ Chữ Bhagavā, có nhiều định nghĩa, ở đây chỉ nói đến hai nghĩa căn bản nhất:

1. Cụ Thoại Đức Giả, là người có đủ những gì tốt đẹp nhất, từ các hạnh lành đến công đức.

2. Chữ Bhagavā ở đây còn được xem là đồng nghĩa với chữ bhaggava (2g), nghĩa là người phá nát tất cả những điều ác xấu. Tất cả những gì ác xấu Ngài đều lìa bỏ một cách trọn vẹn, ngoạn mục.

Sugato (Thiện Thệ). Sugato là (Thiện Thệ). Sugato là đi trên con đường tốt đẹp, đi bằng cách tốt nhất, hướng tới cứu cánh tốt đẹp. Sugato còn đồng nghĩa với chữ sugado nghĩa là ‘bậc khéo nói’, ‘thiện thuyết’.

Đừng tưởng ‘khéo nói’ mà dễ. Khó vô cùng! Gặp giỏi nói khác gặp dốt nói khác, phải tùy trình độ mà nói. Cũng cùng là bác sĩ, luật sư nhưng ông A thì mình phải nói gì, ông B mình phải nói gì. Thời điểm khác, nói khác, cũng câu nói đó, cũng con người đó nhưng hôm qua nói khác, hôm nay nói khác. ‘Thiện thuyết’ là với những chuyện sâu kín nhất, khó nói nhất Ngài cũng có vô số cách để nói. Nhà thơ Goethe của Đức, có một câu nói tôi rất mê: “Thiên tài là người có khả năng định hình những gì vô hình”. Ví dụ như những chuyện như cha mẹ nhớ con cái, nam nữ nhớ nhau, cảm xúc buồn vui, lâng lâng, bâng khuâng, ngậm ngùi khi nhìn nắng gió mưa sương, cái đó ai cũng có, nhưng để nói ra lời, viết ra chữ cho người khác đọc vào nghe tới mà chia sẻ cảm xúc đó với mình là thấy đã khó rồi mà để trở thành một nhà thơ nhà văn thì càng khó hơn. Nói tới đây mới nhớ, VN xài rất ẩu chữ ‘nhà’. Hồi xưa tôi đi học có ông thầy nói rằng chữ ‘nhà’ rất khó xài. Chỉ khi nào người ta sống chết với nó, chuyên nghiệp mới gọi là ‘nhà’. Nhà văn phải là người đã có lượng độc giả nào đó, có sức hút tối thiểu nào đó, có thành tựu căn bản nào đó, có công trình cụ thể điển hình nào đó. Chớ còn quởn quởn làm mấy bài thơ, có tiền in vài cuốn sách gọi là nhà văn là không đúng. Gọi là nhà sư nghĩa là người đó cả cuộc đời dồn hết vào chuyện chuông mõ khói hương, chớ không phải là cạo đầu trọc lóc đắp y là nhà sư. Chữ “nhà” đòi hỏi sự chuyên nghiệp nào đó. Thiên tài là người có khả năng định hình những thứ vô hình. Ví dụ như những khái niệm uẩn xứ, giới đế, thất giác chi bát chánh đạo…vv người ta nói sẵn mình thấy dễ, chứ nó mênh mông trùng điệp. Cứ tưởng tượng mình không biết Phật pháp gì hết tự nhiên thấy đứa bé mới đẻ ra đỏ hỏn khóc oe oe, rồi lớn lên có vợ có chồng, xây nhà, tóc bạc lưng còng từ từ lăn đùng ra chết, hết thế hệ này đến thế hệ khác. Bây giờ mình phải nói làm sao đây về cái ý nghĩa của cuộc đời? Sao nó phũ phàng, buồn cười và khốc liệt như vậy. Sáng nay tôi xem báo thấy nhà thiết kế Oscar De Renta, mới chết, 82 tuổi bị ung thư. Ai xài đồ thời trang thì biết ông này. Muốn đạt tới cảnh giới của ông này, giàu có, nổi tiếng, thành công, có thương hiệu trong thế giới Âu Mỹ đâu phải dễ. Có tiền xài đồ hiệu đã không phải dễ rồi còn ông là cha đẻ của thương hiệu. Tôi nhớ có câu danh ngôn thế này: Người đàn ông thành công là người có khả năng kiếm được tiền nhiều hơn nhu cầu xài của mình. Người đàn bà có tài là tìm được người đàn ông đó. Ông Oscar De Renta đúng là mẫu người đàn ông đó, vừa có tiền vừa có tiếng, vậy mà vào một buổi sáng không hò hẹn, chàng đã đội nón ra đi không về nữa. Những chuyện đó mình chỉ thấy chứ không biết phải làm sao để nói về bản chất đời sống, và phải làm gì khi cuộc đời phũ phàng như vậy, vậy mà có người đã làm được đó là vị Chánh Đẳng Chánh Giác. Ngài là một thiên tài vì đã định hình được cái vô hình. Ngài sắp xếp đây là giới, đây là định, đây là tuệ…Và Ngài có cách hướng dẫn cho người khác để họ dầu họ chưa phải là thánh nhưng cũng có khái niệm về cuộc đời này, biết nó là gì và biết phải làm sao.

Bhagavā, Arahaṃ, Sammāsambuddho, Vijjā-caraṇasampanno, Sugato, Lokavidū, Anuttaro purisa-dammasāratthi, Satthādevamanussānaṃ, Buddho, Bhagavā”. Tôi đã giải thích xong mười hồng danh rồi. Niệm Phật là niệm như vậy đó.

Trở lại bài kinh Ngọn Cờ, Đức trời Đế Thích dặn Chư Thiên khi nào sợ hãi thì nhìn lên ngọn cờ của ngài, để biết ngài đang ở đó, ngài đang chia sẻ nỗi lo với mình. Đức Phật dạy rằng: Này các tỷ kheo, khi thiên chúng Đao Lợi hay Tứ Thiên Vương họ sợ hãi họ nhìn ngọn cờ của Đế Thích có lúc họ hết sợ, có lúc họ vẫn còn sợ vì họ cứ nhớ chừng là Đế Thích có lúc sợ có lúc không sợ như mình, vì vậy họ có lúc xuống tinh thần. Nhưng này các tỷ kheo, khi các ngươi ở một mình trong rừng sâu, trong nhà vắng, chỗ cô quạnh không người mà có lòng sợ hãi thì hãy nhất tâm niệm tưởng đến Như Lai, bậc Chánh Đẳng Giác; niệm tưởng đến chánh pháp được khéo thuyết giảng; niệm tưởng đến chúng tăng là những bậc khéo hành trì. Nếu không nhớ đến Như Lai thì hãy niệm pháp, nếu không nhớ đến pháp thì hãy niệm tăng, nếu không nhớ đến tăng thì niệm Như Lai. Nếu làm đúng như vậy thì sự sợ hãi sẽ biến mất. Hãy tâm niệm rằng Như Lai là người không còn phiền não, không còn sợ hãi nữa, và chánh pháp là con đường dẫn đến sự chấm dứt sợ hãi, chấm dứt phiền não, và tăng chúng là những người đang đi trên con đường dẫn đến sự chấm dứt phiền não, chấm dứt sợ hãi. Niệm Phật là phải niệm như vậy đó, bài kinh này lẽ ra là Phật tử Nam Tông phải được nghe, phải được đọc ngay từ ngày đầu tiên đặt chân đến cửa chùa. Ấy vậy mà buồn thay, có nhiều người tới chết rồi khoe khoang đủ thứ, tôi là qui y với ngài Hộ Tông, ngài Giới Nghiêm mà cách niệm Phật là hoàn toàn không biết, cứ nhắm mắt nhắm mũi mà niệm thôi, đó là điều đáng tiếc. Ở chùa Bửu Long, có một bà tu nữ giờ mất rồi, mấy chục năm trời bà niệm Phật như thế nào mà không có ai biết, cứ thấy bà là một ngày hai bữa công phu, cặp mắt lim dim, nhất tâm chú niệm mà không ai biết bà niệm cái gì. Những ngày bà gần chết, thầy phương trượng, thượng tọa Bửu Đức lúc đó chưa đi Mỹ, xuống hộ niệm cho bà, nói cho bà rằng một đời tu hành không có gì phải lo âu tiếc nuối, bà đã lìa bỏ hết rồi, giờ cứ thanh thản mà đi, cứ niệm Phật thôi. Bà nói: Thưa Sư, mấy chục năm nay con rất là tâm đắc hồng danh Phật mà sư tổ Hộ Tông đã dạy cho con, giờ con quá yên tâm, con ra đi, con sợ hãi là con cứ niệm Arahaṃ thôi. Sư phương trượng nghe hết hồn hỏi: Bà mới niệm cái gì bà niệm lại tôi nghe. Hóa ra là bà niệm “Hả ra ăn” thay vì Arahaṃ, suốt mấy chục năm trời bà niệm mà không cần biết ý nghĩa. Sư trụ trì hết hồn nói bà niệm lộn rồi, không phải là Hả ra ăn mà là Arahaṃ.Đây là lỗi của một người niệm Phật mà không tìm hiểu ý nghĩa. Các vị có tin được không, có quyển sách trước mặt, dốt gì thì dốt cũng phải biết đánh vần chứ. Quyển Nhật Hành của ngài Hộ Tông có trước mặt mà không biết vì sao bả sợ kinh cắn bả không dám đụng tới. Trong đời tôi, tôi biết có nhiều Phật tử không bao giờ đụng tới cuốn kinh mà chỉ đọc nhái thôi. Bài Namo Tassa có rất nhiều người không tập đọc trong sách, họ cứ đi riết nghe đọc rồi nhớ. Còn bài hồi hướng “Idaṃ vo ñātīnaṃ hontu…” có nhiều người vẫn đọc là “cây đàn vô ngã cây đàn hôn tú” như thường. Niệm Phật là hiểu được ý nghĩa của hồng danh Phật và một điều đặc biệt nữa đó là niệm Phật không phải để chỉ riêng thêm lòng kính tin mà còn để nhớ đến những hạnh lành của Ngài. Ví dụ, khi mình niệm Arahaṃ thì phải nhớ sống làm sao cho xứng với tấm lòng của thiên hạ, bởi vì Arahaṃ nghĩa là xứng đáng, là xứng đáng với sự cúng bái của nhân thiên. Buddho nghĩa là hiểu biết Bốn Đế, là người thức dậy từ giấc ngủ phiền não, thì mình cũng tự nhủ mình phải sống sao cho tỉnh thức, đừng mê nữa. Chữ Bhagava là người hữu phần cái gì tốt nhất trên đời này Ngài có hết khi niệm mình cũng phải nhớ là phải sống làm sao cho được một góc như Ngài vậy… Còn nhiều lắm, như Purisadammasārathi – Điều Ngự trượng Phu, dĩ nhiên mình không được như Ngài nhưng phải nhớ chừng sống làm sao cư xử cho phải phép. Chứ còn nhắm mắt nhắm mũi như đọc thần chú thì không phải Phật tử mà là đệ tử của ngoại giáo. Phần cuối của chương niệm Phật (chương 7a – Thanh Tịnh Đạo) có nói khi chú tâm niệm tưởng như vậy vị đó sẽ có được nhiều lợi ích: lòng thanh tịnh, không sợ hãi, không bị uế nhiễm, đồng thời lúc đó tấm thân vị đó như ngôi bảo tháp khi nhất tâm niệm Phật.

B. NIỆM PHÁP

Niệm Pháp là niệm như thế nào? Theo tôi biết Phật tử VN 99% chỉ có niệm Phật chớ không biết Pháp chứ thật ra trong đời sống nếu một người Phật tử có học đạo thì niệm Pháp là một đề tài rất là thú vị và cũng rất thường xuyên, thậm chí không kém gì đề mục niệm Phật. Ví dụ như trong kinh nói có lần bà Suppavāsā là một đại tín nữ của Đức Phật bị sanh khó, đau đớn kinh khủng. Lúc đó bà niệm như vầy mà bớt đau: Thế Tôn là người đã chấm dứt vĩnh viễn cơn đau như thế này. Ngài là người đã thuyết giảng con đường dẫn đến sự chấm dứt những đau khổ như mình đang chịu, ngài là người không còn khổ này nữa. Chánh pháp lời dạy của Thế Tôn chính là con đường dẫn đến sự chấm dứt này. Thế Tôn là người đã tuyên bố con đường đó, chánh pháp chính là con đường đó. Tăng chúng là những người đang hành trì hoặc đã thành tựu trên hành trình chấm dứt nỗi đau này. Tôi tuyệt đối tin tưởng chuyện đó. Mình niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng không phải là cầu sự gia hộ độ trì như người tào lao, không học đạo. Tại sao gọi là tào lao? Nếu cầu mà không được có phải mình bất mãn không? Đức Phật đâu làm gì để mình thất vọng, tự mình hành động sai lầm rồi bất mãn Ngài là không được. Đức Phật chỉ dạy cho mình con đường tu hành và chính mình phải hành trì. Ngài là thầy thuốc, ra toa và cho thuốc, uống hay không là mình, có kiêng cữ hay không là mình. Ngài chỉ nhắc nhở khuyên bảo cách sinh hoạt ăn uống thuốc men kiêng khem, còn làm đúng hay không là phần của mình. Hoặc mình tin bác sĩ bằng cách chụp hình bác sĩ treo trong nhà, thờ cho hết bịnh, vậy có được hay không?

Niệm Phật niệm Pháp niệm Tăng là niệm ý nghĩa, niệm tới đâu là thấm thía ý nghĩa tới đó.

I. Svākkhāto Bhagavatā Dhammo (khéo thuyết)

Khéo thuyết là từng câu từng chữ của Đức Thế Tôn không dư và không thiếu. Không dư là không có gì bớt ra, và không thiếu là không có chỗ nào cần phải thêm vào, đó chính là khéo thuyết. Từng câu từng chữ trong đó đều nhắm đến một mục đích ý nghĩa duy nhất đó là giải thoát. Đại dương có sâu rộng bao nhiêu thì chỉ có một vị mặn của muối. Chánh pháp có sâu có rộng bao nhiêu cũng chỉ có một vị duy nhất đó là giải thoát. Dù Thế Tôn có nói về bố thí, trì giới, thiền Chỉ, thiền Quán, kham nhẫn, phục vụ, hành xả, trí tuệ v.v… dù Ngài nói gì đi nữa thì trong cách nói của vị Chánh Đẳng Giác chỉ có một mục đích, một cứu cánh một hương vị duy nhất đó là sự giải thoát. Phải đọc kinh lâu ngày – đặc biệt là những bản dịch của HT Minh Châu, rất độc đáo – mới nghiệm ra một điều, buổi đầu mình thấy Đức Phật dạy mình làm các công đức, mình tưởng Ngài kêu mình vun bồi phước báu, nhưng đọc kỹ đọc hoài một ngày nào đó mình sẽ thấm điều thứ hai là tất cả những gì việc làm công đức Ngài kêu, trong lời dạy của Đức Phật điều thiện hoàn toàn không giống điều thiện ở ngoài đời. Ở ngoài đời họ nói mình thấy thiện là cái gì đó hay ho ghê gớm, còn thiện trong cách nói của Đức Phật chỉ mang ý nghĩa phương tiện. Nghĩa là còn trong vòng sanh tử thì phải làm thiện nhưng không phải là cái để mình kiêu ngạo, để coi nó là tất cả. Bản thân cái thiện cũng là nhân sanh tử, nhưng bởi vì kẹt phải làm thôi, nói chi là ác. Tại sao thiện là kẹt lắm mới làm? Nghĩa là không coi nó là cái gì đó ghê gớm để tự hào tự mãn, bịnh thì uống thuốc, làm việc lành chỉ là uống thuốc thôi, nếu không uống thì bịnh hành mình. Tôi nghèo đâu có tiền, nhưng có điều phải nói thiệt, một trong những thứ tôi gớm nhất trên đời này đó là tiền. Trên đời này không có cái gì dơ bằng tiền. Cái bồn cầu trong toilet ai cũng tưởng nó dơ chứ thật ra nó không dơ bằng bàn phím của computer, nó không dơ bằng tiền mà mình cầm, tiền mỗi ngày mình nhét trong túi, có người có tật le lưỡi đếm nữa chứ. Tiền của mình dơ không ai tưởng được nhưng bây giờ kẹt quá thì sao, mình làm gì với nó đây, không lẽ nói dơ rồi đưa không lấy. Tôi gớm lắm nhưng tại sao tôi nhận, cần thì phải xài. Thiện pháp thật ra trong cái nhìn của Đức Phật cũng là nhân sanh tử, nhưng kẹt thì phải xài, chớ còn gớm thì phải nói gớm. Đức Phật dạy rằng: Này Xá Lợi Phất, giống như một miếng phân dính trong đầu que gỗ, dù miếng phân đó nhỏ xíu đi nữa thì phân muôn đời vẫn là phân. Cuộc sanh tử hễ còn một chút hiện hữu, một chút tồn tại thì vẫn là điều đáng chán, đáng sợ. Một chút hiện hữu vẫn là sự hiện hữu, cho dù đó là sự hiện hữu của một vị Phạm thiên Phi Tưởng Phi Phi Tưởng hay sự hiện hữu của một con ong cái kiến, vẫn là sự hiện hữu.

Chánh pháp khéo thuyết ở đây có nghĩa là Ngài nói làm sao cho người ta nghe, người ta thấy là phải buông hết. Svakkhato Bhagavata dhammo, pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng là như vậy.

II. Sandiṭṭhiko.

‘Sandiṭṭhiko’: tự mình thấy chớ không thể nhờ cậy vào ai hết.

‘Parasaddhaya’: niềm tin vào kẻ khác.

Tự mình thấy chớ không tin vào kẻ khác. Cà phê mình không chịu uống mà đi nghiên cứu tám trăm cái thư viện coi người ta mô tả mùi cà phê ra sao, hoặc đi hỏi chuyên gia cà phê, nhờ họ tả giùm thì tới chết đi nữa cũng không biết vị cà phê ra sao. Trong đạo giải thoát cũng y như vậy, cứ hành trì cho đúng thì tự nhiên sẽ ngộ. Ở đây tôi chỉ hy vọng mong manh là có người đã từng trải qua kinh nghiệm này, có những thấm thía về chuyện đời chuyện đạo, đột nhiên xảy đến cho mình ngoài dự tưởng. Có những vấn đề giáo lý một ngày nào đó tự nhiên bừng sáng. Cái sáng này sau đó mình muốn trở lại nó không có nữa. Cái trí văn mình học mình nhớ, mai mốt quên mở sách ra nhớ trở lại. Cái trí tư, mình ngồi gặm nhấm suy nghĩ rồi quên, mai mốt sực nhớ nhắc đến nó, nó quay trở lại, còn trí tu thì khác. Trí tu là một sự nhận thức mang tính đột hiện, tự nhiên nó xuất hiện đó rồi nó sẽ đi, một là đủ duyên chứng thánh còn không nó là sự thấm thía rùng mình nổi da gà trong vòng tích tắc rồi sau đó mất tiêu. Nói ra quí vị không tin nhưng đó là chuyện có thật, ngay lúc đó là nó đã lên tới óc, mình cảm nhận sau ót thật sự đã thiệt, rồi sau đó nó mất. Mình thấy vô thường đúng là cái này. Cái pháp môn nhìn mình như nhìn người khác đặc biệt lạ lùng lắm. Hãy một lần nhìn mình như nhìn ai đó. Cái đó gọi là Sandiṭṭhiko, sự chứng ngộ trong đạo, trong giáo pháp không phải là đến từ Parasaddhayaniềm tin từ người khác mà phải là sự thực chứng tự bản thân của mình. Có lần Đức Phật định nghĩa thế này, Sandiṭṭhiko nghĩa là tự mình hành trì đúng, khi hành đúng thì mình được an lạc, ngay khi mình được an lạc thì người khác cũng được an toàn, an lạc. Cứ tập trung làm đúng phần ở mình đi, ngay khi mình được thành tựu thiện pháp thì ngay lúc mình được thành tựu thiện pháp thì cả mình lẫn người khác đều được an toàn từ sự thành tựu đó. Đối với tôi đây là định nghĩa tuyệt vời của chữ Sandiṭṭhiko. Quí vị còn nhớ câu chuyện hai ông cháu hát xiệc không. Người ông trèo lên ngọn tre và đứa cháu giữ vững gốc tre bên dưới. Khi đứa cháu lo lắng cho ông, người ông bảo đứa cháu hãy lo phần mình cho tốt thì ông mới được an toàn.

Sandiṭṭhiko, cứ lo phần của mình, cuộc đời chung quanh sẽ nhờ vậy mà tốt hơn một tí. Tôi biết nhiều người không chấp nhận câu này. Chỉ cần trong đời này có thêm một thằng ăn cắp là khổ cho người ta rồi, có thêm một kẻ nhiều chuyện đi ngồi lê đôi mách làng trên xóm dưới là khổ cho người ta rồi. Nếu mình bỏ tật ăn cắp, bỏ tật nhiều chuyện thì có phải đại hạnh cho người ta hay không. Một kẻ nhiều chuyện có thể làm cho người ta tan nhà nát cửa, giờ ngậm miệng lại có phải đại phúc cho người ta hay không.

Các vị biết tôi đang nổi da gà không. Cách đây mấy hôm có Phật tử nữ tới đây, họ có dùng cái khăn lau bàn Phật, không biết sao có nước hoa trong đó bây giờ một mình ở nhà tự nhiên nghe nước hoa phảng phất, tôi lạnh xương sống, sau lưng là rừng, trời rạng sáng mà tối thui, nghe mùi nước hoa tôi hết hồn. Có những đêm đang đứng ngoài sân nghe mùi khói thuốc lá cũng lạnh xương sống. Có câu chuyện tôi mới viết bữa hổm, chuyện Thị Kính, cũng từ suy nghĩ giống vầy. Chỗ mình ở có một mình mình mà nghe mùi khói thuốc mình hình dung có người nào đang núp gần đó, họ lên trên thềm hút thuốc. Còn chuyện rùng rợn nhất là có người nào đang đứng trong bóng tối họ nhìn mình.

Sandiṭṭhiko có hai nghĩa: 1/ Sự giác ngộ chỉ có ở chính mình, không thể vay mượn xài chung với ai. 2/ Khi mỗi người được tốt thì thiên hạ cũng được tốt, tốt ở đây là môi trường xung quanh sẽ sạch và đẹp hơn vì khi đó mỗi người đã là một đóa hoa.

III. Akāliko.

Vượt ngoài thời gian.

Cái này hơi chuyên môn một chút. Theo trong A-tỳ-đàm, tất cả nghiệp thiện ác ở đời đều cho quả bất định về thời gian. Ví dụ tôi nghe pháp, một lúc nào đó trong kiếp sau tôi sanh ra có trí tuệ, hoặc trong đời này nhờ nghe nhiều một lúc nào đó tôi có sự sáng suốt, sự hiểu biết. Nhưng chỉ có ở trong giáo pháp của vị Chánh Đẳng Giác mới có trường hợp đặc biệt, đó là sát na thánh đạo xuất hiện trước sát na thánh quả không có xen kẽ, tức là đạo trước là quả đi theo liền. Đây là điểm độc đáo, có nhiều vị giảng chỗ này theo kiểu thơ mộng đại loại thế này: “ý nghĩa chánh pháp vượt ngoài thời gian vì lúc nào cũng hay hết, không bị năm tháng làm phôi phai nhạt nhòa…”; theo tôi đó là vì thương đại chúng mà nói cho dễ nghe vậy thôi, chớ nếu nói chuyên môn bà con nghe không nổi chỗ này. Akāliko nghĩa là tâm thánh đạo xuất hiện trước, tiếp theo đó là tâm thánh quả xuất hiện ngay, không có bị xen kẽ bởi một thứ nào khác, đó là điểm đặc biệt của chánh pháp. Tại sao trong kinh lại nhấn mạnh chỗ này? Bởi vì chuyện mình làm lành mình được hưởng phúc là chuyện đã xảy ra trong vô số kiếp rồi, điều đặc biệt là đạo quả chỉ xuất hiện một lần thôi. Ví dụ, tâm sơ đạo chỉ xuất hiện một lần; thời điểm tâm thánh đạo thánh quả gặp nhau chỉ có một lần thôi. Một lần sơ đạo sơ quả, một lần nhị đạo nhị quả, một lần tam đạo tam quả, một lần tứ đạo tứ quả. Tâm đạo xuất hiện trước, tâm quả xuất hiện theo sau, đây là điểm đặc biệt chỉ có trong chánh pháp. Tức là vừa thấy xong, vừa liễu ngộ xong lập tức thành con người khác ngay khoảnh khắc đó. Nếu không phải là sự chứng thánh thì không bao giờ có trường hợp đó, vì chỉ trong một sát na thánh đạo là lập tức mình không còn là phàm phu nữa, mình không còn là người cũ nữa. Tâm sơ đạo vừa xuất hiện thì vĩnh viễn từ giây phút đó trở đi mình không còn là phàm phu, không còn khả năng sa đọa, không còn khả năng trở lui cõi Dục quá bảy kiếp (Thất lai). Nhất Lai Tư-đà-hàm thì không còn khả năng trở lại cõi Dục giới quá một kiếp. Bất lai thì không còn khả năng trở lui cõi Dục giới kiếp nào nữa. “Lai” là chỉ cho sự trở lại cõi Dục giới.

IV. Ehipassiko: thách thức mọi thử nghiệm. Chánh pháp là điều có thật và thanh tịnh đáng chiêm ngắm. Hai lý do khiến Chánh pháp được gọi là ‘ehipassiko’:

1.Vijjamanatta: có thật, không hư dối

2. Parisuddhatta: thanh tịnh, lìa phiền não, không đau khổ

Trong kinh nói mình muốn kêu người ta nhìn cái gì đó thì cái đó phải có thật. Ví dụ tôi mời quí vị đến nhà xem mấy giò lan thì phải có mấy giò lan mới mời. Mời người ta đến coi thì vật đó phải là xứng đáng, chớ không ai mời đến coi đống phân hay bãi nước bọt. Phải là món cổ vật quí hiếm, chuỗi ngọc trai hay chiếc nhẫn kim cương đắt tiền thì mới mời người ta đến coi. Chánh pháp là có thật trên đời. Ehipassiko nghĩa là chánh pháp sẵn sàng cho mọi thử nghiệm, mời gọi mọi thử nghiệm; hãy đến để xem, để mà tu tập, để mà trầm tư. ‘Ehi’: ‘hãy đến’, ‘hãy tới’; ‘passika’: thấy; ‘Ehipassika’: ‘thách thức mọi thử nghiệm’.

Tôi giải thích bằng ngôn ngữ nhẹ nhàng cho bà con nghe để có khái niệm, còn đọc sâu đọc xa thì vô Thanh Tịnh Đạo xem.

V. Opanayiko

‘Opanayiko’: pháp có công năng đưa lên trước, đưa lên trên. Chánh pháp có công năng đưa mình đi về phía trước, không để mình thụt lùi, đưa mình lên trên, không để mình bị rớt xuống, thối đọa. Chỉ một ngày một giờ mà mình sống bằng thiện tâm thì tự nhiên mình thấy mình có sức sống. Trong khi đó, ngày nào mình sống bằng tâm tham, tâm sân, tâm si, nếu mình để ý (tỉnh thức) thì thấy ngày đó mình bị tụt xuống sâu lắm. Ngày nào sống bằng thiện pháp thì mình thấy ngày đó mình được an lạc, được đẩy về phía trước, nâng lên trên chứ không bị tụt về phía sau rơi xuống thấp. Tinh thần chánh pháp là như vậy. Mọi cảnh giới cao thấp ở đời chỉ là tạm thời. Tất cả mọi cứu cánh trong đời này, dầu cao hay thấp đều tạm thời, chỉ có niết-bàn là một đi không trở lại. Chánh pháp có khả năng hướng thượng nghĩa là có khả năng đưa người ta lên trên; ở đây nói nghĩa tuyệt đối. Ví dụ mình sanh vào cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng hết tuổi thọ rồi cũng rớt trở xuống. Quí vị nhìn thấy bánh xe xoay, lúc nó đang đậu trên đường mình đánh dấu một chỗ nào đó trên bánh xe, hồi nãy chỗ đó nằm trên cao, giờ xuống tới mặt đường, một lát lại lên cao. Điều muốn nói ở đây là lên luôn, không bị tụt xuống, Opanayiko là con đường, đạo lộ đưa người ta về phía trước không để người ta thụt lùi, đưa người ta lên trên không bị rơi xuống nữa.

VI. Paccattaṃ veditabbo viññūhī

pati+atta = ‘paccattaṃ’: tự mình, chính mình

veditabbo’: phải được nhận biết

viññūhī’: bởi bậc hiền trí

Chánh pháp là cái gì dành riêng cho bậc trí giả. Không dùng trí, không có lòng sáng suốt thì không thấy được.

“bhāvito me maggo”, pháp môn này đã được ta hành trì rồi

“adhigataṃ phalaṃ” thánh quả này đã được ta đạt tới rồi

“sacchikato nirodho”niết-bàn này đã được ta thể nghiệm rồi.

Đây là tâm niệm của một bậc thánh biết rõ như vậy.

“Na hi upajjhāyena bhāvitena maggena” không thể nào có chuyện nhờ ông sư phụ tu mà “saddhivihārikassa kilesā pahīyanti” phiền não của học trò chấm dứt. Không thể người này gãi mà người kia hết ngứa.

Paccattaṃ veditabbo viññūhī, đọc phớt qua thấy bình thường nhưng thấy đáng lưu ý nhiều điểm: đừng trông đợi quá nhiều ở sư phụ, sư phụ chỉ là người hướng dẫn, trung gian, đọc kinh sách rồi trao truyền cho mình, người hành trì phải là mình. Theo tôi biết có nhiều người Phật tử nghĩ rằng họ từng qui y các vị tôn túc là đủ rồi. Họ cho rằng đó là điều hãnh diện đáng khoe khoang. Riêng trong trường hợp này chúng ta thấy không đúng, dầu cho mình có qui y với ngài Mahasi hay ngài Ajahn Chah thì phải nhớ chuyện mình qui y là ngày xửa ngày xưa, chuyện đó diễn ra có mấy phút thôi. Chuyện quan trọng là chuyện tu học cả đời của mình, phải tự mình làm sao hôm nay khá hơn mình ngày hôm qua về giới, về niệm, về định, về tuệ, về văn, về kiến thức chứ không thể nào cứ sống hoài niệm tưởng tiếc về quá khứ hoặc hài lòng với thành quả của người khác. Có nhiều người suy nghĩ như vậy, đại loại như “Con tôi giờ ba đứa bác sĩ hết, tôi mãn nguyện rồi, thôi kệ, đời tôi dốt đời tụi nó được tôi cũng mừng” Câu này nghe thấy hay, không thấy lỗi lầm gì hết, nhưng nghe kỳ kỳ. Chuyện con mình nó giỏi thì kệ nó chớ. Nói ra phũ phàng chứ mình cắn răng lo cho nó đi học, nó học xong thì phần nó cho mình chỉ là bạc cắc của nó thôi. Tội nghiệp những đấng sinh thành không thấy điều đó. Đời cũng là sự trả vay, hồi xưa mẹ đã như vậy với ông ngoại, ba đã như vậy với ông nội, thì đời sau con mình đối xử với mình y chang như vậy. Cứ như vậy đời này qua đời khác. Thật ra là hồn ai nấy giữ, không ai ăn mà người khác no được hết. Vì vậy mới gọi là Paccattaṃ veditabbo viññūhī.

C. NIỆM TĂNG

Niệm Tăng là niệm tưởng về ân đức của Tăng. Tăng ở đây là tất cả thánh nhân từ sơ quả trở lên, bất luận tăng ni cư sĩ, chư thiên hay nhân loại. Tại sao đối tượng Tăng ở đây khó khăn như vậy? Lý do rất đơn giản, bởi vì niệm Tăng mà nghĩ tới phàm phu mai này vị đó hoàn tục, phạm giới, hay từ trần thì còn chi nữa. Niệm thánh thì không, thánh nhân không bao giờ có sự sụt lui, dù có đi về cảnh giới khác thì họ vẫn là bậc thánh cho đến bao giờ niết-bàn thì thôi. Phàm phu mình bây giờ chỉ cần tai nạn nào đó mình bị khùng, chuyện đó đâu có khó. Một vị sư thuộc lòng Tam Tạng, giới luật trong sạch, thiền định tinh tấn, nếu bị tai nạn chấn thương rồi khùng khùng không như cũ nữa; vị đó hoàn toàn có thể bị người ta dụ khị về chính trị, về tôn giáo rồi thay đổi toàn bộ quan điểm tư tưởng. Phàm phu thì chuyện đó không có gì lạ. Cuối cùng khốc liệt nhất đó là tắt thở đi qua thế giới khác thì lúc đó là xong. Chuyện hôm nay mình là một pháp sư, luận sư, giảng sư lúc đó là kết thúc luôn.

Tham sân si thiện ác đời này tạo ra cái tâm tái tục cho đời sau. Con người của kiếp sau hoàn toàn không phải là con người của kiếp này nhưng nó được tạo ra bởi thiện ác của kiếp này. Không có chuyện có một cái gì đó đi từ kiếp này qua kiếp khác như Bà-la-môn nói mỗi người có linh hồn như con chim, thân xác như lồng chim, lồng hư thì chim bay qua lồng khác. Đức Phật không dạy như vậy, Ngài nói thân trước tạo nhân sinh tử cho thân sau, thân sau không phải là cái trước mà là quả của cái trước, đi ra từ cái trước mà không phải là cái trước. Không hề có cái gì đi từ cảnh giới này qua cảnh giới khác.

Tăng phải là thánh nhân, còn phàm thì sẽ thay đổi, khi bị khùng bị chết thì họ sẽ thay đổi, vì cái thấy của phàm phu là cái thấy của trí văn của trí tư. Cái thấy này có thể bị thử thách, có thể bị lung lay, thay đổi, biến dạng.

Trong kinh nói ngài Hatthisariputta tinh thông và thuộc lòng toàn bộ tạng Thắng Pháp nhưng lòng không yên, cứ muốn hoàn tục và ngài đã hoàn tục rồi tu lại bảy lần, cuối cùng chứng La-Hán mới thôi. Một người nữa là ngài Ledi Sayadaw, bậc á thánh của PG Myanmar cận đại cũng nhiều lần muốn hoàn tục, nhưng các vị thầy tiếc tài nên tìm mọi cách giữ lại. Phàm phu là như vậy đó, thiên tài đó nhưng cuối cùng chịu không nổi. Chính vì họ thiên tài nên họ có những suy nghĩ mình không hình dung được. Chẳng hạn như họ có thể nghĩ, làm cư sĩ cũng tu được mắc gì phải làm ông sư. Hoặc có người thương mình quá, tại sao mình sống quạnh hiu thế này, cực khổ thế này, mình thương nhớ nữa, sao mình không về với người ta, người ta đang chờ đợi mời gọi mình, về rồi hai đứa nắm tay nhau dìu nhau trên con đường giải thoát cũng được vậy chớ mắc gì sống một mình giữa rừng sâu núi thẳm một mình một bóng thế này buồn quá. Rồi nghĩ những chuyện động trời lắm, ví dụ thời gian Bồ tát làm cư sĩ nhiều gấp tám trăm ngàn tỷ lần Bồ tát xuất gia. Số kiếp Ngài làm cư sĩ không biết bao nhiêu ngàn ngàn tỷ tỷ lần trong khi số lần xuất gia có thể đếm được. Trong khi bao nhiêu kiến thức khích lệ tu hành thì quên hết.

Suppatipannokhéo hành trì con đường Đức Phật đã dạy.

Khéo hành trì suppatipanno ở đây ám chỉ sự thành tựu thánh giới và chánh kiến.

Ở đời có năm sự mất mát (byasana): 1/Sức khỏe có vấn đề. 2/Tài sản có vấn đề. 3/Tình cảm có vấn đề. 4/Tri kiến có vấn đề. 5/Đạo đức cá nhân (sila) có vấn đề.

Ở ngoài đời người ta chỉ nói có ba cái: sức khỏe có vấn đề, tài sản có vấn đề, tình cảm quan hệ xã hội gia đình có vấn đề, riêng trong kinh Đức Phật kể thêm tri kiến có vấn đề và đạo đức cá nhân có vấn đề, đó cũng là sự mất mát. Bây giờ mình thấy kinh điển quá nhiều, chỉ nhớ cái gì gọn thôi, thay vì nhớ pháp môn này nọ cao siêu, chỉ nhớ hai cái thôi: mình có thành tựu giới và thành tựu kiến không?

Thời Đức Phật có hai vị Thích tử: Purana và Isidatta. Một người thì trí tuệ mà dễ duôi, một người kém trí nhưng giới luật trong sạch. Cả hai sau đó sinh thiên cùng một cõi. Đức Phật giải thích lý do là trong phút cuối đời, người khuyết giới thì bổ sung tri kiến và người khuyết kiến thì biết bổ sung giới bằng nhận thức về bản thân mình. Một người trong sạch mặc đồ trắng sống không vợ con nhưng Phật pháp không hiểu nhiều, một ông thì tối ngày say sưa lè nhè có vợ có con có tài sản nhưng Phật pháp rất sâu. Khi hai ông này chết rồi, Ānanda vào hỏi Đức Phật là không biết họ đi đâu. Đức Phật nói cảnh giới họ giống nhau và hai vị đều là bậc Nhất lai như nhau. Ngài Ānanda thắc mắc sao đời sống hai người khác nhau quá. Đức Phật nói, phút cuối đời họ biết bổ sung chỗ khiếm khuyết của mình.

Suppatipanno khéo hành trì, và hành trì làm sao đó để cho mình thành tựu giới và thành tựu kiến, không để khiếm khuyết

Ujupatipanno: không thiên lệch

‘Antadvayamanupagamma’ là định nghĩa cho chữ Ujupatipanna hành trì con đường trung đạo không lệch lạc.

Ñāyapatipanna: là cách hành trì hợp lý, cách sống theo hướng dẫn của trí tuệ.

Sāmīcipatipanna: Thuận pháp.

Gom hết lại, Thánh tăng là những người đang đi trên con đường chánh đạo nhắm đến sự thành tựu giới và kiến.

Yadidaṃ cattāri purisayugāni: Nếu kể thành cặp thì đệ tử của Thế Tôn gồm có bốn cặp đạo quả kể chung: Vị Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán

Trước lúc Đức Phật viên tịch vài phút, một du sĩ ngoại đạo tên là Subhadda đến gặp hỏi đạo Ngài: Con nghe nói mấy ông giáo chủ ông nào cũng đắc này đắc kia, có hay không? Đức Phật thấy không cần nói nhiều, Ngài nói 4 cái không này: Các hành không trường cửu. Trên trời không dấu chân chim. Không có thánh nhân ở chỗ thiếu Bát chánh đạo. Chư Phật không bao giờ có sự bất an. (Pháp Cú 254)

Tại sao Ngài nói chuyện này? Ngài đem hình ảnh rất đẹp: Giống như trên hư không không có dấu chân chim, cũng vậy, vạn hữu không có sự trường cửu và chỗ nào không Bát Chánh Đạo thì không có hiền thánh, và chư Phật không bao giờ có sự bất an. Nói tới Thánh nhân là phải nhớ bài kinh 4 cái không này liền.

‘Bất an’ có nhiều nghĩa: không phiền não, không có sự phân vân. Phiền não thì hết rồi nhưng nếu không phải là Chánh Đẳng Giác vẫn còn có trường hợp phân vân (ví dụ: trường hợp này mình phải nói gì đây, mình phải cư xử sao đây…)

Đáng cúng dường.

Mấy người không tin trời đất thì thôi, còn mấy người có tin thì luôn dành cho quỷ thần cho các đấng cao vời trên mây những sự trân trọng. Ở đây Đức Phật dạy: Tất cả những sự tôn trọng kính lễ thiên hạ dành cho thần thánh, lẽ ra nên dành cho các bậc thánh nhân tốt hơn. Bởi vì:

Trăm năm bố thí cúng dường

không bằng giây phút kính nhường thánh nhân.

Cho dù tất cả quỷ thần, Ma Vương, Phạm Thiên, Đế Thích thì không ai khả kính cho bằng bậc thánh. Dĩ nhiên Đế Thích bây giờ là thánh rồi, nếu ngài còn phàm cho dù là đại đế trên thiên cung cũng không bằng vị Tu-đà-hoàn cùi đui sứt mẻ ở cõi người. Cúng dường một con người như vậy đó công đức lớn hơn quì lạy Phạm Thiên, Đế Thích. Người thế gian mình thì không như vậy, thà đi miểu bà Chúa Xứ quỳ lạy sì sụp chớ thấy mấy Phật tử lớn tuổi tôn trọng quì lạy mấy ông sư trẻ họ khó chịu. Tôi nói như vậy tuyệt đối không có nghĩa là tôi muốn chuyện đó. Tôi không muốn người ta hành lễ trước mặt tôi, bản thân tôi cũng thấy khó chịu khi thấy Phật tử hành lễ quá đáng với mấy sư trong những chỗ không thích hợp, coi internet thấy quì lạy ngoài phi trường tôi hơi khó chịu. Tôi sợ mấy người không thích, họ phản cảm, tôi không muốn gieo rắc sự phản cảm ở thiên hạ, chỉ vậy thôi, chớ không phải tôi chống chuyện người này tôn trọng người kia, tôi thậm chí thích chuyện người này chào người kia bằng cái chắp tay, tôi thích lắm, quá sức đẹp đi. May mà mấy ông sư là phàm tăng, chớ còn những vị tu hành có lý tưởng thì cũng đáng kính hơn là bà Chúa Xứ, dù bả linh hiển thế nào tôi không cần biết.

‘Āhuneyyo’: đáng nhận đồ cúng

‘Pāhuneyyo’: đáng nhận quà tặng

‘Dakkhineyyo’: đáng nhận trai đàn được tổ chức với chánh tín

Ở bên Ấn Độ thì có Dakkhinadana nhưng VN không có. Ở bên Ấn lâu lâu những người có tiền hay cho mời những vị tu sĩ đạo cao đức trọng không quen biết gì hết, về nhà để cúng dường. Cũng không cần nhân duyên hôn quan tang tế lễ lạt đặc biệt gì hết, lâu lâu vì cầu công đức mà họ rước các bậc đạo cao đức trọng về cúng dường. Đến khi Đức Phật ra đời thì chữ Dakkhinadanachỉ cho một trong 14 tế đàn. Quí vị vào Trung Bộ Kinh xem thêm 14 thí đàn trong bài Cúng Dường Phân Biệt Kinh. Dakkhinadanaở người VN mình không có, VN mình chỉ rước về cầu an, đám ma, chớ quởn quởn rước về cầu phước thì không có.

Thánh nhân là người đáng nhận những đồ cúng (hơn là) quỷ thần. Những thứ đó vị Sa-môn không nên dùng, nhưng thay vì cúng quỷ thần thì nên đem lại cúng cho các vị Sa-môn, hiền thánh. Hàng xuất gia dầu phàm cũng không nên ăn đồ cúng quỷ thần.

Trên đời này không ai đáng nhận quà tặng bằng các bậc thánh. Bởi vì kẻ nào không có lòng mong nhận thì mới đáng nhận. Câu này nghe rất là kỳ nhưng sự thật là như vậy. Kẻ thật sự không màng, không thèm thì đáng nhận. Kẻ nào không thèm nhận thì mình nên kiếm kẻ đó mà cúng. Công đức sẽ lớn hơn khi mình cúng dường cho kẻ nào chẳng màng. Chẳng màng ở đây không phải chê mà là không thấy thích và hiểu vì sao mình không thích. Kẻ nào mà lòng rộng, muốn buông ra, muốn bố thí thì mọi thứ cứ đổ về cho người đó, còn kẻ nào ki bo tom góp bỏn xẻn thì mọi thứ sẽ đội nón ra đi.

Añjalikaraṇīyo, añjalikaraniya, neyya đáng được chắp tay. “Añjali”: chắp tay

Phước Điền. Tăng là phước điền vì số lượng đông, trong khi cá nhân dù vĩ đại mấy cũng chỉ là một hay ít, chính vì đông nên ở đâu và lúc nào cũng có thể gặp. Khi lòng hướng đến tập thể thì mọi sự mênh mang hơn. Lòng không gò bó trói buộc và công đức cũng không hạn chế nên được gọi là phước điền.

Theo giải thích trong Thanh Tịnh Đạo, chư Phật thì khó gặp, nên ta chỉ còn cơ hội gặp gỡ Thinh Văn. Đây là những vị có mặt trong thời điểm Buddhantara (khoảng giữa các Đức Phật). Từ lúc Đức Phật Ca Diếp niết-bàn đến lúc giáo pháp của ngài hết chỉ còn lại chư tăng. Sau này khi Đức Phật Thích Ca ra đời chư thiên nhân loại gặp được Đức Phật, khi Đức Phật tịch rồi thì nhân thiên mình nhìn thấy cũng chỉ là chư tăng. Đây là thời gian khoảng giữa các Đức Phật (Buddhantara). Hẹn gặp lại các vị vào ngày thứ Năm. Xin đảnh lễ chư tôn đức.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app