Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 3 

Chương 7: Tương Ưng Sariputa

VIỄN LY SINH (Vivekajasuttā)

‘Vivekaja’ nghĩa chính xác là ‘do viễn ly mà có’ gọi tắt là ‘viễn ly sinh’. Do lỗi đánh máy nên tựa kinh này là ‘Lý’. Viễn ly là lìa xa, rời bỏ cái gì đó. Trong Tăng Chi có bốn trường hợp viễn ly: 1) Thân viễn ly mà tâm không viễn ly. 2) Thân không viễn ly mà tâm viễn ly. 3) Thân viễn ly mà tâm cũng viễn ly. 4) Thân tâm đều không viễn ly.

Ngài Ānanda nhìn thấy ngài Xá Lợi Phất có một sắc diện rất đẹp. Người quen của mình ngày nào cũng thấy mặt hoặc vài ba tháng mới thấy mặt thì cũng vậy thôi. Trừ khi họ bệnh hoạn gì đó hoặc đi Nam Hàn, Nhật Bổn làm giải phẫu thẩm mỹ về mình mới thấy khác chớ lâu lâu hoặc cách ngày gặp một lần thì đâu có thấy khác. Nhưng đặc biệt có chuyện này quí vị phải đồng ý với tôi: Những đang ai trải qua ngày tháng sống trong thù hận, ghen tuông, sợ hãi cái mặt của họ xấu lắm. Tôi tận mắt nhìn thấy những hành giả ngồi thiền cao độ, sau khi họ xả thiền, mặt họ sáng trưng, hồng đẹp lắm dù họ không phải thuộc loại dễ nhìn. Sau khi họ trải qua một hai giờ đồng hồ với tâm lành cao cấp của một hành giả lúc tu Chỉ lúc tu Quán, mặt họ đẹp lắm, sáng ngời. Bởi tâm lý ảnh hưởng đến gương mặt sinh học rất là nhiều.

Vì vậy ngài Ānanda thấy gương mặt của ngài Xá Lợi Phất nên hỏi: “Sao bữa nay thấy gương mặt hiền giả đẹp như vậy?”.

Ngài Xá Lợi Phất trả lời: “Hôm nay tôi nhập thiền, Thiền Chỉ Samathā. Hôm nay tôi nhập thiền nhưng tôi không có ý nghĩ chấp thủ rằng tôi chứng thiền, tôi nhập thiền, tôi xả thiền”. Đây mới là điều độc đáo.

Do có tu tập thiền Samatha nên chứng thiền định. Do có tu tập thiền Quán nên không hề có ý nghĩ chấp ngã rằng tôi chứng thiền, tôi nhập thiền, tôi xả thiền.

Có một lần đó ngài Anuruddha – đệ nhất thiên nhãn, người có thể nhìn thấy hàng ngàn galaxy như người ta nhìn những trái sung trong lòng bàn tay. Ngài Anuruddha vô gặp ngài Xá Lợi Phất và nói: Thưa tôn giả, tôi có thể nhìn thấy hàng ngàn vũ trụ chung quanh mình, nhưng có một điều tôi vẫn còn phiền não. Ngài Xá Lợi Phất nói: Khi hiền giả nghĩ rằng ‘tôi có được thiên nhãn’ đó chính là sự kiêu mạn; nhưng khi hiền giả nói, ‘tôi vẫn còn phàm phu’ nghĩa là hiền giả đang nói bằng tâm sân, hối. Ngài Anuruddha nghe vậy hiểu ra, chào ngài Xá Lợi Phất và trở ra tu tập rồi đắc A-la-hán. So với mình, một người có khả năng thiên nhãn như vậy rất là vĩ đại nhưng trong cái nhìn của một vị A-la-hán – kể cả vị A-la-hán không có thần thông – thì đó chỉ là trò trẻ con. Vì vậy khi ngài Xá Lợi Phất nghe ngài Anuruddha nói về khả năng của mình nên ngài thấy rõ tâm của ngài Anuruddha đang còn có phiền não, cho nên ngài phân tích bằng lòng đại bi của một người sư huynh cho ngài Anuruddha thấy.

Ngài Xá Lợi Phất còn có một người em trai tên là Upasena. Hôm đó sau giờ cơm ngài Upasena đang ngồi vá y. Từ trên nóc hang rớt xuống một con rắn cực độc và cắn ngay ngài Upasena. Khi bị rắn cắn xong, vị này biết rõ mình không thể nào sống nổi với vết cắn này, nên ngài gọi ngài Xá Lợi Phất: “Thưa sư huynh, sư đệ vừa bị con rắn cực độc cắn. Sư đệ không qua khỏi, xin sư huynh nói với anh em khiêng đệ ra ngoài hang giùm, sư đệ không muốn làm bất tiện cho anh em.”

Ngài Xá Lợi Phất nói mọi người đem sư đệ ra ngoài sân. Ngài Xá Lợi Phất nói với ngài Upasena: “Trong hoàn cảnh bị rắn độc cắn biết không qua khỏi mà sư đệ vẫn không sợ hãi bối rối, sẵn sàng thanh thản ra đi. Thật là kỳ diệu.” Ngài Upasena trả lời: “Thưa sư huynh. Từ lâu lắm rồi sư đệ không coi thân này là mình và cũng không phải là của mình, nên hôm nay có bị chuyện gì thì sư đệ cũng không hề nghĩ rằng mình bị cái gì.”

Khi ngài Ānanda khen và hỏi ngài Xá Lợi Phất an trú trong pháp môn nào, ngài Xá Lợi Phất xác định “Hôm nay tôi nhập thiền, nhưng lúc đó tôi không nghĩ tôi đắc thiền, tôi đang nhập thiền và tôi vừa xuất thiền. Đó là lý do vì sao hiền giả thấy hôm nay sắc diện của tôi đẹp như vậy”.

Một lần khác, Đức Thế Tôn nhìn thấy ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên có sắc diện đẹp hơn mọi ngày. Ngài hỏi hai vị an trú trong pháp gì mà sắc diện tươi đẹp hơn mọi ngày. Những lần như vậy ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên thường trả lời thế này: Bạch Thế Tôn, hôm nay chúng con an trú trong Vô tướng tâm định giải thoát (animittā cetovimutti), và có lẽ nhờ vậy mà sắc diện chúng con tươi sáng dễ nhìn hơn.

Animittā cetovimutti – Vô tướng tâm định giải thoát là gì?

Có hai cách nhìn về thế giới này: 1. Chân đế (paramatthasacca: ultimate truth) qua bản chất rốt ráo. 2. Tục đế (sammutisacca: convenional truth) sự thật theo thế thường.

Thế nào là sự thật theo thế thường? “Ông Nguyễn Văn A, đi chiếc xe Peugeot đến viện bảo tàng nhìn ngắm mấy bức tượng cổ.” Phải dùng cách nhìn cuộc đời qua sự thật thứ hai (sammutisacca) chúng ta mới nói được câu đó. Nói theo bản chất rốt ráo chân đế (paramatthasacca) thì không có ông A, mà chỉ có bốn đại, hư không và thức cộng lại. Chiếc xe cũng là do các món phụ tùng, cũng vốn là bốn đại. Bảo tàng, tượng cổ, cũng vậy mà hiểu. Nếu nói theo chân đế thì chỉ có đất, nước, lửa, gió; nhưng nói theo tục đế thì có viện bảo tàng, có tượng cổ Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, có lịch sử, có triết học, có tôn giáo, có khoa học v.v…

Lúc bình thường một vị A-la-hán cũng có đời sống như mình, cũng nói: đưa cho tôi chai xà bông, cái khăn tắm, tôi gởi trả lại sư chai dầu gió hôm qua mượn…; lúc đó ngài đang sống trong thế giới Tục đế giống như mình. Nhưng khi cần nghỉ ngơi thì ngài an trú trong Vô tướng tâm định giải thoát. Vô tướng nghĩa là ngài không nhìn thế giới này qua cái nhìn thông thường (chai dầu gió, cục xà bông, cái khăn tắm…) nữa, mà lúc đó ngài ngồi yên lại quán chiếu nội tâm. Ngài biết rằng đây là tâm thọ hỷ, đây là tâm thọ xả, đây là tâm tố, đây là tâm nhãn thức, đây là tâm nhĩ thức, biết rõ đây là thọ khổ, đây là thọ lạc… chớ không có một cái tôi nào đang ngứa đang đau đang khó chịu. Lúc đó ngài có nhìn thấy gì đi nữa cũng biết rõ đây là khối danh sắc, đây là khối năm uẩn, 12 xứ, 18 giới. Trong thời gian an trú Vô tướng tâm định giải thoát thì tuyệt đối các ngài không nhìn thấy một ông A, bà B nào hết. Khi các ngài nhìn thấy thế giới qua cách nhìn như vậy thì toàn bộ thần kinh trung ương, huyết áp đạt đến mức buông xả (relax) tuyệt đối.

Rất nhiều người trong chúng ta, khoảng 99.9% chỉ có thể nghỉ ngơi bằng giấc ngủ mà thôi. Còn bình thường miệng nói nằm nghỉ một lát chứ thật ra chúng ta không có nghỉ được đâu. Thử liền bây giờ đi. Bây giờ quí vị đi qua giường, salon hay sofa nằm xuống xem thử tôi nói có đúng không. Mình nói nằm chứ cái lưng mình vẫn gồng, cái chân vẫn gồng, cái tay cái hông, cái đùi vẫn gồng, các cơ bắp vẫn gồng. Chỉ có người chánh niệm mới thật sự relax, buông xả hoàn toàn. Lúc mình mệt, trước khi tay mệt chân mệt, cái mặt của mình mệt trước. Quí vị kiếm cái chỗ nào đó không có ai nhìn, thừ cái mặt mình ra, đừng gồng, cho thịt đổ xệ xuống một cách tự nhiên. Lúc mặt quí vị xả ra chảy xuống tự nhiên như vậy, khỏe lắm. Vậy mà mình cứ gồng cả đời. Chưa kể “tôi đang nằm”, bắt đầu mình nghĩ “ông đó đang chửi tôi”, “bà đó nói móc tôi”, “bà đó có vẻ mến tôi”, “món đồ đó được quá”, “cái đó đẹp”… Coi như mình nói là mình relax nhưng cái đầu mình của mình không tham thì sân. Lúc nào mình cũng sống trong tâm trạng ‘tôi là’. Vì chúng ta nhìn thế giới bằng ý niệm ‘tôi là’ nên chúng ta không thể nào đạt tới trạng thái thư giãn tuyệt đối.

Nội dung quan trọng của bài kinh này: Một tỳ kheo phải có Chỉ Quán song tu. Do tu tập thiền Quán nên thấy rõ vốn không có một ai tu thiền, đắc thiền, xả thiền.

Chỉ có sự khổ không có người bị khổ. Chỉ có tập đế không có ai tham ái. Chỉ có con đường và bước đi mà không có người đi. Chỉ có sự viên tịch mà không có ai viên tịch. Nội dung này giống như bài Bát Nhã Tâm Kinh bên Bắc Tông.

Trong cái nhìn sơ cơ của thế gian thì có ông A, bà B. Tới khi học đạo rồi thì mình thấy không có ông A, bà B nhưng chỉ có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc. Nhưng chính vì có những kẻ phàm phu không thể đi xa hơn, lại chết ngay cái chỗ này. Tức là sau khi từ bỏ ông A, bà B lại kẹt trong đây: Tôi biết mà, danh lợi tình cảm là hư không nên Tôi cố gắng tu tập, tôilà người tu tập thiền định, tôi là người buông xả, tôi là người hiểu được lý duyên khởi, tôi là người hiểu được lý Tam tướng, tôi là người hiểu được mọi sự là phù du… đủ thứ ‘tôi’ hết nghe rất là buồn cười.

Việc phải làm là: Đây là tâm tham, xấu, phải bỏ. Đây là tâm sân, xấu, phải bỏ.

Chứ không nên nghĩ rằng: tôi đang tu để tôi bỏ tâm tham của tôitôi đang tu để tôi bỏ tâm sân của tôitôi tu bốn vô lượng tâm để tôi có từ bi hỷ xả của tôi, tôi phải trau dồi đức hạnh cho tôi để mai này tôi được giải thoát, sau này tôikhông bị luân hồi nữa..

Bài kinh này sâu ở chỗ đó. Giới, định, tuệ phải tu nhưng dù tu đến mức độ nào đi nữa cũng đừng bao giờ nghĩ rằng: tôi có giới, tôi có tuệ…

Bài kinh đầu tiên của chương này nói về Sơ thiền. Các bài kinh sau nói về các tầng thiền khác. Mỗi kinh sau đây nói về một tầng thiền từ Nhị, Tam, Tứ thiền Sắc giới đến bốn tầng thiền Vô sắc: Không Tầm, Hỷ, Xả, Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở hữu Xứ, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, Diệt Cận Định, Sùcimukhi (Tịnh Diện). Tham khảo thêm cuốn A-tỳ-đàm do TK Giác Nguyên dịch.

SÙCIMUKHI

‘Sùcimukhi’ (Tịnh Diện). Sùcimukhi là tên của một người.

Mukha’: (có hai nghĩa) ‘miệng’, ‘mặt’.

Sùci’: ‘sạch’, ‘đẹp’.

Sùcimukhi’là người nữ có gương mặt đẹp, miệng đẹp.

Trong chú giải chỉ nói đây là cái tên thôi.

Buổi sáng ngài Xá Lợi Phất đi khất thực, dùng xong buổi trưa thì có một vị du sĩ ngoại đạo đến gặp ngài.

‘Paribbajaka’: nam du sĩ; ‘paribbajika’: nữ du sĩ. Thời xưa ở Ấn Độ có loại hình du sĩ, rất lạ. Họ không theo đạo nào hết mà chỉ là người chán đời, đi lang thang thấy ai hay hay thì học một chút, đủ thứ tôn giáo. Thời Đức Phật có nhiều du sĩ uyên bác và đạo hạnh, tiếng tăm lừng lẫy. Chủ trương của họ là không sở hữu một cái gì hết vì càng gồng gánh thì càng nặng vai trên con đường vạn lý. Khi trụ hoài một chỗ thì không có cơ hội học hỏi cái hay của thiên hạ muôn phương. Vì vậy, có một bộ phận tu sĩ đã quyết định lên đường viễn xứ, làm cánh chim không tổ, để sống rày đây mai đó cơm hàng cháo chợ, để học hỏi thiên hạ, bằng mình xem là bạn, hơn mình xem là thầy.

Nữ du sĩ Sùcimukhi đi lang thang gặp ngài Xá Lợi Phất và hỏi rất lạ: “-Này Sa-môn, có phải Ông ăn, khi ăn ông cúi mặt xuống hay ngửa mặt lên hay ông nhìn bốn phương? Tại sao như vậy? Vì trong tín ngưỡng của Ấn Độ thời đó có nhiều hạnh tu rất lạ. Ví dụ có những giáo phái chủ trương ai cho gì mình cũng ăn thì tệ lắm, phải có ranh giới, không phải ai cho cũng lấy, cái gì cũng bỏ vô miệng. Họ tự đặt ra những qui định như: không nhận thức ăn từ phụ nữ hay đàn bà mang thai, đàn bà có con mọn. Hoặc ăn không dùng tay, chống hai tay xuống đất dùng miệng ăn trực tiếp. Có người cả đời không tắm, không mặc, lấy phân bò trét lên người. Hoặc có người cố chịu lạnh vào mùa đông, cố chịu nóng vào mùa hè v.v… Họ làm như vậy để khác với tôn giáo khác và khác với người đời. Vì vậy nữ du sĩ mới hỏi ngài Xá Lợi Phất xem thử trong sinh hoạt thường ngày của ngài có kiểu gì đặc biệt khác, muốn biết ngài thuộc trường phái nào. Nhân dịp này ngài Xá Lợi Phất muốn dạy giáo lý cho nữ du sĩ.

Vua Duy Tân lúc đi chơi ở biển Thuận An cùng một quan hầu cận. Lúc nào cũng có mật vụ của Pháp theo dõi cách đó không xa vì không muốn vua tiếp xúc nhiều. Vua lấy tay vọc cát, chơi một lát rồi tỏ ý muốn đi về. Quan hiểu ý nên bưng thau nước cho vua rửa tay. Vua hỏi: Tay dơ thì lấy nước rửa, nước dơ lấy gì để rửa. Quan hầu cận không hiểu. Chữ ‘nước’ ở đây có hai nghĩa (thủy và quốc). Người Tàu hỏi câu này thì phân biệt rõ ‘thủy’ hay ‘quốc’, còn VN thì chỉ có một chữ ‘nước’. Vua Duy Tân nhân dịp này muốn dạy cho quan hầu cận, và cũng muốn dằn mặt bọn Tây. Quan hầu cận bối rối. Vua trả lời cho quan hầu cận: “Tay dơ lấy nước rửa, nước dơ lấy máu rửa!”. Tôi cho bà con ví dụ để đỡ buồn ngủ thôi chứ không định kể chuyện bạo lực. Nhiều khi muốn gởi gắm một ẩn ý gì đó thì người ta dùng cách chơi chữ như vậy. Ở đây ngài Xá Lợi Phất nhân dịp này ngài nói: “Ta ăn không cúi mặt, cũng không ngửa mặt, không nhìn hướng nào hết.” Nữ du sĩ ngạc nhiên, trời đất có mười hướng, mà không ngó hướng nào, không lẽ ngài ăn ngài nhắm mắt?

Ngài Xá Lợi Phất trả lời: Những người kiếm sống bằng tà mạng như thầy địa lý hoặc nghề thấp kém thì gọi là ngó xuống đất mà ăn. Những người sống bằng nghề chiêm tinh là ngó lên trời mà ăn. Những người sống bằng những tà mạng như bói toán, môi giới trung gian, đưa tin tức là ăn hướng mặt về bốn phương… Riêng ngài không sống bằng những nghề nghiệp thế tục mà bằng hạnh khất thực chân chánh của Sa-môn.

‘Nakkhatta’: ‘ngôi sao’. ‘Nakkhattavijja’: ‘khoa chiêm tinh’, ‘thiên văn’ thời xưa. ‘Vatthuvijja’: địa lý phong thủy.

Các vị vào Google gõ chữ: ‘india vastu’ hoặc ‘feng shui’ để biết; tiếng Sanskrit là ‘vastu’, Pāḷi là ‘vatthu’, nghĩa là ‘nền nhà’, tiếng Hán gọi là ‘trạch’ (thổ cư)

“Chân chánh” nghĩa là bản thân mình sống đức hạnh với mục đích là giải thoát sinh tử chớ không phải là giá áo túi cơm. Với một lý tưởng sống như vậy, khi nào cần ăn thì ôm bình bát đi trên đường trong giờ quy định. Khi đi khất thực không mong đợi ai đó cúng cho mình món này món nọ mà chỉ mong có cái bỏ bụng cho no để có sức khỏe tiếp tục hành đạo. Ngài không sống bằng nghề tà mạng như thầy trừ tà chữa ma, bói toán, chiêm tinh, địa lý.

Nữ du sĩ nghe ra liền hiểu, thì ra “Ăn xin kia cũng dường ba bảy đường”. Bà bội phần hoan hỉ và đi khắp nơi tán thán:

“Sa-môn Thích tử dùng các món ăn một cách hợp pháp. Sa-môn Thích tử dùng các món ăn một cách không có lỗi lầm. Hãy cúng dường các món ăn cho Sa-môn Thích tử”.

Nếu có một lý tưởng tu hành đàng hoàng, sinh hoạt có nguyên tắc, có quy định, khi ôm bát trên đường không có lòng trông mong người ta quì sụp dưới chân cúng dường món mình muốn mà chỉ mong có gì để ăn cho qua bữa. Ráng sống cho có tuổi một chút, sẽ có một ngày quí vị nhận ra rằng được ăn ngon không quí bằng không đói, được mặc đẹp không quí bằng không lõa lồ lạnh lẽo. Không đói, không thèm, quí hơn được ăn ngon. Không có nhu cầu đi đứng tốt hơn là được sử dụng thứ sang trọng.

Tôi có biết một ông hàng xóm bên Mỹ. Một ngày nọ, tôi hỏi ông:

– You ở đây bao lâu rồi?

– Từ Đệ nhị Thế chiến, sau 1945 ông nội tôi sang đây ở. Tôi là người Bosnia. Tôi đi nhiều tiểu bang nhưng từ năm 1967 đến giờ tôi ở đây, không đi đâu nữa.

– You không thấy chán, thấy đơn điệu sao?

– Không. Ông muốn đi mà đi không được thì khổ lắm. Còn tôi thì tôi không muốn đi.

Hay là ở chỗ đó!

Tôi nhớ trong Chuyện Phiếm Thầy Tu của tôi có viết bài Nhưng Rồi Có Những. Có những người, cái ở lại của họ là để họ có thời gian lên cao, vào sâu. Có những người ở lại chỉ là ở lại với đôi chân bất lực. Có những chuyến đi đẹp, là cần thiết, đi để học hỏi, tích cóp cái hay từ thiên hạ, có những cái đi là trôi dạt, lang thang, tiêu phí năng lượng.

Bây giờ là 4h13. Mấy ngày nay nghe mấy bài kinh về năm uẩn chắc là bà con mệt lắm. Tôi sợ bỏ qua rồi có một ngày quí vị nghe lại, đọc không hiểu. Giảng Kinh Tạng thì không được bỏ sót. Tôi mong năm năm, mười năm nữa, nếu còn sống, ít ra quí vị cũng có một ngày ngồi nhớ lại là mình đã nghe hết Kinh Tạng không sót bài nào hết.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app