TRÌNH PHÁP: NGÃ, THAM VỌNG & TRỞ NGẠI LỚN NHẤT

Thưa Ngài, làm cách nào Ngài có thể thay đổi tư duy từ tự ngã sang vô ngã, từ niềm tin rằng có cái ngã tồn tại sang niềm tin rằng không có ngã tồn tại?

 

Khi còn chưa xuất gia, tôi đã trưởng thành với hiểu biết hạn hẹp về nhân loại. Là con người, hiểu biết của tôi có giới hạn, trí thông minh và năng lực của tôi cũng bị giới hạn, không được tự do; tôi không thể vượt thoát lên trên những giới hạn hay quy định đó nên không được mãn nguyện. Tôi đã không hiểu biết hơn mức giới hạn của một con người, không thể hành động hơn mức giới hạn của những người, những chúng sinh khác. Khi tôi thử đi ra ngoài những hạn mức đó, tôi không được cho phép, chẳng thể nào thỏa nguyện. Tôi có mong muốn giúp đỡ người khác, nhưng tôi đã không thể giúp được nhiều như tôi nghĩ. Mong muốn làm thiện pháp không giới hạn của tôi đã không thể trở thành sự thực giữa xã hội này, vì tôi chưa có đủ năng lực và trí tuệ để phá vỡ tiền lệ của thế gian. Vậy nên, tôi đã nương tựa vào Phật – Pháp – Tăng. Khi bắt đầu hành thiền, tôi có cơ hội nương tựa nơi Pháp bảo và tôi có thể sử dụng uy lực từ Pháp bảo. Nhờ việc làm thiện pháp hay là năng lực của Pháp mà tôi có thể xả ly khỏi những người khác, không cần phải bắt chước theo họ; chỉ cần liên tục thực hành thiện pháp. Chỉ-làm-mà-thôi. Nếu bạn đang làm như thế, tâm trí và đời sống của bạn chắc chắn sẽ thay đổi. Rất nhiều người đang sống tại đây và họ có cơ hội được tự do làm thiện pháp.

Chúng tôi chú trọng quan tâm đến những người cần giúp đỡ nhất trong xã hội, chủ yếu là những người già yếu, bệnh tật, chư tăng ni… Nhờ làm việc vì người khác, chúng tôi có thể xả ly khỏi chính mình. Càng xả ly khỏi chính mình, chúng tôi càng có khả năng làm việc vì người khác. Càng xả ly khỏi những sinh hoạt hằng ngày của mình thì năng lực làm thiện pháp của chúng ta càng lớn.

Thưa Ngài, bản ngã của con luôn thúc giục rằng con phải trở nên nổi tiếng, vậy con nên làm gì?

 

Chúng ta cần hiểu rằng ta không thể dựa dẫm vào chính mình, chúng ta nên dựa vào việc làm thiện pháp để thỏa mãn nhu cầu của mình. Nếu chúng ta dựa dẫm vào một ai đó, hay cái gì đó, điều này không trọn vẹn. Chúng ta có thể làm việc hăng say và nỗ lực để đạt danh tiếng trong sự nghiệp; nhưng điều này không được đảm bảo. Nếu bạn không có đủ năng lực từ phước báu hay thiện pháp, bạn không bao giờ có thể thành tựu. Làm thiện pháp như thế này là việc quan trọng nhất để đáp ứng nhu cầu của chúng ta. Bạn muốn trở thành ai cũng được nếu bạn tiếp tục làm thiện pháp như thế này. Rất nhiều người được thỏa nguyện tại trung tâm Thabarwa bởi vì rất dễ làm thiện pháp tại đây. Tại nơi này, chúng ta không chú trọng vào thời gian, nơi chốn, con người để làm thiện pháp; chúng ta chỉ chú trọng vào việc tiếp tục làm nhiều thiện pháp hơn và hơn thế nữa.

Thưa Ngài, vấn đề lớn nhất hiện nay mà trung tâm Thabarwa đang phải đối diện là gì?

 

Đó là không hiểu biết về năng lực tự nhiên của việc làm thiện pháp. Vì không hiểu được năng lực của những thiện pháp chúng ta đang làm đây, mà rất nhiều tình nguyện viên và thiền sinh tỏ ra nôn nóng, họ không thể nhẫn nại. Thế rồi họ rời khỏi trung tâm, từ bỏ sự thực hành này. Theo lối đó, họ sẽ càng xa rời Chánh kiến. Trái lại, họ cần phải làm nhiều và nhiều thiện pháp hơn nữa để có được hiểu biết chân chánh. Chúng ta càng hiểu nhiều về bản chất tự nhiên, chúng ta càng có khả năng tha thứ, buông xả, kham nhẫn, hy sinh. Tham, sân và si là những vấn đề lớn nhất trong trung tâm này và trong xã hội nữa. Do đó, chúng ta cần phải kham nhẫn, biết chấp nhận cả tốt và xấu. Đói hay no, giao tiếp hay tịnh khẩu, sống hay chết, khỏe mạnh hay bệnh tật, tất cả đều không quan trọng. Làm thiện pháp cùng nhau không ngừng nghỉ, chỉ-làm-mà-thôi mới là quan trọng nhất trên tất thảy tại trung tâm này. Tôi đang cố gắng bằng tất cả sức mình, mọi lúc mọi nơi, vậy nên những ai có liên quan đến tôi cũng có thể làm thiện pháp hết mình. Đây là quy luật nhân quả. Nếu tôi không tròn trách nhiệm, bạn cũng sẽ không tròn bổn phận. Nếu tôi hoàn thành trách nhiệm, bạn cũng sẽ hoàn thành bổn phận. Đây là phương pháp tôi dùng để đáp ứng nhu cầu của trung tâm Thabarwa.

Thiền sư Ottamathara

27/01/20 – Trung tâm Thabarwa Thanlyin, Myanmar
Pháp thoại với Tình nguyện viên Quốc tế
Sayalay Khema Cari ghi – Sayalay Anicca Nani dịch
Nguồn: Facebook Thiền sư Ottamathara

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app