Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 1
Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên
Phẩm PHẨM KIẾM
CHẾ NGỰ TÂM
Tất cả các tâm gồm tâm thiện hay tâm ác, tâm phàm hay tâm thánh, hiệp thế siêu thế, tất cả đều cần phải được lìa bỏ. Vị này từng nghe được một câu như vậy nên hôm nay vị này đứng trước mặt Thế Tôn đọc bài kệ:
Chỗ nào ý chế ngự,
Chỗ ấy đau khổ tận.
Ý chế ngự hoàn toàn,
Thoát đau khổ hoàn toàn.
Theo chú giải câu này có hai nghĩa. Cách đây mấy hôm chúng ta có học một bài kệ trong đó Đức Phật dạy rằng ở đâu không có thọ tưởng hành thức thì ở đó thoát khỏi triền phược, ở đâu không có thọ tưởng hành thức thì ở đó được an lạc. Thọ tưởng hành thức chỉ cho tất cả tâm và tâm sở. Ở đâu mà vắng mặt hẳn sự có mặt của 5 uẩn thì ở đó được gọi là sự giải thoát. Câu này có thể hiểu như thế này: mình sanh tử luân hồi vì mình còn có chỗ để tham đắm, chấp thủ, khi nào mệnh chung qua đời mình không còn tiếp tục còn tâm tái sinh nữa để tiếp tục duy trì sự có mặt của danh uẩn nữa thì lúc đó gọi là một vị A-la-hán, một vị đã giải thoát. Vị trời đọc bài kệ hỏi Đức Thế Tôn với một ý hiểu lầm cho rằng tu là tìm mọi cách dù chưa thành thánh nhưng miễn đừng có tâm là ok, kể cả trường hợp chỉ cần mình là người vô tưởng thì mình đã giải thoát. Khi mà vị đọc bài kệ đó ý rốt ráo thì tốt. Ví dụ, nếu vị này hiểu sự chấm dứt hoàn toàn 5 uẩn là chấm dứt đau khổ thì tốt, thế nhưng vị này hiểu theo cách rất trẻ con. Vì sao hiểu như vậy nghĩa là hiểu theo cách rất trẻ con? Có một bài kinh trong Tăng Chi Bộ, Đức Phật dạy rằng: Này các tỳ kheo, thu thúc nhãn căn không phải làm mù đôi mắt, thu thúc nhĩ căn là làm mù hai lỗ tai của mình, không phải thu thúc ý căn là chìm vào trong giấc ngủ. Nói chung, các sự thu thúc không phải chặn ngọn mà là chặn gốc của nó. Một vị sanh vào cõi Vô Tưởng thì trong suốt 500 đại kiếp vị đó không có tâm, không tâm làm gì có phiền não, nhưng trước khi sanh vào cõi Vô Tưởng thì đương sự vẫn chưa kịp chấm dứt phiền não, nên sau khi sanh vào cõi vô tưởng sống hết 500 kiếp trên đó vị này trở xuống thì mọi thứ bắt đầu trở lại y như cũ, tức là vẫn tiếp tục sa đọa trầm luân, tiếp tục chìm đắm trong tham sân si phiền não. Cho nên câu nói rằng “sự vắng mặt của danh uẩn là sự vắng mặt của đau khổ” được hiểu là khi nào mình không còn phiền não nữa thì lúc mệnh chung không tiếp tục tái sanh nữa, mà nếu không tiếp tục tái sanh nữa thì lúc đó tứ danh uẩn thật sự vắng mặt, phải hiểu như vậy mới ok. Còn đằng này chưa nói đến chuyện tu hành gì hết, chỉ nói phiền não vắng mặt thôi thì được. Câu này tôi xin nói rõ, ông A nói đúng khi ông A hiểu tại sao ổng nói như vậy, nhưng nếu ông B nói y chang như vậy thì ý lại khác. Một đứa bé thấy bố nó bị té xe Honda, nó nói: Bố đừng chạy xe Honda nữa, câu đó rất là trẻ con. Có anh chồng ngồi đọc báo bên cạnh cô vợ đang nấu bếp. Chồng nói: Em nghe nè, báo đăng uống rượu nhiều dễ bị chết vì gan. Cô vợ nói: đúng rồi anh đừng uống rượu nữa. Chồng đọc tiếp, hút thuốc nhiều sẽ bị chết vì phổi và các bệnh liên quan. Vợ nói, đúng rồi anh đừng hút thuốc nữa. Chồng đọc tiếp và nói, người ta cũng nói gần gũi nhau nhiều quá cũng dễ bị chết vì kiệt sức, vợ nói: anh đừng đọc báo nữa. Cái vấn đề giải quyết của bà vợ nghe rất là kỳ, hai vấn đề trước giải quyết theo cách khác. Ở đây cũng vậy, vị Trời này chỉ nghe loáng thoáng là không còn bốn danh uẩn nữa thì không còn khổ, vị này chỉ nghĩ đơn giản giống như kiểu bà vợ biểu đừng đọc báo nữa. Câu kệ này đúng chớ không sai, nhưng phải được hiểu theo ý hãy tu tập để chấm dứt phiền não, sau khi chấm dứt phiền não thì không còn tái sanh, không còn tái sanh thì không còn tâm thức nữa lấy gì tái sanh, còn vị Trời này thì nghĩ tu làm sao để mất cái tâm chớ không nói gì đến phiền não. Giống như đứa bé ở trên, khi bố nó chạy xe để kiếm tiền trang trải cho mọi thứ cơm ăn áo mặc, điện nước, sách vở cho nó, cho cả gia đình, nếu nó đề nghị bố đừng chạy xe thì tuyệt đối không phải là giải pháp tốt cho việc an toàn. Đức Phật thấy rằng vị Trời này không hiểu mà chỉ nghe người ta nói rồi nhắc lại, nên phải giải thích cho vị này rõ: Không phải tu chỉ là ngăn chặn ý phát khởi, bởi chính Như Lai, những vị La hán không còn phiền não vẫn còn có tâm, cái tâm không lỗi, nhưng phải dạy nó. Không phải vì đạp phân mà chặt bỏ cái chân, chưa tới lúc mạng chung thì mình vẫn còn sống, vẫn còn có tâm thức, thì giữ làm sao đừng để vướng kẹt trong tham sân si, phiền não; đó được gọi là tu tập, chế ngự tâm, chế ngự ý. Nếu không chú ý đến việc đối phó, xử lý phiền não mà chỉ nghĩ làm sao để mất cái tâm thì đó là một suy nghĩ nông nổi, trong chú giải chỉ nói như vậy thôi. Tiếp theo là bài kinh Vị A-la-hán. Đây cũng là một bài kinh thú vị.
VỊ A LA HÁN
[26] Ba hạng phi nhơn.
Phi nhơn là gồm tất cả chúng sinh khuất mặt không thấy được bằng mắt thường. Có ba hạng phi nhơn:
1. Bhummaṭṭhadevatā (địa cư thiên) Sống trên mặt đất, trong nhà cửa:
2. Rukkhaṭṭhadevatā (thọ thần sống ở cây cỏ). Thọ thần, sống trên cây cối, hoa cỏ, củ rễ: Có vị làm chủ nguyên cả khu rừng, hoặc nguyên trong một nhánh cây, hoặc trong cái hoa nào đó, khi hoa hư thì họ di chuyển sang hoa khác. Thân thể họ như một làn khói. Họ có thể sống trong viên đá cuội bằng nắm tay nhưng có đầy đủ nhà cửa bên trong đó. Trong Liêu Trai Chí Dị, có chuyện một anh thư sinh vào ngày lễ hội trong chùa nhìn thấy một bức phù điêu có một cô tiên đang bưng trái đào. Nhìn mê mải anh ta chợt thấy cô ta nhúc nhích, nhìn riết sau anh ta giống như bị hớp hồn. Câu chuyện đó ý nói, có khi chỉ là một bức phù điêu cũng là nơi ở rộng rãi của phi nhơn
3. Ākāsaṭṭhadevatā (không cư thiên) Sống trên hư không.
Theo tôi biết, trong kinh không nhắc chuyện phi nhân trú trong thân người, mà chỉ nhắc 3 loại trên. Chuyện cá nhân nào đó “bị phi nhân dựa”, hoặc “có phi nhân trú trong thân”, thì vị phi nhân đó là một trong 3 loại phi nhân trên, nhưng họ có thần thông và dùng thần thông để tác động cho cá nhân nào đó bị bịnh hoạn đau đớn, nói ra điều gì đó v.v… chớ họ không cần phải sống trong thân người giống như một tài xế có thể ngồi vào xe và lái đi đâu đó nhưng xong thì có thể vô khách sạn, về nhà ngủ, không nhất thiết phải luôn ngủ trong xe. Ma Vương có lần chui vào bụng của ngài Mục Kiền Liên để phá ngài xong thì về trú xứ chứ không ở luôn trong đó. Có hai trường hợp loài phi nhơn nào đó giúp đỡ hoặc phá mình: một là mình nhận quả cũ, hai là họ gieo nhân mới. Trước đây có thể có oan trái với nhau, và cũng có thể quả cũ của mình là hôm nay phải bị ai đó phá, họ là do họ có sẵn phiền não muốn phá ai đó, hoặc thiện tâm muốn giúp ai đó, ngay thời điểm đó quả cũ của mình trổ. Ví dụ sáng nay phước bố thí của tôi trổ nên tôi nhận được cái gì đó, nên dù chưa từng quen biết, quí vị gặp tôi đi bát, quí vị muốn cho tôi cái gì đó. Hoặc nếu quả tôi phải bị ai đó chửi, quí vị gặp mặt tôi là thấy ghét. Hãy nhớ trong mỗi người có một thùng diêm và một thùng thuốc nổ, thùng diêm chính là phiền não, thùng thuốc nổ chính là quả xấu đời trước. Nếu đi cạnh người nào thùng diêm làm việc, mình nhìn mặt họ mình thấy ghét, nếu quả xấu mình đang trổ thì thùng thuốc nổ đang chờ đợi. Hãy sống theo lời Phật để thùng diêm không có cơ hội làm việc, và thùng thuốc nổ cũng hạn chế cơ hội phát nổ. Mình không nên hy vọng khi tu diệt được quả cũ 100%, mà chỉ tâm niệm không gieo nhân xấu nữa, còn nếu quả xấu cũ có trổ thì cứ đón nhận một cách ok.
Vị Tỷ-kheo La-hán,
Ðã làm điều phải làm,
Các lậu được đoạn tận,
Thân này, thân tối hậu.
Vị ấy có thể nói:
“Chính tôi vừa nói lên”
Vị ấy có thể nói:
“Họ nói là của tôi”.
Một vị thọ thần trong rừng nghe các tỳ kheo tu hành tinh tấn nói chuyện với nhau, xưng hô ‘của tôi’, bình bát của tôi, y của tôi, sáng mai tôi sẽ đi đâu, tôi gặp ai, làm gì… Vị thọ thần thắc mắc, xưa giờ cứ nghĩ các vị tỳ kheo này chấm dứt phiền não không còn chấp thủ, nay cứ nghe cái này của tôi cái kia của tôi nên đến bày tỏ thắc mắc với Đức Phật như câu kệ ở trên. Đức Phật giải thích như chúng ta thấy trong câu kệ:
Vị Tỷ-kheo La-hán,
Ðã làm điều phải làm,
Các lậu được đoạn tận,
Thân này, thân tối hậu.
Vị ấy có thể nói:
“Chính tôi vừa nói lên”,
Vị ấy có thể nói:
“Họ nói là của tôi”.
Vị ấy khéo biết rõ,
Danh xưng ở thế gian,
Vì chỉ là danh xưng,
Vị ấy cũng danh xưng.
Ngài dạy rằng đã sống trong đời này phải sử dụng ngôn ngữ để giao tế, và phải nói làm sao để cho người khác hiểu, mình không thể ra quán gọi ly nước mà nói “cho tôi một ly H20”. Ngôn ngữ giao tiếp là thứ mặc định, ước lệ, người ta bày ra, thỏa thuận để diễn đạt ý tưởng. Khi còn sống ở đời thì cần phải vay mượn, sử dụng ngôn ngữ, kể cả vị A-la-hán. Vì vậy còn phải nói cái này của tôi, cái này của anh, nhưng có điều khi nói vậy người ta vẫn hiểu chữ “tôi, của tôi” có nghĩa là gì. Qua sông phải lụy đò, lên bờ thì thôi. Vị đắc quả rồi thì họ vẫn tiếp tục sống trọn vẹn trong giới định tuệ, nhưng họ vẫn chánh niệm tỉnh giác thu thúc lục căn. Họ chấp hành thọ trì với một ý nghĩa phương tiện khi còn phàm phu, nhưng không chấp giới luật, đạo hạnh của mình là ngon nhất, hay nhất thế giới. Chỉ có người có vấn đề mới tự hào tự đắc về sự uyên bác Phật pháp của mình, giới luật bảnh bao trong sạch của mình, về thiền định ngon lành của mình. Tất cả những kiến thức, giới luật, thiền định chỉ là những viên thuốc chữa bệnh, không ai tự hào là mình đang uống những viên thuốc đắt tiền. Đang bị bệnh thì may mắn gặp chánh pháp mà uống thuốc, còn những người đang dễ duôi thì có hai lý do: hoặc là họ chưa biết Phật pháp, thiếu duyên; hoặc do họ biết nhưng bây giờ họ tạm thời chưa muốn uống. Chuyện người ta tu hay không tu không mắc mớ gì mình hết, chuyện mình tu là mình đang uống thuốc, mình phải mừng vì mình đang bịnh mà có điều kiện uống thuốc chứ không nên có thái độ tự cao tự mãn.
Trong bài kinh này có chữ ‘hư tưởng’ có nghĩa là sống trong đời này mà chìm sâu trong chế định. Tôi ngạc nhiên một điều, A-tỳ-đàm là một bộ phận giáo lý quan trọng, nhưng người Phật tử VN chỉ biết Pháp Hoa, Duy Ma, Hoa Nghiêm, Lục tự Di Đà mà không nghiên cứu A-tỳ-đàm. Vô chùa, một tủ kinh mênh mông mà cứ niệm lục tự Di Đà là sao. Bốn mươi mấy năm hoằng pháp của Phật sao mình không học mà chẳng lẽ có ăn chay niệm Phật thôi hay sao, sao lại có thể vừa lòng yên tâm với cái kiểu tu học như vậy. Chuyện ăn chay là tốt nhiều mặt, nhất là sức khỏe, nếu mình biết cách ăn chay, ăn chay có thể nuôi dưỡng từ tâm của mình. Nhưng ăn chay sẽ là bậy nếu mình nhìn nó là toàn bộ pháp môn tu hành của mình. 85% người Ấn ăn chay, nhưng có rất nhiều loại tôn giáo trong đó. Tập thể dục thì rất tốt, nhưng làm nên đời sống cái hành tinh này đâu phải chỉ tập thể dục không. Phật pháp mênh mông đâu phải chỉ biết Lục Tự Di Đà hay ăn chay. Ăn chay rất tốt niệm Phật rất tốt nhưng nếu coi đó là tất cả thì rất là sai lầm. Thực là đáng tiếc và thiệt là đáng tức. Còn một điều tiếc nữa là những người học A-tỳ-đàm cứ lo học chân đế mà bỏ qua cái tục đế. Chân đế là bản chất thật sự của các pháp. Trong tiếng Hy lạp có chữ ‘atoma’là cái gì đó không thể chia chẻ được nữa, từ đó có chữ ‘atomic’, là thành phần cực vi. Theo A-tỳ-đàm cũng vậy, chân đế là bản chất rốt ráo tận cùng không thể chia nhỏ được nữa của các pháp. Ví dụ, một hạt gạo, hạt cát đập nát ra chia thành mười, một trăm, một triệu, một tỷ phần, thì còn lại gì? Một hạt bụi nhỏ nhất có thể bay theo gió, trong đó tối thiểu còn có 8 Sắc Bất Ly (đất, nước, lửa, gió, sắc, khí, vị, và vật thực), phải có đủ tám thành tố bắt buộc tối thiểu đó để làm nên một đơn vị vật chất nhỏ nhất. Theo A-tỳ-đàm, ngay trong một khoảnh khắc buồn vui có vô số sát-na tâm sinh diệt. Ngay trong giây phút mình nói là tôi đang nhìn ngắm đóa hoa, đừng nghĩ mình nhìn là biết đóa hoa. Sai! Nhãn thức của mình chỉ chụp hình thôi, còn biết đây là hoa gì cần phải trải qua một diễn tiến, một lộ trình tâm thức rất là phức tạp. Từ chụp hình cái hoa, rồi biết đó là hoa hồng, rồi nhớ hôm qua mình đón ai đó ở phi trường, trao cho người ta bó hoa, người đó nhận hoa và nói gì v.v… Thời gian tíc tắc đó chỉ một phút thôi đã cho ra một loạt ý niệm. Loạt ý niệm đó diễn ra trong một thời gian cực ngắn, vượt khỏi thời gian vật lý. Tục đế là lớp vỏ nhận thức của mình thông qua những giá trị mặc định ước lệ áp đặt. Ví dụ như đối với một số dân tộc, như Tích Lan, họ gật đầu nghĩa là lắc đầu, lắc đầu nghĩa là gật đầu, đó là những ước lệ và áp đặt thôi. Có những dân tộc khi bè bạn thân quen gặp nhau thì ôm nhau, có những dân tộc chạm má, chạm mũi vào nhau, hoặc thay vì bắt tay thì cầm tay vỗ lên mu bàn tay nhau. Ở VN, nam nữ có những biểu lộ thân tình quá đáng ở chỗ đông người thì không được nhưng Âu Mỹ rất bình thường. Ở VN, hai cậu con trai bá cổ quàng vai nhau thì bình thường nhưng ở Mỹ thì không nên, vì bên Mỹ như vậy là gay, là bóng, có vấn đề về giới tính hay tâm lý. Đó là những ước lệ văn hóa mang tính mặc định, gọi là chế định. Vuông tròn dài ngắn sáng tối xa gần trắng đen cũng là những khái niệm mặc định. Có câu chuyện dã sử, bên Tàu có một anh chàng tên Nhã Tuấn, rất đẹp trai, đi lạc vào một xứ La Sát, mặt mũi xáo trộn vị trí, người ở đó nói anh ta là quái vật, vì anh ta không giống ai ở đó. Anh ta thấm thía ra một điều, hồi đó giờ người ta nói mình đẹp là do mình sống trong xã hội nào mà cái đẹp người ta chấp nhận. Trong lịch sử mỹ thuật TQ, vào thời Đường người ta chuộng cái đẹp là phốp pháp, đẫy đà, mập mạp, sung mãn… nên Dương Quí Phi theo sử sách tả là một người phốp pháp, đẫy đà, cái đẹp theo chuẩn thẩm mỹ thời đó. Qua đời Tống, quan điểm mỹ thuật thay đổi, họ chuộng phụ nữ vóc dáng mảnh mai thon gọn liễu yếu đào tơ phất phơ trong gió, và thời trang hôm nay cũng vậy, còn đầu thế kỷ 20 người ta chọn phụ nữ mập mạp, châu Âu thời Trung cổ cũng vậy, những mẫu hình điêu khắc hội họa, phụ nữ rất đẫy đà chẳng hạn như Mona Lisa trong La Joconde, còn hôm nay thì người ta chuộng phụ nữ gầy gò mỏng mảnh như Claudia Schiffer. Một thời ở châu Âu, thi sĩ được xem là người uyên bác, vì anh ta biết sử dụng hai thứ ngôn ngữ, ngôn ngữ đời thường và diễn tả cuộc đời bằng ngôn ngữ của trái tim. Từ trước thế kỷ 18, rất nhiều nhà thơ của châu Âu biết 3,4 ngoại ngữ, và ít nhất là phải biết tiếng La Tinh và Hy Lạp. Thi sĩ thời nay, như ở VN, em nào thất nghiệp, có gia đình không hạnh phúc, chỉ cần biết chút chữ nghĩa thì em đó là thi sĩ. Trước 1975 định nghĩa về thơ cũng khác bây giờ. Quan điểm xã hội chỉ là giá trị ước lệ, và trong A-tỳ-đàm gọi đó là chế định. Một vị thánh hiểu rõ những giá trị ước lệ đó và biết nó không đáng cho mình chìm sâu gắn chặt trong đó. Đó chính là nội dung bài kinh La Hán.
“Ai đoạn tận kiêu mạn,
Không còn những buộc ràng…”,
Chữ ‘kiêu mạn’ ở đây rất là quan trọng. ‘Kiêu mạn’ theo cách hiểu của mình là ‘ta đây’ lúc nào cũng nghĩ mình bằng hoặc hơn người ta. Nhưng trong A-tỳ-đàm nói rõ, sự so sánh bằng tâm thái phàm phu đã là kiêu mạn. Dầu tự đại tự cao hay tự ti đều là mạn.
“Tôi biết tôi không bằng anh”, câu nói đó cũng từ sự kiêu mạn, là một sự so sánh. Người nói “tôi biết tôi thua anh”, khi có thể suy nghĩ được như vậy nghĩa là một ngày nào đó mình sẽ hơn người ta. Khi hôm nay mình chấp nhận mình thua người ta; sẽ có ngày mình sẽ thấy hơn. Một người lìa bỏ ngã mạn thì thấy sự so sánh đó không cần thiết, nó là nó, không cần phải so sánh. Khi thấy thua sẽ có thể dẫn đến ganh tỵ, hay phiền lòng, theo A-tỳ-đàm thì đó là tâm sân. Buồn tủi ganh tị cũng đều là tâm sân. Nếu mình nghĩ, mình bằng hoặc không thua gì người ta, suy nghĩ đó làm cho mình kiêu ngạo. Có nhiều câu chuyện ở người ta mình thấy kỳ nhưng ở mình thì mình không thấy kỳ; rồi chính mình so sánh mà mình không thấy kỳ, nhưng nếu thấy thằng A so sánh với thằng B thì thấy kỳ lắm. Có nhiều chuyện mình làm mình thấy ok nhưng nhìn người khác làm thì thấy kỳ cục. Pháp tu quan trọng nhất của đạo Phật là pháp môn khách sáo. Khách sáo phải hiểu theo tinh thần Phật pháp chớ không hiểu theo nghĩa thế gian. Khách sáo ở thế gian là xạo, là diễn, là màu mè, là cầu kỳ hình thức. Riêng chữ khách sáo trong đạo Phật là luôn luôn giữ lại một khoảng cách tối thiểu. Theo trong Kinh điển, theo trong Luật, một tỳ kheo đã xuất gia rồi thì khi trở về nhà cha mẹ ruột của mình, ngoài tấm lòng hiếu thảo hiếu để thì để ý xem mình có giúp được gì cho cha mẹ mà giới luật cho phép, ngoài ra mình vẫn tiếp tục làm khách. Không có mè nheo, xin xỏ, gợi ý, đối với cha mẹ ruột của mình, muốn cái này muốn cái kia…; nói cái gì cho cha mẹ thương mình hơn thì không nên. Đó là với cha mẹ ruột, người xuất gia không nên có sự gần gũi quá mức thân thiết. Khách sáo là luôn giữ khoảng cách tối thiểu với mọi người mọi vật. Có thương lắm cũng giữ khoảng cách, ghét lắm cũng không đem vào lòng để biến thành kẻ thù. Mỗi người có nghiệp riêng, họ không thích mình vì mình thiếu duyên với nhau, chứ không nên đem họ vào lòng như đem lửa vào nhà. Có những thứ trong đời sống này mà biết cách giữ khoảng cách thì đẹp lắm. Con chim hót hay hãy để nó sống trong thiên nhiên, không nên bắt nó, bẫy nó, mua nó về nhốt trong lồng. Một sớm nào đó thức dậy nghe chim hót ngoài vườn đủ rồi. Thấy hoa đẹp để nó nở ngoài vườn được rồi, đem vào trong nhà cũng ok, tôi cũng là người chưng hoa, có khi người ta cho, hoặc ngày đặc biệt tôi nghĩ mình phải có bàn hoa trên bàn Phật, chớ thiệt ra hoa để tự nhiên ngoài cây hay hơn mình gần gũi quá mức, cắt nó đem vào nhà vào phòng, nó không đẹp bằng để nó tự nhiên. Thương ai đừng nghĩ chuyện cõng, vác, mang, khiêng người ta về nhà; tiến hành một cuộc hôn nhân, một cuộc giao dịch thì không đẹp. Thương nhau, hãy cứ là tình nhân. Cưới nhau về phải gồng gánh thấy mình là gánh nặng của nhau, bao nhiêu thơ mộng, cái lãng mạn không còn nữa. Tây họ nói: “Hôn nhân giết chết tình yêu”rất là đúng. Xin đừng hiểu câu đó theo nghĩa phàm tục. Hãy hiểu rằng, khi ta xóa khoảng cách gần thiết, ta xáp lại gần nhau, ta làm hỏng đi nhiều thứ lắm. Mến nhau nhưng anh ở nhà anh, tôi ở nhà tôi, cơm ai nấy ăn thì mình thương nhau hoài, còn thương nhau quá tìm cách đem người ta về ở với mình thì giống như đem con chim nhốt lồng, đem cánh hoa bỏ vào bình trước mắt; nó gần mình đó thì nó sẽ héo hon nó chết. Có cái khi mình nắm được trong tay thì nó không phải là cái mình muốn nữa. Cuộc đời giống như ngắm tuyết, tuyết trong rừng, tuyết trong núi, đẹp lắm, nhưng hốt nắm tuyết về nhà thì tuyết tan. Nó trở nên vô duyên, lạnh lẽo, nhạt nhẽo, xấu xí lắm. Hãy để tuyết là tuyết. Hãy để tuyết nằm trong thiên nhiên mà mình là một khách bộ hành đi qua một cánh rừng đầy tuyết hoặc ngồi trong nhà nhìn ra tuyết trắng bên ngoài. Hãy để tuyết là tuyết ở vị trí của tuyết, mình cứ là mình. Mình can thiệp vào, móc cục tuyết mang về nhà, tuyết không còn là tuyết nữa. Thấy người ta là ca sĩ, người mẫu, đi giữa pháo hoa, tiếng vỗ tay, đèn chùm lấp lánh; cưới người ta về bên cạnh mình không còn hoa, không còn pháo, không còn đèn màu nữa mình có hối hận không? Chưa kể khi họ có son phấn thì 10 điểm, tháo ra hết, chưa được 5 điểm. Cái điểm ngã mạn ở đây là sống đừng so sánh, sống tự nhiên, sống hồn nhiên như cây cỏ. Chúa cũng dạy, hãy giữ tâm thái trẻ con mới vào được nước Chúa. Nghĩa là sao? Là sống như trẻ con vậy, thấy sao biết vậy, đừng can thiệp, đừng can dự. Bởi vì ngã mạn là sự so sánh. Đó là bổ sung điểm xuyết cho bài kinh La Hán.
KINH ÁNH SÁNG
Có một vị Trời đọc một bài kệ hỏi Đức Phật: Thế gian này luôn chìm trong bóng tối, con xin hỏi Thế Tôn, không có ánh sáng làm sao người ta sống được. Vật gì đem lại ánh sáng cho cuộc đời tăm tối này? Đức Phật nhìn vào cơ tánh người hỏi và trả lời vừa sức người hỏi. Nếu ở thời điểm khác, với một đối tượng khác thì Thế Tôn cũng có câu trả lời rất khác. Ngài có vô số cách trả lời cho một câu hỏi, nhưng riêng với người trong bài kinh này, Ngài cho trả lời như vậy là ok. Vì Ngài là bậc nhất thiết trí, nhìn thấy cơ tánh, nên phải trả lời như vậy mới vừa sức người đó. Đức Phật trả lời: Ban ngày thì có mặt trời, ban đêm thì có mặt trăng, còn lửa thì khi nào mình nhen nó lên thì sẽ có lửa. Riêng ánh sáng của chư Phật thì không giới hạn không gian, thời gian.
[27] Ánh sáng của chư Phật
Ánh sáng của chư Phật ở đây là gì? Trong chú giải nói có hai loại ánh sáng: Ánh sáng vật chất và ánh sáng tinh thần.
1. Ánh sáng vật chất:
Khi một vị Bồ tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót sắp thành Phật, lúc Ngài từ Cõi Đâu Suất xuống trần vào trong bụng mẹ thì 10 ngàn thế giới tự nhiên có luồng ánh sáng. Khi Ngài đi vào bụng của bà Maya thì luồng ánh sáng từ xa, ánh sáng mặt trăng mặt trời chiếu khắp 10 ngàn vũ trụ. Khi Ngài thành đạo cũng vậy. Khi Ngài chuyển pháp luân, thuyết bài pháp đầu tiên bắt đầu hành trình hóa đạo độ sinh, thời pháp đầu tiên đó rất là quan trọng, bài pháp đó chứa toàn bộ nội dung những gì Ngài sẽ thuyết giảng sau đó trong đời của Ngài. Chẳng hạn trong kinh Pāḷi có bài kinh Chuyển Pháp Luân, chuyện đầu tiên Ngài nói: Này các tỳ kheo, có hai con đường cần phải tránh là Lợi dưỡng và Khổ hạnh. Con đường cần tu tập là con đường Trung đạo, đó là con đường Bát Chánh Đạo. Rồi Ngài giải thích 4 đế: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế. Toàn bộ những gì Đức Phật thuyết giảng sau đó trong cuộc đời hoằng pháp của Ngài chỉ gói gọn những điều này. Bên Bắc Tông dựa vào Hán tạng, không định nghĩa Tứ Đế như Nam Tông định nghĩa. Nếu ai đọc kỹ Tứ Đế định nghĩa theo Nam Tông thì bao trùm toàn bộ tất cả không sót thứ gì nằm ngoài kể cả Niết Bàn, Diệu Tâm, Chân Không, Diệu Hữu, Bát Nhã v.v… Bên Bắc Tông phân ra Thanh văn chỉ tu Tứ Đế, Độc Giác hay Duyên giác tu 12 Duyên Khởi. Nam Tông thì không nói như vậy, một người muốn trở thành thánh nhân thì dứt khoát không thể mù tịt Tứ Đế dù đó là Độc Giác hay Thanh Văn Giác hay Toàn Giác. Một người đã hiểu Tứ Đế thì không thể nào mù tịt về Duyên Khởi. Cho nên vấn đề lớn nhất ở đây là hãy cẩn thận khi trình bày về điều tôi vừa nói, nếu nói Thanh Văn tu Tứ Đế, Độc Giác tu 12 duyên khởi v.v… hãy cẩn thận khi nói những điều này với tụi da trắng, Âu Mỹ, không phải sư phụ nói sao họ nghe vậy. Khi mình nói như vậy là tự mình vạch áo cho họ biết có bao nhiêu cái thẹo. Đó cũng là lý do mà hôm nay HT Nhất Hạnh đã phải xem Tứ Niệm Xứ thành đường hướng chủ đạo để hướng dẫn Làng Mai, vì ở đó có tụi Tây. Phải rõ ràng. Phải có cương lĩnh thế nào họ mới chấp nhận được. Ngay cả nhóm khất sĩ hoằng pháp ở đâu thì được nhưng ở Âu Mỹ rất khó, vì họ sẽ hỏi nhiều câu khó trả lời. Nếu họ hỏi PG Khất sĩ có theo đúng Tam Tạng không, nếu đúng thì tại sao không ráp được với PG Nam Tông ở các xứ Thái Miên Lào Tích Miến. Nếu tu tập theo Hán tạng thì tại sao không ráp được với Nhật, Đại Hàn, Trung Quốc. Nửa chim nửa chuột giống như dơi vậy đó. Hãy đọc kỹ để xem Tứ đế trong kinh điển Pāḷi nói gì chứ đừng chỉ cắm đầu đi theo sư phụ của mình.
Họa tùng khẩu xuất, bệnh tùng khẩu nhập. Họa do miệng mình nói ra, bệnh do miệng mình ăn uống mà bịnh. Xưa ở VN đang đi mà lăn đùng ra thì cứ tưởng trúng gió rồi cạo gió. Thật ra bệnh không phải là do trúng gió, mà có thể bị tai biến mạch máu não. Vì vậy ăn uống phải cẩn thận, kẻo dư đường, cao máu, thừa cholesterol. Nhiều người học hành không nhiều nhưng ăn uống rất cẩn thận. Tại sao trong chuyện ăn uống mình cẩn thận mà trong chuyện tâm linh mình ẩu như vậy. Mình sống có 100 năm thôi mà sao mình lại ngây thơ trẻ con thiển cận nông nổi đến mức có thể dễ dàng níu áo một ông thầy để chấp nhận một lối hướng dẫn tu học rất đơn giản mà không hề tự tra tự vấn là sao. Sao mình ăn mình sợ bịnh mà học đạo mình không sợ bịnh. Ít ra cũng phải hỏi một câu: Thưa thầy, bộ Đức Phật dạy có nhiêu đó hay sao? Hoặc Con muốn đọc thêm, con đọc ở đâu. Sợ nhất là ông thầy giảng theo tư kiến, ổng nghĩ sao ổng dạy như vậy thì rất kẹt cho mình. Mình đi khám bệnh mua thuốc mình còn để ý xem thuốc uống vào có hiệu quả không, về nhà còn phải nghe ngóng, học hỏi, trao đổi với bạn bè người thân, báo chí sách vở chớ đâu phải giao cái mạng mình cho ông thầy thuốc rồi gặp ông lang băm thì sao. Mấy chục triệu người dân VN theo đạo Phật là cũng theo cách đó: bà ngoại tôi đi chùa thì má tôi đi chùa, má tôi đi chùa thì tôi cũng đi chùa, chùa nào gần nhất, ông thầy nào bà ngoại tôi, má tôi mến nhất, đặt pháp danh cho bà ngoại, cho má tôi thì ông thầy đó là bổn sư của tôi… Hãy cẩn thận, hãy biết nghi ngờ con đường dưới chân của mình, đừng vì một điều kiện môi trường nào đó mà dễ dàng chấp nhận một thứ giáo lý nghèo nàn, người đầu tiên bị hại thì người đó chính là mình. Cõi Phật thì vô số sao mình cứ cắm đầu về một cõi là sao, thí dụ mình có thể đi Úc, Nhật, Mỹ, Anh, Pháp, Canada … mà sao cả dòng họ cứ chạy về Mỹ là tại sao, phải có lý do tại sao đi về Mỹ. Tất cả Bồ tát muốn thành Phật đều phải có đại bi đại trí, tại sao chỉ có một Bồ tát Quán Âm là tầm thanh cứu khổ? Còn những Bồ tát khác không có đại bi, không có tầm thinh cứu khổ sao? Mỗi người đi theo cái nghiệp của mình, quan trọng là phải làm lành lánh dữ, khi đó mới được an toàn, chứ niệm bao nhiêu Phật, cầu bao nhiêu Bồ tát cũng vậy thôi. Phải làm sao bớt được cái tôi, bớt được cái tham, sân, si; sống chậm lại, sống chánh niệm, sống tỉnh thức để cảm thông, chia sẻ, tha thứ thì tốt hơn.
Trở lại bài kinh, có hai ánh sáng: ánh sáng vật chất là khi sự kiện quan trọng trong đời của Ngài diễn ra thì có luồng ánh sáng soi rọi khắp mười ngàn thế giới.
2. Ánh sáng tinh thần.
Có những vấn đề mà nếu chư Phật Chánh Đẳng Giác không ra đời thì mình không có cơ hội biết tới. Ví dụ làm sao mình có thể nghĩ được rằng sự có mặt của mình chỉ là sự ghép nối, chỉ là sự lắp ráp của vô số thành tố. Làm sao có thể tưởng tượng được rằng cái khổ nó đi ra từ cái ham muốn của mình. Chính cái niềm đam mê đó làm cho mình bị khổ, nếu chư Phật không ra đời thì mình rất khó tưởng tượng được. Chúng sanh thấp kém làm điều bất thiện bị sa đọa, chúng sanh cao cấp hơn chút, làm các điều lành được sanh vào các cõi lành cõi vui, các cõi vui đó có cõi Dục Thiên, cõi Phạm Thiên; nhưng Đức Phật dạy rằng dù ở đâu đi nữa hễ trong căn nhà đang cháy thì giống nhau hết. Nếu mình đắc thiền, sanh về Phạm Thiên sống nhiều kiếp trên đó thì cơ hội điều kiện để hiểu được mọi thứ là vô thường thì rất là khó. Chúng ta luôn luôn có khuynh hướng là thỏa mãn vừa ý quá sớm với những gì đang có nhưng khi Phật ra đời lại khác, Ngài dạy cho mình hễ còn có sở hữu là còn khổ, còn tái sinh là còn khổ. Vì vậy Phật ra đời đem lại cho chúng ta hai thứ ánh sáng, ánh sáng vật chất và ánh sáng tinh thần. Những điều Ngài dạy mở ra cho chúng ta những nhận thức mà trước giờ chúng ta khó có thể nghĩ ra, thậm chí có những vấn đề chúng ta tuyệt đối không thể nghĩ ra nếu chúng ta không phải là một vị Phật, đó được gọi là ánh sáng của một vị Phật: mở ra những vùng tối, soi rọi những vùng sáng, gợi ý những điều mà chúng ta cần có một nhận thức.