Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 1
Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên
Phẩm Vườn Hoa Hoan Hỷ
Tiếng Động Rừng Sâu
Nay là thời giữa trưa,
Loài chim nghỉ yên lặng,
Vang động tiếng rừng sâu,
Ta run, ta khiếp sợ.
(Thế Tôn):
Nay là thời giữa trưa,
Loài chim nghỉ yên lặng,
Vang động tiếng rừng sâu,
Ta vui, Ta thích thú.
Theo chú giải, có một vị thọ thần sống cô độc trong rừng, đầu óc chậm chạp, không an lạc, buổi trưa vắng không thấy ai thì cảm thấy rất cô quạnh. Khi gặp Đức Phật, vị này nói suy nghĩ của mình. Đức Phật dạy rằng đối với Ngài nói riêng và những người tu hành nói chung với bối cảnh như vậy thì tu tập thiện pháp nhiều hơn. Bài kinh này không cần xem chú giải cũng có thể hiểu được, chúng ta chỉ xem chú giải trong những trường hợp đặc biệt. Tôi từng nói, bản chất tự nhiên của đời sống chưa đủ để nói lên gì hết, mà cần cảm nhận của người có mặt trong hoàn cảnh đó nữa, đây là điều rất là quan trọng. Chẳng hạn như nếu nói trên hình thức, trên chữ nghĩa thì sự đông đúc sum vầy hội tụ của những tình thân dù huyết thống hay bè bạn láng giềng đều là chuyện rất là hay, rất là đẹp. Nhưng trong thực tế đối với một số người thì đó là cả một cực hình. Ý nghĩa, cảm nhận về đời sống không phải ai cũng như ai. Với người này, việc đoàn tụ là hay nhưng với người khác thì đó là điều khó chịu. Hôm qua có Phật tử đến thăm tôi, họ nói với tôi là từ lâu rồi họ rất mỏi mệt với chuyện đông đúc sum vầy của nhiều người, nên họ rất là sợ ngày cuối tuần, sợ những dịp lễ lạt nào đó, họ rất lo lắng chuyện họp mặt đông đúc vì họ không biết nói gì trong một đám đông như vậy dù đó là những người thân thuộc, và tôi cũng rất đồng ý như thế.
Có nhiều lúc trong đời sống này, sự cô quạnh là một thế giới rất là đẹp, rất là riêng tư độc lập, nhưng có những người lại sợ sự cô quạnh. Có một ông cụ bên Thụy Điển sống với vợ và bà mẹ vợ, còn con cháu thì ở bên Mỹ, bên Pháp. Sau khi bà mẹ vợ mất, rồi đến vợ ông mất, ông phải vào trong viện dưỡng lão của Thụy Điển. Chiều chiều ông ra ngoài ban công nhìn xuống đường chỗ đậu xe, mắt đăm đắm không biết ông đợi ai. Mấy người trong viện dưỡng lão biết ông rất đơn chiếc nên họ hỏi ông đợi ai, mong chờ điều gì, sao lại thích ngồi chỗ này. Ông đáp: Tôi biết tôi không có người thân ở đây, nhưng con cháu bên Pháp, Mỹ có qua thăm tôi thì sẽ chúng đi lên từ chỗ đậu xe dưới kia, nên ngày nào tôi cũng ngồi đây nhìn xuống đó. Suốt mấy năm trời cho đến ngày qua đời, ngày nào ông cũng ngồi như thế. Có những người coi sự một mình, sự cô đơn lại hay. Tôi không phải là thiền sư hay hành giả nhưng từ lâu tôi không có trông chờ một cuộc gọi điện thoại nào, từ lâu lắm rồi tôi không biết giao thừa là gì và đã từ lâu lắm rồi tôi không có hình dung được có ai đó có đủ hấp lực để khiến tôi có thể nói chuyện điện thoại hơn 10 phút mà không ngán, trừ công việc cần thiết. Nếu không phải là công việc mà là hàn huyên chuyện mưa nắng thì tôi không có cảm giác đó nữa. Trong bối cảnh đó phải làm việc với ai lâu thì tôi rất là ngại. Chuyện nhẹ nhàng nhất là cái lớp học này, đó là tâm huyết của tôi, đó là một phần thiện chí của tôi, một phần ý nghĩa sống của tôi, có bữa tôi thức khuya quá, tôi đã để alarm báo thức vậy mà tới sáng nó reo tôi cũng cảm thấy khó chịu dù biết đây là chuyện cần làm. Lâu rồi không bị lệ thuộc một khuôn phép nào, nên không quen. Đời sống này là đắng hay là ngọt, bối cảnh nào đi nữa, đều tùy thuộc vào đời sống tâm lý của mình. Sẽ có một ngày tất cả tiền bạc, tất cả tình thân không có giá trị gì với chúng ta. Lý do là vì chúng ta đã già rồi, tiền bạc biết dùng vào chuyện gì, còn tình thân con cháu thì cũng giống như ông cụ mong ngóng ở trên. Sẽ có một ngày mình sẽ đối diện bốn bức tường chung quanh, ngó đèn khuya trên vách. Làm gì thì làm, chúng ta đã đến cuộc đời này cô đơn và cũng sẽ ra đi cô đơn, sợ nhất là cuối đời không được ra đi thanh thản mà phải đau vài năm nằm liệt giường thì mọi sự còn nặng nề biết bao nhiêu nữa. Phải học sống cô đơn, thưa quí vị. Làm gì thì làm, chồng vợ con cái họ chia sẻ với chúng ta một mức nào đi nữa thì cũng chỉ là người đứng bên thềm, đứng ngoài hiên trước cuộc đời mình thôi. Một người có khả năng sống an lạc với riêng mình là người mạnh nhất. Người dũng cảm nhất không phải là người đánh được con sư tử, mà người hùng mạnh nhất trên đời chính là người có thể sống an lạc với riêng mình. Người Đại Hàn có một câu rất hay: Không phải người mạnh nhất mới sống được, mà ai sống được mới là người mạnh nhất. Câu đó có thể là câu minh họa gần nhất cho bài kinh này. Nội dung của bài kinh này là trong hoàn cảnh nào đi nữa thì khả năng sống của chúng ta mới là quan trọng. Rừng sâu, sự hoang vắng, sự cô quạnh, sự quạnh hiu hay là chỗ phồn hoa đô hội, sự đoàn tụ sum vầy; giàu có hay nghèo hèn; no đủ hay đói lạnh rách nát; trong tất cả các hoàn cảnh đó, cái quan trọng nhất là khả năng sống của chúng ta. Chúng ta phải trang bị cho mình khả năng sống thích nghi với bối cảnh chung quanh, bởi vì chắc chắn có một ngày chúng ta không còn chọn lựa nào khác. Nếu chúng ta không thể thay đổi được đời sống thì nên thay đổi cách nhìn của mình về đời sống. Chúng ta phải tìm cách thỏa hiệp với nó. Nói như vậy không phải là tôi kêu gọi quí vị sống thua cuộc, mà chúng tôi muốn gởi gắm một bài học nhỏ về nhân sinh, ta không thể thay đổi được màu trời thì ta có thể thay đổi màu kiếng râm. Đó là những gợi ý để có thể hiểu được bài kệ này: dầu giữa rừng sâu, có người đau khổ sợ hãi cô quạnh, nhưng cũng trong khu rừng đó có người cảm thấy an lạc. Tại sao vậy? Bởi vì những điều đó không đến từ khu rừng mà đến từ khả năng tinh thần của mỗi người. Đó là nội dung bài kinh Tiếng Động Rừng Sâu.
NGỦ GỤC
Ngủ gục, nhác, ngáp dài, Không vui, ăn quá độ,
Ở đây, đối chúng sanh, Thánh đạo không hiển lộ.
Ngủ gục, nhác, ngáp dài, Không vui, ăn quá độ,
Với tinh tấn, đoạn chúng, Thánh đạo được thanh tịnh.
Bài kinh này nội dung cũng đơn giản, bà con có thể đọc thẳng chánh kinh không cần chú thích. Ngay trong chú giải cũng không nói gì đặc biệt. Chúng ta biết một phần ba thời gian của đời người là giấc ngủ. Nếu đời sống cho là 75 tuổi thì một phần ba là giấc ngủ, trừ đi những thời gian còn bé dại không có khả năng suy tư, theo đuổi mộng lớn; không có khả năng làm điều mình thích, mình cần, thì thời gian còn lại để mình có thể sống an lạc, sống ý nghĩa không còn lại bao nhiêu hết. Nói như vậy để thấy giấc ngủ là một vấn đề lớn. Nếu mình chỉ ngủ một giấc ngủ bình thường, em bé mới sinh 22 giờ mỗi ngày, rồi 18 giờ mỗi ngày, rồi giảm dần đến lúc nào đó chỉ ngủ 6 đến 8 tiếng mỗi ngày là giấc ngủ bình thường. Chúng ta mất 1/3 cuộc đời để ngủ. Trừ đi thời gian vô tri, từ 1- 18 tuổi chúng ta không có khả năng làm gì hết, trừ đi thời gian chúng ta bịnh hoạn, buồn khổ, một đời sống nội tâm không ổn định như thất tình, mất job, tai tiếng, dây dưa pháp luật…vv trừ hết thời gian đó thì còn lại thời gian của chúng ta là bao nhiêu? Nếu chúng ta ngủ lố giờ, nếu chúng ta sống thụ động tiêu cực, lười biếng vô nghĩa, không lý tưởng nhiệt huyết, thì chúng ta đã mất thêm một khoảng thời gian vô ích trong đời của mình. Đó là nội dung của bài kinh này. Người Mỹ có câu thế này: Bài kinh này nội dung cũng đơn giản, bà con có thể đọc thẳng chánh kinh không cần chú thích. Ngay trong chú giải cũng không nói gì đặc biệt. Chúng ta biết một phần ba thời gian của đời người là giấc ngủ. Nếu đời sống cho là 75 tuổi thì một phần ba là giấc ngủ, trừ đi những thời gian còn bé dại không có khả năng suy tư, theo đuổi mộng lớn; không có khả năng làm điều mình thích, mình cần, thì thời gian còn lại để mình có thể sống an lạc, sống ý nghĩa không còn lại bao nhiêu hết. Nói như vậy để thấy giấc ngủ là một vấn đề lớn. Nếu mình chỉ ngủ một giấc ngủ bình thường, em bé mới sinh 22 giờ mỗi ngày, rồi 18 giờ mỗi ngày, rồi giảm dần đến lúc nào đó chỉ ngủ 6 đến 8 tiếng mỗi ngày là giấc ngủ bình thường. Chúng ta mất 1/3 cuộc đời để ngủ. Trừ đi thời gian vô tri, từ 1- 18 tuổi chúng ta không có khả năng làm gì hết, trừ đi thời gian chúng ta bịnh hoạn, buồn khổ, một đời sống nội tâm không ổn định như thất tình, mất job, tai tiếng, dây dưa pháp luật…vv trừ hết thời gian đó thì còn lại thời gian của chúng ta là bao nhiêu? Nếu chúng ta ngủ lố giờ, nếu chúng ta sống thụ động tiêu cực, lười biếng vô nghĩa, không lý tưởng nhiệt huyết, thì chúng ta đã mất thêm một khoảng thời gian vô ích trong đời của mình. Đó là nội dung của bài kinh này. Người Mỹ có câu thế này: “Nếu bạn bỏ tiền ra mua những món không cần thiết thì bạn đã mất tiền dành cho những vật cần thiết”. Nếu chúng ta mất nhiều thời gian cho những chuyện không cần thiết thì chúng ta đã mất thời gian cho những chuyện cần thiết. Bài kinh này sâu ở chỗ đó.
Giấc ngủ là nhu cầu cần thiết cho đời sống sinh học, mang thân người thì chúng ta phải ngủ thôi, nhưng giấc ngủ ở đây mang ý nghĩa một đời sống tiêu cực, thiếu nhiệt huyết, thiếu lửa.
Vừa rồi quí vị hết nghe, không phải tại tôi cũng không phải tại quí vị, đó là cái tội của luân hồi. Có một vị sa-di nhỏ xíu đang đêm đứng hầu sư phụ, sư phụ loay hoay làm sao mà cán quạt thọc ngay con mắt của đệ tử khiến một con mắt bị hư. Sáng hôm sau người học trò bưng cháo vô cho sư phụ, sư phụ hỏi con bị gì vậy, học trò nói, hồi hôm cán quạt của sư phụ chọt hư mắt con rồi. Sư phụ nói sao con không nói cho sư phụ biết để chữa chạy, toàn bộ quãng đời còn lại con sẽ sống ra sao. Sư phụ xin lỗi học trò. Học trò nói, chuyện đó không phải lỗi của thầy, không phải lỗi của con, mà lỗi của sanh tử luân hồi, vị sa-di nhỏ sau đó đắc A-la-hán.
Bài kinh này kêu gọi chúng ta trong đời sống ngắn ngủi này hãy tranh thủ dành thời gian cho sự tỉnh thức hơn là cho đời sống tiêu cực thụ động, bao gồm cả sự ngủ nghỉ một cách không cần thiết. Hãy tâm niệm rằng chúng ta đang là một người đi mò tìm một vật dưới nước chứ không phải đang nhặt món đồ trên cạn, chúng ta đang nói chuyện với nhau trên đất, chúng ta làm rớt xâu chìa khóa, có thể thong thả nói chuyện rồi lát nữa nhặt lên cũng được còn nếu rớt đồ dưới nước thì không thể tà tà nhẩn nha được. Lặn xuống nhặt thì phải tranh thủ nhặt cho kịp trước khi hết hơi thứ nhất, nếu không được phải chờ đến hơi thứ hai, thứ ba… Người tu hành phải tu bằng tâm trạng giống như vậy, tu bằng tâm trạng của người tìm đồ dưới mặt nước. Phải nhớ hơi mình không dài, mạng sống của mình rất ngắn ngủi. Một chiếc xe đạp hay một chiếc xe tải 18 tấn, cả hai chiếc lớn nhỏ khác nhau nhưng giống như một điểm là khi di chuyển trên đường, phần tiếp xúc với mặt đường chỉ một chút thôi, nếu so với trọng lượng của nó thì phần bánh xe chạm mặt đường không bao nhiêu hết. Trong đời sống của chúng ta cũng vậy đó, dầu chúng ta là một người vô danh nghèo khó hay tiếng tăm lừng lẫy như giáo hoàng, tổng thống Mỹ, dù là ai đi nữa, cái phần chúng ta bám vào cuộc đời này rất là ít như hơi thở, hãy tranh thủ làm mọi chuyện trước khi quá muộn.
KHÓ LÀM
Khó Làm (hay Con rùa)
Khó làm, khó kham nhẫn,
Thiếu trí, hành Sa-môn,
Chỗ kẻ ngu thối đọa,
Chỗ ấy đầy chướng ngại.
Bao ngày hành Sa-môn
Nếu tâm không chế ngự,
Mỗi bước, phải sa đọa,
Nô lệ cho suy tư,
Như rùa rút chân cẳng,
Trong mai rùa của mình.
Vị Tỷ-kheo cũng vậy,
Thâu nhiếp mọi suy tư,
Không tham dính vật gì,
Không làm hại người nào,
Hoàn toàn thật tịch tịnh,
Không chỉ trích một ai.
7. Dukkarasuttaṃ
17. ‘‘Dukkaraṃ duttitikkhañca, abyattena ca sāmaññaṃ.
Bahūhi tattha sambādhā, yattha bālo visīdatī’’ti.
‘‘Katihaṃ careyya sāmaññaṃ, cittaṃ ce na nivāraye;
Pade pade visīdeyya, saṅkappānaṃ vasānugo’’ti.
‘‘Kummova aṅgāni sake kapāle,
Samodahaṃ bhikkhu manovitakke;
Anissito aññamaheṭhayāno,
Parinibbuto nūpavadeyya kañcī’’ti.
‘Dukkara’:‘Khó làm’; ‘dukkiriya’: ‘Khổ hạnh’. Có hai chữ ‘khổ hạnh’. ‘attakilamatthanuyoga’: khổ hạnh do tà kiến, khổ hạnh theo tinh thần ngoại đạo, pháp môn tự làm khổ mình. ‘Kilamat’ là mệt mỏi khó nhọc, đây là pháp môn hành trì chỉ làm khổ, đọa đày mình thôi, không có ý nghĩa gì đặc biệt. Có một số người Ấn Độ họ nghĩ là pháp môn này giống như đứa bé khờ dại trong mắt thiên thần (kiểu như đứa bé nghĩ rằng mình chơi ngu, nghịch dại thì bà mẹ sẽ thương hơn), và từ đó rút ngắn cuộc tu hơn, mau đạt cứu cánh tu hành hơn. Đó là lý do vì sao trong kinh sử dụng hai chữ ‘khổ hạnh’ khác biệt nhau. Khổ hạnh 6 năm của Bồ tát là dukkiriya, đó là chuyện khó làm, Thế Tôn được gọi là Phật Đà vì Ngài nhịn thứ khó nhịn, làm thứ khó làm và hiểu được chuyện khó hiểu.
Trong kinh nói, nếu mình thiếu trí tuệ (abyatta= bāla: thiếu trí tuệ, stupid) thì chuyện tu tập không dễ làm. Chú giải kể một số chuyện khó làm: ăn ít đi, ngủ ít đi, chuyên tâm thiền định. Người có túc duyên Ba-la-mật thì chuyện tu tập dễ dàng đã đành, một số người khác phải dùng nhiều biện pháp để có thể giữ được chánh niệm, giữ được định tâm, ngăn được phóng dật, ngừa được vọng động. Chẳng hạn như cái khó của sa- môn: ăn ít hơn người ta, ngủ ít hơn người ta, dành thì giờ để chuyên tâm thiền định. Một trong những kỹ thuật vị tỳ kheo thời Đức Phật thường dùng để giữ cái tâm định là phải “dante abhidantamādhāya jivhāya tāluṃ āhaccapi”: dùng lưỡi ấn nóc vọng để dễ dàng dồn tâm, gom tâm trụ tâm mình lên đó. Đó là một trong những tiểu xảo để thiền trong những buổi đầu. Tâm vô hình vô tướng mình biết dựa vào đâu để thu hút nó, đó chính là dùng lưỡi ấn lên trên nóc vọng, ai chưa quen trụ tâm thì làm thử đi, lựa một chỗ thích hợp thiền định, lựa một tư thế thích hợp cho mình, thẳng lưng lên, rồi thì nhẹ nhàng đưa lưỡi, uốn lưỡi lên trên vòm họng và giữ nơi đó, rồi theo dõi hơi thở. Với động tác uốn lưỡi ấn vào nóc họng vậy đó, sẽ giữ tâm mình. Chuyện này rất nhỏ, trong chú giải nói là một trong những chuyện những người xuất gia phải biết. Đối với người vô duyên vô trí thì chuyện nhỏ như vậy cũng thấy khó làm và sẽ thắc mắc tại sao tôi phải khổ cực như thế này. Khi không có trí thì chuyện nhỏ như việc ăn ít một chút, ngủ ít một chút, gìn giữ oai nghi tế hạnh cũng là khó, dùng lưỡi trụ tâm cũng là khó. ‘Dukkaraṃ duttitikkhañca, abyattena ca sāmaññaṃ. (Người thiếu trí tuệ thì làm đời sống Sa-môn hạnh rất là khó khăn). Bahūhi tattha sambādhā, yattha bālo visīdatī’’ti. (Dầu ở đâu làm gì thì một vị tu sĩ thiếu trí tuệ cũng gặp đầy trở ngại, trở lực). Khi không có trí tuệ thì nhìn đâu cũng chông gai, nhìn đâu cũng trở ngại. Ở bài kinh Tiếng Động Rừng Sâu – ở đây quí vị sẽ thấy sự liên hệ giữa kinh này và kinh khác – bối cảnh nào, môi trường nào, hoàn cảnh điều kiện sống nào đi nữa cái khả năng tinh thần là quan trọng nhất. Cái cảm thức, cái nhận định của chúng ta đối với đời sống phải như thế nào đó mới có thể kham nhẫn, chịu đựng được nó, đối diện đối phó với nó được; bằng như đời sống tinh thần của mình có vấn đề thì ngồi trên ngai vàng cũng khổ lắm chứ không dễ sống. Làm vua trong tình trạng tâm lý có vấn đề còn khó huống chi là một tu sĩ chỉ tam y quả bát. Một du sĩ hỏi ngài Xá Lợi Phất: Chuyện gì khó nhất trong giáo pháp của ngài? Ngài Xá Lợi Phất trả lời, khó nhất là đời sống xuất gia (dĩ nhiên là đời sống xuất gia đúng nghĩa chứ không phải một người đi tìm chỗ hưởng thụ giá áo túi cơm), phải bỏ hết những thứ mình thích, không được lui tới những chỗ mình muốn, tránh gặp gỡ những người không có lợi cho đời sống phạm hạnh. Một áo khoác jacket, một đôi giày tiện dụng, thích lắm cũng không có quyền dùng, nhỏ nhặt như cái móc chìa khóa mà thấy không ổn (chẳng hạn như hình đầu con thỏ có lỗ tai dài[1]) cũng không được quyền dùng. Đời sống xuất gia rất khó, tuy nhiên, sẽ dễ dàng đối với một người chuẩn bị đời sống tâm linh tương ứng, ví dụ như bà Mahāpajāpatī Gotamī (Kiều Đàm Di mẫu), là một hoàng hậu, xuất thân từ một công chúa, đẻ bọc điều, cũng là một mệnh phụ đứng thứ hai sau bà Maya, ấy vậy mà sau khi Thế Tôn thành đạo, bà đã đầu trần chân đất cùng 500 thể nữ đi bộ từ Kapilavatthu đến Savatthi để gặp Đức Phật xin được xuất gia. Thời đó chưa có ni chúng, bà không dám trực tiếp vào gặp Phật mà chỉ dám gặp ngài Ānanda nhờ xin giùm cho bà được xuất gia. Đức Thế Tôn ba lần từ chối, vì trong một gia đình nữ nhiều nam ít dễ bị phiền phức. Một cánh đồng mà cào cào, châu chấu, chuột bọ nhiều quá thì cánh đồng đó khó bề phát triển. Đời sống tu sĩ ở tự viện không thích hợp cho người nữ, và sự có mặt của họ sẽ làm cho tuổi thọ chánh pháp bị giảm. Đức Phật đưa ra nhiều lý do để từ chối. Ānanda hỏi Phật: Bạch Thế Tôn, người phụ nữ có khả năng thành đạo giải thoát không? Đức Phật nói về điểm này thì người nữ cũng như người nam. Ānanda thưa tiếp: Bạch Thế Tôn, Kiều Đàm Di mẫu là người có công nuôi dưỡng Thế Tôn khi bà Maya không còn nữa, xin Thế Tôn nghĩ đến tình đó mà cho bà một cơ hội đi. Đức Phật dạy Ānanda rằng, thôi được, nếu di mẫu chấp nhận tám điều kiện sau đây thì Như Lai chấp nhận cho nữ giới được xuất gia trong giáo pháp này, đó là tám trọng pháp (aṭṭha garudhamma). Một người nữ nghe tám trọng pháp đó cũng ngậm ngùi lắm, nghe như điều luật thanh qui, như làm khó để người nữ sớm bỏ ý muốn xuất gia. Vậy mà khi ngài Ānanda gặp Kiều Đàm Di mẫu và nói Thế Tôn sẽ chấp nhận nữ giới xuất gia với những điều kiện sau, rồi ngài đọc từng điều cho bà nghe và hỏi bà có chấp nhận hay không. Câu trả lời của bà nghe rất xúc động: Thưa tôn giả Ānanda, giống như một người nữ mà ham đẹp được người ta trao tặng nữ trang, mỹ phẩm, tràng hoa, cảm giác vui như thế nào thì tôi đây, với lòng muốn xuất gia được Thế Tôn đưa ra tám điều kiện ấy, tôi cũng vui như vậy. Tám điều trọng pháp đó rất khó cho bà nhưng lòng bà thuận ứng với những điều khó ấy nên bà thấy vui. Từ một mệnh phụ cao sang mà đầu trần chân đất đi xin xuất gia mà còn bị từ chối; vậy mà bà vui. Còn mình thì sao, trong cuộc tu này, trục trặc một chút thì mình sốc, muốn bỏ cuộc, muốn thay đổi lìa bỏ lý tưởng ban đầu. Ngài Xá Lợi Phất nói xuất gia là điều khó, khó nữa là vui được với đời sống xuất gia. Đời sống xuất gia có nhiều thử thách, cái vị ngọt đó là sự chào đón, sự kính lễ, sự cúng dường chăm sóc quan tâm của người khác, cũng làm cho đời tu tiêu tùng, nhưng vị đắng là những cam go thử thách chông gai cũng làm cho mình sốc. Tôi có nghe các vị tiền bối kể, sau 1975 có một giai đoạn rất khó khăn cho các tu sĩ. Giai đoạn đó, riêng Nam Tông hoàn tục hơn một nửa tăng số của giáo hội. Chính quyền làm khó với việc tạm trú tạm vắng, người dân cũng thiếu ăn lấy ai hộ độ chư tăng, bệnh hoạn không có thuốc, lạnh không có chăn mền đắp, thậm chí một đôi dép cũng không có để mang, một đôi dép đứt phải lấy dây kẽm để cột mới mang được. Thời bây giờ về nước thì thấy chư tăng đang trải qua sự cám dỗ của vị ngọt. Đời sống một tu sĩ ở VN sướng hơn ông sư ở hải ngoại, sướng lắm, so với thời chúng tôi ngày xưa. Nhưng mà coi chừng, chuyện đó cũng làm một trở ngại lớn cho đời tu. Vị ngọt làm mình chết, vị đắng làm mình chết, ngài Xá Lợi Phất nói, vị nhạt cũng kinh hoàng không kém. Có những ngày mình không biết đi đâu, về đâu, làm gì và gặp ai. Người đời thì có chồng vợ, con cái, có xe cộ nhà cửa; họ dắt nhau vui chơi chỗ này chỗ kia, leo núi cắm trại, xuống biển câu cá v.v… còn một tu sĩ làm cái gì đây? Có những ngày không nếm vị đắng, không nếm vị ngọt mà đối diện với vị nhạt, một mình đèn khuya đối bóng trong những đêm mưa khuya, nhìn về tương lai mù mịt, Phật pháp thì loe nghoe mấy chữ chưa đầy lá me nói gì lá mít, pháp học không ra pháp học, pháp hành không ra pháp hành, răng nhức không tiền đi nha sĩ, bụng thì đau lâm râm miệng chua chua vì đau bao tử, bệnh rất thường gặp ở những người tu sĩ v.v… Cái nhạt nhạt vô vị đó rất là đáng sợ. Bài kinh trước ai cũng tưởng là nhẹ nhàng dễ hiễu nhưng đó là nền tảng để hiểu những bài kinh phía sau, và cũng là cái nền cho đời sống tu sĩ, bối cảnh nào đi nữa, cái quan trọng vẫn là mình. Bài kinh này có những chú thích sau đây:
“Mỗi bước, phải sa đọa” trong bản Pāḷi: “Pade pade visīdeyya, saṅkappānaṃ vasānugo’’ti. Trong từng cảnh trần mình tiếp xúc, với người có nội lực thì mỗi lần tiếp xúc là một lần mình huân tu chính niệm huân tu trí tuệ, huân tu công đức, nhưng với một người không có tu dưỡng, không có nội hàm thì mỗi lần mình thấy nghe điều gì đó là điều kiện để mình bất thiện hơn. Biết tu, khéo tu, muốn tu, thì mỗi một trần cảnh (pade pade) sẽ được an lạc, còn vụng tu thì chìm đắm(visīdeyya). Visīdati: chìm sâu, lún sâu, thối đọa, sa đọa (sink down). Câu trong bản kinh “Mỗi bước, phải sa đọa, Nô lệ cho suy tư” nhưng trong chú giải thì saṅkappānanti:tư duy, (thể cách số nhiều) được giải thích là tà tư duy (kāmasaṅkappādī). Ai biết tiếng Pāḷi nên để ý chữ “ādī”có nghĩa là vân vân (etc). Khi nói kāmasaṅkappādī phải hiểu là “tà tư duy.. vv” (tà tư duy + sân tư duy + dục tư duy). Vasānugo; vasā: ‘quyền lực’ (power), anuga:‘đi theo’, ‘lệ thuộc’. Vasānuga là sự lệ thuộc (vào 3 tà tư duy). Với một người không khéo tu tập thì “Pade pade visīdeyya”, trong từng bước bị chìm sâu trong đó, “saṅkappānaṃ vasānugo”, đi theo sự chi phối của tà tư duy. Đó là dành cho những người tu không ra gì.
Bốn câu tiếp theo dành cho những người tu hành đàng hoàng. Những người tu hành đàng hoàng luôn luôn thúc liễm các căn giống như con rùa luôn luôn tự vệ bằng cách co các chi vào bên trong cái mai của nó. Kapālaở đây có hai nghĩa: 1. Cái đầu, 2. Cái mai của con rùa. Vị tu hành thu thúc các căn như con rùa rúc vào mai và trở thành như hòn đá khó bị tấn công. Đừng nghĩ là vị ấy giống rùa là chết nhát, co rút, thụ động chạy trốn, chối bỏ thực tại, mà là có chánh niệm, có trí tuệ để tựa nương, an trụ khi cần thiết, không bị dính mắc. Anissito: không bị dính mắc. “taṇhādiṭṭhinissayehi anissito” là không bị dính mắc trong tham ái và tà kiến. Một vị tỳ kheo sống đúng như con rùa như vậy là có khả năng tự xử mình, tự thúc liễm trong tâm ý của mình đồng thời sống không dính mắc trong tham ái tà kiến và aññamaheṭhayāno: sống không làm hại ai.
Bài kệ này nói đến một chuyện sâu sắc, đó là nhiều người cho rằng sống một mình là tiểu thừa, là tiêu cực, thụ động. Thật ra khi anh sống đàng hoàng nghĩa là đang lợi tha, anh không cần phải xắn tay áo nhảy vào xã hội để độ sanh rồi nói rằng ta không vào địa ngục thì ai vào. Khi anh sống có lý tưởng, có ý nghĩa thì dù anh vào trong rừng, sống trong cái hầm như địa đạo Củ Chi vẫn đang là sống lợi tha. Theo chú giải, khi mình sống được như vậy thì tâm hồn mình sống lợi tha. Một người sống tốt thì xã hội bớt đi mối phiền mối lo, đó là nói theo nghĩa hẹp; còn nói theo nghĩa rộng thì khi mình đang tự trang nghiêm chính mình, tự thanh tịnh hóa chính mình, nghĩa là mình đang chuẩn bị một nhân sự cho thiên hạ. Ví dụ như ngài Hộ Nhẫn, ngài trong sạch, khả kính, chân tu, ai nhìn cũng tưởng ngài khép kín từ chối cuộc đời, đùng một cái khi giáo hội cần là ngay lập tức có ngay một vị tăng thống tuyệt vời trên cả tuyệt vời. “Ullumpanasabhavasanthitena cittena”, vị đó luôn luôn sống bằng tâm trạng sẵn sàng xăn tay tiếp độ, cứu độ người khác. Đây chính là chữ gốc của chữ Vu Lan Bồn: Ullumpana.
Các học giả Sanskrit cứ tìm cách làm khó mình và làm khó người khác, họ cứ nói ‘Ullumpana’ là treo ngược từ đó họ nói Vu Lan là ngày đảo huyền, ngày xá tội vong nhân, là ngày phá ngục để cứu tội nhân dưới địa ngục bị treo ngược; ngẫm lại thì thấy có vấn đề như thế này, cứ cho treo ngược là một trong những hình phạt, nhưng tại sao chỉ chọn một hình thức treo ngược trong vô số hình phạt ở dưới địa ngục? ‘Ullumpana’hoàn toàn không có nghĩa là “treo ngược” như vô số người trên hành tinh này hiểu lầm, ‘Ullumpana’ nghĩa là sự cứu độ. Theo tinh thần Phật giáo nguyên thủy thì không có ngày đó mà ngày nào cũng có người sa đọa địa ngục, ngày nào cũng cần phải làm mọi chuyện để giúp người khác, ngày nào cũng phải tự thanh tịnh trang nghiêm hóa bản thân mình, chứ không có ngày nào đặc biệt để mình làm chuyện độ tha hết. Mình có người thân trong bệnh viện, trong tù, nếu mình có điều kiện thăm hỏi thì bất cứ khi nào có cơ hội là mình thăm, chứ không tự đặt ra qui định ngày đặc biệt nào đó mới đi thăm. Ngày nào mình hồi hướng công đức được cho chúng sinh, thân bằng, quyến thuộc thì cũng phải làm. Tôi phản đối hoàn toàn việc chọn ngày làm giỗ, nếu người ta đang bị sa đọa cần mình hồi hướng mà mình không thèm hồi hướng cho họ, mà lại đợi cho đến ngày giỗ của họ, hoặc ngày rằm tháng Bảy thì mới hồi hướng thì thật vô lý. Chuyện đốt giấy vàng bạc, nếu đơn giản như vậy thì cần gì tu hành nữa, cứ đốt một đống tiền thì dưới kia tha hồ mà xài, có người thì không tin nhưng sợ người ta nói mình kẹo nên vẫn làm, chuyện đó càng bậy nữa, không tin mà vẫn làm thì đã là bậy rồi. Quí vị nào là tỳ kheo ở đây thì chắc sẽ nhớ câu tác bạch lúc thọ giới tỳ kheo:“Ullumpatu maṃ bhante saṅgho anukampaṃ upādāya”, xin tăng hãy ra tay tế độ con cho con được thọ cụ túc giới. ‘Ullumpana’: sự cứu độ, ullumpati (động từ), Ulumpatu sangho (mệnh lệnh cách, chia theo số ít–Pāḷi và Sanskrit giống nhau).
“Parinibbuto nūpavadeyya kañcī’’ti”. Với nội tâm tịch tịnh, không làm hại ai, sống không chỉ trích ai, không khen mình chê người. ‘Parinibbuto’: ‘tịch tịnh’.
Một trong những đức tính của vị tỳ kheo và người tu hành nói chung là không Một trong những đức tính của vị tỳ kheo và người tu hành nói chung là không khen mình chê người. Ngày trước nghe bốn chữ này tôi không lưu ý bận tâm, khi có tuổi hơn một chút lại thấy hay. Nếu ở tuổi này, ai hỏi tôi bốn chữ . Ngày trước nghe bốn chữ này tôi không lưu ý bận tâm, khi có tuổi hơn một chút lại thấy hay. Nếu ở tuổi này, ai hỏi tôi bốn chữ “khen mình chê người” có nghĩa là gì tôi sẽ trả lời đó là toàn bộ pháp môn tu hành của PG. Làm theo bốn chữ đó là đi ngược với PG, không làm theo 4 chữ đó là đang thực hiện toàn bộ nội dung của Phật pháp. Không khen mình là không coi trọng mình, mình chỉ làm chuyện cần làm mà thôi, bao nhiêu công đức mình tu tập được chỉ là việc uống thuốc của một người bị bệnh mà thôi. Thiền định, thiền Chỉ, thiền Quán bớt ác pháp cho mình; giới luật, bố thí, phục vụ, nghe pháp, hồi hướng v.v… đều chỉ mang ý nghĩa duy nhất uống thuốc trị bệnh không có gì phải khoe khoang. Không khen mình vì mình chả là cái gì cả, mà mình không là gì cả thì có nên chê người khác không?
Tóm lại, nội dung bài kinh Khó Làm: đối với một người thiếu trí thì đời sống Sa-môn là chuyện rất khó khăn trong từng bối cảnh môi trường, từng thứ thấy nghe ngửi nếm đụng, lúc thì ham thích, lúc thì ghét sợ, bất mãn, chối bỏ trốn chạy. Thấy khó vì không thể hành Sa-môn pháp và khó là vì hoàn cảnh tấn công. Một vị tỳ kheo chân chánh luôn sống thúc liễm các căn như con rùa ẩn trú trong mai, không để tâm mình bị dính mắc vào tham ái và tà kiến, sống như vậy là tự lợi và lợi tha.
TÀM UÝ
Người được tàm chế ngự,
Tìm được ai ở đời?
Ai biết ngăn chỉ trích,
Như ngựa hiền bóng roi.
Người được tàm chế ngự,
Sống thường thường chánh niệm,
Vị ấy đạt kết quả,
Khổ đau được đoạn tận,
Bước những bước thăng bằng,
Trên đường không thăng bằng.
8. Hirīsuttaṃ
‘‘Hirīnisedho puriso, koci lokasmiṃ vijjati.
Yo nindaṃ apabodhati [apabodheti (syā. kaṃ. ka.)], asso bhadro kasāmivā’’ti.
‘‘Hirīnisedhā tanuyā, ye caranti sadā satā;
Antaṃ dukkhassa pappuyya, caranti visame sama’’nti.
“Người được tàm chế ngự”, nghe tựa kinh có hai chữ Tàm Uý thật ra trong bản Pāḷi không có chữ “uý” (hirīottappa). “Uý” nghĩa là ‘sợ’, ở đây không có chữ ‘sợ’, chỉ có ‘tàm’ là mắc cỡ, tôi dịch là “tự thẹn”. Có chữ rất hay đó là ‘liêm sỉ’(biết thẹn) nhưng ở đây tôi không sử dụng chữ ‘liêm sỉ’ vì từ này quá đời, lại nghĩa hẹp không nên sử dụng. ‘Liêm sỉ’ (theo nghĩa đời) nghĩa là không ăn gian nói dối, vi phạm pháp luật, không làm gì mà xã hội phê phán, không làm gì để lương tâm hổ thẹn. Ý nghĩa “không làm gì để lương tâm hổ thẹn” theo nghĩa đời thì còn hẹp so với theo tinh thần Phật pháp. Có những việc ngoài đời bình thường nhưng trong đạo thì lại hổ thẹn, ví dụ, khi ăn mà thấy thích như người đời, đắm đuối theo hương vị bữa ăn là vị tỳ kheo phải thấy tự thẹn. Một vị tỳ kheo phải tự thẹn với những điều mà thế giới cảm thấy bình thường, ví dụ thích thú khi ăn ngon, khi đi xe đẹp, khi đeo đồng hồ đẹp.
Bài kệ này gồm hai phần, gồm câu hỏi và câu trả lời, nhưng trong chú giải không nêu rõ ai là người hỏi, ai là người trả lời. Phần một là câu hỏi: Liệu có tìm thấy ở đời có ai biết tự thẹn, biết sống để cho người đời không có cớ để người ta phê phán, dè bỉu? Ở đây đạo Phật không coi nặng sĩ diện, đặc biệt là sĩ diện hão. Đạo Phật không coi nặng tự ái mà coi nặng tự trọng. Tự trọng nghĩa là trước khi làm việc gì phải coi bản thân mình có tự khinh bỉ mình khi mình làm việc đó hay không.
[15] Ba động cơ sống đời của thiên hạ.
Trong Tăng Chi Kinh nói trên đời có 3 hạng người: Attādhipateyya(lấy mình làm trọng), Lokādhipateyya (lấy đời làm trọng), Dhammādhipateyya (lấy pháp làm trọng). Đây là 3 động cơ để sống đời của thiên hạ. (lấy pháp làm trọng). Đây là 3 động cơ để sống đời của thiên hạ. Hạng thứ nhất, lấy mình làm trọng thì cái gì có lợi, thích, tiện, dễ dàng cho mình, thì mình làm. Có một anh chàng đi uống rượu say về đứng loay hoay dưới cột đèn đường, bạn bè hỏi anh ta tìm gì ở đó, anh ta trả lời mất chìa khóa nhà. Họ hỏi mất ở đâu, anh ta trả lời mất gần quán rượu. Họ hỏi mất ở đó sao tìm ở đây, anh ta trả lời, vì chỗ đó không có đèn, chỗ này có đèn sáng nên anh ta tìm ở đây. Nhiều khi mình giải quyết vấn đề không phải vì nhu cầu mà dựa vào điều kiện rất buồn cười. Có khi mình khổ quá, thay vì phải đi tìm giải pháp thích hợp nhất, mình lại đi tìm giải pháp trong khả năng của mình mà biết là không giải quyết được vấn đề gì hết, ví dụ buồn quá đi uống rượu. Rượu không giải quyết được vấn đề gì hết, chỉ làm cho mình ngủ, khi tỉnh táo thì khả năng đối phó bất trắc không có nhiều rồi mà còn uống rượu thì đưa mình vào tình trạng mất hẳn khả năng tự vệ, vậy mà khối kẻ trên hành tinh này, hễ đụng chuyện là uống rượu. thì cái gì có lợi, thích, tiện, dễ dàng cho mình, thì mình làm. Có một anh chàng đi uống rượu say về đứng loay hoay dưới cột đèn đường, bạn bè hỏi anh ta tìm gì ở đó, anh ta trả lời mất chìa khóa nhà. Họ hỏi mất ở đâu, anh ta trả lời mất gần quán rượu. Họ hỏi mất ở đó sao tìm ở đây, anh ta trả lời, vì chỗ đó không có đèn, chỗ này có đèn sáng nên anh ta tìm ở đây. Nhiều khi mình giải quyết vấn đề không phải vì nhu cầu mà dựa vào điều kiện rất buồn cười. Có khi mình khổ quá, thay vì phải đi tìm giải pháp thích hợp nhất, mình lại đi tìm giải pháp trong khả năng của mình mà biết là không giải quyết được vấn đề gì hết, ví dụ buồn quá đi uống rượu. Rượu không giải quyết được vấn đề gì hết, chỉ làm cho mình ngủ, khi tỉnh táo thì khả năng đối phó bất trắc không có nhiều rồi mà còn uống rượu thì đưa mình vào tình trạng mất hẳn khả năng tự vệ, vậy mà khối kẻ trên hành tinh này, hễ đụng chuyện là uống rượu. Hạng thứ hai, lấy đời làm trọng là chuyện đúng sai nên làm hay không nên làm không cần biết, mà làm vì sĩ diện hão. Tôi không có cảm tình với những món đồ trang trí nội thất nặng nề, vì chỉ nghĩ làm sao có thể xê dịch để lau nhà quét bụi, cứng như vậy làm sao mà ngồi trên đó, lỡ va người vào đó cũng có thể bị tổn thương, và tôi biết có những người cũng cùng ý nghĩ như tôi, nhưng theo mốt thời thượng sính sử dụng gỗ quí phải sắm cho bằng người ta, kiểu sống như vậy là lấy đời làm trọng. Người VN có câu mô tả cho hạng này: “không làm nó nói mình lười. Làm lia làm lịa nó nói mình làm lấy le”. Hạng thứ ba, lấy chánh pháp làm trọng, đây mới là khuôn vàng thước ngọc. Chuyện thích hay không thích, đời đánh giá làm sao không quan trọng, mà quan trọng là có đúng tinh thần chánh pháp hay không. Ở đây là tôi muốn tôn vinh tinh thần chánh pháp chớ không phải kêu gọi quí vị sống đạo cực đoan. Khi thấy việc đúng, việc hay muốn làm cũng phải xem bối cảnh một chút. Tôi thấy việc Phật tử quỳ lạy một ông sư rất là hay, nhưng xin thưa với bà con, chuyện quỳ lạy, xun xoe khúm núm đi đón chư tăng ở chốn đông người tôi lại thấy khó chịu, vì kẻ ngoại đạo có cả tỷ, họ nhìn như vậy họ nói mình là cuồng tín, con người mà lạy con người ngó khó coi, cao nhất là con cái lạy quan tài cha mẹ. Khi tôi gặp ngài Hộ Giác ở phi trường, nhìn thấy tôi toan lạy thì ngài chụp vai tôi và nói “Chỗ đông người”. Việc cúng dâng tận tay là để xác định người thọ nhận, tránh nhầm lẫn, nên khi người ta đã dọn trước mặt vị sư thì họ biết đó là phần của họ rồi, không cần phải “phục vụ tận răng” như thể ông sư đó bị bại xụi, bất lực; mà điều quan trọng là cái nhìn của người bên ngoài thấy rất là kỳ, không hiểu sao các vị trưởng lão không lên tiếng về việc đó. Do đó, lấy chánh pháp làm trọng là phải sống đạo uyển chuyển, không sống đạo quá khích.
“Như ngựa hiền bóng roi”. Câu này hay vô cùng, trong chánh kinh là “Asso bhadro kasāmivā”, câu tiếng Việt thì hơi tối nghĩa. Theo trong kinh, trên đời có 4 hạng ngựa: Hạng thứ nhất thấy bóng roi, hoặc vỗ nhẹ vào mông là nó đã chạy rồi; hạng ngựa thứ hai là quất một roi là nó mới đi; hạng ngựa thứ ba là quất dữ dội nó mới chịu đi; hạng ngựa thứ tư thì đem nó đi làm gỏi luôn nó cũng không đi. Trên đời có những người như vậy, chỉ cần nghe qua một câu pháp họ đã đi tu, có người thấy cảnh sanh ly tử biệt đâu đó họ mới đi tu, có người thì họ trải nghiệm chính bản thân, gia đình người thân mới chịu đi tu, hạng thứ tư thì dù có chết họ cũng không về với Phật. Câu kinh trên ý nói người có lòng tự thẹn thì một chút ẩn ý từ người khác đã nhạy cảm rồi. Có hạng không màng đến dư luận, miễn sao được việc họ; loại này có hai dạng: không tự thẹn, không màng dư luận và một dạng thì kiên trì cắn răng mà làm. Đừng chê ác nhỏ mà làm và đừng chê điều thiện nhỏ mà không làm. Quí vị nào thấy thạch nhũ sẽ biết, để có một giọt đó phải mất hàng triệu năm, một giọt nước để lại một ít cặn vôi, trong suốt nhiều triệu năm đã để lại thạch nhũ cao lớn như vậy, mỗi ngày vài điếu thuốc, lâu ngày bị ung thư, mỗi ngày một ít rượu lâu ngày bị ung thư gan…
“ye caranti sadā satā”, người thường xuyên sống chánh niệm dầu một lỗi nhỏ cũng làm cho họ thấy thẹn. Sống thật quá nhiều khi cũng thiệt thòi, ví dụ liếc trộm người nào đó, bị bắt gặp cũng quê chứ, hoặc để cho người ta thấy mình đang nóng nảy bực mình, cũng là chuyện dở. Tại sao những người tập võ thuật, khí công yoga thể dục thẩm mỹ thì khỏe hơn người thường? Chính là vì họ thường xuyên để ý bản thân nhiều hơn người bình thường. Chúng ta thì có khi hai ba ngày mới phát hiện ra cổ tay mình đau, còn họ ngày nào cũng để ý đến từng cơ xương khớp và phát hiện ngay trên cơ thể họ từng thay đổi nhỏ. Tôi không phải người “động tay động chân” bỗng một bữa phát hiện mình có vết bầm mà không biết lý do gì đâu, không thể nhớ nổi vì sao mình bị bầm mà chỉ nhớ câu thơ của Du Tử Lê “Yêu em tháng chạp vết bầm tháng hai”.
“Hirīnisedhā tanuyā, ye caranti sadā satā”, với người thường xuyên sống chánh niệm thì luôn biết tự thẹn với những lỗi lầm nhỏ nhặt nhất. Trong một đoản văn tựa đề Hoạt Tử Mộ tôi từng đề cập đến hai cách ngủ trong truyện kiếm hiệp Thần Điêu Đại Hiệp, Tiểu Long Nữ ngủ trên một sợi dây, Dương Quá ngủ trên một tảng băng bằng đá – hàn băng thạch. Tôi tâm đắc hai kiểu ngủ này vì một cao thủ thật sự phải luôn ngủ trong tình trạng tỉnh thức, một cao thủ mà quên mình thiếu cảnh giác thì đồng nghĩa với tự sát. Tàu có câu “Cư an tư nguy”[2], dù sống trong hoàn cảnh bình an cũng luôn đề phòng bất trắc.
“Antaṃ dukkhassa pappuyya, caranti visame sama”, với người có khả năng chánh niệm thường trực để dễ dàng biết tự thẹn là người có khả năng chấm dứt đau khổ, vì mỗi niệm khởi lên đều được phát hiện, đó chính là tinh thần Tứ Niệm Xứ. Chúng ta tham giận, chúng ta thương thích ghét sợ là bởi vì chúng ta sống trong ảo giác. Ảo giác chỉ có mặt khi chánh niệm và trí tuệ đi vắng. Sống chánh niệm là đệ nhất hành giả. Nếu có ai hỏi tôi, lớn tuổi rồi, xin một pháp môn để tu học, tôi chỉ có thể khuyên là sống có chánh niệm: biết rõ cái gì đang xảy ra (làm gì biết đó, biết mình đang đi, biết mình đang nhai, biết mình đang nuốt…) và nên nhớ dù gì đi nữa thì tất cả những tốt xấu buồn vui đến rồi sẽ đi. Có câu chuyện “Khắc chu cầu kiếm”, một người ngồi trên thuyền, bất cẩn đánh rơi thanh kiếm xuống nước liền, người đầy tớ liền khắc dấu vào mạn thuyền đánh dấu chỗ rớt kiếm để lúc trở về sẽ căn cứ vào dấu vết đó mà mò lại thanh kiếm. Đây là câu chuyện rất là minh triết, tất cả những tưởng tiếc quá khứ, tất cả những hoài vọng tương lai trong khi dòng chảy của danh sắc cứ từng giây đi tới miên viễn, miệt mài, không ngừng nghỉ thì cũng ngớ ngẩn y hệt anh đầy tớ này. Khổng Tử nói “Thệ như tư phù bất xả trú dạ[3]” vào một ngày đứng bên bờ sông nhìn nước chảy, ngày đêm trôi qua vùn vụt như nước không ngừng lại. Trong Duy thức có câu “hằng chuyển như bộc lưu” diễn tả danh sắc của mình luôn bị đẩy về phía trước không kềm lại được vì vậy hãy sống ngay trong hiện tại. Có hai ông cháu đi làm nghề hát xiệc, chỉ diễn mỗi một việc người này ôm cây cột tre co người kia leo lên đến ngọn rồi tụt xuống. Một ngày kia, đứa cháu giật mình thấy ông nội yếu lắm rồi, khả năng đeo bám của ông nội chậm hơn ngày xưa nên lo lắng sợ mới hỏi ông có thể leo được không, ông nội trả lời, cháu đừng lo, cháu hãy lo việc của cháu đi, cháu cứ lo dòm ông nội mà sẩy tay là…chết cha ông nội. Chuyện đời cái gì cũng bỏ qua hết nhưng có chuyện không nên bỏ qua đó là những gì đang xảy ra mình phải biết bằng chánh niệm. Tại sao có khủng bố, xâm lược xâm lăng, đàn áp… vì người ta không có tỉnh thức. Miến Điện có thể nói là một trong những đất nước đẹp nhất trên hành tinh này, từ 1962 đến 2012 Miến Điện chìm trong bóng tối của quân phiệt độc tài, sống trong đời sống nghèo, nhưng họ an lạc với đời sống nghèo khó của mình, người Tây Tạng cũng vậy. Người Miến Điện là dân tộc duy nhất cho đến nay an lạc với cái họ có một cách ý nghĩa nhất, chánh pháp nhất. Ước mơ lớn nhất của tôi là tìm được một miếng đất hợp pháp ở Maymyo, (một phố núi gần Mandalay, lạnh như Đà Lạt), gần bờ sông hoặc chân núi, xây tường cao, bên trong trồng toàn cỏ Nhật, có những cốc nhỏ bằng tranh vách đất, để cho những hành giả VN không quen với cách ăn uống ở Miến Điện, có thể học giáo lý, học thiền ở Miến Điện có gì trục trặc thì đến đây để có thể ăn uống, thuốc men theo cách mình muốn, chớ bệnh viện Miến Điện còn kinh hoàng hơn ở VN. Ở châu Âu này tôi quen với những Phật tử có thể cho tôi một năm mấy trăm ký lô thuốc Tây. Ước mơ thứ hai là nếu có tiền tôi sẽ in sách vở mà bà con Miến Điện không có điều kiện in. Họ học kinh trên bản photo, mực photo rất độc mà cứ lật tay rồi le lưỡi liếm. Những học viện thiền viện bên Miến Điện thiếu thốn tùm lum trong khi Phật tử chúng ta không hỗ trợ mà cứ thích xây chùa mới, không hề quan tâm là cất cho ai ở và chùa đó phát triển những gì.
[1] Thỏ Bunny. Logo thỏ Bunny này được sử dụng cho tạp chí Playboy biểu tượng ý nghĩa tình dục.
[2] Si Vis Pacem Para Bellum (Tiếng Latin)
[3] Thời gian trôi qua như nước chảy suốt cả đêm không ngừng