SỰ CỐNG HIẾN VÀ NIỀM TIN TÔN GIÁO

Kính bạch Ngài, trên con đường chứng ngộ Sự thật tối hậu, sự cống hiến tôn giáo và niềm tin vào Phật pháp có quan trọng không ạ? Điều đó quan trọng như thế nào? Và làm thế nào để nuôi dưỡng niềm tin và sự cống hiến cho Phật giáo?

 

Nhiều người khi hiểu rồi mới hành, nhiều người nhờ hành thiện pháp rồi mới hiểu. Đối với nhóm chỉ hiểu thông qua thực hành, chúng tôi phải mở các trung tâm thiền và các khóa thiền. Đối với nhóm muốn tìm hiểu trước – thực hành sau, chúng tôi phải tổ chức các buổi học về Chơn Đế và các buổi trình Pháp. Cả hai nhóm đều thiết thực. Đây là để giải quyết bất tri cái tốt, bất tri cái đúng. Ở trung tâm Thabarwa, chúng tôi nhấn mạnh việc hành thiền và thiện nguyện giúp đỡ người gặp khó khăn. Chúng ta sẽ nhận cái đã cho đi, nếu không cho đi thì không nhận được gì. Vì chia sẻ nơi trú xứ, vật thực, thuốc men,… và hỗ trợ người già, người bệnh, nhờ duyên lành đó mà chúng ta được nhiều đạo hữu trợ giúp và nhiều thí chủ cúng dường. Bên cạnh đó, chúng ta chia sẻ những hiểu biết, trải nghiệm về nhân – quả và Chơn Đế nên chúng ta ngày càng hiểu về Sự Thật trên. Bằng cách này sẽ giúp phát triển về thân-và-tâm. Cội nguồn của thiếu trí tuệ là do không chia sẻ cái ta hiểu và không thực hành thiện pháp, trong đó có giữ giới và hành thiền. Sự ta đang làm đây, ở trung tâm thiền này là cho tất cả nhân sanh, trong bất kì hoàn cảnh nào, ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào. Chúng ta không nên hiểu rằng hành thiền và hành thiện chỉ cần làm ở trung tâm thiền. Thiện pháp là phước báu dành cho tất cả, người có năng lực hay không có năng lực, hiểu hay chưa thực sự hiểu. Vì không biết về những điều này nên nhiều người không thực hành. Nếu hành thiện liên tục, chúng ta chắc chắn phát triển năng lực tâm, không những của chúng ta mà còn của những người xung quanh.

Để hiểu về Chơn Đế và giác ngộ, niềm tin và sự cống hiến tâm linh là cần thiết, không nên chối bỏ. Tôn giáo có thể nói là quyền lực lớn nhất trong mọi hình thức xã hội. Nếu ta không có niềm tin tôn giáo, ta không thể thấy sức mạnh của tôn giáo. Cần đeo đuổi tôn giáo nhưng nếu không thể xả li tôn giáo thì cũng không chứng ngộ được Sự Thật. Nếu chấp nhận tôn giáo thì có thể hiểu và sử dụng sức mạnh này. Ngoài ra, cũng cần hay biết về sự dính mắc vào tôn giáo của mình để có thể xả li khỏi điều đó. Nếu không hiểu biết về tôn giáo, ta không thể thực hành Pháp. Nếu không trải nghiệm hạnh xả li, chúng ta cũng không thể giúp người khác thực hành được. Với dính mắc, ta không thể chứng nghiệm Sự Thật và rồi không thể đặt trọn niềm tin vào tôn giáo. Nhờ có tôn giáo mà ta có được những kiến thức nền móng về sự thật, nhưng nếu không xả li khỏi tôn giáo, ta sẽ không có những trải nghiệm thực chứng tự thân.

Tôn giáo là phương tiện mà ta nên thử chỉ-sử-dụng-mà-thôi, bằng sự rõ biết về tham-sân-si của chính ta trong hiện tại. Ta cần luôn biết sửa lỗi sai của mình. Ta phải dám buông bỏ tà kiến, thân kiến. Phải có năng lực hòa mình vào Tự nhiên hay là Sự Thật. Tâm chấp nhận có ai đó, có cái gì đó, tại nơi chốn này, tại thời điểm kia là nguyên căn của dính mắc và vô minh. Bởi vì tất cả điều trên đều không thật; chỉ-sử-dụng-mà-thôi. Chúng ta cần tin vào những người phụng sự tôn giáo, nơi chốn phụng sự tôn giáo, giáo lí. Đừng chối bỏ, cần có niềm tin; nhưng đừng dính mắc, cần chánh niệm từng hành vi thiện pháp. Càng ưu tiên thực hành thiện pháp trong từng khoảnh khắc, chúng ta càng bớt dính mắc vào người khác. Tin tưởng vào pháp thiện bao gồm giữ giới và hành thiền là cách tốt nhất chúng ta có thể làm. Đây là con đường để sử dụng niềm tin một cách đúng đắn.

Bạch Sayadaw! Con đang tu tập nhờ sự hướng dẫn của một vị thiền sư người Miến Điện ở Mandalay đã ba năm nay và tập trung cao độ trong năm vừa qua. Con thấy có sự tiến triển trong khả năng tu tập của con. Tâm con bình lặng hơn. Nhưng mỗi đêm sau khi thiền con không ngủ được. Con từng mất ngủ cả tháng nhưng vẫn cảm thấy cơ thể khỏe mạnh. Từ khi tham gia khóa thiền này, hiện tượng mất ngủ lại tái diễn. Như vậy có ổn không ạ? Con xin thỉnh Sayadaw cho con lời khuyên.

 

Tôi từng gặp những thiền sinh có vấn đề giống bạn. Nếu có thể thả lỏng, buông bỏ các hành động thân-khẩu-ý, đạt được chánh niệm trên chính cái tâm hay biết, chắc chắn bạn sẽ thấy mệt mỏi vì bạn không quen thực hành như vậy. Nếu không buông bỏ các hành động thân-khẩu-ý, thì các hành nghiệp sẽ khởi sanh. Dẫu biết các hành động về thân-khẩu-ý rất khó để kiểm soát. Nhưng càng khó, ta càng nên cố gắng thực hiện. Chúng ta nên thực hành những đề mục mà bình thường ta chẳng thể giữ nổi chánh niệm. Nếu có năng lực kiểm soát thân-khẩu-ý để không làm gì cả thì không-làm-gì-cả trở nên dễ dàng và làm-gì-đó trở nên khó khăn. Sẽ là có năng lực để thực hiện những điều nên làm, mặc dù sẽ khó khăn ban đầu. Sự khó khăn này tự nhiên thôi, chắc chắn nó sẽ diễn ra khi ta theo đuổi Con Đường Trung Đạo. Đừng chối bỏ mà nên cố gắng chánh niệm trong tâm, an trú trong Pháp hay còn gọi là là Sự thật hoặc là Tự nhiên vô-thường-luôn-mới. Điều này sẽ giải quyết được hiện tượng mất ngủ của bạn.

Nhưng bạch Sayadaw, khi con không thể chánh niệm bằng cái tâm hay biết, mà lại không ngủ được, thì con nên làm gì? Thường thì con quan sát tâm nhưng cũng nhiều khi không có năng lực đó và chỉ biết là mình đang thức. Ngài có giải pháp nào cho con không ạ?

 

Nếu không thể chánh niệm trên cái tâm hay biết, ta nên thực tập thường xuyên hơn, nghiêm túc hơn. Ngoài ra, ta nên làm những điều trong khả năng, ta nên giúp đỡ người khác hoặc có thể xuất gia. Đây không phải là bám víu mà là buông bỏ và nâng cao năng lực. Giờ bạn đang thiện xảo hơn trong việc quan sát tâm. Bên cạnh đó, còn nhiều năng lực bạn chưa có, bạn nên thử. Vì lợi lạc cho tất cả chúng sanh. Ví dụ nếu chúng tôi không thể thành lập trung tâm TNC ở địa điểm hiện thời, chúng tôi sẽ thử nơi khác vì đó là việc nên làm. Khi không thể chánh niệm, bạn thử làm những việc khác bạn chưa có năng lực, có nhiều việc để làm. Chúng ta thực hành liên tục, như là việc đi học. Khi đã hoàn thành lớp 5 thì không cần phổ cập lại mà tiến lên lớp 6 rồi lớp 7. Cuối cùng cũng sẽ tốt nghiệp. Thiền tập cũng như vậy. Phương pháp quán thân mà bạn đang thực hành không phải là đích đến, chỉ là bước khởi đầu. Nếu có năng lực, hãy hành nhiều hơn, để biết ta có khả năng làm rất nhiều việc.

Giống như Thabarwa, trung tâm thiền của chúng tôi ban đầu dự định là dành cho các thiền sinh. Rồi nhiều người khác muốn ở lại, họ muốn thực hành thiện pháp và chúng tôi mở cửa cho tất cả. Tất nhiên gặp rất nhiều trở ngại và chúng tôi chấp nhận như lẽ tự nhiên, không chối bỏ và cứ tiếp tục hết thử thách này tới thử thách khác. Sau ba năm, Thabarwa không đơn thuần là trung tâm thiền mà là một phức hợp, được nhân rộng toàn quốc rồi trở thành đa quốc gia. Đó là đường đi của phương pháp chỉ-làm-mà-thôi. Bạn nên chấp nhận lẽ tự nhiên khi hiện tượng mất ngủ xuất hiện. Cứ bình thản chấp nhận thì nó không còn là vấn đề, nếu không thì nó phát triển thành phiền não. Giống như già yếu, bệnh tật và cái chết. Hãy chỉ-trải-nghiệm-mà-thôi, chỉ-sử-dụng-mà-thôi.

Thiền sư Ottamathara

10/01/2020 – Thiền viện Phước Sơn, Việt Nam

Kha Nguyen thực hiện

Nguồn: Facebook Thiền sư Ottamathara

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app