07 Món Tài Sản Của Bậc Trí – Ngài Tam Tạng 15 Thuyết Pháp

THẤT THÁNH TÀI – BẨY MÓN TÀI SẢN CỦA MỘT BẬC THIỆN TRÍ

* Bài thuyết pháp tại Thiền Viện Phước Sơn (bài giảng số 04 – Buổi tối, 05/04/2023)
* Thuyết giảng: Ngài Tam Tạng thứ 15 Bhadanta Paññāvaṃsābhivaṃsa
* Chuyển ngữ: Sư Thiện Đức – Kusalaguṇa Bhikkhu
* Nguồn: https://www.youtube.com/live/qFzorur1C78?si=IsYMyZycxqXF_22T

Để bắt đầu bài pháp thoại tối hôm nay, lời đầu tiên Ngài Tam Tạng thứ 15 cầu chúc và rải tâm từ đến cho tất cả quý hành giả có mặt ngày hôm nay, cầu chúc cho tất cả đại chúng thân tâm thường an lạc, tránh khỏi tất cả mọi điều rủi ro tai hại và thành tựu những ý nguyện chân chánh của mình.

Bài Pháp thoại mà Ngài muốn chia sẻ với đại chúng hôm nay, đó là đề tài liên quan đến sự hạnh phúc của con người. Vị đang thuyết pháp, cũng như tất cả chúng ta đang nghe Pháp ở đây, từ khi mới sinh ra từ lòng mẹ vốn không có cái gì. Từ khi sinh ra, chúng ta vốn rất nghèo khó, bởi vì lúc sinh ra không phải với vàng, bạc, của cải, tài sản, thậm chí là không một mảnh vải trên thân. Cũng như khi mới sinh ra, khi tất cả chúng ta từ bỏ cuộc đời này cũng không có gì cả, rất nghèo khó, ra đi với hai bàn tay trắng, vì không mang theo được vào kiếp sau những của cải, tài sản mà chúng ta đã tích góp có được ở trong cuộc đời này. Cho nên, chúng ta đến với cuộc đời này rất nghèo khó và khi từ bỏ cuộc đời này cũng rất nghèo khó, vì chúng ta không mang theo được bất kỳ thứ gì, những của cải tài sản đều bỏ lại hết.

Những của cải, tài sản mà chúng ta sở hữu, sử dụng như nhà cửa, xe cộ, ruộng vườn thậm chí những tài sản mà chúng ta thường mang theo bên người như là vàng, bạc, vòng tay, dây chuyền, … tất cả những thứ này đều sẽ ở lại khi chúng ta từ bỏ cuộc đời này. Khi đến với cuộc đời này chúng ta không có gì cả và khi ra đi khỏi cuộc đời này cũng không mang theo được tài sản vật chất gì. Chính vì vậy, chúng ta đến với cuộc đời này rất nghèo khó và khi ra đi khỏi cuộc đời này cũng rất nghèo khó. Không những chỉ trong kiếp mà chúng ta đang có mặt ở đây, không những chỉ một kiếp mà trong nhiều kiếp ở trong luân hồi, sự đến và ra đi cũng tương tự như vậy. Không những chỉ ở cõi người, mà ở những cảnh giới khác, chúng ta đến và ra đi cũng không mang theo bất kỳ một thứ gì. Cho nên mới nói rằng, bao nhiêu kiếp tử sinh luân hồi, mọi chúng sanh đến và đi đều rất nghèo khó. Bao giờ, chúng ta còn ở trong sinh tử luân hồi, còn tái sinh trở lại thì cũng theo cách này chúng ta dù đến cảnh giới nào, hay ra đi từ cảnh giới nào, mỗi chúng sinh đều đến và đi trong sự nghèo khó, không mang theo bất kỳ một thứ gì, những tài sản của cải đều phải để lại. Nếu chúng ta vẫn còn tái sinh, trôi lăn trong sinh tử luân hồi thì chúng ta vẫn phải trải qua sự đến và sự ra đi một cách nghèo khó như vậy.

Đức Phật thấy điều này nên đã hướng dẫn cho loài người và Chư Thiên cách tu tập trong quá trình sinh sống, khiến cho chúng sinh mặc dù đến với sự nghèo khó nhưng ra đi trong sự giàu có, an lạc. Để từ cõi đời này mà có thể sinh ra trong giàu có ở những kiếp sau, mỗi người cần phải có sự cố gắng thực hành theo những gì mà Đức Phật dạy sau đây.

Đức Phật dạy có 7 Pháp khiến chúng ta trở thành giàu có, an lạc không chỉ trong kiếp này mà cả những kiếp sau:

1. Pháp thứ nhất là Đức Tin (Saddhā): Là niềm tin có sự hiểu biết đối với nghiệp và quả của nghiệp; cũng là niềm tin có sự kính tín đối với Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Cho nên, trong tâm của mỗi người có niềm tin cùng sự hiểu biết đối với nghiệp và quả của nghiệp; có niềm tin kính tín Tam Bảo thì người đó được gọi là có sự đầy đủ về đức tin, thành tựu về đức tin. Đức tin cũng là một tài sản. Vì khi một người có tài sản, của cải thì có thể mua sắm, có được những thứ mình ưa thích nhờ có tài sản, của cải, tiền bạc. Cũng vậy, nếu một người có đức tin thì có thể thành tựu được những thiện pháp, nhờ đức tin một người có thể giữ giới, hành thiền và thành tựu những thiện pháp khác. Cho nên, Đức Phật gọi đức tin là một tài sản quý báu. Nhờ có đức tin nên một người khi mới sinh ra vốn nghèo khó người đó sẽ trở nên sung túc, bình an và giàu có đối với đức tin.

2. Pháp thứ hai là Giới hạnh (Sīla): Như Ngài đã trình bày trong các bài pháp thoại trước, đối với một cư sĩ gìn giữ 5 giới, vào ngày Bát quan trai giữ 8 giới, nếu có thể giữ 10 giới. Đối với những vị xuất gia như là Sadi thì giữ gìn 10 giới, những vị Tỳ-khưu giữ 227 giới căn bản. Đó là những điều giới mà Đức Phật gọi là những tài sản. Đối với một người có được giới hạnh và giữ gìn giới hạnh của mình thì được gọi là thành tựu giới. Đức Phật dạy rằng một người thành tựu giới trở thành một người giàu có, sung túc ở trên cõi đời.

3. Pháp thứ ba là sự hổ thẹn, tội lỗi (Hiri): Hiri nghĩa đen là sự hổ thẹn, không phải là sự hổ thẹn khi chúng ta không có cái này, không có cái kia, khi thiếu ăn, thiếu mặc mà là sự hổ thẹn đối với những việc làm bất thiện, xấu ác. Hiri được gọi là sự hổ thẹn tội lỗi. Sự hổ thẹn đối với những việc làm bất thiện, điều xấu ác; sự hổ thẹn đối với sự sát sinh; đối với việc trộm cắp; đối với việc tà dâm; đối với việc nói dối; đối với việc uống rượu và các chất say. Một người mà có được sự hổ thẹn đối với những việc làm xấu ác, thì người đó thành tựu được Pháp hổ thẹn tội lỗi. Đức Phật dạy rằng một người thành tựu Pháp hổ thẹn tội lỗi thì người đó sống giàu có và sung túc ở trên cõi người.

4. Pháp thứ tư là sự ghê sợ tội lỗi (Ottappa): Nghĩa đen của từ Pāḷi Ottappa là sự ghê sợ, sự sợ hãi. Ở đây không phải là sự sợ hãi đối với những chúng sinh làm cho mình sợ hãi như là sợ ma, sợ Atula, … Khi một người sợ ma hay sợ dạ xoa, hay sợ điều gì đó là tâm sân chứ không phải là sự ghê sợ tội lỗi Ottappa. Ottappa – sự ghê sợ tội lỗi ở đây chính là sự ghê sợ, sự sợ hãi đối với những việc làm bất thiện, xấu ác; sự sợ hãi đối với sự sát sanh; đối với việc trộm cắp; đối với việc tà dâm; đối với việc nói dối; đối với việc uống rượu và các chất say. Cho nên, một người có sự sợ hãi đối với những việc bất thiện này thì người đó thành tựu được Pháp gọi là Ottappa – ghê sợ tội lỗi. Đức Phật dạy rằng người thành tựu Pháp ghê sợ tội lỗi là người có được tài sản, sống sung túc ở trên cõi người.

5. Pháp thứ năm là sự nghe nhiều học rộng (Suta): Sự nghe nhiều học rộng ở đây đến từ việc nghe Pháp. Như chúng ta đang nghe Pháp hay là đọc sách nghiên cứu về Phật pháp, những lời dạy của Đức Phật, hay chúng ta đến gần những bậc thiện trí thức để học hỏi. Đó là những cách khiến cho một người có được sự nghe nhiều, học rộng. Đối với một người có sự nghe nhiều, học rộng liên quan đến Phật Pháp, Chánh Pháp thì người đó có khả năng phân biệt được thế nào là thiện, là bất thiện, cái gì mang lại lợi ích, cái gì không mang lại lợi ích. Nếu một người có được sự nghe nhiều, học rộng đối với Giáo Pháp thì người đó được gọi là thành tựu sự nghe nhiều, học rộng – Suta và Đức Phật dạy rằng đối với một người có được sự nghe nhiều, học rộng thì người đó sống sung túc, giàu có trên cõi người.

6. Pháp thứ sáu là sự rộng lượng sẻ chia, bố thí cúng dường (Cāga): Cāga là sự rộng lượng sự sẻ chia những tài sản, của cải mà ta có được. Sau khi biết rõ những tài sản mình có, phân chia những của cải của mình để sử dụng cho bản thân, cho gia đình, dành một phần cho phước bố thí cúng dường chia sẻ với những người thiếu may mắn hơn mình. Sự chia sẻ, rộng lượng như vậy gọi là Cāga. Sự rộng lượng, sự sẻ chia ở đây không liên quan đến nhiều hay ít vật chất, mà nhiều hay ít là liên quan đến sự tác ý của mình – Cetanā. Đối với một người luôn có sẵn sự rộng lượng, sự sẻ chia với người khác thì người đó có tài sản quý báu gọi là Cāga. Đức Phật dạy rằng nếu một người có sự rộng lượng sẻ chia thì người đó sống sung túc, giàu có trên cõi người.

7. Pháp thứ bảy là Trí tuệ (Paññā): Trí tuệ có rất nhiều loại, có hai loại chính là trí tuệ thế gian và trí tuệ xuất thế gian. Ở đây Đức Phật muốn nói trí tuệ cao nhất là trí tuệ Thánh đạo, Thánh quả A-ra-hán. Ngoài ra, có trí tuệ hướng đến trí tuệ cao nhất là trí tuệ Thánh đạo, Thánh quả A-ra-hán, đó là trí tuệ biết về nghiệp, quả của nghiệp và sự hiểu biết liên quan đến những tầng tuệ của Vipassanā để phát triển hai loại trí tuệ này là: hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp; hiểu biết, phát triển sự hiểu biết đối với các pháp Chân đế, danh pháp, sắc pháp, đối với các đặc tánh của Chân đế, danh pháp, sắc pháp.

Đối với một người có sự hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp thông qua sự quan sát ở bên ngoài, cũng như sự quan sát ở bên trong bản thân người đó để thấy rõ sự vận hành của nhân quả. Sự hiểu biết như vậy gọi là sự hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp.

Hiểu biết rằng những hành động, lời nói, suy nghĩ bất thiện sẽ dẫn đến những quả không tốt; những hành động, lời nói và suy nghĩ thiện sẽ dẫn đến những kết quả an vui. Đó là sự hiểu biết ở trong chính bản thân mỗi người và thông qua sự quan sát từ những người khác, ta sẽ có sự hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp. Sự hiểu biết này gọi là Kammassakathā Sammādiṭṭhi- Chánh kiến đối với nghiệp, sự hiểu biết đúng đắn về nghiệp.

Loại trí tuệ thứ hai mà mỗi hành giả chúng ta đang tu tập là trí tuệ Thiền Tuệ – Vipassanāñāṇa đây là sự hiểu biết về các Pháp chân đế cũng như sự hiểu biết về bản chất thực của các Pháp chân đế. Đó là sự vô thường, sự khổ và sự vô ngã. Nếu như một người có sự hiểu biết đúng về các Pháp chân đế chỉ có danh pháp và sắc pháp, ngoài ra không gì là ta, của ta hay là tự ngã của ta. Đó là sự hiểu biết về danh pháp và sắc pháp hay là các Pháp chân đế. Sự hiểu biết về đặc tánh của các Pháp chân đế hay là ba đặc tính chung (Vô thường, khổ, vô ngã) hay là trí tuệ của Thiền Tuệ.

Đối với một người thành tựu được hai loại trí tuệ, đó là: Trí tuệ về nghiệp và quả của nghiệp cùng với trí tuệ của Thiền Tuệ thấy rõ các Pháp chân đế, danh pháp và sắc pháp cũng như thấy rõ đặc tính chung của danh pháp và sắc pháp (Vô thường – Khổ – Vô ngã), thì người đó được gọi là thành tựu Trí tuệ. Đức Phật dạy rằng một người có được Trí tuệ thì người đó sống sung túc, giàu có trên cõi người.

Bảy pháp mà Ngài Tam Tạng mới đề cập đó là:
1. Saddhā – Đức Tin;
2. Sīla – Giới hạnh;
3. Hiri – Sự hổ thẹn tội lỗi;
4. Ottappa – Sự ghê sợ tội lỗi;
5. Suta – Sự nghe nhiều học rộng;
6. Cāga – Sự rộng lượng, sẻ chia;
7. Paññā – Trí truệ. (Tuệ)

Đây là bảy Pháp mà các bậc thiện trí thường thực hành tu tập. Cho nên cũng gọi là bảy Pháp của các bậc thiện trí. Đây cũng gọi là bảy tài sản quý báu của các bậc thiện trí vì một người sinh ra đều nghèo khó, sống trong nghèo khó nhưng có đầy đủ bảy Pháp này thì đó là tài sản quý báu giúp người đó sống một cách sung túc, giàu có trên cõi người.

Vào thời Đức Phật có một vị cư sĩ tên là Suppa Buddha. Chúng ta cần lưu ý vào thời Đức Phật có hai người tên là Suppa Buddha (một người là cha của Công chúa Yasodharā và một người là chàng thanh niên sống ở gần thành Rājagaha (Vương-xá)). Suppa Buddha là chàng thanh niên mà Ngài muốn nói trong câu chuyện này vốn là một người rất nghèo khó, sống ở gần thành Rājagaha, sống bằng nghề ăn xin, mỗi ngày mang một bát đi ăn xin từ nơi này qua nơi khác. Không những chàng thanh niên Suppa Buddha nghèo khổ, mà còn mắc bệnh ghẻ lở trên người.

Vào một ngày nọ, ở kinh thành Rājagaha, Đức Phật đang thuyết pháp trong một lâu đài. Nhìn từ xa, chàng thanh niên Suppa Buddha nghĩ rằng ở trong lâu đài này chắc chắn sẽ có những người bố thí, nên bây giờ ta hãy đến đó kiếm một chút gì để ăn. Chàng thanh niên Suppa Buddha đã đi đến lâu đài nơi Đức Phật đang thuyết pháp. Khi đến gần, chàng thanh niên mới biết rằng nơi đây Đức Phật đang thuyết pháp chứ không phải nơi bố thí cho người nghèo. Chàng thanh niên Suppa Buddha đi đến một góc ở gần đó và ngồi lắng nghe. Khi ngồi lắng nghe như vậy, chàng thanh niên Suppa Buddha đã thấy được Pháp và chứng đắc được Thánh đạo Thánh quả Tu-Đà-Hoàn (cách gọi khác là bậc Thánh Dự Lưu), mặc dù trước đó là một người ăn xin có bệnh ghẻ lở.

Sau đó, chàng thanh niên khởi lên một ý muốn trình Pháp mà anh ta đã chứng đắc đến Đức Phật, nhưng khi nhìn vào bên trong thì thấy bên trong có vua, các quan đại thần, những người thương gia giàu có đang ngồi nghe Pháp, nên chàng thanh niên đã không dám đi vào mà chỉ đứng ở bên ngoài. Chàng thanh niên đã đợi khi Đức Phật đi ra và hy vọng sẽ trình Pháp với Đức Phật khi Ngài từ bên trong đi ra. Khi Đức Phật thuyết pháp xong, Ngài từ bên trong đi ra, chàng thanh niên Suppa Buddha đã tiến tới gần Đức Phật. Khi đó Vua trời Đế Thích Sakka cũng như Tứ Đại Thiên Vương biết được tâm ý của chàng thanh niên Suppa Buddha. Vua trời Đế Thích hiện xuống cõi người để thử lòng chàng thanh niên Suppa Buddha bằng cách nói với chàng thanh niên Suppa Buddha rằng: “Này thanh niên Suppa Buddha, bây giờ anh hãy nói rằng Đức Phật không phải là Phật; Pháp không phải là Pháp, Tăng không phải là Tăng. Nếu như anh nói như vậy tôi sẽ cho những tài sản gì mà anh mong muốn”. Vua trời Đế Thích Sakka cũng nói rằng: “Này thanh niên Suppa Buddha nghèo khổ, anh là người nghèo khổ, là người ăn xin không có tài sản, của cải, anh cũng là người mắc bệnh ghẻ lở. Vậy anh đến với Đức Phật để làm gì? Đừng đến Đức Phật, anh muốn cái gì thì tôi sẽ cho anh cái đó, anh sẽ sống một cách sung túc, anh đừng đến gặp Đức Phật”. Bằng nhiều cách Vua trời Đế Thích đã thử lòng chàng trai Suppa Buddha.

Khi nghe Vua trời Đế Thích Sakka nói như vậy, chàng thanh niên Suppa Buddha trả lời với một thái độ không hài lòng, chàng thanh niên đã la mắng Vua trời Đế Thích rằng: “Này ông kia, ông không thể nói như vậy, mặc dù ta đây là một người nghèo nàn, người ăn xin có ghẻ lở trên thân thể, nhưng đó là sự nghèo khó ở bên ngoài mà thôi, chứ ta đây có bảy món tài sản của một bậc thiện trí, nên ta sống rất sung túc và giàu có trên cõi đời này”. Sau đó chàng thanh niên đọc lên một bài kệ nội dung nói rằng: “Này ông kia nếu một người mà có bảy món tài sản của một bậc thiện trí đó là: Saddhā – Đức Tin; Sīla – Giới hạnh; Hiri – Sự hổ thẹn tội lỗi; Ottappa – Sự ghê sợ tội lỗi; Suta – Sự nghe nhiều học rộng; Cāga – Sự rộng lượng, sẻ chia; Paññā – Trí truệ, thì người đó sống một cách sung túc giàu có ở trên cõi người, đức Phật và các bậc thiện trí đều nói như vậy nên ông hãy đi đi, đừng đến đây nói với ta những điều không phải”.

Với nhiều cách, Vua trời Đế Thích Sakka đã thuyết phục chàng thanh niên Suppa Buddha, nhưng cuối cùng không thể thuyết phục được nên Vua trời Đế Thích Sakka tiến lại gần Đức Phật và trình bày câu chuyện của chàng thanh niên Suppa Buddha. Đức Phật đã dạy rằng: Này Vua trời Sakka, mặc dù thanh niên Suppa Buddha là người nghèo khó ở bên ngoài, là người có bệnh tật ở trên thân, nhưng ở trong tâm chàng thanh niên Suppa Buddha là người có đầy đủ bảy món báu vật của một bậc thiện trí. Nên thanh niên Suppa Buddha thật sự là người giàu có, sung túc ở trên cõi người.

Mỗi chúng ta mặc dù sinh ra nghèo khó, dù sống một cuộc đời không có nhiều tài sản của cải, mà chúng ta có được bảy món tài sản của một bậc thiện trí như vậy, thì cũng là một người sống sung túc, giàu có trên cõi người. Khi chúng ta đến cõi đời này nghèo khó nhưng ta có được bảy báu vật của bậc thiện trí như vậy, thì khi chúng ta từ giã cõi đời này là chúng ta đã sống một cuộc sống sung túc, giàu có trên cõi đời. Cho nên, tất cả hành giả chúng ta, dù đến cuộc đời này một cách nghèo khó, không có gì, nhưng chúng ta hãy sống ở cõi người một cách sung túc, giàu có với bảy tài sản của một bậc thiện trí, đó là: Saddhā; Sīla; Hiri; Ottappa; Suta; Cāga; Paññā, thì chúng ta ra đi từ bỏ cuộc đời này với những của cải, tài sản mà chúng ta sống sung túc ở cõi người.

Ngài Tam Tạng thứ 15 khuyến khích, sách tấn mỗi hành giả chúng ta, mỗi ngày tinh tấn để tu tập, phát triển bảy món tài sản quý báu của một bậc thiện trí, để khi từ giã cuộc đời này, sau khi sống một kiếp người giàu có, sung túc với bảy món báu vật của một bậc thiện trí. Ngài cầu chúc cho tất cả các quý hành giả luôn tinh tấn và thành tựu bảy Pháp là những tài sản quý báu của một bậc thiện trí, đó là lời kết của bài Pháp thoại tối hôm nay./.

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app