Bài Kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta – Đại Kinh Thiết Lập Niệm – Buổi 8

Hôm nay là ngày 5/11/2023, vào giờ này là giờ thích hợp để hội chúng lắng nghe diệu Pháp. Để giúp và hỗ trợ cho quý thiện nam, tín nữ và Phật tử, hàng giả đang tu tập thiền Tứ Niệm Xứ, thiết lập niệm, Ngài Tam Tạng thứ 10 sẽ tiếp tục chia sẻ với chúng ta bài kinh Đại Thiết Lập Niệm và hôm nay, Ngài Tam Tạng sẽ ban bố cho chúng ta bài pháp tiếp theo trong 1 chuỗi pháp thoại liên tục từ trước cho đến nay, Ngài sẽ tiếp tục chia sẻ bài kinh này với chúng ta.

Trước hết, mời đại chúng cùng nhau niệm Phật với câu “Namo tassa…” 3 lần để cung kính đảnh lễ Đức Phật, Ngài là vị đã thuyết giảng bài kinh Đại Thiết Lập Niệm này:
“Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa
Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa
Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa”

Trong bài kinh Đại Thiết Lập Niệm ở phần niệm thân, niệm xứ hay thiết lập niệm ở trên thân bao gồm 14 phần. Vào tuần trước Ngài đã giảng giải về phần thứ 4, đó là quán tưởng 32 thể trược ở trên thân. Và hôm nay Ngài sẽ tiếp tục đề tài này để cho chúng ta hiểu sâu hơn về đề tài niệm 32 thể trược này.

Ở trong phần Chánh Kinh, Đức Phật có dạy rằng đối với 1 hành giả khi tu tập đề tài 32 thể trược thì giống như 1 người mở 1 cái túi trong đó có đựng đậu, gạo, mè… Người đó có thể thấy rõ đây là đậu, đây là gạo, đây là mè… Đối với 1 hành giả tu tập 32 thể trược cũng vậy, có thể thấy rõ từng phần thể trược trong thân của hành giả, giống như người có mắt sáng thấy những hạt đậu, hạt gạo, hạt mè trong túi vậy.

Cho nên hành giả có thể thấy rõ đặc tính bất tịnh của mỗi phần trong 32 thể trược như thấy rõ sự bất tịnh của tóc, của lông, móng, da… Đức Phật dạy rằng với 1 hành giả tu tập đúng đắn trên 32 thể trược này thì có khả năng thấy rõ sự bất tịnh, dẫn đến sự ly dục, ly bất thiện pháp.

Trên phương diện thực hành, với 1 hành giả khi tu tập phần đầu tiên của 32 thể trược. Với đề mục đầu tiên là tóc của 32 thể trược, trước tiên trong Thanh Tịnh Đạo có dạy rằng, để thấy rõ hình dáng, màu sắc của tóc thì hành giả có thể ngắt 1 hoặc 2 sợi tóc, để trên bàn tay của mình để quan sát. Tóc màu đen nhận biết màu đen, tóc bạc nhận biết màu bạc. Hoặc khi hành giả xuất gia khi cạo tóc, sau mỗi lần cạo tóc hành giả có thể lấy 1 nắm tóc bỏ lên bàn tay của mình để quan sát, để biết rõ hình dáng, màu sắc của tóc như thế nào.

Và khi hành giả lấy đề mục tóc để quan sát, trước hết phải biết rõ màu sắc, hình dáng, hướng mọc của tóc, vị trí của tóc ở nơi nào, đồng thời cũng phải ghi nhận ranh giới của tóc. Đây là 5 điều về tóc cần phải ghi nhớ.

Thì đối với tóc có màu đen hoặc màu trắng, hình dáng nhỏ sợi, phương hướng thì tóc mọc ở phần trên của thân (thân của mình được chia làm phần trên và phần dưới, tính từ rốn để chia ra), vị trí phát sinh của tóc là ở trên da đầu. Ranh giới của tóc là tóc mọc ở trên đầu có ranh giới với những phần khác ở xung quanh đầu.
Không những thế, với ranh giới của tóc, ngoài ranh giới giữa da tóc với những phần khác không mọc tóc, phần bên trong của ranh giới của tóc là da và thịt, còn ở phía trên chỉ có hư không mà thôi.

Và cũng cần nhận biết tóc khác với lông.

Hành giả cũng cần nhận biết sự bất tịnh của tóc qua 5 phương diện. Phương diện thứ nhất đó là màu của tóc, màu bất tịnh của tóc là như thế nào? Là khi có 1 sợi tóc rơi vào thức ăn, thức uống, hoặc hành giả thấy 1 vật gì đó có màu sắc giống tóc và hành giả nghĩ rằng đó là tóc, và cảm thấy nhờm gớm, bảo người khác hay tự mình lấy ra, bởi vì sự bất tịnh màu sắc của tóc như vậy khi hành giả thấy tóc, hay vật gì đó gần giống tóc rơi vào thức ăn, thức uống.

Góc độ thứ 2 là sự bất tịnh của hình dáng tóc. Khi hành giả ăn cơm ở 1 nơi nào đó mà thiếu ánh sáng, nếu thấy 1 vật gì đó giống tóc như 1 sợi chỉ, hay 1 sợi gì đó mà có hình dáng giống tóc, hành giả cũng cảm thấy nhờm gớm vì nghĩ đó là tóc. Khi hành giả quan sát tóc thì cần nhận biết sự bất tịnh của tóc về hình dáng.

Khía cạnh thứ 3 cần quan sát để thấy nhờm gớm, là mùi của tóc. Phải nhìn thấy, cảm nhận được sự bất tịnh của tóc thông qua mùi của tóc. Khi hành giả hay khi 1 người không tắm, không gội đầu thì tóc có mùi rất khó chịu. Hoặc khi tóc được đốt lên cũng có 1 mùi khét khó chịu. Đó là mùi bất tịnh của tóc. Khi hành giả lấy đề mục tóc để quan sát thì cũng cần nhận biết sự bất tịnh của tóc thông qua mùi của nó.

Góc cạnh bất tịnh thứ 4 của tóc là vị trí phát sinh của nó. Tóc là 1 vật bất tịnh và nơi phát sinh của nó cũng bất tịnh. Nơi phát sinh hay vị trí phát sinh của tóc là ở trên da đầu, da đầu cũng là 1 vật bất tịnh, vật bất tịnh này cũng liên quan với vật bất tịnh khác là máu, đàm… Cũng giống như chúng ta nhìn thấy những cây rau, cây hoa mọc ở trên đất, thì những cây rau, cây hoa mọc trên vị trí không sạch sẽ. Cũng tương tự vậy, tóc được mọc trên những vật bất tịnh. Hành giả cần nhận biết góc cạnh này, biết rằng nơi mà vị trí tóc mọc lên cũng là những vật bất tịnh.

Hồi nãy Ngài trình bày góc cạnh thứ 4 của tóc là dựa trên những vật bất tịnh khác để phát sinh. Tức là tóc là quả, còn những vật khác là nhân để cho tóc phát sinh.

Góc độ thứ 5 của tóc đó là nguyên nhân làm khởi sinh lên tóc. Hay những yếu tố để tạo ra tóc cũng bất tịnh. Những nguyên nhân tạo ra tóc cũng là những phần liên quan với tóc như máu, những dưỡng chất để làm phát sinh nuôi tóc… cũng là những vật bất tịnh. 2 phần này, phần thứ nhất là nơi phát sinh tóc, và nguyên nhân làm phát sinh tóc cũng có sự tương tự nhau, cũng là tóc mọc lên hoặc sản sinh ra từ những vật bất tịnh khác như da, máu và những thứ bất tịnh khác ở trong thân.

Như vậy, hành giả khi quan sát tóc để thấy được sự bất tịnh của tóc, thì cần thấy được 5 góc cạnh bất tịnh của tóc là màu sắc bất tịnh, hình dáng bất tịnh, mùi bất tịnh, nơi phát sinh bất tịnh, nơi mà tóc dựa vào hay nguyên nhân làm phát sinh, nuôi dưỡng tóc cũng là những thứ bất tịnh.

Tương tự như vậy, những bộ phận bất tịnh khác trong 32 phần bất tịnh cũng cần phải quan sát sự bất tịnh của mỗi phần bất tịnh theo 5 góc cạnh như vậy: lông, móng, răng, da… 20 phần bất tịnh thuộc về đất, 12 phần bất tịnh thuộc về nước, thì cũng cần quan sát thông qua 5 khía cạnh bất tịnh như vậy.

Đối với hành giả tu tập 32 thể trược này, có khi chỉ cần tu tập 5 thể trược đầu tiên thôi là tóc, lông, móng, răng, da, quan sát từng phần từng phần thể trược như vậy thông qua 5 khía cạnh thì cũng có thể khiến cho 1 hành giả trở thành 1 người ly dục, ly bất thiện pháp.

Đối với 1 hành giả khi quan sát 32 phần thể trược này, mỗi phần như vậy hành giả khi tu tập đúng đắn và có sự tiến triển thì kết quả là có thể khiến hành giả chứng đắc sơ thiền, từ sơ thiền hành giả xuất ra khỏi sơ thiền và thực hành thiền quán, thì hành giả mới có thể đạt được Thánh Đạo, Thánh Quả, diệt được phiền não. Và lộ trình tu tập của 32 thể trược này, trước hết hành giả đạt đến sơ thiền ở trong thiền định, rồi xuất ra khỏi sơ thiền chuyển qua thiền quán để biết rõ danh sắc, pháp sắc với bản chất riêng và bản chất chung của danh pháp, sắc pháp.

Như vậy, ở trong phần niệm thân bao gồm 14 phần, và phần thứ 4 của niệm thân là quán 32 thể trược. Sau phần quán 32 thể trược, Đức Phật dạy quán tứ đại hay phân tích tứ đại. Tứ Đại bao gồm đất, nước, gió, lửa. Như Ngài Tam Tạng đã trình bày ở phần thứ 4 của niệm thân, đó là 32 thể trược, và 20 thể trược đầu là đất, 12 thể trược sau là nước, còn lửa là có 4 yếu tố, gió có 6 yếu tố. Tổng cộng tất cả những yếu tố trong tứ đại này là 42 yếu tố.

Liên quan đến phần quán tứ đại, ở trong Thanh Tịnh Đạo có giải thích rằng, Đức Phật có dạy khá nhiều bài kinh về quán tứ đại. Ví dụ bài kinh Hatthipadopamasutta (bài kinh ví dụ dấu chân voi), bài kinh phân tích tứ đại (Dhātuvibhaṅgasutta), bài kinh Giáo giới Rāhula (Rāhulovādasuttaṃ) và 1 chương về phân tích tứ đại ở trong bộ phân tích thứ 2 của Tạng Vi Diệu Pháp.

Sự quan sát 32 thể trược với quan sát tứ đại hay phân tích tứ đại thì có sự khác biệt như thế nào? Đối với phần quán 32 thể trược, ví dụ phần thể trược tóc, thì khi hành giả quan sát là để thấy rõ sự bất tịnh của tóc. Và đối với sự quan sát như vậy là dành cho người có tính tham nhiều, có bản tính tham là chủ đạo. Còn đối với hành giả khi quan sát phân tích tứ đại, thì hành giả này có tính hiểu biết, hay tính trí tuệ. Nên đối với 1 hành giả có tính tham thì quan sát 32 thể trược, và với hành giả có tính trí tuệ cần quan sát hay phân tích tứ đại.

Ở trong Kinh có 1 ví dụ để quan sát 32 thể trược và phân tích tứ đại. Đó là ví dụ về 1 con bò khi được người ta giết mổ. Khi con bò chưa được phân ra từng phần, vẫn còn hình dáng của con bò cho nên người ta nhìn vào thì sẽ nhận biết được đây là con bò, đây là đầu, là chân của con bò… Sau khi chặt nhỏ từng phần của con bò đó ra, khi nhìn vào người ta sẽ không nhận được phần nào của con bò nữa. Sự quan sát 32 thể trược và tứ đại cũng tương tự như thế, hành giả tu tập 32 thể trược là hành giả có khái niệm phân biệt những bộ phận, những phần của 32 thể trược. Còn sự quan sát tứ đại không còn sự phân biệt từng phần của 32 phần nữa, mà chỉ thấy đặc tính, tính chất của 32 thể trược đó mà thôi.

Vì vậy, đối với 1 người khi chưa tu tập thiền vipassanā, khi nhìn vào 1 người hay vật nào đó, người đó vẫn có những khái niệm, ý niệm về chúng sinh, người nam, người nữ, về người này người kia cũng như vẫn còn những khái niệm, ý niệm của cái ta liên quan đến người này người kia, đến mình. Còn với 1 hành giả khi tu tập thiền quán với đề mục tứ đại, khi nhận biết đặc tính của tứ đại, hành giả không còn ý niệm về chúng sinh, về ta, tôi mà chỉ thấy những đặc tính của tứ đại đất, nước, lửa, gió mà thôi.

Ở trong tứ đại, 2 phần đầu là đất, nước thì như Ngài đã trình bày trong phần niệm thân thứ 4, 32 thể trược thì 20 phần thể trược đầu tiên là đất, 12 phần thể trược sau là nước. Ngài đã nói rồi, và bây giờ Ngài chỉ giảng tiếp về 4 loại lửa, 6 loại gió.

Đối với 4 loại lửa, loại đầu tiên là những sức nóng khi 1 người bị sốt, bị bệnh tạo ra.

Loại lửa hay sức nóng thứ 2 là lửa làm cho cơ thể già nua, làm cho cơ thể trưởng thành. Thì lửa hay sức nóng làm cho chúng sinh được trưởng thành, lớn lên, già nua đi là loại lửa thứ 2.

Loại lửa đầu tiên mà hồi nãy đã trình bày, là 1 loại lửa (nhiệt độ) của cơ thể, còn gọi là thân nhiệt của cơ thể. Loại lửa thứ 2 là loại lửa làm cho 1 người làm lớn lên, trưởng thành, rồi già nua. Loại lửa thứ 3 là sức nóng quá độ khi 1 người bị cảm sốt, tăng nhiệt độ bất thường.

Loại lửa thứ 4 đó là sức nóng giúp tiêu hóa các thức ăn khi thức ăn được đưa vào bao tử. Nhờ loại lửa này mà những thức ăn đó được tiêu hóa tốt.

Khi hành giả quán tưởng về tứ đại hay phân tích tứ đại thì liên quan đến đề mục lửa (hỏa đại) thì hành giả khi nhận biết yếu tố nóng ở trong cơ thể, dù bất kỳ ở chỗ nào, tay, chân, bụng… thì hành giả cần phải nhận biết sức nóng hay yếu tố lửa đó mà thôi, chứ không có khái niệm, ý niệm rằng tay ta nóng, chân ta nóng, bụng ta nóng hay ta đang nóng, mà chỉ nhận biết rõ ràng sự sinh khởi của yếu tố nóng, sự hiện hữu và mất đi của yếu tố nóng mà thôi.

Và phần tứ đại tiếp theo là phong đại hay yếu tố gió. Yếu tố gió có đặc tính là chuyển động, là phồng lên xẹp xuống hay bành trướng. Vì vậy gió ở trong cơ thể có 6 loại. Loại thứ nhất là gió hướng đi lên, là loại gió có thể làm cho 1 người bị nấc cụt hay nôn mửa.
Loại gió thứ 2 là gió đi xuống. Ở trong cơ thể, nhờ gió đi xuống này mà giúp cho 1 người bài tiết những chất thải ra ngoài.

Loại gió thứ 3 là gió ở trong bụng. Loại gió thứ 4 là trong ruột, để giúp cho sự hoạt động của ruột.
Loại gió thứ 5 là gió ở trong tứ chi, trong tay, chân, nhờ loại gió này mà tay, chân hay cơ thể chúng ta mới hoạt động được.

Và loại gió thứ 6 là hơi thở vào, hơi thở ra.
Cho nên, đối với yếu tố gió thứ 6, khi hành giả thực hành thiền hơi thở, chú tâm quan sát hơi thở vào, hơi thở ra ở lỗ mũi, khi đó hành giả thực hành thiền hơi thở. Nói cách khác, hành giả dùng hơi thở để phát triển định tâm theo phướng pháp thiền định. Còn khi hành giả chú tâm vào quan sát sự chuyển động ở lỗ mũi, thì hành giả đang thực hành thiền quán, vì hành giả biết được chú tâm vào sự chuyển động của yếu tố gió mà thôi, đó là sự khác biệt giữa đề mục hơi thở vào, hơi thở ra và đề mục gió. Nói cách khác đó là sự khác biệt giữa thực hành thiền định hơi thở vào, hơi thở ra và thực hành thiền quán với đề mục gió là sự chuyển động.

Như vậy, về phần quán tưởng tứ đại hay phân tích tứ đại có tất cả là 42 phần nhỏ, bắt đầu là yếu tố tóc, cuối cùng là hơi thở vào, hơi thở ra. Ngài Tam Tạng sẽ giảng giải tóm tắt về yếu tố đầu tiên là yếu tố tóc khi hành giả thực hành quan sát theo cách quan sát hay phân tích tứ đại.

Tóc là 1 trong 20 phần thuộc về yếu tố đất, yếu tố đất có bản chất cứng hoặc mềm. Vì tóc có bản chất cứng nên tóc thuộc về đất. Đối với 1 hành giả khi thực hành yếu tố tóc trên phương diện quan sát giống như quan sát hay phân tích tứ đại, có thể cắt 1 sợi tóc, dùng tay để cảm nhận sẽ thấy tóc có bản chất cứng. Vì có bản chất cứng như vậy đối với 1 người có sự hiểu biết hay có ngộ tính cao, thì khi đó sẽ nhận biết tóc chỉ có bản chất cứng mà thôi. Bản chất cứng này không phải là ta, không phải của ta mà chỉ là 1 pháp thuộc về tứ đại có bản chất cứng. Với người có ngộ tính cao, chỉ cần nhận biết, quan sát như vậy thì cũng có thể giác ngộ.
Đối với những hành giả không có ngộ tính cao, trong Thanh Tịnh Đạo hướng dẫn cách quan sát yếu tố tóc là đất, thì cần phải quan sát như sau. Và trong Thanh Tịnh Đạo có đưa ra 1 ví dụ là cũng giống như 1 ụ mối, hay ở bên đường hay ở ngoài cánh đồng, ụ mối này có thể là cao có thể thấp, có 1 ít cỏ mọc trên ụ mối đó. Khi cỏ mọc trên ụ mối đó, ụ mối đó không biết cỏ mọc trên ụ mối đó, và cỏ cũng không biết bản thân mình mọc trên ụ mối. Ý nói rằng, sự việc cỏ mọc trên ụ mối và ụ mối bị cỏ mọc trên đó là vắng bóng sự hiểu biết, chúng không biết rằng chúng lệ thuộc vào nhau. Cũng tương tự như vậy, đối với 1 hành giả khi quan sát yếu tố tóc, tóc mọc ở trên da đầu và da đầu không biết rằng tóc mọc trên nó, và tóc cũng không biết nó mọc trên da đầu. ý nói rằng sự liên hệ lệ thuộc lẫn nhau mà chúng nó không biết, nói lên 1 đặc tính vô ngã của sự lệ thuộc đó. Nó lệ thuộc lẫn nhau mà không có bản chất ngã hay ý muốn của 1 ai đó xen vào.

Đối với 1 hành giả quan sát yếu tố tóc trên phượng diện tứ đại, hành giả nhận biết bản chất vô ngã đó là nhận biết sự lệ thuộc vào nhau. Tóc lệ thuộc vào da đầu và các yếu tố khác, để thấy rõ bản chất vô ngã của tóc, không phải là lệ thuộc vào ý muốn của 1 ai đó hay hành giả, và những yếu tố khác trong 20 thể trược thuộc về đất cũng tương tự như vậy, mỗi yếu tố cũng cần quan sát để nhận biết đặc tính hay bản chất vô ngã của nó.

Đối với 6 loại gió khi hành giả quan sát, phân tích trên phương diện tứ đại cũng thực hành giống như Ngài đã từng hướng dẫn, liên quan đến đề mục hơi thở vào, hơi thở ra vậy. Đối với 6 loại gió, hành giả có thể sử dụng hơi thở vào, hơi thở ra để thực hành đầu tiên. Hành giả có thể quan sát, nhận biết hơi thở vào, hơi thở ra để thiết lập sự định tâm, khi đó hành giả có thể được nói là có được sát-na định. Khi hành giả có sát-na định, hay là có sự tĩnh lặng của tâm rồi thì có thể hướng tâm để nhận biết sự chuyển động của hơi thở vào, hơi thở ra ở lỗ mũi, và khi nhận biết sự chuyển động tại lỗ mũi đó là yếu tố gió, hay bản chất của gió.

Thật ra có 8 loại sắc pháp mà không thể nào tách rời ra được. Trong tập hợp sắc pháp 8 loại này, có đất, nước, lửa, gió, mùi, vị, màu sắc, dưỡng chất. Như vậy, ở trong tóc cũng có tứ đại, máu cũng bao gồm tứ đại trong đó, hơi thở vào ra cũng bao gồm tứ đại trong đó. Tuy nhiên khi nói tóc là đất, bởi yếu tố đất vượt trội, nghĩa là bản chất cứng ở trong tóc vượt trội, vì vậy gọi tóc là yếu tố đất. Tương tự như vậy, những yếu tố thuộc về nước cũng có đầy đủ tứ đại trong đó, nhưng mà yếu tố nước hay bản chất kết dính có tính vượt trội, nên mới gọi là nước. Hơi thở cũng vậy, sở dĩ gọi hơi thở là gió, vì yếu tố chuyển động hay bản chất, đặc tính chuyển động vượt trội nên gọi là gió, nhưng thực ra có cả tứ đại ở trong đó. Cho nên, đối với 1 hành giả khi tu tập thiền quán, hành giả quan sát sắc pháp, thì loại sắc pháp mà không thể tách rời ra là có 8 loại, thì trong 8 loại không thể tách rời ra có cả đất, nước, gió, lửa.

Cho nên khi hành giả thực hành thiền, thì 4 yếu tố tứ đại này biểu hiện cho hành giả nhận biết, quan sát. Ví dụ khi hành giả ngồi thiền nửa tiếng đồng hồ, thì sự biểu hiện nổi bật nhất đó là sự tê cứng ở chân, thì sự tê cứng ở chân là sự biểu hiện rõ ràng, nổi trội của yếu tố đất. Hoặc khi hành giả cảm thấy nóng ở 1 bộ phận nào đó trong cơ thể, hành giả quan sát yếu tố nóng đó, bởi khi đó yếu tố lửa đang nổi trội, đang biểu hiện cho hành giả quan sát. Hoặc hành giả cảm thấy có mồ hôi toát ra, hay nước miếng toát ra, đó là biểu hiện nổi bật của yếu tố nước, hành giả cũng cần quan sát những biểu hiện yếu tố nước như vậy. Hoặc khi hành giả thấy nhận biết sự chuyển động của 1 phần nào đó trong cơ thể, hoặc thấy sự chuyển động của bụng, hay của hơi thở, thì đó là sự biểu hiện nổi bật của yếu tố gió. Khi các yếu tố đất, nước, lửa, gió biểu hiện như thế nào trong sát-na hiện tại thì hành giả hãy nhận biết biểu hiện của 4 yếu tố đất, nước, lửa, gió khi nó sinh khởi, nó tồn tại và mất đi.

Như vậy, khi hành giả có khả năng nhận biết những yếu tố của tứ đại đang biểu hiện, thì hành giả cũng có khả năng bắt được, nhận biết được khi chúng sinh khởi, nếu 1 hành giả có khả năng biết được 1 trong 4 yếu tố của tứ đại như đã trình bày, thì dần dần hành giả cũng có thể nhận biết được trong mỗi tứ đại đó không chỉ có 1 mà có cả 4 tứ đại ở trong đó. Khi đó hành giả đã thấy được, đã phân tích được tứ đại trên phương diện là những yếu tố tự nhiên mà thôi, từ Pāḷi là sambhava (https://youtu.be/Pz05RcXJ0Lw?t=4947) – những yếu tố tự nhiên. Những yếu tố tự nhiên, hay sambhava ở đây nghĩa là sự thấy biết, không có khái niệm ta, của ta, không có khái niệm chúng sinh, không có khái niệm người nam, người nữ, người này, người kia mà chỉ có những pháp tự nhiên là đất, nước, lửa, gió mà thôi. Khi những yếu tố tự nhiên này hiện rõ trong tâm trí, trí tuệ của hành giả thì khi đó hành giả đã có khả năng nhận biết được, phân tích được 4 loại tứ đại này. Khi phân tích, thấy rõ được 4 loại tứ đại này là những pháp tự nhiên, không có khái niệm ta, của ta, chúng sinh… thì hành giả có được 1 trí tuệ gọi là trí tuệ phân tích sắc pháp.

Sau khi hành giả có khả năng nhận biết, phân tích được tứ đại chỉ là những pháp tự nhiên, hành giả cần có sự hiểu biết đối với danh pháp. Trong Chú Giải giải thích rằng khi hành giả phân tích danh pháp thì cần nhận biết yếu tố xúc phassa, thọ vedanā và yếu tố tâm citta. Đó là 3 yếu tố thuộc về danh pháp có sự hiểu biết rõ ràng để cho hành giả có thể nhận biết và phân tích được. Và trong 3 yếu tố này thì yếu tố thọ thường nổi trội đối với 1 hành giả đang hành thiền. Ví dụ đang tọa thiền thì hành giả có thể cảm nhận được yếu tố cảm thọ đang sinh khởi, khi có yếu tố cảm thọ sinh khởi thì hành giả cũng cần nhận biết, quan sát cảm thọ đó.

Cũng giống như khi hành giả quan sát, phân biệt tứ đại, nếu hành giả có khả năng nhận biết, phân biệt được địa đại có tính chất cứng, mềm, thì hành giả cũng có thể nhận biết được 3 yếu tố còn lại của địa đại, vì 3 yếu tố đó cũng bao gồm trong yếu tố đất. Tương tự như vậy, khi hành giả nhận biết, phân biệt yếu tố cảm thọ thuộc về danh pháp, hành giả cũng sẽ dần dần có khả năng hiểu biết và phân biệt được yếu tố xúc và yếu tố tâm, bởi vì xúc và tâm đồng sinh, đồng diệt với yếu tố cảm thọ.

Và hành giả khi nhận biết, phân biệt được yếu tố thuộc về danh pháp là thọ, xúc và tâm. Những yếu tố này chỉ là yếu tố tự nhiên, không có khái niệm ta, của ta, hay là của 1 ai cả, mà chỉ là những danh pháp phát sinh, diệt theo điều kiện của chúng. Khi hành giả có khả năng nhận biết như vậy, hành giả có sự hiểu biết phân biệt về danh pháp. Như vậy khi hành giả có khả năng phân biệt được sắc pháp, danh pháp như trình bày thì hành giả thiết lập được 1 sự hiểu biết nền tảng, là phân biệt được danh pháp, sắc pháp. Ngoài sắc pháp, danh pháp này ra không có gì gọi là ta, của ta, không có gì gọi là chúng sinh. Có khả năng phân biệt được như vậy gọi là khả năng phân biệt được danh pháp, sắc pháp, đây là 1 sự hiểu biết, hay là 1 tuệ giác nền tảng của thiền tuệ.

Liên quan đến sự thực hành thiền quán, trong phần Chánh Văn của bài kinh Đại Thiết Lập Niệm này có 1 cụm từ chúng ta cần lưu ý, cụm từ rất là quan trọng đó là cụm từ “Samudayadhammānupassī vā kāyasmiṃ viharati” nghĩa là “hành giả sống quán thân như là thân, quan sát sự sinh và quan sát nguyên nhân của sự khởi sinh”. Đối với cụm từ này, trong Chú Giải giải thích rằng Samudayadhamma là nguyên nhân khởi sinh của các danh pháp, sắc pháp. Còn trong Phụ Chú Giải giải thích Samudayadhamma là sự khởi sinh. Đây là 1 cụm từ có 2 nghĩa, 2 nghĩa này cũng liên quan đến sự thực hành của chúng ta, và cả 2 nghĩa đều có 1 ý nghĩa quan trọng. Như ở trong phần thực hành tứ đại, chúng ta cũng cần quan sát trên 2 phương diện này. Thứ nhất là chúng ta nhận biết, quan sát được những nguyên nhân làm khởi sinh tứ đại, đồng thời chúng ta cũng quan sát sự sinh khởi của tứ đại. Đây là 2 khía cạnh khác nhau: nguyên nhân sinh khởi – và sự sinh khởi.

Ý nói ở đây rằng, hành giả cần nhận biết nguyên nhân làm khởi sinh lên tứ đại. Nguyên nhân khởi sinh tứ đại ở đây bao gồm nguyên nhân quá khứ và hiện tại. Nguyên nhân quá khứ là vô minh avijja, tham ái taṇhā và nghiệp kamma – đây là 3 nguyên nhân thuộc về quá khứ. Nguyên nhân hiện tại làm khởi sinh tứ đại, duy trì tứ đại là những thức ăn, thức uống mà chúng ta sử dụng mỗi ngày (còn gọi là nguyên nhân gần).
Yếu tố hay khía cạnh thứ 2 là sự sinh khởi của tứ đại. Hành giả phải có khả năng nhận biết sự sinh khởi của tứ đại. Sự sinh khởi của tứ đại ở đây là tứ đại sinh khởi trong sat-na hiện tại. Khi những yếu tố tứ đại khởi sinh ngay trong sat-na hiện tại thì hành giả cần nhận biết tứ đại đang sinh khởi. Ví dụ khi hành giả quan sát sự chuyển động của hơi thở ở lỗ mũi, hay sự chuyển động của gió ở lỗ mũi, thì hành giả cần nhận biết khi hơi thở, hay yếu tố gió khởi sinh lên, thì hành giả cần nhận biết khi nó đang sinh khởi trong sát-na hiện tại. Để biết rõ sự sinh khởi của yếu tố gió hay là những yếu tố khác của tứ đại, hành giả cũng cần nhận biết sự biến mất, sự không còn nữa của tứ đại. Bởi vì sự diệt cũng là 1 phần liên quan đến sự sinh, nên để thấy rõ sự sinh của tứ đại, hành giả cũng cần nhận biết sự diệt của tứ đại.

Tương tự như vậy đối với danh pháp, ở đây là cảm thọ vedana, thì sau khi hành giả phân biệt được những yếu tố danh pháp, hành giả cũng cần phân biệt nguyên nhân làm khởi sinh danh pháp, nguyên nhân làm khởi sinh lên cảm thọ. Ở đây nguyên nhân nào làm khởi sinh lên cảm thọ? Là sự tiếp xúc giữa 6 giác quan và 6 đối tượng trần cảnh, khi có sự tiếp xúc giữa 6 căn và 6 trần thì cảm thọ khởi sinh lên. Sự tiếp xúc của 6 căn và 6 trần chính là nguyên nhân phát sinh cảm thọ, hành giả cần nhận biết được như vậy.

Yếu tố cảm thọ này cũng khởi sinh lên và mất đi trong từng sát-na. Khi hành giả có khả năng nhận biết được sự khởi sinh lên, sự mất đi của những cảm thọ thì hành giả có khả năng, có sự hiểu biết về sự sinh khởi của cảm thọ. Đây là khía cạnh thứ 2 của yếu tố cảm thọ. Hành giả có khả năng nhận biết sự khởi sinh của cảm thọ, thì hành giả cũng có sự hiểu biết về cảm thọ. Cũng giống như, có 1 ví dụ để diễn tả sự khởi sinh lên, sự mất đi của cảm thọ. Đó là khi những hạt mưa rơi trên mặt hồ tạo nên những bọt trắng trên mặt hồ, thì những bọt trắng này như những cảm thọ. Nước mưa tiếp xúc với mặt hồ tạo nên bọt nước, bọt nước này sinh lên rồi biến mất. Cũng như vậy, cảm thọ được khởi sinh lên khi xúc chạm của 6 căn và 6 trần, cũng sinh cũng diệt như những bọt nước trên mặt hồ vậy.

Khi hành giả có khả năng nhận biết được nguyên nhân làm khởi sinh lên sắc pháp, nguyên nhân làm khởi sinh danh pháp, sự khởi sinh của sắc pháp và sự khởi sinh của danh pháp, khi đó hành giả có khả năng hiểu biết, phân biệt được nguyên nhân của danh pháp và sắc pháp. Đây là 1 loại trí tuệ nền tảng thứ 2 của thiền tuệ vipassana.

Và khi tuệ giác của hành giả được tu tập thì trí tuệ sẽ trở nên sắc bén, có khả năng nhận biết được sự sinh lên, mất đi của danh pháp và sắc pháp, cũng như sự sinh lên, mất đi của nguyên nhân làm khởi sinh lên danh pháp, sắc pháp. Như vậy hành giả có thêm 1 sự hiểu biết, 1 tuệ giác tiếp theo là sự hiểu biết hay tuệ giác của sự sinh diệt danh pháp, sắc pháp.

Và khi hành giả có khả năng nhận biết 1 cách trực tiếp đối với danh pháp, sắc pháp, đối với nguyên nhân làm khởi sinh lên danh pháp, sắc pháp cũng có khả năng nhận biết được sự sinh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp với tuệ giác trực tiếp. Khi đó hành giả có được trí tuệ gọi là tu tuệ – là sự hiểu biết trực giác, trực nhận chứ không phải thông qua sự đọc sách hay nghe giảng. Mặc dù sự hiểu biết do đọc sách, nghe giảng hỗ trợ cho sự tu tập, cho trí tuệ tu tập (tu tuệ) thì khi hành giả tu tập để phát triển loại trí tuệ trực giác chứ không phải để phát triển loại trí tuệ của nghe, đọc sách. Trí tuệ nhờ nghe, nhờ đọc cũng có sự hỗ trợ rất lớn đối với trí tuệ tu tập, trí tuệ trực giác. Nhưng khi tu tập, hành giả cần phát triển trí tuệ trực giác, nghĩa là sự thấy biết 1 cách trực tiếp đối với sắc pháp và danh pháp, cũng như đối với sự sinh diệt của sắc pháp, danh pháp. Và khi hành giả thấy được trí tuệ trực nhận đối với sắc pháp và danh pháp, đối với nguyên nhân của sắc pháp và danh pháp cũng như đối với sự sinh sự diệt của sắc pháp và danh pháp thì hành giả đó được gọi là tiểu Nhập Lưu Cūḷasotāpanna.

Cho nên khi 1 hành giả có khả năng nhận biết được sắc pháp và danh pháp, có khả năng nhận biết được nguyên nhân làm khởi sinh lên sắc pháp và danh pháp 1 cách trực tiếp. Thì trong Chú Giả nói rằng khi đó hành giả thấy được nguyên nhân của khổ. Và sự hiểu biết về nguyên nhân của khổ ở đây chưa phải là trí tuệ hiểu về nguyên nhân của khổ thuộc siêu tam giới, bởi vì bao giờ tâm Thánh Đạo khởi sinh lên, đoạn trừ được nhân sanh khổ, đoạn trừ tham ái 1 cách vĩnh viễn, khi đó mới gọi là trí tuệ siêu tam giới, còn đây mới gọi là trí tuệ lokiya hay còn gọi là trí tuệ trong tam giới mà thôi. Nghĩa là trí tuệ này vẫn là 1 trí tuệ của bậc phàm nhân, chưa phải là trí tuệ của bậc Thánh Nhân.

Và khi hành giả có khả năng trực nhận được, phân biệt được sắc pháp và danh pháp, cũng có khả năng trực nhận được, phân biệt được nguyên nhân làm khởi sinh lên sắc pháp và danh pháp thì khi đó hành giả được gọi là có trí tuệ về Khổ Đế dukkhā sacca – sự thật về khổ.

Và sự thấy biết như thật đối với tứ đại, đối với sắc pháp và danh pháp được gọi là Đạo Đế. Cho nên khi 1 hành giả tu tập thiền quán là hành giả đang phát triển sự chứng ngộ đối với 4 Sự Thật Cao Thượng đó là Khổ Để – Tập Đế – Diệt Đế và Đạo Đế.

Cho nên trong sự tu tập của mỗi hành giả, chúng ta cần phải luôn tinh tấn liên tục để quan sát và nhận biết 1 cách trực tiếp đối với các sắc pháp, danh pháp, và các sắc pháp trong bài giảng hôm nay là tứ đại, các danh pháp là cảm thọ, xúc và tâm. Khi hành giả quan sát và nhận biết rõ những yếu tố sắc pháp, danh pháp này, đồng thời nhận biết nguyên nhân làm khởi sinh lên sắc pháp và danh pháp, và cũng hiểu biết được sự sinh khởi, sự mất đi của sắc pháp và danh pháp là hành giả đang tu tập Đạo Đế, cũng như đang hướng đến sự chứng ngộ 4 Sự Thật Cao Thượng, đó là hiểu biết về khổ, sự đoạn trừ tham ái, cảm nhận được tham ái được đoạn trừ và phát triển, duy trì những yếu tố như chánh niệm, tỉnh giác, biết rõ thuộc về Đạo Đế. Như vậy hành giả khi tu tập thiền quán như vừa đề cập, là hành giả đang hướng đến 4 Sự Thật Cao Thượng, đang trải nghiệm 4 sự thật thuộc về thế gian, và cũng đang hướng đến chứng ngộ 4 sự thật này với trí tuệ xuất thế gian. Và sau đây chúng ta sẽ bắt đầu thời tọa thiền như thường lệ để phát triển sự định tâm và sự hiểu biết trực giác đối với sắc pháp và danh pháp cũng như bản chất sinh diệt của sắc pháp và danh pháp để phát triển tu tập Đạo Đế, hướng đến sự chứng ngộ 4 Sự Thật Cao Thượng trong 2 phương diện, phương diện thế gian và phương diện xuất thế gian.

IMG 7363

Như vậy Ngài Tam Tạng thứ 10 đã giảng giải cho chúng ta về bài kinh Đại Thiếp Lập Niệm, và trong phần niệm thân có 14 phần nhỏ. Và Ngài đã giảng giải cho chúng ta đến phần thứ 5 là phân tích tứ đại. Và Ngài nói rằng, bởi vì sau tuần này là mùa dâng Y Kathina, vì vậy các Phật tử 1 số cũng đi dâng y, Ngài cũng như Sư di chuyển hơi nhiều, nên chúng ta tạm thời nghỉ cho đến khi có thông báo mới, Ngài sẽ tiếp tục giảng những phần tiếp theo của bài kinh này. Sư cũng có thưa với Ngài, còn 1 số câu hỏi trong các buổi trước chưa trả lời, mặc dù cũng không liên quan nhiều đến pháp hành, nhưng tuần trước Sư cũng có hứa những câu nào không liên quan đến pháp hành lắm sẽ được trả lời trong tuần này, nên Sư cũng muốn thỉnh Ngài trả lời luôn để dứt điểm, và để Sư cũng không bị thất hứa. Nên trong tuần này chúng ta sẽ thỉnh Ngài giải thích những câu trả lời còn lại.

Mục Hỏi Đáp

Câu hỏi 1: Cho con hỏi, theo con biết trong kinh tác ý đi đầu các pháp. Trong mơ mình có tác ý như sân hận, vui vẻ… như thật thì có tội không?
Hay nhhững người điên, người mất trí, người bị vong nhập, họ không kiểm soát được hành vi, thì có tạo tội ác không?

Trả lời:
(1) Trong lúc ngủ mà nằm mơ, mặc dù có những cảm giác như vui buồn, sân hận… giống như thật, tuy nhiên khi ngủ tâm bhvanga còn gọi là tâm hữu phần bhavaṅga, hộ kiếp tâm là 1 tâm không có tác ý, không có sự tạo tác nên không có tạo ra ác nghiệp. Không có tội. Bởi vì nó chỉ là 1 dòng tâm thức mà không có tác ý. Tuy nhiên, sau khi nằm mơ và thức dậy, nếu có những tác ý bất thiện, ví dụ khi thức dậy nhớ lại giấc mơ đó, rồi khởi sinh lên tâm thích thú hay khởi sinh lên tâm không thích thú, bực mình thì khi đó mới tạo nghiệp, khi đó mới có tội, chứ trong lúc mơ không có tội.

(2) Đối với những người điên, bị mất trí, bị vong nhập có những hành vi có thể gây tác hại đến người khác. Thì đối với những trường hợp này, mặc dù không biết mình làm những hành động như vậy, nhưng mà vẫn có tội dù tội không giống như bình thường mà thôi. Ví dụ ở trong Luật Tạng vào thời Đức Phật có những trường hợp vị Tỳ Khưu bị điên, mất trí, không biết, những vị như vậy phạm giới, không bị tội. Hoặc ở trên thế gian, đối với những người bị điên, có giấy tờ xác nhận là bị tâm thần, khi phạm tội những tội nào đó, thì cũng không nặng như người bình thường. Cho nên, nói theo luật của thế gian cũng như luật của Đức Phật, thì những người bị điên, bị mất trí, bị vong nhập nếu có hành vi phạm giới, phạm tội thì được miễn tội, hoặc tội rất nhẹ. Tuy nhiên, trên phương diện nghiệp, những người đó cũng tạo ra những nghiệp thuộc về tâm manokamma hay ý nghiệp, cũng có quả xấu nhất định chứ không phải không có. Ví dụ như trường hợp các loài súc sinh, cụ thể là con chó, nó không biết hành động của nó là không đúng, là sai khi nó đuổi rượt cắn mèo, khi nó bắt được mèo cắn làm bị thương, hay chết nó thì vẫn tạo ra nghiệp xấu, mặc dù nó không biết điều đó là xấu. Thì đối với những người không biết, nhưng có hành vi không tốt thì vẫn tạo ra nghiệp, đặc biệt là ý nghiệp. Cho nên những người như vậy vẫn tạo ra ý nghiệp, mặc dù so với người bình thường thì ý nghiệp không nặng như người bình thường.

Câu hỏi 2: Cho con hỏi cận định (Upacāra samādhi) , an chỉ định (Appanā samādhi), sát-na định (Khanika smādhi) có xuất hiện trong Tam Tạng kinh điển, Vi Diệu Pháp không hay do người đời sau chế tác ra.

Trả lời:
Những từ cận định (Upacāra samādhi), an chỉ định (Appanā samādhi), sát-na định (Khanika smādhi) trong Chánh Tạng không đề cập, mà chỉ được tìm thấy trong Chú Giải, Phụ Chú Giải. Tuy nhiên, những từ này không được tìm thấy trong Chánh Tạng, nhưng nội dung mang ý nghĩa của những từ này trong Chánh Tạng rất là nhiều. Ví dụ khi đề cập đến các tầng thiền là an chỉ định, trước khi đạt đến hay trước khi nhập định sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền thì định đó gọi là cận định (gần đến định).

Còn sát-na định là 1 loại định mà trong 1 thời gian ngắn, ở đây có 2 trường hợp, trường hơp thứ nhất là định trước cận định, bởi vì để đạt được cận định là hành giả phải có sự định tâm trong 1 thời gian khá lâu, liên tục từ nửa tiếng đến 1 tiếng mà chưa đạt đến an chỉ định, thì giai đoạn đó gọi là cận định. Tuy nhiên với sát-na định thì sự định tâm không kéo dài lâu như vậy, sẽ ngắn hơn có thể là 10p, 5p và chưa có những hiện tượng ánh sáng xuất hiện, sự định tâm đó gọi là sat-na định trong thiền định.

Loại sát-na định thứ 2 là sự định tâm của thiền quán. Sự định tâm trong thiền quán là sự định tâm theo từng khoảnh khắc, từng sát-na thôi, nhưng những sat-na này là liên tục, mặc dù đối tượng hay là tâm khác nhau nhưng mà trên mỗi đề mục như là danh pháp, sắc pháp đều có sự định tâm. Sự định tâm này là 1 chuỗi sát-na định liên tục. Đây là sát-na định, sự định tâm theo từng khoảnh khắc ở trong thiền quán.

Như có 1 đoạn kinh văn ở trong bộ đầu tiên thuộc Tạng Luật Pārājika cũng nói lên ý nghĩa của an chỉ định và sát-na định, mặc dù không trực tiếp nói rõ những thuật ngữ này, nhưng ý nghĩa vẫn diển tả, liên hệ đến những từ này.

Câu hỏi 3: Các hạng chúng sinh nào không còn tạo nghiệp, bậc Thánh A-la-hán theo con biết không còn tạo nghiệp, vậy các bậc Thánh còn lại còn tạo nghiệp không? Và tại sao các vị đó không còn bị đọa xuống ác đạo?

Trả lời:
Ngài giải thích rằng sở dĩ các chúng sinh đọa vào 4 cõi khổ địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, atula là do 2 loại phiền não đó là tà kiến và hoài nghi. 2 loại phiền não này đã được đoạn trừ vĩnh viễn bởi Thánh Đạo Nhập Lưu (Sơ Đạo), là Thánh Đạo đầu tiên trong 4 Thánh Đạo, chính vậy, 1 bậc Thánh Nhập Lưu không còn đọa cõi khổ nữa. Cánh cửa vào 4 cõi khổ của 1 bậc Thánh Sơ Quả đã đóng lại, bởi 2 loại phiền não là tà kiến và hoài nghi đã được đoạn tận rồi. Chính vì vậy bậc Thánh Sơ Quả Nhập Lưu, Nhất Lai, Bất Lai không còn tái sinh vào 4 cõi khổ nữa.

Trong 10 phiền não, thì 2 phiền não đầu tiên là thân kiến và hoài nghi có khả năng dẫn dắt chúng sinh tái sinh vào 4 cõi khổ, Chính vì vậy 1 bậc Thánh Nhập Lưu đã đoạn trừ 2 phiền não này rồi nên không còn xuống 4 cõi khổ nữa. Tuy nhiên, 10 phiền não này có khả năng dẫn dắt chúng sinh luân hồi ở tam giới dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Nên mặc dù 2 phiền não đầu tiên là tà kiến và hoài nghi đã đoạn trừ rồi, nhưng những phiền nào còn lại chưa đoạn trừ nên 3 bậc Thánh đầu tiên còn tái sinh, nhưng tái sinh trong những cõi vui như cõi người, 6 cõi trời dục giới, vô sắc giới. Trong 10 phiền não đó, ngoài tà kiến, hoài nghi ra thì tham, sân là 2 loại phiền não đã được giảm thiểu bởi Thánh Đạo Nhất Lai, chứ Thánh Đạo Nhất Lai không diệt trừ vĩnh viễn, nên dục tham và sân với 1 bậc Thánh Nhất Lai giảm đi rất nhiều, cho đến khi đạt đến Thánh Đạo Bất Lai thì 2 phiền não kāma-rāga dục tha và dosa sân mới được đoạn tận, vì vậy đối với 1 bậc Thánh Bất Lai thì không còn tái sinh vào dục giới nữa.

Những phiền não còn lại như ngã mạn, vô minh, hôn trầm, thụy miên đã được đoạn tận bởi Thánh Đạo Alahán, chỉ khi nào những phiền não này được đoạn tận hoàn toàn, khi đó mới không tái sinh vào trong tam giới 4 loài nữa, tức là đạt đến vô sinh, không còn tái sinh nữa.

Câu hỏi 4: Đối với những người có tính thích và không thích, thích cái tốt và không thích cái xấu. Ví dụ con thích học không thích đi du lịch, chơi. Thì nói người đó có tâm tham vì thích, có tâm sân vì ghét. Nên 1 người có nhiều tâm tham và sân thì người đó nên tu tập pháp môn như thế nào là thích hợp, và phép tu quán như thế nào thưa Ngài?

Trả lời:
Ngài nói rằng, thật ra khi nói đến tính tình caritā, thì trong 6 loại tính tình trong đó có tính tham, tính sân, tính tìm hiểu… thì những tính tình này là 1 tính tình vượt trội hơn những tính tình khác. Ví dụ 1 người có tính tham nhiều thì tính tham vượt trội hơn những tính khác…

Thì đối với 1 người thường có 1 tính tình vượt trội hơn các tính khác mới gọi là caritā. Trong câu hỏi này những trạng thái tâm tham, tâm sân sinh khởi trong đời sống, thì với 1 người trong chúng ta, thì với phàm nhân đều có những tâm thích, tâm ghét này nhưng thật sự chưa trở thành tính tham, tính sân. Nên mỗi người chúng ta cần có sự nhận biết, quan sát để biết mình có tính tham nhiều, hay sân nhiều.

Một người không thể có 2 loại tham và sân ngang bằng nhau, nên trước hết cần phải nhận biết tâm tham của mình thường xuyên xảy ra hay không, tâm sân thường xuyên xảy ra hay không, nhờ vậy chúng ta mới biết mình tính tham hay sân nhiều, hay 1 tính khác. Thì với người có tính tham vượt trội hơn tính khác thì đề mục thực hành là quán tưởng 32 thể trược như Ngài mới giảng dạy trong ngày hôm nay.

Đối với những người có tính sân vượt trội hơn những tính khác, người đó trước hết nên tu tập tâm từ, phát triển tâm từ, khi phát triển tâm từ cần phát triển tâm từ đến cho mình trước, nguyện cho mình không hận thù, nguyện cho mình không có khổ thân, nguyện cho mình không có khổ tâm. Vì mình mong muốn không hận thù, không khổ thân, không khổ tâm nên mình mới hướng tâm đến chúng sinh, mong cho những người khác, chúng sinh khác không có hận thù, không có khổ thân, khổ tâm giống như mình vậy. Nên với người có tính sân vượt trội cần phát triển tâm từ, còn người tính tham vượt trội cần quán bất tịnh, 32 thể trược để thấy rõ bất tịnh của thân, nhờ vậy tính tham được lắng dịu.

Còn đối với thực hành thiền quán, thì 6 loại tính tình này không liên quan nhiều lắm, mà chỉ liên quan đến đề mục của thiền định mà thôi. Nên khi hành giả quan sát, lấy đối tượng của danh pháp sắc pháp để quan sát, đối chiếu thì đối với 6 loại tính tình này, thì loại tính tình nào cũng phải thực hành như vậy. Vì với hành giả thực hành thiền quán thì đề mục là các pháp chân đế, đó là danh pháp, sắc pháp, là ngũ uẩn, là thân thọ tâm pháp, nên hành giả nào cũng phải quan sát và nhận biết danh pháp, sắc pháp, nhận biết bản chất của danh pháp, sắc pháp, nhận biết nguyên nhân khởi sinh lên danh pháp, sắc pháp. Vì vậy đề mục hay đối tượng của thiền quán là danh pháp, sắc pháp mà thôi, và tính tình nào cũng đều phải thực hành để thấy rõ danh pháp, sắc pháp.

IMG 7364

IMG 7365

Ngài hẹn gặp lại quý vị trong các Pháp thoại sau khi có thông báo. Ngài cầu chúc cho tất cả quý thiện nam tín nữ thân tâm được an lạc, tinh tấn và thành tựu trong sự tu tập giáo Pháp của Đức Phật! Chúc quý vị được an lành!

(bản text do bạn Vũ Thái Bình tốc ký)

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app