TRÌNH PHÁP: DÍNH MẮC VÀO NIỆM PHẬT
Kính bạch Sayadaw! Mẹ con là tu sĩ xuất gia theo Phật giáo Bắc Tông. Bà ấy chỉ chuyên chú niệm danh hiệu Phật A Di Đà và rất dính mắc vào đấy. Bà ấy từ chối các pháp tu khác và chỉ tiếp tục thực hiện thói quen tụng kinh đó. Làm thế nào để con có thể giải thích để cho bà hiểu về Sự thật?
Hãy chỉ-sử-dụng-mà-thôi. Hiện tại, tin tức về Covid-19 luôn luôn được cập nhật toàn thế giới, rất nhiều người dính mắc vào các tin tức này mọi nơi mọi lúc. Chúng ta đừng nên chối bỏ chúng nhưng hãy nhớ chỉ-làm-mà-thôi. Chừng nào chúng ta có thể chỉ-kinh-nghiệm-mà-thôi khi tiếp nhận những thông tin mới ấy, ta có thể xả ly. Đừng quên Sự thật, chỉ trải nghiệm thôi và xả ly khỏi ai đó hoặc cái gì đó đang khởi lên trong tâm ở thời điểm hiện tại. Bạn nên thực hành nghiêm túc phương pháp này, rồi bạn sẽ có thể hiểu làm thế nào để giúp đỡ mẹ bạn, chia sẻ với bà về sự dính mắc. Bạn được tiếp xúc với tôi nhiều hơn với mẹ của bạn nên bạn có thể học hỏi từ tôi; mẹ bạn tiếp xúc với bạn nhiều hơn với tôi nên bà ấy có thể học hỏi từ bạn. Bạn đang ở trong tâm của bà ấy, bà ấy cũng ở trong tâm bạn. Đây là kết nối giữa tâm với tâm. Nếu có sức mạnh xả ly trong tâm bạn, nó sẽ ảnh hưởng đến tâm của mẹ bạn. Bản thân bạn là quan trọng nhất trong tất cả; bạn bè, cha mẹ, người thân của chúng ta đang dựa vào chúng ta. Nếu chúng ta có thể thay đổi chính mình, họ chắc chắn sẽ thay đổi theo. Bạn phải thực hành không chỉ cho bạn mà còn cho mẹ của bạn nữa.
Dạ vâng, Sayadaw. Nhưng mẹ con đã nhiều năm thực hành theo phái Tịnh độ, và ở đất nước con, họ tin tưởng mạnh mẽ rằng việc niệm A Di Đà Phật ngày càng nhiều sẽ giúp chúng ta tái sinh ở Tây phương Cực lạc (Sukhāvatī) – vùng đất của Phật A Di Đà. Mẹ con lớn tuổi rồi nên bà không thể đến trường Phật giáo để học như con được, nhưng con lại không biết giải thích thế nào cho bà.
Đó là lý do bạn nên giảng giải về Sự thật cho người Việt Nam và những người lớn tuổi như mẹ bạn. Họ chắc chắn sẽ học hỏi được từ bạn. Bạn phải cố gắng. Chỉ bằng cách thực hành, bạn có thể giải quyết vấn đề này. Sẽ có mối liên hệ. Điều đó cũng tương tự khi tôi dạy cho người già, rất khó khăn. Các thiền giả lớn tuổi, thường dính mắc rất mạnh với phương pháp, với vị thầy, với nơi chốn hành thiền. Lúc đầu tôi không thể dạy họ suôn sẻ. Việc giảng giải dễ hơn cho người mới và rất khó khăn đối với người cao tuổi. Nhưng tôi không từ bỏ, tôi tiếp tục hướng dẫn thiền. Và tôi đã tìm ra phương pháp giảng giải thành công hơn nhưng phải mất khá nhiều năm. Học hỏi và tìm kiếm giải pháp bằng thực tiễn, không phải bằng suy tư. Suy tư sẽ không hiệu quả, thực hành là cách giải quyết tối ưu cho rất nhiều vấn đề.
Con cảm ơn Ngài. Con sẽ cố gắng chia sẻ những lời dạy của Ngài và giáo lý Phật Giáo Nguyên Thủy – Theravada cho mẹ con và cố gắng giúp bà từ bỏ thói quen thực hành cũ.
Những gì bạn đang nói về giáo lý Phật Giáo Bắc Tông cũng chưa đúng. Nếu bạn không thể buông bỏ quan kiến đó, bạn không thể có được thành tựu khi sửa chữa lỗi lầm của người khác. Bạn đang sử dụng giáo lý Theravada chưa chính xác. Nếu bạn chấp thủ về phía Theravada và cho rằng: “Điều này đúng”, đó là sự nắm giữ. Bạn có thể theo đuổi giáo lý nguyên thủy nhưng không nên chấp thủ: “Điều này đúng! Điều đó sai!”. Như vậy là sử dụng chưa đúng. Nếu bạn chối bỏ một cái gì đó và cho rằng nó là sai thì lời dạy của bạn cũng sẽ bị chối bỏ và phủ nhận. Tôi dạy về chỉ-làm-mà-thôi và tôi không chấp thủ vào đó. Chỉ-làm-mà-thôi là đúng và tôi không nói các phương pháp khác sai. Đó chính là chỉ-sử-dụng-mà-thôi. Bạn nên thực hành thêm về điều này. Bên cạnh đó, bạn cũng giảng giải cho những người khác chỉ-sử-dụng-mà-thôi. Lý thuyết và sự thực hành này là để chỉ-sử-dụng-mà-thôi, không được chấp thủ.
Thiền sư Ottamathara
29/03/2020 – Trung tâm Thabarwa Thanlyin, Yangon
Pháp thoại với Phật tử Việt Nam về đại dịch Covid-19
U Ariya ghi – Kha Nguyen chuyển ngữ
Nguồn: Facebook Thiền sư Ottamathara