CHÁNH KIẾN – XẢ LY KHI HÀNH THIỀN CÙNG NHAU

Hôm nay 09/01/2020 – ngày thứ ba trong khoá tu 9 ngày tại thiền viện Phước Sơn, Việt Nam. Phương pháp thiền của tôi sẽ giúp các bạn không còn tu tập theo lối mòn sai lầm nữa. Tuy nhiên, các bạn chỉ lắng nghe chứ đừng dính mắc vào lời dạy của tôi, cũng chẳng nên chối bỏ. Là một thiền sinh, chúng ta hãy chú trọng tu tập chánh niệm trong mỗi giây khắc hiện tại. Đối tượng chánh niệm có thể khác nhau từ lúc này đến lúc khác, người này sang người khác. Hơi thở, âm thanh bên ngoài, lời nói từ sự giảng dạy của tôi hay bất kì đối tượng nào trong thân tâm… đều có thể được dùng làm đối tượng cho sự tu tập chánh niệm.

Với vai trò một người thầy dẫn dắt, tôi sẽ giúp các bạn có được chánh kiến – sự thấy biết chân chánh. Còn các bạn là thiền sinh, hãy cố gắng chánh niệm trong từng khoảnh khắc hiện tại. Đây là phương pháp thực hành cộng tác giữa người thầy và thiền sinh nên cả hai phía chúng ta cần sẵn lòng làm tròn bổn phận của mình. Tôi đã và đang giảng dạy hơn 20 năm không ngừng nghỉ, bất kể thời gian, nơi chốn, hoàn cảnh, con người. Tôi tin rằng những người học trò cũng sẵn lòng làm tròn bổn phận như tôi đang hoàn thành trọng trách giảng dạy của mình. Nếu cả hai phía không thực hành tròn trách nhiệm, sự tu tập của chúng ta sẽ khó lòng thành tựu trong cách thức làm việc cùng với nhau.

Về phía mình, tôi lựa chọn giảng dạy thiền bằng phương thức làm mọi thiện pháp. Trải qua nhiều năm, tôi đã và đang có khả năng thực hành như vậy. Thực ra, trên thế giới chẳng có nhiều vị thầy hướng dẫn thiền tập kết hợp làm thiện pháp, và cũng chẳng mấy ai thiền tập đồng hành làm phước thiện. Bởi thế, hầu hết mọi người trong xã hội luôn gặp trắc trở cả về thân lẫn tâm. Còn phần đông thiền sinh cũng chẳng dễ dàng đạt được giải thoát nhưng ít ra họ cũng giảm thiểu chướng ngại trong tâm thức cũng như trong cuộc sống. Tất cả chúng ta cần phải tu tập chánh niệm và xả ly ngay khi ở trường thiền và trong đời sống xã hội. Làm thiện pháp không ngừng nghỉ như vậy đảm bảo chúng ta sẽ gặt được nhiều thiện quả trong tâm thức cũng như trong cuộc sống của mình. Mọi người nên cố gắng thực hành chánh niệm và xả ly. Càng chánh niệm, chúng ta càng có năng lực xả ly. Chánh niệm và xả ly chính là tài sản vững chắc của chúng ta. Là một người thầy, tôi có khả năng chánh niệm trong sự giảng dạy của mình, và với vị thế thiền sinh, các bạn cần chánh niệm vào sự lắng nghe của mình. Tuy trên cương vị khác nhau nhưng chúng ta đang thực hành thiện pháp cùng nhau. Thế nên, chúng ta đang áp dụng phương pháp thực hành tâm thức cá nhân kết hợp tâm thức tập thể và chúng ta đừng nên quên điều này. Nhờ hành thiện pháp cùng với nhau, chúng ta đang sử dụng cả hai trạng thái tâm, một là tâm của mình, còn lại là toàn bộ hay sự phối hợp tâm của cả nhóm. Hai trạng thái tâm khác biệt này đang hoà hợp cùng nhau và có khi một tâm cũng đang tranh đấu với tâm còn lại. Đôi lúc, trạng thái tâm riêng lẻ sẽ phát huy sức mạnh nhưng sự kết hợp của cả nhóm lúc nào cũng có năng lực hơn. Cả hai trạng thái tâm này cuối cùng cũng chỉ-sử-dụng-mà-thôi, không dính mắc cũng không chối bỏ. Chúng ta hãy sử dụng hai trạng thái tâm theo phương pháp đúng đắn nhờ vào làm tất thảy các loại thiện pháp.

Tất cả chúng ta – những thành viên không chỉ trong khoá thiền này mà còn đại diện cho Phật giáo hiện đại. Chúng ta nối kết với Phật giáo hiện nay cũng như với Phật giáo quá khứ và vị lai. Thế nên, tất cả chúng ta đang liên đới với đức Phật vô hạn, vũ trụ vô biên, vô lượng chúng sanh hữu tình cũng như chúng sanh vô tình. Là một cư sĩ, chúng ta đang có liên hệ với gia đình, quốc tịch, tôn giáo, đất nước của mình; đó là lý do đời sống giữa một thiền sinh và một Phật tử khá khác biệt nhau. Những gì chúng ta thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và nhận biết được thì hạn định, nhưng những gì chúng ta không thể thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và nhận biết thì vô lượng vô biên. Nếu nhìn từ quan kiến chúng sanh hữu tình, mọi thứ và mọi người có liên hệ với chúng ta đều quan trọng. Nhưng nếu xét theo khía cạnh bản chất vô thường, không có ai hay không có gì là quan trọng với chúng ta. Hiểu biết và thực hành như vậy là đúng đắn và thiện lành. Chúng ta nên chú trọng sự hiểu và thực hành như vậy; đây cũng là điều tối hậu đối với tất cả chúng ta. Khi đang làm thiện pháp, chúng ta đừng nên để ý rằng làm như vậy hay không làm như vậy, trải nghiệm như vậy hay không trải nghiệm như vậy, hiểu biết như vậy hay không hiểu biết như vậy, sử dụng như vậy hay không sử dụng như vậy. Mà chúng ta chỉ lưu tâm đến việc duy trì thực hành chánh niệm và xả ly nhờ thực hành mọi loại thiện pháp. Với khát ái và tham lam, chúng ta ắt hẳn chẳng bao giờ đạt được thứ mình muốn. Chỉ bằng cách thực hành như vậy, đảm bảo chúng ta sẽ thành tựu mọi sở nguyện.

Thưa ngài! Con vừa mới nghỉ việc ở cơ quan nhà nước và con có tâm nguyện muốn xuất gia trở thành tu nữ trọn đời. Hiện tại con đã sẵn sẵn sàng nhưng ba mẹ lại không cho phép con đi xuất gia. Vậy làm thế nào để con thuyết phục được song thân của mình thưa ngài?

 

Tôi từng giải quyết vấn đề của nhiều phụ huynh muốn con mình xuất gia thành chư tăng hay tu nữ để hành thiền, nhưng những đứa trẻ lại không muốn. Trường hợp của bạn thì ngược lại, bạn có chí nguyện trở thành nữ tu mà không được sự đồng thuận. Dù không được sự chấp thuận của ba mẹ nhưng bạn hãy thử xuất gia trong vòng một tháng ở bất cứ nơi nào, bất luận có thuận tiện khi làm tu nữ hay không. Bạn cũng có thể thực hiện ý định nếu cảm thấy phù hợp, và cũng nên xin phép ba mẹ xuất gia trong một khoảng thời gian ngắn. Bạn hãy mời ba mẹ đến ở cùng để bạn tiện bề săn sóc. Ngay cả vợ chồng cũng bất hoà khi thực hành thiện pháp, tương tự giữa cha mẹ và con cái cũng vậy. Đảm bảo hai bên đều chẳng thể làm phước thiện cùng nhau và phần đông các gia đình khó lòng đồng hành làm thiện pháp. Nếu muốn làm thiện pháp, chúng ta hãy cố gắng tự thân làm và phải có khả năng xả ly khỏi cha mẹ của mình. Nếu đủ can đảm, bạn mới có thể xuất gia làm tu nữ; nếu không, bạn chẳng thể toại nguyện với ý định của mình. Đời sống chư tăng hay tu nữ thực ra khá khác biệt với đời sống cư sĩ nên họ không thường cộng trú với nhau. Chỉ ở trung tâm chúng tôi, chúng tôi chào đón mọi người, làm tất cả các loại thiện pháp; thế nên, cả gia đình đều có thể sống cùng nhau. Điều này cũng tự nhiên thôi. Nếu chúng ta muốn hoàn thành nguyện vọng mà trông đợi vào sự cho phép của gia đình, đảm bảo rằng chúng ta sẽ không thể thực hiện ý định. Trong trường hợp này, chúng ta đừng nhất nhất tuân theo cha mẹ, thầy tổ hay bạn bè quá mà hãy thử một lần chống lại họ. Nếu bạn có thể xuất gia tu tập một cách chân chánh, ba mẹ bạn chắc chắn sẽ thực hành theo bạn. Ngay khi họ không thể xuất gia nhưng họ vẫn có thể đến và thực hành cùng bạn. Bằng cách này, gia đình bạn sẽ có cơ hội được quây quần.

Trong trường hợp cha mẹ có cho phép bạn xuất gia đi chăng nữa, tu sĩ chúng ta vẫn phải đối diện vô vàn chông gai trên con đường tu tập và chạm trán bao nhiêu khó khăn trong việc làm phước thiện. Bởi thế, tôi đã gặp nhiều tu sĩ với ý chí  xuất gia và hành thiện pháp mạnh mẽ; nhưng rồi nhiều người trong số họ xả y và quay về đời sống thế tục. Nếu bạn vững vàng với ý định xuất gia và dành cả đời để tu tập cũng như làm phước thiện, trước hết bạn hãy thử xuất gia gieo duyên trong vòng một tháng hoặc ba tháng. Nếu ba mẹ bạn vẫn không chấp nhận thì bạn hãy quyết đoán vì không có sự lựa chọn nào khác. Bạn có thể đến Myanmar để xuất gia và tu tập ở Liên Hoa – viện dưỡng lão Pháp Bảo của Thabarwa hay Trung tâm Thabarwa ở TP.HCM, hoặc trong khoá thiền sắp tới tại Malaysia.

Thiền sư Ottamathara

09/01/20 – Thiền viện Phước Sơn, Việt Nam
Kha Nguyen ghi – Sayalay Pãnca Skandha dịch
Nguồn: Facebook Thiền sư Ottamathara

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app