ĐỪNG TUÂN THEO HAM MUỐN CỦA BẠN (phần 1)

Nếu quý vị đang tập trung ghi nhận hơi thở thì chỉ chú ý đến hơi thở và ngừng sự chú ý đến các đối tượng khác, trừ hơi thở. Điều mà tôi đang hướng dẫn đây là để chỉ làm mà thôi, không có sự dính mắc. Chúng ta cần cố gắng buông bỏ thói quen chú ý đến cái gì đó hoặc chú ý đến những hành động của mình. Thông thường, chúng ta có thói quen chú ý đến các chúng sinh hữu tình hay chúng sinh vô tình, thế nên luôn có sự dính mắc mạnh mẽ trong tâm chúng ta. Hoặc cũng có những ý tưởng mạnh mẽ về ai đó hoặc cái gì đó, chúng ta tin vào ý niệm về cái gì đó là thực, ai đó là thực. Trên thực tế, sự thật chỉ là bản chất vô thường luôn luôn đổi mới, không phải ai đó hay cái gì đó. Chúng ta thường tin tưởng chắc chắn vào ai đó hay cái gì đó nên khi tiếp cận chúng sanh vô tình hay hữu tình, chúng ta luôn đi đôi với ý niệm “tôi” hay “bạn”, “của tôi” hay “của bạn”. Chúng ta phải cố gắng để buông bỏ những ý niệm này.
Chúng ta thường chỉ nhìn dưới góc độ của một ai đó, bất cứ điều gì chúng ta làm đều nghĩ rằng chúng ta làm vì mình, vì gia đình mình, vì xã hội mình, vì đất nước mình. Chúng ta nắm giữ ý niệm cái gì đó trong bất cứ việc gì chúng ta làm và luôn đặt niềm tin mạnh mẽ vào ý niệm cái gì đó hoặc ai đó, đây chính là sự dính mắc vào ai đó hay cái gì đó. Chúng ta có thể sử dụng bản thân mình, sử dụng cuộc sống của mình, hay sử dụng người khác nhưng chúng ta cần cố gắng xả ly khỏi ý niệm về ai đó hay cái gì đó. Nếu không làm thiện thì chúng ta đang mắc sai lầm, nếu không cố ý tránh xa các việc ác là chúng ta sai, nếu không cố gắng thanh lọc tâm chúng ta cũng sai, và hầu hết chúng ta đang mắc những lỗi này. Chúng ta chỉ làm những điều chúng ta muốn và phục tùng những ham muốn đó và tất cả hành động của chúng ta đều đến từ ham muốn bản thân. Chúng ta ăn cái chúng ta muốn ăn, chúng ta ngủ khi chúng ta muốn ngủ. Điều đó có nghĩa là tất cả hành động của chúng ta đều dựa trên cơ sở gì đó, chính là ham muốn hiện tại của chúng ta. Tức chúng ta đang làm việc cho bản thân mình và đang cố gắng đáp ứng các ham muốn của chính mình. Tôi không cố ngăn cản bạn làm hay không làm, tôi chỉ đang cố gắng để xả ly khỏi ý niệm về ai đó hoặc cái gì đó.
Là một con người, chúng ta học, chúng ta làm việc, đó là điều tất yếu, nhưng nếu chúng ta không làm thiện pháp mới thật sự có vấn đề. Giáo pháp của đức Phật thể nghiệm cho sự đúng đắn và chân chánh; vì thế, nếu không học hỏi và thực hành theo lời Phật dạy, chắc chắn quí vị sẽ rời xa sự thật. Nếu không hành thiền hay thực hành chánh niệm, quý vị sẽ mắc sai lầm, nếu không cố gắng thanh lọc tâm, quý vị cũng đang mắc sai lầm, và những sai lầm này thường thấy ở hàng cư sĩ. Đó là lý do rất nhiều vấn đề và rắc rối bộc phát, nảy sinh trong tâm của con người, bởi họ đang cố gắng sử dụng tâm như họ muốn, ví dụ như họ muốn nổi cáu, dấy khởi lòng tham… Sử dụng tâm như một người bình thường và sử dụng theo cách thông thường thì không phải phương pháp đúng đắn. Vì thế, chúng ta nên học theo giáo pháp đức Phật và thực hành theo lời dạy của Ngài. Khi thực hành như thế, chúng ta phải cẩn thận để xả ly khỏi bản thân và các hành động của mình.
Ghi nhận, chánh niệm là chúng ta đang thực hiện một hoạt động của tâm, tức đang sử dụng tâm của mình. Điều đó là đúng nhưng cần phải chỉ làm mà thôi, không được chú ý đến tâm của mình hay chú ý đến việc đang thực hành chánh niệm của mình, tức không được chú ý đến việc thực hành chánh niệm nhưng quý vị cần chánh niệm. Khi ghi nhận, chúng ta cần buông bỏ thói quen chú ý vào việc mình đang làm. Đôi khi có thể thích hành thiền, đôi khi không thích, nhưng quý vị chỉ thực hành mà không bận tâm đến trạng thái tâm và những ham muốn của mình. Quý vị cần phải xả ly khỏi những ham muốn đó và không được tuân theo những ham muốn của mình hay tuân theo cái tâm của mình, bởi thường thì tâm không thanh tịnh và có nhiều dính mắc. Nếu chiều theo tâm mình, quý vị sẽ phải làm việc như những người bình thường khác.
Chúng ta không nên quên Phật, Pháp, Tăng; chúng ta phải thực hành như tăng chúng hay như một thiền sinh. Quý vị có thể không ở trong trường thiền hoặc không phải là thiền sinh nhưng điều đó không quan trọng. Điều thiết yếu là quý vị cần phải thực hành chánh niệm và xả ly, xả ly khỏi bản thân, khỏi những hành động của mình, khỏi nơi quý vị đang ở hay đang sử dụng. Sự thực hành xả ly là thực hành mà không chú ý đến bản thân, đến cuộc sống hiện tại, đến các hành động của mình bao gồm cả thân hành, khẩu hành, ý hành. Quý vị cũng không chú ý đến những gì diễn ra trong thân và tâm; đó là sự thực hành xả ly. Để không chối bỏ, quý vị cần phải chánh niệm, cố gắng chánh niệm về thân – tâm trong mọi khoảnh khắc. Nếu không chánh niệm, quý vị đang chối bỏ hành động đúng đắn là chánh niệm, và để không dính mắc, quý vị không được chú ý vào tâm của mình và vào hành động ghi nhận của tâm. Sự thực hành chánh niệm cũng không để bị dính mắc và không để bị chối bỏ, cần ghi nhận nhưng không tập trung chú ý vào sự thực hành chánh niệm, tức càng tập trung chú ý thì càng dính mắc vào hành động ghi nhận.
Quý vị có hứng thú với việc thiền tập, nên thiền ở trong tâm quý vị, đó là sự dính mắc vào việc hành thiền dù quý vị không chối bỏ; nếu không hứng thú với việc hành thiền tức quý vị đang chối bỏ; nếu quý vị không nghĩ đến việc hành thiền, đó cũng không phải đúng đắn. Bây giờ quý vị chú ý đến việc hành thiền, đó là vì có sự dính mắc vào thiền trong tâm quý vị; vì vậy, quý vị phải xả ly, phải chánh niệm và ngừng việc chú ý vào thiền. Khi thiền, không phải quý vị là người duy nhất hành thiền, còn rất nhiều người khác cũng đang hành thiền, có người ở trong rừng, hay trong các hang động, có người ở trường thiền. Vì ý niệm về ai đó, chúng ta sẽ tác ý đến ai đó, tác ý đến một trong những người hành thiền. Và thói quen đó cần được buông bỏ, nếu không thể buông bỏ thói quen chú ý đến một ai đó, chúng ta đang rời xa dần con đường trung đạo. Mà chỉ có con đường trung đạo là con đường duy nhất hướng đến sự giải thoát tự do khỏi sự dính mắc và chối bỏ.
Có nhiều thiền sinh hành thiền nhưng không buông bỏ được thói quen. Khi làm việc thì họ chú ý vào việc làm của họ; khi thiền, họ lại chú ý đến cuộc sống của một thiền sinh và sinh hoạt thiền của mình. Dù đang hành thiền nhưng họ không thể buông bỏ được sự dính mắc vào bản thân và hành động của mình. Ý tôi là họ nghĩ họ đang làm thiện pháp cho chính họ, họ đang hiểu lầm sự hành thiền là việc làm của riêng họ. Nếu làm với ý niệm cái gì đó của mình sở hữu thì sẽ không bao giờ kết thúc. Chúng ta thường đại diện cho ai đó hoặc cái gì đó; vì vậy, chúng ta phải cố gắng đại diện cho sự thật, đó là bản chất vô thường luôn luôn đổi mới. Chúng ta có thể hiểu, chúng ta có thể nghĩ, chúng ta có thể nhận ra, chúng ta có thể nghe âm thanh, chúng ta có thể ngửi, chúng ta có thể thấy lạnh, nhưng chúng ta lại lầm hiểu rằng “tôi hiểu”, “tôi nghĩ”, hay “ai đó nghĩ”, “ai đó thấy lạnh”,… như thế là sai. Tất cả sức mạnh này đều liên quan đến bản chất vô thường luôn luôn đổi mới, chỉ có bản chất vô thường luôn luôn đổi mới có thể biết, có thể hiểu, có thể cảm nhận, có thể ghi nhớ và có thể tạo ra hành động. Và bản chất vô thường luôn luôn đổi mới này không phải là ai đó hay cái gì đó. Chúng ta luôn sử dụng sức mạnh của bản chất vô thường luôn luôn đổi mới nhưng chúng ta lại hiểu lầm, chúng ta không biết sự thật, đó là bản chất vô thường luôn luôn đổi mới. Đó là vì sao chúng ta hiểu lầm là có ai đó, “tôi” hay “bạn”, có cái gì đó “của tôi” hay “của bạn”. Chúng ta có thể tiếp cận các chúng sinh hữu tình, bao gồm bản thân chúng ta và có thể sử dụng chúng sinh vô tình, nhưng chúng ta phải cố gắng xả ly khỏi ý niệm về ai đó hay cái gì đó. Vì vậy, sự thực hành xả ly là không chú ý đến cái gì đó hay ai đó, chúng ta có thể chú ý nhưng cần cố gắng ngừng lại thói quen đó, không dám buông bỏ thói quen chú ý cũng là dính mắc. Chúng ta có thể ăn nhưng chúng ta cũng nên cố gắng không ăn, chúng ta có thể ngủ nhưng chúng ta nên cố gắng không ngủ, chúng ta phải hiểu việc buông bỏ là cần thiết.
Buông bỏ cũng là một hành động. Thường thì chúng ta hiểu rằng chúng ta phải làm nhưng chúng ta nên hiểu đó là công việc cần được làm và cũng cần được buông bỏ. Tương tự, ăn cần được ăn và cũng cần được buông bỏ, ngủ cần được ngủ và cũng cần được buông bỏ. Chúng ta cứ cho rằng chúng ta cần chiếm giữ cuộc sống của mình, đó là hiểu biết không trọn vẹn. Cuộc sống là để sử dụng và để buông bỏ, để mất đi; chúng ta phải buông bỏ những tài sản của mình và buông bỏ cả bản thân mình. Nếu không hiểu như thế, chúng ta sẽ cho rằng chúng ta phải làm việc, chúng ta phải học, chúng ta phải cố gắng đạt được điều gì đó. Vì thế, chúng ta muốn mọi thứ vì chúng ta cứ cho rằng mọi thứ phải được sở hữu. Chúng ta cho rằng thức ăn cần phải được ăn, đó là tại sao chúng ta ăn mọi thức ăn. Chúng ta hiểu rằng mọi nơi chúng ta cần phải đi, vì thế chúng ta muốn đi khắp mọi nơi. Đó là bởi vì sự hiểu biết của chúng ta không trọn vẹn. Chúng ta có thể đi, chúng ta có thể ăn nhưng chúng ta phải hiểu cả hai điều: hành động và buông bỏ, chúng ta phải cố làm và chúng ta cũng phải cố gắng buông bỏ. Theo cách này, chúng ta có thể kiểm soát bản thân mình.” (còn tiếp)

Thiền sư Ottamathara

Dẫn thiền – 03/2014 – Wat Ananda, Singapore
Xin cảm ơn quý đạo hữu đã thực hiện bản dịch
Nguồn: FB Thiền sư Ottamathara

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app