TỪ VIỆC DẠY CON BÀN VỀ HIỂU BIẾT ĐÚNG
* Chiều hôm qua có gia đình người nước ngoài đến Việt Nam, họ đã đến thăm cốc của tôi và đặt câu hỏi, người mẹ hỏi về cách dạy dỗ của cha mẹ đối với con cái và muốn nghe quan điểm của tôi về vấn đề này.
Tôi giải thích với gia đình đó như sau. Việc dạy dỗ của cha mẹ đối với con cái là cần thiết nhưng cha mẹ cần hiểu rằng họ không chỉ dạy con mình mà còn dạy cho mọi đứa trẻ khác mà họ biết. Chỉ dạy dỗ con mình là việc làm dính mắc với đứa con của mình. Việc chỉ bảo hay dạy dỗ cho mọi đứa trẻ có liên quan đến mình là việc dạy dỗ không dính mắc với con mình. Nếu dạy dỗ chỉ cho con mình, chúng ta chỉ hiểu được những đứa con của mình. Bằng việc chỉ bảo cho mọi đứa trẻ khác, chúng ta có cơ hội hiểu biết nhiều đứa trẻ và nắm được suy nghĩ các trẻ hơn. Ngoài ra, chúng ta sẽ trở nên thuần thục và khéo léo hơn qua việc liên tục dạy dỗ hoặc hướng dẫn trẻ.
* Tất cả chúng ta đều có năng lực làm bất kỳ việc nào dù thiện hay bất thiện, đúng hay sai, mọi hành động đều có thể nếu chúng ta thực sự làm những gì chúng ta đang làm. Nếu dạy dỗ con mình một cách thật sự, chúng ta sẽ có năng lực dạy dỗ được con mình. Do đó, không quan trọng chúng ta làm gì, chúng ta là ai mà quan trọng nhất liệu chúng ta có thật sự làm, thật sự nỗ lực hay không. Nếu biết tạo nhân thiện từ việc làm thật sự và nỗ lực thật sự, chúng ta sẽ thành tựu bất kỳ những gì chúng ta làm. Với hiểu biết đúng đắn như vậy, tôi giảng dạy không chỉ cho các thiền sinh mà cho tất cả mọi người. Nếu tôi giảng một cách thật sự đến những ai hữu duyên với tôi, tôi sẽ thành công trong công việc giảng dạy của mình, và ngược lại. Đó là lý do để thành công trong những việc chúng ta đang làm, tất cả hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta, không dính líu đến bất kỳ ai khác.
* Giờ đây đang tu tập theo con đường Phật – Pháp – Tăng, chúng ta không thật sự cần về mặt người thầy hoặc phương pháp, cái chúng ta cần là vun bồi năng lực thực hành thật sự. Nếu tu tập thực sự, chúng ta có thể thành tựu; nếu không thể thực hành thật sự, chúng ta không thể thành tựu. Cách dạy của tôi không chỉ dành cho một người, mà dành cho mọi người, dành cho tất cả. Đó là lý do tại sao bạn cần hiểu rằng, khi chưa tiếp nhận lời dạy của tôi, bạn không thể nói nó sai hay đúng; và ngay cả khi bạn chưa thực hành, bạn không thể nói cách này là không thể, sẽ có những người khác họ nhận ra và thực hành khá thành công.
Đối tượng chính của chánh niệm trong lời dạy của tôi là chính mình, là thân và tâm của mình, là hành động thân – khẩu – ý của mình ở hiện tại, hay cái hiểu hiện tại chúng ta đang sử dụng để làm mọi thứ. Chúng ta tuy có tuổi tác, màu da, giới tính, quốc tịch, tôn giáo khác nhau, nhưng đối tượng của chánh niệm và của sự hay biết đúng đắn thì như nhau. Đó là lý do tại sao tất cả mọi người đều có thể tham gia vào việc thực hành và làm thiện pháp tập thể theo đội nhóm như vậy. Tất cả chúng ta sẽ cùng nhau thực hành trong 15 phút, cho phép tay và chân ở tư thế thoải mái, nhẹ nhàng khép mắt lại, cho phép toàn thân và tâm được thư giãn, thả lỏng, giữ cho lưng, đầu được thẳng và thả lỏng, hãy để cho tâm được ổn định, quân bình, không cần vội vã, hối hả.
* Tôi không kiểm soát nội dung giảng dạy cũng không kiểm soát các thiền sinh. Tôi chỉ kiểm soát tâm mình, tôi biết tại sao tôi cần giảng dạy và giữ trạng thái tâm ổn định, quân bình. Tương tự như thế, các bạn không nên kiểm soát nội dung tôi đang dạy như thế nào, nội dung này hay nội dung kia, cũng đừng yêu cầu người giảng dạy nội dung này hay nội dung kia, như thế này hay như thế kia, đừng cố gắng kiểm soát người thầy. Hãy nỗ lực để kiểm soát tâm mình, giữ cho tâm được ổn định, quân bình. Chúng ta là ai không quan trọng, chúng ta đang làm gì cũng không quan trọng, thời gian bao lâu, địa điểm ở đâu cũng không quan trọng; các giá trị phẩm chất của tâm, sự ổn định và trong sạch của tâm mới là mối quan tâm thật sự. Chất lượng của sự ổn định và trong sạch tâm càng cao thì sự thành tựu càng lớn. Việc giảng dạy và thực hành về sự thật sẽ giúp cho bạn có được hiểu biết đúng và hành động đúng. Tự mình thực hành thì dễ dàng nhưng thật khó có thể tự thấu suốt được sự thật. Đó là lý do tại sao tôi luôn bền chí giảng dạy về sự thật để giúp mọi người có được hiểu biết đúng cũng như có được chánh kiến. Bằng việc lắng nghe lời dạy của tôi trong lúc thực hành, cùng lúc bạn đang được liên kết với hiểu biết đúng và hành động đúng; như vậy, bạn đang thuộc về hiểu biết đúng và hành động đúng. Hành động đúng là nhân của hiểu biết đúng và hiểu biết đúng cũng là nhân của hành động đúng. Chúng ta cần thực hành hiểu biết đúng và hành động đúng một cách kiên trì cho đến khi nó trở thành của chúng ta.
* Tôi đang dạy với chánh kiến vì vậy quý vị cũng nên lắng nghe và thực hành với hiểu biết đúng. Nếu đang thực hành ngồi hay không ngồi, chúng ta cần nỗ lực chỉ làm mà thôi với sự hay biết dính mắc của mình. Hành động với sự gượng ép sẽ không trọn vẹn, chúng ta cần nỗ lực để làm một cách tự nhiên không gượng ép. Tôi đang dạy một cách tự nhiên, vì vậy bạn cũng nên ngồi lắng nghe một cách tự nhiên chứ đừng miễn cưỡng. Làm với tâm thích hay không thích và với sự không hiểu biết (vô minh) là hành động theo thói quen của chúng ta, những hành động này sẽ không bao giờ kết thúc. Chúng ta cần nỗ lực làm mà không lưu ý tới tâm thích hay không thích và tránh xa vô minh, không hiểu biết. Làm với khái niệm về tôi hay về ai đó cũng là thói quen cố hữu của chúng ta, hãy chánh niệm hay biết thói quen đó trong bất kỳ việc nào chúng ta làm. Bằng cách này, chúng ta sẽ vun bồi năng lực chỉ làm mà thôi, không hiểu biết sai lầm về ai đó hay về tôi.
* Chúng ta thường tự hào về bản thân, đó là lý do trong bất kỳ việc gì chúng ta làm chúng ta thường cảm thấy hãnh diện về chính mình. Nếu chúng ta không chánh niệm hay biết về chính lòng tự hào này, nó sẽ không bao giờ biến mất. Chúng ta càng hay biết nhiều về hãnh diện bản thân, lòng tự hào sẽ càng giảm thiểu. Hoài nghi cũng là một thói quen tâm thường dính mắc, bất cứ khi nào sử dụng tâm chúng ta thường đi kèm với sự hoài nghi. Đó là lý do tại sao chúng ta thậm chí không thể tin tưởng hoàn toàn vào Phật, Pháp, Tăng; bởi chính không hay biết sự hoài nghi của mình nên nó vẫn còn lưu giữ trong tâm. Tôi đang dạy về những lỗi thông thường của tất cả mọi người, bao gồm thiền sinh. Tất cả lỗi phổ biến này là nguyên nhân của các hành động bất thiện, những hành động khiến cho phước báu của chúng ta giảm sút, những hành động gây ra chướng ngại cho tất cả chúng sinh. Đó là lý do không ai có thể giải thoát khỏi nỗi thống khổ hay khúc mắc của mình.
* Dana – bố thí, cúng dường – có nghĩa cho đi, tự nguyện làm thiện phước, giúp đỡ vô điều kiện những người đang cần giúp đỡ. Sila – giới, tức giữ giới, kiểm soát – thu thúc những hành động thân – khẩu của mình. Bhavana – hành thiền – nghĩa là buông bỏ, xả ly những hành động về thân (hành động), về khẩu (lời nói), về ý (suy nghĩ) để có tâm định tĩnh và sáng suốt. Tất cả những hành động này thực sự thiết yếu để thấu suốt sự thật, có được hiểu biết đúng cũng như chánh kiến.
Cho phép mắt được khép nhẹ nhàng, cho phép thân và tâm được thư giãn, thả lỏng, giữ cho thân và đầu được thẳng, để trọng lượng cơ thể không kéo thân xuống sàn, cho phép thân và tâm được thư giãn, thả lỏng nhiều hơn nữa.
* Biết – không biết; làm – không làm; sử dụng – không sử dụng; kinh nghiệm – không kinh nghiệm; thiện hay bất thiện; đúng hay sai; nóng hay lạnh; chuyển động hay đứng yên chúng ta đều phải chấp nhận tất cả những tình huống trái ngược này. Nếu không thể chấp nhận những gì là xấu, chúng ta sẽ không thể vun bồi năng lực xả ly khỏi những điều xấu; cả cái tốt lẫn cái xấu đều rất hữu ích cho việc thực hành chánh niệm hay biết và xả ly. Chỉ khi vun bồi được năng lực chánh niệm hay biết, chúng ta mới có cơ hội để xả ly khỏi chúng. Nếu không thể chánh niệm hay biết, chúng ta sẽ không có cơ hội để xả ly. Làm điều đúng đắn thì không dễ để làm, biết điều đúng đắn cũng khó để biết, giờ đây tất cả chúng ta đang cùng nhau làm và biết điều đúng đắn.
Thiền sư Ottamathara
09/05/2019, Thiền viện Phước Sơn, Việt Nam
Xin cảm ơn quý đạo hữu đã thực hiện bản dịch
Nguồn: Facebook Thiền sư Ottamathara