HIỂU BIẾT ĐÚNG KHI LÀM THIỆN PHÁP

Làm điều gì với tâm tham, sân, si và cho rằng “tôi làm, người khác làm” thì bất thiện nghiệp sinh khởi trong tâm chúng ta. Bất kỳ khi nào chúng ta làm mà thấy thích tức tâm tham đã sinh khởi ở trong tâm rồi; làm mà không thấy thích thì tâm sân đã có mặt trong tâm của chúng ta. Một người với tri kiến sai lầm, họ sẽ thấy có “tôi làm, họ làm, …”, hiểu sai như vậy bởi do tâm si sinh khởi. Làm mà có thích hay không thích thì tâm tham hay tâm sân sinh khởi theo. Vì vậy, chúng ta nên cẩn thận khi làm điều gì, không dính mắc và diệt trừ bất thiện tâm, khi không dính mắc thì bất thiện nghiệp không sinh khởi nơi tâm.

Khi làm thiện pháp như: bố thí, trì giới và hành thiền, chúng ta thường hay hiểu sai là “tôi cúng dường, tôi thọ trì giới hay tôi hành thiền”. Hiểu tà kiến như vậy sẽ có bất thiện nghiệp sinh khởi nơi tâm của chúng ta. Khi nào “làm chỉ là làm” và “không có ai làm”, khi đó chúng ta mới có hiểu biết đúng. Làm bất kỳ việc gì cùng với tâm thích thú thì khi đó có cái hiểu sai. Khi hiểu sai chúng ta sẽ bị dính mắc, vì thế làm bất kỳ thiện pháp nào cũng phải hay biết rằng chỉ có sự làm ở đây mà không có ai ở đó. Ngược lại khỏe mạnh là ốm đau, ngược lại sạch sẽ là bẩn thỉu, ngược lại thích là không thích, ngược lại giữ giới là không giữ giới; tương tự, thích là tâm tham, không thích là tâm sân. Khi có tham và sân, tâm sẽ không có sự hiểu biết chân chánh, lúc đó tâm si cũng có mặt.

Khi thấy có “con người, đồ vật” và dính mắc vào đó, cái hiểu sai lầm của chúng ta ngày càng được củng cố. Bất kỳ thiện sự gì mình sử dụng như vật thực, sức khỏe, … chúng ta đều phải suy xét mình làm với tâm tham, sân, si hay làm với tâm thiện. Khi xem xét như vậy mà thấy trong tâm có bất thiện thì chúng ta hay biết nó, và ngày qua ngày các bất thiện tâm giảm dần, thiện tâm tăng dần. Trong khi quan sát, chúng ta sẽ nhận ra đối ngược với tâm tham là tâm vô tham, đối ngược với tâm sân là tâm vô sân. Khi có các đối tượng sinh khởi, chúng ta phải buông bỏ chúng, không nên dính mắc vào các đối tượng đó; chỉ làm, chỉ hay biết mà thôi, không có ai trong tất cả các hành động. Khi làm được một việc, trải nghiệm, áp dụng hay hiểu điều gì chúng ta phải thoát ra khỏi sự dính mắc với chính việc đó. Lúc đó cần hiểu là chỉ có áp dụng, chỉ làm mà thôi, không có ai đang làm hay trải nghiệm cả, hãy thoát ra khỏi sự dính mắc đó. Dù chúng ta có hiểu hay không cũng chỉ để trải nghiệm mà thôi, không phải để dính mắc, chúng ta cần buông bỏ sự hiểu hay không hiểu đó. Chỉ với ai có được sự buông bỏ này thì hiểu biết mới ngày càng phát triển.

Khi không có chánh kiến cho dù cố gắng thế nào đi nữa, chúng ta cũng không thể hiểu và không thể buông bỏ được. Không có hiểu biết thì làm việc gì với sự không hiểu biết này cũng không đưa đến hiểu biết đích thực và thoát khỏi dính mắc được. Giống như tôi, tôi phải có điều gì đó thì mới có thể chia sẻ với quý vị được. Mọi người phải có tài chính hoặc hiện vật thì mới chia sẻ với những người khác được. Nếu chúng ta không có gì về vật chất hoặc tinh thần thì chúng ta khó lòng mà giúp đỡ được người khác. Trong trường thiền của tôi, khi làm việc gì mà tôi thấy rằng có thể giúp đỡ, chia sẻ được đến ai đang cần sự hỗ trợ thì dù nó là tốt hay không tốt tôi cũng không dính mắc. Tâm có trí tuệ sẽ không có dính mắc, mọi thứ chỉ xảy ra theo đúng bản chất của nó mà thôi. Dù là làm thiện nhưng cũng đừng chấp thủ vào hành động thiện đó. Khi nào chúng ta có được sự buông bỏ đó thì nó sẽ giúp tâm không bị dính mắc. Vì khi dính mắc vào bất kỳ hành động thiện nào thì tương lai của chúng ta không chắc chắn được nó như thế nào.

Trong số những người đến trung tâm, có người đến để chia sẻ và giúp đỡ người khác, có người đến để hành thiền. Với mỗi hành động thiện đó, họ làm theo những ước muốn và khả năng của mình. Thật khó giải thích về sự buông bỏ ở đây bởi có những người thì hiểu, có người không hiểu. Quan trọng là chúng ta đừng dính mắc vào bất kỳ thời gian nào, những gì sinh khởi chúng ta chỉ hay biết mà thôi. Khi hành thiền, chúng ta có thể quan sát hơi thở vào và hơi thở ra. Cảm thọ nào sinh khởi thì quan sát những cảm thọ ấy, hay những đối tượng khác sinh khởi thì chúng ta đều ghi nhận và hay biết. Những đối tượng nào đã sinh khởi thì chúng ta buông bỏ chúng, chỉ quan sát những đối tượng ở hiện tại mà thôi. Trong thân sinh khởi những gì, chúng ta hay biết chúng đang sinh khởi cái đó; trong tâm sinh khởi những gì thì chúng ta hay biết chúng đang sinh khởi nơi tâm của mình. Công việc của thiền sinh là tự thực hành lấy, mà không phải thực hành cho người khác, tự chúng ta hiểu biết về chính chúng ta, chúng ta tự kinh nghiệm lấy.

Chúng ta thường có thói quen dính mắc vào phương pháp, nơi chốn hay thời gian mà chúng ta hành thiền. Vì vậy, việc đầu tiên là chúng ta không dính mắc vào những việc đã trải nghiệm trước đây, nơi nào, khi nào mình đã từng thực hành. Khi không dính mắc vào những thứ trên, chúng ta mới có được sự buông bỏ hoàn toàn. Mong muốn làm việc gì đó, bản thân chúng ta cần hiểu rằng chỉ có mong muốn làm, không có một tự ngã nào ở đấy cả. Tất cả những điều này cũng chỉ để làm mà thôi, không có sự dính mắc. Thói quen của chúng ta là thường bị dính mắc vào thời gian, nơi chốn, … Điều quan trọng ở đây không phải là hành thiền bao lâu, hành thiền ở đâu. Khi hiểu biết đúng có mặt, những khó khăn từ từ trở nên dễ dàng hơn. Bằng sự thực hành của chính mình và với hiểu biết đúng đắn, chúng ta sẽ hiểu được tất cả mọi vấn đề một cách sáng tỏ và dễ dàng hơn.

Thiền sư Ottamathara

15/01/2016
Xin tri ân quý đạo hữu đã thực hiện bài dịch
Nguồn: Facebook Thiền sư Ottamathara

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app