TRÌNH PHÁP: CON ĐƯỜNG ĐẾN BUÔNG BỎ (PHẦN 2)

Câu hỏi thứ hai là, con gặp thiền sư cách đây 7 – 8 năm, con là một trong những thiền sinh Việt Nam đầu tiên được biết đến trung tâm của ngài cũng như phương pháp tu tập. Con rất ngưỡng mộ và khâm phục khả năng quản lý của ngài, không chỉ một trung tâm mà rất nhiều trung tâm, mỗi nơi có rất nhiều người cần giúp đỡ, có nơi từ vài trăm đến vài ngàn người, có những nơi chưa có ai hoặc chỉ là bãi đất trống, cũng có những trung tâm còn đang khó khăn về kinh tế. Nhưng tất cả công việc ngài xử lý rất nhẹ nhàng, không có một sự cố gắng hay lo lắng nào cả. Con xin hỏi bí quyết của ngài là gì, bởi vì chúng con quản lý một ngôi nhà có vài người, một phòng làm việc khoảng chục người, một công ty 1000 người cũng đã thấy rất phiền não.

Con cũng xin nêu lên câu hỏi thứ ba. Công việc của chúng ta, thế giới chúng ta không tạo nhiều cơ hội để chúng ta thực hành thiện pháp, thường gây rất nhiều phiền não nên chúng ta phải tìm cách để thay đổi môi trường mới, thức ăn mới, suy nghĩ mới, bạn bè mới và trung tâm thiền có ngài sẽ tạo điều kiện cho chúng con có những thứ đó. Điều đó tất nhiên là đúng, nhưng có thể làm chúng ta hơi lo chúng ta đang đi đường sai và phải đi lại cho đúng. Nhưng trong thời đức Phật, chúng ta thấy rất nhiều như một vị hoàng đế trị vì một vương quốc, Ngài cũng trở thành thánh nhân được. Một người nội trợ làm những việc trong xó bếp cũng vẫn có thể trở thành thánh nhân. Cho nên, không nhất thiết chúng ta phải buông bỏ những thứ xung quanh cuộc sống để có thể thực hành thiện pháp vậy có đúng hay không, xin ngài giảng rõ hơn việc buông bỏ lối hiểu sai với việc buông bỏ gia đình, xe cộ nhà cửa khác nhau như thế nào?

Đó là con đang dính mắc vào một cái gì đó hay ai đó, ngay ở cái tâm đã có sự dính mắc, sự giới hạn vào cái gì đó hay ai đó ở trong tâm rồi, cho nên tâm không được tự do. Giả sử chúng ta có thể ăn nhưng ăn cũng chỉ để ăn mà thôi; hoặc chúng ta có khả năng không ăn, không ăn chỉ để không ăn mà thôi. Tất cả cũng chỉ để làm mà thôi, ăn cũng chỉ để ăn mà thôi, không ăn cũng chỉ để không ăn mà thôi, không dính mắc hay chối bỏ vào một cái gì cả. Cũng tương tự như vậy, nếu làm cũng chỉ làm mà thôi, không làm cũng chỉ không làm mà thôi; nếu đã chọn cũng chỉ chọn mà thôi, không chọn cũng chỉ không chọn mà thôi; chọn hay không chọn cũng như nhau, làm hay không làm cũng như nhau, không dính mắc hay chối bỏ. Trước kia, khi điều hành kinh doanh, tôi sở hữu một doanh nghiệp, tôi cũng có rất nhiều nhân viên và họ đã làm những điều mà tôi yêu cầu. Và họ đã không có khả năng làm những điều tôi không yêu cầu, vì họ vướng mắc vào phải làm điều gì nên lúc nào họ cũng phải hỏi, lúc nào cũng phải đợi một ai đó cho phép họ làm một cái gì đó, hoặc yêu cầu họ làm một cái gì đó mà họ không có khả năng làm hay không làm bởi chính bản thân mình.

Và việc thiền tập cũng như vậy, rất nhiều thiền sinh cứ liên tục hỏi tôi rằng cần phải làm gì một cách cụ thể, phải làm như thế nào một cách cụ thể, cái gì mới thật sự tốt, cái gì xấu, cái gì nên làm, cái gì không nên làm, nên họ luôn luôn làm với sự dính mắc. Chính vì vậy, họ không có hiểu biết đúng, làm để xả ly. Tôi đã dạy một thời gian khá lâu và dạy rất nhiều người nhưng không phải ai cũng hiểu lời tôi dạy, chỉ có một vài người thật sự sáng tỏ. Thế hệ mới họ có vẻ dễ tiếp thu những lời tôi dạy hơn, còn một số đối tượng cũ, họ có sự dính mắc về truyền thống nên hầu như họ không dễ dàng chấp nhận những lời tôi dạy. Nhưng việc của tôi, tôi chỉ cần tiếp tục dạy và khi càng tiếp tục dạy thế hệ mới sẽ xuất hiện, lớp trẻ sau này họ sẽ tích luỹ được nhiều kỹ năng hơn và thuần thục hơn trên con đường tu đạo.

Những lời tôi dạy rút ra từ sự trải nghiệm trực tiếp của mình, nếu tôi không làm, không có kinh nghiệm thì tôi cũng giống như bạn, tôi cũng đầy nghi vấn ở trong đầu, tôi không biết cần nên làm điều gì và tôi phải liên tục đặt câu hỏi. Nhờ thực hành không giới hạn và bền bỉ không ngừng nghỉ, chính sức mạnh từ những việc thiện pháp đã vạch ra cho tôi con đường, giúp tôi trả lời những câu hỏi, giải quyết được vô số khúc mắc và pháp đã bảo vệ tôi. Cho nên, lời dạy của đức Phật chính là lời dạy về con đường trung đạo. Khi mới bắt đầu dạy, tôi đã chọn phương pháp của một vị thiền sư nào đó, nhưng đó không phải chỉ để làm mà thôi. Thế là ngày qua ngày, tôi cứ tiếp tục dạỵ và điều chỉnh cách dạy của mình, cuối cùng tôi đã thành công trong phương pháp dạy về con đường trung đạo.

Ngày nay có rất nhiều người đã dần hiểu hơn về lời dạy của tôi. Tuy nhiên, lời tôi dạy cũng có điểm yếu riêng của nó, vì rất nhiều người họ không hiểu rằng đây là chính là con đường trung đạo, chính là pháp. Và tất cả những lời dạy của tôi chính là con đường trung đạo, chính là pháp. Nhưng do dính mắc vào lối mòn truyền thống là phải có cái đối tượng nào đó cụ thể, nên họ vẫn không nắm được, còn tôi không dạy một pháp hành cụ thể nào cả. Người bình thường họ cần một cái gì đó để bấu víu, một cái gì đó để nắm lấy, còn lời dạy của tôi chẳng có gì để bám lấy, chẳng có gì để nắm cả. Thế nên, dù vẫn có điểm yếu nhưng thực ra cũng tốt vì nó giúp cho những ai vướng mắc có thể ứng dụng lời dạy của tôi để xả ly khỏi cái gì đó hay ai đó trong tâm thức họ.

Chúng ta cần nhận thức thấu đáo về sự thật, khi sáng tỏ về sự thật, ta sẽ ngày càng ít rắc rối, từ ít sẽ hoá không và sự thật có sức mạnh khiến chúng ta tiến lên một tầm hiểu mới. Giả sử chúng ta là người địa phương của một đất nước nào đó thì việc du lịch hay di chuyển trong nước là điều vô cùng dễ dàng; không cần hộ chiếu, không cần visa, chúng ta có thể đi đây đi đó một cách tự do. Nhưng nếu muốn đến những quốc gia khác, chúng ta phải có hộ chiếu hay visa mới đặt chân lên đất nước họ được. Còn cư dân trong nước có khi không hiểu làm như thế nào để đi ngoại quốc và họ cũng không có khả năng tự làm visa hay hộ chiếu. Thế nên, để đi nước ngoài đôi khi chúng ta cần sự trợ giúp của người khác để họ làm cho mình hộ chiếu hay visa, lúc này mình mới đủ điều kiện xuất ngoại. Ẩn dụ này cũng giống như chánh niệm – xả ly, vô minh – dính mắc. Khi chánh niệm, đó chính là con đường thông hành để thoát khỏi sự vô minh, nhờ đó ta có khả năng sửa đổi từ vô minh sang chánh niệm; khi xả ly, đó chính là con đường thông hành để chuyển dính mắc thành xả ly. Cho nên, mục đích ở đây là chúng ta sẽ không bắt kịp nếu chỉ trong quốc nội của mình, trong tình huống của mình; còn nếu mở rộng tầm hiểu biết để đi qua đất nước khác, ta sẽ có cơ hội tăng trưởng quan kiến đúng đắn. Do đó, nếu không có sự nhìn nhận chân chánh về con đường tu tập, chúng ta không thể nào ra nước ngoài được. Như vậy, sự hiểu biết đúng về con đường tu đạo là giấy thông hành để chúng ta có thể ra nước ngoài, hay nói cách khác là thông hành để chúng ta đi trên con đường tu đạo.

Qua đó cho ta thấy nếu ai đó vướng mắc với việc chỉ ở trong đất nước của mình, chỉ ở trong tình huống của mình, họ sẽ không thể nào ra khỏi đất nước và không thể xả ly khỏi đất nước mình, không thể xả ly khỏi ngôi nhà mình; cho nên, họ cũng không có khả năng xả ly khỏi ý nghiệp hiện tại của mình. Ở trong nước, bởi ta là người địa phương nên làm điều gì cũng không mấy trắc trở; do đó, nếu cứ vướng mắc vào người địa phương mà chỉ muốn ở trong nước nên chúng ta sẽ không có cơ hội mở mang ra nước ngoài. Bởi thế, chúng ta cần đi du lịch hoặc trở thành người ngoại quốc, vì khi xuất ngoại, chúng ta không còn là người địa phương nữa. Tức khi có khả năng xả ly khỏi người địa phương, chúng ta sẽ là người ngoại quốc; nếu không xả ly được khỏi cuộc sống của mình như một người bình thường, chúng ta sẽ không có khả năng trở thành một người khác, hay như ở đây là trở thành thánh nhân.

Nếu không hành thiền, tôi sẽ không có sự lựa chọn nào khác, lúc đó tôi phải nương tựa, dựa dẫm vào chính bản thân mình, tôi không thể nương tựa vào pháp và các công việc phước thiện. Nhưng nhờ thiền tập, tôi đã có thể nương vào điểm tựa tinh thần làm phước thiện và hành thiền. Với sự trợ lực của Phật – Pháp – Tăng, tôi đã thấu tỏ về sự thật chính bản thân mình. Tôi biết rằng không có ai cả cũng chẳng có cái gì cả, tất cả không là gì cả; và chính cái không là gì cả này nó cũng là bản chất vô thường luôn luôn đổi mới. Khi thực hành thiền ở những trung tâm thiền hoặc tại nhà, với sự hộ trì của tam bảo, chúng ta sẽ bắt đầu hiểu biết hơn về sự thật chẳng có cái gì cả, tất cả cũng chỉ là bản chất vô thường luôn luôn đổi mới, không thuộc về ai đó hay cái gì đó.

Chính sự thấu suốt rằng không có cái gì đó và cũng chẳng có ai đó là cái hiểu để chúng ta nương tựa vào. Và chỉ khi nào liên tục làm thiện pháp ở giây phút hiện tại, chúng ta mới nhận ra sự thật; khi ấy, chúng ta mới có thể nương vào sự thật. Điều này rất quan trọng, thế nên tôi không nghĩ vê chính mình cũng không nghĩ về người khác, không nghĩ về cái gì đó hay ai đó; tôi chỉ chú tâm vào việc làm thiện pháp, tập trung vào hành động làm thiện pháp ở giây phút hiện tại. Bởi lẽ với cái hiểu của tôi thì chính tôi cũng không đáng tin cậy để nương tựa vào thậm chí người khác cũng không đáng tin cậy. Tất cả đều vô thường. Rất nhiều người xung quanh tôi, ở trong trung tâm của tôi họ là những người già, người bệnh và rồi họ cũng sẽ ra đi. Tôi bây giờ còn trẻ, còn khỏe mạnh, nhưng chính bản thân tôi cũng chẳng phải một ai cả để dựa dẫm vào. Mặc dù tôi không nương tựa, dựa dẫm vào chính mình, nhưng tu sĩ, tu nữ và nhiều người khác họ nương tựa vào tôi.

Bởi tình hình đất nước và thể chế chính trị, chúng tôi đã và đang phải đối mặt nên tôi không thể nào ngừng lại việc vận hành trung tâm hành thiền của mình; bên cạnh đó, tôi cần phải làm nhiều hơn nữa, dạy nhiều hơn nữa, làm nhiều việc phước thiện hơn nữa. Đó chính là con đường mà tôi đã, đang và tiếp tục chọn lựa ở thời điểm hiện tại, cũng như trước đây hay sau này. Có rất nhiều điều cần phải làm nhưng thực chất tôi cũng không biết cần phải quản lý cái gì, tôi chỉ cần duy trì làm thiện pháp mà thôi. Nhiều người họ nghĩ dùm tôi với tư cách một người lãnh đạo, họ cho tôi nhiều lời khuyên; và tôi phải lựa chọn một bên nào đó, hoặc chọn dựa trên sự hiểu biết của chính mình, nhưng tôi cũng không từ chối một lời khuyên nào cả. Mọi người thường hiểu lầm rằng tôi là người sáng lập ra trung tâm nên tôi có thể làm mọi thứ và mọi người phải nghe lời tôi, phải phục tùng tôi; điều này không đúng. Rất nhiều người không lắng nghe lời dạy của tôi, họ chỉ yêu cầu tôi nơi để ở, thực phẩm để ăn nhưng những điều khác họ không hề lắng nghe; dù sao đi nữa đó không phải là vấn đề. Bởi tôi rất bận bịu với việc liên tục hành pháp, dạy pháp và tổ chức những khóa thiền, nên không vì một sự cố nào mà tôi bỏ lỡ công việc làm phước thiện cũng như cố gắng không đánh mất điều mình đang làm ở đây. Với ý niệm như vậy nên bạn thấy tôi đang tiếp tục việc làm của mình ngay tại đây và tôi cũng không quan tâm đến việc sử dụng tài sản của tôi, hay trung tâm của tôi, hay là những người đệ tử đi theo tôi. Tôi không có, không quan tâm mấy trong việc sử dụng những điều đó, tôi cũng chỉ sử dụng mà thôi. Điều tôi quan tâm là việc làm thiện pháp ở giây phút hiện tại, tôi chỉ quan tâm tới việc thiện pháp và sẵn sàng mất hết tất cả để làm thiện nguyện; đó là điều tôi nhận thức được, kể cả phải đánh đổi mạng sống của mình. Tôi không quan tâm đến cái gì đó hay ai đó mà chỉ tiếp tục làm thiện pháp nhiều nhất có thể cho tôi và cho nhiều người khác. Tôi cố gắng làm nhiều việc thiện pháp và chính vì vậy tôi ngày càng thuần thục trong việc làm thiện pháp một cách liên tục không giới hạn. Nếu không làm được ở nơi này thì tôi dạy ở nơi khác, nếu không dạy được thiện pháp này, tôi sẽ dạy việc thiện pháp khác, tôi sẽ tiếp tục và không dừng lại. Tôi chỉ dành thời gian làm thiện pháp mà thôi, tôi không đơn độc làm một mình mà chúng tôi ở đây và làm cùng nhau với sự hợp lực của rất nhiều người. Tôi cũng chẳng điều khiển hay chi phối ai cả, những người có thiện tâm muốn đi theo lời dạy, họ sẽ tự động kiểm soát chính họ; không phải lúc nào phương thức này cũng thành công nhưng chắc chắc sẽ ngày càng tiến triển hơn. Nhưng tôi cũng chỉ để làm mà thôi, làm điều gì cũng chỉ để làm mà thôi, để kinh nghiệm mà thôi, để sử dụng mà thôi, không phải để dính mắc hay chối bỏ. Những người khác khi không thấu suốt được con đường tu đạo, họ chỉ có thể làm những việc trong sự hiểu biết và khả năng của mình. Như bạn đã biết, tuy rất bận rộn nhưng tôi không bảo ai làm một cái gì cả, cũng không ngăn cản ai làm một cái gì cả, tôi để cho họ tự do làm theo những điều họ thích và những cái họ hiểu. Theo cách này, tôi có thể sử dụng nhiều người khác nhau, nhiều con đường khác nhau, nhiều tình huống khác nhau.

Tôi biết rằng mình chưa hoàn thiện và người khác cũng vậy, không ai hoàn hảo cả nên khi chúng ta làm cùng với nhau thì đây là cách trọn vẹn nhất có thể. Đây là cách mà chúng ta kết hợp mọi phương pháp, với cách này tôi đã giải quyết rất nhiều vấn đề và có thể bảo vệ, phát triển trung tâm của mình ngày càng lớn mạnh. Nhiều người không xem xét trên nhiều khía cạnh, họ chỉ thấy phiến diện một góc nào đó, một điều gì đó, một tình huống nào đó; do không thấy được toàn bộ tình huống nên họ thất vọng vì họ không hiểu. Về phía mình, tôi hiểu rằng mình cần phải làm gì, tôi cũng biết rằng một mình không thể làm được gì; bởi tôi không hoàn chỉnh nên về cá nhân, tôi sẽ cố gắng làm nhiều thiện pháp lớn nhất và nhiều nhất có thể; đồng thời, tôi cũng hỗ trợ người khác có cơ hội làm thiện pháp nhiều nhất có thể. Chúng tôi làm mọi thứ mà không dính mắc vào việc phải cái này hay cái kia mới được, chúng tôi làm mọi thứ. Và khi làm thiện pháp, chúng ta cũng đừng bám chắc vào một ý nghĩ nào đó là không thể xảy ra, chỉ có thể làm được ở nơi này mà không thể làm ở nơi kia, chỉ có thể làm ở thời điểm này mà không thể làm ở thời điểm kia; đừng vướng víu vào những ý tưởng như vậy.

Thực chất, không ai ngăn cản được nếu chúng ta tu tập chánh niệm và làm thiện pháp, thế nên tôi tiếp tục làm thiện pháp và giúp cho người khác cũng làm việc thiện pháp. Không có gì là chắc chắn cả và cũng không có ai là chắc chắn cả, cũng như trường hợp tình hình đất nước của chúng tôi, toàn bộ tình huống trong đất nước cũng không chắc chắn, không biết ngày mai sẽ ra sao, hiện tại cũng đang có rất nhiều tình huống xấu đang có thể xảy ra. Cho nên, việc của tôi chỉ là làm phước thiện nhiều nhất có thể, dù tình huống này hay tình huống kia. Khi làm thiện pháp, chúng tôi luôn nương tựa dựa vào Phật – Pháp – Tăng. Những người ngoài xã hội không có cái hiểu về Phật – Pháp – Tăng nên họ phải dựa vào luật pháp, dựa vào chính quyền hay phải dựa vào luật sư; tình huống khác nhau nhưng sự dựa dẫm thì như nhau, chúng tôi lựa chọn dựa vào tam bảo. Và đây là con đường tôi đã chọn cho bản thân và cho trung tâm Thabarwa.

Tôi biết rằng tôi không là gì cả, nhưng mọi người không biết sự thật này, họ không biết rằng tôi không là gì cả cũng chẳng là ai cả, nên họ dựa dẫm vào tôi như một ai đó có thật. Hoặc họ nghĩ rằng tôi thật sự có vấn đề nên họ cố gắng giải quyết khúc mắc cho tôi như giải quyết cho một ai đó có thật. Cho nên, ở đây có sự mong mỏi đấu tranh giữa cái hiểu về một ai đó và cái hiểu về chỉ đơn thuần là làm các công việc thiện pháp. Nhưng thời gian sẽ trả lời đâu là đúng, đâu là sai và thời gian sẽ hiển bày nhân quả một cách rõ ràng; theo cách này, khi người khác nhìn thấy nhân quả, nhìn thấy được đúng – sai, họ dần chấp nhận những điều đúng đắn và làm theo những điều đó. Và hành thiền là tốt lành và đúng đắn cho tất cả, bạn có thể học phương pháp này từ trung tâm Thabarwa; từ đó, bạn cũng sẽ chấp nhận được sự nhìn nhận đúng đắn về nhân – quả.

Nhờ thực hành buông bỏ, chúng ta có thể hiểu về buông bỏ; nếu không thực hành, chúng ta sẽ không hiểu về buông bỏ. Ví như khi ăn, chúng ta hiểu về cái việc ăn và khi không ăn, chúng ta hiểu về cái việc không ăn, còn những lúc bệnh thì chúng ta không muốn ăn, hoặc chúng ta sẽ ngừng việc ăn khi không thích ăn. Chúng ta đang thực hành buông bỏ việc ăn, vì không hiểu nên không buông bỏ được việc ăn; do đó, chúng ta hay làm theo điều mình thường quen làm. Có nghĩa là thích ăn thì sẽ ăn và những lúc không thể ăn được thì không ăn, chứ không phải là chối bỏ. Ngược lại, chúng ta có thể ăn thì chúng ta buông bỏ việc ăn, những lúc không thể không ăn thì chúng ta buông bỏ việc không ăn đó. Và tương tự như vậy với việc ngủ, nếu người nào không thích ngủ thì họ không ngủ, còn những người thích ngủ thì họ sẽ ngủ, đó là điều bình thường chúng ta hay làm. Để hiểu về sự thực hành buông bỏ ngủ nghỉ thì chúng ta phải làm, phải thực hành; nếu không thực hành, chúng ta không thể nào hiểu được. Thế nên, tôi dạy mọi người phải làm, chỉ bằng cách làm thì chúng ta mới thấu suốt. Đối với tôi có thể từ bỏ được, buông bỏ đây là dừng được công việc kinh doanh của mình, tôi dừng không phải vì tôi không thích kinh doanh mà vì tôi không thích kinh doanh để kiếm tiền. Tôi chỉ muốn tích lũy phước lành bằng việc làm thiện pháp, nhờ từ bỏ kinh doanh nên tôi có thể làm được những việc phước thiện để tích lũy phước. Nếu không thể từ bỏ, tôi vẫn sẽ phải tiếp tục làm kinh doanh vào thời thời điểm này. Thỉnh thoảng, chúng ta không thích làm kinh doanh và quyết định dừng lại trong một thời gian; sau đó, khi cái việc không thích đi qua, chúng ta lại phải tiếp tục làm đi làm lại. Nếu không từ bỏ, chúng ta không thể dừng hẳn việc làm nào đó, chỉ khi chúng ta có khả năng buông bỏ vĩnh viễn không cần làm việc kinh doanh đó nữa. 

Tương tự trong tình huống yêu thương ai đó, nếu không thực hành việc yêu và việc ghét, chúng ta sẽ luôn luôn cần một ai đó để yêu. Và nếu chúng ta không thể dừng lại thì luôn có việc yêu và việc ghét diễn ra. Đó là lí do tại sao cái tâm yêu thương luôn luôn kiểm soát bởi vô minh và tham ái; ngủ, ăn, yêu, tất cả những hành động này đều được kiểm soát bởi vô minh và tham ái. Bất kể những gì chúng ta làm, chúng ta cũng có khả năng buông bỏ; theo cách này, chúng ta có thể không cần làm kinh doanh, không cần yêu thương một ai đó. Và từ việc không cần phải ăn, không cần phải ngủ thì đó là cách thực hành mà chúng ta không thường làm, có nghĩa là việc thực hành buông bỏ việc ăn và ngủ là việc chúng ta không quen làm. Chúng ta sẽ hiểu lầm nếu chúng ta không thực hành phương pháp buông bỏ này. Chính vì vậy, tôi dạy mọi người thực hành buông bỏ để chỉ làm mà thôi, không dính mắc hay chối bỏ.

Mặc dù là tôi dạy mọi người, nhưng tôi không chối bỏ việc làm kinh doanh, không chối bỏ việc chăm sóc gia đình và những người trong dòng họ, không chối bỏ những mối quan hệ trong xã hội. Nếu tôi chối bỏ thì điều tương tự sẽ xảy ra với trung tâm Thabarwa, trung tâm sẽ bị chối bỏ bởi những người trong xã hội. Hành động chỉ làm mà thôi của tôi không vướng mắc, không chối bỏ đó là sự thực hành xả ly. Sự thực hành buông bỏ mà tôi dạy mọi người theo cách này thì mọi người sẽ không chối và xã hội cũng sẽ không chối bỏ chúng tôi. Ví dụ ở Thabarwa Hoa Kỳ, có những bạn sinh viên tá túc tại trung tâm và hằng ngày họ đi đến trường học, chúng tôi hỗ trợ họ hết mức về phương tiện đi lại cũng như chỗ ăn, chỗ ngủ. Và có những người bệnh như trường hợp một người phụ nữ không thể đi và đứng được nhưng chị không muốn dựa dẫm vào chế độ xã hội và chính phủ nên đã đến sống tại trung tâm Thabarwa của Mỹ. Người ta vận dụng phương pháp đi vào trung tâm trú ngụ để tìm những giải pháp tốt hơn chứ không phải người ta chối bỏ những điều đang có. Chính vì vậy, chúng ta cần phải thực hành buông bỏ chứ không phải chối bỏ để tầm cầu những phương pháp tốt hơn mà thôi. Ví dụ tôi thực hành chỉ ăn chế độ thức ăn lỏng, nghĩa là chỉ ăn thực phẩm ép thành chất lỏng trong vòng một năm nay. Thi thoảng trong những khóa thiền đặc biệt, tôi sẽ nhịn cả thức ăn lỏng và chỉ uống nước mà thôi. Tuy nhiên, những lúc tôi cảm thấy không ổn trong người hay không khỏe lắm, tôi sẽ ngủ nhiều hơn, ăn nhiều hơn; những lúc tôi cảm thấy nếu không ăn không ngủ thì tôi không thể dạy tốt hơn được, lúc đó tôi sẽ ngủ và ăn. Nhưng thường là tôi sẽ cố gắng xả ly khỏi những cảm giác đó và tiếp tục dạy, theo cách này năng lực xả ly sẽ càng ngày càng tiến bộ.

Tôi cố gắng xả ly khỏi việc ngủ nghỉ khỏi tâm mình, nhờ đó tôi sẽ không bận rộn với việc có nghỉ ngơi hay không và tiết kiệm thêm thời gian để làm thiện pháp nhiều và nhiều hơn nữa. Từ sức mạnh của sự xả ly này, tôi thực hành những đêm không ngủ chỉ làm thiện pháp và tôi lại có thêm thời gian để làm những việc thiện pháp khác. Lợi ích của việc thực hành này rất kì diệu và đáng ngạc nhiên, chỉ khi thực hành như vậy tôi mới dạy người khác thực hành được xả ly khỏi việc ăn, ngủ, … Và tôi dạy việc không chối bỏ, điều này quan trọng vì nếu chúng tôi chối bỏ hẳn không ăn không ngủ thì những người trong trung tâm sẽ cao chạy xa bay; nhờ vậy, tôi đã hiểu mọi người nhiều hơn thông qua phương pháp thực hành này. Nếu cố gắng thực hành buông bỏ việc ăn, chúng ta sẽ tự do khỏi tâm đói, vì càng ăn chúng ta sẽ phải chịu đựng trải nghiệm nhiều lần cái tâm đói. Vì đây là nhân và quả, nếu chúng thực hành buông bỏ việc ăn thì tâm đói này sẽ ít xuất hiện. Nếu ăn chúng ta sẽ cảm thấy an tâm khỏe mạnh, tuy nhiên cảm giác khỏe mạnh này sẽ không kéo dài và cơn đói của tâm lại xuất hiện nữa, vì năng lượng của thực phẩm không kéo dài được lâu và chúng ta sẽ phải trải nghiệm cảm giác đói này thường xuyên. Tương tự như vậy với việc ngủ, khi ngủ chúng ta sẽ trải nghiệm nhiều lần cái tâm bù ngủ; nếu cố gắng buông bỏ việc ngủ, chúng ta sẽ được tự do khỏi tâm ngủ bù thì việc thực hành không ngủ này và cảm giác tự do khỏi tâm bù ngủ là một kết quả rất tuyệt vời.

Vừa rồi cho tới tận hôm nay, tôi đã thực hành xong ba ngày nhịn ăn, tức chỉ uống nước và tiếp tục bốn ngày chỉ dùng thức ăn lỏng; tuy nhiên, tôi dùng không đáng kể và chỉ uống một ít thức ăn lỏng. Với sự thực hiện như vậy, tôi đã bảo vệ được tâm khỏi sự đói khát. Chúng ta thường ai cũng biết lợi ích của việc ăn nhưng chúng ta chẳng mấy để tâm tới lợi ích thực hành buông bỏ việc ăn, chỉ khi thực hành chúng ta sẽ nhận ra được lợi ích của việc thực hành này. Cho nên, điều chúng ta cần phải hiểu ở đây là càng thực hành ăn, chúng ta sẽ càng phải chịu tâm đói; càng ăn nhiều, chúng ta càng chịu tâm đói nhiều, đây là một hiểu biết. Khi ăn, cảm giác no bụng nó cũng chóng qua đi nên chắc chắn cảm giác đói khát lại trở đi trở lại, còn nếu thực hành buông bỏ tức chúng ta đang phá hủy cái nhân. Tương tự với việc ngủ nghỉ cũng cần phải thực hành đi thực hành lại như vậy cho đến khi chúng ta tự tìm ra câu trả lời bằng sự thực hành và trải nghiệm của chính mình.

Đến với trung tâm Thabarwa, người ta có cơ hội thực hành sự buông bỏ. Ngoài xã hội, người già và bệnh nhân giống như rác rưởi, đồ phế thải; tuy nhiên, tôi lại sử dụng và dạy họ cách thực hành sự buông bỏ và xả ly khỏi những hành động xấu, những thói quen vô bổ. Họ không có lựa chọn nào khác và cũng không có gì để làm nên chỉ còn cách phải thực hành buông bỏ. Họ ngày càng mon men tiến gần đến chánh niệm và xả ly và thực hành các loại buông bỏ. Theo cách như thế, trung tâm Thabarwa và những người sống ở đó trở nên rất thành thục trong việc thực hành buông bỏ để làm những việc khác và thu gặt được rất nhiều lợi ích từ việc làm thiện pháp. Những người ngoài xã hội họ không thể hiểu về sự thực hành này, vì quá bận bịu và vướng víu với việc làm gì đó hoặc không làm gì cả mà họ đã bỏ lỡ đi cơ hội thực hành. Nhờ làm thiện pháp, chúng tôi có cơ hội nương tựa vào Phật – Pháp – Tăng để có thể hành thiện liên quan đến tam bảo. Đó là lý do chúng tôi có được năng lực vun bồi thiện pháp, với sức mạnh đó, chúng tôi có thể đáp ứng được nhiều và càng nhiều nhu cầu của người khác. Chỉ bằng phương pháp thực hành buông bỏ, chỉ làm mà thôi, chỉ kinh nghiệm mà thôi, chỉ sử dụng mà thôi, không vướng mắc hay chối bỏ; như vậy đó là thiện pháp.”

Thiền sư Ottamathara

05/2018, TP.HCM, Việt Nam
Xin cảm ơn quý đạo hữu đã thực hiện bản dịch
Nguồn: Facebook Thiền sư Ottamathara

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app