Nội Dung Chính
Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2
Chương 2: Tương Ưng Minh Kiến
ĐẦU NGÓN TAY (Nakhasikhāsutta)
‘Sikha’: đỉnh (top); ‘Nakha’: móng (nail); ‘Anguli’: ngón (finger).
Kiến cụ túc là trí tuệ trong Bốn Đế, tối thiểu là Sơ quả.
Có lần Ngài dạy rằng những vấn đề mà vị Sơ quả đã giải quyết nhiều như dãy núi Himalaya, vấn đề còn sót lại chỉ là 7 viên sỏi tượng trưng cho 7 kiếp luân hồi (nếu có).
* Đất trên đầu ngón tay
Trong kinh này Ngài nói những nỗi khổ niềm đau mà vị thánh bỏ lại nhiều như trái đất, cái khổ còn sót lại ở vị này như một chút xíu đất trên đầu ngón tay. Cho nên, một vị thánh Tu-đà-hoàn, dù nghèo khổ, rách nát tả tơi, kỳ hình dị tướng, không tiếng tăm học thức, bị cuộc đời chà đạp nguyền rủa, theo trong kinh thì vị này vẫn sung sướng hơn vua Chuyển Luân Thánh Vương hay vua Trời Đế Thích hàng triệu hàng tỷ lần. Bởi vì chuyện đầu tiên là vị Tu-đà-hoàn biết chắc chắn mình không rơi trở lại con đường sa đọa. Một người biết rõ như vậy thì có đi trên máy bay mà có chao thì cũng không sợ. Vị đó cũng biết cái cục thịt mấy chục ký này không phải là tôi, không phải là của tôi, vị ấy có khả năng nhìn về mình như nhìn con người khác. Giống như cảm giác nhẹ nhõm của cái ông bị cắm sừng tôi kể trong bài kinh hôm trước, đang đau khổ vì con sắp chết thì phát hiện ra không phải là con của mình.
Có hai cách nói về thế giới và chúng sanh, cách thứ nhất là dùng khái niệm và ngôn ngữ thế gian để nói, như kêu gọi không làm ác để khỏi phải bị sa đọa khổ cảnh, làm thiện để được giàu sang, hạnh phúc, sinh thiên đó là thế giới nói theo cách thông thường của tạng Kinh, tạng Luật. Còn A-tỳ-đàm là cách Đức Phật nói về thế giới này theo lối rốt ráo nhất, như bản chất của cái gọi là chúng sanh chỉ là năm uẩn, chỉ là những thành tố tâm lý (mental compositions). Hiểu nôm na, A-tỳ-đàm giống như Physic, Chemical; học tới già tới chết cũng không hết và có thể dùng Vật lý, Hóa học để nói về cái bàn, cái ghế, chén cơm, chè, cháo v.v…, lúc này mình nhìn ngắm thế giới, nói về vật chất bằng cái nhìn khác. A-tỳ-đàm không phải là cái gì tách rời hai Tạng kia mà A-tỳ-đàm là một cách nói khác của Đức Phật về bản chất rốt ráo. Trong kinh nói thế giới này gồm hai sự thật: Tục đế (conventional truth) và Chân đế (ultimate truth) tức sự thật rốt ráo. A-tỳ-đàm là nói về thế giới theo cách Chân đế. Hai Tạng kia cũng nói về thế giới này nhưng theo cách Tục đế.
Có một chuyện lẽ ra phải nói sau buổi giảng nhưng tôi sợ quên. Ngày xưa thông tin của người này người kia mình không biết tới, bây giờ là thế giới phẳng, một ngày chúng ta biết rất nhiều chuyện của thế giới, chuyện của những người quen biết và thân thiết, cũng vì vậy trách nhiệm sống của chúng ta cũng nhiều hơn. Chúng ta được biết bà cụ Hồ thị Liên là thân mẫu của cô Annette Huỳnh (nickname Anitya room Diệu Pháp trước đây), vừa mất ngày 12-1-2015. Thọ 95 tuổi. Đức chúng như hải, chúng ta cũng lấy năng lượng tập thể của đại chúng gởi đến bà cụ một lời cầu nguyện, mong bà ở cảnh giới nào cũng được an lành. Chúng tôi dành một tí thời gian như vậy vì hai lý do, thứ nhất là chỗ quen biết, thứ hai là hôm nay mình đối xử với người ta như thế nào thì mai này sẽ nhận lại giống vậy. Tây có câu: Anh hãy đối xử với người khác theo cách anh muốn người ta đối xử với anh. Hôm nay có người đi mình nhớ đến người ta, mai này mình đi thì cũng có người nhớ tới mình. Trong room này người trên 50, 60 không ít. Nhiều người hiểu lầm là chỉ có con cháu trong nhà mới hồi hướng, không phải vậy, chúng ta cứ nghĩ nếu mình đang ở trong bịnh viện hay trong tù, thì ai thăm nuôi cũng quí hết. Hoặc mình trong cơn ngặt nghèo lo âu, có người đem lại cho mình một viên thuốc, một hộp trà, một gói bánh thì quí vô cùng, lúc đó không còn là vấn đề thân sơ nữa. Cũng vậy, một người đã ra đi không biết ở cảnh giới nào, có khi con cháu làm đình làm đám hồi hướng um sùm mà không nhận được, nhưng trong khi một chút lòng của người dưng nước lã, nhằm lúc mình có tâm tùy hỷ, phơi mở lòng hoan hỉ với lời chia phước, thì mới nhận được. Y hệt như ở trong tù, trong bệnh viện, con cháu đem đủ thứ hết nhưng nhằm lúc nuốt không vô, nhưng người dưng đem vô một hộp bánh Tây mà nhằm lúc mình ăn được. Cho nên, hôm nay, chúng ta nhất tâm (nói theo kiểu Làng Mai) gởi đến kẻ còn người mất một nguồn năng lượng chia sẻ để cho họ cần cái gì có được cái đó, muốn áo có áo, muốn cơm có cơm, quan trọng nhất là đi đâu về đâu lúc nào cũng một lòng tin Phật, nhớ lời Phật để sống để hành trì, tự lợi và lợi tha. Trong các công đức, công đức nghe pháp và thuyết pháp lớn lắm, vì mang ý nghĩa soi sáng cõi đời và cõi lòng u minh nên công đức rất lớn, mình chia sẻ công đức này cho người ta.
Trở lại Kinh Tương Ưng, có một tin vui, nhờ kinh trùng quá nhiều, không cần phải giảng nữa, mình chỉ việc liếc cái tựa là xong. Ở đây Đức Phật dạy rằng so với địa cầu, so với núi non biển cả, một chút xíu đất trên tay của mình hoàn toàn không nghĩa lý gì hết, cũng vậy, tất cả những khổ ải trầm luân mà vị Tu-đà-hoàn đã đặt xuống, đã giải quyết xong, nhiều như nước trong bốn biển, như đất trong đại địa này, trong khi đó những vấn đề còn dư sót vị đó chưa giải quyết xong chỉ là chút gì đó nhỏ xíu không đáng kể. Hoặc cũng có thể nói theo ngôn ngữ hình ảnh hôm nay, cuộc luân hồi giống như cỗ xe chạy mấy trăm ngàn tỷ cây số rồi, bây giờ vẫn còn tiếp tục chạy bao nhiêu ngàn tỷ cây số nữa không biết, riêng vị Tu-đà-hoàn thì bánh xe của vị ấy chỉ còn là cái trớn lăn thêm bảy mét nữa mà thôi. Bài kinh này đọc thoáng qua không thấy gì hết, Đức Phật chỉ mô tả so sánh nhè nhẹ, gần như không quan hệ gì đến chuyện tu hành, nhưng ngẫm kỹ thì quan trọng lắm. Để ý xem vị Tu-đà-hoàn đã làm được gì thì mới thấy nội dung bài kinh này rất quan trọng. Vị Tu-đà-hoàn về căn bản đã diệt trừ được hai thứ phiền não là hoài nghi và tà kiến. Bình thường mình hay kể là ba: thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ nhưng thật ra giới cấm thủ cũng nằm trong hai phiền não trên. Vị ấy không xem thân này tâm này là một khối như xưa giờ vẫn nghĩ nữa mà vị ấy luôn luôn nhớ rõ, tâm niệm và nhận thức một cách đầy đủ rằng cái gọi là thân hay tâm, cái gọi là chúng sinh, trời người, phàm thánh, trùn dế, Phạm thiên Đế thích, chư Phật hay Thánh tăng, tất cả chỉ là sự ghép nối, cộng hưởng của vô số nhân duyên tương tác. Có do duyên và mất cũng do duyên. Vị ấy hiểu rõ như vậy, cái hiểu này là do tự thân chứng nghiệm chớ không do nghe, do tin, hay do vay mượn từ sách vở, âm thanh, ngôn ngữ mà người khác đem lại.
Một kẻ phàm phu dù có tinh thông Tam tạng, đắc chứng thần thông thiền định, có thông minh, có chiều sâu cỡ nào đi nữa, tu tập tuệ quán sâu sắc đúng mức cỡ nào đi nữa, hễ còn là phàm phu thì cái biết về khổ, vô thường, vô ngã, cái biết về duyên sanh duyên diệt của năm uẩn của danh sắc luôn luôn ở mức độ hạn chế, không có khả năng cắt đứt phiền não, tà kiến, hoài nghi như vị Tu-đà-hoàn. Một khi vị ấy xác định vạn hữu do duyên mà có, và có thì có lúc mất tiêu, với cái biết này vị ấy đặt xuống gánh nặng ba trăm năm chục ngàn tấn, nhẹ hơn Tề Thiên ra khỏi núi Ngũ Hành. Một khi đặt xuống gánh nặng hiểu lầm thì lòng nhẹ lắm. Trong chú giải nhấn mạnh rằng, chỉ riêng Sơ quả cũng đã an lạc khó ngờ vì chấm dứt được hai chuyện:
1. Chấm dứt sự sa đọa bốn cảnh khổ.
2. Chấm dứt khả năng tái sinh của kiếp thứ 8 chỉ còn tái sinh tối đa hai lần cõi Dục giới và 5 lần cõi Tịnh Cư.
Chỉ chấm dứt một trong hai thì đã an lạc lắm rồi, biết rõ bây giờ máy bay có rớt, xe có cháy, tàu có nổ thì mình chắc chắc ngàn phần trăm là không cách chi bị sa đọa được, chỉ có đường đi lên, về trời. Với tâm tư đó khó bề quay trở lại thế giới xô bồ của nhân loại, trừ phi có tiền nghiệp đặc biệt, hạnh nguyện đặc biệt và trở lại trong bối cảnh nhân gian hết sức đặc biệt. Vị đó khó có thể sống chung lẫn trà trộn với sự xô bồ phức tạp ngũ trược ác thế, đồng thời sẽ là đại họa cho chúng sinh, thánh nhân dù Sơ quả mà sống với người thường, có thể họ xúc phạm báng bổ, gây nghiệp. Trong kinh nói vị A-la-hán (trong cõi Người) chỉ có hai lựa chọn: sống đời sống xuất gia cách ly thiên hạ, hoặc Niết bàn trong thời gian sớm nhất có thể, mục đích là tránh cái họa cho người ta. Đời Đức Phật Ca Diếp, có một tỷ kheo ni chứng quả A-la-hán, đến thăm người bạn cũ thân thiết. Kế bên vị tỳ kheo ni thánh nhân đó có một hộp trang điểm, cô bạn nhờ vị tỷ kheo ni này chuyền tay cái hộp. Vị A-la-hán biết ngay cô bạn mình đang gieo họa. Vị tỳ kheo ni đó suy nghĩ rất là nhanh, không lấy thì cô bạn Phật tử này giận thì thêm tội, nên cứ lấy giùm, tối đa thì cô này chỉ gieo nghiệp đầy tớ thôi. Chỉ vì chuyện nhờ cậy một vị A-la-hán mà suốt năm trăm kiếp liên tục sinh ra là đầy tớ cho người ta mãi.
Nội dung bài kinh này, tất cả những vấn đề vị Tu-đà-hoàn đặt xuống thì lớn và nhiều vô kể, vấn đề còn sót lại chỉ là một ít thôi. Tôi nói bài kinh này quan trọng vì muốn quí vị cùng thấy với tôi một điểm đó là: thì ra chuyện mình chấp thủ cái tôi và của tôi nó quan trọng, nặng nề, khốc liệt đến như vậy. Anh phải buông, chính cái buông làm cho anh được giải thoát, còn nắm níu thì chỉ có tan nát mà thôi. Tuy Đức Phật chỉ nói nhẹ nhàng, chuyện vị Tu-đà-hoàn giải quyết được nhiều như vậy và chuyện chưa giải quyết còn ít như vậy. Tại sao chuyện diệt trừ tà kiến hoài nghi lại quan trọng đến như vậy? Là bởi vì không còn khả năng kiếp thứ 8 và vĩnh viễn không còn bị đọa lạc trong bốn cõi khổ nữa.
Ôn lại nguyên chương trước: Những hình ảnh nước sông, trái đất, núi, trong phẩm Minh Kiến tượng trưng cho những gì vị Sơ quả đã đặt xuống so với chút đất hay nước trên tay tượng trưng cho những gì còn lại phải giải quyết. Phiền não mà vị Sơ quả đoạn trừ chỉ có tà kiến và hoài nghi, nhưng vị này đã chấm dứt được dòng chảy của cuộc luân hồi, với vài kiếp còn lại chỉ là cái trớn của chiếc xe đã chạy vô số kiếp.
VÍ DỤ NÚI
Kinh cuối cùng của phẩm này có nội dung là sự chứng ngộ của phàm phu không đáng kể so với cái thấy của vị Sơ quả.
Ở các kinh trước, chuyện phàm phu phải gánh thì nhiều như núi, biển, trái đất. Chuyện Sơ quả phải gánh nhỏ và ít như chút gì đó trên ngón tay. Ở kinh cuối thì cái biết của vị Sơ quả nhiều như núi so với cái biết của phàm phu vốn ít ỏi không đáng kể như hạt đậu hay viên sỏi. Tất cả cái biết, cái thấy của phàm phu chỉ gồm những gì quẩn quanh trong Tam giới, chưa kể những hiểu biết sai lầm, và không một cái biết nào của phàm phu được xem là lần đầu, nên cái biết nào cũng chỉ là đồ cũ dùng lại.
Không một cái biết nào của phàm phu được xem là lần đầu nghĩa là không cái biết nào của mình mà chưa từng được biết tới trong dòng sinh tử. Một người thất học hôm nay không biết đọc không biết viết nhưng trong vô số kiếp quá khứ họ đã từng là nhà bác học chuyên nghiệp trong lĩnh vực nào đó: Vật lý, Toán học, Khảo cổ v.v… Họ cũng từng là nhà ngôn ngữ học biết mấy chục thứ tiếng, từng là những người được thiên hạ tôn vinh là đỉnh cao của trí tuệ, tinh anh của tư duy. Trong vô số kiếp sinh tử, chúng ta từng là những người uyên bác như vậy và trong vô số kiếp sinh tử chúng ta từng là những người thất học mù chữ, là con ong cái kiến. Không có cái biết nào của phàm phu được xem là lần đầu mà chỉ là lặp đi lặp lại, riêng cái biết của thánh nhân luôn là cái biết đầu tiên, vì chứng quả xong là đi luôn đâu có quay lại đâu.
Cái biết của thánh nhân là cái biết bao quát cả hai cảnh giới phàm thánh, cái biết có thể dẫn đến giải thoát và là cái biết tinh khôi chưa từng có.