Bài Pháp Của Thiền Sư Ottamasara Giảng Cho Những Người Đi Tìm Đất Tại Ngôi Làng Tình Thương Thitnipin

Bài pháp của thiền sư Ottamasara giảng cho những người đi tìm đất tại ngôi làng tình thương Thitnipin

 

“Tại Trung tâm Thabarwa này, mục đích chính của việc tham gia một khóa thiền là nghe pháp và giữ bát quan trai giới. Hành thiền không được quan tâm mấy trong xã hội loài người vì hầu hết người ta thích kiếm tiền và tìm kiếm sự học hành. Nếu chúng ta ốm, chúng ta đi gặp bác sỹ và thực hiện theo sự điều trị của bác sỹ, người nghệ sỹ thì sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật của mình, một người diễn viên thì diễn, vận động viên thì chơi thể thao. Họ làm những việc đó thành sự ưu tiên của mình. Còn trung tâm Thabarwa này, có những người già và người bệnh, họ đang tu tập và cố gắng giữ giới. Công việc của trung tâm là xây dựng một nơi cho mọi người sử dụng cuộc sống của họ theo cách đúng đắn. Thabarwa luôn luôn rộng mở, có những thiền sinh thường lưu trú tại trung tâm để thực hành giữ giới, nghe pháp, hành thiền, vun bồi trí tuệ và định lực.

Chúng ta phải tập trung vào hơi thở vào – ra, chú ý vào bản chất những gì diễn ra trên thân và tập trung vào cái đau, … rồi chúng ta phải xả ly khỏi những điều đang diễn ra đó. Ai đó có thể nghĩ rằng “hơi thở vào của tôi”, “hơi thở ra của tôi”, “cái đau của tôi”. Chúng ta có thể hiểu hoặc không hiểu sự thật; nếu hiểu, chúng ta có sự dính mắc vào cái hiểu; nếu không hiểu, chúng ta có sự dính mắc vào cái không hiểu. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có sự dính mắc vào thân thể chính mình. Điểm mấu chốt là có sự dính mắc vào bản thân, dính mắc vào việc là một ai đó, dính mắc vào con người hay loài vật, hay dính mắc vào mối liên hệ giữa thầy và trò; đó là dính mắc. Sự dính mắc luôn tồn tại trong mọi loài vật bởi chúng không thể xả ly khỏi dính mắc. Chúng không thể hiểu và nghe pháp là như thế nào, con người có thể hiểu pháp nhưng loài vật thì không.

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của giáo pháp của đức Phật nên chúng ta có cơ hội quý báu để học hỏi và thực hành giáo pháp. Chúng ta phải ghi nhận những gì đang diễn ra trong tâm chứ đừng quan tâm rằng “đi đâu?”, “ăn cái gì?”, … đừng nghĩ về tất cả những điều đó. Chúng ta phải ghi nhận trạng thái tâm hiện tại đang diễn ra bên trong chúng ta, chúng ta nhận thức những tâm đó đang diễn ra trong tâm của chúng ta và phải cố gắng để giảm thiểu những hiểu biết sai lầm. Chúng ta phải biết điều gì đang xảy ra trong tâm, và rồi sau khi biết, chúng ta phải xả ly khỏi cái biết đó; theo cách này, chúng ta dần giảm đi tà kiến về ngã.

Chúng ta phải biết điều chúng ta đang làm, nếu đang nghe, chúng ta ghi nhận rằng “tôi đang nghe”; nếu hành thiền, chúng ta có thể nghĩ “tôi đang hành thiền”, điều này là bình thường; nếu giữ giới, chúng ta có thể nghĩ: “tôi đang giữ giới”. Sự nhận biết về “tôi”, “của tôi”, “chúng tôi”, “của chúng tôi” liên hệ mật thiết đến tất cả những gì chúng ta đang làm. “Của tôi”, “của bạn”, “của chúng ta”, “của chúng tôi” đều liên quan đến mọi của cải; đây là dính mắc trong mọi hành động. Nếu chúng ta hiểu, chúng ta có thể nghĩ “tôi hiểu”; nếu chúng ta không hiểu, chúng ta sẽ nghĩ “tôi không hiểu”. Mọi người đều chạm phải dính mắc này.

Trong cuộc sống xã hội, chúng ta thường không cố gắng xả ly khỏi những dính mắc này. Nếu sống trong gia đình, chúng ta sống với sự dính mắc của gia đình; nếu sống một mình, chúng ta có sự dính mắc vào đời sống độc thân; nếu nghèo, chúng ta có sự dính mắc vào cảnh khốn khó; nếu giàu, chúng ta có sự dính mắc vào của cải – tài sản; nếu già, chúng ta có sự dính mắc vào tuổi cao sức yếu; nếu trẻ, chúng ta có sự dính mắc vào sức khoẻ và sắc đẹp. Tất cả đều là những dính mắc, dù cho loài vật hay con người, chúng ta đều sống với những sự dính mắc đó. Sống với dính mắc là sống với tham, sân và si, tức sống không khác loài vật. Loài vật thì không có sự lựa chọn, còn là con người, chúng ta có cơ hội để biết là chúng ta đang có sự dính mắc. Hãy cố gắng thực hành như con người thực sự, đừng như loài vật. Các trung tâm thiền thì không giống như xã hội loài người, bởi con người làm mọi việc vì bản thân và sự thịnh vượng của gia đình; các trung tâm thiền không giống thế sự chính trị, không giống các vấn đề xã hội.

Một người cần phải biết họ đang có dính mắc và đang làm với sự dính mắc, tức chỉ đang làm cho bản thân, cho gia đình mình. Người đó phải nhận ra sự dính mắc đang có mặt và phải cố gắng giảm thiểu những sự dính mắc này. Giữ giới, nghe pháp, hành thiền là những phương pháp để tạo nhân duyên cho sự giảm thiểu dính mắc. Những hoạt động này thường xuyên được thực hành trong trung tâm này và những hoạt động như thế không xa lạ với các thiền sinh ở đây. Do họ có thể làm điều đó nên họ nhận được kết quả lành mạnh về mặt tâm linh, nếu làm những điều đó, họ không cần làm những điều khác. Họ giữ giới thì họ sẽ không phá giới, họ không cần nghe lời lẽ của những kẻ vô trí, không cần phải làm các công việc của xã hội. Nếu hành thiền, họ không cần phải lo lắng về điều này hay điều kia và trông chờ điều này hay điều kia. Nếu có thể làm như thế, họ sẽ được bình an, họ có lợi ích và họ được thoải mái.

Ở đây, trong trung tâm Thabarwa, rất dễ dàng để duy trì cuộc sống lợi ích này vì những người có năng lực luôn làm việc cùng nhau và làm cho những mục đích tốt đẹp đó. Khi hành thiền, họ giảm đi sự dính mắc vào ăn uống và ngủ nghỉ, họ ngủ hay không thì không quan trọng và việc dính mắc vào tiền bạc cũng được giảm đi. Họ có tiền hay không thì không quan trọng, dính mắc vào thuốc men cũng giảm đi, họ có thuốc men hay không thì không quan trọng, như thế sẽ có ít dần vấn đề trong tâm. Nếu không có sức mạnh của sự xả ly, người ta sẽ phải lo lắng về việc không có thuốc, không có thức ăn, không có chỗ ở. Hiện tại, sư U Thiha đến từ Pathein đã mở khóa thiền nhịn ăn, chỉ uống nước. Các vị thầy cũng nhịn ăn, chỉ uống nước cùng với các thiền sinh. Khóa thiền bao gồm cả các vị sư và tu nữ tham gia, họ sẽ chỉ uống nước trong vòng 7 ngày. Mục đích chính của việc thực hành như thế này là để buông bỏ dính mắc vào thức ăn. Nếu say mê ăn uống thì chúng ta sẽ có sự dính mắc vào thức ăn. Nếu chúng ta không ăn, sự dính mắc vào thức ăn sẽ giảm đi; nếu một ai đó thích rượu, người đó sẽ không bao giờ bỏ rượu, nếu không uống rượu, người đó có thể từ bỏ rượu. Nếu như không có sự dính mắc thì uống hay không uống không quan trọng, sẽ dễ cai rượu hơn nếu người đó thỉnh thoảng uống, thỉnh thoảng uống thì không là vấn đề nếu như không có sự dính mắc nào cả.

Ăn không phải là vấn đề mà dính mắc vào thức ăn mới là vấn đề, ngủ không phải là vấn đề mà dính mắc vào việc ngủ nghỉ mới là vấn đề, uống thuốc thì không là vấn đề mà dính mắc vào việc uống thuốc mới là vấn đề. Sẽ là vấn đề nếu có sự dính mắc vào tiền bạc, sự dính mắc vào tiền bạc có thể tồn tại ở bất cứ ai, cho dù giàu hay nghèo. Sẽ nảy sinh vấn đề nếu như có sự dính mắc vào nơi chốn, một người có chỗ ở hay không có chỗ ở đều có những sự dính mắc vào chỗ ở và dính mắc làm cho người ta khổ. Bằng việc hành thiền, chúng ta có thể giảm dần sự dính mắc và điều này làm cho chúng ta bình an hơn.

Tôi đã làm những việc phước thiện và gặt được nhiều phước báu lớn nhưng tôi không bận tâm việc có trú xứ hay không. Tôi đã ở tại trường thiền Deva Thaka trên phố Thein Phyu trong năm năm, mọi thứ đều tốt đẹp và ổn thoả. Và tôi cũng không có sự ham thích với nơi đó, với trường thiền đó, rồi tôi chuyển đi sau khi thành lập trung tâm thiền ở đường 45 và sau đó lại chuyển đến Thanlyin. Bây giờ, tôi có rất nhiều trường thiền ở khắp đất nước Miến Điện, có nơi chúng tôi mua, có nơi được cúng dường, một vài nơi đã vào ở được, một vài nơi còn đang xây dựng. Vì chẳng có gì trong tâm tôi về trú xứ nên tôi không có vấn đề gì với trú xứ cả. Không có vấn đề gì với thức ăn nếu như chúng ta không ưu tiên cho thức ăn, không có vấn đề gì với thuốc men nếu chúng ta không ưu tiên cho thuốc men. Nếu chúng ta ưu tiên cho những điều đó là chúng ta đang làm thỏa mãn cho cái tôi của chính mình. Chúng ta quan tâm đến việc ăn cho bản thân, ở cho bản thân, khỏe cho bản thân, những hành động như thế cũng được làm bởi các loài vật. Những hành động như thế sẽ gây ra vấn đề và rắc rối, nếu chúng ta xả ly khỏi sự dính mắc thì sẽ không thể có vấn đề. Do không còn vấn đề cá nhân nên tôi có thể giúp đỡ người khác. Nếu tin tưởng vào pháp, chúng ta sẽ ổn thỏa và quân bình hơn.

Kể cả chúng ta có một nơi chốn, thế vẫn là chưa đủ. Một số người có những mảnh đất nhưng họ chưa xây dựng được nhà cửa, một số vị sư có đất đai và nhà cửa nhưng họ lại không có thức ăn, nếu các vị sư bị ốm mà không có những người ở chùa hộ độ thuốc men thì cũng không có tiền để mua thuốc. Có rất nhiều vấn đề khi sống tại một trú xứ, và chỉ có một nơi để sống thì cũng chưa đủ. Những vấn đề này có thể được giải quyết nếu như người đó hiểu pháp. Có rất nhiều vấn đề khác nữa. Ban đầu, họ có thể sở hữu đất đai, về sau, họ có thể mất đất; rồi các vấn đề sức khỏe xảy đến khi họ không tin tưởng hay nương tựa vào pháp. Họ phải bán đi và không còn chỗ để ở nữa, nợ nần ở khắp mọi nơi. Theo cách của tôi, mọi việc sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Ý định tổ chức một khóa thiền là để làm các việc phước thiện, giờ đây bạn có thể làm các việc phước thiện một cách tạm thời; sau này, bạn có thể làm toàn thời gian. Nếu tiếp tục làm thiện pháp, bạn sẽ trở nên bình an và bạn sẽ bình an nếu bạn sống với pháp. Nếu luôn giữ giới, có định và có tuệ, bạn sẽ ổn thỏa và mọi thứ liên quan đến bạn cũng sẽ ổn thỏa. Nếu không, khi ưu tiên chỗ ở, bạn sẽ gặp vấn đề. Tôi biết rất rõ làm thế nào để giải quyết những uẩn khúc này bởi vì tôi đã xử lý rất nhiều khó khăn. Không dễ để giải quyết các vấn đề bằng các phương pháp và phương tiện của xã hội, nhưng nếu bạn tin tưởng và nương tựa vào pháp thì mọi thứ sẽ tốt đẹp. Chính phủ sẽ giải quyết vấn đề đất đai theo cách của họ, nhưng theo cách của pháp thì không dễ để hiểu. Điều tôi đang làm không phải công việc bình thường của xã hội. Ở đâu hay ăn gì thì không thành vấn đề với tôi, tôi đã từng sống trong lều, hoặc tôi có nổi tiếng hay không cũng không có vấn đề gì. Mối quan tâm duy nhất chính là việc tôi đang làm.

Một người có bao nhiêu tiền thì đó là quả của nghiệp trong quá khứ. Người đó sử dụng của cải và đời sống vật chất của mình như thế nào? Có được làm cho các nhân tốt không? Anh ta có đang tiêu tiền hay đang uống rượu? Nếu như các hành động tiêu cực thì thể hiện cho việc không khỏe mạnh về tâm linh, nghèo nàn về tâm linh. Nếu một ai đó tin tưởng và nương tựa vào pháp thì họ sẽ thịnh vượng, giàu có về mặt tâm linh, cả hiện tại và tương lai.

Ngày càng nhiều người đến trung tâm này, họ đến để biết về cốt tủy của pháp. Có những người nước ngoài và người địa phương cùng làm các việc phước thiện. Đạt đến mục đích làm thiện là đúng đắn, nếu không, chúng ta làm cái chúng ta làm thì mục đích chính của chúng ta sẽ không đúng đắn. Giờ đây chúng ta đang hành thiền, chúng ta đến để thiền, đó là mục đích chính của chúng ta. Nếu như chúng ta ưu tiên ăn ngon, sống tiện nghi thì điều đó có thể làm cho gia đình chúng ta thuận tiện, thoải mái nhưng mục đích sai thì sẽ dẫn đến lo lắng, khổ đau. Nếu nghĩ đến gia đình mình, bạn sẽ lo lắng về gia đình; khi nghĩ về chuyện kinh doanh, bạn lại lo toan tính toán, nếu nghĩ về tương lai, bạn sẽ đắn đo lựa chọn; nhưng nếu hành thiền, bạn sẽ không còn lẩn quẩn và bình an hơn.

Hãy cố gắng sống với pháp. Bất cứ vấn đề gì mà bạn đối mặt liên quan đến trú xứ, tiền bạc, sức khỏe, gia đình, … tất cả đều được giải quyết bằng pháp; đó là lý do tôi đề nghị các bạn tham gia khóa thiền. Nếu đặt niềm tin và nương tựa vào pháp, bạn không cần phải dựa dẫm vào những cái khác. Có tiền hay không thì không phải là vấn đề vì chúng ta không được tạo ra bằng tiền, nếu tin tưởng hay dựa vào tiền bạc thì chúng ta chỉ đang làm công cụ cho công việc kiếm tiền. Tôi đang làm công việc của mình không phải mục đích để kiếm tiền. Bất cứ nơi nào, nếu ở bệnh viện, tôi thuyết pháp và giảng dạy để mọi người có cơ hội nhận được lợi ích lớn lao qua các thiện nghiệp của việc cúng dường và hành thiền. Những người có khả năng thì cúng dường tịnh tài, những ai không có khả năng chi trả thì không thể cúng dường tiền. Họ cúng dường cái gì không phải là vấn đề, họ có khả năng cúng dường hay không cũng không phải là vấn đề. Những người có điều kiện có thể cúng dường rất nhiều thức ăn, còn những người không có điều kiện nhiều thì cúng dường bất cứ thức ăn gì họ có. Tôi ăn gì thì không quan trọng, điều quan trọng là việc làm phước thiện của họ, hành động thiện, nghiệp thiện, tạo quả tốt cho người thí chủ, cho những người nghe pháp và cho các bệnh nhân.

Trong nhân và quả, nhân là quan trọng nhất. Thế nên, tôi tránh các việc làm bất thiện, điều này trợ giúp cho quả thiện và giúp thanh tịnh tâm và điều quan trọng là làm các thiện pháp này. Giờ đây bạn đang làm các việc phước thiện một cách tạm thời, về sau, bạn sẽ có thể làm toàn thời gian. Nếu như bạn làm thì bạn sẽ có khả năng làm, bạn đã có thể làm các việc thế gian cho đến khi chết. Nếu không sử dụng thời gian làm các việc thế gian, bạn hãy dành thời gian làm các việc phước thiện. Tôi không làm các việc thế gian, các thiền sinh trong trung tâm cũng không làm các việc thế gian. Họ sống với pháp và đời sống tinh thần khá ổn thoả.

Một người nên xây dựng cuộc sống của họ như thế nào? Có nên xây cuộc sống với pháp, hay xây với tiền bạc, hay được xây bởi quyền lực? Lựa chọn thế nào đây? Cách nào là an toàn? Tiền và quyền lực là những cái mà con người và những kẻ khờ dại yêu thích. Nếu cuộc sống được xây bởi những thứ ấy, bạn có thể bị lấy mất hoặc vay mượn mất, bạn có thể gặp rắc rối liên quan đến chúng. Nếu hành thiền với hiểu biết đúng, bạn sẽ hiểu được điều này và đi đến sự hiểu biết đúng đắn – chánh kiến; với ý định đúng đắn, bạn sẽ gặt được kết quả lợi lạc. “Tôi hành thiền để đạt đến Niết Bàn”, “Tôi hành thiền để hài lòng với thức ăn, y phục và chỗ ở”, “Tôi hành thiền vì lợi ích của gia đình”, những tư tưởng đó là sai lầm. Tà kiến về ‘tôi” hay “của tôi” cần phải được buông bỏ. Cuộc sống chỉ để sử dụng mà thôi, nơi chốn chỉ để sử dụng mà thôi, thời gian chỉ để sử dụng mà thôi, các chúng sinh vô tình chỉ để sử dụng mà thôi, đừng cố nắm giữ chúng. Tà kiến – sự hiểu biết sai lầm về “tôi” hay “của tôi” là để buông bỏ vì chẳng có gì để nắm giữ. Trên thực tế, chỉ có “danh” và “sắc”, danh và sắc này được nhìn nhận sai lầm nên trở thành tôi, bạn, chúng sinh, các loài vật, đàn ông, đàn bà, … Bây giờ chúng ta hãy hành thiền nếu chúng ta có thể.

Ở đây, chúng tôi đang làm rất nhiều thiện pháp: giúp đỡ người khác theo những phương pháp và thiện pháp khác nhau, dạy – mở trường về các lớp pháp học và hành thiền, một số tham gia các khóa học Vi Diệu Pháp – Abhidhamma… Hãy làm gì bạn có thể làm, nếu không thể làm gì thì bạn hãy hành thiền, ai cũng phải làm công việc gì đó trong trung tâm. Hành thiền ở đây cũng không có gì quá khó khan bởi tôi đã tu tập như thế liên tục trong 6 năm qua. Sự lớn mạnh về vật chất và tâm linh được xây dựng với các nhân thiện và hành động thiện, tất cả được xây dựng bởi Giới – Định – Tuệ. Bất cứ những gì bạn cúng dường, tiền bạc, nhà cửa, thuốc men, thực phẩm, những cái đó không có sẵn, không hề miễn phí. Nếu làm các việc thiện, bạn sẽ nhận quả thiện và đó là lợi ích của thiện nghiệp, do làm nhiều loại thiện pháp nên bạn sẽ nhận được nhiều loại quả thiện khác nhau. Đức Thế Tôn đã nhận được rất nhiều vật phẩm tốt, đó là do Ngài đã làm các rất nhiều việc phước thiện, Ngài đã cúng dường rất nhiều, liên tục bố thí, giữ giới, phát triển thiền định và thiền tuệ.

Ở thế giới bên ngoài, mọi thứ dường như đã được cải thiện. Ở trung tâm, nhờ làm thiện pháp không ngừng nghỉ nên trung tâm đã được phát triển liên tục. Ban đầu, chúng tôi không có cả đất đai, chỉ có trung tâm ở đường 45 là ở trên phố. Rất hiếm có một trung tâm để mọi người có thể trú ngụ trọn đời, không có nơi ở cho những thiền sinh trọn đời. Trung tâm Thabarwa này đã được thành lập cho những ai tìm kiếm một nơi như thế. Ban đầu, tôi được cúng dường một khoảnh đất nhỏ, sau đó chúng tôi cải tạo con đường, chúng tôi có điện, ngày càng nhiều nhà cửa mọc lên, các bác sỹ đến mang theo thuốc men, và mọi thứ trở nên thuận tiện hơn để mọi người đến ở lâu hơn. Đó không phải nhờ việc xin hỏi cúng dường bởi đây không phải là một trung tâm được xây dựng để thu thập lợi nhuận.

Tôi làm các thiện pháp dù cho có tiền hay không, giàu hay nghèo thì không quan trọng, dù cho tôi nhận được vật chất hay không không quan trọng, khỏe hay không khỏe không quan trọng. Quan trọng là bạn cần phải hành thiền một cách kiên trì, hãy thiền dù cho bạn rảnh rỗi hay không, hành thiền dù cho người khác có thiền hay không. Tôi làm các thiện pháp như thế dù cho người ta chấp nhận hay chối bỏ tôi, nó cũng không liên quan đến người khác. Nếu bạn hành thiền miên mật, cuộc sống của bạn sẽ ổn thỏa. Tôi sẽ chỉ cho bạn con đường, hãy cố gắng đi trọn vẹn trên con đường đó.”

Thiền sư Ottamathara

Tháng 11/2014, được dịch từ tiếng Myanmar
Nguồn: FB Thiền sư Ottamathara

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app