Nội Dung Chính
Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 1
Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên
Phẩm Thắng
TRIỀN PHƯỢC Bandhanasutta
– Vật gì triền phược đời?
Vật gì dẫn hành đời?
Do đoạn trừ pháp gì,
Mọi triền phược đoạn diệt?
– Chính hỷ triền phược đời,
Tầm cầu dẫn hành đời,
Do đoạn trừ khát ái,
Mọi triền phược đoạn diệt.
‘‘Kiṃsu sambandhano loko, kiṃsu tassa vicāraṇaṃ;
Kissassu vippahānena, sabbaṃ chindati bandhana’’nti.
‘‘Nandīsambandhano loko, vitakkassa vicāraṇaṃ;
Taṇhāya vippahānena, sabbaṃ chindati bandhana’’nti.
Cái gì trên đời này trói buộc chúng sinh? ‘Sambandha’: ‘trói buộc’. Chữ ‘sambandha’ gợi ý cho mình chữ ‘bound’ trong tiếng Mỹ. Có điểm giống nhau, một bên là ‘sambandha’là nghĩa ‘trói cột’ cũng hao hao chữ ‘bound’ trong tiếng Mỹ cũng có nghĩa là ‘trói cột’. Tôi tìm chữ tương đương như vậy là để quí vị nhớ thêm từ Pāḷi. Chữ ‘sambandha’, ‘bandhati’ hoặc ‘sambandhati’rất thường thấy trong kinh. Chữ ‘bandhu’có nghĩa là ‘bà con’, ‘quyến thuộc’, chữ này lại gợi cho mình một chữ nữa trong tiếng Mỹ đó là relation và relative. Bandha là trói buộc mà bound cũng là trói buộc. Bandhu nghĩa là ‘bà con’. Bà con là người đối với mình có gì đó ‘ràng buộc’, ràng buộc về máu mủ, tình thân, tình cảm. Từ chỗ đó, chữ bandhati (trói cột), sambandha (triền phược, trói cột) bandhu (quyến thuộc) giống như trong tiếng Mỹ relation là ‘liên hệ’ và ‘relative’ là ‘bà con’.
Nandī: hỷ. Quí vị xem kinh Chuyển Pháp Luân, phần giảng về Tập đế sẽ thấy Đức Phật định nghĩa chữ ‘ái’ bằng nhiều từ đồng nghĩa khác nhau, đặc biệt trong đó có chữ ‘nandī’. Chữ nandī ở đây chỉ cho tham ái. Trong đời sống của con người mọi sự từ chuyện nhỏ xíu như dọn dẹp nhà cửa, ăn mặc, cũng đều vận hành nhờ một chất nhựa sống: ý muốn. Không muốn không làm được. Muốn không chưa đủ, còn phải thích nữa. Đàn ông cũng ăn mặc như người nữ nhưng chỉ muốn mặc chứ thích diện như nhiều người nữ thì không. Ở người nữ thì có cái ‘nandī’, vui thích trong cái này cái kia. Chính từ cái vui thích đó mới hào hứng tìm thấy nhiều niềm thú vị trong cái này cái nọ, và chính vì có đầu tư mới có đường đi luân hồi. Trong chuyện trang phục, phải có thích mới đi shopping, có đi shopping thì trong tủ mới có nhiều đồ. Có thích thú sắm sửa thì đồ đạc mới nhiều. Có cái thích thì mới làm cho mình chịu khó đi kiếm tìm, đây chính là lý do Đức Phật trả lời: Chính cái hỷ ái ràng buộc trói cột chúng ta vào với cuộc đời. Trong đêm đại hội thiên chúng (xem Lục Đại Chân Kinh) Đức Phật có giảng bài kinh dành cho chúng sinh nặng về tánh tầm.
‘Vitakka vicāraṇaṃ’: ‘lăng xăng’, lưu lạc nơi này chốn nọ trong cõi trầm luân. Lúc thích cái này, lúc thích cái kia, cái khuynh hướng thích nhìn chỗ này chỗ nọ, lăng xăng đó mới dẫn đi trầm luân. Chất keo trói cột hay nhựa sống, chính là ‘ái’, chính là thái độ lăng xăng mới đưa mình trôi dạt, đó là ‘vitakka’. Ở đây bao gồm luôn cả ‘tứ’.
‘Vicāra’: ‘tứ’. ‘Vicāraṇaṃ’: ‘lang thang’. Chữ này nếu có thời gian thì nói ra rất nhiều thứ. Ví dụ như chuyện đọc sách, giới học giả khi đọc sách thì có đề tài rõ ràng, để đọc chuyên sâu; người đi du lịch thì có chương trình rõ ràng, muốn hiểu về văn hóa Nam Mỹ thì họ dành một hay hai năm để đi tìm hiểu về Nam Mỹ. Ngay cả chuyện đi chơi thì người có bài bản cũng khác người không có bài bản. Người không bài bản thì lăng xăng, đi lung tung, năm nào cũng đi du lịch nhưng không có cái biết nào chuyên nhất. Người Tây Phương khi đi về những xứ châu Á, chẳng hạn như đến VN họ sẽ bỏ ra một thời gian lặn lội trong rừng trong núi, tìm hiểu hang động nào dài nhất, những sinh hoạt nào đáng kể của người VN thiểu số. Người Pháp họ giỏi chuyện này, họ bỏ thời gian vào các bản làng để học những thứ nhạc cụ thất truyền từ lâu, sao chép hình thức chế tạo nhạc cụ đó, họ đem theo máy móc ghi âm rồi khi về xứ họ dựa vào những thước phim đó và tập lại cho giống. Đi chơi bài bản không lăng xăng như vậy lợi ích nhiều hơn. Về ăn uống cũng vậy, họ viết ẩm thực VN rất rành rẽ vì họ tìm hiểu tới nơi tới chốn. Còn mình đi nhiều nơi nhưng cái tìm hiểu kiến thức về những nơi mình đi qua không ra làm sao hết. Mình trôi dạt nhiều nơi trong luân hồi vì mình không tập trung, Bồ Tát thì lại khác, đường luân hồi của họ có bài bản. Họ tu thiền, đắc thiền, về cõi Phạm thiên, trở xuống cõi Dục, họ tu tập Ba-la-mật, bố thí trì giới, nghe pháp, đi xuất gia, hoặc tu thiền về cõi Phạm thiên. Cũng luân hồi như nhau, bao nhiêu năm tháng a-tăng-kỳ trôi qua người ta trở thành Phật khác, còn chúng ta chẳng ra làm sao vì ‘Vicāraṇaṃ’, lang thang sanh tử luân hồi.
Do đoạn trừ pháp gì, Mọi triền phược đoạn diệt? Trong bài kinh này Đức Phật có giải thích: do diệt trừ ái. Chính từ sự diệt trừ ái thì tất cả sự trói cột được tháo theo. Phim Tàu có câu: “Muốn tháo dây thì phải tìm người cột”. Mình phải giải quyết vấn đề ngay từ cái gốc. Chính vì mình còn lăng xăng, lang thang nên mới trầm luân, cắt cái tham ái thì không còn gì hết. Tất cả sự có mặt của chúng sinh trên đời này là đều do tham ái mà ra. Những gì mình thấy là hay ho ngọt ngào thực ra nó có nguồn gốc rất là trẻ con và rất là đáng buồn. Do các nghiệp thiện ác đời này đời khác của phàm phu nên chúng ta mới bị đẩy xô vào những hoàn cảnh khác nhau và ngay trong những hoàn cảnh đó, những môi trường đó chúng ta phải thích cái này, ghét cái nọ. Ví dụ, do nghiệp bỏn xẻn sát sanh, hành hạ chúng sanh khác, tôi phải sanh về châu Phi, ốm đói, bịnh hoạn, yểu thọ. Từ chỗ tôi sinh làm người châu Phi nên tôi mới thích những chuyện kỳ cục: ăn trùn, ăn nhái, ăn rắn… Những chuyện này không phải là cái hay ho, nhưng do nghiệp bỏn xẻn, sát sanh mới đẩy tôi về chỗ đó và sống theo cách sống ở đó. Tôi yêu những vùng đất sa mạc cằn cỗi, yêu những gò mối, yêu những con sư tử, những cánh đồng cỏ cháy, tôi yêu những trưa hè nắng bốn năm chục độ, tôi yêu vũng nước trâu và người uống chung, tôi yêu món ăn vỏ cây rễ cây, thương cô gái da đen răng bóng tóc khét nắng… khi tôi sanh vào xứ đó thì tôi thích những thứ đó. Những thứ mình thích là do tiền nghiệp, do môi trường sống hiện tại và khuynh hướng tâm lý, khuynh hướng đó là tập khí sinh tử nhiều đời mình đã đi qua. Mình gieo chủng tử của cọp beo ăn thịt, gieo chủng tử của loài trâu bò ăn cỏ, rồi khi nghiệp đẩy mình đi đâu thì mình sống theo cách nơi đó. Tôi rời VN năm tôi 30 tuổi, tôi không còn nhỏ, nhưng khi sống nhiều năm bên Mỹ, do hoàn cảnh đẩy xô tôi có những nhu cầu, từ nhu cầu sinh ra cái sở thích. Ngày tôi trong nước tôi đâu có điều kiện đi lại nhiều, tôi đâu quan tâm đến những va li hay ba lô đeo lưng, tôi không xài nhiều nhưng tôi nhìn thấy thích, cho đến bây giờ mỗi lần đi ngang qua chỗ bán đồ thể thao, camping, fishing tôi rất thích dù tôi đâu có đi câu cá. Tôi thích những thứ đó là vì do hoàn cảnh đẩy đưa.
Tóm lại, nội dung bài kệ này: Do có thích thú nên mình mới bị ràng buộc vào với đời. Do khuynh hướng sống không kế hoạch không chủ đích nên ta mới lang thang chỗ này chỗ nọ, và một khi cắt bỏ được ái thì chúng ta cắt đứt mọi trói buộc trong đời, từ đó chúng ta không còn lang thang nữa. Tham ái (thích) là vì cái này tạo ra cái kia, do tham ái tạo ra các nghiệp, các nghiệp tạo ra các kiểu tham ái.
BỊ ÁP ĐẢO
Attahatasutta
— Vật gì áp đảo đời?
Vật gì bao phủ đời?
Tên gì bắn trúng đời?
Bởi gì thường huân tập?
— Sự chết áp đảo đời,
Già nua bao phủ đời,
Tên ái bắn trúng đời,
Bởi dục, thường huân tập.
Theo cách dịch của ngài Minh Châu: Cuộc đời này bị cái gì áp đảo, cái gì bao phủ? Câu hỏi này nếu ở trường hợp khác Đức Thế Tôn sẽ trả lời khác, cách nói khác nhau nhưng nội dung sẽ giống nhau. Ở đây Đức Phật muốn nói rằng: Dầu muốn dầu không một ngày cũng qua, dầu muốn dầu không ta rồi cũng già, chuyện xưa ngày cũ như áng mây qualà chỗ này. Dầu muốn dầu không thì một người ăn mày hay một vị hoàng đế cũng sẽ có mặt trong cõi chết. Có sướng cách mấy, có khổ cách mấy, vinh cách mấy, nhục cách mấy rồi ai cũng xuôi tay mà đi. Mấy hôm nay tôi theo dõi chuyện chiếc máy bay Mã Lai bị rớt, nhìn mấy hình ảnh thấy kinh hoàng, thấy phũ phàng và chuyện đời đúng là phù phiếm. Những va li, những ba lô của hành khách, chắc chắn đó là những món đồ họ rất thích, rất tâm đắc, họ mua với sự lựa chọn, thích thú hào hứng, để chuẩn bị những chuyến đi xa, để rồi cuối cùng thì sao, họ một nơi còn những món đồ đó một nẻo mà lúc còn sống thì không ai đụng vào được, giờ thì ai muốn lục lọi lấy gì thì lấy. Cách đây không lâu, có một chuyến máy bay rớt bên Miến Điện mà không mất một sợi tóc. Người dân Miến Điện gom chất hết vào chùa và hành khách đến nhận diện. Đồ đạc không mất, cứ tới chùa mà lấy. Trong khi đó, mình thấy bây giờ chết hết rồi thì cái gì cũng buông, cái chết áp đảo cuộc đời là chỗ đó. Khi tới tuổi già rồi, hoặc chưa kịp già cũng chết. Mình giống như những người tử tù, cái chết lúc nào cũng treo lơ lửng trên đầu của mình. Xét về mặt bất trắc trong đời sống thì từng người trong lớp học này đều là những tử tù. Đang ngon lành mà bác sĩ phán ung thư là xong. Thanh Toàn con của nhạc sĩ Nhật Trường, khỏe mạnh lanh lợi đùng một cái bị bệnh. Tôi đọc báo thấy ổng cũng không biết bị bệnh, ổng về VN bị tai nạn xe, chở vào bệnh viện, nhờ đó người ta phát hiện ông bệnh ung thư. Ngày nay ta có một trăm ngàn lý do để bịnh ung thư. Chúng ta ăn toàn đồ đã qua chế biến có sự can thiệp của hóa chất. Dưỡng khí chúng ta hít thở mỗi ngày cũng có sự tác động không nhỏ từ làn khói công nghiệp. Đời sống bây giờ rất là mong manh dù điều kiện y tế tối tân. Chúng ta có quá nhiều cơ hội chết hơn ngày xưa. Chưa kể tai nạn giao thông: trên trời có máy bay, dưới biển có tàu thuyền, trên bộ có xe hai bánh, bốn bánh, cỡ nào cũng dễ chết hết. Tính toán cho nhiều rồi cũng xuôi tay. Nếu không chết sớm chúng ta phải trải qua tuổi già. Cây kim sợi chỉ, cái áo đôi dép còn cũ huống chi cái mạng của mình. Cơ thể của mình nó già trong từng phút, nếu từng phút không già thì làm sao một đứa bé có thể trở thành ông già 90 được. Cuối cùng mình lưng còng má hóp da nhăn gối mỏi chân chùn, mọi sự không như ý. Từ đâu ra chuyện đó? Do sanh tử luân hồi, có sanh thì có già chết. Tham ái giống như mũi tên (sadā). Con của nữ thần Venus là một thiên thần nhỏ tay cầm mũi tên, bắn trúng ai là người đó ‘fall in love’, phải lòng ai đó liền. Venus là một nữ thần rất đẹp, đi đâu cũng có một tiểu thiên thần nhỏ (Cupid, Eros) dễ thương lắm, trên tay cầm cây cung nhỏ xíu. Từ điển tích của Hy Lạp đó mà có trào lưu xăm hình trái tim có mũi tên xuyên qua. Một điều ngẫu nhiên thú vị là trong kinh Đức Phật dạy tham ái cũng giống như mũi tên. Một chuyện khó tin là những gì chúng ta ghét sẽ ít làm khổ chúng ta hơn những gì chúng ta thích. Những người có tu tập hành trì mới thấm điều đó. Người mình thương mới trở thành mối bận tâm, sự ám ảnh, gánh nặng cho mình, thường là như vậy. Đồ đạc cũng vậy, cái gì mình ghét không ám ảnh nhiều bằng thứ mình thích, mình thích thì mới đi mua, muốn mua phải cày như trâu mới có tiền đi shopping. Báo trong nước đăng mấy cô sinh viên, người mẫu rất dễ dàng “bán trôn nuôi miệng”. Bây giờ chuyện nuôi miệng nhỏ lắm, bán thân để làm đẹp cho bằng chị bằng em. Muốn có thỏi son, hộp phấn, áo quần giống người ta thì có thể qua đêm với ai cũng được miễn có tiền để mua. Nếu vì những thứ mình ghét thì mình có thể sống ô nhục đau khổ như vậy không? Không có! Chính vì những cái mình thích mà mình lăn xả vào những góc tối tăm của đời sống dưới đáy xã hội như vậy đó. Cái làm cho mình khổ là cái mình thương thích. Đức Phật nói tham ái là mũi tên chính là vậy. Thỏa mãn cái này, thì lại nảy ra cái nhu cầu khác, cứ chạy theo suốt cuộc đời sao mà không khổ. Trong mười cái mình muốn thì đâu có bao nhiêu cái mình thỏa mãn dù mình là tỷ phú. Sở thích của người phụ nữ giống như nghiện cờ bạc, có bao nhiêu thì đặt bấy nhiêu.
“Bởi dục, thường huân tập”: đời sống là một sự tích lũy, huân tập. Tôi từng có dịp nhìn thấy những căn phòng, những ngôi nhà mà người chủ của nó không muốn liệng, không muốn lìa xa cái gì hết, hộp bánh tây, thùng giấy, đôi dép cũ cũng giữ đó. Cuối cùng thì nhà họ cái gì cũng có mà cái thật sự xài được thì không bao nhiêu hết. Làm được sự tích lũy đó thì việc đầu tiên là phải ‘muốn’. Đời sống có nhiều thứ tích lũy. Làm công đức cũng là một thứ tích lũy, cất chứa tài sản cũng là thứ tích lũy, những thứ này thực hiện từ cái ‘muốn’. Tùy thuộc trình độ mà chúng ta có cái ‘muốn’ như thế nào, và tùy cái muốn như thế nào mà ta có sự tích lũy, huân tập khác nhau. Có người mất cả đời chỉ nhắm mục đích tiền, người thì nhắm kiếm vị trí trong xã hội, có người cả đời chỉ mong có kiến thức. Trong khi đó có người cả đời chỉ một kiểu sống, học cho nhiều cuối đời họ chỉ mong được cơ hội sống chậm, sống tỉnh thức, đó cũng là một kiểu tích lũy. Có những tích lũy mang tính buông ra: tích lũy cỏ khô, lá dừa, củi, gom để đốt qua mùa đông. Có người gom thùng thau tô chén để cất giữ, sở hữu lâu bền. Có người cũng thu gom để liệng bỏ. Chỗ tôi ở bây giờ đang là mùa mưa, một trong những niềm vui lớn của tôi là đốt nến. Nến ở đây rất đắt, đi tiệm đồ cũ thấy nến dở dang người ta bán cả rổ, tôi mua, người ta tưởng tôi là con ma ăn đèn cầy, tôi mua về để đốt, giống như mấy bà cụ nhà quê rảnh rảnh ra vườn rọc lá dừa để đốt. Ông hàng xóm của tôi lên rừng kiếm cây khô về chất đó để mùa đông đốt. Có người tích lũy để đốt bỏ, có thứ người ta tích lũy làm của lâu ngày dài hạn. Đời sống này được tích lũy bởi lòng ham muốn. Quí vị hãy lưu ý coi mình thích cái gì, vì chính chuyện mình thích cái gì mới dẫn đến mình huân tập, mình tích trữ cái gì. Hãy thỉnh thoảng quan sát mình, tự hỏi mình đang sống ra làm sao, đang bị cái sở thích nào, thị hiếu nào dắt dẫn mình đi, cái nào mình nặng lòng nhất, cái nặng lòng đó chính là dục. Nếu là hành giả thì từng giờ phải quan sát mình, xem mình đang đầu tư cho cái gì, nặng lòng cho cái gì.
Vật gì áp đảo đời? Đó chính là cái chết. Cái gì bao phủ đời? Đó là sự già nua. Cái gì làm khổ đời? Chính là cái muốn. Cái gì làm cho mình có khuynh hướng tích lũy? Đó chính là cái muốn. Thường xuyên để ý xem mình đang nặng lòng cái gì, chính cái đó giúp mình nhận diện được bản lai diện mục của mình.
BỊ TREO CỘT
Uḍḍitasuttaṃ
— Vật gì treo cột đời?
Vật gì bao phủ đời?
Vật gì đóng kín đời?
Trên gì đời an trú?
— Khát ái treo cột đời,
Già nua bao phủ đời,
Sự chết đóng kín đời,
Trên khổ, đời an trú.
67. ‘‘Kenassu uḍḍito loko, kenassu parivārito;
Kenassu pihito loko, kismiṃ loko patiṭṭhito’’ti.
‘‘Taṇhāya uḍḍito loko, jarāya parivārito;
Maccunā pihito loko, dukkhe loko patiṭṭhito’’ti.
67. Sattame taṇhāya uḍḍitoti taṇhāya ullaṅghito. Cakkhuñhi taṇhārajjunāāvunitvā rūpanāgadante uḍḍitaṃ, sotādīni saddādīsūti taṇhāya uḍḍito loko. Maccunā pihitoti anantare attabhāve kataṃ kammaṃ na dūraṃ ekacittantaraṃ, balavatiyā pana māraṇantikavedanāya pabbatena viya otthaṭattā sattā taṃ na bujjhantīti ‘‘maccunā pihito loko’’ti vuttaṃ. Sattamaṃ.
‘Rajju’ nghĩa là “sợi dây”, ở đây HT Minh Châu dịch là “treo cột”, taṇhā là “ái”, taṇhārajju là “sợi dây tham ái”. Treo cột bằng sợi dây tham ái. Trong bài kinh hai vị tỳ kheo cãi nhau lục căn hay lục trần quan trọng, cư sĩ Citta nghe ké và góp ý rằng con bò trắng con bò đen dính nhau không phải do con bò mà do sợi dây. Ở đây cũng vậy, không phải lục căn hay lục trần trói buộc chúng ta vào sinh tử mà chính là tham ái. Lục căn quan sát thưởng thức chụp ảnh lục trần một cách vô tư, ‘ái’ có mặt trong lúc đó. Đức Phật cũng nghe nhìn nhưng không có thích như mình. Chính mình còn thích nên mình có bất mãn. Sân và dục ái là một cặp, còn dục ái là còn sân. Người còn thích cái gì đó thì dứt khoát thế nào họ cũng sẽ càm ràm, than phiền. Trong bài kinh này Đức Phật dạy cái treo cột cuộc đời mình chính là sự tham ái. Quí vị đừng bao giờ nghĩ rằng Tam Tạng kinh điển dành riêng cho tăng ni. Chúng ta phải dành nhiều thời giờ cho gia đình, nhưng đừng cho phép mình sống dễ duôi. Giống như bây giờ, do bẩm sinh tôi không khỏe mạnh để tập tạ, chạy bộ như vận động viên chuyên nghiệp nhưng điều đó không có nghĩa là tôi coi thường chuyện rèn luyện thân thể. Sáng thức dậy cũng phải khom phải cúi một chút, nằm trên giường cũng đạp xe đạp một chút. Ở đây không phải làm đẹp mà là vì tôi muốn đốt mỡ bụng; giúp cho chân mình được vận động và khi mình ra khỏi giường là mình tỉnh táo hoàn toàn. Tập như vậy mỏi lắm, nhưng phải làm vậy để đốt bớt mỡ. Dầu là cư sĩ cũng phải nhớ rằng mình với tăng ni giống nhau một điểm đều là phàm phu, đã là phàm phu thì sơ ý một chút là tham ái nắm đầu, treo cổ mình lên. 99,9% cư sĩ cho mình cái quyền không cần trau dồi pháp học, không mặn mà với pháp hành. Trước tuổi già tăng ni cư sĩ giống nhau. Trên giường chết, trên giường bịnh tăng ni cư sĩ giống nhau,
Cái gì treo cột đời, đó chính là tham ái. Vật gì bao phủ đời? ‘Parivārito’ là ‘sự ngăn trở’, ‘ngăn ngại’. Không có gì bậy cho bằng mình hoặc định những kế hoạch khi nào lớn tuổi sẽ làm cái này, làm cái kia. Làm sao mình chắc rằng mình sống tới già, và khi già rồi mình có làm được chuyện đó nữa hay không? Bây giờ mình còn trẻ, còn tỉnh, còn nhớ giỏi mà không làm thì tuổi già trí nhớ kém, đi đứng khó khăn lấy gì mà làm, lấy gì mà nghiên cứu kinh điển. Một trăm đô la chia thành năm tờ hai chục, giá trị của các tờ đều tương đương như nhau. nhưng cuộc đời mình thì không thể chia ra đồng đều như vậy. Hai mươi lăm năm đầu tiên có những chuyện mình làm được và không làm được, 25 năm tiếp theo có những chuyện mình làm được mà 25 năm trước mình không làm được. Hai mươi lăm năm cuối đời thì có những chuyện mình không thể làm được nữa, đặc biệt là đời sống tâm linh. Bao giờ có một chút điều kiện, chút hào hứng thì lập tức xăn tay áo liền, chứ đừng chờ đợi hẹn hò cho lúc về sau.
Chính tham ái treo cuộc đời lên, chính tuổi già ngăn ngại chúng ta, chính cái chết đóng kín hết mọi thứ, và cuộc đời này được đặt trong biển khổ. ‘Patiṭṭhito’: ‘đặt’. Muốn không được là khổ, ghét mà phải chấp nhận gồng gánh cũng là khổ. Cái làm cho mình khổ là cái mình thương thích. Những thứ mình thấy ngọt ngào là vì do ba lý do: tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý, hoàn cảnh hiện tại, chính ba lý do này khiến cho chúng ta thích cái này thích cái nọ. Thích sưu tập tem, tiền xưa, thích nhà cao cửa rộng; từ đây mới là tiền đề cho cái khổ trong đời sống, vì những cái mình thích đều có vấn đề hết. Thích cũng làm khổ, ghét cũng làm khổ, sự lệ thuộc điều kiện cũng làm mình khổ, cái vô thường cũng là khổ. Hai cô tiểu thư nhà giàu nhưng một cô là con gái một cô là con dâu; làm con dâu nhà giàu, không bằng làm con gái nhà giàu, đó là sự lệ thuộc điều kiện. Tôi nhìn cảnh làm dâu mà tôi ngán. Có lẽ trong một kiếp gần đây tôi từng nhìn thấy người thân của tôi làm dâu nhà người, hay chính tôi làm dâu, mà hễ nói đến nỗi khổ trầm luân là tôi nghĩ chuyện ở tù hoặc làm dâu, sợ nhìn người thân người thương của mình khổ mà mình bất lực. Nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang sau 1975 bị suyễn nặng, mẹ ông chỉ cần 800 đồng để mua viên thuốc suyễn cho ông mà không có, bà mẹ phải nhìn con mình ra đi trong khó thở tím tái chỉ vì không có 800 đồng.
“dukkhe loko patiṭṭhito”, đời sống này được thiết lập trên đau khổ. Nhìn cuộc ly dị của những gia đình giàu, chia tay nhau phải bị mất bạc tỷ, thế là phải gồng sống với nhau, cũng là cái khổ. Thương nhau cảnh éo le không gần nhau cũng là khổ. Xinh đẹp mà gặp thằng sở khanh cũng khổ. Xấu quá không ai ngó ngàng cũng khổ. Đẹp cũng có nhiều cơ hội khổ mà đứa xấu không có. Cỡ nào cũng khổ bởi thế giới này được thiết lập trên đau khổ.