TRÌNH PHÁP – TẠI VIỆT NAM (2)

Kính thưa thiền sư, bà của con năm nay hơn 80 tuổi, tâm bà luôn có những suy nghĩ tiêu cực và nóng vội. Nguyên nhân do bà hay lưu tâm đến hai người con trai đã mất. Bây giờ, con có thể làm gì để giúp tâm của bà được bình yên? Và bản thân con cũng khá hấp tấp, khi làm việc gì cũng không tập trung bền bỉ, làm việc này nhưng nghĩ đến việc khác. Ví dụ lúc nãy ngồi nghe pháp mà tâm con lại nghĩ mình nên đặt câu hỏi gì. Vậy làm sao để con có được sự tập trung?

 

Thực chất, chính vô minh – không hiểu biết đúng đắn và tham ái – dính mắc là 2 nguyên nhân chính điều khiển mọi người, mọi thứ, mọi vật. Cho nên, bất kể điều gì chúng ta làm, chúng ta nhìn thấy, chúng ta suy nghĩ, tất cả cũng chỉ vì vô minh – hiểu biết không đúng đắn và tham ái hay còn gọi dính mắc. Do vô minh nên chúng ta cho rằng bản thân chúng ta là có thật và những gì chúng ta đang làm là đúng và có thật. Bên cạnh đó, do tiếp tục dính mắc vào sự hiểu biết không đúng đắn này nên chúng ta không thể thay đổi và lặp đi lặp lại mãi không bao giờ kết thúc. Nếu không hay biết và không nhận ra sự thiếu hiểu biết hoặc dính mắc của chính mình, chúng ta không thể nào thay đổi được tình huống, không thể nào thay đổi được quan kiến và hành động của chính mình. Cho nên, trong trường hợp của bạn và bà bạn, điều cần làm đó là hãy cố gắng làm việc phước thiện nhiều nhất có thể; đồng thời, hãy tìm hiểu về lý thuyết chánh niệm và xả ly để thực hành chánh niệm và xả ly nhiều nhất có thể. Bởi không có cách nào khác, tất cả chúng ta cần phải nhận thức được sự thiếu hiểu biết và dính mắc của mình. Để đối trị với chúng, chỉ có chánh niệm và xả ly mới có thể giúp chúng ta hiểu biết về sự vô minh về dính mắc của mình. Khi càng thấu tỏ sự thiếu hiểu biết và dính mắc của mình ở đâu, chúng ta ngày càng giảm thiểu vô minh và tham ái. Chính vì vậy, chúng ta cần phải thực hành chánh niệm hay biết và xả ly, đây chính là sự thực hành cốt yếu. Nếu không thể thực hành ở nhà hay ngoài xã hội, bạn hãy đến trung tâm Thabarwa; như vậy, bạn và bà bạn có thể tự thực hành và học hỏi thêm từ người khác. Bởi nếu cùng làm việc phước thiện với nhau, chúng ta sẽ được hỗ trợ bởi những người khác nữa, đây là cách hiệu quả nhất giúp bạn giải quyết vấn đề như thế này.

Mục đính chính của việc lưu trú tại trung tâm Thabarwa là để thay đổi mọi thứ từ trong tâm thức. Khi ở trung tâm tức bạn đang thay đổi không gian sống của mình, thay đổi những người mà bạn phải đối mặt và công việc đang làm, thay đổi việc ăn thức ăn không phải mình thích mà thọ dụng thực phẩm được người khác cúng dường. Cho nên, tất cả chúng ta cần phải thay đổi, nếu không dám thay đổi, chắc chắn cái tâm của chúng ta vẫn giữ nguyên như vậy; khi dám thay đổi, tâm của chúng ta sẽ thay đổi. Khi tâm thay đổi, chúng ta có thể ở bất kể nơi nào, thực hành với bất kỳ ai, ở với bất kỳ ai. Có rất nhiều người đã và đang ở trung tâm Thabarwa, cũng có nhiều người đã quay về cuộc sống xã hội, nhưng dù họ tiếp tục ở trung tâm hay trở lại xã hội, tâm của họ đã thay đổi trong một khoảng thời gian không quá dài. Cho nên, trong trường hợp của bạn và bà bạn, nếu có thể thực hành theo những lời tôi dạy thì bạn hãy thực hành. Nếu bà bạn chưa thể, bạn hãy tiên phong thực hành trước, sau đó bạn sẽ giảng giải lại cho bà của mình dựa trên chính trải nghiệm của mình.

Trong một tháng qua, con có tìm hiểu về thiền định và chút giáo lý Phật giáo, con nhận thấy tâm con đã thay đổi theo hướng tốt hơn, cảm thấy mình dễ hòa đồng hơn. Nhưng có điều, bà con hay quên và đôi khi không nhận thức được mọi việc, con suy nghĩ rằng có cách nào con làm việc thiện để tác ý và con nên tác ý thế nào để tâm bà con được bình an hơn?

 

Công việc của tôi cũng đã và đang dạy rất nhiều người lớn tuổi và người già trải qua nhiều năm rồi, một trong những việc khó làm nhất; đó là lý do tôi chú trọng chúng ta cần phải làm thiện pháp với người già và người lớn tuổi. Bởi đối với họ, rất khó để có thể tự thay đổi bản thân, nên những ai gần gũi và tiếp xúc họ cũng cần phải kiên nhẫn. Người lớn tuổi và những bệnh có xu hướng giữ mãi những thói quen của mình, vẫn bảo toàn y nguyên tập khí đến khi qua đời. Cho nên, những người trẻ và có sức khỏe như chúng ta hãy giúp họ nhận ra và dần thay đổi những thói quen cố hữu. Việc cố gắng thay đổi tư tưởng người lớn tuổi không mấy khả quan và không hiệu quả, cũng giống như việc cố gắng sửa một cái xe cũ, chúng ta sửa rồi lại phải sửa lại và rồi chúng ta lại phải sửa lại, và có lẽ quy trình này kéo dài vô tận. Thế nên, những người trẻ, những người còn khả năng hãy cố gắng thay đổi chính bản thân mình. Hãy làm nhiều việc phước thiện không chỉ cho bản thân mà trong trường hợp của bạn là cho bà của bạn, cho gia quyến và cho những người đã quá vãng.

Chính những việc phước thiện mới là tài sản thật sự của chúng ta, vì tài sản thật sự nên chúng ta mới có thể cho đi và san sẻ cho người khác. Nếu xét về tiền bạc, nhà cửa, bạn bè thì không phải là tài sản thật sự, nên chúng ta không có khả năng chia sẻ những thứ đó cho người khác. Do tài sản thật sự nên không ai có thể lấy khỏi chúng ta được, chính vì vậy cho nên nó an toàn. Tôi đã cố gắng dạy cho những người trẻ có thể làm được như thế, có thể hiểu được như thế, nhưng bởi còn trẻ nên mối quan tâm của họ là về học vấn, kinh doanh, gia đình riêng; thế nên khi về già, họ cũng phải đối diện những vấn đề mà người già đang phải đối diện. Vì vậy, khi còn trẻ, còn có khả năng, chúng ta cần phải thay đổi thói quen của mình, cố gắng gieo trồng thiện pháp nhiều nhất có thể, cố gắng làm những việc đúng đắn và tốt đẹp từ khi còn là trẻ con. Về phía mình, tôi đã bắt đầu làm thiện pháp từ năm 30 tuổi, không chỉ làm cho thiền sinh, tôi còn làm cho những người lớn tuổi, những người sức khỏe yếu, gia quyến và bạn bè của tôi. Khi thấy tôi làm như vậy, họ vô cùng hứng thú với tôi và lời dạy của tôi, và cũng hứng khởi với trung tâm Thabarwa; nhờ vậy, họ có cơ hội thay đổi để giải thoát và buông bỏ. Nếu những hành động hiện tại của chúng ta có thể thay đổi, chắc chắn cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi. Chính vì vậy, trong trường hợp của bạn, hãy làm việc phước thiện nhiều nhất có thể không chỉ cho bản thân của bạn mà còn cho bà của bạn.

Hôm nay, chúng ta đã cùng nhau đi khất thực trong khuôn viên ngôi trường này. Mục đích của việc đi khất thực là để giáo dục con người biết thêm một phương pháp gieo trồng phước thiện. Thực ra, tôi không muốn chỉ đi khất thực trong khuôn viên trường, bởi những người ở đây đã dành một ngày hành thiền và nghe pháp với nhau nên chúng ta đã thu hoạch được nhiều lợi ích. Nhưng đối với những người bên ngoài, họ không có cơ hội nghe pháp, hành thiền nên không gặt được những lợi ích như chúng ta; nên mục đích của tôi muốn đi bát ở những cái chợ và siêu thị gần khu vực này hơn là chỉ khất thực trong khuôn viên nhà trường. Khi làm việc phước thiện như vậy tức chúng ta đang thực hành việc cho đi, việc cúng dường đến chư tăng và tu nữ. Đây cũng là hình thức giáo dục và tôi muốn giáo dục cho mọi người có khả năng làm và nên làm, nếu có thể thực hành cho đi theo cách đó, khả năng buông bỏ của chúng ta sẽ ngày càng tăng trưởng và chúng ta có thể xả ly những ham muốn của chính mình.

Chúng tôi ở đây là những thiền sinh, chúng tôi thực hành thiền, chúng tôi có những người dạy về thiền, chia sẻ thiền và cùng làm việc phước thiện với nhau. Nếu có thể hỗ trợ cho chúng tôi, đó là cơ hội mà các bạn sẽ có năng lực làm giống như chúng tôi. Tức là khi chúng ta hỗ trợ cho người mà họ có khả năng làm điều gì đó, trong trường hợp này là những người có khả năng hành thiền, có khả năng dạy thiền, có khả năng làm phước thiện thì khi hỗ trợ cho họ, chúng ta sẽ có khả năng làm được như họ, cũng có khả năng dạy được như họ. Bởi đây là quy luật nhân và quả. Khi tôi dạy, không phải người nào cũng có thể hiểu và thực hành ngay, nếu chưa hiểu bạn có cơ hội thực hành ngay chính việc làm thiện pháp như thế này. Khi bạn càng làm những việc làm thiện pháp tương tự thế này, tầm hiểu biết của bạn sẽ ngày càng rõ ràng và sâu rộng hơn. Giả sử trong trường hợp khất thực, tôi cũng rất cố gắng xin phép để khất thực bên ngoài chứ không phải trong khuôn viên trường. Tôi muốn khất thực trên đường phố, trong các chợ, siêu thị nhưng chúng ta không có cơ hội này và mình chỉ có thể làm bên trong trường.

Chúng ta cũng cần hiểu rằng có những lúc muốn làm nhưng chúng ta không có lựa chọn nào khác; vì vậy, những người ở ngoài kia cũng không có cơ hội chứng kiến và làm những việc thiện pháp này và họ không học được cách thực hành như chúng ta ở đây. Nếu cố gắng làm với sự hiểu biết như vậy, tôi luôn luôn tạo ra các điều kiện để mọi người quen với việc thiện tháp, với các việc phước thiện khác nhau, làm phước thiện cho chư tang hay những cô tu nữ. Khi càng làm nhiều hơn, chúng ta sẽ tự động nhìn thấy lợi ích của những hành động đó. Những người bình thường ngoài kia họ có những công việc của mình, họ tập trung làm việc vì tiền hoặc làm kinh doanh nên họ phải chịu đựng những tình cảnh gian nan, đau khổ đến từ chính sự trải nghiệm cá nhân. Tương tự, khi làm phước thiện, chúng ta sẽ có cơ hội trải nghiệm thực tế và thấy được lợi ích của việc làm phước thiện; nên trong lời dạy của mình, tôi khuyến khích và chú trọng mọi người làm thiện pháp nhiều nhất có thể. Tôi động viên mọi người làm nhiều việc phước thiện khác nhau, ví như việc khất thực ngày hôm nay. Tôi muốn giới thiệu đến mọi người những cách thực hành nhiều hơn, làm những công việc phước thiện cho chính mình và cho những người đang ở xã hội ngoài kia. Nếu không thể giúp được cho ai đó thì ít nhất chúng ta cũng đang làm cho chính mình; cũng giống như bạn, nếu không thể làm cho bà của bạn, bạn có thể làm cho chính mình. Và chúng ta có thể làm những việc phước thiện khác nhau bằng nhiều cách khác nhau để tạo ra phước, để tạo ra việc thiện.

Thiền sư Ottamathara

Tháng 05/2018, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam
Xin tri ân quý đạo hữu đã thực hiện bản dịch
Nguồn: Facebook Thiền sư Ottamathara

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app