Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 1 – Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên – Phẩm Quần Tiên

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 1

Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên

Phẩm Quần Tiên

8. MIẾNG ĐÁ VỤN.

(8. Sakalikasutta)

Hôm qua là chúng ta đã đi hết bài kinh số 6. Chúng ta đã học bài Kinh Đại Hội, từ bài kinh Đại Hội đó mới dẫn ra duyên sự để học 6 bài Kinh Tiểu Bộ. Hôm nay quay về Tương Ưng Bộ. Có một tâm trạng rất lạ, đó là chúng tôi có một chút tiếc nuối khi rời khỏi phần Kinh Tập. Tiếc nuối là bởi vì nội dung Kinh Tập có nhiều vấn đề để nói với nhau hơn. Hôm trước chúng tôi có nói, kinh nào cũng là kinh, nếu cứ theo thứ lớp mà giảng thì nhiều khi chúng ta chấp nhận nhiều bài nội dung không như ý. Riêng phần Kinh Tập thì một loạt toàn những bài kinh chúng tôi cho rằng tâm đắc. Và có một điều thú vị nữa là Kinh Tập là một trong số những bộ phận kinh tạng được xem là nguyên thủy bậc nhất; gần gũi với Đức Phật nhất. Những phần khác trong kinh tạng như Luật Tạng, A-tỳ-đàm tạng, hoặc những bộ tôi đã giới thiệu thì có một số độc giả nghi ngờ sử tính của những bộ kinh đó, riêng Kinh Tập được xem là nguyên thủy hoặc chí ít là cận nguyên thủy nhất. Buổi đầu chúng ta đã chọn lựa Tương Ưng Bộ thôi thì bữa nay chúng ta trở lại với kinh Tương Ưng Bộ. Kinh bữa nay mình học là Kinh Mảnh Đá Vụn.

Duyên sự bài kinh này, ông Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) là em bà Yasodhara (Da Du Đà La). Theo cách nói thế gian, trước khi xuất gia ông là em vợ của thái tử Tất Đạt. Sau khi thái tử Tất Đạt đi xuất gia trở thành vị Phật thì lúc đó dòng tộc Thích Ca đi xuất gia rất đông. Theo huyết thống, bà Yasodhara là chị gái ông Devadatta, cũng là em họ trong quan hệ cô cậu với thái tử Tất Đạt. Bà con lấy nhau theo tập tục của dòng họ Thích Ca, không lấy người ngoài, sợ loãng đi cái dòng máu ưu việt. Khi Devadatta đi xuất gia, một là do có lòng ham danh lợi, hai là do oan trái tiền kiếp với Bồ tát nhiều đời, nên khi Ngài thành Phật rồi là có cơ hội nào thì ông cứ nhìn Ngài bằng lòng oán hận vô cớ. Ngài là một vị Phật đâu có làm gì nói gì để ông phải phiền, nhưng ông cứ có cái lòng là muốn mỗi lần thiên hạ đến với Phật pháp thì phải xem ông như là Đức Phật. Ông muốn ngồi vào vị trí của Đức Phật. Thật ra, chính Đức Phật xác nhận: Ta chưa bao giờ có ý nghĩ mình lãnh đạo tăng chúng và tăng chúng đang nằm dưới quyền lãnh đạo của ta. Ngày xưa tất cả những cái gọi là ngôi chùa không được xem là tài sản của cá nhân nào hết và đời sống của tất cả các vị xuất gia thời xưa hoàn toàn 100% dựa vào hạnh khất thực. Dầu là Đức Phật hay ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ānanda hay Ca Diếp đều ôm bát khấ thực, đều bữa đói bữa no, ai cho gì ăn đó. Tôi cũng xin nói thiệt lòng, như tôi bây giờ, xuất thân của tôi tầm thường, tôi không phải là trụ trì phương trượng giảng sư gì chớ tôi ăn đồ ăn khất thực rất khó. Không biết đồ có vệ sinh hay không, vật liệu nấu ăn có lành mạnh không. Dư đường dư mỡ đang là vấn đề thế giới hôm nay, nên thức ăn dễ là nguồn bệnh cho tỳ kheo khất thực, chưa kể những công nghệ độc hại. Đời sống ngày xưa của tu sĩ rất là giản dị, và vị trí của Đức Phật hoàn toàn nhẹ nhàng, không có gì để một người có lòng tu ham thích hết. Hôm nay chúng ta thấy vị trí của HT Nhất Hạnh, HT Thanh Từ – nói hơi khó nghe chút- nhưng những vị trí đó rất dễ bị xem vị trí bơ sữa, có kẻ hầu người hạ, nói chuyện cũng có ly nước riêng, có khăn lạnh v.v… Đức Phật thì tuyệt đối không như vậy mà Devadatta mong ngồi vào vị trí của Đức Phật. Ông đề nghị Đức Phật chính thức giao lại vị trí cho ông. Đức Phật xác định Ngài có vị trí gì đâu mà giao, mà nếu giao thì không giao cho ổng. Chính vì câu nói đó mà ông Devadatta tìm cách giết Đức Phật. Devadatta dùng nhiều cách ví dụ như thuê cung thủ, dùng con voi Nālāgiri to nhất thành Vương Xá cho uống rượu say để làm hại Đức Phật khi đang đi khất thực, và lần cuối cùng thì lăn tảng đá từ trên cao xuống núi lúc Ngài đang đi kinh hành để đá đè Ngài chết. Nhưng chuyện không xảy ra, có điều mảnh đá vụn từ tảng đá lớn đó văng ra trúng ngón chân của Ngài làm chảy máu. Ngài nhìn lên thấy Devadatta và nói: ngươi có biết là ngươi vừa tạo một trọng nghiệp làm cho Như Lai chảy máu hay không. Theo trong kinh tả, vết thương đó đối với người bình thường thì cũng không nặng nhưng đau lắm. Ngài cũng bị đau như vậy và những vị Trời, với tâm họ hiểu được tâm Đức Phật, thấy Ngài đang chịu đựng cơn đau đó và xuống hầu thăm Ngài, họ hiểu lòng kham nhẫn của Ngài và đọc lên những bài kệ tán thán, đó chính là nội dung bài Kinh Miếng Đá Vụn mà chúng ta đang học.

Nội dung kinh không có gì đặc biệt nhưng có vấn đề quan trọng cần nhắc sơ, đó là tất cả những gì chúng ta học được từ Phật pháp, tất cả những kinh nghiệm nào chúng ta có được từ chuyện đi chùa hay tiếp xúc tăng ni, tất cả những kinh nghiệm đó cần phải được xét lại ở điểm là những kinh nghiệm đó có đủ là nguồn tác động tích cực lên đời sống tu học và đời sống nội tâm thường nhật của chúng ta hay không. Biết Phật pháp cho nhiều, đi chùa cho nhiều, tích lũy kinh nghiệm cho nhiều nhưng khi gặp chuyện nho nhỏ như cơn đau thể xác, những nỗi buồn khổ của nội tâm, những cơn nóng giận, sự sợ hãi, sự bất mãn đối với người hay vật hay hoàn cảnh nào đó thì liệu lúc đó những kiến thức kinh nghiệm kia có giúp được gì cho mình hay không. Nếu không giúp được gì thì cần phải xét lại hai điều: kiểu học và tiêu hóa những điều đã học của mình. Chúng tôi có lúc bị bệnh nhiều như sốt, tiêu chảy nhiều lần trong ngày, hoặc đau răng; có lúc giựt mình nghĩ lại, bệnh này đâu có phải chết người mà khả năng kham nhẫn của mình quá yếu, lỡ mai này trên giường chết đối phó với cơn đau khốc liệt hơn, lúc đó có làm chủ nội tâm mình được hay không. Bài kinh này độc đáo chỗ đó, là lời kêu gọi nhắn nhủ chúng ta rằng, tất thảy những kinh nghiệm Phật pháp, những kiến thức kinh điển của mình cần phải được xét lại xem có giúp được gì cho mình hay không. Điều tệ nhất là mình mất mấy chục năm theo đuổi danh lợi ngoài đời, rồi mất mấy chục năm trong đạo, khi vô sự cứ ngỡ mình ngon lành, khi hữu sự gặp chuyện phải đối phó thì mới tá hỏa ra rằng mấy chục năm nay mấy cái hiểu biết của mình, sự tu học của mình hóa ra công cốc. Có một cư sĩ tu thiền trong rừng năm mươi mấy năm mà không được lợi ích gì hết, nên khởi lòng nghi ngờ không biết là mình tu có đúng hay không, từ nghi ngờ dẫn đến bất mãn, hóa ra từ đó đến giờ mình đi sai đường. VN có câu ca dao: “Tưởng giếng sâu ta nối sợi dây dài, ngờ đâu giếng cạn ta tiếc hoài sợi dây”, “Cầm vàng mà lội qua sông, vàng rơi không tiếc tiếc công cầm vàng”. Ông cư sĩ đã chết đi với niềm bất mãn tiếc nuối trong đầm nước giữa rừng. Đây không phải là câu chuyện nhằm dọa dẫm, chỉ là để suy gẫm, bao nhiêu công phu tu học của mình phải nhắm tới một mục đích lý tưởng nào đó rõ ràng; phải xác định nỗ lực đó có thành quả ra sao, chớ không phải học đạo cho biết, biết được thì tốt, tu thiền theo trào lưu. Cái quan trọng nhất là dù Phật có ra đời hay không, mình có biết Phật pháp hay không thì sanh già đau chết là sự thật, mình có triết lý cao siêu cách mấy đi nữa, thân thể mình càng già càng xấu càng yếu càng nhiều bịnh hoạn hơn và nội tâm của mình nếu không tu tập thì khi sống càng lâu, nội tâm càng nhiều vấn đề, lì lợm ngoan cố, chai sạn, khó tiếp nhận hơn. Một trong những sai lầm lớn nhất của người tu dù là cư sĩ hay xuất gia là một lời tự hẹn với mình sẽ tu thiền khi lớn tuổi. Sai lầm là vì mình không biết mình sống được tới già hay không. Tuổi trẻ là thời điểm tốt nhất để tu tập thiền định, nếu có nhu cầu nghiên cứu Phật pháp thì tốt, nhưng làm gì làm thì phải bỏ tư tưởng về già mới tu thiền. Một nội tâm không được tôi luyện từ trẻ thì già khó dạy lắm. Từ chỗ đó, việc ra đi thanh thản e khó. Đừng có lòng thơ ngây cho rằng cạo đầu đắp y là tu, hoặc có pháp danh, có bố thí cúng dường, lui tới chùa miểu tự viện gặp gỡ tăng ni là tu. Khi con bò không chạy thì đánh con bò chứ không phải đánh thùng xe, kiểu tu của mình là đánh thùng xe chứ không phải đánh con bò. Đánh con bò là giải quyết cái tâm chứ không phải là hình thức. Ngay lúc sống hãy nghĩ đến lúc chết, lúc trẻ phải nghĩ đến lúc già, lúc khỏe phải nghĩ đến lúc yếu, lúc đang còn điều kiện tu học phải nghĩ đến lúc không còn điều kiện. Trong Tăng Chi, Đức Phật dạy: Này các tỳ kheo, đây là thời điểm thích hợp nhất để các ngươi tinh tấn nỗ lực thiền định, nỗ lực tu tập, đó là thời điểm các ngươi còn trẻ còn khỏe chưa có bệnh hoạn, tăng chúng chưa chia rẽ nhau, thời điểm nhân gian chưa có chiến tranh loạn lạc, thời điểm mà các ngươi còn khất thực dễ dàng… Quí vị hãy tưởng tượng nếu giờ đây quí vị bị một chứng bệnh nào đó, cao huyết áp, tiểu đường, sạn thận v.v… Chỉ đau răng, chóng mặt là khó khăn rồi. Cách đây mấy hôm tôi có đi bộ với mấy người Phật tử, họ đâu có lớn tuổi hơn tôi mà đi bộ không nổi, tay cầm có mấy ký mà đi không nổi. Tôi nghĩ, yếu như thế này thì sau này làm sao đối phó với bệnh hoạn trầm kha khốc liệt. Tuổi già đang gõ cửa, tu làm sao để thấy quan tài nằm trước mặt mình chớ không phải nằm ngoài rừng cây. Nằm ngoài rừng cây nghĩa là khi mình nằm xuống, con cháu sẽ đốn cây này làm quan tài cho mình thì còn xa lắm, còn thấy quan tài nằm trong thân cây chưa xẻ gỗ thì chưa khá. Phải thấy quan tài đã được xẻ gỗ, đóng rồi, sơn phết, sắp đặt rồi, chờ khiêng bỏ vô thôi, thì mới khá.

Bài kinh Miếng Đá Vụn này cho mình nhiều gợi ý đặc biệt. Trước khi xảy ra sự cố, Đức Thế Tôn là người như thế nào, từ khi vết thương hành hạ thân xác, Ngài như thế nào. Trong chú giải kể một vị thánh A-la-hán lúc lâm trọng bệnh, Đức Phật có đến thăm, Ngài hỏi: Có chịu nổi không, có dấu hiệu khá hơn không? Vị ấy trả lời: “Bạch Thế Tôn, đối với con, chuyện nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, con không sợ hãi tiếc nuối nữa. Có điều con nghĩ, nếu ngày trước con có tu tập thiền Chỉ thì khả năng chịu đựng của con tốt hơn, cơn đau ít hoành hành hơn”. Thiền quán giúp cho mình sự trực nhận, hiểu thấu bản chất của các pháp, lìa bỏ phiền não. Xét về mặt tu hành giải thoát thì thiền Quán là lựa chọn số một, tối ưu, duy nhất và tốt nhất. Tuy nhiên, thiền Chỉ cũng có tác dụng đặc biệt, trị bệnh là phải dùng thuốc chữa đặc trị nhưng không phủ nhận giá trị của thuốc tê, thuốc mê, là phương tiện hỗ trợ trong quá trình trị liệu. Những ngày tôi làm răng, tôi nghĩ nếu không có thuốc tê chắc chết. Một lần tôi đi làm răng về, thuốc tê chưa tan, đói bụng quá, mở tủ lạnh thấy miếng dưa hấu, tôi ăn ngon lành mà sao nghe cái miệng có cảm giác rất kỳ, có cái gì đó hơi đau, tanh tanh nồng nồng, nhổ ra toàn máu thì mới biết đã nhai phần thịt mặt trong gò má mình, vì có thuốc tê nên nó không đau. Giới luật là hành trang để mình trang bị; thiền định cũng là một thứ trang bị; thiền quán cũng là thứ trang bị; kiến thức Phật pháp là một thứ trang bị và sự tĩnh tâm, kham nhẫn, tinh tấn, hành xả, từ tâm cũng là những thứ trang bị; thiếu đi một trong những thứ này chắc chắc đời sống ta có vấn đề, một ngày nào đó đối diện hoàn cảnh khốc liệt dứt khoát chúng ta sẽ tiếc nuối. Một vị thánh thì không tiếc nuối chớ phàm phu thì chắc sẽ tiếc nuối. Tôi xin nói rõ, thí chủ dâng y, thí chủ xây dựng chùa chiền, đúc chuông tượng, ấn tống kinh sách v.v… rất tốt, nhưng chưa đủ. Hãy coi chừng, công đức đó chỉ là phần nhỏ cho đời tu chứ chưa đụng chạm gì đến đời sống nội tâm của mình. Đó là nội dung của bài kinh Miếng Đá Vụn, và chú giải cũng không có gì đặc biệt.

9. CON GÁI CỦA PAJJUNNA

[31] Ba lý do tạo mưa bão

Pajjunna là một vị thiên tử chuyên trách vấn đề mưa bão ở cõi người. Mưa bão giông gió theo trong kinh là hiện tượng thiên nhiên nhưng cũng có nhiều lý do. Có ba lý do tạo mưa bão:

(1) (1) Thiên nhiên. Vận hành tự nhiên của pháp hữu vi, có trái đất thì phải có sông ngòi kinh rạch cây cỏ đất đá, khí quyển, hóa chất, những xáo trộn thay đổi của các thành phần này khiến cho có mưa, có giông.

(2) (2) Ý muốn của ai đó. Những vị có thần thông (nhân loại hoặc chư thiên), có thể vì lý do riêng tư mà họ làm ra mưa, hoặc hạn hán. Trong kinh có kể, có vùng đất mà người dân ở đó sống không có đạo đức, xúc phạm người tu hành làm chư thiên nổi giận và họ khiến ra thiên tai lũ lụt.

Trong lịch sử thế giới, có thành phố Pompeii, chỉ một đêm thôi mà núi lửa xóa sổ 100%, có thể là chuyện bình thường do hoạt động của núi lửa, có thể do ý muốn của một vị Trời nào đó muốn trừng phạt chúng sinh ở đó, nhưng phải nhằm lúc nghiệp trổ mới chịu tai họa, nếu không nhằm lúc nghiệp trổ thì cũng được bình an vô sự, chớ không phải ai có thần thông muốn làm gì thì làm. Ví dụ quí vị có lòng thương tôi, muốn cho tôi cái gì đó, không nhằm lúc thiện nghiệp quá khứ trổ, thì khiến cho trục trặc. Tàu có ông Trình Giảo Kim đi đánh trận về giúp một ông nhà nghèo đến bảy lần nhưng lần nào cũng trục trặc. Nhằm lúc phước không tới thì cha mẹ ruột giúp cũng không được, hoặc kẻ thù hại mình không nhằm lúc ác nghiệp trổ thì cũng không hại được

(3) (3) Nghiệp lực chúng sinh chiêu cảm.

Pajjuna là vị chuyên trách việc mưa gió có phân bố đều đặn trên các vùng đất cho chúng sinh trên cõi Người được nhờ cậy hay không. Có những trường hợp do nghiệp lực nặng quá thì vị này cũng không có khả năng can thiệp được.

Cô tiên nữ Kokanadā là con gái của vị thiên tử Pajjunna. Cô là một tín nữ. Nếu đọc Kinh Tạng thường sẽ thường thấy tên của cô này, tên của cổ cũng đáng cho chúng ta suy gẫm. Cõi trời thấp nhất là Tứ Thiên Vương, sống chín triệu năm nhân loại, cõi Đao Lợi sống 36 triệu năm nhân loại. Chúng ta sống chưa được trăm năm mà chỉ cần có chút tiền bạc, sức khỏe, chút điều kiện sinh hoạt là không muốn tu hành rồi, vậy mà một vị tiên nữ, với chuyện ăn mặc, di chuyển hoàn toàn như ý, tuổi thọ đếm mỏi tay mà nghĩ còn đến chuyện xuống hầu Phật. Nếu một tháng chúng ta kiếm được mười ngàn đô la thì chuyện đi chùa nghe pháp hơi khó rồi, một ngày thu nhập biết bao nhiêu, làm sao dám bỏ tiệm bỏ sở mà đi, mất biết bao nhiêu tiền. Mỗi tháng kiếm mười ngàn thì việc xài số tiền đó cũng nhiều, đi du lịch, shopping, resort, mát xa, thẩm mỹ v.v…, khỏi tu hành; trong khi đó vị tiên nữ không già, không bịnh, không đau nhức mà lại dành thời giờ xuống học đạo.

 

Nội dung bài kệ nói rằng chư Phật ra đời là chuyện khó, gặp được Phật như vậy, biết chánh pháp như vậy mà không có lòng tu, lại có lòng chống đối (1.khích bác phủ nhận, 2.niềm tin yếu, nghi ngờ, không chuyên tâm). Ở đây có nhắc đến địa ngục Roruva.

Theo chú giải, địa ngục Roruva có hai:

– Địa ngục khói mù: Dhumaror

– Địa ngục lưới: Jālaroruva. Chúng sinh ở đây luôn sống trong lưới lửa địa ngục. Đây chính là địa ngục A tỳ (Avīcimahāniraya). Roruvanghĩa là than khóc. Ở đây tiếng kêu than khóc dậy trời. Mỗi lần nghĩ có một chảo lớn khoảng mười, mười lăm ngàn lít dầu đang sôi trên bếp là ớn rồi. Sẵn đây tôi nói luôn, không phải ai làm chuyện bất thiện cũng chắc chắn sanh vào địa ngục. Đức Phật nói đó là một thứ tà kiến, mà cho rằng mọi người làm lành chắc chắn sanh vào cõi trời cũng là một thứ tà kiến, bởi vì trong quá khứ chúng ta có vô số tiền nghiệp nên bây giờ có thể mình sống ác ôn mà chết đi bằng một sự hỗ trợ của thiện nghiệp quá khứ mình vẫn đi lên; hoặc kiếp này mình sống thiện suốt đời nhưng lúc chết nhằm lúc ác nghiệp quá khứ trổ mình cũng có thể đi xuống. Tuy nhiên phần thiện phần ác nào đã tạo cũng không mất, chỉ chờ có cơ hội là trổ quả. Bài kinh này nhắc đến địa ngục chỉ là một sự cảnh tỉnh, nếu mình dễ duôi thì đi xuống địa ngục không khó. Mình sống trong tâm trạng nào thì sẽ đi về cảnh giới tương ứng tâm trạng đó. Một ngày 24 giờ, liệu mình sống được bao nhiêu giờ phút cho những thiện pháp: từ bi, trí tuệ, kham nhẫn, hành xả, và bao nhiêu giờ phút sống cho tham, sân, si, tật đố, bỏn xẻn? Đức Phật có dạy trong Tăng Chi, vị tỳ kheo đi đứng nằm ngồi ở chỗ nào, an trú bằng từ tâm thì chỗ đó là chỗ của Phạm Thiên, chỗ nào tỳ kheo sống bằng tham sân si thì chỗ đó là đọa xứ, và chỗ nào vị tỳ kheo sống bằng trí tuệ, hiểu biết Tam tướng trong danh sắc thì chỗ đó là thánh xứ, trụ xứ của thánh nhân.Cũng căn phòng đó, giường ngủ đó mà mình vào ra bằng tâm bất thiện thì chỉ là chuồng thú, cũng căn phòng đó mà mình sống bằng thiện pháp thì đó là trụ xứ của thánh nhân, chư thiên. Trước khi đi vào địa ngục mà mình sống trong phiền não nào thì cũng như đang trong địa ngục tương ứng, đó là quả báo hiện tiền, còn chết đi về đâu lại là chuyện khác. Một vị thiền sư nổi tiếng có nói: Đừng tiếp tục sống trong sự nóng giận nữa, vì trước khi ta nhận được quả báo của cơn nóng giận đó thì việc đầu tiên ta bị chính cơn giận đó hành hạ. Sống bằng tâm trạng căm hận ghét thù ai thì chính lòng căm giận đó đã thiêu cháy mình. Nếu hôm nay có người hỏi tôi có tin địa ngục, cõi trời hay không, tôi sẽ trả lời là tôi không muốn nói tin hay không tin, chuyện đó nếu có nó không có gì lạ, cũng không có gì khó tin. Vì nhìn trong hiện tượng thiên nhiên mình thấy chỗ có nước, chỗ có đất, chỗ có lửa, chỗ có gai, chỗ có hoa. Chính bước chân của mình đẩy mình đến chỗ nào có nước, có lửa, có hoa, có gai. Tất cả là do mình thôi. Điều quan trọng là từ bước chân nào mà mình đi xuống nước, từ bước chân nào mình đi lên núi vào rừng… Nếu quả thật còn có chỗ tái sanh thì mình sẽ đi vào chỗ tương ứng với tâm trạng mình đã sống qua, đó là hiển nhiên. Bỏ trái đắng vào miệng thì miệng mình sẽ đắng. Cũng dòng điện đó chạy vô tủ lạnh thì tạo hơi lạnh, mà chạy vào máy sưởi thì tạo hơi nóng. Thiện pháp hay ác pháp cũng vậy, mình sống trong tâm trạng bất thiện thì mình đi về chỗ bất thiện mình ở. Nếu có một chỗ gọi là cõi trời, thì chỗ đó phải dành cho những người làm thiện vì nó tương ứng với người lòng lành, còn có địa ngục thì nó dành cho những người sống ác tâm.

‘Avīci’: ‘Vô gián’, ‘không có khe hở’. ‘Avīci’ có hai nghĩa: 1.lửa cháy không ngừng; 2.chúng sinh dày đặc.

Những địa ngục khác, có lúc lửa tắt, có lúc cháy, (xem Kinh Hiền Ngu – Trung Bộ Kinh), nhưng địa ngục A Tỳ thì cháy liên tục không gián đoạn. Chúng sanh dày đặc vì người này người kia đứng khít rịt vào nhau không có khe hở, ở đó đông vô cùng tận. Tại sao đông như vậy? Đơn giản thôi, chúng sanh sống bằng tâm bất thiện nhiều hơn tâm thiện. Trong đám chúng sinh sống bằng tâm bất thiện thì ngày của họ sống bằng tâm bất thiện hơn là tâm thiện. Tôi không tin chuyện cầu an cầu siêu, vì khi tôi nhìn người hấp hối hoặc xác cứng lạnh, tôi cứ nghĩ, người này thuở sinh thời có tu tập hay không, nếu có tu tập thì bây giờ không cần tụng niệm gì họ cũng đi lên, như dầu đổ dưới nước vậy. Còn nếu không tu tập thì cũng như tảng đá liệng nước, hiển nhiên là chìm. Tụng thì cứ tụng chứ mang “tính cách hành chánh” là nhiều. Quí bậc tôn túc nào thì quí vị cứ đến hỏi: Trong kinh điển có nói chỗ nào các vị Thánh tăng đi đến hộ niệm cho người đã chết rồi, đứng tụng kinh cho cái xác cứng ngắc hay không? Theo tôi biết chỉ có một trường hợp, là người đó gần ra đi và trong tình trạng có thể tiếp nhận được lời thuyết giảng của Đức Phật và chư tăng; trong trường hợp đó mới có chuyện thăm bịnh, chớ không có chuyện người ta đã mê man tàn tịch mà xúm lại tụng cầu cho họ đi lên. Người ta nằm thiêm thiếp trời sập không hay mà xúm nhau đọc hết kinh này đến kinh khác, đọc tiếng Pāḷi nữa mới chết. Trong kinh mà tôi biết, không có chuyện chư tăng đến hộ niệm cho người mê man không biết gì hết, không còn khả năng nghe pháp nữa, hoặc xác lạnh ngắt rồi mà vẫn đến tụng niệm tùm lum không màng đương sự có hiểu hay không, mà chỉ có trường hợp Đức Phật hoặc ngài Xá Lợi Phất, ngài Mục Kiền Liên, ngài Ānanda, ngài Ca Diếp đến thăm người bịnh nào đó trong tình trạng người ta còn tiếp nhận được. Khi đó Ngài hỏi ngắn gọn chứ không phải ê a tụng niệm: “Có kham nhẫn được không, có tiếc nuối sợ hãi gì hay không v.v…”, rồi tiếp đó là Ngài giảng: Hãy nhớ, thà là thân bịnh chớ không bao giờ để tâm bịnh. Tâm bịnh là phiền não bị tác động bởi trần cảnh hoặc những cảm xúc khốc liệt của thân. Hoặc Ngài hỏi: Ngươi có thấy sắc uẩn là ta hay không hay trong ta có sắc uẩn…, với điều kiện là đương sự còn sáng suốt, nghe được hiểu được, trả lời được. Những gợi ý của Đức Phật và chư thánh lúc đó giúp ích được cho người ta, đó mới đúng là hộ niệm. Còn kiểu hộ niệm bây giờ là chẳng cần tu hành gì hết, đến khi nằm ngáp ngáp thì tăng ni tới tụng, gọi là hộ niệm. Tôi nghĩ có nhiều người cũng đồng ý với tôi, nếu tu hành đơn giản như vậy thì người ta cần gì phải đến thiền viện cơm đùm cơm nắm cho muỗi cắn. Bản thân mình phải giải quyết cái tâm mình ra làm sao, cần sự gia trì của đám đông để cùng nhau tu tập, chớ chờ đợi hộ niệm bằng mấy bài kinh ê a thì tệ quá. Quí vị còn mở máy ngồi nghe như thế này thì chưa đâu, đến lúc không rờ được cái máy mà nằm ngáp ngáp thì thấy kiểu tu mình là kiểu tu ngoài da, ung thư mà xức dầu cù là.

Tôi biết sáng nay tôi đụng chạm rất nhiều, sẽ làm cho nhiều người sốc, nhưng không thể không nói, sau này các vị sẽ có lúc nhớ là tôi đã đề nghị nên có những điều gì đó thiết thực hơn.

10. CON GÁI CỦA PAJJUNNA

Bài kinh tiếp theo cũng có nội dung không cần giải thích cũng hiểu. Nội dung quan trọng chỉ có mấy câu cuối:

Ở đời, chớ làm ác

Cả ba: thân, khẩu, ý,

Từ bỏ mọi thứ dục,

Chánh niệm, tâm tỉnh giác,

Không khổ hạnh ép xác,

Vô bổ, không lợi ích.

Trong đoạn kệ này đủ Tam học: thân, khẩu, ý không làm ác. “Pāpaṃ na kayirā vacasā manasā”, Tam nghiệp không làm ác.

Cách đây hai mươi mấy năm về trước, một lần tôi xuống Bến Tre, chỗ cù lao Phú Phụng, tôi có tiếp xúc với một ông cụ, lúc đó cụ cũng hơn tám mươi. Tôi giảng xong cụ nói thế này: Tôi cũng vui, năm nay tôi tám mấy rồi, cả đời tôi cũng hành thiện, đâu làm gì ác hại ai, hành thiện đúng như lời Sư nói. Khi nghe, tôi giựt mình, phần lớn thiên hạ đều nghĩ vậy, không đâm heo suốt chó, đốt nhà cướp của,.. không làm chuyện tai tiếng, pháp luật ngăn cấm thì đó là thiện. Nhưng theo trong Phật pháp mà nói rốt ráo thì không làm ác bằng Tam nghiệp không đơn giản như vậy. Tôi thích ăn ngon, tôi thích mặc đẹp, đó là bất thiện; ăn rồi cứ săm soi trước gương, cũng là bất thiện; tôi thích làm vườn, chơi lan, nuôi chim, đó là bất thiện. Vì đó toàn là tâm tham. Nếu nói theo ngoài đời thì nghe hay quá, cả đời làm công chức, nuôi vợ nuôi con, cuối tuần đi picnic, dã ngoại, về già thì cũng đi chùa đánh cờ tướng, đi viện dưỡng lão thăm người già, nuôi vài con chim sáng thức dậy nghe chim hót, chơi lan chơi bonsai v.v… sống vậy thì hoàn hảo quá rồi, thật ra đó là bất thiện. Theo Vi diệu pháp, đó toàn là tâm tham. Nuôi vợ nuôi con là chuyện tốt nhưng thời gian sống bên vợ con toàn là tâm bất thiện, thương, yêu, ái, giận, tham, sân, si…

“Kāyena vā kiñcana sabbaloke”: không có lòng dính mắc cái gì đó trong đời này. Cái này hơi khó, làm sao mà không dính mắc. Bà con đừng quên chỗ quan trọng cực kỳ này:

1. Adhikāra: túc duyên, tiền nghiệp.

2. Āsayànusaya: khuynh hướng tâm lý bẩm sinh, bản tính.

3. Vihāradhamma: môi trường hay điều kiện sống hiện tại.

Túc duyên là đời trước mình có làm nghiệp gì đó. là đời trước mình có làm nghiệp gì đó. Khuynh hướng tâm lý bẩm sinh mình là người tánh nóng, tánh tham hay tánh tầm gì đó. bẩm sinh mình là người tánh nóng, tánh tham hay tánh tầm gì đó. Môi trường hiện tại là mình đang sống chỗ nào, với ai, điều kiện sinh hoạt ra sao. Ba thứ trên có vai trò quan trọng với chuyện chúng ta dính mắc hay không dính mắc. Có những chuyện mình thấy hay ho thật ra phải xét lại hết. Ở mỗi môi trường khác nhau, cộng với tiền nghiệp quá khứ, khiến cho người ta thấy cái gì đó là vị ngọt, cái gì đó là vị đắng. Đắng và ngọt này không phải là hằng số bất biến mà chỉ là tương đối, chỉ có giá trị nhất định ở một nơi chốn nào đó thôi. Pāḷi có chữ ‘sammutisacca’: ‘tục đế’, ‘định đặt’; ‘paramatthasacca’: ‘chân đế’, bản chất rốt ráo, chặt không đứt, bứt không rời, không thể chia chẻ ra nhỏ được nữa. Tục đế là những sự thật mang tính ước lệ mặc định, có giá trị ở chỗ này mà không có giá trị ở chỗ khác. Có những quốc gia gật đầu là từ chối, lắc đầu là đồng ý; hoặc có những nước mà người dân phải nong cái môi ra giống như bông nắp ấm. Phụ nữ bộ tộc Kayan ở Miến Điện từ lúc 5 tuổi đã đeo những vòng cổ bằng đồng, chồng lên nhau theo thời gian đến khi tạ thế mới thôi, cổ họ dài ra như cổ rắn với những chiếc vòng đó và họ nghĩ là vậy mới đẹp. Đó là tục đế, khái niệm đó, quan điểm đó chỉ có giá trị ở một nơi chốn nào đó thôi.

“Không chấp thủ ở đời” là vị đó thấy rõ tâm chấp thủ (tâm tham, là bất thiện) không nên có mà cảnh chấp thủ cũng là giả lập, không đáng dính mắc. Kāyena vā kiñcana sabbaloke là như vậy đó.

“Kāme pahāya satimā sampajāno”.

“Kāme pahāya”: Lìa dục ở đây là không lợi dưỡng

“Satimā”: chánh niệm. “sampajāno”: tỉnh giác.

“Lìa các dục” tức là lìa năm trần. Theo trong A-tỳ-đàm, Phạm Thiên cõi Ngũ Uẩn không có năm căn như mình, mà chỉ có 3 căn thôi: nhãn căn, nhĩ căn và ý căn; họ không có ngửi nếm đụng như mình, vì không cần thiết. Người có đủ 5 căn để nhận biết năm trần, cứ tưởng là phong phú nhưng thật ra chỉ thêm phương tiện để làm việc mà thôi. Nếu không còn thích trong cảnh dục nữa thì chỉ cần con mắt để nhìn thấy và lỗ tai để nghe pháp hoặc để nghe nhìn những gì thật sự cần thiết thôi. Còn riêng mũi, lưỡi, xúc giác, nói rốt ráo thì không cần nữa. Do nghiệp dục ái đời trước nên đời này mình sinh ra trong cõi Dục giới phải đủ 5 căn để sống bằng 5 căn đó: thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, chứ thật ra cái biết đó không thật sự cần thiết. Nếu sinh ra ở cõi Dục mà dục ái còn nguyên chưa mất thì sự khiếm khuyết các căn là điều đáng tiếc, là bất hạnh, nhưng nếu là Phạm Thiên ở cõi Ngũ Uẩn thì không có vị giác khứu giác xúc giác thì không phải là thiếu vì người ta không cần nó. Phạm Thiên nhìn thế giới này từ ba cửa sổ, những gì thấy, nghe, và suy nghĩ. Còn mình nhìn bằng 5 cửa, tưởng là đầy đủ, nhưng vì mình nghèo nên đi đâu mình cụ bị đầy đủ thứ lỉnh kỉnh, nhà giàu thì chỉ cần xách tiền mặt hoặc thẻ là đủ. Phạm Thiên cũng giống như vậy đó. Lìa dục phải hiểu sâu rộng như vậy đó, mình còn sống trong dục thì mình cần năm giác quan.

 

“Dukkhaṃ na sevetha anat­tha­saṃhi­tan”: sống không khổ hạnh ép xác.

Câu cuối bài kệ là kêu gọi sống không khổ hạnh. Tu là phải đơn giản nhưng không có nghĩa đày đọa bản thân bằng những sự thiếu thốn. Ông Einstein, cha đẻ Thuyết Tương đối, có câu: Câu cuối bài kệ là kêu gọi sống không khổ hạnh. Tu là phải đơn giản nhưng không có nghĩa đày đọa bản thân bằng những sự thiếu thốn. Ông Einstein, cha đẻ Thuyết Tương đối, có câu: Đời sống có lúc chúng ta phải phức tạp, có lúc chúng ta phải đơn giản, nhưng nếu có đơn giản thì đừng dưới mức cần thiết và nếu có phức tạp thì đừng quá mức cần thiết. Mọi thứ trong đời sống, dù tinh thần hay vật chất, phải ở mức độ cần và đủ, cần là cái gì không thể thiếu được, đủ là không dư và cũng không thiếu. Dư là cái gì đó cần phải bỏ ra bớt, thiếu là cái gì đó cần phải thêm vô, lớn nhất nghĩa là ngoài nó ra không còn cái gì nữa, nhỏ nhất là bên trong nó không còn cái gì nữa. Năm quyền của hành giả là tín tấn niệm định tuệ mà có trồi sụt thì cũng không đắc chứng được gì hết, phải quân bình, cân bằng với nhau thì mới đắc chứng được, không có cái nào quá mạnh hoặc quá yếu. Lợi dưỡng, khổ hạnh cũng vậy. Khổ hạnh là tự làm khổ mình bằng cái thiếu, lợi dưỡng là tự làm hư mình bằng cái dư. Trung đạo là không dư không thiếu, không nặng về bên phải cũng không nghiêng về bên trái. Trong đời sống thường nhật của mình, người nội trợ cũng phải biết luật này, quá dư hay quá thiếu cũng không làm nên món ăn ngon, nói chi là đời sống tinh thần của mình.

Nội dung bài kệ này là đời sống có lúc cần có sự đơn giản và cũng có lúc phải chấp nhận sự phức tạp. Nếu có đơn giản thì đừng dưới mức cần thiết, nếu có phức tạp thì đừng quá mức cần thiết. Mọi thứ nên ở mức cần và đủ.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app