ĐƯA RA CÁC QUYẾT ĐỊNH NHƯ MỘT THIỀN SINH

 

Tôi để mọi người được thực hành tự do tại các trung tâm Thabarwa. Đây là cách đưa ra các quyết định. Theo cách này, mọi người được tự do quyết định và tự do hành động, vì vậy chúng ta có thể nhận thấy kết quả rõ ràng. Do đó tôi càng lúc càng hiểu hơn về cơ chế của việc phạm sai lầm và cân chỉnh hành động của mình. Bởi vì ai cũng được phép đến sống tại trung tâm nên ngày càng nhiều người đến và cư ngụ. Trong số họ, có nhiều người tốt với các thói quen tốt, nên họ đồng tình làm theo tôi và đạt được kết quả tốt. Vì họ, tôi có thể làm và nghĩ ra nhiều việc phải làm. Có những người tốt không thể làm lãnh đạo nhưng họ là những người noi theo tốt, vì vậy tôi có cơ hội dạy họ trở thành một nhà lãnh đạo và từ đó mở rộng phạm vi các việc thiện, thành lập nhiều trung tâm mới hơn mỗi khi tôi có cơ hội. Tôi trở nên bận rộn hơn trong việc đưa ra các quyết định. Khi mới thành lập trung tâm, có rất nhiều vấn đề tôi không thể quyết định hay không thể làm, trong trường hợp đó, tôi không đưa ra quyết định nào. Nếu tôi không thể đưa ra quyết định, tôi sẽ không quyết định. Chỉ khi có thể đưa ra một quyết định chính xác, tôi sẽ quyết định. Tôi tập làm việc một cách tự nhiên, và tôi không kiểm soát mọi người. Đó là lý do tại sao ngay cả khi tôi không làm gì, một ai đó sẽ đứng ra giải quyết vấn đề. Bằng cách này, tôi có thể học hỏi từ họ, xem cách làm của họ có hiệu quả hay không, nhưng hầu hết các biện pháp thường không hiệu quả. Họ không biết chọn đúng người, đúng thời điểm, đúng nơi chốn, đúng phương pháp. Thế là, họ dạy chúng ta về cách làm thiện pháp không thành công. Tôi để cho các trung tâm Thabarwa được tự do và tôi để cho cuộc sống của tôi được tự do, không dính mắc vào bản thân như là một nhà sư hay một nhà lãnh đạo. Tôi cũng để những người khác tự do, do đó, mọi người luôn bận rộn làm một việc gì đó. Nhờ thay thế nhà cầm quyền mà bây giờ đất nước Myanmar trở nên tự do. Chính phủ trước đây không ủng hộ tự do, nhưng tại các trung tâm Thabarwa tôi đã để cho tất cả được tự do. Để được như thế này tôi phải kiềm chế sự dính mắc vào kỷ luật. Ngay cả khi tôi cho phép những người trong trung tâm được tự do làm việc, một số người lại không muốn như thế. Cho nên họ sẽ áp đặt kiểm soát và tôi phải ngăn họ. Ngay cả khi tôi không thể kiềm chế và không thể ngăn họ lại, tôi cũng không ủng hộ họ làm như vậy. Không có sự hỗ trợ của tôi, rất khó để áp đặt, kiểm soát và thiết lập kỷ luật. Nếu tôi nhấn mạnh việc thực hiện kỷ luật, chúng tôi sẽ dính mắc vào kỷ luật và các trung tâm Thabarwa sẽ không được tự do nữa; các hoạt động, thân và tâm sẽ không được tự do. Tốt hơn là nên để cho các trung tâm Thabarwa trở thành nơi dễ dàng để làm nhiều việc tốt lẫn việc chưa tốt. Bằng cách này, chúng ta có thể học được rất nhiều ở các trung tâm Thabarwa. Họ có thể học hỏi từ tôi và tôi có thể học hỏi từ họ. Chúng ta có thể học hỏi từ những người trong xã hội, vì vậy những người trong xã hội cũng có thể học hỏi từ các trung tâm Thabarwa. 

Mặc dù không đưa ra quyết định nếu tôi không thể tìm thấy một quyết định tốt, nhiều người sẽ cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách của họ. Bằng cách này, tôi có thể học hỏi từ họ sau nhiều kinh nghiệm đưa ra quyết định đúng và cả quyết định sai. Không chỉ bằng cách học mà đồng thời tôi còn phải đưa ra quyết định về những gì tôi có thể làm. Đối với những câu hỏi mà tôi có thể trả lời, tôi sẽ trả lời. Đối với những câu hỏi mà tôi không thể trả lời, tôi sẽ không trả lời. Hết lần này đến lần khác, tôi trở nên thiện xảo. Tôi nhấn mạnh sự thực hành, không quá nhiều lý thuyết. Tôi không chối bỏ kinh điển Phật giáo, nhưng một số người đang lạm dụng kinh điển. Tôi cố gắng không lạm dụng như họ mà nhấn mạnh việc giảng dạy một cách tự do. Bên cạnh đó, nếu những lời dạy của tôi khác với những giáo lý khác thì thật khó. Nó sẽ chống lại các giáo lý truyền thống khác. Điểm yếu của phương pháp này là mọi người hiểu lầm và xem đây không phải là những giáo lý của Đức Phật vì chúng không giống với những lời dạy khác. Đó là một điểm yếu nhưng một ưu điểm vì không chỉ có Phật tử mà cả những người ngoại đạo và nhiều người không có đức tin, có thể tự do học hỏi để rồi thực hành theo cách tôi hướng dẫn. Có rất nhiều lối lạm dụng kinh điển. Nếu chúng ta cứ tiếp tục làm theo thói quen, sẽ có những hệ lụy kèm theo. Tôi đang hết sức cố gắng sửa chữa sai lầm đó cho sự phát triển của Phật giáo hiện đại.

Bởi vì việc đưa ra nhiều quyết định quan trọng đúng đắn, trung tâm Thabarwa dần được quan tâm bởi nhiều người. Nó mở rộng ra toàn quốc và trên toàn thế giới vì nó đã đưa ra những quyết định tuyệt vời có thể sửa chữa sai lầm của xã hội. Vì vậy, để đưa ra quyết định đúng đắn ở thời điểm hiện tại chúng ta nên nhấn mạnh việc học thông qua sự thực hành. Chúng ta cần học tập không chỉ từ chính mình mà còn từ những người khác. Chúng ta cần nhận trách nhiệm về phụ trách tài chính, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, hành thiền và lãnh trách nhiệm về phụ trách các trung tâm như thế này. Trong xã hội, ngay cả khi con người có địa vị, họ cũng bị giới hạn, nhưng các trung tâm Thabarwa không bị nhiều giới hạn như vậy. Không có giới hạn về phía chúng tôi nhưng mọi người có thể có giới hạn của riêng họ, vì vậy họ cần phải xả ly khỏi chính họ. Nếu chúng ta nhận trách nhiệm, chúng ta chắc chắn sẽ bận rộn và chúng ta sẽ luôn đưa ra quyết định mọi lúc. Theo cách này, chúng ta trở nên thiện xảo trong việc quyết định. Tôi phải đưa ra quyết định cho nhiều cư sĩ tại gia, nhưng ngay cả khi họ hiểu điều gì là đúng, vẫn khó mà thực hiện được trong đời sống thế tục. Do đó, mọi người cần vào sống tại trung tâm và nhận trách nhiệm tìm hiểu về việc đưa ra quyết định. 

 

Thưa thiền sư, con xin đưa ra câu hỏi rằng làm thế nào để một người thay đổi từ nương tựa vào chính họ sang nương tựa vào người khác, và rồi nương tựa vào sự thực hành?

 

Chúng ta không có sự lựa chọn nào ngoài việc làm ngày càng nhiều các thiện pháp hơn nữa. Tuy nhiên, trong xã hội, việc làm các thiện pháp thì không phổ biến và thậm chí là hiếm hoi. Đó là lí do vì sao chúng ta phải tự mình hành thiện. Càng làm, chúng ta càng có khả năng làm. Nếu chúng ta nỗ lực làm các thiện pháp mọi lúc mọi nơi, chúng ta sẽ có thể đồng hành cùng với những người cũng đang làm thiện pháp toàn thời gian như chúng ta. Bằng cách này, chúng ta có thể làm nhiều hơn nữa. Nếu có nhiều người hơn trong nhóm, chúng ta có thể làm nhiều việc hơn. Nếu có nhiều người khác nhau trong một nhóm, chúng ta sẽ có khả năng làm nhiều việc khác nhau. Thực hành thiện pháp là điều tốt nhất tất cả chúng ta có thể làm. Nếu cái-gì-đó hay ai-đó là hoàn hảo, trọn vẹn, chúng ta có thể nương tựa vào điều đó. Nhưng trên thực tế, không có điều gì hoặc người nào là hoàn hảo, trọn vẹn cả. Vì vậy, chúng ta nên xả ly khỏi cái-gì-đó hay ai-đó. Để có thể xả ly, chúng ta cần tập trung vào hành động tạo thiện nghiệp ở hiện tại, chú trọng thực hành thiện pháp trong từng khoảnh khắc hiện tại. Các trung tâm Thabarwa luôn bận rộn với mọi loại thiện pháp chứ không chỉ với mỗi việc thực hành thiền. Đó là bởi vì chúng ta chú trọng thực hành thiện pháp trong từng khoảnh khắc hiện tại. Chúng ta không tập trung vào một người nào đó, dù tốt hay xấu. Chúng ta không nhấn mạnh về điều gì đó, dù đúng hay sai; không đặt trọng tâm vào thời gian, nơi chốn, dù nó tốt hay không tốt. Chúng ta chỉ quan tâm duy trì chánh niệm ngay trong hiện tại nhằm duy trì giới luật trong mỗi khoảnh khắc hiện tại. Chúng ta nên đặt trọng tâm vào việc làm tình nguyện ngay lúc này, giúp đỡ ngay lúc này, cho đi ngay lúc này, giữ giới ngay lúc này, giữ cho tâm ý được quân bình và thanh tịnh ngay lúc này, không phải khi nào khác. Nếu chúng ta hiểu ngay bây giờ, chúng ta cần làm ngay bây giờ.

Nguyên tắc này dẫn đến sự thành lập các trung tâm Thabarwa, vì vậy chúng ta đã bận rộn trong suốt thời gian kể từ năm 2007 cho đến nay. Trong xã hội, chúng ta chỉ làm việc với gia đình và bạn bè, không có sự lựa chọn nào khác. Chúng ta phải chăm lo cho bản thân mình, gia đình, công việc và bạn bè của mình. Đó là nguyên do của sự dính mắc. Vì thế, khi sơ khởi, tốt hơn là chúng ta đến thực hành thiện pháp tại các trung tâm hay các khóa thiền. Đã có sẵn nhiều việc cần làm, nhưng không có mấy ai dẫn đầu. Hiện có nhiều người trong xã hội chẳng đủ khả năng chăm sóc cho chính họ. Vì vậy, tại các trung tâm thiền, chúng ta có nhiều lựa chọn thực hành và từ đó có thể xả ly khỏi chính mình. Và cũng nhờ chuyên tâm vào những việc cần làm mà chúng ta dễ dàng xả ly khỏi thói quen thông thường. Đối với trung tâm thiền cũng vậy. Chúng tôi phải thành lập nhiều trung tâm thiền khác nhau và sẽ cần đến nhiều vị thầy. Bằng cách này, thiền sinh sẽ có nhiều cơ hội để xả ly khỏi một trung tâm, một người thầy hay một phương pháp. Nếu ngày càng có nhiều trung tâm thiền,  thì việc xả ly khỏi trung tâm, người thầy và phương pháp càng dễ dàng hơn. Nếu mọi người có thể xả ly, thì sự thực hành của họ sẽ dễ tiến bộ hơn. Tất cả đều như nhau. Chúng ta chỉ đang kinh nghiệm, vì vậy chúng ta nên cố gắng để tự mình làm các việc thiện pháp. Bên cạnh đó, chúng ta nên tạo điều kiện cho người khác thực hành như chúng ta. Nếu ngày càng nhiều người làm thiện pháp như bạn, sẽ dễ dàng hơn để xả ly khỏi chính mình. Nếu ngày càng có nhiều thiền sinh và tình nguyện viên, sẽ dễ dàng hơn cho việc xả ly khỏi ngã kiến. Nếu chúng ta không làm từng bước một, thật khó để có thể thay đổi tư duy rằng có ai đó làm thiện pháp hay hành thiền. Vì vậy, để dễ dàng hơn, chúng ta cần phải thay đổi từ người này sang người khác, từ nơi này sang nơi khác, từ phương pháp này sang phương pháp khác. Và rồi chúng ta nên cố gắng dần dần, thay đổi tư duy tự ngã sang sự hay biết hành động thiện pháp ngay trong khoảnh khắc hiện tại.

Tôi có mục tiêu thành lập nhiều trung tâm Thabarwa. Nếu chỉ có một hay một vài trung tâm, mọi người sẽ có sự dính mắc mạnh mẽ vào một nơi chốn. Vì vậy, thành lập nhiều trung tâm mới làm cho mọi người xả ly khỏi một trung tâm. Từ đó, họ có thể dễ dàng xả ly khỏi ai đó và bận rộn với việc làm các thiện pháp tại một trong những trung tâm. Hiện tại đang có hai trung tâm Thabarwa tại Việt Nam. Vì vậy mọi người có thể lựa chọn. Nếu họ không thể sống tại trung tâm TNC mới tại thành phố Hồ Chí Minh, họ có thể đến sống tại Trung tâm dưỡng lão Pháp Bảo tại Tiền Giang. Điều này thì tốt hơn. Đó là cách xả ly khỏi nơi chốn và con người. Tại nơi đây, có nhiều tình nguyện viên, trung tâm, thiền sinh, chư tăng và tu nữ. Vì vậy sẽ dễ dàng để xả ly khỏi ai đó hay cái gì đó và sẽ lợi lạc cho việc đề cao các việc làm thiện pháp. Nếu có hai nơi chốn với các công việc khác nhau, mọi người sẽ có cơ hội làm thiện pháp một cách liên tục. Nếu họ không thể làm ở đây, họ có thể làm ở nơi còn lại. Bằng cách này, mọi người sẽ dễ dàng làm các thiện pháp một cách liên tục và sau đó họ có thể xả ly khỏi việc thực hành ngay khoảnh khắc hiện tại. Chúng ta không nên tập trung vào chỉ một người hay một phương pháp. Nếu chúng ta không thể hướng dẫn cho người này, chúng ta có thể hướng dẫn người khác. Nếu tôi không thể dạy người Singapore, tôi sẽ dạy người Việt Nam. Bằng cách này, ngày càng nhiều người có khả năng làm các việc thiện pháp. Bằng cách này, chúng ta có thể thành công trong phạm quy quốc gia và cả quốc tế. Chỉ khi chúng ta có đủ sức mạnh của việc làm thiện pháp, chúng ta có thể thành công. Và để có sức mạnh của việc làm thiện pháp, chúng ta cần liên tục làm các thiện pháp. Nếu chúng ta không thể làm ở đây, chúng ta có thể làm ở nơi khác. Nếu chúng ta không thể làm với người hay nhóm người này, chúng ta sẽ làm với nhóm người khác. Bằng cách này, sức mạnh của việc làm thiện pháp sẽ mạnh mẽ và việc làm thiện pháp sẽ trở nên dễ dàng. Bởi vì những vấn đề không phải với người này hay người khác, vấn đề là sự yếu kém. Không có đủ sức mạnh của việc làm các thiện pháp, chúng ta không thể đạt được thành công trong việc cùng nhau làm với mọi người và tại các nơi chốn. Thật khó để mà có thể vượt lên trên những giới hạn. Có nhiều người mới sẵn lòng hỗ trợ các trung tâm Thabarwa bởi vì họ có thể làm các thiện pháp vượt lên trên giới hạn. Đó là lí do vì sao chúng tôi đạt được thành tựu trong đất nước mình. Bây giờ chúng ta đang cố gắng đạt được sự thành tựu khắp các quốc gia. Vì vậy, thật tuyệt nếu mọi người có thể làm theo như thế.

Thiền sư Ottamathara

14/01/2020 – Thiền viện Phước Sơn, Việt Nam
Tuệ Minh ghi – Diệu Hỷ dịch
Nguồn: FB Thiền sư Ottamathara

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app