TỰ NHIÊN VÀ TẠO TÁC

 

Do có các sáng chế hiện đại, kết nối giữa con người với nhau dễ dàng hơn; cả địa cầu thu lại như một ngôi làng. Các sáng chế phát sanh để phục vụ nhu cầu của xã hội. Không cần chống lại những sự tạo tác ấy, thay vào đó chúng ta cần chỉ-làm-mà-thôi với chánh niệm và xả ly. Hưởng lợi từ những công việc tạo tác không thôi thỉ không đủ, chúng ta cần phải khai thác từ các tạo tác lẫn tự nhiên, tìm hiểu cả hai mặt ấy. Nếu dính mắc nhiều vào tự nhiên, chúng ta sẽ dễ bất đồng với những ai dính mắc vào tạo tác. Cần chấp nhận cả hai; nếu đã chọn một cũng đừng bác bỏ điều còn lại. Thế hệ trẻ hẳn sẽ chấp trước mạnh mẽ vào các sáng chế hơn là tự nhiên. Trong thiền cũng vậy, có hai cách quan sát. Một là sự hiểu biết hoặc tri kiến không trọn vẹn của thế gia, tương tự như sự hiểu biết tạo tác. Bên còn lại là cái hiểu đúng, chánh tri kiến, điều tương quan với sự hiểu biết gốc. Cả hai là để chỉ-sử-dụng-mà-thôi với chánh niệm và xả ly.

Chúng ta thường chấp trước điều này và chối bỏ điều kia. Tập khí ấy đã được huân tập thành thói quen cố hữu. Hãy chấp nhận và cố gắng sử dụng tất cả (các tạo tác lẫn tự nhiên) một cách hợp thời, hợp nơi chốn, hợp hoàn cảnh, hợp con người. Mọi chúng sanh và phi chúng sanh đều để chỉ-sử-dụng-mà-thôi và chỉ-không-sử-dụng-mà-thôi, chỉ-trải-nghiệm-mà-thôi và chỉ-không-trải-nghiệm-mà-thôi, chỉ-hiểu-mà-thôi và chỉ-không-hiểu-mà-thôi, chỉ-biết-mà-thôi và chỉ-không-biết-mà-thôi cùng với sự thực hành chánh niệm và xả ly. Người thế gian thường quan tâm về kinh tế, giáo dục, an sinh xã hội; trong khi Tăng, Ni, tình nguyện viên và thiền sinh luôn ưu tiên hành pháp thiện, giúp đỡ, quan tâm, chia sẻ, bảo vệ, bằng giới trong sạch và tâm tĩnh lặng. Hành thiện mà không trì giới và hành thiền thì khá nguy hiểm. Chúng ta cần kết nối sự thực hành các thiện pháp này lại với nhau, vừa hành thiện vừa giữ giới và thanh lọc tâm. Có như thế sự thực hành sẽ bình an và trọn vẹn.

Khi hành thiện, không nên soi mói nhược điểm hay sai lầm của người khác mà hãy hay biết chính sự ưa thích và ghét bỏ trong tâm mình, quan sát cả sự thất niệm. Tôi không rao giảng các mỹ từ mà giảng về thuyết nhân quả trong sự thực hành thiện pháp. Chắc hẳn sẽ có sai sót trong việc tôi sử dụng ngôn ngữ, trong cả tiếng Anh lẫn tiếng Miến. Nhưng tôi sẽ ưu tiên không phạm sai trong việc giảng giải về Sự Thật và thế nào là hành thiện. Chúng ta hãy luôn nhớ rằng không có bất cứ ai hay bất cứ điều gì là trọn vẹn cả. Nếu không thể tha thứ lỗi lầm của ai đó thì khi ta phạm sai chẳng ai tha thứ cho ta cả. Nếu khinh người, ta sẽ bị người khác khinh khi. Nếu chẳng tin ai, đương nhiên chẳng ai tin ta. Giờ đây, chúng ta đang thực hành thiện pháp cùng nhau, duyên lành này sẽ giúp chuyển hóa tâm và cuộc đời ta. Với sự hiểu biết đúng, chúng ta nên tin tưởng lẫn nhau, không vì một ai cụ thể mà là vì Pháp (Dhamma) hoặc như tôi thường gọi là sự thực hành thiện pháp. Thiên lệch bảo vệ ai hay điều gì đó là không trọn vẹn; tuy nhiên, bảo vệ Sự Thật của Tự nhiên vô-thường-luôn-đổi-mới là trọn vẹn. Chúng ta nên chú tâm vào Tự nhiên vô-thường-luôn-đổi-mới hơn là ai-đó, cái-gì-đó hay thời gian và nơi chốn.

————————

 

Bạch Sayadaw, con chưa bao giờ tham gia khóa thiền nào trước đây, con từng học thiền qua mạng và qua sách vở. Trước khóa thiền, con có trải nghiệm mất đi hơi thở và thân thể trong lúc hành thiền, mọi thứ như thảy đều biến mất vào thời điểm đấy. Con vẫn tự hỏi điều gì đã xảy ra và con nên làm gì cho sự thực hành của mình?

 

Là vì dính mắc để cố gắng cảm thấy hơi thở và thân thể. Là vì không chấp nhận sự ra đi của hơi thở và thân thể. Khi có trải nghiệm như thế, bạn cần chấp nhận sự biến mất của hơi thở và thân thể. Vậy mà tâm bạn không chịu buông bỏ mà ngược lại tâm bạn lại níu giữ các đối tượng đó, như vậy là sai. Sự biến mất của thân thể và hơi thở diễn ra như thế là đúng, nhưng sự níu giữ của bạn khi kinh nghiệm ấy diễn ra là sai. Mỗi khi kinh nghiệm tương tự sinh khở, bạn không cần làm gì hơn, đơn giản là chấp nhận nó. Cả khi ý niệm về ta hay về ai đó tự dưng biến mất, cũng nên cố gắng chấp nhận. Đừng chấp thủ vì như thế là sai lầm; hãy thực hành điều đúng đắn, ta sẽ chứng nghiệm Sự Thật. Bạn nên cố gắng tiếp tục thực hành, chấp nhận Sự thật của những gì đang xảy ra, kể cả sự biến mất của thân và tâm.

 

Kính bạch Ngài, con từng thực hành Samatha một thời gian dài, giờ thì con bắt đầu học Vipassana. Con nghe nói rằng Samatha sẽ tự nhiên dẫn dắt ta tới Vipassana như là một bước tiến về chánh niệm. Có đúng không ạ? Con xin thỉnh ý kiến của Ngài.

 

Nếu ta so sánh Samatha như là một khóa thiền có kì hạn thì Vipassana như là một trung tâm thiền toàn thời gian. Một khóa thiền đơn thuần giới thiệu cho thiền sinh tìm hiểu thế nào là Dhamma (Pháp) và thực hành thiện pháp. Hầu hết mọi người không thể diệt trừ vô minh và dính mắc chỉ nhờ một vài khóa thiền. Một phần vì họ khó tham gia trọn vẹn thời khóa cho 5, 7 hay 10 ngày liên tục. Có thể nói, các khóa thiền chỉ giúp giảm trừ phần nào vô minh và dính mắc mà thôi. Các khóa thiền sẽ giúp ta kiểm soát được kilesa hay là tam độc trong tâm, tham – sân – si. Một trung tâm thiền toàn thời gian thường sẽ chuyển hóa được cuộc đời và tâm của các thiền sinh ở đấy. Họ đến, trú lại và hành thiền bất kể thời điểm nào, hành thiền không giới hạn. Đây là cơ duyên để thiền sinh trừ diệt dính mắc về những giới hạn vì họ có cơ hội được thực hành thiện pháp toàn thời gian. Nếu ta có đủ năng lực để thực hành thiện pháp toàn thời gian trong một trung tâm thiền, ta có thể hoàn toàn chuyển hóa tâm và kiếp sống này và trở nên khác biệt với người sống đời sống thế gian.

Samatha chỉ có thể tác động vào cái quả chứ không thay đổi được nhân. Cội nguồn của Kilesa là các việc thế gian, sống trong gia đình của mình, làm việc vì gia đình của mình và bảo vệ gia đình của mình. Ngay cả khi có năng lực giúp đỡ người khác, ta cũng sẽ không thể làm được vì xung quanh ta chẳng ai làm vậy cả. Cả khi có năng lực trì giới, ta vẫn sẽ dễ duôi. Cả khi có thể bố thí, ta cũng hiếm khi cho cái ta có dành cho người khác. Nếu không buông bỏ những sai lầm thế gian này, chúng ta sẽ không bao giờ thoát khỏi phiền não tam độc. Nếu như chỉ tham dự khóa thiền là đủ thì tôi sẽ chẳng gầy dựng trung tâm thiền toàn thời gian, vì điều này rất vất vả và tôi phải chịu trách nhiệm cho mọi thứ. Tuy nhiên việc này rất tuyệt vời! Samatha không thể là Vipassana. Một khóa thiền không thể so sánh như một trung tâm thiền toàn thời gian được. Sự thay đổi tự nhiên sẽ không diễn ra nếu chính ta không thay đổi (gieo nhân thiện). Nếu chúng ta không tập trung gầy dựng một trung tâm thiền toàn thời gian, chúng ta sẽ chẳng bao giờ làm được. Nếu không tập trung tổ chức một khóa thiền, chúng ta cũng sẽ chẳng bao giờ làm được. Cả hai việc đều khó nhưng đều cần thiết như nhau.

Thiền sư Ottamathara

10/01/2020, thiền viện Phước Sơn, Việt Nam
Kha Nguyen thực hiện
Nguồn: Facebook Thiền sư Ottamathara

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app