Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 1 – Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên – Phẩm Kiếm

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 1

Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên

Phẩm PHẨM KIẾM

XÚC CHẠM (Phusatisutta)

Sáng hôm nay chúng ta học bài kinh Xúc Chạm. Bài kinh này có nhiều điểm độc đáo. Có bài kệ người nào đó hỏi và Thế Tôn trả lời nhưng có bài kệ thì không nêu danh tánh người hỏi. Có ai đó đọc bài kệ trình lên Đức Phật và Đức Phật y cứ vào phát biểu của họ và đưa ra câu trả lời. Ở đây, bài kinh không ghi danh tánh người hỏi:

Không xúc, không có chạm,

Có xúc, thời có chạm,

Nên hại người không hại,

Tức có xúc, có chạm,

Ai hại người không hại,

Người tịnh, không ô nhiễm,

Kẻ ngu hái quả ác,

Như ngược gió tung bụi.

Nguyên văn của chánh kinh rất cô đọng, súc tích; súc tích đến mức… tối nghĩa luôn. Đọc trong chú giải sẽ thấy Đức Phật nói gì. “Không xúc, không có chạm, Có xúc, thời có chạm” nghĩa là sao, nghĩa là dầu muốn dầu không, trái banh va vào một vật cứng, có thể là một mặt phẳng hay gốc cây gốc cột nào đó, thì tự động nó sẽ dội trở lại. Dầu muốn dầu không hễ hội đủ yếu tố tự khắc trái banh đó bị dội trở lại, giống như trái banh bị đá “trượt cột dọc” chạm khung thành thì nó bị văng ra. “Không xúc, không có chạm” ở đây nghĩa là miễn là không có tâm sở tư. Tâm sở tư tiếng Pāḷi là: ‘cetasika’. Bây giờ tôi không thích dùng từ ‘sở hữu’ nữa, chữ ‘sở hữu’trong tiếng Việt kỳ lắm, không mắc mớ gì cetasikaở đây hết. Sở hữu tâm tư thì kỳ lắm, dùng chữ “tâm sở” là vừa. Có nhiều vị tôn túc đề nghị chữ ‘citta’ là ‘tâm’, còn chữ ‘cetasika’nên dịch là ‘tánh’, tôi thấy cũng hay, nó là thuộc tính của tâm, nên gọi là tánh. Nhưng nghĩa của chữ tánh trong tiếng Việt Nam cũng đâu giống cetasikanhưng ít ra cũng gần hơn chữ sở hữu tâm, tâm sở. Trong một tâm như vậy giống ly nước lạnh, tâm chỉ là biết thôi, chứ không có tốt xấu thiện ác phàm thánh gì hết. Nhưng việc quyết định tâm đó tâm gì là do tâm sở, ví dụ như trong A-tỳ-đàm nguyên thủy hoặc A-tỳ-đàm bộ phái đôi lúc người ta chỉ nói ‘cái biết’, cái biết của cảnh hay cái biết của mắt hay là cái biết của ý thức cũng được. Trong ý thức, cái tâm đó được gọi là tâm thánh đạo, tâm sơ đạo, tâm sơ thiền, hay tâm đại thiện gì đó thì tùy thuộc nhiệm vụ của tâm đó là làm việc gì, biết cảnh gì, tâm sở nào đi chung với nó. Tâm sở tư là một thành tố trong tâm lý của chúng sinh. Tâm sở tư do bốn vô minh (tức vô minh trong Bốn Đế) nên mới có 3 hành, (tâm sở tư – cetanā, trong lúc ta làm việc thiện hay ác nói chung). Tâm sở tư hiểu theo ngôn ngữ bây giờ là sự đầu tư của ý thức, sự cố ý của ý thức, của lý tưởng hay ý nghĩa mục đích nhắm tới trong một việc làm, một câu nói, hay suy nghĩ. Nghĩ mà có sự cố ý thì có nghiệp, mà có nghiệp thì có quả: “Không xúc không có chạm, có xúc là có chạm”.

Nghiệp và quả

– Nếu có lòng tạo nghiệp, lập tức sẽ cho quả.

– Quả đó nặng hay nhẹ tùy thuộc vào đối tượng (cá nhân hay tập thể, đức độ hay không đức độ) mà mình gây nghiệp.

– Đối với thánh nhân, quả nhiều hơn

Đối tượng tạo nghiệp có nhiều lắm: cá nhân, tập thể, đức độ hay không đức độ, về phía mình có sự cố ý hay không, sự cố ý ở mức nào, kiểu nào; về phía đối tượng mình ra tay là cá nhân hay tập thể, có đức độ hay không có đức độ. Ví dụ, ăn cắp của công, tội nặng hơn ăn cắp của cá nhân, vì tài sản đó thuộc về đại chúng, trong đó bao gồm của người có đức độ hay không có đức độ, người có tu hành hay không có tu hành. Nếu tấn công một cá nhân, xâm hại đến quyền lợi của một cá nhân có đức độ sẽ cho quả báo nặng hơn cá nhân thiếu đạo đức.

Có hai cách hưởng nghiệp:

(1) Chịu quả và tạo nghiệp mới.

(2) Chỉ chịu quả và không gây nghiệp mới.

Nội dung bài kinh:

– Miễn là có sự chủ ý, dụng ý (cetanā) thì các hành động lớn nhỏ sẽ tạo ra quả báo. Sự chủ ý này chính là 3 hành. Cetanācủa bậc thánh A-la-hán khi hành động không giống cetanā của bậc thánh Hữu Học. Cetanācủa bậc thánh A-la-hán chỉ là cetanātrong Tâm sở Tư hay cetanā trong tâm Duy Tác thôi. Còn cetanā trong tâm vị thánh Hữu Học thì không có bất thiện như phàm phu mà nếu có thì cũng rất yếu. Ví dụ như tâm sân của vị Hữu Học chỉ là anāpāyagamaniyadosa. Đây là Sân bất dẫn đọa, không đủ để dẫn đi sa đọa, không đủ để bạo hành chúng sanh khác. Sự nóng nảy của vị này không đủ để phạm ngũ giới thì nói gì tỳ kheo giới, xuất gia giới. Tâm sân của vị này giống như Sơ quả và Nhị quả. Tâm sân của phàm phu có hai loại:

Anāpāyagamaniyadosa: Sân bất dẫn đọa

Āpāyagamaniyadosa: Sân có thể dẫn đến sự sa đọa, có thể giết người, bạo hành, sân đó phàm phu mới có chứ thánh nhân không có.

Phàm phu có đủ hai loại sân tâm trên đây, còn thánh nhân Hữu học chỉ có một loại là Sân bất dẫn đọa. Tâm tham cũng y như vậy. Tâm tham của phàm phu có ly tà hoặc hợp tà; thánh nhân chỉ có tâm tham ly tà. Si của phàm phu thì có thể có hoài nghi, phóng dật; riêng Hữu Học thì chỉ có Phóng dật thôi. Chính vì tâm chênh lệch khác nhau như vậy nên chủ ý (cetanā) trong hành động của vị La-Hán khác hẳn với thánh Hữu học. Vị A-la-hán làm để làm vậy thôi. Các ngài chỉ làm chuyện thiện nhưng trong chuyện thiện đó không có sự đầu tư như là cách làm công đức kiểu của vị Hữu Học hay của người phàm phu.

Còn trong trường hợp tâm bất thiện của thánh Hữu học so với phàm phu có những điểm khác, chỉ có tâm bất xứng đọa chứ không có tâm xứng đọa, khó chịu nhẹ nhẹ chứ không làm gì có hại cho chúng sinh hết. Tâm tham của vị thánh Hữu học thì chỉ ly tà chớ không hợp tà, trong tâm si của các ngài thì có phóng dật chớ không hoài nghi. Còn sân của phàm phu có cả hai loại nặng nhẹ, có cả hai ly tà hợp tà… Điều quan trọng nhất là miễn có cetanā đầu tiên lập tức sẽ có quả, quả nặng hay nhẹ tùy thuộc vào đối tượng mình gây nghiệp, cá nhân hay tập thể, đức độ hay không có đức độ, phàm hay thánh. Có hai cách chịu nghiệp, cách thứ nhất là chịu nghiệp cũ chịu quả cũ; chẳng hạn ngày xưa tôi có tu hành, làm phước, bố thí, giữ giới nên giờ tôi sanh ra được cái này cái kia, (giàu sang, danh tiếng, phong lưu…) là tôi đang hưởng quả cũ nghiệp xưa, đồng thời tôi đang gây nghiệp mới: tâm tham. Do quả cũ tôi chửi bới hành hạ người khác nên giờ tôi bị đánh đập đâm chém … và ngay khi bị như vậy tôi cũng có những phản ứng rất bất thiện, rất sân si, tức là tôi nhận quả cũ và tạo nghiệp mới. Nghiệp cũ nghiệp tốt giờ tôi hưởng quả tốt bằng tâm tham, còn nếu quả cũ quả xấu tôi hưởng bằng tâm sân như vậy trong cả hai trường hợp tôi đều gây nghiệp mới bất thiện hết. Còn đối với vị thánh hoặc phàm phu có pháp hành thì hơi khác chút, khi hưởng quả cũ họ không có tha thiết tạo ra nhân mới. Ví dụ, mình hưởng được quả lành nào đó giờ mình giàu có được sung sướng được khỏe mạnh đẹp đẽ thì mình chỉ tiếp tục tu hành, bố thí trì giới, sống an trú chánh niệm, không để quả lành này làm cho mình trở thành người xấu. Còn người phàm phu không biết Phật pháp thì hưởng quả tốt thì họ sẽ gieo nhân tham, nhân sinh tử, khi họ hưởng quả xấu (bị chửi bới đánh đập) thì họ gieo nhân mới: sân. Chúng ta luôn luôn thừa kế vô số quả xấu và tốt trong quá khứ, cứ mỗi lần mình hưởng quả cũ (dầu tốt hay xấu) là mình lại tạo nghiệp mới. Cho nên lý do tại sao mình tấn công một vị thánh mình bị quả nặng, hoặc cúng dường cho các ngài mà làm tốt thì quả nhiều hơn, vì các ngài là người chỉ nhận quả chớ không tha thiết tạo nhân mới. Luân hồi là hưởng quả cũ tạo nhân mới. Vật cản càng cứng chừng nào thì sức dội của quả bóng càng mạnh chừng đó, “có xúc là có chạm” là như vậy.

Những vấn đề giáo lý của bài kinh này: Hễ có sự cố ý, sự đầu tư của ý thức là lập tức có quả: thiện và ác. Quả nặng hay nhẹ tùy thuộc đối tượng đó là cá nhân hay tập thể, có đức độ hay không đức độ, phàm phu hay hiền thánh.

Có hai cách hưởng quả:

-Hưởng quả cũ mà không gây nhân mới (cách của các bậc thánh), cái gì ngọt ngào thì biết cái đó chớ không thích thú cầu mong hướng vọng cái mới nữa, bị chúng chửi hay đập thì cũng chỉ biết cảnh trước mắt chớ không căm hờn giận dữ toan tính phản ứng trả thù.

– Hưởng quả cũ và gieo gây nhân mới: phàm phu mình quả cũ mà ngọt thì hưởng bằng tâm tham. Hưởng bằng tâm tham là lọt vô 3 Hành. Bị người ta chửi thì phản ứng bằng tâm sân, cũng nằm trong ba Hành.

Có nhiều người hỏi tại sao có nhiều bài kinh Phật nói rất khó hiểu. Lý do là bởi vì Ngài nhìn vào tâm của người hỏi, trình độ, khuynh hướng căn cơ sở tánh của người đó, ông A bà B đó đã tu hành như thế nào trong quá khứ, tâm đắc với điều gì. Có một lần Ngài đi bát ngang qua nhà một gia đình nghèo xơ xác. Họ cúng dường nhưng Ngài lấy tay che bát lại. Họ rất ngạc nhiên, “Tại sao đã là người đi xin ăn mà cho không lấy?”. ‘Bhikkhu’ là ‘người xin ăn’, nhưng không phải là beggar (ăn xin thì cho gì cũng lấy, tiền bạc, cho lon bia cũng lấy). ‘Bhikkha’: là ‘cơm’, ‘bữa ăn’ (rice, meal). Bhikkhu chỉ nhận đồ ăn không cần luộc chiên xào nấu hấp nướng xào kho… không để dành thức ăn qua đêm. Khi hai vợ chồng hỏi, Đức Phật trả lời: “Bhikkhu ở đây không có nghĩa là ‘xin ăn’ (lúc khác thì Ngài định nghĩa bhikkhu là người ăn xin nhưng lần này Ngài trả lời khác) mà ‘Bhikkhu’ là người hiểu được danh sắc là gì, vận hành ra sao. Vừa nghe xong hai vợ chồng lập tức đắc A-na-hàm.

Người hiểu được danh sắc là gì thì người đó không có vật sở hữu trong Tam giới, có nghĩa là không chỉ ăn xin trên đường phố mà là ăn xin cả Tam giới. Họ – người hiểu được danh sắc – thật sự là khách lạ của trần gian, họ không thèm làm chủ một nơi chốn nào. Có đêm nọ, một vị thương gia ghé vào ngôi chùa quê xin tá túc. Vị trụ trì chỉ xuống nhà kho chuột gián tùm lum. Người thương gia buồn ngủ quá nên chui vào nằm, chuột rúc rích, muỗi vo ve, bụi bay, hôi hám, ông ta chịu không thấu nên vô phòng thầy trụ trì xin đổi phòng khác, thầy trụ trì trả lời: Giường chiếu của ông sao ông không nằm mà đòi hỏi của tôi. Thương gia nói: Con là khách, con ghé qua làm gì có giường chiếu ở đây. Vị trụ trù nói: Khi ông là khách thì ông không giường chiếu là đúng, còn tôi trước và sau khi nhận chùa này tôi chỉ là khách lạ trần gian, nếu ông là khách mà ông không có được giường chiếu ở đây thì tôi cũng là khách làm gì tôi có sở hữu gì. Thật là thâm thúy thay, khi tôi là khách thì tôi không đầu tư sở hữu ở trần gian phù phiếm này.

Trở lại chuyện hai vợ chồng ở trên, họ đã tu hành như thế nào mà Đức Phật giải thích như vậy? Họ từng đi nghe pháp và rất tâm đắc bài giảng về danh sắc. Khi Phật ra đời nhìn mặt họ là Ngài “khai quang điểm nhãn” liền. Hôm nay bà con vào nghe kinh giảng pháp mà chú ý điểm gì đó, thì mai này nếu có tự ngộ thì cũng từ chính điểm đó, hoặc nếu được chư Phật hiền thánh khai thị cho thì cũng khai thị từ điểm đó. Trong Tăng Chi, Đức Phật có nói hình ảnh: Nếu như một người lọt xuống hố phân mà ló được cái gì thì mới có chỗ người ta kéo lên được. Vì vậy, dù có trầm luân sinh tử thế nào cũng phải có một chút duyên để hiền thánh có ra đời gặp mình còn có chỗ để mà “nắm kéo”. Phải có thói quen trầm tư.

Thói quen trầm tư (Gambhīrapakatita) nghe lá rụng mình cũng suy nghĩ, nghe giòng nước chảy cũng suy nghĩ, nhưng không phải sống suốt một ngày ở trên mây. Phải suy nghĩ có chiều sâu tâm tư một chút, không theo lối mòn.

Khi giảng tôi viết chữ Pāḷi để quí vị khi xem kinh sách có từ gốc dễ dàng tra cứu, vì nếu chỉ đọc trên bản dịch thì nhiều khi mỗi người dịch một kiểu. Hầu hết những sách Miên, Thái, Lào, Miến, Tích Lan và cả tiếng Anh, họ đều chua thêm tiếng Pāḷi bên cạnh những thuật ngữ chuyên môn. Nếu biết tiếng Pāḷi thì chúng ta dễ dàng đọc hiểu hơn. Dưới 40 tuổi thì phải có niềm tin: ta sẽ học được tiếng Pali. Ai trên 50 tuổi thì thôi khỏi học. Ông sư từ 51 trở đi còn có ý làm chùa thì đó là sự mạo hiểm, một người 61 tuổi trở đi còn nghĩ đến tiền bạc thì đó là một sự mạo hiểm. Trong Trường Bộ Kinh, Đức Phật nói, ngay việc lễ lạy tôn thờ xá lợi thì để cho cư sĩ, vị tỳ kheo chỉ có Tam tạng Phật ngôn: nói về tinh thần thì có 37 Phẩm trợ đạo (Bodhipakkhiya), còn nói về vật chất thì chỉ có bộ Tam Tạng bằng giấy. Khi mình sống nghèo thì khổ thiệt, nhưng lúc mình gần ra đi mình mới thấy giá mà mấy chục năm qua ta nghèo đi một chút và Phật pháp ta giàu có một chút thì bây giờ ok biết chừng nào. Khi nhìn những người lớn tuổi, cao tăng lúc gần ra đi sẽ thấy, nếu cho họ lựa chọn lần nữa, họ sẽ lựa chọn là một ông sư chuyên nghiệp về pháp hành, chuyên nghiệp về pháp học chứ không phải là một phú tăng. Cư sĩ cũng vậy, trong phút cận tử hấp hối, cho họ chọn lựa, họ cũng sẽ lựa chọn làm một người cư sĩ thất bại trên đường đời thành công trên đường đạo hơn là ngược lại. Chỉ có những người cận tử chỉ hiểu chuyện đó thôi, chứ những người còn ngon lành họ đâu có ngán. Đức Đạt Lai Lạt Ma có nói một nghịch lý của xã hội hôm nay: Khi còn trẻ bán tuổi trẻ, sức khỏe, sự minh mẫn của mình để kiếm tiền, rồi sau lấy tiền đó đi mua lại sức khỏe mua lại nhan sắc. (“Man sacrifices his health in order to make money. Then he sacrifices money to recuperate his health”. Dalai Lama).

Bác sĩ Drauzio Varella, người đoạt giải Nobel Y Học 2010 đã phát biểu trong bài diễn văn tại lễ trao giải Nobel: “Thế giới ngày nay bỏ thì giờ và tiền bạc vào việc đầu tư những công trình tìm kiếm thuốc cường dương cho quý ông và chất bơm ngực cho quý bà nhiều hơn (gấp 5 lần) là tìm thuốc trị bịnh mất trí nhớ (Alzheimer). Chỉ trong vài năm tới sẽ có một ngày đàn ông đàn bà có được sự như ý nhưng vì bị Alzheimer nên không hiểu mình đã bỏ tiền vào chuyện đó để làm gì.” (“In today’s world five times more time and money is being invested in drugs for male virility and silicone implants for women, than in the cure of Alzheimer’s disease. In a few years to come we’ll have grandmas with large breasts and grandpas with hard penis, but they won’t remember what they’re for.”). Nghĩa là đầu tư vào chuyện không đáng. Đừng hoang phí trí nhớ, sức khỏe để đổi lấy đồng tiền rồi một ngày kia dùng đồng tiền đi mua lại sức khỏe, tuổi trẻ và trí nhớ, đó là bi kịch nhân gian.

TRIỀN PHƯỢC (Jaṭāsutta)

Nội triền và ngoại triền,

Chúng sanh bị triền phược,

Con hỏi Gotama,

Ai thoát khỏi triền này?”

Nội triền và ngoại triền

‘Jaṭā’: ‘triền phược’. Triền phược nghĩa là trói buộc. Gồm nội triền và ngoại triền. Có một vị Trời hỏi Đức Phật có ai trên đời này thoát được trói buộc đó hay không.

Nội triền (anto jaṭā) ám chỉ 6 nội xứ. Ngoại triền (bahi jaṭā) ám chỉ cho 6 ngoại xứ. Sáu nội xứ tức là lục căn, 6 ngoại xứ tức là lục trần. Lục trần là những gì ta nghe, thấy, ngửi, nếm, đụng, suy tư. Thích thì mình thích bên ngoài (ngoại xứ) chứ sao trong kinh lại nói là mình thích nội xứ? Sự có mặt của mỗi người, tấm thân của từng người chỉ là sự góp mặt của 6 nội xứ. Khi nhớ ra như vậy mới hiểu được vấn đề. Kẻ thích thú đam mê đối với bản thân mình (hình hài, tấm thân mình) gọi là người đam mê trong 6 nội xứ. Sáu nội xứ = tấm thân. Tấm thân = 6 nội xứ. Vì vậy, khi nói người đó bị trói buộc bởi 6 nội triền tức là coi nặng tấm thân này chẳng hạn như sợ chết, ham làm đẹp, thích sướng sợ khổ, e ngại những đau đớn khó chịu, thích những gì êm ái dễ chịu. Có bậc cao nhân nào trong room này không như vậy không? Ai không sợ đau đớn, không sợ chết? Ai không thích làm đẹp? Ngay cả những người giản dị cũng không muốn khi ra đường người ta nhìn thấy mình quá quê mùa lạc hậu như con rối con cù lần, chính cái ngại cái sợ đó là một thứ trói buộc bởi nội triền.

Ngoại triền là sự đam mê trong những gì mình thấy, nghe, ngửi, nếm đụng. Sự trói buộc của 6 ngoại triền là thích cái này thích cái kia, mà ghét cũng là trói buộc, lẽ ra mình phải làm gì đó nhưng vì mình ghét, mình không làm, mình né, đó cũng là mình bị trói buộc. Trong đời sống này chúng ta bị liên tục trói buộc cho đến lúc tắt hơi, đi vào kiếp khác mình bị trói buộc kiểu khác. Hôm nay mình là một người đàn bà có tiền, mình đam mê nữ trang mỹ phẩm, ngày mai mình chết đi sanh làm cô bé ở châu Phi, 18 năm sau trên đời này xuất hiện cô gái không biết nữ trang mỹ phẩm là gì mà chỉ thích những xâu chuỗi vỏ sò vỏ ốc khoét lỗ đeo quanh người và cà răng căng tai lấy đá banh môi. Hôm nay mình là một người đàn bà chỉ biết nấu đồ chay, 18 năm sau bên châu Phi có một người con gái gặp con nhái bóc bỏ miệng nhai rau ráu. Hôm nay mình là một vị bác sĩ đeo cà vạt, mắt kiếng, đồng hồ, giày Ý, cặp da sang trọng, chết đi rồi 18 năm sau tại làng quê hẻo lánh ở Campuchia có một cậu thanh niên chỉ ăn mắm bò hóc tanh tưởi. Hôm nay chúng ta bị trói buộc theo cái kiểu của hôm nay, do duyên nghiệp quá khứ nào đó chúng ta sanh làm một người đàn ông đứng tuổi giàu có ở Âu Mỹ có những đam mê thương ghét theo kiểu hôm nay, mấy chục năm sau chúng ta chết đi và sanh về cảnh giới khác, có những đam mê khác, trói buộc khác, dòng luân hồi diễn ra triền miên như vậy, bất tận bất tuyệt, không có cái gì vĩnh viễn tuyệt đối. Chính duyên nghiệp nó đưa ta về một góc trời nào đó, và chính duyên nghiệp đó, hoàn cảnh đó, cộng với căn cơ sở tánh khuynh hướng tâm lý của mình khiến cho mình thích cái này, sợ cái kia ghét cái nọ. Ngay trong hoàn cảnh đó, nếu không có Phật pháp, mình tưởng đó là những giá trị tuyệt đối nhưng thật ra không phải. Hôm nay mình thích ăn bún, ngày mai mình thích ăn trùn, hôm nay mình thích ăn cà ri, ngày mai mình xuống cống ở dưới bùn sình tanh tưởi. Đức Phật trả lời:

“Người trú giới có trí

Tu tập tâm và tuệ”

Người trú giới có trí”, “giới” ở hàng xuất gia ám chỉ cho 4 Thanh tịnh giới. Người có “trí” (sapañño naro) ám chỉ cho người Tam Nhân. Chúng sanh trong đời này có nhiều hạng:

-Hành động bằng tâm bất thiện cho quả tái sanh bằng tâm Quan sát Thọ xả quả bất thiện đưa đến các cõi sa đọa. Tâm đưa đến cõi sa đọa thì sẽ sanh làm trùn, dế, yêu ma quỷ quái… sa đọa địa ngục.

-Hành động bằng tâm Thiện dục giới thì sẽ cho quả tái sinh bằng tâm Đại quả hoặc tâm Quan sát thọ xả quả thiện.

Hành động bằng Tâm thiện Sắc giới hay Vô sắc giới sẽ cho quả tái sanh gồm hai tầng: Tâm thiện Sắc giới thì đưa về cõi Sắc giới, tâm thiện Vô Sắc thì đưa về cõi Vô Sắc. Các tâm tái sinh Sắc giới và Vô Sắc giới cũng đều là tâm tái sinh hợp trí. Riêng Tâm thiện dục giới thì có hai loại: hợp trí và ly trí.

Tâm thiện Dục giới có hai cách cho quả: Nếu làm thiện bằng tâm có trí thì mai này mình sẽ sanh ra bằng tâm Tam Nhân. “Sapañño naro” chỉ cho người đầu thai bằng tâm quả hợp trí. Chính vì mình làm phước bằng tâm hợp trí nên đời sau mình sanh ra sẽ đi tái tục bằng tâm hợp trí. Tâm tái tục hợp trí đó được gọi là tâm Tam Nhân, những người này học hành dễ, và có thể đắc quả thành thánh nhân. Nếu tái sanh bằng tâm ly trí thì không có khả năng hiểu biết những vấn đề trừu tượng. Tâm Tam Nhân ở đây là tâm có đủ vô tham vô sân vô si.

 

Câu “Người trú giới có trí” đúng ra phải dịch là “Người có trí trú giới” mới đúng. Câu này phải diễn dịch thế này: Người Tam Nhân mà lại chịu giữ giới, tu tập tâm (ở đây là tu thiền Chỉ – Samatha, tức là an trụ vào một trong các đề mục để tập trung tư tưởng). Từ đó nếu đủ duyên thì chứng đắc các tầng thiền từ sơ thiền trở lên đến phi tưởng phi phi tưởng. Sự định tâm của những người này là nền tảng rất tốt cho người tu Tứ Niệm Xứ.

Tu tâm ở đây là tu thiền Chỉ (Samatha). Tu niệm xứ thì gọi là thiền Quán (Vipassana). Mục đích của việc tu Quán là hướng đến Sơ quả, đến Tứ quả La Hán. Đối với một vị tu Tứ Niệm Xứ, cái quan trọng là đừng có nghĩ đến chuyện “tôi tu để tôi đắc”. Người thật lòng cầu giải thoát chỉ mong mình lìa bỏ được cái gì, không mong chứng đắc cái gì. Thay vì mong chứng quả Tu-đà-hoàn thì người ta chỉ mong bỏ được phiền não (thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ). Khi tu mà có lòng mong đắc này đắc kia thì dễ bị sụp hố. Những gì trước đây mình chưa biết giờ tự nhiên sáng lên, đó gọi là Upakkilesa – Tùy phiền não; nghĩa là khi mình có phước duyên lại tu đúng phương pháp tự nhiên sẽ gặp 10 thứ Tùy phiền não: Thấy niềm tin vững mạnh, tự nhiên thông minh đặc biệt, tinh tấn không mỏi mệt, thấy có ánh sáng, thấy mình an lạc lạ thường, sẵn sàng chết cho Phật pháp. Đức tin này chỉ có Tu-đà-hoàn chứ còn phàm phu thì không.Bỗng dưng hiểu một cách thông suốt được những chuyện xưa nay mù mờ dễ dàng giống như chẻ tre, không thấy đau nhức, hoặc thấy như ánh sáng chung quanh mình, hoặc lâng lâng, một cảm giác chưa từng thấy trong đời. Cái cảm giác mua được một căn nhà mới, cảm giác hồi hộp của mối tình đầu, hay cảm giác tìm được công việc như ý, tất thảy những cảm giác đó không thể so sánh được cảm giác an lạc lúc bây giờ. Tuy nhiên một hành giả chỉ nghĩ đến chuyện lìa bỏ phiền não lìa bỏ tái sinh thì an toàn trong thời điểm này, vì luôn biết rõ đó là giả, không phải cứu cánh thật sự. Riêng người tu tập với ý được cái gì đó thì rất nguy hiểm vào thời điểm này, vì lúc đó chưa đắc mà tưởng mình đắc, sẽ không còn tu nữa vì nghĩ mình đã đạt, và không chừng sẽ có ý nghĩ coi thường người khác vì nghĩ mình cao siêu hơn người khác. Có một sư cô Bắc Tông đi tu ở Miến Điện cứ nói mình đã đắc Tu-đà-hoàn, người khác nói với sư cô rằng: Nếu đắc Tu-đà-hoàn thì không nói ra, hoặc nếu không thể không nói thì mới trình cho sư phụ của mình, “tự mình biết riêng mình và ta biết riêng ta” chứ không phải cứ hào hứng chuyện thông báo về kết quả tu hành. Cô này không tin, và chính vì không tin nên cứ tiếp tục sống trong ảo tưởng niềm tin huyễn hoặc ấy, để rồi một ngày cổ phát điên. Vì khi thường xuyên biết rõ cái gì xảy đến cho mình, mình đang trong tình trạng nào thì khả năng phản vệ rất tốt, còn khi mình “yên chí lớn” rằng ta là thánh nhân thì tâm tư bỏ ngỏ, kiến thức Phật pháp lại thiếu; người có kiến thức đa văn khi gặp việc khác thường thì họ lấy kiến thức ra để rà soát, đối chiếu, kiểm chứng, còn người nông cạn thì thấy ngộ ngộ cứ đi theo, giống như là “ma bắt”, chẳng hạn như ban đêm ngủ không được có cảm giác ai kêu vô rừng, rồi đi một lát buồn ngủ, chui vô bụi ngủ luôn. Sư cô này cũng vậy, cuối cùng bị điên, kêu khóc giãy giụa. Thiền viện ở Mandalay phải liên lạc về Việt Nam để gia đình đưa về trong tình trạng “ra đi chí lớn riêng lòng” ngày về thì “má nhìn không ra”. Quan trọng nhất của đời tu không phải là đắc cái này đắc cái kia mà là bỏ được cái gì, không phải đắc được bao nhiêu mà là bỏ được bao nhiêu.

 

“Người có trí trú giới” nghĩa là người tái sinh có tâm (“người có trí”), có tâm mới tu thiền Chỉ thiền Quán được. “Giới” ở đây ám chỉ cho tứ Thanh tịnh giới.

Tứ Thanh tịnh giới

1- Các giới điều: 227 hoặc 311 hoặc 10 hoặc 8 hoặc 5 (227 giới tỳ kheo tăng, 311 giới tỳ kheo ni).

2- Chánh mạng theo từng giới phẩm: Hàng xuất gia chỉ sống bằng vật cúng dường không phải bằng các nghề nghiệp thế tục hay mánh khóe lừa đảo. Chánh mạng của cư sĩ là không buôn bán hay hành nghề theo cách hại người như buôn người (má mì, vũ trường, bar), buôn thú, buôn vũ khí chất gây nghiện, bài bạc, lừa đảo.

3- Thu thúc 6 căn: không tham hoặc sân khi 6 căn biết cảnh. Không trừ được thì cũng hạn chế. Khi 6 căn biết cảnh cố giữ không để làm mình thích (Sumano) hay bất mãn (dummano). Nhìn chỉ biết là nhìn; nghe, ngửi… cũng vậy. Hai chữ này (Sumano và dummano) lấy ra từ Kinh Căn Tu Tập của Trung Bộ Kinh.

4- Quán tưởng vật chất: khi ăn, mặc, ở, trị bệnh luôn suy tư lý do mình dùng những thứ đó.

– Khi ăn phải suy tư món ăn này không phải là đồ dơ, nhưng khi chạm vào môi của mình lúc nào thì lập tức đó là món đồ đáng gớm, nếu ai thấy mình chạm vào muỗng chén thì (trừ người thân) làm sao họ dám rớ. Ăn không phải hưởng thụ khoái lạc, mà chỉ như đổ xăng cho máy, ta thích món này vì nghiệp ta phải đầu thai vào thân nhân loại, đời trước từng thích ăn uống nên đời này sinh ra mới có chuyện ăn uống. Thân nhân loại này phải ăn uống mới sống được, mà nếu không thích thì làm sao ta chịu ăn, mà không chịu ăn thì làm sao ta sống, đó là lý do vì sao mình luôn thấy ngon miệng, toàn là do nghiệp và phiền não.

– Khi mặc phải nghĩ trang phục chỉ để tránh nóng tránh lạnh côn trùng, tránh lõa lồ đáng thẹn, chứ không phải để se sua chưng diện, khoe của.

– Ở trú xứ nào cũng luôn suy tư thân này bất tịnh, nhà này cũng bất tịnh, là chỗ ra vô của thùng rác (thân này là cái thùng rác), của người bệnh, ở nhà này là để tránh nóng tránh lạnh tránh côn trùng, thời tiết khắc nghiệt, không phải là tài sản ghê gớm để mình khoe của, kiêu căng với đời.

-Khi uống thuốc phải nhớ rằng thuốc này để chữa bệnh, phải suy nghĩ thân này là ổ bệnh, là cái máy đang hư, ta đang sửa cái máy đang trục trặc.

Nhiệt tâm và thận trọng

Tỷ-kheo ấy thoát triền.”

‘Nhiệt tâm’ (Ātāpī) hay ‘nhiệt cần’ đây là sự tinh tấn, trong chú giải định nghĩa là vīriya. Chữ ‘nipako’ mà HT Minh Châu dịch là ‘thận trọng’ thực ra chữ này trong sớ giải giải thích là ‘pañña’ tức ‘trí tuệ’. Trong tự điển Pāḷi – English của hội Pāḷi Text Society có định nghĩa chữ ‘nipaka’này là ‘sự cẩn thận’, ‘thận trọng’, [Nipaka: wise (uyên bác), intelligent,clever (thông minh),prudent (cẩn trọng)]. Còn vô số những chữ khác mà ngài lại không chú ý, ngài chỉ chọn lấy một chữ ‘prudent’, trong khi chú giải giải thích là pañña. Chữ ‘thận trọng’ ở đây phải sửa lại là ‘thông tuệ’, câu kệ trên sửa lại là “Nhiệt cần và thông tuệ”.

Sự thông tuệ.

Sự thông tuệ – nipaka (nipako) ở đây bao gồm 3 loại trí:

(1) Jātipaññā: trí tuệ bẩm sinh,trí trong tâm tái tục Tam Nhân.

(2) Pārihāriyapaññā: trí liệu sự, là khả năng sắp xếp công việc biết lúc nào thích hợp cho việc gì, biết lúc nào tọa thiền, kinh hành, nghe pháp, phục vụ… lúc nào nên nghỉ ngơi một chút, không phải lúc nào cũng cắm đầu tận sức.

(3) Vipassanapaññā: trí tuệ trong việc ghi nhận danh sắc lúc tu Quán.

Nipako ở đây ám chỉ cho Pārihāriyapaññā vừa nói trên.

Câu kệ “Nhiệt tâm và thận trọng, Tỷ-kheo ấy thoát triền” viết lại thế này:“Tinh tấn và thông tuệ, Tỷ-kheo ấy thoát triền”. Triền đây là nội triền và ngoại triền, đã nói ở trên.

“Với ai, đã từ bỏ

Tham, sân và vô minh,

Bậc Lậu tận, Ứng cúng,

Vị ấy thoát triền phược.”

Đoạn kệ này nghĩa là khi một vị đã thoát triền thì vị ấy được xem là người đã lìa bỏ phiền não, không còn thích ghét trong 6 nội triền và 6 ngoại triền nữa, coi như đã không còn tham sân si, vị đó được gọi là vị Lậu Tận (hết phiền não), vị Ứng cúng, là vị đáng cúng dường.

Bài kệ này có bốn đoạn, đoạn đầu tiên vị Trời hỏi Đức Phật thiên hạ ai ai cũng bị trói buộc 12 triền hết, vậy trên đời này ai là người ra khỏi được 12 triền đó. Đức Phật trả lời người có trí, an trú giới, tu tập tâm và tuệ, tinh tấn và thông minh có khả năng liệu sự thì người đó thoát được sự trói buộc, những người như vậy đó được gọi là bậc Ứng cúng. Đoạn kệ thứ tư:

“Chỗ nào danh và sắc,

Ðược đoạn tận, vô dư,

Ðoạn chướng ngại, sắc tưởng,

Chỗ ấy triền phược đoạn.”

Đọc bản Pāḷi sáng hơn bản tiếng Việt nhiều: Chỗ nào danh sắc được chấm dứt hoàn toàn (vô dư, asesa) với cả ngại tưởng và sắc tưởng thì ở đó không còn triền phược nữa.

Ngại tưởng (paṭighasaññā) ám chỉ cho phiền não cõi Dục và những gì liên quan. Người chứng thiền Sắc Giới được gọi là đã lìa bỏ tạm thời các chướng ngại tưởng. Lìa bỏ tạm thời nghĩa là sống hết tuổi thọ trên đó, quay xuống dưới mọi thứ trở lại như cũ. Tại sao những vấn đề cõi Dục được gọi là “chướng ngại tưởng”? Là bởi vì “lấn cấn, lợn cợn” là những gì thuộc về Dục giới. Ở cõi Dục, cảnh rất là phức tạp, khi thì cảnh này, khi thì cảnh kia, lúc thích lúc ghét nên gọi là chướng ngại tưởng. Paṭigha (rough, smoothless) ở đây tạm hiểu là gồ ghề, gập ghềnh, khúc khuỷu, không được sự trơn nhuận. Cõi Phạm Thiên tầng Sắc Giới trở lên không phức tạp, không lúc này lúc khác, cảnh Sơ thiền muôn đời là như vậy, không thêm không bớt, không vơi không đầy. Trong khi ở cõi Dục giới thì cảnh dục giới, người dục giới, phiền não dục giới luôn luôn phức tạp. Paṭigha ở đây cũng có thể hiểu là sự phức tạp, phồn tạp. Muốn đắc thiền Sắc Giới phải lìa bỏ năm triền cái tức sự phồn tạp của cảnh dục giới.

Sắc tưởng (rūpasaññā)

Muốn đắc thiền Vô Sắc Giới trước hết phải lìa bỏ các ý niệm vật chất (sắc tưởng). Thánh nhân là người đã lìa bỏ mọi mong muốn đối với các tầng Dục giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Hành giả Tứ Niệm Xứ phải là người nhàm chán tất cả danh sắc trong mọi cảnh giới và hình thức cấp độ. Người chán Sắc Giới lên Vô Sắc Giới, riêng thánh nhân là người chán luôn Vô Sắc Giới. Ngay đến vị thánh không đắc thiền cũng có thái độ giống hệt vậy, dù không đắc thiền nhưng nghe ai nói một cách thích thú về cõi Trời thì vị thánh đó vẫn biết rõ đây là một ý tưởng rất bậy bạ, giống như bây giờ mình không có du thuyền mà thấy ai bỏ tiền ra mua du thuyền thì mình thấy ngộ ngộ. Hoặc mình không uống rượu hút thuốc nhưng thấy ai hút thuốc uống rượu thì mình biết đó là chuyện tầm bậy, mình thấy người ta đi săn, mình không biết bắn súng nhưng thấy việc đi săn là không nên. Một vị thánh khi đã nhàm chán danh sắc rồi, vị đó dầu không đắc thiền chỉ cần nghe nói đến một cảnh giới tái sanh vị đó đã hãi vì vị đó đã rõ cảnh giới nào rồi cũng vô thường, danh sắc nào rồi cũng vô thường, sống hết trên đó quay xuống lại mọi thứ đều là bất trắc hết, làm trùn làm dế, ăn mày ăn cướp … cái gì cũng có thể xảy ra. Cái gọi là hạnh phúc hay đau khổ chỉ là ảo giác mà thôi. Còn vô minh thì còn dẫn đến ba Hành, mình thấy danh sắc này ngọt ngào, danh sắc kia cay đắng, mình chạy trốn cái cay đắng tìm đến cái ngọt ngào, nhưng đối với bậc trí tuệ rốt ráo thì họ thấy rằng đắng hay ngọt đều giống nhau ở chỗ là chớp nhoáng, xuất hiện trong một khoảnh khắc rất đỗi phù du rồi sau đó được thừa tiếp bởi một cái khác trên một dòng chảy miên viễn bất tuyệt không dừng lại.

Sự chấm dứt, sự cắt bỏ 12 nội ngoại triền là một cách nói đồng nghĩa với cách nói thứ hai là lìa bỏ danh sắc, ngại tưởng và sắc tưởng.

Hôm nay nếu bà con rảnh mở lại chánh kinh đọc từ trên xuống dưới, photo to ra và để note kế bên: nội triền là gì, ngoại triền là gì, ngại tưởng là gì, sắc tưởng là gì, quí vị sẽ thấy bài kinh này là cả nội dung toàn bộ Tam Tạng chớ không phải là một bài pháp đâu. Xin hẹn gặp lại ngày mai.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app