Nội Dung Chính
Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 1
Chương 11: Tương Ưng Sakka
SUVĪRA (Suvīrasutta), SUSIMA (Susīmasutta)
Trong phẩm Sakka, hai bài đầu nội dung không có gì nhưng đặc biệt là bài thứ Dhajaggasutta. Tôi muốn ngưng bây giờ để trọn vẹn kỳ sau, hai bài đầu thì tôi nói ba giây đồng hồ là xong. Hai bài đầu tôi không tha thiết lắm vì nhiều lý do: nội dung hơi hoang đường đối với người không có tin Phật pháp. Đừng nghĩ tôi là duy vật là vô thần là ngoại đạo, tôi tin tùm lum hết nhưng nhiều chuyện tôi không mặn mà lắm, ví dụ chuyện chư thiên, tôi biết là họ có nhưng bàn về họ tôi không khoái lắm. Tôi biết bữa nay tôi xì ra nhiều chuyện bà con hết hồn luôn. Tôi, sư Giác Nguyên sinh năm 1969 trước đây quốc tịch Việt Nam, tôi xin nói rõ tôi là tu sĩ thầy chùa tôi không tin cầu an cầu siêu, tôi cũng không tin xá lợi, nếu không nói thì bà con tưởng đang nghe một tên ngoại đạo nên tôi phải giải thích. Tôi không tin cầu an cầu siêu vì tôi thấy ngài Mục Kiền Liên thần thông dữ dội, đức độ La-Hán, phước báu tu tập thì một a-tăng-kỳ trăm ngàn đại kiếp, cộng với quả vị La-Hán lục thông tam minh tứ tuệ phân tích, ngài là đệ tử hàng thứ hai của Đức Phật, lúc mọi chuyện xảy ra cho ngài thì Đức Thế Tôn còn sống, tha hồ niệm Phật. Vậy mà tất cả cộng lại không thể cứu mạng cho ngài Mục Kiền Liên, vậy cầu an cầu cái nỗi gì. Tiền nghiệp đến lúc trả thì chịu chết. Hai vị đệ nhất thần thông tăng và ni của Đức Phật đều bị đại nạn hết. Đệ nhất thần thông bên ni bị cưỡng hiếp, bên tăng thì bị thảm sát vậy cầu là cầu cái gì. Chư thiên ở đâu, Đế Thích ở đâu, vị này có thần thông, chư thánh tăng nhiều như sao trên trời, Đức Phật còn đó, mà không có sự hộ trì nào cho vị này. Ngài Mục Kiền Liên còn dữ dội hơn mà cuối cùng ngài cũng nát như tương Tàu thì cầu an nỗi gì, cầu an còn không tin thì sao tin cầu siêu. Đức Phật dạy: Một tảng đá mà cả làng van xin tảng đá vẫn cứ chìm, một giọt dầu rớt trên núi mà cả làng nguyền rủa nó nó vẫn cứ nổi. (Tăng Chi). Một người có thiện pháp thì như giọt dầu, rớt xuống nước thì sẽ nổi, còn người bất thiện thì như tảng đá, phải chìm xuống nước. Một người lúc còn sống còn tỉnh táo, trẻ khỏe ngon lành mà trong lòng không có Phật, không có pháp, không có tu hành thì lúc chết rồi thì siêu nỗi gì. Niềm tin của tôi dành cho chuyện đó chỉ có 0,1 phần triệu. Mong manh vô cùng. Hy vọng là có thể khi họ chết rồi sanh thành loài hóa sanh loài khuất mặt nghe mình đọc kinh họ hiểu thì may ra. Còn oai lực của kinh mà làm cho một người bị đọa hết đọa thì tôi chưa hề thấy, chỉ có hồi hướng. Người có khả năng tùy hỷ mới nhận được phước hồi hướng. Đừng tưởng là cha tôi mẹ tôi vợ tôi con tôi hồi hướng cho tôi là tôi nhận được, mà phải tùy thuộc tôi ở cảnh giới nào, không phải cảnh giới nào cũng nhận được. Ví dụ tôi chết sanh làm con của ai ở bên Campuchia, quí vị hồi hướng cho tôi ở Đức làm sao tôi biết. Một điều nữa đó là còn tùy thuộc bình thường mình có nghĩ đến Phật pháp hay không, và còn do tiền nghiệp. Trong kinh Mi Tiên (Milindapañha) nói rõ, buổi tụng kinh chỉ có tác dụng với ba điều kiện:
1. Người đọc bằng sự hiểu biết và chánh niệm.
2. Người nghe cũng vậy, nghe với sự hiểu biết và tùy hỷ.
3. Không có trọng nghiệp quá khứ can thiệp.
Tại sao bữa nay tôi không muốn giảng thêm, bởi để hôm sau giảng riêng trọn vẹn bài Kinh Ngọn Cờ. Kinh Ngọn Cờ là kinh dạy mình niệm Phật, phải niệm làm sao cho đúng. Chỉ riêng bài kinh đó tôi phải giảng tám tiếng đồng hồ. Và tôi phải nói một câu rất là đau lòng là Phật tử VN mình 99% không biết cách niệm Phật. Vì vậy khi tôi giảng bài kinh đó tôi sẽ sửa lại toàn bộ suy nghĩ của các vị. Không phải niệm Phật là mình réo gọi tên Ngài, hay tên của ai đó. Niệm Thế Tôn, La Hán, Chánh Đẳng Giác là phải ngồi nghĩ ra từng ý nghĩa, chứ không phải niệm khơi khơi. Người có niềm tin vào những điều đó mới niệm được. Chứ hồi đó đến giờ mình cứ chơi cho đã rồi vô nghe giảng ngồi xếp bằng niệm, đó là mình đang ôn bài chớ không phải đang thấm thía ơn đức của Ngài.
Tôi không tin cầu an cầu siêu bởi những điều tôi vừa nói. Đã là trọng nghiệp của mình thì có can thiệp vô cũng không tác dụng gì hết. Lúc bình thường mình không tu hành gì, lúc yếu, chết rồi thì làm sao nghe kinh. Phật tử cứ đi mời về tụng kinh mà không biết cái này, ông sư tụng mà móc cái phone bấm bấm, tụng mà nghĩ đâu đâu không, tụng ầm ĩ tiếng Pāḷi mà không hiểu gì mình tụng gì, còn Phật tử nghe mà không biết mình nghe cái gì, chỉ thấy khói nhang nghi ngút rồi lâu lâu quởn quởn lạy xuống một cái. Nếu tụng mà có chuông thì lâu lâu nghe đánh boong một cái thì lạy xuống mà không biết ông sư đang tụng cái gì, ông sư cũng không biết luôn. Trong trường hợp đó thì tụng không có kết quả gì, người tụng không hiểu biết không chánh niệm mà người nghe cũng không hiểu biết, không chánh niệm, không tùy hỷ. Nếu có trọng nghiệp tiền kiếp can thiệp thì chịu thua thôi. Nếu như trọng nghiệp mình bị ung thư thì tụng cái gì. Theo tôi biết Phật tử chịu mời tăng ni về tụng thì nước cũng cạn rồi, coi như còn nước còn tát. Bịnh như tôi mấy hôm nay thì làm gì có chuyện mời về tụng, khi mời về tụng thì bệnh đó gần đi rồi, gần đi rồi thì kinh nào cứu nổi. Cũng ít có gia đình nào biết nghĩ tụng để đi cho ngọt lắm, chỉ mong là hết bệnh thôi. Thêm nữa cả người tụng lẫn người nghe đều trớt quớt. Khi tôi biết được những điều này thì tôi làm sao mà tin được, chẳng qua là người quen họ mời đi chớ tôi không tin, tôi làm cái chuyện mà tôi không tin. Quí vị nghĩ tâm trạng tôi lúc đó thảm cỡ nào.
Còn chuyện tại sao tôi không tin xá lợi? Tôi không tin xá lợi không phải vì tôi không kính Đức Phật mà vì tôi quá sức tôn kính Đức Phật nên tôi không tin. Vì sao, vì Ngài là người đã tu hành vô lượng kiếp, phải có vô lượng kiếp mới có một vị Phật ra đời. Trong kinh nói rõ nếu mình có đức tin thì phải tin điều này:
– Chư Phật rất hiếm khi xuất hiện ở đời; tu thành Phật rất là khó
-Đệ tử của các ngài thì vô số, từ vô lượng vũ trụ, số lượng xá lợi thì luôn hạn chế, chư thiên làm sao để xá lợi trong tay những người không xứng đáng khi chính họ không có để thờ và họ có thể lấy đi mọi lúc (Kinh Pāyāsisutta, Trường Bộ Kinh). Làm sao tới phiên mình?
Trong kinh Pāyāsisutta nói chư thiên (cõi Đao Lợi trở lên) gớm mình như là mình gớm mấy con dòi trong hầm phân vậy đó. Tứ Thiên Vương thì họ giống như mình thôi. Vì vậy họ chỉ xuống cõi Người mình khi có đại sự nhân duyên, thí dụ vì đức độ của người tu hành đạo cao đức trọng, chính đức độ của người đó khiến cho họ không còn nghĩ đến chuyện dơ sạch nữa. Vậy mà, khi Thái Tử Tất Đạt cắt tóc đi tu bên bờ sông A Nô Ma đó, Ngài liệng bỏ, Đế Thích rước tóc đó về trên Đao Lợi về thờ phụng. Chư thiên Đao Lợi họ gớm mình mà vậy mà lúc đó họ rước tóc về thờ, nghĩa là người ta quí Ngài đến mức nào dù Ngài còn phàm. Về sau khi chia xá lợi thì Đế Thích thấy chiếc răng của Đức Phật bị mất, phải có bốn chiếc mà mất một chiếc. Đế Thích nhìn thấy liền là cái ông chia xá lợi đã giấu trong tóc ổng, nên Đế Thích dùng thần thông lấy lại. Cái khái niệm trộm cắp trên cõi Trời không có, vì cõi Trời không có chuyện người này đi lấy đồ người kia, nên ngũ giới chỉ ở dưới cõi mình thôi. Cái này cũng không phải là tài sản, trộm cắp chỉ gọi là trộm cắp khi nào vật đó có ý nghĩa vật chất. Ở cõi Người, nghĩa chữ trộm cắp rộng vì ở cảnh giới mình chuyện gì cũng có và vật sở hữu gắn liền với đủ thứ quyền lợi vật chất nên mới có khái niệm trộm cắp. Hơn nữa trong mắt chư thiên, Đức Phật là cha chung, xá lợi của Thế Tôn là tài sản chung của con cái trong nhà. Dựa vào những điều đó thì thấy không phải đơn giản mà có được xá lợi của Đức Phật. Phật là hiếm, người kính Phật thì vô lượng, trọng lượng xá lợi để lại thì tối đa 5kg, thì làm sao có đến mình. Có những xá lợi bây giờ nhìn thấy tròn vo hoàn hảo, trong suốt, đủ màu, cả đám hè nhau quì lạy sì sụp, tin cái nỗi gì tôi không tưởng tượng được. Đừng tưởng là muốn tin là tin không ai làm gì mình, nhưng có cái bất lợi là:
– Kẻ ngoại đạo nhìn vào thấy ngay mình tào lao, mê tín.
-Vô tình mình gieo duyên cuồng tín cho đời sau kiếp khác, đời này mình gặp chánh pháp mà tin tầm bậy tầm bạ thì đời sau đạo gì mình cũng theo vì mình không có khả năng giám định.
Sở dĩ có một thời trên hành tinh này có xá lợi của Ngài vì thánh nhân còn nhiều. Thánh nhân gồm tăng và tục, xuất gia và cư sĩ. Lúc đó chư thiên họ còn để lại, chớ thời này thì không thể, vì trong kinh nói rất rõ Đế Thích và cả Phạm Thiên rất quí xá lợi của Ngài. Đọc kinh chúng ta thấy:
Phạm Thiên thượng giới một tòa
Xương vai bên tả cùng là tam y.
Phạm Thiên là người không còn màng gì nữa hết vậy mà cũng ráng xuống thỉnh một miếng xá lợi, phần nào vai phải vai trái người ta biết, một miếng xương vai đem về thờ. Phạm Thiên sống bằng thiền định, không màng chuyện lầu đài nhà cửa hoa viên vậy mà ráng tậu cho bằng được một mảnh nhỏ xá lợi đem về thờ, nghĩa là chư thiên Phạm thiên coi nặng Đức Phật cỡ nào. Trên đó thánh nhân bây giờ nhiều như sao trên trời. PG mạt là mạt dưới này, còn trên đó là đang buổi bình minh. Nói theo trong kinh, một trăm năm loài người là một ngày đêm ở cõi Đao Lợi. Thế Tôn đã ra đi cách đây 2500 năm như vậy thì chưa đầy một tháng trên cõi Đao Lợi, không phải bình minh là gì. Trên đó có những vị bốn tầng thánh có đủ, tầng thánh thứ tư không còn tái sanh, nhưng nhiều khi họ là chư thiên Đao Lợi rồi họ đắc quả ngay trong thân đó thì họ vẫn là A-la-hán cõi Đao Lợi. Còn phàm phu kiểu thuộc lòng Tam Tạng Chú giải đầy trên đó, vậy thì làm sao mà xá lợi đến phiên mình để thờ?
Ngày hôm qua tôi suy nghĩ, tôi sẽ dành thời gian rất dài để nói về bài kinh Ngọn Cờ. Bài kinh này không thể nói sơ sơ được vì đây là dịp rất tốt để điều chỉnh lại cách niệm Phật của tuyệt đại đa số Phật tử VN. Dù cái room này loe ngoe có mấy người thôi nhưng phải nói làm được bao nhiêu thì làm. Bây giờ tôi giảng hai bài kinh đầu của phẩm Đế Thích để có chỗ trống giảng kinh kia.
Trong kinh nói rằng hai bài kinh đầu này kể lại chuyện ngày xửa ngày xưa, buổi đầu thì không có cõi A-tu-la. Có hai loại A-tu-la: A-tu-la địa và A-tu-la thiên. Buổi đầu cõi Đao Lợi chỉ có một, có những vị Trời thích nhậu nhẹt uống rượu. Rượu ở đâu mà có? Rượu là nhựa chảy ra từ sợi dây leo, chỉ cần nếm một giọt thì say một ngàn năm của nhân loại. Đế Thích cản, bảo đừng uống, nhưng họ cứ một mực uống. Vì vậy Đế Thích đuổi họ, liệng họ xuống núi Tu Di. Do phước của họ vừa xuống tới dưới thì xuất hiện một không gian y chang cõi Đao Lợi, giống đến mức họ không có gì phàn nàn hết, nên suốt kiếp họ ở đó. Cứ nhớ mối hận bị xua đuổi, lâu lâu họ kéo lên tấn công Đế Thích. Từ đó Đế Thích và A-tu-la xảy ra liên tục những trận đánh. Trong bài kinh này nói hôm nay A-tu-la từ đáy núi Tu Di kéo lên cõi Đao Lợi, đi qua ngã Tứ Thiên Vương. Tứ Thiên Vương thấy họ kéo tới nên mới báo cho Đế Thích. Có lúc đích thân Đế Thích đi đánh nhưng có lúc để cho các vị Thiên tử đi. Trong bài kinh này Đế Thích kêu vị Thiên tử Suvīra đi giúp ngài, nhưng vị này lười không muốn làm. Đế Thích suy nghĩ, tìm cách nói cho ông Suvīra này:
– Câu kệ thứ nhất nói về ý nghĩa sự tinh tấn
– Câu kệ thứ hai nói về thế giới của bậc thánh
Câu thứ nhất là: Ông có thấy trên đời này có gì đạt được bằng sự làm biếng bằng sự không tinh cần không?
Câu kệ thứ hai là: Trong cuộc luân hồi, còn sống trong đời này thì không thể ngồi yên được, phải tinh tấn, dầu muốn ngồi ghế Thiên Chủ hay trở thành người ăn mày, kỹ nữ, ăn cướp, ai cũng phải cố gắng làm gì đó mới mưu sinh, đem lại an lạc cho mình. Còn có mặt trong dòng sinh tử thì còn có sự nỗ lực. Ngày nào chúng ta không còn cần thiết đến sự nỗ lực nữa thì lúc đó chúng ta mới thật sự an lạc.
Buổi đầu sơ cơ chưa biết đạo, mình chỉ biết đừng làm gì đụng tới pháp luật thôi, ví dụ câu cá, săn bắn… thì đâu có gì vi phạm pháp luật. Tới hồi biết đạo rồi, thì biết cái gì không đúng giới luật, cái gì ác nghiệp thì không làm. Xưa thì sợ pháp luật, giờ thì mình sợ nghiệp báo nữa. Sẽ có một ngày mình hiểu ra vô minh duyên cho ba hành, dầu cho làm thiện thì thiện đó cũng là nhân sanh tử mà làm ác cũng là nhân sanh tử. Bây giờ mình còn là phàm thì mình vẫn phải làm thiện tránh ác để vun bồi Ba-la-mật và hễ ngày nào còn luân hồi thì đừng bị khổ, nhưng vẫn phải hiểu rằng làm thiện cũng là một nhân sanh tử. Có người không chịu được điều này. Một hành giả chán thế gian họ chán nhân chán quả là vậy đó, họ thấy nỗi khổ niềm đau đáng sợ nhưng sự hạnh phúc cũng đáng chán, vì nó có rồi mất, chưa kể hạnh phúc chính là nền tảng của đau khổ, bởi vì sau khi hạnh phúc kết thúc thì đau khổ tới liền. Hành giả thấy vậy nên sợ cả đau khổ và hạnh phúc, đó là sợ quả. Hành giả hiểu rõ nhân thiện cũng là nhân sanh tử, chén cơm tù dù ngon mấy đi nữa cũng là chén cơm tù. Bữa nay trong bài kinh này sẽ có những điều quí vị chịu không nổi. Đế Thích nói: Hễ còn mang thân sinh tử, còn trong tam giới thì anh phải tinh tấn tu hành, tuy nhiên chỉ có ngày nào không cần tinh tấn nữa thì ngày đó chúng ta mới thật sự giải thoát. Còn trong cõi sinh tử thì phải cố gắng mọi sự, chứng La-Hán rồi thì gì cũng buông. Buông ở đây không có nghĩa là lười biếng mà là không còn tha thiết đầu tư. Ví dụ ngài có đi thuyết pháp, ngài có chia sẻ cái gì ngài có người khác, ngài có phục vụ giúp đỡ bạn tu, hầu hạ thầy tổ; tất cả những điều đó ngài thấy cần thì làm chớ không còn xem là công đức nữa.
Còn sống trong sinh tử thì còn có sự nỗ lực, nhưng sự nỗ lực đó một ngày nào đó sẽ không còn cần thiết nữa thì ngày đó mới thật sự là giải thoát. Vì còn nỗ lực là còn đầu tư, còn đầu tư thì còn có chỗ đi về, còn có chỗ đi về trong Tam giới này nghĩa là còn có phòng trong nhà tù. Chỉ đến ngày nào đó mình không còn đầu tư nữa, không còn phòng riêng trong nhà tù thì mới khá được.
Nói cho cùng, tất cả những cái mình thích, mình tưởng hay nhưng thật ra do nghiệp quá khứ khiến mình sanh vào cõi Dục mình thấy cái này hay cái kia đẹp chứ mai kia mình đắc Sơ thiền rồi thì thấy cái dục đó là tào lao. Tới lúc Nhị thiền thì mình thấy Sơ thiền tào lao rồi cứ vậy đến lúc đắc Vô sắc nhìn lại Dục giới mình thấy nó chẳng ra gì hết, đến lúc đắc Sơ quả thì mình nhìn thấy rõ Tam giới chẳng ra gì hết. Nói vậy thôi chứ còn chút phiền não thì vị ấy vẫn còn tái sinh trong Dục Thiên chớ nhận thức thì vị Tu-đà-hoàn đã lạnh người rồi. Tất cả những gì mình thích toàn là hoàn cảnh, do hoàn cảnh mà mình thích. Ba hành do vô minh tạo ra, chính vì do vô minh tạo ra nên người ta thấy cần phải đầu tư trong Dục, trong Sắc và Vô sắc. Dầu sao đi nữa mình cũng là kiếm phòng trong nhà tù thôi. Trên thế giới này cũng có những nhà tù độc đáo, ví dụ Áo, Bỉ, Bắc Âu có những nhà tù như khách sạn vậy đó. Nói vậy thôi có trả lương tháng để ở tù cũng không thể ở được. Bên TQ có nhà tù Tần Thành, đây là nhà tù cao cấp nhất TQ. TQ có chế độ nhà tù tệ nhất hành tinh nhưng nhà tù Tần Thành này thì cao cấp, tù nhân có thể yêu cầu thức ăn theo thực đơn, có chỗ coi báo, coi ti vi, có bác sĩ y tá thường xuyên chăm sóc, có chỗ để chơi tennis. Đây là nhà tù nhốt những nhân vật cao cấp phạm tội, như Bạc Hy Lai chẳng hạn. Tôi muốn nói cho quí vị biết là cõi Trời sướng gì thì cũng giống như nhà tù Tần Thành thôi, giống như nhà tù ở Bắc Âu thôi. Tôi không phải hành giả nhưng có thể xác định với bà con chuyện này: nếu một hành giả nghiêm túc, sít sao, liên tục theo dõi thân tâm danh sắc của mình thì hành giả sẽ phát hiện ra một điều rất ly kỳ đó là dầu cho mình sống ở đâu, khổ cách mấy, sướng cách mấy thì danh sắc cứ chớp nhoáng, mà chớp nhoáng như vậy thì ở đâu cũng vậy thôi. Ở đâu thọ khổ nhiều thì mình sợ, còn ở đâu thọ lạc nhiều thì mình thích nhưng thời gian của tuổi thọ ngắn như nhau.
Trong kinh giải thích, tuổi thọ ngắn có hai: 1. Thitita: Thời gian tồn tại ngắn ngủi. 2. Sarasata: Bản chất mong manh. Đây là hai khía cạnh khiến Đức Phật dạy rằng đời sống ở đâu cũng ngắn ngủi.
Ai cũng chỉ tồn tại trong từng sát na danh và sắc (nếu có sắc). Người trong sát na trước không phải là người ở sát na sau. (ngài Xá Lợi Phất nói). Đời sống là một dòng chảy của danh sắc, dòng chảy này được ghép nối bởi vô số sát na.
Tất cả những gì làm nên cái gọi là chúng sinh và thế giới đều là phù du. Điều thứ nhất tạo ra điều thứ hai. Chính vì thời gian tồn tại của các pháp hữu vi luôn ngắn ngủi, tính bằng sát na, nên những gì nó tạo nên thế giới này cũng là ngắn ngủi. Đời sống chúng sanh là ngắn ngủi và cũng được tạo nên bởi những thứ ngắn ngủi.
Con người gồm tóc lông móng răng da mồ hôi… những thứ này kể cho vui vậy thôi, chứ muốn cho nó hư dễ ẹc, chỉ cần uống giùm một xị thuốc rầy, sau ba ngày thì da thịt cũng hư, phổi phèo gan cũng tiêu thôi, rất mong manh. Đời sống chúng sanh chỉ cần có chút trở ngại nào đó là tiêu tùng.
Tóm lại, nội dung bài kinh này: hễ còn mang thân sinh tử thì còn nỗ lực, và nhớ rằng tất cả mọi nỗ lực chỉ là dấu vết cho thấy anh còn ở trong sanh tử. Giống như người đang lội trên nước, phải hoạt động không ngừng. Ngay cả thả nổi trên nước cũng là đang làm việc ở mức độ tĩnh. Trong vòng luân hồi có nhiều lúc mình cũng thả nổi, thí dụ như lúc sanh về cõi Phạm thiên Vô tưởng, giống như đang thả ngửa, không bơi nữa, chỉ bồng bềnh giữ thăng bằng. Thật ra thấy không bơi vậy tưởng an nhàn nhưng họ vẫn đang làm việc đang giữ thăng bằng.
Trên biển đời sinh tử tất cả đều phải nỗ lực cố gắng, khi đến quả vị La-Hán thì không còn tha thiết gì nữa, cảnh giới vị này đạt được gọi là vô vi, hành động của vị đó gọi là duy tác.