SỬA ĐỔI NHỮNG TÀ KIẾN CỦA THẾ GIAN

 

Thiền tập giống như tầm soát sức khỏe. Qua kiểm tra tổng quát, chúng ta có thể biết tình trạng của thân. Chỉ khi chánh niệm, chúng ta sẽ hiểu về các hiện tượng sinh khởi tại giây phút hiện tại trên tâm và phản ứng của tâm. Nếu chúng ta có nhiều trải nghiệm, chúng ta sẽ quan sát được khi chánh niệm tồn tại. Nếu chúng ta giữ trong tâm về ký ức đẹp và hành xử thiện lành thì khi chú tâm, chỉ là trải nghiệm tốt. Còn như, chúng ta giữ trong tâm về ký ức bất hạnh và hành vi bất thiện thì khi hướng tâm, chắc chắn chỉ là buồn đau. Nếu không chánh niệm, chúng ta không nhận ra phẩm chất tâm tại giây phút hiện tại cũng như tâm nắm giữ tạo các kinh nghiệm. Tâm càng chấp chặt bao nhiêu, với chánh niệm, chúng ta càng hiểu rõ bấy nhiêu. Tại bệnh viện, các thông số xét nghiệm y khoa chỉ ra sức khỏe của thân. Sự chánh niệm thì trọn vẹn để hay biết sự khỏe khoắn của tâm đồng thời thanh lọc tâm hữu hiệu hơn. Chúng ta chỉ cần hiểu điều này để tiếp tục thực hành. Khi chúng ta giữ vững chánh niệm thì chẳng cần làm gì khác. Hành động chánh niệm sẽ tự mình hoàn tất mọi việc. Chúng ta nên tập trung vào giữ chánh niệm trong từng khoảnh khắc hiện tại. Các đối tượng của chánh niệm có thể thay đổi theo thời gian. không vì thế mà chúng ta ngưng nghỉ chánh niệm. Khi thất niệm, chúng ta cho rằng mình cần phải làm rất nhiều thứ. Còn khi chánh niệm, chúng ta không cần làm gì cả. Cho nên, chỉ cần tiếp tục sự thực hành chánh niệm không quản thời gian, nơi chốn, đối tượng và hoàn cảnh. Ban đầu, các đối tượng của chánh niệm sẽ là tất thảy, ngoại trừ tâm hay biết. Càng chánh niệm hơn, chúng ta càng hiểu rằng bản-chất-vô-thường-luôn-đổi-mới là Sự thật. Cái gì đó, người nào đó, thời gian và nơi chốn đang được sử dụng là không thật. Nếu chúng ta chánh niệm, chúng ta sẽ tường tận về bản chất của từng đối tượng. Đó là Sự thật về bản-chất-vô-thường-luôn-đổi-mới, về không cái-gì, không-ai-đó, không-là-tôi, không-phải-của-bạn, chẳng-chúng-sanh, chẳng-phi-chúng-sanh, không-có-giống đực, không-có-giống-cái, không phải việc chối bỏ hay chấp giữ, chỉ là để-sử-dụng-mà-thôi hoặc không-sử-dụng-mà-thôi. Đây mới chính Sự thật Gốc (Chân đế), mang tính thường hằng và chắc chắn. Bởi không liễu ngộ Sự thật tối thượng là Bản chất vô thường nên chúng ta ngộ nhận rằng tất cả chúng sinh và phi chúng sinh, vật thể hay con người đều có thực tánh. Thật ra, cái hiểu lầm lạc (tà kiến hay vô minh) và tham ái mới là cái đang hiện diện. Chúng ta hoàn toàn tự do để chánh niệm vào bất kỳ đối tượng sinh khởi trên thân và tâm, vì vậy, có vô số đối tượng cho tâm hay biết. Câu trả lời cho Sự thật thì chỉ vọn vẹn là Bản-chất-vô-thường-luôn-đổi-mới.

Khi chúng ta có thể hiểu về bản-chất-vô-thường-luôn-đổi-mới, chúng ta cần quán xét đặc tính ấy của tâm hay biết. Đây là đề mục ở bước thứ hai. Nhờ việc thính Pháp, tâm hay biết sinh khởi. Hành động lắng nghe vừa diễn ra và Pháp âm cũng mới thoát ra, do vậy, tâm nhận biết tiến trình nghe là mới diễn ra. Trước đây, tất cả đều không hiện hữu. Từ hư vô, nhĩ thức và âm thanh gặp nhau. Bởi sự giao thoa này, tâm hay biết xuất hiện. Sự nghe, âm thanh và tâm biết đồng sinh và đồng diệt liền đó. Tất cả sinh ra cùng lúc, rồi thì, hoại diệt trong phút chốc. Tiến trình sinh khởi và hoại diệt chỉ xảy ra trong giây phút hiện tiền. Chúng không từ đâu đến, không định hình và chẳng biến đổi đi đâu cả. Chỉ là nhân và quả, không có gì, chẳng là ai, không phải chúng sanh hay phi chúng sanh, có bản-chất-vô-thường-luôn-đổi-mới tồn tại. Tâm nhận biết về nhân và quả của bản chất vô thường cũng tương tợ đặc tính vô thường. Nếu chúng ta có thể hiểu về đặc tính vô thường của tâm hay biết thì chúng ta cần phải chánh niệm vào đề mục là hành động tự thân của chánh niệm. Đến bước ba, tâm chánh niệm và các đối tượng quan sát là một. Chánh niệm phải đủ nhạy bén để đạt đến bước này. Cả sự dính mắc và vô minh đều liên hệ mật thiết với ba bước chánh niệm được đề cập ở đây. Chúng ta cần thực hành chánh niệm theo ba đề mục này để lĩnh hội nhân và quả của bản chất vô thường. Theo đó, chúng ta sẽ tự do thoát khỏi ràng buộc của vô minh và tham ái. Lúc này, chỉ có chánh niệm và xả ly còn tiếp diễn.

Giờ đây, chúng ta là những hành giả trong một khóa tu. Bằng cách làm thiện phước cùng nhau, các quả lành phát khởi tương trợ vượt qua khó khăn. Khi chúng ta trở lại nhịp sống xã hội sau khóa thiền, chắc chắn là chúng ta sẽ tiếp xúc với những thành viên trong gia đình và bạn bè. Chúng ta phải tiếp tục việc nuôi mạng nữa. Chúng ta nên cố gắng chấp nhận cấu trúc xã hội và các hoạt động cộng đồng như bản chất tự nhiên vậy. Chúng ta không chối bỏ song chúng ta có thể thoát khỏi các ràng buộc. Để xả ly khỏi xã hội và những mối giao tế liên quan, chúng ta tiếp tục vận dụng chánh kiến của người thiền sinh trong đời sống hằng ngày (chính là bản-chất-vô-thường-luôn-đổi-mới). Sự tập huấn ở đây mới là vòng giả chiến. Xã hội ngoài kia chính là cuộc chiến thật sự. Khi chúng ta gặp điều kiện bất lợi ngoài xã hội, chúng ta cần sự gia hộ từ đời sống thuận thành của một hành giả hoặc chánh kiến hay bản-chất-vô-thường-luôn-đổi-mới. Hầu hết, con người ngoài xã hội mang nặng tà kiến và chỉ làm việc vị lợi cá nhân, ít khi nghĩ đến lợi ích cho người khác và Sự thật. Thế nhưng, tất cả chúng ta, ở đây, đang làm thiện pháp không chỉ dành cho mình mà cũng dành cho người khác và Sự thật nữa. Nơi đây là một trung tâm thiền, không thiên hướng thương mại, giáo dục, chăm sóc y tế hay đời sống gia đình; do đó, chẳng có nhiều đối tượng và sự việc cản trở sự thực hành của hội chúng. Ngoài xã hội, nhiều thành phần và lực lượng ngăn trở sự thực hành chánh niệm và xả ly. Ngay cả khi chúng ta không thành tựu phép thực hành làm thiện phước bằng cách trì giới bổn và nhiếp tâm thanh tịnh khi hòa vào xã hội thì chúng ta cũng không nên từ bỏ Pháp. Chúng ta cần tiếp tục sự thực hành, chẳng phải để giác ngộ chân lý cao thượng mà để giáo dưỡng con người xã hội qua cách thức làm việc phước thiện bằng chính trải nghiệm của bản thân. Chúng ta cần suy nghĩ cho người khác và tư duy về Sự thật, cố gắng loại trừ cái “tôi” tự ngã bên trong. Chúng ta năng tích góp hay phát triển phước báu hay làm việc lành hơn là cố gắng góp nhặt tiền bạc. Có lẽ, điều này khó khăn với hành giả sơ cơ, nhưng dần dà, tình hình trở nên dễ dàng khi chúng ta thiện xảo hơn. Chúng ta cần kham nhẫn và bao dung. Chúng ta cần thư thái và tự nhiên. Chúng ta cần chánh niệm vào mọi khoảnh khắc hiện tại. Chúng ta không nên từ bỏ góc nhìn về Sự thật. Đây chính là bản-chất-vô-thường-luôn-đổi-mới. Ngay cả nếu chúng ta không thể chuyển biến gia quyến thành hành giả thì chúng ta không nên từ bỏ quan kiến của mình. Chánh kiến, chánh ngữ và chánh nghiệp liên hệ mật thiết với bản-chất-vô-thường-luôn-đổi-mới và là điều cấp thiết cho xã hội. Với sự thực hành này, chúng ta cần vun bồi nhu cầu của xã hội. Hành thiền không chỉ dành cho các thiền viện mà còn cho xã hội nữa. Tại trung tâm này, tất cả chúng ta đang sử dụng chánh kiến như một hành giả thực thụ hay bản-chất-vô-thường-luôn-đổi-mới. Khi ở ngoài xã hội, chúng ta cần thực hành để lấy chánh kiến chống lại tà kiến về vật dụng hay tư hữu của tôi, đối tượng là ai đó hoặc tôi. Nó là một bài thi thực tế. Nếu như chúng ta không am tường về kỹ thuật pháp hành ngay tại khóa tu này, có lẽ chúng ta gặp nhiều gian truân khi về lại xã hội. Dù sao đi nữa, chúng ta cũng không có sự lựa chọn, chỉ tiếp tục thực hành trong đời thường cho dù chúng ta có muốn hay không, có dễ dàng hay không. Chỉ cần thẳng tiến, chúng ta có thể làm được nhiều điều cho mình, cho người và cho cả xã hội. Nếu chúng ta dám dấn thân, chắc chắn là chúng ta sẽ thành tựu vào đúng thời điểm.”

—————————

Ngoài xã hội, người ta làm mọi thứ với các ý niệm hạn hẹp như: “đời này”, “chốn này”, “người này”, “công việc này”. Đó là tà kiến. Họ không thể chấp nhận “không có gì”, “chẳng có ai”, “không là tôi”, “không là bạn”. Đó là lý do tại sao người ta không đạt được trạng thái “chỉ-sử-dụng-mà-thôi”, “chỉ-làm-mà-thôi”. Người ta đang làm với sự nắm giữ và dính mắc. Như thế, chắc chắn sẽ phát sinh hệ quả xấu đi kèm. Tuy nhiên, vẫn sẽ khả thi nếu bạn muốn chuyển biến lối mòn tư duy từ làm việc vị tư lợi sang làm việc phi tư lợi, không vì bản thân hoặc một tổ chức nào mà làm vì phước báu và lợi ích toàn cầu. Nếu một người chỉ chuyên tâm vào con đường học vấn thì người đó không tạo được nhiều phước báu bằng đời sống thực hành thiện pháp toàn thời gian ở các trung tâm thiền. Như vậy, bạn phải làm những điều thiện ở chính môi trường làm việc của mình; nên cố gắng tập trung vào việc tích lũy phước báu, làm nhiều điều thiện với tâm thế phụng sự cho tất cả, với mục đích phát triển cho toàn hệ thống của một quốc gia, của toàn cầu. Điều này hoàn toàn có thể, cũng như cách mà bộ máy chính quyền hay các tổng thống đang làm việc cho đất nước vậy, chúng ta tự do và có thể đại diện cho quốc gia của mình, cho nhân loại, tùy theo các điều kiện sẵn có. Theo hướng này, chúng ta tập trung làm việc cho phước báu, chúng ta có thể nhận lãnh tịnh tài từ nguồn cúng dường dưới danh nghĩa là một tổ chức xã hội hay trung tâm thiền. Việc không làm việc vì bản thân mà vì những người khác hoặc các tổ chức khác là hoàn toàn khả thi, chúng tôi (Trung tâm Thabarwa) đang làm việc cho tất cả và chúng tôi đang làm điều thiện, tất cả chúng ta đều có khả năng làm theo như vậy và chúng ta sẽ thay đổi. Thay vì sử dụng tiền bạc cho chính mình, hãy dùng nó cho người khác. Ví dụ như chính bản thân tôi, có nhiều tịnh vật cúng dường đến riêng tôi chứ không phải cho trung tâm Thabarwa nhưng tôi chẳng cần thọ dụng chúng, tôi dành các khoản tịnh tài và vật phẩm ấy cho mọi người. Phương pháp này là khả thi, nên hãy cố gắng tập trung vào thiện phước và nhân danh cho những người khác hay Sự thật chỉ-làm-mà-thôi. Tôi thành lập ngày càng nhiều trung tâm Thabarwa. Theo đó, mọi người dễ dàng hỗ trợ chúng tôi. Họ có thể cộng tác cho các trung tâm Thabarwa bằng cách cúng dường và làm tình nguyện. Nếu bạn có thể làm thiện phước nhiều hơn thì điều bạn mong muốn sẽ thành tựu. Nếu bạn muốn ra quyết định đúng đắn thì không khó lắm, nhưng còn liên quan đến thời điểm nữa, lúc này chưa phải là thời kỳ thịnh vượng của Miến Điện nhưng cũng không phải lúc tệ hại nhất, đó là lý do tại sao chúng tôi gặp nhiều trở ngại. Trung tâm Thabarwa có nhiều địa điểm tại Miến Điện nên chúng tôi chịu ảnh hưởng bởi tình hình đất nước. Nếu chúng tôi kham nhẫn đến khi tình hình khá hơn thì lúc đó, tại các trung tâm của Thabarwa, chúng tôi có thể làm được rất nhiều thứ. Tương tự cho các tổ chức đoàn thể khác trong xã hội, tùy vào thời điểm và điều kiện của quốc gia mà nên làm việc thiện nhiều hơn nữa. Chắc chắn là chúng ta cũng sẽ thành thạo trong việc ra quyết định. Tình hình hiện tại khó khăn thế nhưng điều này rồi sẽ thay đổi.

 

Thiền sư Ottamathara

14/01/2020 – Thiền viện Phước Sơn, Việt Nam
Pañca Khandha ghi – Sadhamma Nani dịch
Nguồn: Facebook Thiền sư Ottamathara

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app