Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 1 – Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên – Phẩm Thiêu Cháy

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 1

Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên

Phẩm Thiêu Cháy

THIÊU CHÁY

Sáng nay chúng ta học bài kinh Thiêu Cháy. Ādittasutta: ‘bị thiêu cháy’, ‘bị đốt nóng’. Chúng ta biết ngay khi Đức Thế Tôn vừa thành đạo xong thì Ngài có giảng một loạt mấy bài kinh được xem là nền tảng hay cương lĩnh cho toàn bộ giáo lý. Đã nói Nhất thiết trí thì không có cương lĩnh, không có soạn bài sẵn đâu, chúng tôi chỉ ý muốn nói, toàn bộ nội dung của mấy chục năm sau gói ghém trọn vẹn trong năm bài pháp đầu tiên sau khi thành đạo, chẳng hạn như bài kinh Chuyển Pháp Luân, Kinh Vô Ngã Tướng, Kinh Ādittapariyāyasutta, trong bài kinh này Ngài xác nhận rằng, lục căn là lửa, nếu mình không khéo tu tập thì nó sẽ đốt cháy mình. Toàn bộ thế giới này bị thiêu cháy, bị đau khổ vì người ta không tu tập trong 6 căn, đó là toàn bộ Phật pháp rồi còn gì nữa, vấn đề cần giải quyết là khổ và con đường diệt khổ, vấn đề này nằm gọn trong 6 căn.

‘Ādittasutta’ ở đây thấy có liên quan vậy chứ mang nghĩa rộng, khác với bài kinh tôi vừa trích dẫn. Theo bài kinh này, Đức Phật dạy rằng thế giới này mọi thứ đang bị đốt cháy. Về vật chất thì mọi thứ đang sẵn sàng bị vô thường, biến hoại, thay đổi, về đời sống tinh thần thì chúng sanh luôn luôn bị đốt cháy trong phiền não. Câu “Tam giới như hỏa trạch” có hai nghĩa cả vật chất lẫn tinh thần: luôn trong tình trạng đi tới. Trong bài viết Những Ngọn Nến Đời, tôi có xác nhận một điều, toàn bộ thế giới này với cả nền văn minh văn hóa mấy nghìn năm của nhân loại, mọi thứ luôn trong tình trạng bị thiêu hủy giống như ngọn nến vậy. Ngọn nến được làm ra để được đốt chứ không phải để chưng. Ngọn nến chỉ phát huy ý nghĩa của nó khi bị đốt cháy và nó chỉ khẳng định được sự tồn tại của nó thông qua sự tiêu hủy. Khoa học hôm nay cũng nhìn nhận rằng sự tồn tại của thế giới này chỉ là một quá trình tiêu thụ năng lượng và tự hủy mà thôi. Mọi thứ dầu muốn dầu không đều trong tình trạng bị đẩy về phía trước.

Đức Phật dạy rằng dầu muốn dầu không chúng ta cũng sẽ già đi, sẽ lìa bỏ tất cả những gì mình thương thích, mình không bỏ nó thì nó cũng bỏ mình, giống như ngôi nhà đang cháy. Người gia chủ thông minh chỉ có một cách hành động là tự thoát ra khỏi lửa cháy không có thời gian cộng trừ nhân chia nữa đâu. Chúng ta không biết chắc mình sống được bao lâu. Sáng đi đánh golf, tennis, dã ngoại, chiều có trở thành người bệnh liệt giường thì cũng không có gì lạ. Sáng nay mình là nhân vật tiếng tăm chiều mình thành người tiếng tai; sáng đi hai chân, chiều đi xe lăn… thì đó cũng là bản chất của đời sống.

“Trong ngôi nhà thiêu cháy,

Vật dụng đem ra ngoài,

Vật ấy có lợi ích,

Không phải vật bị thiêu.”

Nếu chúng ta đem ra được món nào thì món đó còn xài được, món nào kẹt trong nhà thì bỏ. Có hai cách hành động trong ngôi nhà đang cháy, một là để nguyên đó cho nó thành tro, hai là đem ra ngoài. Chúng ta sống trong đời sống cái gì cũng mong manh, hoặc nó lìa bỏ mình, hoặc mình lìa bỏ nó, thì cách thông minh nhất là đem đi cho ra. Cái giá trị của một con người không nằm ở chỗ anh ta nhận được từ cuộc đời mà giá trị của mỗi cá nhân được đánh giá thông qua những gì anh ta trao ra. Trúng số được 100 triệu đô la mà tôi không biết dùng nó cho người khác thì 100 triệu đó chỉ là phương tiện ăn chơi trác táng cho riêng tôi; nếu tôi nướng 100 triệu đó ở các sòng bài thì nó cũng trở thành tro tàn. Trong khi đó tôi là người cư sĩ, tôi cắt cỏ, rửa chén, một tháng có mấy ngàn, nhưng tôi chia sẻ cho người nghèo VN, cho bạn bè khốn khó, cho chùa chiền… thì mấy ngàn đó nói theo trong kinh là sử dụng một cách thông minh. Một người cư sĩ chuẩn mực có cách sử dụng tài sản được phân chia hợp lý như sau:

– ¼ trả nợ cũ: nuôi dưỡng cha mẹ và người ân của mình khi họ đang cần.

– ¼ cho vay nợ mới: chăm sóc vợ con, giúp đỡ bạn bè

– ¼ đem liệng bỏ: phần xài cho mình, không có gì đáng nói (cơm ăn áo mặc nhà ở… liệng bỏ nhưng rất cần thiết)

– ¼ đem chôn để dành: làm phước.

Đời sống này hôm nay đối với chúng ta có lẽ khó, ngay cả việc trả nợ cũ, nuôi dưỡng cha mẹ ông bà người ơn làm gì chúng ta dám xài ¼? Cho vay nợ mới thì hơi nhiều, lo cho con học trường nổi tiếng, lo cho vợ đi làm đẹp v.v…

Có 4 hạng người:

– Rộng với mình mà hẹp với người (mình xài rất thoải mái nhưng một cắc cho ra cũng khó)

– Rộng với người mà hẹp với mình (có nhiều người tiện tặn, nhưng xài cho người khác rất rộng tay)

– Rộng với mình và rộng với người (xài toàn hàng hiệu hàng xịn, giúp đỡ người khác cũng hào phóng)

– Hẹp với mình và hẹp với người (Bản thân không dám xài cho mình, mà cũng không dám chia sẻ cho người khác)

Trong một thế giới mà từng con người luôn luôn đứng trước bờ vực của cái chết, thì chúng ta cần có một cách sống thông minh. Tôi nhớ trong Kinh Pháp Cú của Tâm Cao có câu rất là hay:

Người nay như lá vàng khô,

phất phơ đứng tựa cửa mồ diệt vong,

tử thần chờ đợi bên trong,

Tư lương sao chẳng dọn lòng lo tu

(Thi Hóa Kinh Pháp Cú, Tâm Cao)

Theo tôi, Thầy Tâm Cao (đã hoàn tục và nghe đâu đã mất rồi) chuyển Pháp Cú ra thơ VN thành công nhất. Có nhiều tay thi bá trong làng thơ VN biến kinh thành thơ. Bên Bắc Tông có một vị, Nam Tông có một vị, nhưng theo tôi theo thì thi hóa Kinh Pháp Cú không so được với thầy Tâm Cao, tiếc rằng vị này không có nhiều thời gian cho việc này. Quí vị tìm quyển kinh thơ Thi Hóa Kinh Pháp Cú của thầy Tâm Cao. Bài kệ Đức Phật đọc lúc Ngài mới thành đạo, đọc một mình giữa rừng, bài đó rất khó dịch, văn xuôi đã khó, vậy mà thầy dịch ra tiếng Việt rất hay, rất lãng mạn:

“Lang thang bao kiếp luân hồi,

Tìm không gặp kẻ xây ngôi nhà này!

Ôi! Đời sống thật buồn thay!

Bèo mây bến cũ vần xoay lối về.

Hỡi này anh thợ nhà kia,

Rui mè kèo cột gãy lìa nát tan.

Bao tham ái thảy tiêu tàn,

Tâm Ta thắng đạt, Niết Bàn thảnh thơi.”

(Pháp cú- kệ 153-154, Tâm Cao dịch)

Đối với tôi bản dịch đó giống như bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu. Thầy Tâm Cao đã dịch rồi, người khác mỗi lần muốn làm lại công trình đó cũng phải e ngại.

Ví như ngọn núi kiên trì

Gió cuồng tứ hướng dễ gì chuyển xoay

Tiếng đời chê dở khen hay

Không làm chao động đôi mày trí nhân

“Cho dù bay vút lưng trời

Cho dù đáy biển trốn thời được đâu

Cho dù núi thẳm hang sâu

Không nơi nào thoát quả sầu đã gieo.”

Trẻ không sớm biết tu hành

Chẳng lo tài sản để dành mai sau!

Cò già ủ rủ bên ao

Cá tôm chẳng có xanh xao chết mòn!

Một phần tuổi thơ của tôi là những bài Thi hóa Pháp Cú của thầy Tâm Cao và cũng có những bài của thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh, ví dụ bài thầy viết cho lễ Dâng y ở Huyền Không, Huế:

Mười phương tăng tục về đây

Duyên y vàng chuyển kiếp mây bọt bèo

Bông hoa đàm nở tâm nghèo

Trông mây ái nọ trôi theo bóng chiều

Dĩ nhiên chúng ta chuyên tu thiền định chánh niệm tốt rồi, nếu phải dễ duôi để tâm nó lăng xăng một chút thì thà để bụng thuộc lòng những bản dịch, những câu thơ đó. Thầy Minh Đức có câu thơ Chữ Hiếu:

“Từ độ lớn khôn đi vào đời dâu bể

Con chưa một lần đền đáp thâm ân

Con lặn hụp trong vô vàn máu lệ

Khi quay nhìn thì sương trắng đã phù vân

Tóc mẹ bạc như tuyết pha đầu núi

Dáng mẹ gầy như vẻ hạc trăm năm

Đã bao đêm chong đèn khuya lệ tủi

Ôi kiếp người sao cứ mãi ăn năn…

Giọt lệ khô như gió nam Trường Sơn

Bao nhiêu tuổi tác bấy nhiêu buồn

Nửa đêm nhớ mẹ trùm chăn kín

Khóc một mình, ôi chỉ một mình con…!”

Thầy có một câu nữa lạc đề trong bài giảng này nhưng tôi cũng nói luôn. Tôi muốn treo câu này trong phòng tôi:

“Xin đại nguyện giữa vô cùng sa mạc,

lấy muôn thân đảnh lễ Phật ven đường”

Cuộc đời này như giữa sa mạc nhưng vẫn xin một lòng thờ Phật trong đại nguyện tầm đạo, dầu ở phương trời nào, trong hình hài nào, trong hoàn cảnh nào cũng nhìn thấy Phật. Và dĩ nhiên tôi không thể quên những bài kệ của sư phụ tôi, Thượng Tọa Thích Hoằng Pháp, bài về Ba La Mật:

Bậc trí tuệ giác phần chóng đắc

Vì căn cơ xuất sắc hơn thường

Trí nhân tâm tánh như gương

Nên khi quang chiếu vô thường nhận ngay.

Bậc đức tin lâu ngày hơn trí

Vì tánh nhân ít nghĩ rõ ràng

Tánh nhân cá tánh đoan trang

Lại ưa mến chuộng dị đoan linh thần

Bậc tinh tấn thì năng phục vụ

Kém khôn ngoan chẳng đủ niềm tin

Thế nên khó đắc giác minh

Lâu hơn trí tuệ đức tin mấy lần.

Lớn lên trong đạo trong chùa, đây là những dòng suối nguồn nuôi lớn tâm hồn mình.

Trở lại bài kinh, khi giờ cuối cùng đến thì bỏ thân, bỏ sở hữu. ‘Sarīra’: ‘xác thân’. ‘Pariggaha’: ‘tài sản’, ‘vật sở hữu’. Khi mình chết rồi thì hai thứ này bỏ hết.

Một khi thần chết hiện về,

nào ai có thể chở che cho mình,

vợ con dẫu có chí tình,

ngậm ngùi chỉ biết lặng thinh đứng buồn

Đứng ở góc độ thơ ca bài thơ này bình thường, nhưng góc độ thi hóa bản kinh thì vô cùng khó. Cái khó ở đây là sao giữ được cái gốc của kinh và dễ nhớ cho bản tiếng Việt.

Con ta tài sản đây là,

Phàm phu nghĩ thế nhưng mà có chi

Chính thân còn chẳng có gì

Huống là sự nghiệp còn chi của mình

Câu này tôi mê đến nỗi thuộc lòng cả Pāḷi:

Puttā matthi dhanammatthi iti bālo vihaññati; 

Người ngu nghĩ tôi có tài sản, có con cái

Attā hi attano natthi, 

Bản thân mình còn không có

kuto puttā kuto dhanaṃ. 

thì con đâu, tài sản đâu

Tất cả những bài kệ trên đều là Kinh Pháp Cú do thầy Tâm Cao thi hóa. Một trong những việc làm ý nghĩa là kiếm được quyển này đem in lại. Cho đến thời điểm này iphone 6 sắp ra rồi vậy mà có vô số bà con VN cho đến bây chưa biết tablet, iphone là gì, họ vẫn cứ tiếp tục thích cầm sách trên tay thích nghe mùi giấy mới; bản in trên giấy vẫn cần thiết. Còn nếu không muốn in giấy thì đưa lên internet nhưng vô số bà con mình không thích đọc trên internet, đi lên chùa, đi ra chợ, ngồi trên xe đò họ thích đọc trên giấy hơn. Có vị nói tìm không ra bản thi hóa này, tôi xin nói rõ, dễ ợt hà, vào trong chùa, chắc chắn 70% trong số những vị tôn túc xuất gia trước năm 80 đều có. Các vị trẻ bây giờ đọc toàn sách mới thôi.

Khi giờ cuối cùng đến,

Bỏ thân, bỏ sở hữu.

Kẻ trí, hiểu biết vậy,

Thọ dụng và bố thí,

Sở hữu’ là tài sản. ‘Bhunjati’: (nghĩa đen là) ‘ăn’, (nghĩa bóng là) ‘hưởng thụ’, ‘tiêu xài’. Dadàti: ‘cho’. Câu kệ trên nghĩa là biết xài cho mình và cũng xài cho người khác. : ‘cho’. Câu kệ trên nghĩa là biết xài cho mình và cũng xài cho người khác. Rộng rãi không có nghĩa là hoang phí, tiết kiệm không đồng nghĩa với hà tiện, chuyện đáng xài phải xài. , chuyện đáng xài phải xài. Nếu phải rộng rãi thì đừng quá mức cần thiết, nếu phải tiết kiệm thì đừng dưới mức cần thiết.

“Thí xong, thọ dụng xong”, “Xong” là do HT Minh Châu dịch sát.

‘‘Atha antena jahati, sarīraṃ sapariggahaṃ;

Etadaññāya medhāvī, bhuñjetha ca dadetha ca;

Datvā ca bhutvā ca yathānubhāvaṃ;

Anindito saggamupeti ṭhāna’’nti.

‘Bhunjetha’ là sử dụng cho mình mình. “Bhunjetha bhutvà, dadati datvà”; người trí sau khi biết đời sống luôn vô thường, họ biết sử dụng tài sản một cách đúng mức, biết dùng cho mình và cho người khác. Hôm qua có một Phật tử email cho tôi và nói từ lúc tham gia lớp này họ muốn học tiếng Pāḷi, từ đó tôi nghĩ mỗi buổi giảng giáo lý này, tôi dành một chút thời gian để nhắm đến những đối tượng đó. Mỗi bữa quí vị làm quen với một số từ Pāḷi mà tôi cho là cần thiết, thì như Nguyễn Hiến Lê nói, thời gian để học một ngoại ngữ lâu hay mau tùy người, để có một số từ tương đối đủ xoay sở trong lĩnh vực mình thấy cần, mỗi ngày chỉ cần 3 đến 5 chữ, một tuần 5 ngày, thì 100 ngày, 1 năm rồi 3 năm như vậy vốn từ sẽ rất là nhiều.

Theo lực hành động ấy,

Không bị ai chỉ trích,

Vị ấy được sanh Thiên.

Trong Trung Bộ Kinh 3 (bản in trước 1975) có bài kinh Ghatikārasutta. Ghatikāra là một nhân vật cư sĩ rất là đặc biệt, nghèo xác xơ, không có tài sản mà không có ý đi tìm tài sản, chứng Tam quả – chứng A-na-hàm thời Phật Ca Diếp. Vị này làm nghề đất sét mà không muốn đào đất vì sợ chết côn trùng nên đi tìm những miếng đất khô lăn lóc chỗ chuột, cua đào lên để làm lu chậu đem bán. Vị này còn nuôi cha mẹ mù. Có lần Đức Phật Ca Diếp đến lúc Ghatikāra đi ra đồng, trong nhà chỉ có cha mẹ của vị này. Đức Phật Ca Diếp đã làm một việc mà Ngài chưa từng làm, và cũng không bao giờ làm với người khác. Ngài xuống bếp tự tay múc cháo đổ vào bát. Một vị Chánh Đẳng Giác, Thiên nhân chi đạo sư và xuống bếp của một gia đình nghèo xơ xác múc cháo đổ vào bát! Cha mẹ của Ghatikāra nghe tiếng động bèn hỏi “Ai đó”. Đức Phật Ca Diếp trả lời: “Như Lai đến lấy cháo”. Câu trả lời làm hai ông bà bàng hoàng xúc động, không ngờ con người vĩ đại đó lại đi đến nhà mình tự xuống nhà bếp múc cháo. Đức Phật đã đem lại cho hai ông bà một niềm vui quá lớn. Hai ông bà vui quá nhịn ăn một tuần, ăn không vô. Ghatikāra về nghe kể lại, bỏ ăn nửa tháng. Một ngày kia, ông bà đang ngồi thì nghe trên mái nhà có tiếng động, liền hỏi “Ai đó”. Mấy vị sư trả lời: Chúng tôi là sư ở chùa, chòi lá của Thế Tôn bị dột nên sai chúng tôi đến lấy lá về lợp sửa mái lá cho Thế Tôn. Quí vị nghe có thể nghĩ rằng sao vị Chánh Đẳng Chánh Giác lại hành động như vậy, chỗ mình dột lại đi dỡ nhà người ta. Xin nói rõ, Đức Phật nào cũng vậy, Thích Ca, Ca Diếp, Nhiên Đăng đâu có thiếu thứ gì nhưng hành động như vậy vì biết việc này sẽ dẫn đến điều gì. Khi nghe chư tăng nói vậy thì ông bà hoan hỉ quá, lại bỏ ăn nữa. Chuyện về sau đến tai vua, vua cho chở mấy trăm xe tài sản đến để hỗ trợ vật chất cho cha mẹ của Ghatikāra. Quí vị đừng bắt chước, xưa thì có ông vua vậy, chứ hôm nay quí vị dỡ mái nhà đem cúng chùa thì không có làng xã nào giúp đâu nghen. Tôi muốn nói Ghatikāra là một cư sĩ nghèo nhưng cách sống đẹp quá, sống có ta, có người. Chuyện khó tin nhưng có thật. . Quí vị nghe có thể nghĩ rằng sao vị Chánh Đẳng Chánh Giác lại hành động như vậy, chỗ mình dột lại đi dỡ nhà người ta. Xin nói rõ, Đức Phật nào cũng vậy, Thích Ca, Ca Diếp, Nhiên Đăng đâu có thiếu thứ gì nhưng hành động như vậy vì biết việc này sẽ dẫn đến điều gì. Khi nghe chư tăng nói vậy thì ông bà hoan hỉ quá, lại bỏ ăn nữa. Chuyện về sau đến tai vua, vua cho chở mấy trăm xe tài sản đến để hỗ trợ vật chất cho cha mẹ của Ghatikāra. Quí vị đừng bắt chước, xưa thì có ông vua vậy, chứ hôm nay quí vị dỡ mái nhà đem cúng chùa thì không có làng xã nào giúp đâu nghen. Tôi muốn nói Ghatikāra là một cư sĩ nghèo nhưng cách sống đẹp quá, sống có ta, có người. Chuyện khó tin nhưng có thật. Giá trị con người là ở chỗ anh ta cho ra cái gì chứ không phải anh ta nhận cái gì. Niềm vui từ những gì mình nhận được luôn luôn nhỏ xíu so với những gì mình cho ra. Nếu có ai đó đem cho tôi một chiếc xe trị giá 20 ngàn đô la tôi mừng tôi cảm kích lắm, nhưng niềm vui đó nhỏ xíu, vui nhiều lắm là một năm. Nhưng nếu hôm nay tôi bỏ ra một phần mười số tiền đó để hỗ trợ xây cái giếng nước hay con đường làng nào đó ở Miến Điện, Tích Lan, Việt Nam; hai nươi năm sau tôi già cả lụm cụm mà nhìn thấy cái giếng, thấy con đường đó tôi vẫn còn vui. Nếu tôi có con có cháu tôi sẽ nói với nó rằng ngày xưa ông nội bỏ tiền ra để giúp người ta khỏi đi gánh nước xa. Hai mươi năm nữa thì cái giếng đó trong lòng tôi vẫn mới tinh với chỉ hai ngàn đô la. Trong khi hai mươi ngàn nhận từ người khác thì một năm thôi đã hết vui rồi. Niềm vui của người cho ra luôn lớn hơn niềm vui của người được nhận, nhưng khổ nỗi mình không tin, mình khoái nhận hơn khoái cho.

CHO GÌ (Kiṃdadasutta)

“Cho gì là cho lực?

Cho gì là cho sắc?

Cho gì là cho lạc?

Cho gì là cho mắt?

Cho gì cho tất cả?

Xin đáp điều con hỏi?”

Có người (khuyết danh) đến hỏi Đức Phật: Ai trong đời này cũng cần có sức mạnh, có nhan sắc, thoải mái hạnh phúc; nhưng muốn có những cái đó phải làm sao, bố thí cái gì để mai mốt mình có những thứ ấy, cho cái gì để được nhiều?

Có điều này bà con nhớ giùm vì nó vô cùng quan trọng. Có những cái mình thấy thường, mình cho nó là bình thường; khi thấy nó bình thường, mình diễn nó ra thành tầm thường; khi nghĩ nó tầm thường mình cho là không cần phải nhớ hay quan tâm. Tôi xin nói rõ, cái gì mình nghe thường thấy thường, nó là bình thường, nhưng bình thường chưa chắc là tầm thường. Bình thường là normal, tầm thường là cheap. Cái gọi là bình thường chưa chắc nó tầm thường đâu. Ví dụ chữ Hiếu, mình nghe hoài, từ 15 tuổi trở lên đã nghe. Chữ Hiếu sâu vô cùng, không phải quần là áo lượt, sinh nhật hoành tráng, trầm hương chúc thọ… mới là hiếu. Kéo giùm cái mền cho mẹ, thay giùm bình trà nóng cho cha, đó là hiếu. Một ngày thấy cha ngó mông ra đường, hai giờ sáng thấy mẹ còn trăn trở bên giường, phải hỏi, đó là hiếu. Chuyện vậy mà ít người để ý.

Có những câu hỏi được Đức Phật trả lời theo nhiều cách, đối với A, Ngài trả lời khác, đối với B Ngài trả lời khác không phải mâu thuẫn bởi Ngài nhìn vào căn tánh của người đó. Có bài kinh khác Đức Phật trả lời không giống bài kinh này. Có nhiều người lẽ ra Ngài nói sâu hơn rộng hơn nhưng không, tới đó Ngài dừng, vì sức của người hỏi đến đó là đủ. Đức Phật luôn luôn chính xác, luôn cần và đủ, không dư không thiếu. Dư có thể bớt, thiếu có thể thêm nhưng Đức Phật Chánh Đẳng Giác thì không có chuyện đó, một khi đã nói thì không có gì để bớt không có gì để thêm, chính xác như một giọt nước. Trong trường hợp này Ngài giải thích: Cho thức ăn chính là cho sức khỏe, (dĩ nhiên trong trường hợp này thôi, chứ trong trường hợp khác có khi Ngài nói cho thuốc men là cho sức khỏe, hoặc siêng phục vụ giúp đỡ người khác thì đời sau kiếp khác sinh ra mạnh khỏe không bệnh tật; không giết chóc hành hạ ai hoặc dùng sức để làm chuyện gì đó mang ý nghĩa hỗ trợ cho chánh pháp, ví dụ ngày mai có lễ dâng y hôm nay mình dùng sức khiêng cây, che rạp cho buổi lễ ngày mai v.v… thì đời sau sanh ra khỏe mạnh), cho y phục là cho nhan sắc. Cho y phục – đây chỉ là một trong nhiều thứ cho, ví dụ mình dâng hoa cúng Phật, dọn đường quét sân, sống trong từ tâm thì đời sau kiếp khác sinh ra mình cũng là người đẹp, có nhan sắc. Trong kinh nói Đức Phật có cặp mắt rất đẹp đến nỗi kẻ thù nhìn Ngài cũng chùng lòng; giọng nói của Ngài dù người ghét nghe cũng chùng lòng là vì trong nhiều đời Thế Tôn tu hạnh từ tâm, không nhìn người khác bằng sân tâm, không liếc ngang ngó dọc, háy nguýt người khác. Muốn có giọng nói thanh tao thì không nói lời ác độc, không nói lời sân tâm, luôn luôn dùng ngôn ngữ của mình để đem lại sự hòa giải đoàn kết với người khác.

Cho nên chuyện Đức Phật trả lời “cho y phục là cho nhan sắc” ở đây chỉ trong trường hợp này thôi. VN có câu “người đẹp vì lụa”. Các y phục trong phim Hàn được xem là rất chuẩn để VN bắt chước, dầu là vai nhà nghèo vẫn ăn mặc vừa vặn. Trong phim Hongkong, TQ hễ nghèo là ăn mặc gì cũng được, còn Đại Hàn khi đã lên phim rồi thì ăn mặc rất chuẩn, một cô bồi bàn, áo quần dù rách dù dơ cũng vừa vặn rất chuẩn. Áo quần ok thì con người ngó cũng được, vì vậy mới nói người đẹp nhờ lụa. Cũng từ câu này mà người ta sống nặng hình thức. Nếu không có ăn thì không sống được nên “cho thức ăn là cho sức khỏe”. Cho xe cộ, phương tiện đi lại thì cho sự an lạc. Để được an lạc thì có vô số cách, nhưng trong trường hợp bài kinh này thôi, Đức Phật nói để cho người ấy có thể thực hiện được.

‘‘Na hatthiyānaṃ samaṇassa kappati,

Na assayānaṃ, na rathena yātuṃ;

‘‘Na hatthiyānaṃ samaṇassa kappati”, cho người đời xe cộ thì được, nhưng đối với Sa-môn, “hatthiyānaṃ” (cho voi) assayānaṃ (cho ngựa) na rathena yātuṃ thì không có được, mà chỉ cho giày dép; không được cho xe cho voi cho ngựa. Đối với mấy ông sư thời nay mà chỉ cho giày dép không cho xe thì mấy ổng buồn lắm. Đối với ngày xưa, chứ ngày nay chứ quí vị cho tôi chiếc Lexus hay Mercedes hay Rolls Royce thì tôi không từ chối, lấy liền. Giúp người ta phương tiện đi lại là cho sự an vui. Muốn có sự an lạc thì có nhiều cách khác nhau, nhưng trong trường hợp này Thế Tôn chỉ nói phương tiện đi lại.

‘Yāna’: ‘xe’, ‘phương tiện đi lại’. Tiếng Hán có chữ ‘thừa’. Bà-la-môn giáo kêu PGNT là Tiểu thừa. VN hoặc Tàu cũng xài (Hīnayāna – tiểu thừa, Mahāyāna – đại thừa). Theo như trong Luật thì tỳ kheo vô bệnh không mang giày dép, nhưng ngày nay rất khó. Các sư ở các xứ châu Á (Thái Miên, Tích Miến, Việt Lào) tay phải để trần trụi bên ngoài, nhưng ở Âu Mỹ thì kỳ, trong cái nhìn của người khác là hơi khiếm nhã, nên không mặc như vậy. Người đầu tiên tiếp nhận nền văn hóa Âu Mỹ tới nơi tới chốn và phát minh ra cái áo tay dài là Walpola Rahula. Vị này có bằng tiến sĩ đại học Sorbonne, Pháp, tác giả cuốn What The Buddha Taught, rất là nổi tiếng, ngang với cuốn Đức Phật Và Phật Pháp của ngài Narada. Walpola Rahula có nhiều công trình lớn, đặc biệt là trong bộ Encyclopedia Britannica người ta có mời ngài viết một chữ “Đạo Phật”. Quí vị nghe vậy sẽ có ý coi thường rằng có gì đâu mà ghê gớm. Tại sao người ta phải đi tìm người chuyên trách một chữ “Đạo Phật”. VN có giáo sư Bửu Kế làm bộ Tầm Nguyên Tự Điển, ông ta định nghĩa “Tam muội” là ba thứ làm ta mê muội, tức tham sân si. Ngài Walpola Rahula đã dịch lần đầu tiên quyển Abhidharmasamuccaya (A-tỳ-đàm tập luận) từ tiếng Sanskrit qua tiếng Pháp. Bộ này giờ đã dịch ra tiếng Anh, là một trong những tài liệu tham cứu về A-tỳ-đàm của Hữu Bộ rất xuất sắc, tương đương bộ A-tỳ-đàm Câu Xá hay là Tỳ Bà Sa, Phát Trí Luận. Tôi mong rằng, thông qua lớp học này tôi gởi đến bà con một số thông tin, kiến thức bách khoa mà bà con bắt buộc phải biết nếu muốn nghiên cứu Phật pháp tới nơi. Ngoài những bộ tôi giới thiệu có 3 bộ quan trọng là bộ Câu Xá, Tỳ Bà Sa, Phát Trí Luận, ai dưới 40 tuổi thì nếu dịch được thì dịch, còn không thì hãy đọc.

‘‘So ca sabbadado hoti, yo dadāti upassayaṃ;

‘Upassayaṃ’: ‘chỗ ở’, ‘chỗ náu thân’. Cho chỗ ở là cho tất cả. Tại sao người ta đổ dồn về những thành phố lớn để ở, Trung Quốc rất rộng tại sao Bắc Kinh Thượng Hải mật độ dân số ở mức kỷ lục? Vì đi học thì được học trường lớn, đi làm thì lương cao, có nhiều điều kiện để theo đuổi giấc mộng đời (ca sĩ, diễn viên). Sài Gòn cũng vậy. Miền Tây, miền Bắc cũng đổ lên Sài Gòn. Nhiều khi chỉ cần một chỗ ở như ý, người ta có điều kiện để làm được nhiều việc. Bao nhiêu năm lưu lạc xứ người, cho đến hiện tại tôi vẫn chưa có một chỗ để gọi là an cư, lạc nghiệp. Hơn ai hết ngay lúc này tôi thấm thía câu nói, cho chỗ ở là cho tất cả.

Amataṃ dado ca so hoti, yo dhammamanusāsatī’’ti.

Câu cuối cùng mới quan trọng, những câu đầu như mấy câu dạo thôi giống như là “gió đưa bụi chuối sau hè” câu thứ hai mới ghê “anh mê vợ bé bỏ bề con thơ”. Những câu dạo đầu: bố thí thực phẩm là bố thí sức mạnh, bố thí y phục là bố thí nhan sắc, bố thí phương tiện đi lại là bố thí niềm hạnh phúc, bố thí chỗ ở là bố thí tất cả, cái cuối cùng là dhammamanusāsatī có nghĩa là bố thí pháp. Giảng pháp cho người khác là ban bố sự trường sanh bất tử cho họ, không nghe được chánh pháp thì người ta mù mờ. ‘Anusāsatī’: ‘giảng dạy’, ‘hướng dẫn’. ‘Dhammamanusāsati’: ‘giảng dạy chánh pháp’. ‘Amataṃ dado’ là ban bố chia sẻ cứu cánh bất tử. Mình có thể cho rằng chuyện nghe pháp mà không quan tâm thì cũng đâu có sao, đâu có chết ai, những người không biết đạo họ vẫn sống vui vẻ; nhưng đối với riêng tôi, tôi không hình dung được tôi sẽ ra sao nếu tôi không biết Phật pháp. Càng hiểu Phật pháp thì mới thấy ân đức của Đức Phật đối với chúng sanh lớn vô cùng. Tôi nói một điều rất long trọng ở đây, càng học Phật pháp mình sẽ hiểu được nhiều hơn, biết được con đường mình sẽ đi, không gì kinh hoàng cho bằng một ngày nào đó mình nhìn lên trời cao thăm thẳm, mình không biết bên ngoài quả đất này nó còn cái gì nữa và đi về đâu, mình là ai, ở đâu tới và bây giờ mình phải làm gì. Có nhiều người nói với tôi rằng người ta sống có ai bận tâm đến những chuyện đó đâu, nhưng có người rất khổ tâm vì họ không biết họ là ai, sẽ đi về đâu, tại sao kẻ ăn không hết người lần không ra, tại sao trên đời có quá nhiều những bất công, tại sao và tại sao ??? “Cho pháp” tức là cho họ câu trả lời. Pháp ở đâu ra? Từ lời dạy của Đức Phật!

 

[32] Ba hạng người khó tìm

Đức Phật dạy rằng trên đời này có ba hạng người khó tìm:

1. Vị Chánh Đẳng Giác

2. Người thuyết giảng pháp của vị Chánh Đẳng Giác

3. Người tri ân, báo ân.

Hạng thứ ba, tại sao người tri ân là khó tìm? Có chút tuổi đời, có chút va chạm mới biết là khó thiệt. Mười năm qua, ví dụ tháng nào tôi cũng gởi thằng Tèo 500 đồng, đến năm thứ mười một tôi nói tôi không còn khả năng đó nữa. Theo tôi được biết, 95% trường hợp, khi nghe nói như vậy người ta sẽ giận. Cứ tốt với người ta, chứ có lòng mong đợi hồi báo thì chỉ có thất vọng thôi, vì bản chất đời sống là tàn bạo khốc liệt dễ ghét như vậy đó. Người ta có một tỷ lý do để quên ơn, lý do để nhớ ơn thì ít lắm. Nhiều người lạ lùng một chỗ là họ sợ sự thật. Khi nghe vậy họ chối phăng à, “không có đâu, làm gì có ai tệ như vậy”, không biết vì họ tốt hay vì họ quá thơ ngây. Tôi không phải là người gian hùng hay lăn lóc chợ đời gì nhưng tới tuổi này tôi đã thấy được chuyện đó, tìm được người biết tri ân khó vô cùng. Bây giờ ba má quí vị nằm liệt giường, tôi nuôi mười lăm mười tám năm, cơm nước hầu hạ, dọn dẹp đồ dơ uế bất tịnh, quí vị sẽ nói cảm ơn “trời ơi sư giúp má con, giúp ba con…” chứ thử lỡ tôi lăn đùng ra tôi bịnh, quí vị vô lo cho tôi được một tháng quí vị gớm muốn chết luôn. Không phải tôi lo cho ba má quí vị mà tôi lo cho quí vị đó nghen. Mổ xẻ nằm trong bệnh viện, một mình một thân, nằm dưới sàn sát cái bô ống nhổ, tôi nằm tôi nuôi quí vị chín tháng trong đó, tanh tưởi, hôi thối biết bao nhiêu, lỡ tôi nói câu gì lỡ làm quí vị chạm tự ái thì chín tháng đó có còn hay không, quí vị tự hỏi lòng mình, không cần phải trả lời cho tôi. Có câu chuyện nhỏ nhỏ lạc đề, Thượng tọa Thích Hoàng Pháp đối với tôi còn hơn cả cha nữa, Thượng tọa có 5 người cháu, nhưng lạ một điều người ngủ chung một giường nhiều nhất với Thượng tọa là tôi. Từ năm 1977, đi đâu Thượng tọa cũng cho tôi đi theo, tôi đi ra nước ngoài 15 năm trời tôi chưa gọi Thượng tọa một lần. Thời gian trước gọi khó, mình dựa vào chuyện khó mình không gọi, về sau này tôi nghĩ mình không có gì trong tay hết, gọi về đâu có chuyện gì để khoe, còn kể chuyện buồn thì buồn một mình không đủ hay sao còn kể người khác. Cứ nghĩ vậy mà rồi thì từ sư cậu cho đến người quen tôi không gọi ai hết. Bao nhiêu ân tình ngày xưa từ từ phai hết. Mình không phải là người đâm cha chém chú vong ân bội nghĩa mà mình còn như vậy, thử hỏi thiên hạ còn lại bao nhiêu. Kỳ vừa rồi về thăm sư trưởng bị bệnh, khi ra đi sư trưởng nói tranh thủ về thăm, biết đâu không còn dịp nữa. Tôi đi rồi lại còn muốn trở vô lần nữa, vì không biết còn dịp trở lại nữa hay không, nhưng vô lại rồi thì sao? Tống quân thiên lý chung nhất hữu biệt tiễn người ngàn dặm rồi cũng đến lúc chia tay, thôi thì đi, đi mà lòng không yên. May mà tôi biết Phật pháp tôi còn bạc lòng như vậy, huống chi không biết Phật pháp thì còn bạc thế nào nữa.

Hạng thứ nhì là người nói pháp. Nói pháp không có nghĩa là sống trong cuộc đời cứ rao giảng cho người ta mà quan trọng là có giảng đúng ý kinh hay không, có giảng vì lòng từ hay không, có giảng vì mục đích danh lợi, hay vì lợi ích của người nghe hay không, đó mới gọi là người nói pháp. Có thấm thía, có tiêu hóa, có chia sẻ bằng tấm lòng của người nói pháp hay không chứ không phải là thâu băng cassette rồi phát. Hạng người thuyết pháp này khó tìm vì chỉ có trong thời Phật Chánh Đẳng Giác ra đời mà thôi.

Hạng thứ nhất là Phật. Phật là người cái gì Ngài cũng biết, ai Ngài cũng thương, đức lành nào Ngài cũng có. Đêm cuối cùng khi sắp tịch diệt, chư thiên về hầu Phật dày đặc trong 12 do tuần vuông, Đức Phật nói với ngài Ananda: “Này Ānanda, rất đông các vị Thiên thần ở mười phương thế giới tụ hội để chiêm ngưỡng Như Lai. Này Ānanda, cho đến mười hai do tuần xung quanh Kusinārā, Upavattana, rừng Sālā thuộc dòng họ Mallā, không có một chỗ nào, nhỏ cho đến đầu một sợi tóc có thể chích được mà không đầy những thiên thần có uy lực tụ họp”.Nghĩa là khi họ biết Ngài sắp đi rồi họ chỉ nhớ một chuyện làm họ rung động, đó là con người duy nhất hiểu rành mình hơn là mình, người duy nhất cho mình biết mình sẽ đi đâu về đâu, đó là vị Chánh Đẳng Giác…vậy mà đêm nay là đêm cuối cùng gặp vị ấy. Có ai mà thương người khác như là Ngài, nhiều lắm là họ thương mình, kế đến là thương người thân thích bà con, có ai mà thương chúng sinh như là một vị Bồ tát. Bị người ta giết để đoạt mạng, vẫn không giận người ta, chỉ có Bồ tát mới làm được điều đó. Trong kinh nói có những kiếp trái đất chỉ có một vị Phật thôi, tiếng Pāḷi là Sārakappa. Kiếp hai vị Phật là Maṇḍakappa. Kiếp 3 vị Phật là Varakkappa. Kiếp 4 vị Phật là Sāramandak. Kiếp 5 vị Phật là Bhaddakappa (hiền kiếp). Kiếp không có Phật ra đời là Sunna kappa[1]. Sāra là cốt lõi. Maṇḍa là tinh túy (essence) (Khác với manda: slow; dull; lazy; foolish). Vara là excellence. Trong sáu trường hợp này thì trường hợp không có Phật ra đời thì nhiều lắm. Sau trái đất này, một a-tăng-kỳ đại kiếp không có Phật nào ra đời, chỉ có Phật Độc Giác, các ngài ấy tự ngộ mà cũng không độ ai hết. Sau a-tăng-kỳ đó có trái đất đầu tiên, có hai vị Phật là Ma vương và vua Pasenadi. Có ba cơ hội để mình đi nhanh: (1) 5000 năm xá lợi gom lại thuyết pháp lần cuối. (2) Gặp Phật Di Lạc. (3) Chứng ngộ trong thời giáo pháp này.

ĐỒ ĂN

Trời, Người, cả hai loài,

Ðều ưa thích ăn uống,

Vị Dạ-xoa tên gì,

Lại không thích ăn uống?

(Thế Tôn):

Ai cho với lòng tin,

Với tâm tư thanh tịnh,

Ðược phần món ăn ấy,

Ðời này và đời sau.

Vậy hãy ngừa xan tham,

Bố thí, nhiếp cấu uế,

Hữu tình vững an trú,

Công đức trong đời sau.

Ai ở đời này cũng thích thu gom để hưởng thụ. Vậy có người nào không như thế chăng? Đức Phật trả lời: (tôi sẽ giải thích bài kinh này bằng cách dùng một bài kinh khác) Này các Tỳ kheo, nếu mà các ngươi biết được, hiểu được quả báo bố thí như là ta hiểu thì cho đến một miếng ăn cuối cùng thì các ngươi cũng không đành lòng mà nuốt. Ngày xưa tôi có biết một Phật tử buôn gánh bán bưng, người đó nói: Có bữa bán cố ý chừa lại một chút để đem về cho chồng cho con ăn, mà người ta cũng ráng chận lại mua cho bằng được. Khi có người mua, cô ấy vì chút tiền lời, thà nhịn thèm mà bán đi chứ không để dành nữa. Khi Đức Phật nói nếu các ngươi hiểu quả báo bố thí như ta hiểu thì không đành lòng ăn miếng cuối cùng là như vậy đó.

Trong kinh nói ngài Angulimāla mạnh lắm, sức khoẻ tương đương 7 con voi, mặt mũi bặm trợn, sau mấy hôm ngài ôm bát đi ngoài đường, người ta chửi mắng, rượt đánh đến nỗi về bể bình bát, mình mẩy rách bươm, máu me tùm lum. Đức Phật nói: Này Bà-la-môn, hãy kham nhẫn, sau những gì ngươi đã làm trong kiếp này, chuyện như vậy vẫn còn nhẹ lắm… Tuy bị đánh bị chửi vậy mà việc ngài bị nhịn đói không nhiều lắm, vẫn có người cúng dường sơn hào hải vị. Chư tăng lấy làm lạ hỏi Thế Tôn vì sao tôn giả Angulimāla bị đánh chửi vậy mà vẫn nhận được nhiều phẩm vật cúng dường. Đức Phật dạy rằng, thời quá khứ của Đức Phật Ca Diếp, ngài Angulimāla lúc đó cũng là một vị tỳ kheo, mỗi ngày đi bát về, còn thức ăn dư, vị này đem ra chỗ khô ráo đổ xuống, với ý định để cho chim chóc giun dế nào ăn được thì ăn, chỉ vậy thôi mà đến lúc mạng chung, trở xuống làm người, đời đời kiếp kiếp sanh ra không đói. Bên Thụy Sĩ này có gia đình nhà gần rừng, trong nhà có gì họ cũng đem ra gốc cây, đặt trong đồ đựng, đêm hôm có con gì đó to lắm, nó dẫm lên cành khô nghe rắc rắc, nó đến đó ăn, mà nó khôn đến nỗi không cách chi nhìn thấy được nó. Đồ ăn dư bên ngoài họ cũng túm đem về cho nó. Đó là cách gởi ngân hàng, chuyện mình cúng dường cho tăng ni Phật tử thì không biết được bao nhiêu dịp, nhưng cũng nên có những thường nghiệp như thế này để đời sau kiếp khác không bị đói. Một điều quan trọng nữa là một lần bố thí rầm rộ (có khi là cầu danh) cũng không hơn những lần bố thí lai rai, vô tư thật sự.

Sau khi nghe câu hỏi: trong đời này ai cũng muốn thu gom để hưởng thụ, vậy mà có người không như vậy hay không, Đức Phật đã trả lời: Có chứ, có những người hiểu được pháp, hiểu được quả báo bố thí. Họ không muốn thu gom mà muốn cho ra, vì cho ra họ thấy an lạc, sung sướng, hạnh phúc hơn là nhận vào. Đó là lý do tại sao chúng ta phải biết Phật pháp. Chúng ta cứ tưởng nhận vào là hạnh phúc, thật ra cho ra mới sung sướng.

Bây giờ thí dụ tôi lên thiền viện Phước Sơn, tôi gặp một thiền sinh hay hành giả, hay một tu nữ nghèo, tôi giúp cho họ chút ít, mua cho họ cái lu nước, bao gạo. Năm năm sau, 10 năm sau về nếu họ đã chết rồi, mình đi ngang qua lối mòn thấy mình đã từng mua cho họ lu nước, giạ gạo để ăn vài tháng trước khi mất, thì tôi bảo đảm cái niềm vui đó theo mình suốt đời. Còn như bây giờ người ta cho mình năm mười ngàn đô la thấy đã thiệt, nhưng rồi cũng phai phôi, vì bản chất con người là vong ân, bản chất con người xác định cái tôi nhiều hơn là xác định nguồn cội. Đó là lý do tại sao cha mẹ thương mình đến nát lòng mà mình vẫn thương con mình hơn, bởi vì mình thấy bóng dáng của mình trên con mình, mình thích kẻ kế thừa, thích tác phẩm, công trình của mình hơn, còn nguồn cội của mình là cha mẹ thì phai mờ, bởi vì nhiều khi mình nhìn cha mẹ mình thấy áp lực tâm lý, phải chăm sóc, phiền quá, nặng nề quá, mất công quá… Nói ra thì đau đớn nhưng là sự thật, cha mẹ thương mình chết vì mình được, nhưng mình chỉ có thể chết cho con, hiếm khi ai đó chết cho cha mẹ. Một mẹ nuôi được 10 con nhưng 10 con chưa chắc nuôi được một mẹ đó là sự thật.

MỘT CĂN RỄ

Bài này không nói là ai hỏi, trong kinh cũng không có nói duyên sự, chỉ nói là có một lần Đức Phật đọc bài kệ cho ai đó nghe. Có những bài kệ kiểu như thế này, Đức Phật chỉ kể ra một số vấn đề này thôi, vì sao vậy? Khi Đức Phật giảng về tạng A-tỳ-đàm trên cõi Trời, Ngài giảng “tất cả pháp thiện, tất cả pháp bất thiện, tất cả pháp vô ký”, tại sao Ngài giảng như vậy mà người ta đắc?

1/ Ngài chạm vào ký ức của người ta về Phật pháp mà người ta đã học đã nghe đã hành trì trong đời xưa kiếp trước, Ngài chỉ cần khơi gợi là họ nhớ hết, chạm vào suối nguồn của họ là tự động bật ra và đắc.

2/ Khi Ngài giảng “tất cả pháp thiện, tất cả pháp bất thiện, tất cả pháp vô ký” thì chư thiên họ mới tá hỏa. Họ thấy họ đẹp, họ thấy họ sống lâu, có nhiều người hầu, đền đài cung điện của họ lớn rộng hoành tráng nguy nga tráng lệ, họ thấy họ là ông trời con… nhưng đến khi nghe Đức Phật giảng những cái này là họ nản, thì ra, cái mình thần tượng ngưỡng mộ mình thích thú chìm đắm lâu nay, trong mắt vị Phật này chỉ có 3 cái đó thôi: “tất cả pháp thiện, tất cả pháp bất thiện, tất cả pháp vô ký”. Cái đồng hồ mình nhìn rất đẹp, bằng vàng, dây da, đeo rất đẹp, nhưng tháo nắp sau ra thì thấy loe ngoe hai ba món nhỏ xíu gắn với cục pin, nhìn thấy nản. Họ tưởng họ sở hữu cái gì đó rất ghê gớm, nhưng khi Đức Phật phơi bày ra cho họ thấy, là chỉ có 3 món: “tất cả lạc thọ, tất cả khổ thọ, tất cả xả thọ”. Toàn bộ thế giới này chỉ có 3 thứ: Con đường dẫn đến luân hồi, con đường dẫn đến giải thoát, và những cái nằm ngoài hai cái vừa kể. Trong đời sống mình, nào là tiến sĩ, thạc sĩ, tổng thống, đại gia, kiều nữ, diễn viên … nhưng tới lúc bước vào phòng mổ hoặc trong lab của sinh viên y khoa, hoặc trong phòng xác của viện đại học y học thì mới tá hỏa, thì ra người đẹp chân dài vô đây là vậy đó. Bài kinh này cũng vậy:

Một rễ, hai phương diện,

Ba uế, năm môi trường,

Biển lớn, mười hai họa,

Vực xoáy bậc Thánh siêu

‘Mūla’: ‘rễ’ (gốc, cội). Theo chú giải, ‘Gốc’ ở đây chỉ cho tham ái (tanhā). “Hai phương diện” ở đây ám chỉ thường kiến và đoạn kiến.

[33] Thường kiến và đoạn kiến

Thường kiến: 1/Tin có một cái tôi vĩnh cữu, linh hồn đi từ đời này qua kiếp khác, thật ra không phải vậy, chỉ có nhân tạo ra quả, quả tạo ra nhân mới… gọi là vô thường, vô ngã. 2/Tin có đấng tối cao. 3/Tin có cảnh giới trường cửu.

Đoạn kiến: 1/Vô hành kiến: chủ trương thiện ác không có, muốn làm gì thì làm, hổng có chuyện làm lành cho quả vui, làm ác cho quả khổ 2/ Vô nhân kiến: mọi thứ trên đời ngẫu nhiên mà có không do nhân duyên gì hết. 3/ Vô hữu kiến: phủ nhận toàn bộ những gì mình không chứng minh được trong khả năng của mình. Ví dụ thiên đường địa ngục, kiếp trước kiếp sau nhân quả báo ứng không có, thiên nhân người khuất mặt không có.

‘Timalā’: Ba uế (có nghĩa là tham sân si).

‘Pañcapattharā’: ‘Năm phương diện’ là 5 dục trần.

‘Patthara’: sự phơi trải, ám chỉ 5 dục trần (Kāmaguna). Kāma là dục, khoái lạc. Gunacó nhiều nghĩa: ân đức, lớp lang, sự kích thích, sự nuôi lớn, sự chồng chất. Trong bản dịch của HT Minh Châu cứ dịch là “5 dục công đức”. Không phải tôi chê HT Minh Châu, nhưng ngài căn cứ vào bản Hán Tạng và bản Hán Tạng có khuynh hướng dịch rất là sát. Chữ ‘Guna’ ở đây rất nhiều nghĩa, ‘Kāmaguna’ nghĩa là “làm phát triển lòng dục”, chớ không phải là “dục công đức”, nghe rất là kỳ.

Trong chánh kinh có chữ ‘Catuggunam’: ‘bốn lớp’. Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn sau buổi giảng cảm thấy đau lưng đã “xếp tư” tăng già lê thành bốn lớp để nằm, và Ngài dạy tôn giả Xá Lợi Phất: Này Xá Lợi Phất chúng tỳ kheo chưa buồn ngủ, thôi thì hãy thuyết giảng cho chúng tỳ kheo, Như Lai đã mỏi lưng cần nằm nghỉ một lát. Đoạn kinh này được nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần ở trong chánh kinh. Vì vậy quí vị làm ơn nhớ “dục trần” (Kāmaguna) là “năm món làm chồng chất tham dục”.

Biển lớn, mười hai họa,

Vực xoáy bậc Thánh siêu.

“Samuddaṃ dvādasāvaṭṭaṃ”.

pātālaṃ atarī isī”ti.

Gọi là ‘biển lớn’ là vì sao? Vì 6 căn thì không thể nào làm đầy được, giống như biển, nước bao nhiêu sông đổ về thì cũng thể nào làm đầy được biển lớn.

Apūraṇīyaṭṭhena Samuddo: không cách nào làm đầy. Bao anh hùng không thể nào làm đầy ánh mắt giai nhân. Dẫu cho mưa bạc mưa vàng, cũng không đầy nổi tiếng tham con người (Pháp Cú). ‘Àvatta’: ‘Vực xoáy’. “Mười hai họa”, chỉ cho 12 xứ (6 căn và 6 cảnh).

Dịch lại theo bản Pāḷi: Kẻ cầu đạo phải là người phải vượt qua/giải quyết được một cội khổ tham ái, 2 tà kiến, sức hút của 12 xứ, là những đại dương và vực thẳm. Chữ ‘isi’, HT Minh Châu thường dịch là ‘ẩn sĩ’, ‘tiên nhân’; ‘tàpasa’ là ‘đạo sĩ’. Hai chữ này rất thường thấy trong kinh Pāḷi, và chữ ‘paribbàjaka’: ‘du sĩ’. Chữ ‘paribbàjaka’ dịch là ‘du sĩ’ thì ổn nhưng chữ ‘isi’ dịch là ẩn sĩ là dịch ý. Chữ ‘isi’ từ chữ ‘esati’ nghĩa là ‘kiếm tìm’. ‘isi’ là người tầm đạo, người đi tìm một lý tưởng sống cao cả. Còn chữ ‘tāpasa’ từ chữ ‘tàpa’ nghĩa là ‘sự nhiệt cần’, ‘sự đốt mình’ để theo đuổi lý tưởng giải thoát. Từ gốc ‘tapeti’ nghĩa là ‘thiêu đốt’. Tại sao gọi là ‘đốt mình’? Đạo sĩ là những người xuất gia không có trong giáo pháp của Đức Phật, không nhằm thời Phật, hoặc nhằm thời nhưng xuất gia riêng mình họ trong rừng, gọi là ‘tāpasa’, gọi là ‘đốt mình’ vì họ đi ngược lại mọi sở thích trước đây của người cư sĩ. ‘Tāpasa’ đúng nghĩa là vị giữ 6 giới: giữ 5 giới thường cộng với giới không ăn sau giờ ngọ. Chữ ‘đạo sĩ’ là từ vay mượn của Tàu, đạo sĩ là tu sĩ theo Đạo giáo, gốc của Đạo giáo là cuốn Đạo Đức Kinh của Lão Tử và Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Hai cuốn này chỉ thuần túy là sách tính cách tư tưởng triết học. Theo tôi, hai cuốn này là đỉnh cao trí tuệ của Trung Quốc. HT Viên Minh đặc biệt thích cuốn Đạo Đức Kinh và ngài có viết cuốn So sánh Đạo Đức Kinh với PGNT. Quí vị tìm đọc cho biết. Đạo sĩ Trương Đạo Lăng đời nhà Hán, căn cứ vào Nam Hoa Kinh và Đạo Đức Kinh biến nền tư tưởng này thành ra một cương lĩnh tôn giáo cho người ta theo, gọi là Đạo giáo. Từ đó mới có chuyện Cát Hồng chủ trương luyện đan nấu thuốc tu phép trường sanh bất tử, về sau có Trường Xuân Khưu Xử Cơ, đây là nhân vật có thật theo Đạo giáo, được Thành Cát Tư Hãn trọng vọng. Tóm lại, đạo sĩ là người theo Đạo giáo, tu hành theo Nam Hoa Kinh của Trang Tử và Đạo Đức Kinh của Lão Tử, không mắc mớ gì bên Ấn Độ hết. Không biết ngày xưa các ngài vì lý do nào mà khi dịch tạm thời dùng chữ ‘đạo sĩ’ để chỉ cho chữ ‘tāpasa’. Khi mình xem những cuốn kinh Nam Tông VN thường thấy chữ ‘đạo sĩ’ nhưng xin nhớ rằng chữ này là chữ sai nghen.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app