Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 1
Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên
Phẩm Giải Thoát (Vimokkhasutta)
“.. Ở Sāvatthi. Rồi một vị thiên, khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn.. — Thưa Tôn giả, Ngài có biết giải thoát, thoát ly, viễn ly cho các chúng sanh không? — Này Hiền giả, Ta có biết giải thoát, thoát ly, viễn ly cho các chúng sanh. — Thưa Tôn giả, như thế nào Ngài biết giải thoát, thoát ly, viễn ly cho các chúng sanh?
Vị thiên đó hỏi Thế Tôn biết cách nào để giải thoát, thoát ly, viễn ly hay không. Và Ngài đã trả lời:
Hỷ, tái sanh đoạn tận,
Tưởng, thức được trừ diệt,
Các thọ diệt, tịch tịnh,
Như vậy này Hiền giả,
Ta biết sự giải thoát,
Thoát ly và viễn ly,
Cho các loại chúng sanh.”
Có một chuyện rất quan trọng ở đây là nếu chúng ta đọc chánh kinh mà không hiểu gì hết hoặc hiểu một cách nghèo nàn khô khan thì khó bề có hứng thú đọc sang bài khác. Hiểu theo như trong chú giải thì bài kinh này có ý nghĩa rất sâu rộng, mênh mông, nhiều điều thú vị và có những vấn đề giáo lý phải biết, phải nhớ, phải học chứ không phải đơn giản như thấy trên mặt chữ của bài chánh kinh này.
Nandī: hỷ. Bhava: tái sanh. Bhavaparikkhayāti: tái sanh đoạn tận. Nandībhavaparikkhayāti: “Hỷ, tái sanh đoạn tận”
Theo bản dịch của HT Minh Châu, chữ ‘giải thoát’ – chỉ trong chỗ này của bài kinh này thôi – từ chữ Pāḷi là danh từ nimokkha, (động từ là nimuccati), nghĩa là “Sự giải thoát bằng tâm thánh đạo”. Chữ ‘thoát ly’ là pamokkha, (động từ là pamuccati) nghĩa là “Sự giải thoát bằng tâm thánh quả”. Nghe thấy hai chữ ‘giải thoát’, ‘thoát ly’ khác nhau nhưng đây là cách giải thích chung chung, vì tâm đạo và tâm quả dính liền nhau, khi sát na thánh đạo xuất hiện thì lập tức ngay sau đó phải là sát na thánh quả. Vì vậy, ngay giây phút đó vừa là nimuccativừa là pamuccati. Đây chỉ là một cách chơi chữ chứ thật ra hai chữ đồng nghĩa nhau. ‘Viễn ly’ (viveka) ám chỉ cho Niết bàn.
Hỷ tái sinh đoạn tận (Nandībhavaparikkhayāti) nghĩa là sự chấm dứt niềm hoan hỉ trong việc tái sinh. Muốn thoát khổ, đầu tiên phải bỏ ý muốn tái sinh. Hôm qua tôi đã nói, 95% những người nói mình là con Phật, tin Phật, thờ Phật và tu Phật không sợ tái sinh. Nhờ hoàn cảnh nào đó họ biết đến chùa chiền, tăng ni, biết làm phước, đi nghe pháp, đi tu thiền trong nước ngoài nước. Nhìn quanh thấy kẻ nghèo người giàu, kẻ khỏe người bệnh; thấy con trùn con dế lúc nhúc loi nhoi trong nhà xí ống cống dơ dáy; thấy cảnh tử biệt sinh ly, vợ chồng gây gổ, con cái bất hiếu, vô bệnh viện thấy thương tích máu me…thì ớn tái sinh. Nhưng đừng tưởng thấy vậy mà sợ tái sinh. Nếu như bây giờ, mình có mặt trong căn hộ triệu đô, có kẻ hầu người hạ, ăn của ngon vật lạ, muốn trai đẹp gái đẹp đều có được, đi chơi trên du thuyền mỗi ngày có trực thăng đem nhật báo đến để đọc, đang tắm biển thì có người đem rượu, đem trái cây tươi dâng tận miệng, trong điều kiện như vậy thì có còn sợ tái sinh hay không? Hoặc muốn có mặt ở đâu thì lập tức có mặt ở đó, sống thọ nhiều tỷ năm, thì có sợ tái sinh không? Chỉ có bậc hiền trí thứ thiệt, khi sống chánh niệm, họ thấy rằng hạnh phúc hay đau khổ chỉ là ảo giác. Có đói ăn mới ngon, có khát uống mới đã khát, đó chỉ là mặt khác của đau khổ. Người Mỹ có câu “Hạnh phúc là giây phút tạm dừng (pause) của đau khổ”. Nói rốt ráo, toàn bộ cái gọi là hạnh phúc vốn không có thực mà chỉ là giải pháp cho đau khổ. Vì sao gọi là giải pháp? Khi ngồi lâu quá, thay đổi tư thế, thấy hết mỏi, đó cũng là giải pháp. Khi đói quá, kiếm gì bỏ bụng, đó chỉ là giải pháp. Khi đó cái khổ được giải quyết nên mình thấy hạnh phúc.
Khi Đức Phật mới thành đạo, Ngài thấy để hiểu thấu, để giác ngộ đạo của Ngài rất khó khăn. Ngài không có ý đi hoằng pháp vì thấy chúng sinh tuyệt đại đa số chịu không nổi, hiểu không nổi lời dạy của Ngài. Khi Ngài nói, không có hạnh phúc, chỉ có giải pháp, làm sao họ chịu nổi. Họ sẽ nghĩ rằng: Tôi thương cô đó, tôi cưới cô đó về, tôi rất là hạnh phúc sao lại nói là không có hạnh phúc. Thật ra không phải là không có lạc thọ, hỉ thọ; nhưng hai thứ đó có được từ sự hiểu lầm. Có chuyện này khá kỳ cục, ngoài đời người ta nói rằng: tôi hiểu cô đó, cô đó hiểu tôi, chúng tôi coi nhau là tri kỷ, chúng yêu nhau và lấy nhau, nhưng thật ra nếu nói theo tinh thần Phật pháp, vì không hiểu nhau, vì hiểu lầm nhau hoặc không hiểu nhau nên mới lấy nhau. Nếu hiểu nhau tới nơi tới chốn thì không cách chi lấy nhau được. Nếu biết rõ mọi sự đang diễn ra trong tấm thân, trong tư tưởng của người kia thì khó mà lấy nhau lắm. Vì cứ nghĩ người kia đẹp, có ánh mắt đẹp, có nụ cười đẹp, vì ảo giác đó nên người ta mới cưu mang gồng gánh nhau một đời. Niềm an lạc của phàm phu trong đời này là do sự hiểu lầm, do nghiệp và khuynh hướng tâm lý. Do nghiệp nên người ta phải chấp nhận hoàn cảnh sống. Chấp nhận được hoàn cảnh thì họ thấy hạnh phúc. Con chim cú thấy hạnh phúc khi bắt được con chuột chù để ăn vì nghiệp đẩy nó làm con chim cú, nó thấy ngon miệng nó mới ăn được hoài.
Vì vậy, trong bài kinh này, Đức Phật dạy rằng, ta biết cách dạy chúng sinh muốn giải thoát, thoát ly, viễn ly khỏi tam giới là phải chấm dứt cái thích trong tái sinh. Đứa bé thích chơi tượng trâu bò bằng đất sét vì nó thích theo cái nhận thức non nớt của một đứa bé. Khi lớn hơn một chút nó sẽ chán vì biết đó chỉ là đất sét, đó chỉ là trò chơi nhạt nhẽo vô vị. Một người hiểu đạo một ngày nào đó cũng sẽ thấy như vậy đối với tất cả các pháp ở đời. Có những cái được gọi là ngọt vì là do so sánh với cái đắng. Tôi nhớ có câu chuyện, một thiền sinh đến hỏi thiền sư: Thưa ngài, ngài có thể thu gọn Phật pháp trong một câu nói cho con nghe được không?Vị thiền sư đó lấy một que vạch một đường trên đất, rồi hỏi thiền sinh: Đường vạch này dài hay ngắn? Thiền sinh trả lời: Ngài mới chỉ vạch một đường thôi làm sao con biết nó dài hay ngắn. Vị thiền sư đáp: Phật pháp là vậy đó! Lập tức thiền sinh liễu ngộ. Chúng ta nghe câu chuyện này mà mơ hồ chẳng biết thiền sinh đó ngộ ra điều gì. Thực ra câu chuyện này rất sâu, chỉ một đường vạch thôi thì làm sao biết được dài hay ngắn. Muốn biết dài hay ngắn cần phải có các đường khác để so sánh. Đời sống của chúng sinh chỉ là sự so sánh. Cái này được gọi là hạnh phúc vì so với cái kia. Cái này được gọi là dài vì so với cái khác ngắn hơn. Cái này được gọi là đẹp bởi vì so với cái xấu hơn. Trong khi đó, theo tinh thần Phật pháp, một vị hành giả Tứ Niệm Xứ phải biết rằng: thấy chỉ biết thấy mà thôi, nghe chỉ biết nghe mà thôi, như vậy mới không có phiền não. Chúng ta có tham có ưu, có thương thích ghét sợ bởi vì chúng ta có so sánh. Có những người mình thích họ vì khi nhìn họ mình có cảm giác họ là người thân máu mủ. Có người mình ghét chỉ vì mặt họ giống ai đó mình không ưa. Sống trong cuộc đời, chúng ta sống bằng ảo giác. Trong ảo giác đó, chúng ta tìm đến sự so sánh. Từ so sánh mới có thương thích ghét sợ. Hành giả Tứ Niệm Xứ phải sống với cái nhìn như thật, nó như thế nào phải thấy như thế ấy. Không thêm bớt, không vẽ vời, không suy diễn, không liên tưởng. Điều đó rất quan trọng. Chính vì vậy khi vị thiền sư vẽ một đường vạch trên mặt đất bảo so sánh, thiền sinh đã liễu ngộ: À thì ra, nó như thế nào thì thấy nó như vậy, đó chính là con đường giác ngộ. Chỉ cần mình thêm mắm dặm muối, suy diễn, liên tưởng, vẽ vời, tô điểm thì lập tức nảy sinh vấn đề ngay. Việc đầu tiên để hướng đến giải thoát là không thích tái sinh. Muốn không thích tái sinh thì việc đầu tiên phải thực hiện cho bằng được là con đường Tứ Niệm Xứ. Chỉ có thực hành Tứ Niệm Xứ mới cho mình thấy được sự có mặt của mình thật sự là cái gì. Phải thấy sự có mặt của mình trên đời thật sự là một gánh nặng. Gánh nặng bởi vì cuộc đời là vô thường vô ngã; sự có mặt của mình trong mỗi kiếp sống đều rất mong manh; chỗ đi về của một người phàm phu thì vô cùng bất trắc. Ngay khi còn gồng gánh tấm thân mấy chục ký lô này, chúng ta đã làm biết bao nhiêu chuyện để sống ở đời, để giáp mặt với xã hội. Có mặt ở đời thì không biết có mặt được bao lâu; sáng còn chiều mất. Thiện khó làm hơn ác, trong một ngày tâm thiện ít hơn tâm ác vì vậy lúc ra đi thì cõi tái sinh của chúng ta thật vô cùng khó lường. Trong dòng sinh tử luân hồi, gặp được minh sư thiện hữu không phải là chuyện dễ, cơ hội làm lành không phải là chuyện dễ, khuynh hướng ác luôn mạnh hơn khuynh hướng thiện nên cơ hội sa đọa là rất lớn. Hiểu được những điều này mới thấy chuyện tái sinh rất đáng sợ.
“Tưởng, thức được trừ diệt. Các thọ diệt, tịch tịnh”. Người từng học Vi diệu pháp liếc sơ qua bài kinh này sẽ thấy rõ ràng Đức Phật nói đến tứ danh uẩn. Tưởng ở đây là tưởng uẩn. Thức ở đây là thức uẩn, thọ ở đây là thọ uẩn. Vậy hành uẩn nằm ở đâu?
“Hỷ, tái sanh đoạn tận,
Tưởng, thức được trừ diệt”
‘Hỷ, tái sanh’ chính là hành uẩn. Tùy trường hợp của từng người, Đức Phật có nhiều cách nói, có người Ngài nói “chấm dứt 5 uẩn là giải thoát” không hề nói gì về phiền não, bát chánh đạo. Có người Ngài nói “chấm dứt tham sân si là giải thoát”. Có người Ngài nói “thấy rõ Niết bàn là giải thoát” hoặc “tu tập hoàn mãn Bát chánh đạo là giải thoát”, hoặc “tu tập hoàn mãn thất giác chi là giải thoát”. Cách khác nhau nhưng ý nghĩa giống hệt nhau. Trong bài kinh này Đức Phật dạy rằng: giải quyết được bốn danh uẩn là giải quyết toàn bộ hành trình sanh tử. Quí vị từng học Vi diệu pháp có thấy điều này đúng hay không? Sắc uẩn là những gì thuộc vật chất. Thọ uẩn là tâm sở thọ. Tưởng uẩn là tâm sở tưởng. Hành uẩn là 50 tâm sở còn lại. Trong 50 tâm sở đó, yếu tố quyết định tâm một người là phàm hay thánh, thiện hay bất thiện hoàn toàn nằm ở hành uẩn. Trong trường hợp bài kinh này hành uẩn chỉ cho tâm tham ái thích thú trong sự tái sinh.
Chữ hành (saṅkhāra) trong kinh nghĩa rộng vô cùng. Hành trong hành uẩn là 50 tâm sở ngoài thọ, tưởng. Còn khi nói “Các hành là vô thường” thì ‘hành’ ở đây ám chỉ tất cả danh sắc hữu vi nói chung.
Trong bài kinh này Đức Phật dạy con đường dẫn đến sự giải thoát chính là giải quyết trọn vẹn được danh uẩn. Bốn danh uẩn không còn nữa thì con đường tái sanh chấm dứt. Trong sớ giải có nói thêm, sở dĩ không nói đến sắc uẩn vì đối tượng trước mặt Ngài chỉ muốn nghe 4 danh uẩn mà thôi. Vị trời này đủ trí để hiểu rằng hễ 4 danh uẩn còn có mặt thì sắc uẩn hoàn toàn có cơ hội tồn tại. Ví dụ, chỉ trừ trường hợp một vị A-la-hán ở cõi trời Vô Sắc mà thôi, chứ còn đối với phàm phu, chúng ta từng sanh lên cõi Phi tưởng phi phi tưởng là cõi Phạm thiên cao nhất của tầng trời Vô Sắc. Miễn là còn có điều kiện để có tứ danh uẩn cho đời sau kiếp khác thì chúng ta cũng còn có cơ hội trở lại được sắc uẩn. Và hễ nói đến tứ danh uẩn thì không thể nào không nói sắc uẩn, nên trong trường hợp này chỉ cần nói tứ danh uẩn là đủ. Tôi tuyệt đối đồng ý với cách giải thích này trong chú giải, vì đây là cách nói hợp với người nghe. Có bao giờ xem kinh tạng quí vị có cảm giác, tại sao Đức Phật không nói như mình muốn, có cảm giác chỗ này Ngài nói khác một chút sẽ hay hơn hay không? Ví dụ, có lần một nông dân thấy Đức Phật ngồi một mình, sau giờ ăn, với chiếc bình bát rỗng đã rửa sạch ở bên cạnh, ông ta nói bài kệ đại ý rằng: Tôi tưởng tôi nghèo nhất, ai ngờ có người nghèo hơn tôi. Tôi đầu tắt mặt tối, một nắng hai sương tần tảo sớm chiều, nghèo thật, nhưng ít ra tôi cũng còn có mái nhà, còn có vợ, có mấy con bò, còn có con cái sớm hôm. Không ngờ trên đời có người khỏe mạnh như vậy mà chẳng có chút tài sản. Sao mà hạnh phúc vui vẻ được?. Đức Phật trả lời y hệt như bài kệ của ông ta, chỉ thêm một chữ “không”. Ngươi hạnh phúc vì người có nhà, có vợ, có bò, có con. Như Lai hạnh phúc vì không nhà, không vợ, không bò, không con. Ngày xưa khi đọc chỗ này, tôi không hiểu vì sao Đức Phật lại trả lời đơn giản đến vậy. Sau này tôi mới ngộ ra, món ngon trên đời này chưa hẳn là món đắt tiền nhất, mà là món mình thích ăn nhất, hợp với mình nhất. Tôi là gốc nhà quê, thấy cái gì đắt tiền tôi không khoái. Tôi thích bụi cỏ dại mọc trên tường. Tôi thích nhánh hoa dại li ti mọc trên vách đá, gỗ mục, những nhánh lan dại trong rừng, hơn là những chậu hoa to tướng chưng trong các đại sảnh khách sạn sang trọng. Phật pháp cũng vậy, Đức Phật tùy duyên. Có những đối tượng Ngài giảng sâu rộng, có những người Ngài trả lời đơn giản nhưng đối với họ là cả trời bao la.
Bài kinh này cũng vậy, cái độc đáo là Đức Phật chỉ đề cập đến 4 danh uẩn. Giải quyết được 4 danh uẩn là chấm dứt sinh tử. Cái thú vị của bài kinh này là tôi muốn mượn buổi giảng sáng hôm nay để gởi đến quí vị những định nghĩa có thể rất là quen thuộc hoặc có thể rất là mới lạ, có thể là kỳ cục về tứ danh uẩn. Ryan Nong là một Phật tử thân quen với chúng tôi trên 20 năm ở Đà Nẵng. Anh ta hiện giờ là tiến sĩ toán, sống ở Mỹ, hiền như con gái. Tôi nhờ ảnh vào mở giùm room thì ảnh loay hoay làm cả buổi không được, cuối cùng tôi phải nhờ cô Tín Hạnh làm giúp. Trong đầu tôi cứ tưởng ảnh là tiến sĩ toán thì phải giỏi lắm. Nghĩa là tôi áp đặt lên con người đó một ký ức cũ, đây là một người giỏi, và ký ức đó đánh lừa tôi. Tôi có nói với anh ta đợi tôi ăn chén cháo. Trong lúc ngồi ăn cháo tôi ngộ được một chuyện thú vị. Tôi không phải là họa sĩ, nhưng đôi khi nhìn trong sân đầy lá tôi rất dễ dàng nhìn cái thảm lá đó xếp ra hình dáng một cụ già, một đứa bé, một chiếc xe đạp hay một con chó con. Khi nhìn những đám mây bay trên trời cũng vậy. Lúc ăn cháo, khi tôi xịt xì dầu lên dĩa cháo, nó tạo ra một bức hình rất đẹp đến nỗi tôi muốn chụp lại. Thì ra, cái gọi là nghệ thuật là do sự áp đặt của mình. Âm nhạc cũng vậy, người mê cổ nhạc thì thà nghe Dạ cổ hoài lang chớ không nghe được những bản giao hưởng của Tây phương. Nghe cải lương thì được chứ nghe nhạc thính phòng thì chịu thua. Cảm quan của mỗi người rõ ràng tùy thuộc vào nhiều yếu tố nền tảng như bản tính bẩm sinh, nơi sinh trưởng, trình độ giáo dục, bối cảnh gia đình, môi trường xã hội mình đang có mặt. Tất thảy những điều đó tạo nên không gian cảm nhận thế giới của mình.
1. Thế giới này là thế giới của tưởng
Chữ Tưởng trong tưởng uẩn, từ chữ Pāḷi là Saññā. Chúng ta có nhiều cái biết: biết bằng trí, biết bằng thức, biết bằng tưởng. Biết bằng trí nghĩa là biết cái này là nhân, cái này là quả, cái này là thiện, cái này là ác, cái này là nên, cái này là không nên, cái này là tín tấn niệm định tuệ, cái này là tham sân si hoài nghi phóng dật… Những cái biết phải do huân tập từ trí văn, trí tư, trí tu cộng lại mới có được là cái biết của trí. Biết bằng thức là cái biết của năm giác quan. Biết của tưởng là biết dựa trên hồi ức, kinh nghiệm, trí nhớ cũ. Đại đa số phần lớn thời gian trong cuộc đời này chúng ta chỉ sống bằng tưởng. Đó chính là bi kịch nhân gian. Ví dụ, tôi là người Cơ đốc giáo, học giáo lý nhà thờ từ hồi nhỏ. Từ đó tôi nhìn thế giới này qua nhãn quan lăng kính của một tín hữu công giáo. Tôi là một Phật tử Bắc Tông, từ bé đã được dạy niệm Phật Di Đà, niệm Quán Âm để thoát nạn. Khi vào đời dù tôi nghiên cứu bao nhiêu kinh sách đi nữa thì ám ảnh trong đầu tôi vẫn là niệm Phật Đi Đà cầu vãng sinh, niệm Quán Âm cầu tai qua nạn khỏi, niệm Địa Tạng để thoát địa ngục. Tôi là một người Hồi Giáo, mỗi ngày tôi quỳ cầu nguyện năm lần, suy nghĩ gì cũng dựa trên kinh Qur’an. Tôi là người Do Thái giáo, tôi học sách Talmud từ bé, tôi không ăn các loại cá da trơn. Tất cả nền tảng suy nghĩ của tôi lúc nào cũng dựa trên kinh Talmud. Người Phật tử Nam Tông có học Vi diệu pháp suy nghĩ gì cũng không ra khỏi A-tỳ-đàm. Đời sống của chúng ta suy cho cùng đều y cứ trên những hồi ức, kỷ niệm, kinh nghiệm mình đã trải qua. Hiếm bao giờ mình dành thì giờ suy nghĩ lại để biết nghi ngờ con đường dưới chân mình. Tôn giáo đã vậy, chính trị, văn hóa cũng thế. Chúng ta được ăn học, được đào tạo trong một môi trường nào đó, thế rồi chúng ta không dám nghi ngờ nó vì cứ sợ mình lầm đường lạc lối để rồi cứ vậy mà sống cho đến ngày tàn hơi. Người như vậy thì không có khá. Khổ một nỗi, nếu sống mà không có hồi ức thì chúng ta tự cho rằng mình không có kiến thức, không có học thức, không có đủ kinh nghiệm. Thật ra, toàn bộ kiến thức học đường chỉ là kinh nghiệm của người khác trao truyền cho mình. Sau khi ra trường thành bác sĩ, thành kỹ sư rồi cộng thêm một số kinh nghiệm mới nữa thông qua những cái biết mới nhưng đời sống của mình vẫn dựa vào cái biết cũ, đó gọi là tưởng. Hôm nay tôi nói tưởng uẩn là những kinh nghiệm thì có nhiều người chịu không nổi, nhất là những người có học A-tỳ-đàm. Đối với những người đó tôi phải nói riêng vào tai của họ lời thầm thì rất nhỏ rằng là: tôi vẫn giữ nguyên cái biết của anh. Đúng rồi, tưởng uẩn là tâm sở tưởng. Nhưng anh phải làm ơn nhớ rằng hiểu như vậy nó nghèo lắm anh biết không. Tưởng uẩn, phải hiểu rằng nó là toàn bộ ký ức, kinh nghiệm, hồi ức của chúng ta trong đời sống. Cái biết bằng tưởng là như vậy đó! Tại sao chúng ta nghe âm thanh đó chúng ta thích? Vì dựa vào ký ức cũ nào đó! Ghét thương hay sợ cũng vậy, do hồi ức. Cả hành trình sống của chúng ta chỉ toàn là hiểu lầm. Tức là nhìn cái này mình cứ nghĩ đến cái khác, cứ vậy mà sống. Có người vợ chết rồi cưới vợ khác, vẫn tìm bóng dáng người vợ cũ trên hình hài người vợ mới. Có người cứ thích một kiểu chưng hoa hay một kinh nghiệm nấu ăn nào đó, chỉ vì nó gắn liền với ký ức nào đó của người thân người thương cũ. Có những loại nhạc người ta chỉ nghe vào đêm khuya. Có người nói với tôi rằng họ thèm một đêm mưa nằm nghe Khánh Ly hát nhạc Vũ Thành An, Từ Công Phụng, mà phải nghe đúng ca sĩ đó, vào thời điểm đó. Đó chính là tưởng. Có người thích hoàng hôn, có người sợ hoàng hôn. Có người thích mưa khuya, có người rất sợ mưa khuya. Có người sợ mùa đông tuyết trắng, còn tôi yêu châu Âu vì tôi yêu mùa đông ở đây nhưng có người muốn bỏ châu Âu mà đi vì họ sợ mùa đông ở đây. Đó là tưởng. Có người hỏi Trịnh Công Sơn nắng khuya là gì (trong câu hát “có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím”). Từ lúc tôi biết câu trả lời của Trịnh Công Sơn: nắng khuya là đèn đường, tôi yêu đèn đường hơn bao giờ hết. Chỗ ở của tôi bên Đức bây giờ có bốn ngọn đèn đường. Thỉnh thoảng những đêm không ngủ được tôi ngồi nhìn bốn ngọn đèn đường trước nhà mà thấy nắng khuya đang lên. Đó là tưởng! Khi Đức Phật ra đời, thấy điều đó, Ngài dạy rằng: Thay vì chạy theo những kinh nghiệm những hồi ức rất đỗi phàm phu không có lợi, ta dạy cho các ngươi những cái tưởng có lợi hơn, đó là tưởng bất tịnh: tưởng về sự chết, tưởng về hài cốt. Tại sao Ngài vẫn xài chữ Tại sao Ngài vẫn xài chữ tưởng? Vì Ngài biết trước khi giác ngộ, trước khi có được thánh trí thì hành giả vẫn tiếp tục sử dụng cái hồi ức. Thay vì sử dụng những hồi ức rất là phàm phu không lợi ích, thì bây giờ ? Vì Ngài biết trước khi giác ngộ, trước khi có được thánh trí thì hành giả vẫn tiếp tục sử dụng cái hồi ức. Thay vì sử dụng những hồi ức rất là phàm phu không lợi ích, thì bây giờ tưởngcó lợi hơn. Vị hành giả ngồi tưởng tượng đây là xương. Một tấm thân người đẹp cách mấy, trắng cách mấy, đen cách mấy, mập ốm cách mấy, khi chết rồi thì một hai ngày sẽ trương sình lên, chảy nước, bốc mùi. Bảy mươi phần trăm cơ thể là nước nên nó sẽ rã tan rất nhanh sau đó chỉ còn lại một bộ xương trắng và một nhúm nội tạng, rất lâu mới phân hủy hết. Nhúm xương trắng đó mới đầu là bộ xương, sau rời ra từng lóng từng đốt nhỏ. Theo thời gian từ màu trắng muốt chuyển qua màu xám. Qua nhiều năm sẽ mục rã thành bột và đi vào đất như là chưa từng xuất hiện bao giờ. Tất cả những suy tư đó chỉ là tưởng. Nói theo Vi diệu pháp, đó chính là cái biết thông qua khía cạnh tục đế, chế định, biến kế sở chấp, thi thiết. Biết đó là đồ giả, nhưng vẫn cứ quán niệm thân này từ đầu đến chân gồm 32 thứ dơ bẩn (tóc, lông, móng, gân, xương, máu, mủ, mồ hôi, nước tiểu v.v…), tất cả những thứ dơ này được gói gọn trong túi da có chèn thịt bên trong. Nếu chúng ta lấy những thứ thức ăn thức uống trong một ngày nhai rồi nhả vào một bị ny-lon và đeo trước ngực liệu chúng ta có gần nhau nổi không. Nhưng cũng thức ăn đó nuốt tất cả vào bụng, đánh răng sạch sẽ thơm tho, thiên hạ nhìn nhau vẫn hấp dẫn như thường. Có những pháp môn tu chỉ là tưởng, nhưng trau dồi nhiều ngày thì từ cái tưởng tục đế chuyển qua cái biết bằng trí tuệ để thấy được cái chân đế, bản chất thực của các pháp. Bản chất thực của các pháp vốn không dơ, không sạch, không xa, không gần, không sớm, không muộn, không lớn, không nhỏ, không trong, không ngoài. Nhưng khi chưa được tới giai đoạn nhìn thấy các pháp như vậy thì trước mắt chúng ta phải tùy thuộc vào các pháp tục đế, nhìn thấy mọi sự theo cách trẻ con. Nói đến chữ Nói theo Vi diệu pháp, đó chính là cái biết thông qua khía cạnh tục đế, chế định, biến kế sở chấp, thi thiết. Biết đó là đồ giả, nhưng vẫn cứ quán niệm thân này từ đầu đến chân gồm 32 thứ dơ bẩn (tóc, lông, móng, gân, xương, máu, mủ, mồ hôi, nước tiểu v.v…), tất cả những thứ dơ này được gói gọn trong túi da có chèn thịt bên trong. Nếu chúng ta lấy những thứ thức ăn thức uống trong một ngày nhai rồi nhả vào một bị ny-lon và đeo trước ngực liệu chúng ta có gần nhau nổi không. Nhưng cũng thức ăn đó nuốt tất cả vào bụng, đánh răng sạch sẽ thơm tho, thiên hạ nhìn nhau vẫn hấp dẫn như thường. Có những pháp môn tu chỉ là tưởng, nhưng trau dồi nhiều ngày thì từ cái tưởng tục đế chuyển qua cái biết bằng trí tuệ để thấy được cái chân đế, bản chất thực của các pháp. Bản chất thực của các pháp vốn không dơ, không sạch, không xa, không gần, không sớm, không muộn, không lớn, không nhỏ, không trong, không ngoài. Nhưng khi chưa được tới giai đoạn nhìn thấy các pháp như vậy thì trước mắt chúng ta phải tùy thuộc vào các pháp tục đế, nhìn thấy mọi sự theo cách trẻ con. Nói đến chữ tưởng ta phải tâm niệm một điều: toàn bộ đời sống này y cứ vào hồi ức, vào kinh nghiệm cũ, cái biết cũ; y cứ vào suy diễn và liên tưởng. Suy diễn và liên tưởng là nội dung của tâm sở tưởng, tức là sở hữu tưởng. Hội họa, âm nhạc, thi ca cũng là liên tưởng là suy diễn. Một tòa nhà được xây dựng cũng y cứ trên sự suy diễn và liên tưởng của ai đó. Kẻ phàm phu thích cái này cái kia trong năm trần, người ly dục thì không thích cái này cái kia, họ muốn tu thiền. Tu thiền là ngó vô các đề mục, cũng chính là tưởng.
2. Thế giới này là thế giới của thọ
Thọ, nếu nói một cách đơn giản, thọ tức là tâm sở thọ trong 52 trong tâm sở thì nghèo nàn quá. Thế giới này không chỉ là thế giới của tưởng mà còn là thế giới của cảm giác. Từ lúc trong bụng mẹ đến lúc đi vào quan tài chúng ta luôn theo đuổi cảm giác. Đứa bé khóc vì đói, vì lạnh, vì ngứa; cười khi cảm thấy thoải mái. Cứ thế nó lớn lên và đến khi già thì toàn bộ đời sống cũng chỉ là cảm giác; hoặc là như ý hoặc là bất toại. Điều quan trọng là hành giả Tứ Niệm Xứ biết cái gì đang xảy ra, cái biết này quí hơn kim cương. Vì sao mình có tâm tham? Bởi khi có cảm giác như ý thì mình thích. Tại sao mình có tâm sân? Vì khi có chuyện trái ý nghịch lòng thì khởi lên tâm sân. Một hành giả đúng mức khi thấy mọi sự diễn ra như vậy đừng thêm bớt gì hết, đừng để mình chìm sâu trong cái tưởng. Người không chìm sâu trong tưởng thì mới tự chủ trong thọ, trong cảm giác. Người sống để cái tưởng làm chủ thì không làm chủ được trong đời sống cảm thọ. Có một vị sư kia, ngẫu nhiên trong bữa cơm, không hiểu sao vị trí của vị này luôn luôn là một cái chén mẻ. Nếu không để ý thì không sao, còn nếu cứ để ý thì nghĩ là người dọn cơm có ác ý. Vấn đề ở chỗ là mình để ý, mình coi chuyện đó là quan trọng thì cái chén mẻ đó thành ra nỗi buồn của mình, nhưng nếu mình không để ý thì nó chẳng là gì hết. Nếu dùng cái tưởng nhiều quá thì cái thọ nảy sinh vấn đề. Tu chính là đừng để cho cái tưởng làm chủ. Tu cũng cũng chính là làm chủ cái thọ. Khi chưa biết đạo, cái làm cho ta vui toàn là chuyện tào lao, khi biết đạo rồi, cái tào lao làm cho vui thì ta không có vui, vậy là tu cái thọ. Khi chưa biết đạo, có nhiều chuyện làm ta bực mình, nhưng khi biết đạo rồi thì chuyện bực mình không giống như ngày xưa nữa. Ngày xưa ai chửi tôi, tôi chịu không được, bây giờ thì ok. Ngày xưa tôi nhịn đói không được, nhưng bây giờ, chuyện đói lạnh cũng ok. Nghĩa là mình đang làm chủ cảm thọ của mình. Với người đời, có những chuyện họ rất thích, nhưng với người tu, chuyện đó không nên, mình không tiếp tục thích nữa, như vậy là đang tu cái thọ. Nếu định nghĩa tu là tu cái xúc cũng được. Ngày xưa mắt mình muốn nhìn gì thì cứ nhìn, tai muốn nghe gì thì cứ nghe, chân muốn đi đâu thì cứ đi, bây giờ thì không; hạn chế tối đa. Vậy là tu xúc. Ngày xưa cái gì làm cho mình vui thì mình bất kể trời đất, hôm nay thì mình phải chọn lựa lại. Không phải bất cứ trò vui nào cũng tham gia được. Phải là cái gì được phép, hợp pháp, vô tội, có lợi. Có những nơi chốn mà tu sĩ không được đặt chân vào. Tôi là một con mọt sách. Tôi đi Miến Điện, Thái Lan, VN hay Thụy Sĩ, Đức, ở đâu tôi cũng hỏi thăm tiệm sách trước cái đã. Bên Thái Lan ngoài chuyện mua sách, có hai món tôi thích đi tìm. Bên đó có nhiều tượng Phật đẹp lắm. Thứ hai là có vài món mà ở Mỹ tôi dám mua nhưng ở Thái thì không dám, đó như những món bằng lụa, tôi muốn mua làm quà cho vài người ơn nghĩa. Xui cho họ, tôi đang đứng ở xứ kinh đô của lụa mà không dám bước vào.
Nếu nói rằng, hành tinh này, thế giới này, vũ trụ này, và vô lượng vũ trụ khác là cảnh giới của cảm thọ thì hoàn toàn không sai. Niềm vui nỗi buồn ở cõi Dục không giống như ở cõi Phạm thiên. Ở cõi Phạm thiên họ không có tâm sân, chỉ có niềm vui. Cái vui ở đó không có liên hệ đến năm dục như ở cõi Dục giới. Điều đó có nghĩa rằng, chỉ riêng cảm thọ thôi đã là cả vấn đề rất lớn. Một người có giáo dục không có niềm vui bệnh hoạn, còn người không được giáo dưỡng thì họ không từ nan bất cứ niềm vui nào miễn là họ thấy thích. Vì vậy, có những niềm vui của người cư sĩ mà một vị xuất gia không nên bắt chước hay để tâm kiếm tìm.
3. Thế giới này là thế giới của thức
Đức Phật dạy rằng: Con chim có điều kiện thì bay về trời, con cá có điều kiện thì nhảy xuống nước, chồn cáo có điều kiện sẽ trốn về hang, con rắn có điều kiện thì chui xuống đất. Cũng vậy, 6 căn của một người không tu tập luôn có khuynh hướng đi tìm 6 cảnh. Dù là anh em cùng một nhà nhưng sở thích khác nhau. Có người tìm niềm vui qua con mắt. Có người tìm niềm vui qua những gì họ nghe được. Có người tìm niềm vui qua những gì họ ngửi. Có người coi nặng hình thức, trang phục quần là áo lụa, đồng hồ, mắt kính, nước hoa đắt tiền. Nước hoa cả ngàn đô la họ vẫn mua, những chai nước hoa đắt tiền mạ vàng cẩn hột trên nắp. Có người có mê âm nhạc, đầu tư cho những cặp loa rất đắt tiền, cho những đĩa nhạc. Có người mê ẩm thực, ghiền ăn và nơi nào có món ăn ngon là tìm đến. Có cô Phật tử bên Mỹ, cô ấy ở nhà lớn hay nhà nhỏ không thành vấn đề, xe tốt hay xe xấu không thành vấn đề, nhưng thành phố này có nhà hàng nào đó ngon lành, ngon miệng ra đời mà cô không biết tới, thì đó là vấn đề. Có người nặng về xúc, giường nằm phải êm ái, áo quần phải mịn màng họ mới chịu. Có người thích thiền định, trầm tư mặc tưởng. Thế giới này là thế giới của 6 thức là vậy đó. Có người muốn nhìn thế giới này qua cửa mắt, có người muốn nhìn thế giới này qua cửa mũi, cửa tai, cửa lưỡi, cửa thân, cửa ý.
4. Thế giới này là thế giới của hành
Thế nào là thế giới của hành? Chỗ này tôi nói sơ qua cho những người có học A tỳ đàm. Trong 50 tâm sở hành uẩn có thiện có ác. Trong tâm của một vị A-la-hán, cái thọ uẩn, tưởng uẩn, thức uẩn giống hệt của mình, nhưng hành uẩn thì khác mình. Hành uẩn là yếu tố thiện ác trong tâm thức một người. Quí vị nấu ăn thì biết, có những thứ mình bỏ vô, nó không can dự vào mùi vị của món ăn, nhưng có những thứ thật sự tạo ra mùi vị đặc biệt. Trong một viên thuốc tây, chất trị bệnh không nhiều, nhưng tinh bột để làm nên viên thuốc thì nhiều. Trong một dĩa cơm thì thức ăn không nhiều bằng cơm. Trong tâm thức của mình có 4 danh uẩn: thọ, tưởng, hành, thức. Trong đó thọ, tưởng và thức không mang yếu tố quyết định phàm, thánh, thiện, ác. Cái danh uẩn đảm nhiệm vai trò yếu tố quyết định cho thiện ác phàm thánh ở một sát na tâm chính là hành uẩn. Ở tâm thức của một phàm phu có 14 tâm sở bất thiện tùy lúc mà có cái nào. Trong một tâm thiện cũng vậy, 25 tâm sở tịnh hảo cũng tùy lúc mà có cái nào. Riêng trong tâm của một vị A-la-hán thì không phải như vậy, không có tâm bất thiện đã đành rồi mà các tâm sở xuất hiện trong tâm của các ngài cũng không phải là tâm sở thiện mà là những tâm sở mang tính cách duy tác. Trong tâm vị A-la-hán cũng có tâm sở tư nhưng nó không tạo nghiệp. Trong tâm vị A-la-hán vẫn có phần, vẫn có vô lượng phần; vẫn có tín, niệm, tàm, quý, vô tham, vô sân y chang như tâm đại thiện của phàm phu, gọi là thánh hữu học, nhưng những cái này như hạt thóc bị luộc không để lại di hậu, hay kết quả. Hành uẩn là một thành tố tâm lý của chúng sinh mà chính cái này quyết định tâm thiện hay là ác.
Nói thế giới này là thế giới của tưởng uẩn, là thế giới của thọ uẩn, là thế giới của thức uẩn, hay là thế giới của hành uẩn đều đúng hết. Nói rằng thế giới này là thế giới của thọ uẩn thì ta cũng phải nhớ rằng luôn luôn có sự can thiệp của hành uẩn. Nói rằng thế giới này là thế giới của tưởng uẩn thì chúng ta cũng đừng quên rằng nó luôn có sự can thiệp của hành uẩn. Nói rằng thế giới này là thế giới của thức uẩn thì ta cũng luôn luôn phải nhớ rằng có sự can thiệp của hành uẩn. Tu tập là tưởng cũng tu được, thọ cũng tu được, thức cũng tu được.
Thế nào là tu thức? Nếu tôi không phải là nhà sư, tôi không phải là Phật tử, tôi muốn nhìn gì thì tôi nhìn. Nhưng tôi là nhà sư, là Phật tử, là người tin Phật, là hành giả, nên tôi hạn chế chuyện nhìn. Tôi sống trong thiền viện, trong chùa, hay trong nhà với vợ chồng con cái, tôi hạn chế tối đa chuyện lui tới để nghe, để nhìn những thứ tôi cho rằng không thực sự cần thiết cho đời sống chánh niệm của tôi. Như vậy là tôi đang tu với 6 thức. Ngay trong lúc đó cũng là lúc tôi đang tu với 6 thọ. Có những niềm vui tôi không muốn có nữa, vì nó là con đường dẫn đến đọa lạc, cũng như có những nỗi buồn giờ tôi không còn bận tâm nữa. Hạn chế tối đa những gì không thực sự cần thiết trong đời sống, đó là đang tu thọ, đang tu tưởng, đang tu thức.
Nội dung bài kinh này, Đức Phật dạy rằng: Con đường đi đến giải thoát là hành trình giải quyết dứt điểm tứ danh uẩn là như vậy. Quí vị nào không hiểu thì có thể hỏi thêm, đếm tới 3 không hỏi thì tôi đi. Bây giờ là 8 giờ, tôi chỉ còn có một ít thời gian là phải đi đến chỗ người ta cắt cây. Ở cái xứ này, muốn bỏ cây phải thuê người ta đem xe tới chở đi quăng. Một chỗ kiếm củi đốt không có, một chỗ muốn bỏ cây phải trả tiền, đúng là thế giới của cảm thọ. Xin chào đại chúng.